Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 7

Chương 7
Nhận được giấy triệu tập đi học trường Hành chính trung ương ba tháng, Mai Du cả mừng:

chẳng những được nâng cao nghiệp vụ hành chính để làm công tác Ủy ban tốt hơn mà còn có dịp gần nhà. Thời chiến, không có tàu hỏa, không có ô tô, Mai Du chất hành lý - cố nhiên là cả cái đàn Ác-coóc-đê-ông tặng vật của anh yêu - lên xe đạp, đạp một đêm ròng, không mảy may ngại ngùng, lo sợ. Từ huyện H. lên thành Nam, từ thành Nam lên Phủ Lý, từng chặng, từng chặng cô lùi lũi đi, ngầm đạp thi với những người đồng hành. Đường càng đi càng tối, càng đi càng khuya. Nhưng tỉnh lộ, quốc lộ thì không khi nào vắng người.

Đằng trước, một tiếng trẻ con thét lên. Mai Du đạp nhanh tới, thấy người đàn ông chở hai đứa trẻ đang loay hoay gỡ chân đứa ngồi sau vừa kẹt vào bánh xe đạp! Mai Du dựng vội xe vào gốc cây, nhanh chóng mở túi thuốc cá nhân của mình băng bó cho thằng bé. Ba bố con trở thành những người bạn đường đáng tin cậy của Mai Du. Họ vừa đi vừa trò chuyện. Thằng bé quên đau và Mai Du quên mệt. Ra đến gần Đồng Văn, họ bắt gặp một hố bom sâu hoắm nằm giữa đường quốc lộ. Phải vác xe mới qua được. Nhưng xe đạp Mai Du vừa nặng vừa không có dóng để vác. Cô mở túi lấy một sợi dây dù gập lại làm bốn buộc hai đầu vào yên và vào ghi đông xe. Người bạn đường đề nghị:

- Cô trông giùm hai cháu, để tôi chuyển dần qua.

- Dạ.

Anh đưa xe của anh qua trước, rồi đến xe Mai Du. Lần thứ 3, hai người bế hai đứa trẻ. Họ lội xuống mép bên này hố, rồi lại bám từng tảng đất trèo lên mép bên kia hố, dễ đến hàng tiếng mới qua được một quãng đường vài mươi mét. Qua Đồng Văn một đoạn thì người bạn đường chào Mai Du để đưa hai đứa trẻ rẽ xuống cánh đồng đi vào làng. Mai Du một mình mải miết đạp, về đến Hà Nội vừa nghe nhạc hiệu tập thể dục buổi sáng. Vậy là cô đã đạp xe 12 tiếng đồng hồ, ròng rã suốt một đêm.

Nhưng Mai Du không gặp được Phú. Ngày hôm trước anh cùng đoàn phóng viên các báo đã đi vào chiến trường Khu Bốn. Họ dự định sẽ vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh "đất lửa", mà bấy giờ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã là những "túi bom" rồi.

Ở Hà Nội, ba mẹ và các em Mai Du đã lần lượt đi sơ tán cả. Mai Du một mình vượt qua cầu Long Biên, tìm về tới đất Thuận Thành - địa điểm sơ tán của trường Hành chính Trung ương. Học viên được phân tán vào nhà dân. Mai Du ở chung với một chị cán bộ huyện người dân tộc Mường, tên là Póm, nói tiếng Kinh chưa thạo. Hai người chóng quen nhau. Khi ra nhà ăn bữa đầu tiên, người ta thấy có hai cô gái Mường từ váy áo cho đến khăn đội đầu trang phục hệt như nhau. Chỉ có điều, người lớn tuổi, chân đi dép cao su còn nguyên vẻ mộc mạc chất phác của núi rừng, còn người tre trẻ đi dép nhựa, trông trắng trẻo, nhanh nhẹn, tươi tắn như một cô văn công.

Ngồi ở bàn ăn bên cạnh là một chị học viên đứng tuổi, có mái tóc chải ngược lên, để lộ vầng trán vừa rộng vừa cao, trông thông minh mà bướng bỉnh. Búi tó to dày cuộn chặt sau gáy. Trên gương mặt xương xương thanh tú nổi bật lên hàm răng đều đặn trắng bóng như đúc bằng sứ. Chị bạn ngoái sang cười với Mai Du, nói nhỏ một câu bằng tiếng Tày: "Tao biết mày là người Cần Keo". Mai Du cũng hỏi lại bằng thứ tiếng ấy: "Chị cũng không phải là người Cần Tày, đúng không nào?". Chị bạn phá lên cười khanh khách rất thoải mái. Chẳng bao lâu, hai người đã kết chị em. Mai Du, Thỏa (chị bạn mới) và Póm, lúc nào cũng ngồi một bàn, khi ăn, khi học có nhau.

Phú vừa vào tới Vinh lại được lệnh trở ra Hà Nội. Anh háo hức tìm về Thuận Thành để gặp Mai Du. Bốn người ngồi bên nhau, Mai Du hớn hở giới thiệu với Phú: "Chị Póm, cán bộ huyện, người dân tộc Mường, ở Hòa Bình. Chị Thỏa, ủy viên Ủy ban thị xã Cao Bằng, người Kinh...". Từ đó chiều thứ bảy nào chị Thỏa cũng đạp xe tiễn Mai Du ra hết địa phận huyện Thuận Thành, và tối chủ nhật nào chị cũng đạp xe ra đứng ở đầu địa phận huyện Thuận Thành để đón Mai Du từ Hà Nội trở lên. Hai người song song bên nhau như hình với bóng, khi thong thả dạo dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong, khi động viên nhau qua những đoạn đường huyện, đường làng tối tăm trong đêm mưa lạnh.

Chị Thỏa rất muốn đổi nhà đến ở với Mai Du. Mai Du cũng rất muốn đến ngủ chung cùng chị Thỏa nhưng cả hai đều e ngại kỷ luật nhà trường, cả hai đều sợ mếch lòng những người bạn cùng nhà. Trong bài thơ "Lẻ bạn" đút trong quyển vở học của chị Thỏa, Mai Du viết:

"... Thơ đứt quãng, tay buông cầm

Đêm khuya lẻ bạn âm thầm năm canh!".

Hàng ngày, Mai Du giảng lại bài cho các học viên người dân tộc. Những kiến thức cao siêu, những lý luận rườm rà, những thực tiễn phong phú về lịch sử, về luật pháp, về tổ chức và nghiệp vụ hành chính... được cô trình bày một cách giản dị, dễ hiểu. Cô soạn giáo trình cả 3 tháng học thành những bài ngắn gọn cho các học viên miền núi học thuộc lòng. Cả khóa học chỉ một mình Mai Du có trình độ Đại học. Bài thi cuối khóa chỉ cần 10 phút là đạt yêu cầu, nhưng Mai Du ngồi làm bài nghiêm túc suốt 4 tiếng đồng hồ "cho đúng với sức của mình" - cô nghĩ. Khi tiếng trống báo hết giờ, cô đứng dậy với bài luận văn trên tay: 14 trang đầy! Cô đạt thành tích học tập xuất sắc. Ban Giám hiệu trường Hành chính Trung ương muốn giữ Mai Du ở lại trường. Tất nhiên sẽ gần Hà Nội, nhưng Mai Du từ chối: "Nhân dân huyện H. mới bầu mình, hẳn rằng huyện đang cần" - cô nghĩ vậy, rồi một mực "khăn gói" quay trở về để giữ "thủy chung" với huyện H.

Khi Mai Du ngang qua nhà đã thấy mẹ Phú ra rồi, và Phú cũng đã đón em gái về ở cùng. Bà Thiệu bảo: "Mẹ nhảy bừa lên một chiếc xe tải, xin đi nhờ ra chơi mấy hôm, chẳng có giấy tờ gì sất".

Nhưng Hà Nội quản lý hộ khẩu rất chặt chẽ. Muốn xin mấy cân gạo phiếu hay ngủ lại nhà một vài hôm cũng phải có giấy tạm trú. Mai Du nảy ra sáng kiến, bảo Phú: "Đưa mẹ về nhập hộ khẩu huyện H. với em, mọi thứ tem phiếu chắc sẽ được huyện giải quyết". Phú nhẹ nhõm, thấy không có gì tốt hơn thế nữa.

Về đến huyện H, Mai Du sững sờ khi nhận được tin báo: "Anh Thanh đã đi B rồi!". Cô lấy làm ân hận rằng mình đã không kịp chào giã biệt anh.

 

Ngày này sang ngày khác, Mai Du tham gia công tác cải tiến quản lý Hợp tác xã ở vùng Thiên Chúa giáo. Cô cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân công giáo để vận động họ vào Hợp tác. Đêm cùng họp tổ sản xuất, dự bình công chấm điểm, hay họp xã viên, bầu ban quản trị, ngày ra đồng kiểm tra kỹ thuật canh tác theo lối mới, hoặc vận động xây dựng trạm xá, trường học, làm chuồng trâu, chuồng bò, hợp vệ sinh...

Cô gửi bà Thiệu sơ tán ở nhà dân, ngày ngày ăn cơm tập thể. Có khi Mai Du chở bà xuống xã làm quen với bà con nông dân nơi cô công tác cho bà đỡ buồn. Một tuần đôi ba lượt, cô tranh thủ về thăm và ngủ với mẹ chồng một đêm. Mai Du thương mẹ thui thủi cả ngày chẳng có bầu có bạn. Rồi Mai Du nhớ tới chồng. Những lúc như vậy, thao thức không ngủ được, Mai Du sẽ sàng sửa lại chiếc gối hay kéo chăn đắp kín cho mẹ chồng. Cũng có khi, cô nhẹ nhàng luồn cánh tay mình xuống cho bà gối đầu, và cô cảm thấy nỗi nhớ nhung chồng vơi nhẹ đi phần nào.

Phú đều đều gửi thư cho vợ. Anh kể chuyện: Chiều thứ bảy, chủ nhật thấy người ta đưa con đi chơi công viên m tủi thân mình: có vợ rồi vẫn phải sống cô đơn! Anh than thở: "Anh không phải là Ngưu Lang, em cũng chẳng phải là Chức Nữ mà sao ta phải sống kiếp vợ chồng Ngâu thế này? Em ơi! Anh không thể chịu được cảnh "bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia" thế này mãi được đâu. Nếu em cứ nhất định không về trên này thì để anh phải xin xuống huyện H. với "bà Huyện", chấp nhận làm bất cứ việc gì để được gần em...".

Đọc thư, Mai Du càng thương nhớ chồng vô cùng.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t87346-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận