Ở Khardji, cuộc sống đã trở nên bất khả. Bị giằng co giữa nỗi xấu hổ và sự đau đớn, em âm thầm chịu đựng. Tất cả những điều khó chịu mà hắn bắt em phải chịu đựng, ngày lại ngày, đêm lại đêm, em biết phải nói với ai? Trên thực tế, ngay từ buổi tối đầu tiên, em đã hiểu rằng sẽ chẳng còn gì được như trước đây nữa.
- Mabrouk! Mabrouk!
Mắt dán chặt vào thân thể bé nhỏ không một mảnh vải che thân của em, mẹ chồng em vỗ vỗ lên mặt em để đánh thức em dậy. Em lại trông thấy bà ấy như thể vẫn là hôm qua. Ánh sáng buổi sớm tràn ngập căn phòng. Phía đằng xa, vang lên tiếng gáy của một chú gà trống. Qua vai bà mẹ chồng, em nhận ra vợ của anh chồng em, người đã cùng đi suốt chặng đường với chúng em. Em vẫn còn nhễ nhại mồ hôi. Em mở to mắt và nhìn thấy sự lộn xộn trong phòng ngủ. Chiếc đèn dầu đã lăn đến tận cửa. Chiếc váy màu hạt dẻ của em kéo lê trên đất như một cái giẻ lau nhà cũ kỹ. Hắn, hắn ở đó, trên chiếu và ngủ như một con gấu. Đúng là wahesh - đúng là “ác quỷ”! Và trên tấm khăn trải giường nhàu nát có một vệt máu nhỏ... Truyen8.mobi
- Mabrouk! chị vợ của anh chồng em nói thêm.
Với nụ cười nhếch mép, chị nhìn chòng chọc vào vết đỏ. Em câm bặt. Như bị tê liệt. Thế là bà mẹ chồng nghiêng người về phía em và ôm em vào lòng như ôm một cái gói. Tại sao bà ấy không đến sớm hơn khi em cần sự giúp đỡ của bà ấy? Bây giờ, dẫu sao cũng đã quá muộn rồi... Trừ phi bà ấy đồng lõa với điều mà hắn vừa bắt em phải chịu đựng? Vừa ấn đôi bàn tay vào sườn em, bà ấy vừa dùng chân đẩy cửa, bế em ra phòng tắm là một căn phòng chật hẹp nơi có một cái chậu gỗ và một cái xô và bắt đầu té nước vào người em. Ôi, lạnh quá!
- Mabrouk! hai người phụ nữ đồng thanh thốt lên.
Những lời nói họ nói rì rầm bên đôi tai mệt mỏi của em. Em cảm thấy mình thật nhỏ bé, hết sức nhỏ bé. Em đã mất khả năng kiểm soát thân thể và cử chỉ của mình. Em thấy lạnh ở bên ngoài, nhưng như phát hỏa ở bên trong. Như thể có cái gì đã bị nhơ bẩn trong em. Em khát. Em giận dữ nhưng em không thể nói được. Omma, mẹ ở quá xa để con có thể cầu cứu mẹ. Aba, tại sao cha lại gả chồng cho con? Tại sao, tại sao lại là em? Và tại sao không ai báo trước cho em những việc sẽ xảy đến? Em đã làm gì để phải chịu đựng điều đó?
Em muốn trở về nhà mình! Truyen8.mobi
Một vài giờ sau, khi cuối cùng hắn cũng tỉnh giấc, em ngoảnh đi để không phải bắt gặp ánh mắt hắn. Hắn thở dài thườn thượt, ăn sáng và mất dạng suốt cả ngày. Co rúm trong một góc, em cầu xin Thượng đế toàn năng đến cứu vớt em. Em đau khắp mình mẩy. Em khiếp sợ với ý nghĩ phải sống cả đời bên cạnh con ác quỷ này! Một cái bẫy, em đã rơi vào một cái bẫy, và em không thể nào thoát khỏi cái bẫy đó...
Em phải thích nghi nhanh chóng với những quy tắc sống mới. Không có quyền ra khỏi nhà, không có quyền đi lấy nước ở suối, không có quyền phàn nàn, không có quyền nói “không”. Và trường học, không có chuyện nghĩ đến trường học nữa. Thế nhưng, em đến chết mất vì mong muốn được ngồi trên ghế băng, được nghe cô giáo kể cho chúng em những câu chuyện mới và được viết tên em bằng phấn trắng lên một chiếc bảng lớn màu đen.
Khardji, ngôi làng quê hương em, đã trở nên lạ lẫm với em. Ở nhà, suốt ngày trời, em phải tuân theo mệnh lệnh của mẹ chồng em: thái rau, nuôi gà, pha trà cho khách khứa ghé qua, lau sàn, rửa bát đĩa. Em đã hoài công vô ích khi hổn hển cọ rửa những chiếc xoong đen cáu bẩn mà không thể trả được cho chúng màu sắc ban đầu. Những chiếc khăn lau màu xam xám và có mùi rất hôi. Lũ ruồi bay xung quanh em. Khi em ngừng lại một lát, mẹ chồng em lại kéo tóc em bằng đôi bàn tay dính đầy dầu mỡ. Cuối cùng, em cũng trở nên dính dáp như cái bếp, còn móng tay em thì đen ngòm.
Một sáng, em xin phép đi chơi với những đứa trẻ trạc tuổi em.
- Ở đây, mày không phải là đang đi nghỉ! bà ấy gầm lên.
- Con xin mẹ đấy, chỉ vài phút thôi...
- Không có chuyện đó đâu! Một người phụ nữ có chồng không thể cho phép mình chơi bời với bất kỳ ai. Mày chỉ thiếu nước làm ô uế thanh danh của chúng tao. Ở đây không phải là thủ đô. Ở Khardji, mọi chuyện đều được biết, mọi thứ đều được nhìn thấy, mọi điều đều được nghe thấy. Vậy mày nên giữ gìn cẩn thận. Đừng có quên những điều tao đã nói với mày, hiểu chưa? Nếu không, tao sẽ nói chuyện này với chồng mày đấy. Truyen8.mobi
Hắn, hắn ra đi vào buổi sáng và trở về ngay trước khi mặt trời lặn. Khi trở về, hắn đợi được phục vụ bữa ăn trên sofrah, và hắn không bao giờ giúp thu dọn bàn ăn cả. Mỗi lần em nghe thấy hắn đến là mỗi lần nỗi khiếp sợ dâng lên từ sâu thẳm trái tim em...
Khi màn đêm buông xuống, em biết rằng chuyện đó sẽ lại bắt đầu. Cứ tiếp tục, rồi tiếp tục như thế. Vẫn những hành động tàn nhẫn ấy. Vẫn cảm giác bỏng rát ấy. Vẫn nỗi đau ấy. Vẫn cảnh khốn quẫn ấy. Cánh cửa đóng sập lại, chiếc đèn dầu lăn trên mặt đất, những tấm khăn trải giường nhàu nát... “Ya beint!” - “Này, con kia!” -, hắn luôn đòi gọi em như vậy một cách kịch liệt trước khi lao vào người em.
Hắn không bao giờ gọi tên em.
Đến ngày thứ ba thì hắn bắt đầu đánh em. Hắn không chịu được việc em có ý đồ kháng cự hắn. Khi em cố gắng ngăn cản không cho hắn ngủ trên chiếc chiếu bên cạnh em, ngay lúc đèn tắt, hắn bắt đầu đánh em. Đầu tiên bằng tay. Sau đó bằng gậy. Sấm, sét, nữa rồi lại nữa. Và mẹ hắn khuyến khích hắn.
- Đánh nó mạnh hơn đi! Nó phải nghe lời con! Đó là vợ con! bà ta không ngừng nhắc lại với hắn bằng cái giọng khàn khàn, khi hắn phàn nàn về em.
- Ya beint! hắn lại nói to hơn và chạy đuổi theo em.
- Anh không có quyền! em thổn thức.
- Mày làm tao mệt mỏi với những lời than vãn ai oán của mày đấy. Tao không lấy mày để suốt ngày nghe mày khóc nhè đâu. hắn gầm lên, để lộ ra những chiếc răng to vàng xỉn của hắn.
Em đau khổ vì hắn nói với em bằng cái giọng đó. Hắn biến em thành trò cười chốn đông người. Hắn luôn tỏ ra khinh khỉnh. Em sống trong nỗi sợ hãi thường trực trước những cú gậy và những cái tát mới. Thậm chí hắn còn đấm em. Mỗi ngày, lại có những vết bầm mới trên lưng, những vết thương mới trên cánh tay. Và cảm giác bỏng rát ở trong bụng... Em cảm thấy nhơ bẩn khắp mình. Khi đám phụ nữ hàng xóm đến thăm mẹ chồng em, em nghe thấy họ thì thầm với nhau và đôi khi chỉ trỏ em. Họ có thể kể gì cho nhau nghe nhỉ?
Ngay khi có thể, em lại thu mình trong một góc, tuyệt vọng và bối rối. Em nghiến chặt răng khi nghĩ tới đêm tối sắp xuống. Em cô đơn, rất cô đơn. Không ai là người em có thể thổ lộ cùng, không ai là người em có thể nói chuyện cùng. Em căm thù hắn! Em căm thù họ sâu sắc! Tất cả bọn họ đều khiến em kinh tởm! Phải chăng tất cả những cô bé có chồng đều phải trải qua nỗi thống khổ như em? Hay em là người duy nhất phải chịu đựng sự tra tấn này? Em không cảm thấy bất cứ tình yêu nào đối với con người xa lạ đó. Cha mẹ em có thương yêu nhau không? Với hắn, em chỉ hiểu ý nghĩa thực sự của từ “tàn bạo”.
Ngày đêm tiếp nối nhau trôi qua như vậy đấy. Mười, hai mươi hay ba mươi ngày? Em không nhớ chính xác nữa. Buổi tối, em ngày càng trằn trọc khó ngủ hơn. Đêm đêm, mỗi khi hắn đến làm những điều xấu xa với em, em lại không thể ngủ lại được. Ban ngày, em ngủ gà. Tuyệt vọng. Tan rã. Bất lực, em bắt đầu đánh mất khái niệm thời gian. Em nhớ Sanaa. Em cũng nhớ trường học. Và các anh chị em của em: những trò nhào lộn bất tận của Abdo, những trò hề của Morad, những câu chuyện tầm phào trong những ngày đẹp trời của Mona, những bài hát đồng dao của bé Rawdha. Càng ngày em càng nghĩ đến Haêfa, lòng hy vọng người ta sẽ không gả chồng cho con bé. Theo ngày tháng, em bắt đầu quên đi các chi tiết trên khuôn mặt họ. Em khó mà nhớ được màu sắc làn da họ, hình dáng chiếc mũi họ, nếp nhăn trong những chiếc má lúm đồng tiền của họ. Đã đến lúc em phải quay về gặp họ!
Sáng sáng, em vừa thổn thức vừa van xin người ta trả em về nhà cha mẹ mình. Em không có bất cứ cách nào để liên lạc với cha mẹ cả. Ở Khardji, điện không tồn tại. Nên cũng đừng nói đến chuyện có điện thoại. Ở đây, không có máy bay bay qua trên trời, không có xe buýt, không có xe hơi. Em có thể gửi cho cha mẹ một bức thư, nhưng ngoài tên em và một vài từ rất đơn giản, em không biết viết gì nhiều. Em phải quay trở lại Sanaa. Bằng mọi giá. Em muốn trở về nhà em!
Trốn ư? Em đã nhiều lần nghĩ đến chuyện đó. Nhưng để đi đâu? Trong làng, em không quen biết ai cả. Vì vậy em khó có thể ẩn náu tại một nhà ai đó, hay van xin một lữ khách cưỡi lừa cứu vớt em... Khardji, ngôi làng quê hương em, đối với em đã trở thành tù ngục. Truyen8.mobi
Một buổi sáng, cứ nghe em khóc than mãi, cuối cùng hắn cũng thông báo với em rằng hắn cho phép em đi thăm cha mẹ em. Đành thế! Hắn sẽ đi cùng em và sẽ đợi em ở nhà anh hắn. Nhưng sau đó, hắn nhấn mạnh, chúng em phải quay lại đây. Em hấp tấp sắp sửa đồ đạc trước khi hắn thay đổi ý kiến.
Dường như với em chuyến trở lại nhanh hơn là chuyến ra đi. Tuy nhiên, mỗi khi em bắt đầu gà gật là những hình ảnh ác mộng giày vò ấy lại đến khuấy động giấc ngủ của em: vết máu trên tấm khăn trải giường, khuôn mặt bà mẹ chồng nghiêng về phía em, xô nước... Và đột nhiên, em choàng tỉnh dậy... Không! em sẽ không bao giờ quay lại nữa. Không bao giờ! Khardji, phía bên kia thế giới... Em không muốn đặt chân trở lại nơi đó!
- Không có chuyện con rời bỏ chồng con đâu!
Ở Sanaa, phản ứng của cha em thật bất ngờ. Và triệt để. Phản ứng đó nhanh chóng chấm dứt niềm vui đoàn tụ. Mẹ em không nói một lời nào. Bà chỉ vừa thì thầm, vừa giơ hai cánh tay lên trời:
- Cuộc sống là như vậy đó, Nojoud. Tất cả phụ nữ đều phải trải qua điều này. Chúng ta đã từng nếm trải điều tương tự...
Nhưng tại sao mẹ không nói gì với em? Tại sao mẹ không cảnh báo trước cho em? Bây giờ, đám cưới đã được tuyên bố, em đã bị rơi vào bẫy, em không thể quay lại được nữa. Em đã hoài công vô ích khi kể lại cho cha mẹ em nghe những nỗi đau hàng đêm, những cú đánh, cảm giác bỏng rát và tất cả những điều riêng tư và khủng khiếp mà em rất xấu hổ khi phải nói ra, cha mẹ nhắc đi nhắc lại với em rằng nghĩa vụ của em là phải sống với hắn.
- Con không yêu hắn! Hắn làm con đau. Hắn bắt con làm những điều khó chịu khiến con buồn nôn. Hắn không đối xử tốt với con! em nài nỉ.
- Nojoud, giờ con đã là một phụ nữ có chồng. Con phải ở với chồng con! cha em nhắc lại.
- Không, con không muốn! Con muốn trở về nhà!
- Không thể được! cha cắt lời em. Truyen8.mobi
- Con xin cha đấy... Con xin cha đấy!
- Đó là vấn đề sharaf, con có nghe cha nói không?
- Nhưng...
- Con phải nghe những điều cha nói với con!
- Aba, con...
- Nếu con ly hôn với chồng con, anh em ruột và các anh em họ của cha sẽ giết cha đấy! Sharaf, danh dự là trên hết. Danh dự! Con đã hiểu chưa?
Không, em không hiểu và em không thể hiểu được. Không chỉ hắn làm hại em, mà cả gia đình em, gia đình của riêng em cũng bảo vệ hắn. Tất cả những điều đó chỉ vì một vấn đề... Vấn đề gì đã nhỉ? Vấn đề danh dự! Nhưng chính xác thì cái từ mà tất cả bọn họ đều không ngừng sử dụng ấy muốn nói lên điều gì chứ? Em bối rối.
Đôi mắt mở tròn, Haêfa hiểu còn ít hơn em những điều đang xảy đến với em. Khi thấy em òa lên nức nở, cô bé luồn bàn tay mình vào bàn tay em. Đó là cách của cô bé để nói với em rằng cô bé ủng hộ em. Đột nhiên, một ý nghĩ khủng khiếp lại thoáng qua trí óc em: nếu cha mẹ em nghĩ đến chuyện gả chồng cho cô bé? Haêfa, em gái bé bỏng của em, em gái bé bỏng xinh đẹp của em... Miễn là cô bé có may mắn không bao giờ phải trải qua cơn ác mộng này.
Nhiều lần, Mona có ý định bảo vệ em. Nhưng sự nhút nhát đã chiến thắng chị ấy. Dẫu sao, ai sẽ nghe chị ấy nói đây? Ở đây, luôn luôn là những người lớn nhất, những người đàn ông được phép có tiếng nói cuối cùng. Mona tội nghiệp! Em hiểu rằng nếu muốn thoát khỏi tình cảnh của mình, em chỉ có thể trông cậy vào bản thân mà thôi. Truyen8.mobi
Thời gian đã trở nên gấp gáp. Em phải tìm được một giải pháp trước khi hắn quay trở lại tìm em. Em đã thành công trong việc xin phép hắn cho em ở nhà cha mẹ em ít lâu. Nhưng em cứ quay vòng vòng, không có lối thoát nào trước mặt. “Nojoud phải ở bên chồng nó”, cha em nhắc lại. Ngay khi Aba đi xa, em vội vàng nói chuyện đó với mẹ. Mẹ khóc. Mẹ nói với em rằng mẹ nhớ em, nhưng mẹ không thể làm được gì cho em cả.
Nhưng em có lý do để sợ hãi. Ngay ngày hôm sau, hắn đến thăm chúng em để nhắc lại với em nghĩa vụ làm vợ. Em cố gắng phản đối. Vô ích. Cứ cố sức nài nỉ, cuối cùng cũng đi đến một kiểu như thỏa hiệp. Hắn chấp nhận cho em ở Sanaa thêm vài tuần nữa nhưng với điều kiện phải theo hắn và tạm thời ở lại nhà bác hắn. Hắn không tin tưởng em, và sợ rằng em sẽ trốn nếu như em ở lại nhà cha mẹ mình quá lâu. Và trong hơn một tháng, địa ngục lại bắt đầu tồi tệ hơn...
- Khi nào thì mày ngưng khóc nhè suốt ngày hả? Chuyện đó khiến tao mệt mỏi lắm rồi! một ngày kia, hắn vừa phàn nàn, đôi mắt điên dại, tay giơ nắm đấm.
- Khi nào anh để em trở về nhà cha mẹ em! em vừa trả lời, vừa vùi mặt vào đôi bàn tay.
Trước sự cứng đầu của em, cuối cùng hắn cũng cho phép em ngơi nghỉ lần nữa.
- Nhưng đây là lần cuối cùng đấy, hắn cảnh báo em.
Trở lại nhà, em hiểu mình không còn nhiều thời gian để hành động nếu như em muốn dứt khỏi người đàn ông này và tránh cơn ác mộng phải trở lại Khardji. Năm ngày trôi qua. Năm ngày khó khăn trong đó em không ngừng húc đầu vào tường. Cha em, các anh em trai em, các chú các bác của em chẳng ai sẵn sàng nghe em nói.
Cứ cố sức gõ tất cả các cánh cửa với hy vọng tìm được một đôi tai ân cần chăm chú, em đã hạ cánh xuống nhà cô Dowla, vợ hai của cha em. Cô ấy sống cùng năm người con của mình trong một căn hộ ở tầng hai của một tòa nhà cũ nằm cuối một ngõ cụt, ngay cạnh con phố nơi chúng em sống. Mang trong lòng nỗi lo sợ bị đuổi về Khardji, em vừa trèo cầu thang vừa bóp chặt mũi để không ngửi thấy mùi hôi thối của những vật thối rữa lẫn với mùi hôi thối của rác rưởi và phân người thoát ra từ những nhà vệ sinh dùng chung cho tất cả cư dân trong tòa nhà. Trong chiếc váy dài đỏ và đen, cô Dowla mở cửa cho em với nụ cười rạng rỡ.
- Ya, cháu Nojoud đấy à! Thật ngạc nhiên khi được gặp cháu! Chào mừng cháu đến đây! cô ấy nói với em.
Cô Dowla, em rất yêu quý cô. Cô có làn da ram rám và mái tóc dài bện lại. Cô cao, mảnh dẻ và đẹp hơn Omma. Cô Dowla không bao giờ quở mắng em. Lúc nào cô cũng có thừa lòng kiên nhẫn! Tuy nhiên, người đàn bà tội nghiệp ấy không được cuộc sống cưng chiều. Kết hôn khá muộn, khi đã hai mươi tuổi, với cha em, người hoàn toàn bỏ rơi cô, cô đã học được cách chỉ trông cậy vào bản thân mình. Con trai đầu lòng của cô, Yahya, tám tuổi, bị tật nguyền ngay lúc mới sinh, không thể đi lại được và đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt. Các cơn khủng hoảng thần kinh của thằng bé có thể kéo dài nhiều giờ. Bất chấp tình cảnh túng quẫn, nỗi túng quẫn vốn buộc cô phải đi ăn xin trong phố để trả tiền thuê nhà là 8 000 rial một tháng và mua bánh mì cho các con, cô Dowla vẫn độ lượng đến khó tin. Truyen8.mobi
Cô mời em ngồi trên chiếc giường lớn bằng rơm chiếm một nửa diện tích căn phòng, ngay bên cạnh chiếc bếp nhỏ nơi ấm nước đang sôi. Thường thì trà sẽ được dùng thay sữa trong bình sữa của bọn trẻ. Treo vào móc gắn trên tường, những chiếc túi bằng nhựa dùng để làm chạn chẳng chứa đựng nhiều nhặn gì.
- Nojoud, cô nói với em, cháu có vẻ rất lo lắng.
Em biết rằng cô thuộc về số hiếm những thành viên trong gia đình phản đối đám cưới của em nhưng không ai muốn nghe cô nói. Cô, người vốn không được cuộc sống mỉm cười, vẫn luôn có thiên hướng tự nhiên là nghiêng về phía những người nghèo khổ hơn mình. Em cảm thấy tự tin, em biết mình có thể nói mọi chuyện với cô.
- Cháu có rất nhiều chuyện để kể cho cô nghe... em trả lời cô.
Rồi em mở lòng với cô...
Cô cau mày lắng nghe câu chuyện của em. Cô có vẻ rất tức giận. Vẻ ngẫm nghĩ, cô đi về phía bếp. Rồi cô rót nước trà vào chiếc tách duy nhất mà Yahya chưa đánh vỡ. Cô vừa đưa cho em tách trà vừa lại gần em để nhìn thẳng vào mắt em.
- Nojoud... cô thì thầm. Nếu không có ai nghe cháu, cháu chỉ còn nước đi đến tòa án!
- Đến đâu hả cô?
- Đến tòa án!
Tòa án ư? Tòa án... Phải, tòa án! Như một ánh đèn chớp, những hình ảnh xuất hiện trong đầu em. Những hình ảnh về các thẩm phán với khăn đội đầu, các luật sư luôn luôn vội vàng, đàn ông mặc áo dài trắng và phụ nữ đội khăn trùm đầu đến thưa kiện về những chuyện gia đình phức tạp, những chuyện trộm cắp và thừa kế. Giờ thì em đã nhớ ra tòa án. Em từng thấy một tòa án trên truyền hình. Đó là trong một phim truyền hình dài tập mà em cùng Haêfa xem ở nhà hàng xóm. Các diễn viên nói một thứ tiếng Ả rập khác với tiếng Ả rập của người Yemen. Nghe giọng họ, em tin mình nhớ ra đó là một phim truyền hình dài tập của Koweit. Trong căn phòng lớn nơi đám người khiếu nại nối tiếp nhau, những bức tường đều có màu trắng, và nhiều hàng ghế băng bằng gỗ màu hạt dẻ được xếp đối diện với thẩm phán. Vào một lúc nào đấy, người ta thấy những kẻ tội phạm đến trong một chiếc xe hòm nhỏ với các cửa sổ có chấn song.
- Tòa án... cô Dowla lại nói. Theo như cô biết, đó là nơi duy nhất người ta sẽ nghe cháu nói. Cháu hãy yêu cầu được gặp thẩm phán. Suy cho cùng, đó chính là người đại diện của chính phủ! Người đó có rất nhiều quyền lực. Đó là cha đỡ đầu của tất cả chúng ta. Giúp đỡ các nạn nhân là vai trò của người đó.
Cô Dowla đã thuyết phục được em. Kể từ thời khắc này, mọi chuyện trong đầu em đã trở nên sáng sủa hơn nhiều. Nếu cha mẹ em không muốn giúp đỡ em thì rõ ràng em phải xoay xỏa một mình. Vậy là đã quyết, em sẽ đi đến cùng. Em sẵn sàng leo lên những ngọn núi để không thấy mình lại phải tiếp tục nằm dài trên chiếc chiếu kia, một mình đối mặt với con ác quỷ ấy. Em vừa ôm siết cô Dowla trong tay vừa cảm ơn cô. Truyen8.mobi
- Nojoud này?
- Vâng?
- Hãy cầm lấy. Số tiền này có thể giúp ích cho cháu.
Cô ấy giúi vào lòng bàn tay em 200 rial. Đó là tất cả số tiền ít ỏi mà cô đã gom được vào buổi sáng hôm đó khi đi ăn xin ở ngã tư bên cạnh.
- Cảm ơn cô Dowla. Cảm ơn cô!
Ngày hôm sau, em thức dậy trong tâm trạng phấn khởi hơn bình thường. Và chính em, em cũng cảm thấy ngạc nhiên trước trạng thái tinh thần mới của mình. Như mọi buổi sáng, em rửa mặt. Em cầu nguyện. Em bật chiếc bếp nhỏ lên để đun sôi nước trà. Rồi em vừa sốt ruột đợi mẹ dậy vừa bồn chồn chơi với đôi bàn tay mình. “Nojoud, giọng nói nhỏ nhẹ từ bên trong em cất lên, hãy cố gắng tỏ ra tự nhiên nhất có thể, để tránh gây tò mò.”
Khi cuối cùng Omma cũng mở mắt, một lúc sau đó, và bắt đầu tháo nút thắt ở góc của chiếc khăn màu đen mà mẹ thường giấu tiền trong đó ra, em thở phào vì hiểu rằng dự định của em có thể có cơ hội được thực hiện. Nếu như mẹ biết...
- Nojoud, mẹ vừa nói với em vừa đưa cho em 150 rial, con hãy đi mua bánh mì cho bữa sáng.
- Vâng, Omma, em ngoan ngoãn trả lời mẹ. Truyen8.mobi
Em cầm tiền. Em mặc áo khoác và choàng chiếc khăn đen, trang phục của phụ nữ có chồng. Em cẩn thận khép cánh cửa phía sau. Các ngõ phố vùng ngoại vi vẫn gần như vắng tanh. Em rẽ vào con phố đầu tiên bên phải, con phố dẫn đến cửa hiệu bánh mì trong góc phố nơi bánh mì giòn tan khi vừa được lấy ra từ chiếc lò truyền thống. Căng tai lắng nghe, phía xa xa, em nhận ra tiếng rao hàng của người bán bình ga, người hàng ngày vẫn đi qua khu phố bằng xe đạp, kéo theo sau là một chiếc xe bò.
Càng lúc em càng tiến gần đến cửa hàng bánh mì và em đã có thể hít thở hương vị thơm lừng của những chiếc khobz nóng hổi. Em sắp thấy bóng dáng nhiều phụ nữ trong khu phố xếp hàng trước chiếc tandour. Nhưng vào phút cuối cùng, em lại đổi hướng, tiến về phía đại lộ chính của khu phố. “Tòa án, cô Dowla đã nói với em, cháu chỉ còn cách phải đi đến tòa án.”
Tới đại lộ lớn, đột nhiên em cảm thấy sợ mình bị nhận ra. Thế lỡ có ông bác nào của em đi qua đây thì sao? Em run rẩy trong người vì điều đó. Với suy nghĩ phải tự bảo vệ mình khỏi những ánh mắt, em kéo vạt khăn lên che kín hầu như cả khuôn mặt, chỉ để lộ ra đôi mắt. Lần đầu tiên, chiếc niqab mà em chưa bao giờ muốn choàng từ lúc ở Khardji đã trở nên thật có ích với em. Em tránh quay đầu lại, do sợ có người đi theo mình. Trước mặt em, những chiếc xe buýt đang đợi khách dọc vỉa hè. Trước cửa hàng bán thực phẩm khô, cửa hàng bán những quả bóng nhựa, em nhận ra chiếc xe buýt nhỏ màu vàng trắng sáu chỗ ngày nào cũng chạy qua khu phố và thả khách xuống trung tâm thành phố, không xa quảng trường Tahrir. “Đi nào, nếu muốn ly hôn thì hãy hành động!”, giọng nói nhỏ nhẹ bên trong động viên em. Em xếp hàng như tất cả mọi người. Những đứa trẻ khác trạc tuổi em có cha mẹ đi cùng. Em là cô bé con duy nhất một mình đợi đến lượt. Em cúi nhìn xuống đất, để tránh bị đặt câu hỏi. Em có cảm giác đang bị quan sát. Em sợ rằng có ai đó đoán được việc em định làm. Em có cảm giác khủng khiếp rằng điều đó có thể hiện rõ trên trán em.
Người lái xe bước từ ghế xuống để mở cửa bằng cách làm nó trượt theo rãnh sang bên cạnh. Đột nhiên, cảnh chen lấn diễn ra, nhiều phụ nữ dùng cùi tay huých nhau để chiếm chỗ ngồi bên trong. Ngay lập tức em cũng làm theo mọi người, chỉ hy vọng một điều: biến khỏi khu phố nhà mình nhanh nhất có thể, trước khi cha mẹ em báo cho cảnh sát. Em giành được một chỗ ở cuối xe, trên chiếc ghế dài cuối cùng, giữa một bà đã có tuổi và một phụ nữ trẻ hơn, cả hai đều trùm khăn kín mít từ đầu đến chân. Bị kẹp chặt giữa hai cơ thể vạm vỡ, em có thể tránh được việc bị nhận ra qua cửa sổ, từ dưới phố. Em phải càng kín đáo càng tốt. Thật may, cả hai người phụ nữ này đều không hỏi em câu nào cả. Truyen8.mobi
Vào lúc động cơ xe bắt đầu kêu ro ro, em cảm thấy trái tim mình đập hết tốc lực. Đột nhiên, em nghĩ đến anh trai Fares của em, đến sự dũng cảm mà anh đã có khi trốn nhà bốn năm trước đây. Anh ấy đã làm được, vậy tại sao em lại không? Nhưng liệu em có thực sự nhận thức được điều em đang làm? Cha em sẽ nói gì nếu thấy con gái mình một mình trèo lên chiếc xe buýt công cộng? Có phải em đang làm ô uế danh dự của cha như cha đã nói?
Cánh cửa xe khép lại. Quá muộn để thay đổi ý kiến. Qua cửa sổ xe, em nhìn thành phố di 111c u qua: những chiếc xe hơi dồn ép vào nhau trong các vụ kẹt xe buổi sáng, những tòa nhà đang xây, những người phụ nữ mặc đồ và trùm khăn màu đen kín mít, những người bán hàng rong trên tay đầy hoa nhài, những phong kẹo cao su và những gói khăn giấy. Thủ đô Sanaa thật rộng lớn và đông đúc! Nhưng phải lựa chọn giữa mê đạo bụi bặm của thủ đô và sự cách biệt của Khardji, thì em thích Sanaa hơn. Thích hơn ngàn lần!
- Bến cuối! người lái xe thét lên.
Xong rồi, chúng ta đã đến nơi! Cửa xe vừa trượt ra, tiếng động của đường phố đã tràn ngập chiếc xe buýt nhỏ. Các hành khách vội vã xuống xe. Em cũng làm như họ, em vừa đi theo họ vừa đưa vài đồng tiền cho người lái xe bằng một bàn tay run rẩy để trả cho chuyến đi của mình. Nhưng em hoàn toàn không có ý niệm nào về nơi tòa án tọa lạc. Và em không dám hỏi những người đi cùng em. Nỗi lo sợ xâm chiếm lấy em, khiến em tê liệt. Đơn giản là em sợ bị lạc. Em nhìn sang phải rồi nhìn sang trái. Ở ngã tư đèn đỏ không hoạt động, một nhân viên cảnh sát đang nỗ lực duy trì một thứ có vẻ là trật tự giữa những chiếc xe hơi trong cơn thịnh nộ bấm còi inh ỏi và tìm cách vượt lên từ mọi phía. Em nheo mắt, hầu như bị lóa mắt vì những tia nắng buổi sáng gay gắt xuyên thủng nền trời xanh. Không thể sang đường được trong điều kiện này. Chắc em sẽ không sống sót nổi khi đi qua phố mất. Tựa vào một chiếc cột, em cố gắng định thần lại khi mắt em dừng lại ở một chiếc xe màu vàng. Được cứu rồi!
Đó là một trong nhiều xe taxi chạy khắp thành phố từ sáng đến tối và từ tối đến sáng. Ở Yemen, ngay khi một cậu bé có thể đạp chân lên bàn đạp bộ tăng tốc, cha của cậu bé liền mua ngay cho cậu giấy phép lái xe với hy vọng cậu kiếm được công việc lái xe nho nhỏ, giúp nuôi sống gia đình. Em đã từng đi những chiếc taxi như vậy để đến Bab-al-Yemen cùng với chị Mona.
Em tự nhủ rằng người lái taxi chắc chắn phải thuộc nằm lòng tất cả các địa chỉ ở Sanaa. Em giơ tay ra hiệu cho anh ta dừng xe. Một cô bé đi một mình trong một chiếc taxi, điều đó là không nên. Nhưng đến nước này thì em mặc kệ những lời dư luận thị phi. Truyen8.mobi
- Em muốn đến tòa án! em nói với người lái xe, anh ta nhìn chòng chọc vào mặt em, ngạc nhiên.
Ngồi đằng sau, em câm nín suốt chặng đường. Má phồng lên vì qat, người lái xe còn lâu mới ngờ rằng em đang biết ơn anh ta vô cùng vì anh ta không hỏi em câu nào. Anh ta vô tình trở thành kẻ đồng lõa im lặng trong cuộc bỏ trốn của em. Cánh tay phải ôm chặt lấy bụng, em kín đáo cố gắng vừa kiểm soát hơi thở của mình vừa nhắm mắt lại một chút.
- Chúng ta đến nơi rồi!
Sau cú phanh gọn, người tài xế đỗ xe lại trước một hàng chấn song đằng sau đó có một cái sân dẫn đến một tòa nhà oai nghiêm. Tòa án! Một cảnh sát giao thông ra hiệu cho người tài xế đi càng nhanh càng tốt bởi anh ta đang cản trở lối qua. Em vội vàng xuống xe và đưa toàn bộ số tiền lẻ còn lại cho anh ấy. Sau kỳ tích này, đột nhiên em cảm thấy mình là người táo bạo hết sức. Ngây ngô và hoảng hốt đấy, nhưng đầy táo bạo! Nếu Thượng đế muốn, cuộc sống của em sẽ thay đổi triệt để.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!