Ngày Của Kiến Chương 126-130

Chương 126-130
Con mồi

Khi thông báo về giáo sư Takagumi xuất hiện trên tờ Tiếng vang Chủ nhật, Laetitia Wells và Jacques Méliès đã thay mặt ông đặt sẵn một phòng tại khách sạn Beau Rivage. Vài khoản tiền thưởng hợp pháp giúp họ dựng được một bức tường giả trong khách sạn và đặt được tại đó một hệ thống máy móc kiểm tra tối tân.

Họ đặt quanh phòng rất nhiều máy ghi hình, chỉ một cử động nhỏ nhất cũng đủ để khởi động hệ thống cảnh báo vô cùng nhạy cảm đó. Việc cuối cùng là họ để một hình nộm có dáng vẻ người Nhật vào trong giường.

Rồi họ rình chờ.

- Cá với cô là bọn kiến sẽ đến! đội trưởng Méliès nói.

- Đ ược thôi. Tôi cá với anh là con người sẽ đến.

Giờ họ chỉ còn việc chờ xem con cá nào sẽ cắn vào lưỡi câu họ vừa quăng ra.

127. CHUYẾN BAY BIẾT ƠN

Xa xa phía trước, một luồng sáng yếu ớt lập lòe.

Không khí đang trở nên nóng hơn. Đoàn quân thập tự chinh rảo bước. Chúng xếp thành một hàng dài rời khỏi bầu không khí mát lạnh u tối của cái hang và đi đến một sườn treo ngập nắng.

Lũ chuồn chuồn bay xập xòe trong ánh sáng. Thấy chuồn chuồn nghĩa là sắp gặp sông. Chắc chắn một điều là đoàn quân thập tự chinh không còn ở cách mục tiêu bao xa nữa.

103 chọn con bọ tê giác đẹp nhất, con được mệnh danh là “Sừng Lớn” vì nó có phần mũi phụ dài nhất. 103 bám giác mút của mình vào lớp vỏ kitin của con bọ tê giác rồi đề nghị nó bay một vòng định hướng. Mười hai con kiến pháo binh cưỡi bọ tê giác khác bay theo 103 để bảo vệ lỡ chẳng may đụng độ với loài chim.

Chúng cùng nhau cưỡi gió và lao thẳng về phía dòng sông lấp lánh ánh bạc.

Chúng lướt đi giữa các tầng khí.

Rồi đều tăm tắp, mười hai con côn trùng bay chạm đầu cánh vào nhau theo một trục tưởng tượng và ngoặt sang trái.

Hành động ấy diễn ra nhanh tới nỗi 103 bị lực ly tâm ép sát vào cơ thể con bọ tê giác.

Không khí trong lành khiến nó ngất ngây.

Giữa bầu trời xanh biếc, mọi thứ mới thật trong trẻo làm sao. Không còn những mùi hương đủ loại vốn luôn đặt các loài côn trùng vào thế cảnh giác thường trực nữa. Chỉ còn luồng hơi trong trẻo toát lên từ không khí trong trẻo.

Mười hai con bọ tê giác đập cánh chậm lại. Chúng lửng lơ giữa không gian tĩnh lặng.

Phía dưới chúng là một chuỗi dài những hình dạng và màu sắc tiếp nối nhau.

Phi đoàn bay là là mặt đất. Các chiến hạm lộng lẫy ấy lướt đi giữa những hàng liễu rủ và tống quán sủi.

103 cảm thấy thật dễ chịu khi cưỡi trên lưng “Sừng Lớn”. Đi nhiều cùng đám bọ tê giác, rốt cuộc nó cũng học được cách phân biệt chúng. Con bọ tê giác nó cưỡi không chỉ có chiếc sừng dài nhất và nhọn nhất phi đội, mà nó còn sở hữu những cái chân cơ bắp nhất và đôi cánh dài nhất. “Sừng Lớn” còn ưu thế này nữa: nó là con bọ duy nhất tự hỏi làm thế nào để có thể bay theo cách thuận lợi cho việc ngắm bắn của các kiến pháo binh. Nó cũng biết cách vòng lại kịp thời khi bị một con thú bay ăn mồi khác bám đuổi.

Tỏa ra những mùi hương đơn giản, 103 hỏi nó xem liệu các con bọ khác có thích thú với cuộc hành trình này không. “Sừng Lớn” trả lời rằng chuyến đi qua hang vất vả quá. Thật khó chịu khi bị nhốt trong một hành lang u tối. Những con bọ tê giác to lớn cần không gian rộng. Ngoài ra, nó cũng như nhiều đồng đội khác còn tình cờ nghe thấy những cuộc trò chuyện gợi nhắc đến “chúa trời”. Chúa trời, đó có phải cách khác để gọi các Ngón Tay không?

103 tìm cách thoái thác. Không nên để “bệnh tâm trạng” lan sang các loài đánh thuê. Nếu không, nạn dịch sẽ gia tăng và cuộc thập tự chinh hẳn sẽ kết thúc trước cả khi đoàn quân đến được đầu bên kia thế giới.

“Sừng Lớn” thông báo có một vùng ẩm. Mà vùng ẩm thường là nơi loài bọ hung phương Nam thích ẩn náu. Một số con thực sự rất đáng nể. Tất cả các sâu bọ cánh cứng đều có đặc thù riêng, không loài nào giống được như vậy hết. Vậy tại sao lại không tuyển dụng thêm chứ? 103 đồng ý. Sự giúp đỡ nào cũng đều được đánh giá cao.

Chúng bay lên.

Hương độc cần, hương tai chuột đầm lầy và hương râu dê tỏa ngát quanh dòng sông. Phía dưới, một thảm hoa súng trắng, hồng và vàng lướt qua nom hệt như những bông hoa giấy sặc sỡ sắc màu được rải tung tóe.

Phi đội quay vòng vòng phía trên dòng sông. Giữa hai bờ sông có một hòn đảo nhỏ, giữa hòn đảo ấy có một cái cây cổ thụ.

Đám bọ tê giác lướt đi phía trên dòng sông nhấp nhô. Chân chúng rẽ nước tạo thành những gợn sóng.

Nhưng 103 vẫn không nhìn thấy Sateê, bến cảng nổi tiếng hay trên thực tế chính là lối đi dưới lòng đất cho phép đi vòng qua con sông. Đội quân thập tự chinh hẳn đã đi chệch ra khỏi con đường dự kiến ban đầu, và đi chệch một đoạn rất xa. Giờ chúng sẽ phải đi bộ rất lâu đây.

Đoàn quân trinh sát quay trở lại và thông báo mọi chuyện đều ổn, phải tiếp tục tiến bước.

Như một dòng mật tuôn chảy, cả đoàn quân leo xuống vách đá, kiến leo nhờ những miếng đệm dính ở chân, bọ tê giác leo bằng cách bay xập xòe, ong leo bằng cách bay đâm bổ và ruồi leo bằng cách bay nhặng xị vo ve.

Phía dưới, một bãi cát mịn màu be trải dài với những đụn cát sáng màu nơi vài loại cỏ mọc rải rác, nhiều nhất là cỏ cát (cỏ lúa nhỏ) và cỏ lông công cát (bào tử nấm). Nguồn lương thực tuyệt vời dành cho loài kiến!

103 nói rằng để đến được cảng Sateê, chúng phải đi dọc bờ sông về phía Nam. Cả đoàn quân rung chuyển.

Cùng các bọ tê giác khác, “Sừng Lớn” bay xa khỏi đoàn quân. Chúng khẳng định mình có nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành, chúng sẽ đến gặp cả đoàn sau.

Trong lúc tiến lên, đám quân trinh sát phát hiện ra những cục vón màu trắng thoang thoảng mùi ốc sên. Chúng tích đầy cỏ cát dính những cục vón nom như trứng ốc sên ấy và đống trứng này trông thật đẹp. Con số 9 nhắc nhở chúng đề phòng. Trước khi ăn bất cứ thứ gì, bao giờ cũng phải kiểm tra xem thức ăn ấy có độc hay không. Một số con nghe lời nó, một số con vẫn cố tọng vào mồm.

Và đây là sai lầm chết người! Đó không phải là trứng mà là dãi ốc sên. Nghiêm trọng hơn, đó là dãi ốc sên nhiễm sán lá gan!

128. BÁCH KHOA TOÀN THƯ

ÂM BINH: Quy trình phát triển của sán lá gan lớn (Fasciola

hepatica) chắc chắn là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của thiên nhiên. Con vật này xứng đáng được viết thành hẳn một cuốn tiểu thuyết. Như cái tên của nó cho thấy, nó là một loài ký sinh trùng sinh sôi nảy nở trong gan cừu. Sán lá gan ăn máu và các tế bào gan, trưởng thành rồi đẻ trứng. Nhưng trứng sán lá gan lại không thể nở được trong gan cừu. Chúng sẽ phải trải qua cả một hành trình dài đằng đẵng.

Trứng rời khỏi cơ thể vật chủ qua phân. Chúng ra đến ngoài trong tình trạng khô nguội. Sau khi chín, chúng nở ra một ấu trùng cực nhỏ. Ấu trùng này sẽ bị một vật chủ khác ngốn ngấu: ốc sên.

Trong cơ thể ốc sên, ấu trùng sán lá gan phát triển theo cấp số nhân, sau đó bị thải ra ngoài qua thứ dãi dớt mà loài động vật thân mềm này khạc ra vào mùa mưa.

Nhưng đó mới chỉ là nửa đầu chặng đường phát triển của ấu trùng sán lá gan.

Thứ dãi dớt nói trên kết thành từng chùm hạt màu trắng và thường thu hút loài kiến. Sán lá gan thâm nhập vào cơ quan nội tạng côn trùng qua “con ngựa thành Troy” này. Chúng nán lại không lấy gì làm lâu lắm trong diều kiến rồi ra khỏi đó bằng cách đục diều kiến thành hàng nghìn lỗ thủng, biến diều kiến thành cái chao được đậy kín lại bằng một thứ chất dính chắc chắn cho phép loài kiến thoát khỏi cơn nguy biến. Không nên giết chết con kiến bị nhiễm ấu trùng sán vì còn phải dùng đến nó để gặp lại loài cừu. Tiếp đó, sán lá gan sẽ sống trong cơ thể con kiến mà nhìn bề ngoài, không biểu hiện nào cho thấy mối nguy bên trong.

Bởi lúc ấy, ấu trùng đã trở thành sán trưởng thành và sán trưởng thành phải tìm cách quay trở lại gan cừu để hoàn tất quy trình phát triển.

Nhưng làm thế nào để một con cừu chịu ăn thịt một con kiến trong khi cừu không phải loài ăn côn trùng?

Hẳn là các thế hệ sán lá gan cũng đã từng đặt câu hỏi tương tự. Vấn đề càng trở nên khó giải quyết khi mà vào những lúc mát mẻ loài cừu thường gặm phần cỏ phía trên còn vào những lúc nóng nực loài kiến thường rời tổ để dạo chơi dưới bóng rễ cỏ mát mẻ.

Làm thế nào để quy tụ chúng về cùng một chỗ và vào cùng một thời điểm?

Sán lá gan đã tìm được giải pháp bằng cách phân tán khắp nơi trong cơ thể loài kiến. Khoảng mười hai con ngụ cư trong lồng ngực, mười hai con ngụ cư trong các chân, mười hai con trong bụng dưới và một con duy nhất trong não bộ.

Ngay lúc ấu trùng sán lá gan duy nhất này an tọa trong não bộ, hành vi của con kiến sẽ thay đổi... Và quả vậy! Sán lá gan, con giòi nhỏ bé nguyên thủy gần giống với loài trùng đế giày và do vậy cũng gần với các loài đơn bào thô sơ nhất, giờ chính thức điều khiển con kiến vốn có cấu tạo hết sức phức tạp.

Kết quả: buổi tối, trong khi tất cả các kiến thợ say ngủ, đám kiến nhiễm sán rời khỏi tổ. Chúng bước đi như những kẻ mộng du và trèo lên đỉnh các ngọn cỏ. Mà không phải ngọn cỏ nào chúng cũng trè o lên! Chúng chỉ trèo lên những ngọn cỏ loài cừu thích nhất: cỏ linh lăng và cây quả tim.

Lũ kiến tê liệt chỉ còn nằm đó mà chờ bị cừu ăn tươi nuốt sống.

Con sán lá gan nằm trong não bộ có nhiệm vụ hàng đêm lùa vật chủ của mình ra khỏi tổ, cho tới khi nào vật chủ ấy bị một con cừu ăn. Bởi sáng sáng, ngay khi trời trở nên ấm áp, nếu chưa bị một con nào đấy thuộc loài cừu gặm nhấm, con kiến sẽ nhanh chóng lấy lại được khả năng kiểm soát não bộ và tự do ý chí của mình. Nó sẽ tự hỏi mình đang làm gì ở đây, trên một ngọn cỏ. Nó sẽ vội vàng xuống khỏi đó để trở về tổ và thực thi những nhiệm vụ hằng ngày. Cho tới buổi tối tiếp theo, hệt như một âm binh, nó lại rời tổ cùng tất cả các đồng đội bị nhiễm sán để chờ bị cừu ăn.

Quy trình phát triển này khiến các nhà sinh học phải nghĩ tới nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là làm thế nào con sán ẩn mình trong não bộ kiến lại có thể nhìn được ra bên ngoài và ra lệnh cho con kiến phải đi về phía ngọn cỏ này hay ngọn cỏ kia? Vấn đề thứ hai là con sán lá gan điều khiển con kiến chắc chắn sẽ chết ngay lúc con cừu ăn con kiến, chỉ một mình nó chết mà thôi. Vậy tại sao nó lại hy sinh như thế? Mọi thứ diễn ra như thể lũ sán lá gan chấp nhận chuyện một con trong số chúng, con xuất sắc nhất, sẽ phải chết để tất cả những con khác đạt được mục đích và hoàn thành quá trình sinh trưởng.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

129. MỒ HÔI NÓNG

Không thấy ai đến tấn công hình nộm giáo sư Takagumi trong ngày đầu tiên.

Jacques Méliès và Laetitia Wells đã dự trữ cả đồ hộp tự hâm nóng và đồ ăn khô. Họ nằm án binh bất động như để chuẩn bị cho một cuộc vây hãm. Cuối cùng họ quyết định chơi cờ để giết thời gian. Trong trò này, Laetitia tỏ ra khôn khéo hơn Méliès còn anh lại mắc phải rất nhiều lỗi thô vụng.

Bực bội vì bị cô bạn đồng hành dẫn trước, anh buộc mình phải tập trung cao độ hơn. Anh bố trí hàng phòng thủ, với một dãy tốt phong tỏa mọi ý định tấn công của đối phương. Ván cờ nhanh chóng biến thành trận chiến đường hào, theo kiểu Verdun. Bị ngăn cản không được xông lên tấn công như vũ bão, những con tượng, mã, hậu và xe lại triệt hạ lẫn nhau.

- Ngay cả lúc chơi cờ anh cũng tỏ ra sợ sệt! Laetitia nói.

- Sợ sệt ấy à? Méliès nổi cáu. Ngay khi tôi hở ra một tí là cô đã lấn sân rồi. Thế thì làm sao mà tôi chơi khác đi được?

Đột nhiên cô ngồi im bất động, đưa tay lên môi ra hiệu cho anh im lặng. Cô nhận thấy thứ gì đó như là một tiếng động nhỏ xíu vang lên đâu đấy trong căn phòng khách sạn Beau Rivage.

Họ cùng xem màn hình theo dõi. Chẳng có gì cả. Thế nhưng Laetitia Wells lại tin chắc kẻ sát nhân đang hiện diện. Máy rà cử động bắt đầu nhấp nháy khẳng định điều ấy.

- Kẻ sát nhân đang có mặt tại đây, cô thì thầm.

Mắt nhìn chăm chăm vào màn hình theo dõi, viên đội trưởng reo lên:

- Đúng vậy. Tôi thấy nó rồi. Đó là một con kiến đơn lẻ. Nó đang trèo lên giường!

Laetitia lao vào Méliès, vội vã cởi cúc áo sơ mi của anh, nâng cánh tay anh lên rồi lấy một chiếc khăn mùi soa ra lau đi lau lại hai nách đội trưởng.

- Cô bị làm sao vậy?

- Cứ để tôi làm. Tôi nghĩ mình đã hiểu kẻ sát nhân hành động như thế nào.

Cô đẩy lùi bức tường giả và trước khi con kiến trèo được lên đến tấm ga trải giường, cô đã kịp quệt chiếc mùi soa đẫm mồ hôi của Jacques Méliès vào hình nộm. Rồi cô nhanh chóng quay lại nấp bên cạnh anh.

- Nhưng mà..., anh ấp úng.

- Anh đừng nói gì cả, cứ nhìn đi.

Ở trên giường, con kiến lại gần hình nộm. Nó cắt một mẩu vuông nhỏ xíu trên bộ đồ ngủ của giáo sư Takagumi giả. Rồi nó biến mất như lúc đi vào, qua đường nhà tắm.

- Tôi không hiểu, Méliès nói. Con kiến này không tấn công hình nộm. Nó chỉ lấy đi mỗi mẩu quần áo bé xíu thôi.

- Đấy là do mùi, chỉ do mùi mà thôi, đội trưởng ạ.

Và vì cô có vẻ như đang nắm thế chỉ huy chiến dịch, anh bèn hỏi:

- Thế giờ chúng ta làm gì?

- Chúng ta đợi thôi. Tên sát nhân sẽ tới. Giờ tôi tin chắc như vậy.

Méliès phân vân.

Cô nhìn anh chăm chăm bằng đôi mắt màu tím hoa cà khiến anh ngất ngây rồi cô giải thích:

- Con kiến đơn lẻ này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện mà bố tôi từng kể cho tôi nghe. Hồi ở châu Phi, bố tôi từng sống giữa lòng bộ tộc Baoulés. Bộ tộc này đã nghĩ ra một cách giết người khá kỳ quặc. Khi ai đó muốn bí mật giết chóc, anh ta sẽ lấy đi một mẩu quần áo đẫm mồ hôi của nạn nhân tương lai. Sau đó anh ta đặt mẩu quần áo vào một cái túi, trong cái túi có một con rắn độc. Tiếp đến, anh ta treo cả cái túi lẫn các thứ bên trong lên phía trên một cái nồi nước sôi. Con rắn bị đau sẽ phát cuồng phát dại và nó sẽ quy tội cho mùi trên mẩu quần áo. Người muốn giết chóc kia chỉ còn việc thả con rắn vào làng nữa mà thôi. Ngay khi đánh hơi thấy mùi tương tự mùi trên mẩu quần áo, con rắn sẽ cắn chết người có mùi ấy.

- Nên cô nghĩ là nạn nhân chỉ đường dẫn lối cho kẻ sát nhân của chúng ta à?

- Chính xác là vậy. Suy cho cùng, mùi chính là thứ mà từ đó loài kiến rút ra được mọi thông tin.

Méliès trở nên mừng rỡ:

- À cuối cùng, cô cũng đồng ý rằng kiến chính là thủ phạm nhé!

Cô trấn tĩnh anh.

- Giờ thì chưa ai bị giết cả. Chỉ có mỗi một mẩu áo ngủ nhỏ xíu để làm vật chứng thôi.

Anh ngẫm nghĩ rồi nói:

- Nhưng cô l ại quệt mùi của tôi vào mẩu quần áo ấy! Giờ chúng sẽ tìm tôi để giết!

- Lúc nào cũng sợ sệt thế sao đội trưởng... Chỉ cần anh lau rửa nách cẩn thận và xịt nước thơm vào là đủ. Rồi chúng ta sẽ quệt thật nhiều mồ hôi của anh lên người giáo sư Takagumi thật.

Méliès không hề cảm thấy yên tâm. Anh đưa một chiếc kẹo cao su vào miệng qua hai hàm răng nghiến chặt.

- Nhưng chúng từng tấn công tôi một lần!

- ... Và theo như tôi thấy, anh đã thoát khỏi chúng. May là tôi đã lường trước mọi việc, tôi có mang theo công cụ giải trí tốt nhất cho anh đây.

Cô lôi từ trong túi ra một chiếc ti vi di động.

130. TRẬN CHIẾN NHỮNG ĐỤN CÁT

Cuộc hành quân qua hoang mạc cát mới dài làm sao.

Những bước chân càng lúc càng trở nên nặng nề.

Một lớp cát mịn dính vào cơ thể lũ kiến, khiến môi chúng trở nên khô khốc và làm các đốt kitin kêu răng rắc.

Cơ thể lũ kiến bám đầy bụi và không còn sáng bóng nữa.

Nhưng đoàn quân thập tự chinh vẫn tiến lên, luôn luôn tiến lên.

Lũ ong không còn mật năng lượng để cung ứng.

Diều kiến trống rỗng. Các gai chân gãy rụng sau mỗi bước tiến tựa như những chiếc túi nhỏ bằng thạch cao dễ mủn.

Đoàn quân thập tự chinh kiệt sức lắm rồi mà trước mắt lại hiện lên một mối đe dọa mới. Một đám mây bụi cuộn lên phía chân trời, to dần và sáp lại gần. Trong cái quầng ấy, khó mà phân biệt nổi đâu là quân đối phương.

Lúc cách đó khoảng ba nghìn bước chân thì chúng phân biệt rõ hơn. Đó là một đội quân mối. Mối lính, nổi bật lên với những mái đầu hình quả lê, đang giăng ra thứ keo dính khiến những hàng quân kiến đầu tiên sa bước.

Kiến Myrmécéen vội nhả nước bọt axit ăn mòn từ bụng dưới. Binh đoàn mối rất thưa thớt nhưng lũ kiến lại bắn quá muộn nên chúng đã bị kẻ thù ào lên tấn công, chọc thủng trung tâm đội quân phòng thủ thứ nhất.

Sốc hàm dưới.

Vỡ vụn lớp vỏ ngoài.

Binh đoàn Myrmécéen thậm chí còn chưa kịp cử động đã bị các toán quân mối bủa vây.

Bắn! 103 ra lệnh. Nhưng tuyến pháo binh hạng nặng thứ hai vốn được trang bị axit nồng độ 60% không dám bắn vào đám quân hỗn hợp gồm cả kiến và mối này. Mệnh lệnh không được tuân thủ. Các nhóm chiến đấu theo cảm hứng riêng của chúng. Hai bên cánh của đoàn quân thập tự chinh cố dãn ra để có thể tấn công lũ mối từ bên sườn hoặc từ đằng sau, nhưng thao tác của chúng lại quá ư chậm chạp.

Keo dính của lũ mối hạ gục bầy ong đang vùng vẫy tìm cách bay lên. Cũng như lũ ruồi, cũng như con 24 và cái vỏ kén của nó, bầy ong ẩn mình vào cát.

103 hiện diện khắp mọi nơi, động viên quân bộ binh tập hợp lại thành những hình vuông vững chãi. Nó rất mệt mỏi. Ta đang già đi, nó vừa tự nhủ vừa bắn và trượt mất mục tiêu.

Quân thập tự chinh đang lùi bước từ tứ phía. Những chiến binh lừng lẫy từng đánh gục các Ngón Tay nay đã thành ra thứ gì đây? Những kẻ từng chinh phục thành công Đô thị ong vàng nay đã thành ra thứ gì đây?

Xác kiến chết chồng đống lên nhau. Giờ chúng chỉ còn là một nghìn hai trăm con kiến nghĩ rằng mình sắp phải chịu chung một số phận kinh hoàng.

Chúng đã thua ư?

Không, bởi 103 thấy từ xa cuộn lên đám mây thứ hai. Lần này chắc chắn đó là những người bạn. “Sừng Lớn” đã trở lại, kéo theo mình một trong những đội quân bay đáng nể nhất.

Chúng ồn ào bay qua phía trên những con mắt đang hướng theo mình và tất cả đều nhìn chúng vừa với tình cảm ngưỡng mộ vừa với cảm giác khiếp đảm. Chúng đúng là những con quái vật thực sự bước ra từ một truyền thuyết về ngày tận thế thời Trung cổ.

Chúng lao đi vun vút, nom chúng thật tuyệt vời, lộng lẫy, sôi nổi, các khớp bóng láng kêu tanh tách.

Đội quân ấy bao gồm bọ hung bạo chúa, bọ da và lũ bọ hươu khổng lồ có sừng hình cái kìm.

Đó là đội quân ưu tú nhất trong số các đội quân sâu bọ cánh cứng, đội quân khiến người ta phải ngạc nhiên sửng sốt và đội quân ấy đã đáp lại lời kêu gọi của “Sừng Lớn”.

Những con vật khổng lồ lộng lẫy này khoác trên mình nào giáo, nào lao, nào sừng, nào kiếm, nào khiên nào móng vuốt. Những đôi cánh cứng của chúng sặc sỡ sắc màu nom như những vảy cá, một số con còn mang trên lưng hình khuôn mặt ngơ ngác màu đen hồng, những con khác lại mang trên lưng các họa tiết trừu tượng hơn, như là những vệt đỏ, cam, xanh lá hoặc xanh lam lấp lánh.

Hẳn chẳng có người thợ nào đẽo tạc được những bộ giáp tương tự. Những bộ giáp mang đến cho lũ vật dáng vẻ vương quyền quả cảm, như những vị hoàng tử thời Trung cổ huyền thoại.

Dưới sự lãnh đạo của “Sừng Lớn”, khoảng hai mươi con bọ cánh cứng thực hiện hành động quay vòng; chúng sắp thành hàng rồi bắt đầu tấn công đội quân mối lính đông đảo.

Chưa bao giờ 103 được chứng kiến cảnh tượng nào ly kỳ đến vậy.

Lũ mối hoảng loạn. Chất keo dính của chúng không phát huy tác dụng trước đoàn quân vừa xuất hiện này. Các tia đạn chất lỏng trôi tuột đi trên những cái vỏ khổng lồ được rèn giũa và rơi lại lên cơ thể lũ mối.

Lũ mối bắt đầu rút lui.

“Sừng Lớn” hạ cánh xuống gần 103.

Lên đi!

Cất cánh.

Dưới chân con bọ tê giác, chiến trường lướt qua như một tấm thảm lăn sôi sục.

103 dẫn đầu đoàn quân của mình truy đuổi những kẻ bỏ trốn. Từ trên lưng “Sừng Lớn”, nó điều chỉnh chính xác các tia axit và mỗi lần bắn là một lần trúng.

Bắn! nó gom toàn bộ sức lực từ râu hét lên. Bắn!

Lũ kiến vừa chạy vừa bắn axit.

Hết chương 130. Mời các bạn đón đọc chương 131!

Nguồn: truyen8.mobi/t40103-ngay-cua-kien-chuong-126-130.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận