Người Bên Này Trời Bên Ấy Truyện 3


Truyện 3
Đời con bọ

Cánh Hà Nội bảo nhau: Anh Năm sắp ra đấy.

Anh Năm từ Sài Gòn ra Hà Nội là một sự kiện. Người ta truyền nhau thông tin. Người ta náo nức. Người ta rục rịch chuẩn bị. Sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên ở Hà Nội sẽ có mặt để chào mừng anh Năm. Nói là chào mừng e có vẻ khách khí. Thực ra là thêm một dịp để anh em thành viên gặp nhau, thăm hỏi nhau. Và hơn hết thảy, đem khoe con xe của nhau. Như là đem khoe con, nó xinh tươi khỏe mạnh ra sao, nó có áo mới áo đẹp thế nào.

Tuổi sáu mươi, dịp nghìn năm Thăng Long, anh Năm đã lái xe con bọ từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi đi tuốt lên Điện Biên, qua đường Phong Thổ Lai Châu mà sang Sa Pa. Hai nghìn rưởi cây số đi. Hai nghìn rưởi cây số về. Chuyến caravan lữ hành của câu lạc bộ xe hơi Volkswagen, loại Beetle, còn gọi là xe con bọ. Đúng là xe con bọ. Cả một đoàn như một dãy bọ cánh cứng. Gần hai chục chiếc xe xênh xang trên đường. Như một đám rước diễu hành. Như một đám cưới tưng bừng sặc Sỡ. Mỗi xe mỗi màu, diêm dúa và lộng lẫy. Mỗi xe mỗi kiểu, mảnh mai và yểu điệu. Mỗi xe mỗi phong cách, cổ kính tôn nghiêm mà trẻ trung bóng bẩy. Mỗi xe mỗi thú, luật sư và bác sĩ, quân nhân và dân sự, nhà ngoại giao và giảng viên, kỹ sư cơ khí và thợ điện thợ máy... (tập đoàn xe lưng bừng khắp khu Bắc Bộ Phú, nối đuôi nhau dung dăng dung dẻ quanh Hồ Gươm, thêm sắc màu cho cái đại lễ nghìn năm.

Anh Năm không phải là người sớm gia nhập câu lạc bộ. Không hề sớm. Nhưng anh lại chính gốc là thợ máy của hãng Volkswagen từ trước năm bảy lăm. Người cha là biệt động thành, ông gửi đứa con trai vào gia đình một cơ sở. Cơ sở này là ông chủ của mộc hãng VoIkswagen ở Sài Gòn. Thế là chàng thanh niên được học nghề sửa chữa đám xe hiện diện khắp miền Nam thời ấy. Rồi người cha biệt động Sài Gòn hy sinh trong một trận đánh. Chú thợ cũng trưởng thành dần trong cái nghề định mệnh của mình. Gọi là nghề định mệnh vì nó là kế sinh nhai, cuốn vào đấy mọi đam mê, mọi gửi gắm, mọi kỳ vọng cứ như có thể ăn đời ở kiếp. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi. Sau năm bảy lăm, xe mới không nhập vào, xe cũ tàn tạ, dần dần chỉ còn là kỷ niệm, là bóng dáng xưa, ì ạch kéo lê chân già trên đường rồi chết già xó cửa lúc nào chẳng rõ. Anh Năm cũng thôi nghề lúc nào chẳng rõ. Lên vùng kinh tế mới, làm ăn không được, lại bồng bế nhau về. Trải bao chứ nghề kiếm sống. Rồi mở mày mở mặt trở lại. Rồi làm ăn phát đạt trở lại. Con cái gửi đi học Âu Mỹ đều đã trưởng thành. Bắt đầu nghĩ chuyện hai ông bà thảnh thơi ngồi nhìn nhau dưỡng già.

Đùng một cái có ông luật sư trẻ tìm đến. Anh Năm, câu lạc bộ xe cổ mới thành lập không thể thiếu anh. Không thể thiếu. Thì ra từ lâu nay anh em vẫn có người âm thầm chơi xe Volkswagen, đặc biệt là xe con bọ. Họ mua lại nó từ chủ cũ. Họ lôi nó ra từ bãi rác rừ đống sắt vụn. Họ tân trang mông má lại, thay máy và chỉnh sửa mọi chi tiết. Thực sự là một cuộc phục sinh. Thực sự là cải lão hoàn đồng. Bà già tưởng đã chết già xó cửa bỗng hóa thành một nàng lộng lẫy diêm dúa khiến ai đi đường cũng phải ngoái nhìn. Khiến anh Năm tưởng đã nguôi quên bỗng một ngày rộn rực khắp người. Anh nhận lời đến chơi với anh em câu lạc bộ một buổi. Gặp gỡ các bọ nhân. Hôm ấy vài chục con xe đến, đỗ chói chang khắp một công viên sinh thái. Con màu ngọc thạch, con màu đỏ cờ, con xanh lá cây xanh dương, con vàng chanh vàng dứa, con màu bạc màu đồng. Chỉ nhìn thấy thế là anh Năm cầm lòng chẳng đậu. Bao nhiêu đam mê trỗi dậy. Bao nhiêu ký ức ùa về. Bao nhiêu xúc cảm trào dâng. Anh gật đầu chỉ nói một tiếng. Được. Zậy thôi.

Các bọ nhân trong câu lạc bộ bảo thời nay không thể tìm được một người thợ sửa xe Volkswagen. Thợ sửa xe hiện đại không dám mó tay vào. Và không muốn, mà xe bọ phải tà tà tù từ. Không ăn xổi ăn gỏi ăn nhanh fastfood được. Một con xe ngâm nga bao lâu trong xưởng, vì chờ đợi bao lâu mới có một con đến sửa. Thu nhập không ai trông chờ được vào đó. Chỉ có người thợ chính hãng ngày trước mới đủ tình cảm và đủ kiên trì.

Xe hồi sinh. Người cũng hồi sinh một đam mê. Đời con bọ. Anh Năm đã xem cái phim hoạt hình Mỹ . A Bug’s Life về một xã hội loài bọ cánh cứng. Đây thì đời xe cũng như đời bọ. Đời bọ như đời người. Nhiều ái ố hỉ nộ. Nhiều thăng trầm. Anh nhớ một ông bạn công chức trước bảy lăm có con xe đời ngàn mốt, ông này đã định cư ở Mỹ nhưng con xe vẫn còn bỏ đâu đó trong nhà cũ. Anh Năm tìm đến nhà ông bạn. Bãi đất để xe ngày trước mênh mông giờ không còn lối vào. Con cháu ông bạn đã chia đất phân lô xây nhà, đã bán bớt đất cho người khác đến xây nhà. Những bức tường quây kín cái nhà để con xe vào giữa. Hỏi đám họ hàng, ai cũng bảo trong cái phòng ấy có một con xe, nhưng ai cũng không biết nó là xe gì, đời nào, hình dáng màu sắc ra sao. Con xe trở thành tù biệt giam cấm cố vài chục năm rồi. Anh Năm mua lại con xe. Đúng là mua mèo trong bị, chẳng ai biết mặt mũi nó ra làm sao. Nhưng anh Năm thì nhớ. Thời trước, tay anh đã chăm sóc thăm khám cho nó nhiều năm trời. Thỏa thuận mua bán xong rồi mới thấy không có đường để đưa xe ra. Phải đập tường cái phòng giam con xe. Phải đập tường thêm một căn nhà nữa để đưa xe đi qua. Phải khiêng. Mười chú thợ khiêng xe qua căn nhà đập tường rồi đi ra ngõ. Ngõ hẹp. Xe động

cơ không vào được. Phải bỏ con xe lên một chiếc xe bò. Xe bò chở bọ. Cứ thế anh mua được con xe về. Người nhìn xe như gặp lại cố nhân. Một cố nhân sa sút tàn tạ. Người nhìn xe mà rơi nước mắt. Ngày xưa nàng vốn đầy vẻ bắc bậc kiêu sa. Giờ thì ra nông nỗi này.

Anh gia nhập câu lạc bộ xe con bọ. Con xe đã được cải tử hoàn sinh, không chỉ hoàn sinh mà còn trở thành một tiểu thư óng ả. Những con xe óng ả trong câu lạc bộ cũng đều là xe nhập trước bảy lăm, cũng đều được lôi ra rừ nơi cấm cố hoặc bãi rác bãi sắt vụn như vậỵ. Cuộc đời xuống cẩu lên voi dường như cũng chỉ trong chớp mắt. Người ta ôn lại lịch sử loại xe nghe đâu ra đời từ những năm ba mươi thế kỷ hai mươi ở tận nước Đức. Ngày ấy chính quyền chủ trương một chương trình ô tô cho nhân dân, ô tô cho mọi nhà và ông kỹ sư Porsche được giao nhiệm vụ thiết kế một loại xe giá bình dân, chừng dăm trăm đô la thời đó. Con xe ấy một thời tung hoành khắp châu Âu, sang tận châu Mỹ. Con xe ấy giờ đây ở ta hầu như chỉ còn là những con xe cổ. Ở câu lạc bộ, anh Năm thành hạt nhân cho các điện tử chao lượn xung quanh. Thợ điện thợ máy chính hãng, hiếm hời lắm. Cả Sài Gòn bây giờ chỉ còn có vài ba người như anh. Hơn sáu chục con xe ở Sài Gòn. Hơn ba chục con xe ở Hà Nội. Anh em có sự cố gì đều tham vấn các anh. Anh thành một kiểu thầy thuốc cho bọ. Bọ hắt hơi sổ mũi, bọ va vấp ươn mình, người ta đều a lô gọi đến anh Năm. Chuyên caravan lữ hành xuyên Việt, các con bọ nối nhau trên đường, thành một đội hình. Bọ lễ tân bọ điều hành đi trước. Phụ nữ và cây non đi giữa. Cuối cùng là một bọ điều hành, rồi đến anh Năm. Thầy thuốc đi sau để quan sát và xử lý những con phát bệnh. Bao giờ cũng đi sau. Dụng cụ sửa chữa đầy đủ và sẵn sàng. Ấy thế, đi lên vùng Tây Bắc, giữa núi rừng hùng vĩ, sóng điện thoại lạc đi đâu mất. Có con bọ mải mê rẽ vào bên đường hái hoa bắt bướm rồi trục trặc. A lô thì chịu. Không làm sao quay ra đường chính được. Chỉ có nước đứng giữa Tây Bắc trùng điệp mà khóc. Nhưng có gì như linh tính. Có gì như thần giao cách cảm. Xe anh Năm đi cuối đoàn đã vượt qua lối rẽ ấy. Bất chợt anh cảm thấy có gì vương vướng bên tay trái. Một chiếc lá khô còn vương trên cánh tay, dính vào tay áo anh bằng mấy sợi tơ nhện. Chiếc lá cứ thế mà lật phật đập vào cánh tay anh. Như là nhắc nhở. Anh nhớ mình vừa mới vượt qua một lối rẽ, hơi giống cái đường cứu nạn nhưng nhỏ hon. Hình như thấp thoáng một cái gì trong đó. Một cái gì thì anh không biết. Nhưng mà hình như.

Anh đã quay xe lại và cứu được một con trong hội bọ. Lên đến Điện Biên, đám bọ được dịp hân hoan chúc mừng nhau không bỏ rơi một bọ nào.

Bây giờ anh Năm lại ra Hà Nội. Có công chuyện gì không anh Năm? Đâu có công chuyện gì, nhớ anh em thì ra, zậy thôi.

Bọ Hà Nội lại tụ tập. Áo đỏ áo xanh xênh xang cả một góc Bắc Bộ Phủ. Gặp nhau để thăm hỏi triền miên và lai rai nhậu. Nhưng mà anh mang theo kè kè bộ đồ sửa chữa. Con bọ nào có vấn đề là sửa ngay. Đè ra sửa. Bóc ra sửa. Vật ra sửa. Con ngàn mốt đó còn ngon lắm, anh đây vẫn thích xài con ngàn mốt hơn cả. Con ngàn rưởi đó chỉnh lại cái quạt gió là ngon ngay. Con ngọc lam kia thì chỉ sụt sịt chút phần điện. Bữa nhậu chính sửa vẫn chưa đủ. Anh Năm ở Hà Nội một tuần thì một tuần anh đi qua hết các nhà bọ, sửa xong hết xe cho anh em. Như bác sĩ đi thăm khám. Có cái vui của thầy thuốc. Có cái phiền của thầy thuốc. Nhưng anh ra chơi là chỉ để thăm nom giúp anh em, zậỵ thôi mà.

Anh em hỏi anh có đến chăm nhà ấy nhà nọ chưa? Ờ ờ để tính. Nhà ấy ông chủ bọ vừa đi công tác châu Âu, không tụ tập ở đây được. Nhưng chủ đi thì có bọ ở nhà. Ai cũng nghĩ là anh Năm sẽ đến thăm con bọ ấy. Ờ ờ để tính.

Đấy là con bọ màu đỏ cờ, anh Năm kịp đến khi chủ nó sắp sửa đem nó đi bán sắt vụn. Cái vỏ gỉ hoen không còn biết màu sơn gốc của nó là gì. Sứt sẹo và long lở. Anh lôi nó về xưởng. Phù phép biến nó thành một nàng tiểu thư óng ả. Sơn cho nó màu đồ cờ. Biến nó thành một nàng tiểu thư lộng lẫy. Thỉnh thoảng có đám cưới đến thuê để chụp ảnh cô dâu chú rể đứng bên cái xe cổ. Tiền mình đâu quá bức bách, nhưng đứa con cưng của mình kiếm được ra tiền thì một đồng cũng quý. Không tư chối. Không nề hà. Anh cưng chiều nó như cưng chiều ba con bọ khác trong nhà mình. Mỗi đứa một số phận. Mỗi đứa một lai lịch. Con bọ đỏ này có cả một bộ hồ sơ dày cộp ở chỗ đăng ký. Có chứng sinh chứng tử. Chứng sinh nói năm sinh của nó là 1966. Chứng tử là giấy chứng tử ông chủ đầu tiên của nó. Chủ mất rồi, con cháu ông muốn bán cái xe này thì phải làm đơn xin bán, kèm theo tờ chứng tử. Nó lọc xọc lạch xạch qua tay một ông thợ cơ khí, một ông nhà báo, một ông nhà thơ. Ông nhà thơ cuối cùng thấy bất tiện quá, ông vừa đi vừa phá, lại không biết chăm nom săn sóc nó, ông đắp chiếu cho nó nằm im trước nhà. Hàng xóm kêu ca, vợ con la rầy, ông quyết định trả nó ra giữa bụi đời. Vừa may có anh Năm biết mà tìm đến.

Nó lại ngon ngay. Một bữa có người đến lăn vào đòi mua. Một chuyên viên vi tính ở Hà Nội vào Sài Gòn công tác. Em mê con này quá anh Năm. Em chơi bọ từ lâu rồi, cũng đã để qua tay vài con nhưng vừa gặp con này là em kết ngay. Anh Năm để em chơi đi. Rồi khi nào anh nhớ nó, em mua vé cho anh bay ra thăm nó cũng được mà. Lý lẽ đến thế thì hết sách từ chối. Mình có đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn, người ra cứ lăn vào đòi cưới thì tự nhiên thấy đẹp lòng. Mình gả. Biết chắc là gả vào chỗ xứng đáng. Thanh niên thời nay không mấy người hiểu được cái hay của xe con bọ. Họ thấy nó không tiện dụng. Họ chỉ chọn xe đời mới có nhiều chế độ tự động. Nhiều người cũng không biết rằng nó là xe cổ nhưng không hề đắt tiền. Không hề. Nó tồn tại là để dành cho người đam mê và không quản ngại. Gặp được người hiểu rỗ giá trị của con bọ, anh Năm như gặp được người đồng cảm. Anh gật liền, zậy thôi. Anh Năm cũng không muốn gửi xe thùng chuyên chở con bọ ra Bắc. Anh tự tay lái xe đi hơn một ngàn tám trăm cây sô' ra Hà Nội. Mang con gái đi về nhà người, tục lệ là cha đưa mẹ đón. Gặp đúng vào dịp mùa khô rồi mà thời tiết ác nghiệt cứ mưa gió bão bùng. Lũ tràn qua miền Trung. Ngang qua Cam Ranh lũ tràn qua mặt đường. Phải dò dẫm lội qua chín đoạn nước ngập. Hết đoạn này lại tiếp đoạn khác. Có lúc tưởng đã phải dừng lại một cái nhà nào đó bên đường. Nhưng lũ vẫn tiếp tục tràn qua. Dừng lại nhỡ đâu đêm nay nước dâng cao hơn, thì cái xe bọ đúng là thành con bọ cánh cứng trôi tuột đi giữa dòng nước xiết. Số con bọ này thật là gian truân. Mảnh mai yểu điệu nhưng mà tinh thần là của một người đàn bà quả cảm. Không lùi bước. Cứ thế mà rẽ nước tiến lên. Cứ thế mà đi tới. Kiên định, bền bí, nhẫn nại, quyết chí. Anh vừa lái xe vừa lẩm bẩm, tội quá thương quá, ba biết là ba gửi con vào nơi xứng đáng, ba không nhầm, nhưng mà về nhà người ta giữa mưa giữa lũ thế này. Nhớ cái ngày đám cháu nội của anh từ Mỹ về thăm, chúng ríu rít chạy quanh cái xe mà chúng gọi là Lady Bug, cô Bọ Cánh Cứng. Thì xe con bọ ai cũng coi là giống cái mà. Lũ trẻ vừa bám xung quanh cô Bọ vừa hát bài đồng dao của trẻ con Mỹ:

Lady Bug, Lady Bug

Go home

Your house is on fire

Andyonr children are alone.

Cô Bọ ơi cô Bọ/ Cô hãy về nhà ngay/Nhà cô đang bốc cháy/Lũ con bơ vơ thay. Ờ ờ, gửi vào nơi yên tâm rồi mà mình vẫn có lúc nghĩ nó bơ vơ. Ngày cuối cùng ở Hà Nội, có anh bạn lại nhắc, anh đã đến thăm cô Bọ của anh chưa? Ờ ờ thôi, để khi khác, biết nó khỏe nó đẹp là yên tâm rồi.

Nhưng trên đường ra sân bay thì anh Năm lại nghĩ, anh mà đến nhìn thấy con bọ lấy chồng xa ấy, nhìn thấy Lady Bug được anh cưng chiều nhất mực ấy, người nhìn xe, xe nhìn người, rồi khéo mà anh nhấc chân không nổi, quay đi không nổi.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/48193


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận