Làn Da Của Đất Chương 7

Chương 7
Khu vườn lý lẽ

Vì ngày nào cũng đi hỏi về các khu vườn ở Mogador để về kể cho Hassiba nghe, tôi đã gặp một người luôn tươi cười được coi như nhà thông thái trong khu Do Thái ở gần chợ kim hoàn, ông kể cho tôi nghe về một khu vườn rất đặc biệt, khu vườn hiện thân cho mọi ham muốn. Thấy tôi cứ nằn nì mãi nên ông đành chỉ cho tôi chỗ mà người ta gọi là “Khu vườn Lý lẽ”. Ông chỉ cho tôi thấy một tòa nhà lớn gần cửa ô Doukhala. Thời Bồ Đào Nha còn thống trị, nơi này từng là tu viện dòng Dominique và sau đó, trong hơn một thế kỷ, là nơi đóng quân đồn trú.

Cuối cùng thì mới đây quân đội đã rút khỏi tu viện, theo yêu cầu của rất nhiều người từ rất lâu rồi. Người ta cũng đạt được nguyện vọng rằng tu viện sẽ không bị biến thành khách sạn, bãi đỗ xe hay trung tâm thương mại. Nó phải trở thành một nơi chốn chung dành cho mọi người dân Mogador.

Trong các tòa nhà cổ, người ta sẽ mở một viện bảo tàng trưng bày những thứ được làm hoặc được bán ở Mogador, còn cái sân vốn chiếm phần lớn diện tích của khu đất sẽ được biến thành vườn hoa, không gian vô cùng cần thiết ở Mogador, ai cũng thống nhất như thế.

Một ủy ban thị dân đã được thành lập để quyết định mục đích và ý tưởng thiết kế khu vườn. Ủy ban này gồm những người đại diện cho các ngành nghề và lợi ích khác nhau, hai người cho mỗi lĩnh vực. Họ làm việc miệt mài suốt nhiều tháng ròng để giới thiệu với công chúng dự án tốt nhất cho khu vườn. Nhưng có một việc bất thường đã xảy ra. Nếu không phải là dự án về vườn tược và nếu mỗi người đại diện không quá nhấn mạnh đến lợi ích cá nhân thì hẳn đã chẳng có chuyện như thế. Chuyện là thế này: không dự án nào được quá một phiếu. Ai cũng khăng khăng giữ ý kiến, cứ như thể cuộc sống của họ phụ thuộc vào dự án mà họ chọn vậy. Đương nhiên là chỉ nghĩ đến vườn thôi người ta đã tưởng tượng ra những ham muốn thiên đường mà họ không những toàn tâm toàn ý vun vén mà còn gán cho nó cả ý nghĩa sự sống của bản thân nữa.

Vì vậy, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và quyết định khu vườn phải là nơi trưng bày những hạt giống cổ tìm thấy ở khu đất này, nơi tất nhiên sẽ để lại một cái hố thật to để mọi người thấy các chuyên gia đã làm việc với các lớp cắt địa tầng như thế nào.

Các sử gia cho rằng trong khu vườn phải trồng các loại cây mà những người bán lá thuốc cổ xưa ở thành Mogador từng vẽ trong sách của họ và những tài liệu khác đang được lưu trữ.

Các nhà sinh học thì nghĩ rằng phải giới thiệu bộ mẫu các loài cây đã được biết đến hay chưa từng được biết đến. Chúng sẽ được gieo xuống đất vườn theo trật tự tên trong bảng chữ cái, nhưng người thì muốn sắp xếp cây theo tên Latinh, còn người lại muốn dùng tên thông dụng.

Các họa sĩ, vốn có vai trò rất quan trọng trong thành phố, muốn có một khu vườn nơi các loại đất và cây cối được sắp xếp theo màu. Người thì tìm được một mỏ đất màu xanh như vỏ chanh rất hợp với một số loài cây. Người khác lại không muốn có khung cảnh trừu tượng, mà là một sự “sắp đặt” nơi người ta ghép hồng vào lựu, đội tóc giả cho xương rồng, nơi người ta trồng cây bằng cách cắm ngọn xuống dưới và chổng rễ lên trời; tóm lại là một khu vườn ý niệm phía trên phủ một bông hoa giấy mang độc một chữ: “biến đổi”.

Những người bảo thủ muốn khu vườn trồng những giống cây đang tuyệt chủng.

Các nhà sinh thái muốn khu vườn là “lá phổi xanh” của thành phố.

Các nhà tu hành muốn khu vườn là nơi yên tĩnh để cầu nguyện và nhập định.

Những người có khuynh hướng địa phương chủ nghĩa muốn một triển lãm chỉ dành riêng cho tất cả các loài cây tiêu biểu của vùng này. Thậm chí họ còn tuyên bố sẵn sàng nhổ và đốt hết mọi loài cây ngoại lai.

Các nhà nhân chủng học và dân tộc học muốn có một khu vườn trồng các loại cây từng được nhiều nền văn minh thời tiền sử và trong lịch sử ở vùng này dùng trong ẩm thực, y học, trang sức và làm đẹp.

Các kiến trúc sư thiết kế một vòm kính phủ lên khắp khu vườn, vòm kính này được đỡ ở mỗi đầu bằng những cái cột siêu công nghệ nhọn mảnh như kim, và họ còn thiết kế các bông hoa đủ loài, quan trọng là làm bằng xi măng.

Thấy khó mà có thể khiến mọi người nhất trí với nhau, người ta bèn nhờ đến các ủy ban chuyên gia vườn tược quốc tế. Các chuyên gia lần lượt đến, rồi, thay vì chỉ phát biểu ý kiến về các dự án, họ lại đưa ra những gợi ý cho khu vườn:

Người Nhật vẽ một khu vườn thiền rất đẹp, có cát sơn màu và đá, gợi nhớ đến các hòn đảo của Mogador dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bờ biển, cây cối, biển và cả những đám mây.

Người Pháp thiết kế và cương quyết bảo vệ cho dự án một khu vườn hoàn toàn theo hình kỷ hà dưới mọi góc nhìn. Một khu vườn thật hoàn hảo với những hàng cây tỉa thẳng tắp, hoa và bụi cây được thay đổi hàng ngày theo vòng quay được thiết lập sẵn cho hai thế kỷ. So với khu vườn đó thì Versailles(1)_ chỉ là cái sân sau lộn xộn.

Người Anh khăng khăng đòi dựng một ngọn đồi nhân tạo nhưng trông không có vẻ là đồi và một thung lũng nơi mọi thứ đều như là vô tình nhưng thực ra được kiểm soát chặt chẽ.

Người Ý thích một khu vườn theo kiểu barốc và có phong cảnh phương Đông, với những hang động mang hình những khuôn mặt khổng lồ và ngàn lẻ một đài phun nước luôn phát những khúc hát, mỗi đài tương ứng với một đêm của nàng Seherazát. Cùng một mê cung không có lối vào lẫn lối ra.

Các chuyên gia Mexico quyết định đặt vài hòn đảo nhỏ nổi trên biển và cho đến tận bên trong tường thành. Những hòn đảo đó cực kỳ màu mỡ, nối với nhau bằng những kênh rạch có thể làm ngập thành phố rồi lại rút nước đi mỗi khi thay đổi chính quyền.

Người Braxin muốn thể hiện thực vật vùng Amazon như trong một vở kịch, với khu rừng rậm bằng bìa cứng, những chú chim bay và cảnh đám lái buôn gỗ phá rừng. Họ dự định cho diễn hai lần: buổi sáng và buổi tối, tất cả các ngày trong tuần.

Người Peru giới thiệu một dự án không chê vào đâu được. Họ dự định đưa hàng triệu triệu tàu chở đầy đất đai phì nhiêu từ những vùng tươi đẹp nhất ở phía Bắc Địa Trung Hải về Mogador. Như những người Quechua xưa từng làm với Thung lũng Thiêng liêng của họ, người Peru định biến chỗ đất mang từ xa về này thành những thềm đất trên sa mạc, rồi sau đó, như đã từng làm ở Lima, họ sẽ xây những hồ chứa nước mênh mông bằng bê tông đặt trên hàng cột đỡ, làm cho các nhà khảo cổ sau này phải tự hỏi liệu nơi đây có từng tồn tại một dân tộc tôn thờ Chậu Thiêng.

Người Venezuela có ý tưởng trộn lẫn thực vật với bê tông, rồi cho thêm vào đó ô tô, và dựng ở mỗi góc vườn một cửa hàng bán những loài cây lạ tuyệt đẹp.

Cuộc tranh luận cứ tiếp tục mãi. Người ta dự định lập những ủy ban chuyên gia mới với hy vọng cuối cùng sẽ đạt được ý tưởng cho khu vườn tương lai vốn từng gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ với mọi người: đó là khu vườn lý tưởng, khu vườn tất yếu, khu vườn cho đến lúc này đang chứa đầy những loài hoa lạ của trái tim mà những người làm vườn gọi là “lý lẽ”.

Vậy thì, hỡi Hassiba, anh đặt niềm say mê và lẽ sống của anh vào khu vườn mà chúng ta đang tạo ra từng ngày. Nhưng anh không muốn nhìn xa hơn bước đầu tiên đến với nó. Nếu những ham muốn của em luôn thay đổi, anh muốn mỗi ngày được là một kẻ mơ mộng khác trong những khu vườn của em, và được vun xới cho mỗi khu vườn ấy, dù ngay khi ấy em có yêu cầu anh phải tìm hướng khác. Anh muốn mơ mãi không thôi rằng có thể đến gần em qua những giấc mơ của em, được chạm vào em trong những cơn mơ đó và được thay đổi giấc mơ theo bước chân em.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26499-lan-da-cua-dat-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận