Mẹ ơi, những suy nghĩ của chúng ta sao lại khác nhau đến thế? Con đã luôn nghĩ về điều đó trong một thời gian dài.
Hai mươi tuổi lớn con chưa được một tuổi khôn. Con chỉ biết trách mẹ không hiểu con, trách mẹ là người của thế hệ cũ sống an phận bình yên, không có hoài bão cuồng nhiệt thay đổi thế giới như tuổi trẻ.
Từ cấp hai lên cấp ba, rồi đại học con học theo ý mẹ, những lúc chán học cũng chỉ biết ngồi trách móc vu vơ.
Con không nhớ nổi đã có bao nhiêu chữ “trách” trong mới hai mươi năm cuộc đời mình.
Đúng lúc con cảm thấy nản lòng nhất vào giữa năm hai đại học thì tai nạn xảy ra. Cả tuần con ở lì trong nhà trọ vì mặt sưng lên như dị dạng. Hai tháng không hề ra khỏi phòng với nỗi lo bị ảnh hưởng não. Không về nhà. Không để mẹ ra thăm. Người con gặp duy nhất là chị. Thế giới bé xíu mười mét vuông và đầy rẫy những suy nghĩ cực đoan. Nhưng mẹ ạ, có một điều con đã không thành thật. Hơn tất cả những sợ hãi, con coi tai nạn khủng khiếp này là một cơ hội.
Cơ hội để con bứt ra khỏi sự chán chường.
Con đột ngột gọi điện tuyên bố sẽ thi lại và tức tốc đi lo thủ tục. Mẹ kinh ngạc, cố khuyên con kiên trì học tiếp. Con nhất quyết không nghe. Mẹ thỏa hiệp để con học nốt năm rồi thi lại, con càng không chịu. Mẹ thở dài đồng ý cho con bảo lưu. Con thẳng tay rút hồ sơ. Tự cắt đường lùi của mình. Đổ công sức tiền bạc gần hai năm học xuống sông xuống bể. Từ bỏ ngành học rất nhiều người mơ ước để thi một ngành hoàn toàn lạ lẫm: Biên kịch điện ảnh.