Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 8

Chương 8
Một buổi tối, Mai Du mừng rỡ về khoe với mẹ chồng:

- Mẹ ơi! Mẹ được cấp tem phiếu đầy đủ rồi.

- Thế mai đưa ta về Hà Nội - Bà Thiệu bảo.

- Ôi! - Mai Du kêu lên - Để thư thư chứ, về ngay đâu được, mẹ? Con phải khai danh dự là mẹ ra ở với con mới được nhập hộ khẩu ở đây. Vừa có tem phiếu, hộ khẩu đã về, mang tiếng chết!

- Về còn nấu cơm cho anh em nó. Ở đây không có việc chi làm.

- Nhưng mà con đang dở đợt công tác, chưa nghỉ phép được.

- Tao về với người đi chợ.

- Khi máy bay đến, họ còn lo quang gánh của họ chứ đâu có lo cho mẹ được, rồi mẹ làm sao?

 

Bà Thiệu im lặng. Mai Du ngỡ rằng mẹ chồng đã thấu hiểu. Cô lại đi xuống xã. Vài hôm sau trở về, Mai Du nghe chị chủ nhà mách:

- Cô ơi! Hôm qua bà đi đánh điện.

Anh nhân viên Bưu điện huyện đưa cho Mai Du một tờ điện báo lưu:

"Mẹ ốm sắp chết! Anh về ngay chỗ em! Mai Du".

- Ai mạo nhận tên tôi anh cũng nghe sao?

Mai Du bực dọc phàn nàn. Anh bưu điện phân trần ngọn ngành:

- Bà bảo mẹ chị ốm nặng. Còn bà là mợ của chị, đánh điện thay chị.

Mai Du lo lắng về bảo với mẹ chồng:

- Sao mẹ lại đánh điện như vậy? Hai anh em tưởng thật lại cuống cả lên mất thôi! Chưa chừng khóc từ trên ấy khóc về cũng nên!

- Không đánh thế thì làm sao cơ quan họ cho nghỉ phép?

Bà Thiệu nói tỉnh khô, như một lời giải thích hồn nhiên về việc làm của mình. Mai Du lại ra đi.

Một sáng tinh mơ, sau khi đi vòng quanh xóm góp ý cho mấy gia đình nông dân làm chuồng trâu, chuồng bò chống rét và đảm bảo vệ sinh chung, Mai Du thấy bà Thiệu đến. Vẫn vui vẻ, tươi cười, bà bảo: "Anh em nó về rồi!". Hai mẹ con trở về nhà. Mai Du không quên ghé vào trạm xuất khẩu mua con gà "đãi khách".

Vừa trông thấy Phú đang nằm dài trên giường hút thuốc lá, Mai Du chưa kịp chào mừng chồng thì đã nghe từ đằng võng đưa lại giọng chì chiết của cô Sinh:

- Bà xem, bà đã xứng đáng làm dâu chưa? Mới nuôi mẹ chồng được mấy tháng đã để mẹ ốm sắp chết! Làm khổ cả nhà! Hai anh em nhận được điện là hộc tốc về, không kịp xin phép! Miếng bánh mì không nuốt nổi.

- Sinh! - Phú ngồi bật dậy quát em gái - Mày ngu thế? Nhìn mẹ không biết mẹ ốm thiệt hay ốm giả à?

- Phải, tôi ngu - Sinh cãi - Ông bây giờ coi vợ bằng trời, coi mẹ bằng vung. Khi trước ông quý mẹ, thương em. Bây giờ ngày Tết ông còn bỏ cả ông bà tổ tiên, bỏ cả hương đèn cúng tế, đi theo bà ấy, thì ông còn coi tôi là cái gì!

- Hôm tết sao mày cũng đi?

- Tôi là phận con gái.

- Ừ! Hôm tết thằng Phú đi rồi, ai đến cũng hỏi đó - Bà Thiệu chêm vào. Phú ném mạnh điếu thuốc đang hút dở, lại bật diêm châm điếu khác.

Nghe ồn ào, láng giềng chung quanh chạy tới. Mấy cán bộ Phòng Giáo dục sau nhà ngó sang. Mai Du nhốt vội con gà rồi ù té chạy. Thật nhục nhã! Thật xấu hổ! Mai Du muốn chạy trốn những cặp mắt nửa ngờ vực nửa thương hại của hàng xóm - những người lâu nay vẫn yêu mến và vì nể mình. Cô đi ra bờ ao.

Phú không nghe thấy tiếng Mai Du, liền bổ đi tìm. Anh bắt bà Thiệu đưa anh ra lại cầu Yên, về xã Chiến Thắng, nơi bà đã đón Mai Du hồi sáng. Chị chủ nhà nơi Mai Du công tác rất đỗi ngạc nhiên:

- Cô Mai Du về với bà, đã lên đây đâu.

Chị không hiểu nổi, tại sao chồng cô ấy lại phải kiếm tìm thế này?

Bờ ao nhà Mai Du ở, bốn phía có những bụi mây che kín. Cô giấu mình vào đó giây lát cho nguôi ngoai bớt nỗi giận hờn, rồi nghĩ đến trách nhiệm một chủ nhân đang có khách, cô vén rào mây, tắt qua ngõ hẻm đi ra chợ, mua thêm ít cá bể và mấy thứ gia vị nấu với thịt gà. Khi mẹ con bà Thiệu trở về thì mâm cơm khách cũng vừa được bưng lên. Bốn người ngồi ăn, chẳng ai nói với ai một lời.

Để phá tan không khí nặng nề, Mai Du hỏi chồng:

- Anh xuống tàu ga Nam Định?

- Xe đạp xuống Phủ Lý hết!

- Rồi hai anh em chở nhau?

- Nó đâu có biết đi xe đạp. È cổ chở một mình!

Phú nói bực dọc như chưa hết mệt. Mai Du nghĩ thương chồng chở cô em to béo nặng nề đi những ngót trăm cây số.

Buổi chiều, Mai Du không dám rủ Phú đi cùng. Cô ra khỏi nhà, khi trở về, cô dắt theo một chiếc xe đạp đã gửi sửa ngoài hiệu. Phú vẫn cáu kỉnh:

- Mai cho về hết thôi. Ở lâu chi cho xấu mặt!

- Anh đưa mẹ về cũng được. Xin được giấy tạm trú cho mẹ rồi.

Mai Du đưa cho Phú một tờ giấy đánh máy có dấu son rồi quay ra nhẹ nhàng bảo với em chồng:

- Tối nay trăng sáng, Sinh đi mà tập xe. Xe đạp này thấp mà sân hợp tác ở đây rất rộng.

- Cám ơn bà!

- Mất dạy! - Phú mắng em - Chị bảo, mày không tập thì thôi, trả lời như thế à?

Cô Sinh sa sầm mặt xuống, còn bà Thiệu thì vừa khóc vừa gào to lên:

- Nó mất dạy vì cha nó chết sớm! Anh đừng có mà mắng nó!

Phú chạnh lòng, im bặt. Từ đó, anh chẳng nói chẳng rằng, cũng không thiết ăn cơm tối, chỉ ngồi bó gối ngoài thềm, suốt đêm đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác. Trăng sáng vằng vặc, soi rõ bóng Phú lên tường nhà bất động như một bức tượng bán thân! Chưa lúc nào Phú ghét trăng như lúc này, bởi anh cảm thấy nét mặt cau có và cả nỗi niềm cay đắng của mình như đang bị phơi ra lồ lộ!

Sáng hôm sau, ăn sáng qua quýt chiếu lệ rồi cả bốn người ra bến xe. Mai Du đặt vào tay Phú ba tấm vé, mấy nắm cơm và ít bánh trái ăn đường. Cô chỉ kịp chào: "Mẹ về ạ!" và dặn Phú một câu: "Coi chừng máy bay nghe anh" thì chiếc xe hàng ậm ạch đã rú ga chuyển bánh.

 

*

*        *

 

Hồ sơ kết nạp Đảng của Mai Du đã hoàn tất rồi. Giấy giới thiệu của Chi đoàn thanh niên Ủy ban và biên bản đề nghị kết nạp của Chi bộ Phòng Giáo dục đã có đủ. Ngày kết nạp cũng đã được dự kiến. Chợt đồng chí Bí thư Đảng ủy cơ quan huyện hỏi Mai Du:

- Mấy hôm vừa rồi có chuyện gì vậy? Nghe các đồng chí ở Phòng Giáo dục nói, hình như là chị dâu em chồng...

- Có nói các anh cũng không tin. Thôi thì... anh cứ


xem đây.

Mai Du ưa cho người lãnh đạo đáng tin cậy của mình bức thư của Phú vừa gửi về:

"Mai Du em!

Anh đang ngồi chờ tàu ở ga Nam Định, viết vài dòng cho em đây. Thật xấu hổ, thật đau lòng về chuyện xảy ra hôm qua. Anh giận mình đã để em phải chịu đựng một cơn thử lửa cay đắng đến quá sức tưởng tượng như vậy. Anh cảm ơn em đã nhẫn nhục nén nhịn. Anh cảm ơn em về tất cả những gì tốt đẹp em đã làm cho gia đình anh...

... Bây giờ em có hiểu cho anh không? Anh buồn bực và chán ngán vô cùng! Không biết ngày mai về nhà, ba người ba thế giới sẽ sống ra sao đây?... Vừa báo yên xong. Máy bay địch đã mấy lần lượn lờ dòm ngó ga Nam Định. Em biết không, anh đang thầm mong có một trái bom nào rơi đúng vào đây, vào chỗ ba người đang ngồi này... để tất cả hóa thành tro bụi!...".

Đồng chí Bí thư Đảng ủy không đọc hết, anh trả lại Mai Du lá thư, má trái giật nhẹ mấy cái - thói quen mỗi khi anh có điều gì xúc động - nhưng mắt anh lại như ánh lên niềm vui, tin tưởng rằng Mai Du vô sự, Mai Du không có
gì khác.

Cứ vài ba tuần lễ, Phú lại gửi cho Mai Du một lá thư, vẫn lặp đi lặp lại một bài ca "ba người ba thế giới, cả ngày không ai nói một câu, đến bữa ăn im lặng nặng nề, không nuốt nổi...". Mai Du gửi thư về động viên chồng: "... Dần dà rồi đâu sẽ vào đấy cả. Mẹ con, anh em ruột rà mà, chẳng sao đâu.

Anh cố gắng quan tâm chăm sóc mẹ, đừng để mẹ buồn, mẹ đòi về quê thì gay. Với lị, có mẹ nấu cơm cho hai anh em ăn uống điều độ thì còn gì bằng...".

 

Ba tháng một lần, Mai Du gửi về Hà Nội cho mẹ chồng cái giấy phép tạm trú để đăng ký hộ khẩu và xin mấy chục cân tem gạo.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t87347-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận