Mai Du báo tin cho Phú bằng một cái phong bì đặc biệt. Phú cũng tự tay làm một cuốn lịch để bàn, có ngày 28-10 màu đỏ để chúc mừng Mai Du.
Vài ba tháng, Mai Du lại tranh thủ về thăm nhà. Phú bảo: "Báo trước cho anh ra đón". Hai vợ chồng về tới nhà, mẹ chồng hỏi: "Không biết đường sao phải đón?". Mai Du ra đi, Phú đưa tiễn, bà lại hỏi: "Không biết đường sao phải đưa?". Hồi ấy, những chuyến tàu Nam Định đi hay đến đều vào khoảng hai giờ sáng nên Phú không yên tâm. Có lần anh phải nói dối mẹ: "Con đến cơ quan trực đêm", để đưa vợ về bên ngoại, khuya tiễn vợ ra tàu cho tiện. Vì sự trục trặc này, có lần Mai Du về thăm nhà đã không dám báo trước nên khi xuống tàu, ra khỏi ga, một gã đàn ông cứ bám chằng chằng cợt nhả: "Ngồi lên đây em! Ngồi lên đây anh chở em về. Tội gì mà em phải đi bộ?". Mai Du phải giả làm người vẫn thường trú ở Hà Nội: "Tôi đến cơ quan chống bão gần đây thôi. Xin cám ơn". Cô lựa cách mãi mới cắt được "đuôi" chạy ào vào một nhà dân trú nhờ, lâu sau mới dám đi về nhà.
Ty Giáo dục Nam Định không muốn Mai Du chuyển hẳn công tác sang Ủy ban nên đã đề bạt cô kiêm nhiệm công tác quản lý: làm Hiệu phó trường cũ - phổ thông cấp 3 huyện H. Cô cũng chuyển về sinh hoạt Đảng ở đó. Khốn khó và cũng oái oăm thay cho Mai Du là mối quan hệ hai đằng với ông Hiệu tr ởng kiêm Bí thư Chi bộ trường. Khi thì ông Hiệu trưởng lên gặp Mai Du nghe Ủy ban chỉ thị, phê phán một điều gì đó; khi thì Mai Du về xin ý kiến của ông Hiệu trưởng trong công việc chuyên môn mình phụ trách. Hôm trước Mai Du thay mặt Ủy ban hỏi ông Hiệu trưởng về việc cấp hai giấy chứng nhận tốt nghiệp khác nhau cho cùng một cán bộ y tế có sai nguyên tắc? Hôm sau, trong cuộc họp Chi bộ, với tư cách là một Đảng viên dự bị, Mai Du đã phải nghe đồng chí Bí thư chì chiết: "Việc kết nạp Đảng của đồng chí Mai Du ở bên Ủy ban là sai nguyên tắc" và "Việc chuyển đồng chí Mai Du về sinh hoạt ở trường là rất phức tạp, làm khó khăn cho Chi bộ"... Mai Du cùng các đồng chí ở Ủy ban đấu tranh lại những sai lầm, tiêu cực, trì trệ, gia trưởng của Hiệu trưởng kiêm Bí thư, thì ông cho là "vô tổ chức, không tập trung dân chủ, không tin tưởng lãnh đạo...". Cô còn phải công tác ở Ủy ban mà Hiệu trưởng vẫn giao cô phụ trách chuyên môn, văn nghệ, điều hành một khu sơ tán và cả dạy văn một lớp. Như vậy chẳng những Mai Du phải soạn, chấm bài như bất cứ giáo viên nào, phải chỉ đạo dựng lán làm lớp, đào hầm đào hào, lo tìm chỗ ăn, chỗ ở cho thầy cho trò ở địa điểm sơ tán, mà cô còn phải điều hành công tác chuyên môn của cả trường, lo lập thời khóa biểu, thành thử Mai Du cứ phải đi về giữa các khu sơ tán của trường như một con thoi.
Tháng 7, đang kỳ nghỉ hè, Mai Du nhận được điện báo về họp Chi bộ. Máy bay Mỹ ngày ngày đánh phá dữ dội ở các ga và trục đường quốc lộ. Không đoàn tàu hỏa hoặc ô tô khách nào dám chạy. Cô bảo với chồng:
- Sáng mai họp rồi. Em phải đi xe đạp thôi.
- Em chuẩn bị đồ đạc đi. Anh cắt cái tóc rồi anh đi cùng em.
Phú vừa ra khỏi nhà đã nghe sau lưng bật lên một câu hậm hực:
- Thời chiến mà lúc nào cũng cặp kè!
Cô Sinh vừa dằn từng tiếng vừa lườm Mai Du.
- Việc mình thì mình đi. Đừng có mà hành tội
Bà Thiệu miệng nói, tay xách cái túi du lịch của Mai Du đặt mạnh ra gần cửa. Mai Du đành gửi lại người hàng xóm mấy chữ cho Phú:
"Bà không muốn anh cùng đi nên thôi, anh ở lại, em đi một mình". Nửa tiếng sau Phú về, hốt hoảng sang nhà ngoại tìm. Bà ngoại bảo: "Nó đi là đi đấy, không dọa đâu. Lại đi trong tâm trạng như thế. Có điều gì xảy ra..." Phú càng hoảng hốt, vội phóng xe đuổi theo. Giây lát, anh cả Mai Du đến, biết chuyện anh cả lại phóng theo.
Phú mệt mỏi, ngồi nghỉ chân trên đường sắt. Anh cả đuổi kịp, mừng rỡ: "Phú! May quá! Hai anh em đi có bạn. Lo cho Mai Du quá. Nghỉ chút rồi anh em mình đuổi theo cô ấy. Nhá?"
Mai Du đạp một đêm ròng không dám nghỉ. Mờ sáng về đến huyện H. Khi cô vào sân trường thì Hiệu trưởng Thị vừa dậy tập thể dục.
- Anh ơi! Đã có ai về chưa?
- Chưa.
- Thế anh định mấy giờ họp ạ?
- Nghỉ hè, không ai về. Không họp đâu.
Ông Thị trả lời bình thản, tỉnh khô như không có gì xảy ra. Trái lại Mai Du thì kêu lên một tiếng than ai oán não nùng tưởng như đất trời nghiêng ngả. Mà sự thật là cô cũng đang choáng váng mày mặt, loạng choạng dắt xe trở ra. Phú và anh cả gặp Mai Du khi vừa vào đến cổng trường. Hai người đưa Mai Du về được đến nơi cô sơ tán thì bà chủ nhà kêu lên: "Giê su ma lạy chúa tôi! Sao cô ra nhiều máu thế! Mặt tái xanh và người lạnh run lên thế này!". Bà lấy chăn ủ ấm cho Mai Du rồi gọi cô y tá đến tiêm một mũi cầm máu. Cô y tá bảo: "Phải đưa cô giáo đi bệnh viện thôi!". Bệnh viện huyện xa những năm sáu cây số! Ông chủ nhà vội đi mượn một chiếc thuyền, hai bố con chống hai đầu, đưa cô giáo đến bệnh viện. Họ không quên bỏ luôn vào thuyền mấy thứ đồ dùng cá nhân cho cô. Phú và anh cả Mai Du đi theo trên bờ kênh, lo lắng lắm!
Khi Mai Du nhập viện, anh cả động viên em gái rồi bảo với cậu em rể: "Phú ở lại đây với Mai Du. Anh phải về đi làm. Hôm qua đột xuất quá, chẳng kịp báo xin phép". Anh vội đạp xe lên ngay Nam Định để kịp chuyến tàu chiều.
Mai Du nằm viện một ngày chủ nhật. Mấy cô y sĩ vội vàng tiêm "K" liều cao nhưng chẳng cầm máu được! Mai Du rầu rĩ xót xa: "Không biết có giữ được đứa con trong bụng không?". Chị y sĩ ôn tồn khuyên: "Có giữ thì cũng không tốt nữa! Máu ra lâu và nhiều quá rồi! Với lị, mới chưa đầy 3 tháng, thai nhi chưa hình thành đâu. Đây là thời kỳ dễ bị sẩy nhất. Có lẽ do chị bị "sốc" mạnh, và chuyến đi vất vả quá!". Mai Du nghe lời thầy thuốc, nằm yên bất động, cố gắng giữ cho khỏi băng huyết.
Phú vẫn luôn ở bên cạnh vợ. Anh lấy cơm bệnh viện, nài nỉ Mai Du cùng ăn. Khuya, Mai Du đau bụng dữ dội. Cô có cảm giác như bị hẫng hụt khi một cái gì đó vừa ọc mạnh ra khỏi cơ thể mình! Mồ hôi vã ra. Dù rất mệt nhưng linh tính mách bảo điều chẳng lành, Mai Du nhờ chồng bẻ hộ hai cái que ngoài giậu hóp. Cô tìm tòi và... đây rồi! "Nó" mới chỉ như một miếng gan tươi bằng một đốt tay cái, nhưng đã có một chút gì "thừa" như đầu tăm. "Con trai!". Mai Du âm thầm nhận ra rồi chới với bám chặt lấy tay Phú như một người vừa mất đà đang tìm chỗ bấu víu! Giây phút sau, bình tĩnh trở lại, Mai Du thầm thì vào tai chồng: "Anh cứ để đấy cho em. Chờ mai anh Kiên đến. Anh Kiên là bác sĩ viện trưởng, rất biết em. Để nhờ anh ấy xem hộ "rau" đã ra hết chưa?".
Sáng thứ hai, anh Kiên đến bệnh viện rất sớm, vào ngay phòng Mai Du. "Đủ rồi, tôi xem kỹ rồi. Như thế là rất tốt. Chị cứ yên tâm. Bây giờ chị cố ăn ngủ để giữ lấy sức khỏe".
Bác sĩ Kiên động viên người bệnh, rồi anh nhanh chóng điều người chăm sóc Mai Du theo một chế độ khá đặc biệt. Việc ăn uống, giặt giũ cho Mai Du đều do bệnh viện lo. Anh Phú đã có thể về ă n ngủ ở nhà ông bà Ngọc - một cơ sở thân thiết của Mai Du ngoài phố. Hàng ngày anh vào sớm đỡ đần vợ và giúp cô tiếp những người khách đến thăm.
Một tuần sau, Mai Du ra viện. Hai vợ chồng hai xe đạp đưa nhau về Hà Nội. Trong tay họ đã cầm chắc cái giấy điều động về Bộ Giáo dục của Mai Du. Cô được chuyển công tác. Thật may mắn. Thật đột ngột! Đồng chí Phó Chủ tịch huyện cắt nghĩa: "Đã từ lâu có sự giành giật cô giữa bên Giáo dục và bên Ủy ban. Bên Giáo dục cố đòi cô trở về ngành, vì họ mất công đào tạo". Mai Du mừng rỡ chia vui với chồng: "Đây có lẽ là kết quả từ chuyến đi dự giờ, thăm lớp của Thứ trưởng Võ Thuần Nho". Cả hai vợ chồng thầm cảm ơn bác Nho và cảm thấy thêm sức mạnh để đạp xe trở về Hà Nội.
Cuộc hành hương của họ kéo dài gần hai ngày. Vì Mai Du muốn cùng Phú đến chia tay những người thân ở huyện H., thăm bác Trần Kha ở Nam Ninh rồi lên từ giã gia đình bác ở thành phố Nam Định. Cô tin chắc lần này sẽ không còn trở về huyện H. nữa.
Đường về xa hơn trăm cây số. Không vứt bỏ bớt được một cái xe đạp để chở vợ, Phú ái ngại quá! Anh đưa vợ đi từ từ. Hai người song song đạp chậm, tưởng như họ đi dạo mát Bờ Hồ. Trời nắng rồi lại mưa, hết ngày rồi lại tối. Họ nhích dần về phía Hà Nội.
"Để muộn chút nữa hẵng đi qua Phủ Lý, tránh giờ cao điểm". Phú bảo vợ, rồi hai người dừng lại ở một cái quán bỏ không bên đường. Anh cẩn thận trải tấm ni lông xuống nền đất, lót thêm mấy tờ báo cho đỡ lạnh, dỗ dành vợ: "Em gắng ăn uống rồi chợp mắt đi một chút!".
Mưa rơi lộp độp lọt qua mái lều dột. Phú cởi chiếc áo khoác ngoài đắp lên người Mai Du, rồi một tay đưa nón che mưa, một tay nhẹ nâng đầu vợ áp sát vào ngực mình chút nữa. "Mai Du bé nhỏ yếu ớt của anh phải chịu quá nhiều điều cay cực", Phú nghĩ, lòng xót xa thương vợ.
Hai người về đến nhà lúc trời vừa rạng sáng. Bà Thiệu biết chuyện, bảo với người hàng xóm: "Trời đòi trả nợ đó". Mai Du nghe nói, cổ đắng nghẹn, nước mắt trào ra!
Vài hôm sau, Mai Du cầm giấy điều động đến Bộ Giáo dục nhận công tác mới. Cô được phân về Vụ chỉ đạo phổ thông. Cơ quan Vụ sơ tán ở mãi huyện Phúc Thọ, xa nhà gần bốn chục cây số.
Thế là cứ chiều chủ nhật, Mai Du đạp xe lên làm việc nơi sơ tán. Và, chiều thứ bảy hàng tuần lại "cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ", đạp xe về thăm nhà. Bấy giờ Phú đã chuyển gia đình, cả mẹ và em gái, sang ở nhờ một nhà khác thuộc khu C Kim Liên. Nhiều khi Mai Du về đến nhà, cô muốn đặt lưng một chút, chưa vội vào bếp nấu cơm chiều, bà Thiệu đã chỏng lỏn: "Người đâu cứ như khách trọ!". Cũng có khi Mai Du chuẩn bị cơm nước xong rồi, cô đưa cây đàn Ác-coóc-đê-ông ra kéo chơi một chút trong khi chờ chồng về, bà đang đứng với hàng xóm lại chậc lưỡi: "Con dâu tư sản! Tôi thật không có phúc!". Hẳn rằn g Phú đã biết ý phê phán đó của mẹ mình nên một hôm, đang khi vui vẻ, anh lựa lời bảo vợ: "Hay là ta bán Ác-coóc-đê-ông đi em nhé. Rồi mua một cái Ghi-ta chơi cho nhẹ nhàng!". Mai Du muốn nhắc chồng: đối với cô, cây Ác-coóc-đê-ông đó là một vật kỷ niệm thiêng liêng, nhưng rồi cô chỉ buông hai tiếng "tùy anh". Thế là cái đàn Phú đã mang từ Berlin về tặng Mai Du liền được "đổi chỗ ở" ngay tức khắc. Hẳn rằng bà Thiệu hài lòng.
Đã đến tháng 10-1967. Nghĩa là thời hạn Đảng viên dự bị của Mai Du đã hết.
Vậy mà Bí thư Thị ở trường cấp 3 huyện H. vẫn chưa làm thủ tục chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng chính thức cho Mai Du. Cô phải ba lần bảy lượt viết thư về. Nhờ có những đồng chí tốt trong Chi bộ giúp đỡ và nhờ có các anh bên Ủy ban thúc giục, cuối cùng, những giấy tờ cần thiết của Mai Du cũng đến với Chi bộ mới. Các đồng chí khẩn trương làm thủ tục chuyển lên Đảng viên chính thức cho Mai Du, nhưng cũng đã muộn gần 5 tháng rồi.