Quan Thần Chương 456 : Tiếp tục chiến đấu (1+2).

Quan Thần
Tác giả: Hà Thường Tại

Quyển 5: Leo cao nhìn xa
Chương 456: Tiếp tục chiến đấu (1+2).

Nhóm dịch: Quan Trường
Nguồn: metruyen.com


- Suy nghĩ của em thì anh rất hiểu. Tuy nhiên, tính tình của Cốc lão có chút cổ quái, xuất thân của em bình thường, các thành tựu trong tương lai thì cũng không rõ ràng lắm. Chỉ sợ là kể cả anh mở miệng cầu xin ông ta thu nhận em thì ông ta cũng từ chối.
Vừa lúc Hạ Tưởng nhìn thấy trong tay Nghiêm Tiểu Thì đang cầm tờ báo Tinh tức hàng ngày của tỉnh Yến, bên trên tờ báo có bài viết của một nhóm chuyên gia đang hoài nghi đối với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, linh cơ Hạ Tưởng chợt lóe lên, hắn hỏi:
- Có phải sở trường của em là viết văn, có đúng không vậy?
Nghiêm Tiểu Thì cũng là một người thông minh, sắc sảo, nghe vậy cô liền hiểu ngay.


- Đúng vậy, không phải em tự khoác lác về bản thân mình nhưng sở trường nhất của em là viết bài biện luận. Có phải anh muốn em viết một bài để phản bác lại phải không? Khi đọc quan điểm của nhóm chuyên gia này thì em thấy rất tức giận, cảm thấy chẳng những bọn họ đã xuyên tạc toàn bộ, mà hơn nữa luận điệu rất quái lạ. Em chỉ mong có một lần gặp mặt tranh luận với bọn họ một phen, chắc chắn em sẽ làm cho bọn họ nghẹn họng không nói được nữa.
Hạ Tưởng mỉm cười:
- Nếu đúng là em có bổn sự như vậy thì hãy viết một bài để phản bác, càng sắc bén càng tốt, viết xong đưa cho anh, thế nào?
- Vâng! Xin tuân mệnh!
Vẻ mặt của Nghiêm Tiểu Thì tỏ ra nghiêm tục đáp ứng, lại còn vòng tay làm ra động tác cảm tạ:
- Trưởng phòng Hạ, toàn bộ tương lai hạnh phúc của em đều giao cho anh, nhất định anh phải nói tốt mấy câu trước mặt Cốc lão. Dượng em thì đã không đáng tin rồi, hy vọng anh có thể đáng tin được. Nếu không, trong mắt em thì trên thế giới vốn không có người đàn ông nào đáng tin cậy.
Hạ Tưởng đối với sự cảm tạ miễn phí của Nghiêm Tiểu Thì không dám nhận, hắn dặn dò:
- Nhớ phải chú ý, bài viết đầu tiên của em phải vượt qua được cửa ải của anh đã, nếu tốt thì anh sẽ nộp lên trên. Mà hơn nữa, cũng khó nói tốt về em, cho dù có nói nhưng tạo ra sự chú ý của Cốc lão hay không thì cũng chưa biết. Vì thế, em phải cực kỳ cố gắng, chỉ cần Cốc lão có ấn tượng đối với em thì mới tốt cho việc anh mở miệng.

- Vâng! Em xin lãnh giáo, em cam đoan sẽ toàn tâm toàn ý để viết cho tốt.
Tiễn bước Nghiêm Tiểu Thì rời đi, Hạ Tưởng cũng không để ý tới việc Cổ Ngọc hỏi bóng hỏi gió về quan hệ giữa hắn và Nghiêm Tiểu Thì, suy nghĩ của hắn lại đắm chìm vào trong cuộc họp hội ý. Hạ Tưởng nghĩ thầm rằng cũng không biết Bí thư Diệp có thái độ như thế nào?
Nếu Hạ Tưởng biết rằng trong thành phần dự họp hội ý đã lờ đi không mời Thôi Hướng thì hắn không cần lo lắng để suy đoán thái độ của Diệp Thạch Sinh nữa.
Trong văn phòng của Bí thư Tỉnh ủy, vẻ mặt của Diệp Thạch Sinh rất nghiêm túc, đang nghe Tiền Cẩm Tùng báo cáo lại tỉ mỉ các bài viết đã đăng trên tờ Tin tức hàng ngày Quốc gia và Tin tức hàng ngày tỉnh Yến, cùng với các phản ứng khắp nơi và các nhận xét tổng kết. Nghe xong, vẻ mặt của Diệp Thạch Sinh cực kỳ bất mãn nói với Phạm Duệ Hằng:
- Duệ Hằng, Hạ Tưởng phát biểu trên báo Thanh niên là vì ủng hộ thầy giáo Cốc Nho của cậu ta, đây là vấn đề tranh luận trong học thuật, điều này không tính đến làm gì. Nhưng trên tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến lại có bài viết phát biểu sự hoài nghi đối với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, anh là Phó Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy, chẳng lẽ trước đó không nghe được tin tức gì?
Phạm Duệ Hằng đối với sự bất mãn của Diệp Thạch Sinh thì cũng không phản bác lại, ông ta với vẻ mặt không vui trả lời:
- Nếu lúc đó Phó Bí thư Thôi và Trưởng ban Mã đều không xin chỉ thị từ ngài, nói như vậy thì bọn họ lại càng không cho rằng cần thiết phải xin chỉ thị từ tôi. Tôi cũng chỉ đến khi đọc trên báo thì mới biết được sự việc xảy ra. Việc này có ảnh hưởng rất mạnh, hiện mọi người trong Tỉnh ủy đang bàn luận để đoán xem rốt cuộc là Tỉnh ủy có thái độ gì trong việc điều chỉnh kết cấu sản xuất. Ngay cả đồng chí Hạ Tưởng cũng tỏ vẻ oán giận tôi, người ta vừa mới vì tỉnh Yến kéo về một nguồn đầu tư lớn, kết quả thì đúng làm cho người ta buồn bã, đã không có lời khen thưởng cậu ta thì thôi, trái lại lại dội vào đầu cậu ta một chậu nước lạnh. Về bài viết phản bác trên báo Thanh niên thì trước đó cậu ta đã tới chỗ tôi để xin chỉ thị, tôi nói rằng cậu ta là cán bộ của tỉnh Yến, nếu tại tỉnh Yến mà muốn phát biểu ngôn luận của mình thì phải có sự đồng ý của Bí thư Diệp mới được. Còn khi cậu ta đang ở Bắc Kinh, là học trò của giáo sư Cốc Nho, lúc đó lại khác, tất cả mọi việc phải nghe theo lời của thầy giáo.
Lời nói của Phạm Duệ Hằng đâm vào trúng nỗi đau trong tim của Diệp Thạch Sinh, làm Diệp Thạch Sinh không ngớt gật đầu liên tục. Ông ta cảm thấy đúng là trước kia không phát hiện ra cách đối nhân xử thế của Phạm Duệ Hằng cũng rất được, so với người khẩu phật tâm xà như Thôi Hướng thì mạnh hơn rất nhiều.
Đối với cuộc chiến tuyên truyền này thì Mai Thái Bình cũng có nghe qua, chỉ có điều thái độ của ông ta vẫn luôn nhất quán, đó là không liên quan tới mình, đứng ngoài xem là được. Tuy nhiên, khi biết sự tình có liên quan đến Hạ Tưởng, trong lòng ông ta liền cân nhắc việc hôm nay nếu Diệp Thạch Sinh đã gọi ông ta đến thì chắc chắn sẽ phải đề cập đến vấn đề nhân sự, chẳng lẽ phải động đến Hạ Tưởng?
Tuy rằng trong lòng có sự nghi vấn nhưng Mai Thái Bình luôn giữ thái độ không chủ động đặt câu hỏi mà ngồi lù lù bất động ở một bên để xem mọi người biểu diễn.
Phạm Duệ Hằng xem ra đã biết đại khái thái độ của Diệp Thạch Sinh, đó là Diệp Thạch Sinh đang tức giận và muốn phản kích. Vì thế ông ta còn có ý đổ thêm dầu vào lửa:
- Đừng nhìn Hạ Tưởng năm nay 27 tuổi nhưng cách làm việc của cậu ta rất điềm đạm, lại không kêu ca, chỉ cắm đầu vào công việc và làm ra những thành tích thật đáng nể. Vậy mà bọn họ cũng đang còn chỉ trích được. Triêu Độ cũng nói với tôi, tuy rằng tổ lãnh đạo là do bên phía Ủy ban làm chủ đạo nhưng vẫn luôn có sự ủng hộ mạnh mẽ của Bí thư Diệp, vì thế chúng ta cần phải tăng mạnh thêm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Tôi rất tán thành với việc này, nếu không sẽ làm cho người của hai bên có cảm giác tách rời. Tuy nhiên, dường như Vạn Chính không có cùng chung thái độ.
- Vạn Chính như thế nào?
Diệp Thạch Sinh sửng sốt, bộ máy Ủy ban cũng đã xuất hiện các âm thanh bất đồng? Xem ra thế cục đúng là càng ngày càng phức tạp.
- Không phải ông ta vẫn luôn xem trọng triển vọng của việc điều chỉnh kết cấu sản xuất hay sao?
- Gần đây thì thái độ của Vạn Chính có chút buông lỏng, nguyên nhân cụ thể thì tôi cũng không rõ lắm, sự chú ý đối với công tác của tổ lãnh đạo thì cũng giảm yếu đi. Đợt này thành phố Bảo đang xin Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách ủng hộ nhưng dường như ông ta cũng không quá tán thành, khả năng là có các suy xét khác.
Phạm Duệ Hằng đối với sự chuyển biến thái độ của Mã Vạn Chính thì trong lòng biết rất rõ ràng, nhưng trước mặt Diệp Thạch Sinh thì không thể vạch thẳng ra được. Ông ta cũng tin rằng Diệp Thạch Sinh nghĩ ra được điều này.
Vẻ mặt Diệp Thạch Sinh hơi trầm ngâm, lập tức hiểu được nguyên nhân để Mã Vạn Chính chuyển biến thái độ. Ông ta cũng không nói ra, quay đầu nói với Tiền Cẩm Tùng:
- Cẩm Tùng, anh nghĩ sao về việc Duệ Hằng đề nghị tăng mạnh tính chỉ đạo ở trong công tác của tổ lãnh đạo?
Tiền Cẩm Tùng là Trưởng ban Thư ký Tỉnh ủy, chính là cái loa của Diệp Thạch Sinh, là đại quản gia của Tỉnh ủy. Trên cơ bản thì những tâm tư và tính tình của mấy nhân vật có số má của Tỉnh ủy thì ông ta nắm rất rõ ràng. Vừa rồi nhân vật số 1 và số 2 đối thoại với nhau, tất cả đều xoay xung quanh các chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất đang được triển khai, mà người để thực thi các công việc cụ thể chính là tổ lãnh đạo. Hiện tại xuất hiện việc các cơ quan tuyên truyền đang bóp méo sự kiện, lại đúng lúc này Phạm Duệ Hằng có đề xuất tăng mạnh tính chỉ đạo của Tỉnh ủy trong lực lượng của tổ lãnh đạo. Với diễn biến như vậy, làm sao một người như ông ta lại không hiểu ra.
Thật ra cả hai người cũng đều rõ ràng cái gọi là tăng mạnh thêm lực lượng của Tỉnh ủy tại tổ lãnh đạo là sắp xếp lại điều gì nhưng không ai nói ra, lúc này tầm quan trọng của Trưởng ban Thư ký lập tức được biểu lộ ra.
Tiền Cẩm Tùng liền theo thứ tự ra hiệu gật đầu xin phép với Diệp Thạch Sinh, Phạm Duệ Hằng và Mai Thái Bình để tỏ vẻ tôn kính, sau đó mới nói:
- Bí thư Diệp và Chủ tịch tỉnh Phạm chỉ thị tinh thần rất đúng lúc, và rất thiết thực với thực tế. Sau khi lĩnh hội tư tưởng của hai vị lãnh đạo, tôi có một chút ý tưởng muốn báo cáo với các lãnh đạo đang ngồi đây một chút.
Ánh mắt của Diệp Thạch Sinh và ánh mắt của Tiền Cẩm Tùng lập tức chạm vào nhau một cái, sau đó lại tách ra.
Tiền Cẩm Tùng tiếp tục nói:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chủ đạo để tổ lãnh đạo khai triển các công tác phát triển kinh tế, chỉ đạo cách thực hiện điều chỉnh kết cấu sản xuất tại hai thành phố thí điểm, phụ trách các công việc mang tính cụ thể. Nhưng hiện tại cũng có rất nhiều người có cái nhìn nhận không đúng về các nội dung công việc và quyết tâm của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc điều chỉnh kết cấu sản xuất. Tôi đề nghị đề cử đồng chí Cát Sơn, Phó Trưởng ban thư ký Tỉnh ủy kiêm nhiệm chức vụ Phó Tổ trưởng tổ lãnh đạo, công việc chủ yếu của đồng chí này là phụ trách công tác tuyên truyền đối ngoại.

Đến tận lúc này Mai Thái Bình mới minh bạch dụng ý của Diệp Thạch Sinh và Phạm Duệ Hằng trong buổi họp hội ý ngày hôm nay, để Phó Trưởng ban thư ký Tỉnh ủy kiêm nhiệm Phó tổ trưởng tổ lãnh đạo, phụ trách công tác tuyên truyền. Việc này hiển nhiên là để ứng đối với các vấn đề tuyên truyền đã xảy ra trong trước mắt, và cũng làm tốt sự chuẩn bị cho bước phản kích tiếp theo.
Diệp Thạch Sinh hơi suy tư một chút rồi gật đầu nói:
- Đồng chí Cát Sơn có kinh nghiệm phong phú trong công tác tuyên truyền, cũng có mối quan hệ rộng rãi với các phương tiện truyền thông tỉnh Yến. Để đồng chí Cát Sơn kiêm nhiệm vị trí phó Tổ trưởng tổ lãnh đạo là rất thích hợp.
Phạm Duệ Hằng cũng không có ý kiến phản đối, ông ta cũng biết Cát Sơn trước kia đã làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, hơn nữa cũng xuất thân từ phóng viên, nghe nói kinh nghiệm đấu tranh trong tuyên truyền rất phong phú. Vì thế ông ta liền tỏ vẻ gật đầu đồng ý.
- Đồng chí Cát Sơn rất phù hợp, có thể đảm nhiệm công tác Phó Tổ trưởng.
Tiền Cẩm Tùng liền vừa cười vừa nhìn về phía Mai Thái Bình.
Từ trước đến nay Mai Thái Bình đối với việc điều động cán bộ kiêm nhiệm trong nội bộ thì xem là việc nhỏ, không để trong lòng, hơn nữa trong việc này lại không có lợi ích gì của ông ta trong đó. Vì thế ông ta cũng tỏ thái độ đồng ý:
- Tôi tán thành.
Bí thư và Chủ tịch tỉnh đều đã gật đầu, hơn nữa đây chỉ là điều thêm một người nữa tới Tổ lãnh đạo, không tạo sự thay đổi lớn nào cả, vì thế nên không ai dại gì lại đi phản đối.
Tiền Cẩm Tùng thấy sự tình được tiến hành cực kỳ thuận lợi nên còn nói thêm:
- Tôi còn có một đề nghị nữa, muốn xin báo cáo các lãnh đạo ngồi đây một chút.
Diệp Thạch Sinh nói:
- Thời gian cho phép, có việc gì thì cứ nói.
- Đồng chí Phong Lợi đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã một thời gian dài, công tác cũng được thực hiện rất tốt, biểu hiện rất năng động. Do đó tôi cũng muốn xin các lãnh đạo suy xét một chút, có phải là nên sắp xếp đồng chí này đến một vị trí công tác trọng yếu hơn không?
Tiền Cẩm Tùng cười ra vẻ xin lỗi với Mai Thái Bình, ý tứ rằng thật là có lỗi vì đã vượt quyền, vốn đây là công tác của Ban Tổ chức cán bộ nhưng ông ta lại mở miệng đề nghị.
Đương nhiên Mai Thái Bình biết rằng Tiền Cẩm Tùng nói những lời này là đã được Diệp Thạch Sinh bày mưu đặt kế, ông ta cũng biết Phong Lợi này đã chèn ép Hạ Tưởng hai lần mà trong đó có một lần vừa lúc ông ta bắt gặp được. Mai Thái Bình đối với Phong Lợi thì không có ấn tượng gì, nhưng nếu Phong Lợi đã không khách khí với Hạ Tưởng, lại thêm có ánh mắt của Bí thư Tỉnh ủy thì không dùng y để khai đao thì chém ai bây giờ? Vì vậy ông ta nói:
- Giám đốc sở Đo vẽ bản đồ cũng chuẩn bị về hưu rồi.
Phạm Duệ Hằng cũng với vẻ mặt thân thiết nói:
- Đồng chí Phong Lợi đã có tuổi tác, đến công tác tại sở Đo vẽ bản đồ thì sợ rằng thân thể không đảm bảo sức khỏe. Cục trưởng Cục Cán bộ kỳ cựu tỉnh ủy vẫn đang nghỉ bệnh một thời gian, hiện tại vẫn là do Phó Cục trưởng chủ trì các công tác hàng ngày. Đồng chí Phong Lợi có tác phong cẩn thận, tin rằng đồng chí này có thể làm tốt công tác tại Cục Cán bộ kỳ cựu.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cán bộ cấp Giám đốc Sở, Cục trưởng Cục Cán bộ kỳ cựu tỉnh ủy cũng là cấp Giám đốc Sở, điều động như thế này xem như là điều chuyển ngang. Hơn nữa, nhìn bề ngoài thì xem ra được điều chuyển sang một vị trí là số một của một Cục, so với vị trí Phó Trưởng ban thường trực của Ban Tuyên giáo thì có vẻ chức vụ to và nhiều quyền lực hơn, nhưng thực tế là điều sang một vị trí hoàn toàn xếp xó.
Trong lúc vô ý Mai Thái Bình liếc mắt nhìn Phạm Duệ Hằng một cái, nghĩ thầm rằng đúng là cũng không thấy được mặt này của Phạm Duệ Hằng. Bình thường thì ông ta đối xử với người khác cũng không hay làm vẻ, nhưng sửa trị người thì đúng là lợi hại, so với mình thì còn độc hơn. Tốt xấu gì khi Phong Lợi đi đến sở Đo vẽ bản đồ thì còn có việc để làm, vậy mà Phạm Duệ Hằng lại muốn điều y đến Cục Cán bộ kỳ cựu, đây chính là để y tiếp đón một đám cán bộ về hưu, suốt ngày chỉ chơi cờ và uống trà.
- Cũng là bớt việc, đầu tiên là gia nhập vào trạng thái về hưu, đồng chí Phong Lợi sau khi quen thuộc công tác trong Cục Cán bộ kỳ cựu, sau này về hưu thì cũng có thể dung nhập nhanh chóng vào trong đám cán bộ hưu trí này.
- Ý kiến của Chủ tịch tỉnh Phạm rất thích hợp, tôi tán thành.
Mai Thái Bình mặc kệ việc Phong Lợi là tay đấm của ai, cứ để mặc cho Phạm Duệ Hằng và Diệp Thạch Sinh an bài là được.
- Tôi cũng tán thành.
Vẻ mặt Tiền Cẩm Tùng mỉm cười.
- Nếu mọi người đều đồng ý thì quyết định vậy đi.

Rốt cuộc trên mặt Diệp Thạch Sinh lộ ra vẻ tươi cười, lại nói với Mai Thái Bình:
- Thái Bình, về việc chọn người vào đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban thường trực thì Ban Tổ chức cán bộ tuyển người rồi báo lại cho tôi, đến lúc đó chúng ta sẽ mở một cuộc hội ý để nghiên cứu một chút.
Sau khi tan họp, Diệp Thạch Sinh và Tiền Cẩm Tùng quay trở lại văn phòng của Diệp Thạch Sinh, lúc này chợt nghe thấy thư ký báo cáo nói là Phó Bí thư Thôi có việc muốn báo cáo.

Diệp Thạch Sinh hơi chút chần chừ rồi nói:
- Mời Phó Bí thư Thôi vào.
Vẻ mặt Thôi Hướng không vui đẩy cửa bước vào, vừa bước vào văn phòng y đã nói:
- Bí thư Diệp, vì sao ngài mở cuộc họp hội ý mà không thông báo cho tôi biết vậy?
- Không phải là anh đang đi xuống cơ sở thị sát sao? Ma Thu báo cho tôi như vậy, do thời gian xung đột nên không thông báo cho anh.
Diệp Thạch Sinh bất động thanh sắc nói, đồng thời gọi to ra bên ngoài: nguồn tunghoanh.com
- Ma Thu, rốt cuộc là có chuyện gì xảy ra?
Ma Thu vội vàng bước vào, thần sắc khẩn trương nói:
- Bí thư Diệp, Phó Bí thư Thôi, tôi tra xét lại, có thể là tôi đã nhầm về thời gian. Tôi tưởng rằng thời gian cuộc họp hội ý lại đúng vào lúc xung đột với thời gian của Phó Bí thư Thôi. Vì thế tôi đã không thông báo cho Phó Bí thư Thôi biết.
- Ma Thu, sao cậu lại có thể phạm loại sai lầm cấp thấp như thế này được? Uổng công cậu theo tôi nhiều năm như vậy, không ngờ ngay cả thời gian làm việc của Phó Bí thư Thôi mà cũng không nắm rõ.
Diệp Thạch Sinh không kìm nổi giận dữ nói:
- Về phòng viết một bản kiểm điểm, thật sâu sắc vào. Lần sau còn tái phạm sai lầm như vậy thì không cần tôi nhắc nhở thì cậu cũng đừng có hy vọng tiếp tục làm việc được nữa.
Vẻ mặt Ma Thu sợ hãi, liên tục nhận sai.
Thôi Hướng sao có thể không nhìn ra Diệp Thạch Sinh đang diễn kịch? Vì thế y liền phất phất tay rồi nói:
- Không cần trách thư ký Ma, có thể là thư ký của tôi báo sai thời gian.
Thôi Hướng cũng chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt, y không nghĩ tới đường đường là một Bí thư Tỉnh ủy như Diệp Thạch Sinh mà cũng sử dụng một thủ pháp vô lại đến vậy, việc này cũng làm hắn phải bó tay không trách móc được.
Cũng may là trước lúc đến đây thì y đã chuẩn bị tốt tâm lý, cũng biết chưa chắc mình ở trước mặt Diệp Thạch Sinh có được kết quả tốt.

Thôi Hướng và Mã Tiêu cho đăng bài viết phát biểu sự hoài nghi về việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, việc này cũng không phải hoàn toàn bọn họ muốn cùng đối nghịch với Diệp Thạch Sinh. Thật ra ý tưởng của Thôi Hướng là không nên bức bách Diệp Thạch Sinh quá nhanh, mà chỉ thực hiện một cách từ từ là tốt nhất. Nhưng Mã Tiêu và Phó Tiên Phong lại kiên trì đề nghị phải làm như vậy, bởi vì Bắc Kinh có người đã ám chỉ, cho rằng chỉ đốt lửa ở mỗi Bắc Kinh thì không đủ độ, mà phải thả lửa vào trong tỉnh Yến thì mới đủ náo nhiệt.

Thôi Hướng khuyên Mã Tiêu và Phó Tiên Phong không được, bởi vì y cũng biết Phó gia và hậu trường của Trình Hi Học giao tình rất tâm đầu ý hợp, có thể nói là trong tầng lớp cao tầng thì bọn họ đứng cùng trên một trận địa.
Nếu Mã Tiêu là người của Phó gia, đương nhiên cũng muốn để tỉnh Yến phối hợp thế tấn công trong mảng tuyên truyền. Hơn nữa, hậu trường của Diệp Thạch Sinh ở Bắc Kinh cũng không cứng rắn và mạnh mẽ, tính cách của Diệp Thạch Sinh lại khá mềm yếu, vì thế y cảm thấy dễ dàng bắt nạt.

Nhưng Thôi Hướng đã suy nghĩ rất kỹ việc nà cảm thấy rằng mặc dù tính tình của Diệp Thạch Sinh đúng thật là nhu nhược, nhưng dù sao ông ta cũng là nhân vật số một của tỉnh Yến, quyền uy của nhân vật số một thì không thể để xâm phạm được. Hơn nữa, hiện tại thì Diệp Thạch Sinh và Phạm Duệ Hằng có xu thế đến gần nhau hơn, nếu Bí thư và Chủ tịch tỉnh liên kết lại với nhau thì các ủy viên thường vụ Tỉnh ủy khác sẽ rất khó để phát ra tiếng nói của mình. Vì thế, giai đoạn hiện tại thì nên lấy việc lôi kéo Diệp Thạch Sinh làm chính, không nên ép buộc để ông ta càng ngày chạy càng gần tới Phạm Duệ Hằng. Hiện tại thì ba Ủy viên thường vụ của bộ máy Ủy ban nhân dân tỉnh gần như là có chung một tiếng nói. Một khi Diệp Thạch Sinh thực sự đạt được một nhận thức chung với Phạm Duệ Hằng, có Phạm Duệ Hằng ủng hộ liền có nghĩa tương đương với có sự ủng hộ của Mã Vạn Chính và Tống Triêu Độ, như vậy trong bộ máy Đảng thì Diệp Thạch Sinh sẽ có quyền uy tuyệt đối.

Thôi Hướng tính toán một chút thế lực của chính mình thì thấy hoàn toàn không có cách nào chống trả lại Diệp Thạch Sinh. Y và Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật Lý Bỉnh Văn, lại còn có Trưởng ban Tuyên giáo Mã Tiêu, nếu cả ba liên hợp lại một chỗ thì còn có chút phân lượng nhất định. Còn Chính ủy Quân khu Trương Kiến Quốc thì trong hội nghị thường vụ thì cũng có một phiếu, nhưng quyền lên tiếng thì rất yếu. Điểm mấu chốt chính là y không có lực lượng trong bộ máy của Ủy ban nên tiếng nói trong hội nghị thường vụ suy giảm mạnh.

Nguồn: tunghoanh.com/quan-than/quyen-2-chuong-456-ogAaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận