Làn Da Của Đất Chương 5

Chương 5
Khu vườn dệt thần diệu

Không sao bứt được ra khỏi tâm trí những bông hoa thêu trên miếng vải trắng quàng quanh đầu bà nội Hassiba trên tấm ảnh cứ mãi ám ảnh tôi, tôi bèn bắt đầu tìm ở Mogador khu vườn bằng vải. Đó ắt phải là thứ gì đó thật đặc biệt mà Hassiba không biết. Tôi nhớ lại những họa tiết hoa khác nhau trên áo choàng truyền thống của người Bécbe đi kèm với những hình trừu tượng màu sắc rực rỡ, và cả những tấm thảm Ba Tư cổ điển có trang trí mẫu hoa giống như những thiên đường nhỏ. Tất cả những thứ đó chắc hẳn quá thường đối với sở thích của Hassiba. Tôi phải tìm thấy ở Mogador ít nhất một khu vườn dệt có một không hai, từ Ba Tư, Nam Sahara hay nơi nào khác đến.

Tôi sực nhớ đến bộ trang phục nghi lễ đầy ấn tượng với hình thêu kể về những huyền thoại vùng Chiapas_(1). Chắc ở đây cũng phải có thứ gì đó tương tự. Nếu ở Mogador có một khu vườn bằng vải thú vị thì chắc Joseph bạn tôi phải biết, anh có một cửa hiệu nằm phía dưới quán cà phê Taros nơi bán những loại vải rất đẹp.

Không hề làm tôi thất vọng, Joseph cho tôi xem một trong những vật báu trong bộ sưu tập riêng của anh. Thứ rất ít người có may mắn được xem. Anh lôi từ chiếc hòm khóa tới năm vòng ra nhiều mẩu vải phủ đầy những họa tiết giống nhau tạo thành một bộ trang phục mà người ta vẫn coi là vật báu, theo như Joseph bảo tôi. Bộ trang phục gồm ba phần: váy, khăn vấn và áo, tất cả đều phủ đầy những bông hoa nhỏ xíu được thêu và dệt nổi, thật giàu chi tiết.

Đến Mogador từ xa xưa trong số chiến lợi phẩm của một tàu cướp biển, bộ trang phục này đã được truyền tay qua nhiều gia đình sống ở cảng suốt nhiều thế kỷ. Nó không hề có dấu sờn rách, không một vết bẩn, và người ta coi nó là thứ đồ vật thần diệu, là vật lấy khước. Nó còn được gọi là “áo choàng của Pizarro(1)_” vì theo truyền thuyết những tên cướp biển Mogador đã cướp bộ trang phục này của ông ngoài khơi khi ông từ Peru trở về mang theo báu vật. Với khu cảng có thành bao quanh, Mogador từng là chốn ẩn náu của cướp biển, những kẻ vốn nhiều lần tiếp tay cho lũ cướp biển nổi tiếng vùng Andalucia nhưng kiếm ăn ở Salé(2)_, thường tấn công tàu Tây Ban Nha ghé vào quần đảo Canaries(3)_ khi vượt Đại Tây Dương. Thời đó nghề cướp biển rất phát đạt, thường được đám thương gia và những kẻ có máu mặt trong thành tài trợ bởi e sợ phải cạnh tranh với đám cướp biển của nữ hoàng Anh hay của Bồ Đào Nha.

Những tên cướp biển Mogador may mắn gặp được Pizarro và cướp được của ông thứ mà bản thân ông cũng cướp từ Thành vàng ở Cuzco(4)_ thì ngay sau đó lại lâm vào một trong những cơn bão tồi tệ nhất hoành hành trên đại dương. Khoang tàu bọn chúng chất đầy vàng nên nguy cơ chìm tàu là rất lớn. Để khỏi bị mất vàng và cứu lấy mạng mình, chúng quyết định quăng xuống biển tất cả những gì không có giá trị, kể cả đồ ăn dự trữ và đạn đại bác, rồi quẳng cả tù nhân đang bị xiềng xích và những tên cướp bị thương. Vài ba nữ nô mới bị bắt có sắc đẹp rực rỡ được giữ lại cho đến phút chót, nhưng rồi cuối cùng cũng bị ném xuống biển.

Khi chúng đã quẳng hết những thứ chiến lợi phẩm không phải là vàng xuống biển thì chiếc rương mà sau đó chúng mới biết là có đựng “áo choàng của Pizarro” không hề chìm. Kỳ lạ là chiếc rương cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước và tạo ra quanh nó một vùng tĩnh lặng trên sóng, vùng tĩnh lặng đó cứ lan dần đến tận chân trời. Có cái gì đó trong chiếc rương đã làm ngừng cơn bão và cứu sống đám cướp cùng với đống vàng của chúng. Phát điên vì vui sướng và kinh sợ, bọn cướp vớt cái rương lên. Chúng cũng cứu được các nữ nô, vài nhà tu hành không ngớt cảm ơn Chúa trời, cùng các nhà quý tộc mà chúng hy vọng sẽ đòi được tiền chuộc.

Tò mò và có phần sợ hãi, chúng quyết định bằng mọi giá phải xem chiếc rương cứu mạng chứa thứ gì. Nhiều tên trong bọn cướp sợ sẽ phải thấy trong rương gương mặt một vị thánh Cơ Đốc, điều sẽ làm đức tin của chúng lung lay. Những tên khác lại tin chắc là chiếc rương có chứa thứ bùa chú quyền năng, quý giá hơn cả đống vàng chất trong khoang tàu, hay thậm chí là djinn, vị thần biết ơn sẵn sàng đáp ứng mọi nguyện ước của chúng. Vài tên trong bọn nài nỉ đừng mở rương dù với cớ gì đi chăng nữa, vì chắc cơn bão bị nhốt trong đó, khi mở ra thì nó sẽ lại hoành hành, đe dọa đến mạng sống hay đúng hơn là đống vàng của chúng.

Nhưng khi đám cướp chỉ lôi ra được một miếng vải quý màu sắc lóng lánh hoàn toàn được dệt bằng lá và hoa, chúng không biết phải nói gì về thứ mình đang thấy nữa. Chúng cảm thấy nặng nề vì vỡ mộng và khó hiểu. Một trong những nhà tu hành thoát nạn bèn tiến lên nói:

“Thứ mà các vị đang thấy là một khu vườn, có lẽ là khu vườn cổ nhất của Lục địa Mới. Miếng vải này từng là chiến lợi phẩm mà các vị chúa tể Inca đã cướp được của dân tộc huyền thoại mà họ đặt tên là Chimú. Người ta nói rằng miếng vải này huyền diệu vì nó tượng trưng cho thiên đường của người Chimú. Người Inca dùng nó làm áo choàng cho các thầy tu mặc khi đứng trên đỉnh đền thờ để cầu xin thần linh cho đàn bà xứ họ mắn đẻ, cho hạt giống xứ họ được sinh sôi nảy nở. Người ta kể rằng tấm vải này khiến mưa rơi trên sa mạc. Mọi giống cây thần kỳ của người Chimú đều được thêu nổi trên tấm vải bằng đường chỉ, như thể bề mặt tấm vải là mặt đất nơi đủ mọi loại cây hoa mọc lên, và ta có thể nhận ra mọi giống: đây là ngô, và đây là hoa cây coca, chúng hòa hợp với nhau và lá cây coca nấu lên tạo thành thứ nước thuốc vô cùng hiệu nghiệm; đây là hoa cây bông, còn đây là những loài cây củ ăn được, và những loài khác nữa. Nó giống như cuốn sách về thực vật, nhưng với những trang sách đẹp tuyệt trần. Những dân tộc xa xôi đó không có sách, họ kể lại mọi thứ bằng sợi chỉ, bằng những thứ ngôn ngữ dệt mà ta chỉ hiểu được phần nào. Các cây cối trên tấm vải được phân bố theo hình kỷ hà, hình xoáy trôn ốc đi từ cái đơn giản và hữu hình đến thứ khó hiểu và vô hình. Bên dưới bề mặt mà chúng ta thấy có một lớp vải khác với vài nhân vật. Có thể đó là các thần linh dưới âm của họ, cũng có thể đó là người chết. Từ tim mỗi người nở ra một bông hoa hay một loài cây. Có lẽ đó là linh hồn của thiên nhiên, nguồn lực họ có được từ thế giới âm, chốn địa ngục nơi hoa không cháy mà lại nảy nở trước sức nóng. Các bậc bề trên của chúng tôi từng nghiên cứu hiện tượng này gọi chúng là “lũ quỷ vườn”. Họ tin rằng chúng là nguyên nhân sinh ra thói tà dâm ở các dân tộc này.”

Vẻ đẹp và nét bí hiểm của bộ trang phục bằng hoa lá này khiến tôi nghẹt thở. Từ ngày đó, cứ khi nào đi ngang qua cửa hiệu của Joseph, tôi lại xin anh cho xem bộ trang phục, để được xem lại khu vườn dệt, thiên đường bằng sợi chỉ luôn được trái tim của vị thần nào đó sưởi ấm.

Anh muốn bước vào tim em bằng những sợi chỉ ấy. Hòa trộn sâu trong em bằng bông hoa. Và cùng em trở về từ cái chết với nụ cười ngạo nghễ do sự sống ban cho. Khoác lên mình anh và em khu vườn pháp thuật và cảm thấy lớn dần lên trong chúng ta cái vòng ánh sáng đủ sức làm ngưng bão tố hay để cho bão tố hoành hành trong thẳm sâu mỗi chúng ta. Anh muốn hòa vào em, đi từ cái hữu hình đến cái vô hình, từ thứ anh tôn thờ đến thứ anh chưa được biết, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh muốn là người làm vườn nghi lễ của những hình xăm bằng chỉ nở hoa trong em. Vun trồng cho chúng, rồi hòa mình vào chúng, gặt hái lấy hương thơm và quyền năng của chúng. Anh muốn là vị thầy tu mê thứ tôn giáo thực vật đến mù quáng, thứ tôn giáo mà mỗi đêm trăng tròn em lại kiến lập trong anh.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26497-lan-da-cua-dat-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận