Nhất Phẩm Giang Sơn Chương 251 : Chủ khảo

Nhất Phẩm Giang Sơn
Tác Giả: Tam Giới Đại Sư
Quyển 5: Quyết Chế Lệnh
Chương 251: Chủ khảo

Nhóm dịch: Đọc Truyện Đêm Khuya
Nguồn: MeTruyen truyện copy từ tunghoanh.com




Mai Nghiêu Thần và Thái Tương đứng sau lưng Tô Thức, thấy mình trong bức họa phong lưu khoáng đạt là thế, họ vuốt râu hài lòng. Họ có trực giác, thần thái tướng mạo của mình cùng với bức họa sẽ được lưu truyền thiên cổ.

Vì vậy khi Thái Tương chừa chỗ trắng để hạ bút trên bức họa, Trần Khác thỉnh Mai Nghiêu Thần đề thơ, hai người liền vui vẻ đồng ý. Mai Nghiêu Thần sau khi xuất khẩu thành thơ thì thản nhiên nói:
- Ta muốn thương lượng với Tử Chiêm, sau khi họa xong bức này ngươi định cho Mai bá bá thứ gì?


- Làm việc phải có trước có sau chứ.


Tô Thức chưa kịp mở miệng, Trần Khác đã quả quyết nói:
- Tiểu chất đã quyết định rồi!


- Đừng keo kiệt vậy, chỉ là một bức họa thôi mà.
Mai Nghiêu Thần cười khà khà nói:
- Phải kính già yêu trẻ mới đúng.


Trần Khác muốn để bức họa này làm vật gia bảo, nói thế nào cũng không chịu nhường Mai Nghiêu Thần, sau cùng phải để lão đặt tên cho rượu mới thì lão mới chịu thôi.


- Ta cũng vừa nghĩ ra một cái tên hay. Rượu này chỉ có ở thiên thượng, nhân gian nào có ai nếm được mấy ngụm? Ngươi thấy cái tên "Tiên Lộ" như thế nào?
Mai Nghiêu Thần cười nói:
- Chẳng phải Tử Chiêm đã nói: "Ngóng về núi tây kề cận, muốn vén xiêm y rong chơi" đó sao, vậy nghĩa là chỉ có rượu của thần tiên uống mới có hiệu quả này thôi, đúng không?

Mọi người đều tán thưởng:
- Cái tên này rất hay.


Đợi sau khi Tô Thức cuộn lại bức họa còn dang dở, phụ tử Tô gia liền cáo từ ra về. Trần Khác vốn dĩ không định về cùng họ, song Tô Tuân lườm hắn một cái, hắn chỉ có thể ngoan ngoãn đi theo.


Trên xe ngựa trở về của Tô gia, sắc mặt Tô Tuân không tốt chút nào. Mặc dù Tô Thức hôm nay đã thi triển hết tài năng khiến cho mọi người khen không ngớt lời, song trong lòng ông vẫn luôn bức bối khó chịu... Phiền não này là do Vương An Thạch đem tới. Thứ nhất, chính là vì Vương An Thạch lơ ông đi, thứ hai là Âu Dương Tu vô tình nhất bên trọng, nhất bên khinh, so sánh hai nguyên nhân thì điều thứ hai lại khiến ông đau lòng hơn.


Đám vãn bối thấy bộ dạng mặt không ra mặt, mũi không ra mũi của Tô Tuân, ai nấy đều tự biết không nên tìm phiền phức, đến thở mạnh cũng cạch luôn.

- Còn hai mươi mấy ngày nữa là thi, con chuẩn bị ra sao rồi?
Hồi lâu sau Tô Tuân mới lên tiếng:
- Trong lúc tấc khắc tấc vàng này mà còn ham ủ rượu, thật sự không ra gì!


Lời này dĩ nhiên nhắm vào Trần Khác, gọi hắn lên xe chính là có ý này... Tô Tuân có thành kiến với Trần Hi Lượng, cho rằng tên tiểu tử Trần Khác ruồng bỏ con gái mình mà đi tìm hôn sự khác. Nếu không phải vì Tiểu Muội kiên quyết đến cùng, ông nhất định sẽ không nhìn nhận thằng rể như Trần Khác.


Hiện tại Trần Hi Lượng đã lấy Tào thị, dòng dõi Trần gia cũng ngày càng phất cao, ông sẽ không tìm đến nhà nữa. Thi xuân đã gần kề, thủy chung vẫn không cách nào yên tâm cho được, đến lúc phải dò hỏi cử nghiệp của con rể rồi.

- Đó là rượu do đồng hương ủ, nhờ con xin Âu Dương công đặt tên, với lại cũng vì tình nghĩa nên khó mà từ chối.
Trần Khác chỉ còn cách kiên trì giải thích:
- Còn về cử nghiệp, Tử Chiêm và Tử Do có thể làm chứng, tháng này ngoại trừ văn hội ra, con chỉ làm văn chứ không có gì khác.


- Đúng đó, đúng đó.
Hai vị kia lúc này tỏ ra rất trượng nghĩa nói:
- Tam Lang thực sự rất dụng công, chắc chắn không có vấn đề gì đâu.


- Thi Biệt Đầu mà còn có vấn đề thì đừng hòng lấy con ta.
Tô Tuân hừ một tiếng, sắc mặt cuối cùng đã giãn ra:
- Hôm nay ta nghe Âu Dương công nói muốn thanh trừ thể Thái Học, khoa thi này ông ấy không làm chủ khảo thì thôi, nếu thật là ông ấy thì các con có cơ hội bộc lộ tài năng rồi!


Theo phân tích của của Tô Tuân thì khả năng Âu Dương Tu làm chủ khảo rất cao, bằng không thì năm trước triều đình triệu ông ấy hồi kinh để làm gì? Với lại trong hai năm nay, cái miệng của Âu Dương Tu đã đắc tội không ít đại thần, theo lý thì đã bị điều đi mười lần rồi. Nhưng triều đình vẫn giữ Âu Dương Tu lại, để ông ta sửa sử sách, chủ trì điển lễ, còn không ngừng thăng quan tiến chức nữa.

Tất cả là vì cái gì? Theo sự tinh thâm của Tô Tuân cho thấy, rõ ràng triều đình có biểu hiện trọng dụng Âu Dương công. Với tính cách "trong mắt không lưu hạt cát, trong bụng không giấu lời ngừng" của ông ta, vào trung khu, quản bộ viện thì không thích hợp, ngay cả làm Đài Gián cũng không ổn... Lực sát thương của Âu Dương đại hiệp thực sự quá lớn, nếu để ông ấy tự do khai hỏa quyền, chỉ e người người đều sợ không dám đi làm nữa.

Vậy chỉ còn sót lại một khả năng, chính là kỳ thi lớn sắp tới! Triều đình muốn để ông ta làm chủ khảo!

Suy đoán này rất quan trọng, bởi vì nó ảnh hưởng đến tiền đồ của bọn trẻ. Không chỉ là vấn đề đậu hay không, Tô Tuân tin rằng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, dựa vào năng lực của bọn trẻ thì chuyện đậu là không thành vấn đề. Nhưng thi đậu chỉ mới là bước qua ngưỡng cửa quan trường, sau cùng có lên cao được hay không thì còn phải xét đến thứ bậc.

Đối với việc tìm hiểu về khoa cử Đại Tống, có thể nói Tô Tuân có hiểu biết sâu nhất. Ông biết rất rõ ở triều Đại Tống phân biệt đối xử này, năng lực tài học của một người chẳng phải là cơ sở để có thể thăng tiến, nếu không có hậu thuẫn vững chắc, dù có bản lĩnh lớn đến đâu chăng nữa cũng phải đợi đến lúc khảo thành tích ba năm một lần mà từ từ leo lên cao. Chín phần mười quan viên, làm liên tục cho đến khi nghỉ hưu cũng không chạm đến được tiêu chuẩn thấp nhất của quan viên cao cấp là tứ phẩm…

Vậy một phần mười còn lại thì sao? Dựa theo phân tích của Tô Tuân, ông rút ra kết luận – tuyệt đại đa số đều cần có hai điều kiệu là thi đậu sớm và thứ bậc cao. Khởi điểm cao thì tiến bộ nhanh, thiếu niên thi đậu thì tiền đồ sẽ rộng mở, hai điểm quyết định quan lớn này đều là ở những người trẻ tuổi.

Huống chi quan gia cũng tốt, tướng công cũng ổn, đều có chứng "luyến đồng" (thích người trẻ), họ luôn sủng ái đủ điều với những thiếu niên thiên tài... Khi phạm lỗi thì nói "Người trẻ tuổi sao không mắc lỗi cho được", không lập công lại bảo "Thiếu niên lão thành", lập công rồi thì khen "Chỉ trên trời có, dưới đất thì không". Sự thiên vị đáng căm phẫn này suy cho cùng có gì không tốt?

"Tỷ như Vương An Thạch kia, nếu không phải hai mươi tuổi suýt đậu Trạng Nguyên, Văn Ngạn Bác với Âu Dương Tu liệu có nâng niu cái chân thối của Vương An Thạch không?", Tô Tuân hậm hực nhủ thầm.


….

"Nếu không phải thì sao?", Tô Tuân lại lầm bầm, chung quy chủ khảo khoa thi này chỉ có triều đình biết, hiện tại còn mấy ngày nữa là công bố người được chọn rồi, vậy mà tin tức vẫn bặt tăm, rõ ràng triều đình rất coi trọng khoa thi này.

Nếu là Âu Dương Tu thì dễ nói rồi, chẳng may không phải thì Tô Tuân không sao yên lòng. Dù ông tin vào năng lực bọn trẻ, song khi thấy thể Thái Học quỷ quái kia, vốn dĩ nó không nói tiếng người mà. Khi ở Tứ Xuyên bọn trẻ chưa từng luyện qua, đến Biện Kinh chưa đầy một năm, nếu miễn cưỡng đi học thì chẳng khác gì học không thành mà còn quên luôn kiến thức vốn có, không đâu ra đâu, làm sao có thể so bì với những người hiểu biết sâu rộng cho được?

- Nếu không phải thì lần này cứ xem như làm nóng người đi.
Tô Tuân quả quyết:
- Ta nghe nói sau này khoảng cách giữa các kỳ thi sẽ rút ngắn, trước khi các con hai mươi lăm tuổi ắt hẳn có thể tham gia hai lần nữa, ta không tin không thể gặp được Bá Nhạc (*).

(*) Bá Nhạc: người nước Tần thời Xuân Thu, giỏi về xem tướng ngựa. Dùng để chỉ người giỏi phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

- .....
Đám tiểu tử im lặng. Không biết nhị Tô nghĩ sao, chứ Trần Khác sẽ không đợi thêm bốn năm nữa, làm quan lớn có gì hay? Chi bằng ở tại địa phương, làm vua một cõi tự tại biết bao, vì vậy thi xếp thứ mấy hắn đều chấp nhận.

Có điều hắn cũng rất muốn biết Tô Tuân đoán đúng hay không, vì nếu là Âu Dương Tu thì sẽ là tin vui dành cho Triệu Tông Tích. Ngoài Âu Dương Tu ra, Tri chế cáo Lưu Sưởng cũng đứng đầu trong danh sách dự đoán. Giả sử triều đình chọn Lưu Sưởng, điều đó đồng nghĩa với đám tiến sĩ của năm Gia Hựu đầu tiên đều có quan hệ với Triệu Tông Thực, vì Lưu Sưởng từng là lão sư của Triệu Tông Thực mà!

Trong lúc chờ đợi và dự đoán, vào ngày mùng tám, đồng thời có mấy viên Nội Sử xuất cung, người dẫn đầu là Hồ Tổng quản... Vị lão công công này không bao giờ tùy tiện xuất cung, chỉ có một khả năng trong thời điểm mẫn cảm này, đó chính là đi thỉnh quan chủ khảo tiến cung.

Lão vừa xuất cung liền có người bí mật bám theo, không ngừng truyền lại lộ trình của lão cho người có dụng ý ở khắp các phủ.

Vương phủ quận Nhữ Nam cũng là một trong số đó.

Triệu Sung Nhượng nhàn rỗi, nhắm nghiền mắt dựa vào ghế. Mấy đứa con của y, hoặc đứng hoặc ngồi, ai cũng bồn chồn ngóng tin tức.

- Báo, Hồ Tổng quản đã ra khỏi Lương Môn cũ!

- Báo, Hồ Tổng quản bước lên cầu Kim Lương!

- Tốt quá!
Triệu Tông Ý kích động:
- Xem ra là Lưu sư phó rồi!

- Chưa chắc!
Triệu Tông Phụ lại thản nhiên nói:
- Nhà Âu Dương Tu cũng nằm cùng một hướng.

Quả nhiên lát sau thám tử hồi báo:
- Hồ Tổng quản đi ngang qua nhà Lưu sư phụ, tiến đến cầu Ngân Lương rồi!

- Lão Tứ đúng là đồ miệng quạ!
Tiếng ai oán tức thì rộ lên trong thư phòng, không cần do thám nữa cũng biết sự lựa chọn cuối cùng của triều đình là Âu Dương Tu.

Nguồn: tunghoanh.com/nhat-pham-giang-son/quyen-5-chuong-251-k1Paaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận