Quan Thanh Chương 712 -1: Bức di thư trên nón bảo hộ (phần 1)



    Quan Thanh
    Tác giả: Cách Ngư
    Chương 712-1: Bức di thư trên nón bảo hộ (phần 1)

    Người dịch: KoCo
    Nguồn: Mê truyện






    - Được, tốt lắm.

    An Tại Đào khoát tay.

    - Nhất định phải nắm rõ tình hình sau khi được điều trị của các thợ mỏ, bảo đảm họ được hoàn toàn khoẻ mạnh. Mặt khác, công tác tìm kiếm xác các thợ mỏ tiến triển đến đâu rồi?

    - Cục trưởng An, cho tới bây giờ, số thợ mỏ tử vong là 218 người. Phần lớn các thi thể của thợ mỏ bị nạn đều đã tìm ra, nhưng có một số người bị vùi lấp, khá khó khăn khi tìm kiếm, có lẽ cần phải có thêm một thời gian nữa.

    An Tại Đào trầm ngâm một chút, rồi quả quyết nói:



    - Thời gian thì không thành vấn đề, nhưng cần phải khẩn trương lên. Nhất định phải toàn lực tìm kiếm thi thể người bị nạn, sau đó cho người nhà nhận diện. Đồng thời, bắt đầu tiến hành công tác bồi thường cho người bị nạn, nhất định phải trấn an người nhà của họ. Công tác này tôi sẽ phối hợp với lãnh đạo tỉnh và thành phố một chút.

    Lý Đại Quang kính cẩn gật đầu:

    - Dạ, tôi hiểu rồi, tôi nhất định làm đúng theo chỉ thị của Cục trưởng An…

    Vào lúc này, Lý Đại Quang sẽ không bỏ qua cơ hội biểu hiện trước mặt An Tại Đào, bởi vì từ ánh mắt của hắn, y đọc được vẻ tán thành đối với ý kiến của mình.

    An Tại Đào xoay người lại, nhìn Mã Hiểu Cường dặn dò:

    - Chủ nhiệm Mã, lập tức gửi văn bản và gọi điện báo cáo với lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Quốc vụ viện, chờ qua lúc bận rộn này, tôi sẽ làm một báo cáo chuyên đề với Tổng cục và Quốc vụ viện. Mặt khác, anh đi liên hệ với phía tỉnh và thành phố, tôi muốn gặp mặt các lãnh đạo liên quan của tỉnh và thành phố, mở một cuộc hội nghị.

    Mã Hiểu Cường dạ một tiếng, vội đi lo liệu.

    - Tiểu Lý, cô phụ trách liên hệ với các đồng chí Ban tuyên giáo địa phương, lấy danh nghĩa tổ điều tra sự cố chúng ta, tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 3 giờ chiều về tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan, không cần làm kinh động lãnh đạo chính quyền địa phương.

    - Dạ, Cục trưởng An.

    Lý Nguyệt Như vội đáp ứng, sau đó nhích lại gần An Tại Đào, dịu dàng cười nói, ánh mắt loé lên một chút thân thiết:

    - Cục trưởng An, mắt Cục Trưởngđỏ lên rồi kìa, hay Cục trưởng trở về nghỉ ngơi một lát đi. Xin hãy chú ý đến sức khoẻ ạ.

    An Tại Đào mỉm cười:

    - Cô đi đi, tôi biết rồi, tôi còn có thể chịu được. Cô cũng phải giữ sức khoẻ, đi thôi!

    Lý Nguyệt Như chạy đi liên hệ với các lãnh đạo có liên quan, An Tại Đào đứng đó nhìn về phía một hầm mỏ đang tạm ngừng hoạt động, im lặng suy nghĩ. Bởi vì xảy ra tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan, tất cả các mỏ của tập đoàn công ty khai thác mỏ Nam Hà đều phải tạm ngưng hoạt động, khẩn cấp điều tra giám sát về tình trạng an toàn. Nếu muốn hoạt động trở lại, ít nhất phải đợi Quốc vụ viện kết thúc công tác điều tra và quy trách nhiệm.

    Đột nhiên, từ đường thông với miệng giếng mỏ bên cạnh, vọng đến tiếng khóc hết sức thê lương của một người phụ nữ, phá tan bầu không khí vốn đang trầm lặng và đầy áp lực ở khu vực khai thác mỏ Mạnh Gia Loan vào lúc sáng sớm.

    An Tại Đào đưa mắt nhìn qua, chỉ thấy một người phụ nữ chừng hơn ba mươi tuổi lệ rơi đầy mặt, đang kêu khóc lớn tiếng, ngã khuỵu xuống đất, mấy nhân viên công tác và người thân nâng cô ta dậy. Dưới chân cô ta, là một xác người vừa được moi lên khỏi giếng.

    An Tại Đào đi nhanh tới, Lý Đại Quang và một số cán bộ địa phương cũng đi tới.

    - Cục trưởng An…

    - Vị này là…

    An Tại Đào nhẹ nhàng nói, mắt dán vào một thi thể nằm trên một chiếc cáng đơn sơ, gần như không nhìn rõ được khuôn mặt, toàn thân bẩn thỉu vô cùng vì bùn đất, trong lòng hắn đau đớn như bị dao đâm.

    An Tại Đào mạnh mẽ kìm nén cảm xúc. Hắn xuất thân từ tầng lớp thấp nhất trong xã hội, hai mẹ con hắn phải chịu sự kỳ thị của xã hội, trải qua đau khổ màtrưởng thành, cho nên hắn có sự đồng cảm đối với những người ở tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Cũng vì vậy, từ khi hắn đi theo con đường làm quan chức, hắn luôn kiên trì làm việc vì lợi ích thực tế của người dân. Hắn luôn cho rằng, cuộc sống của dân chúng không dễ dàng gì, chỉ bằng sức lực một mình hắn cũng khó thay đổi được hiện trạng, nhưng chỉ mong sao được làm hết sức mình để không thẹn với lòng là được.

    Một thợ mỏ trông có vẻ là tổ trưởng chảy nước mắt, hai tay cầm một chiếc nón bảo hộ màu đỏ đứng một bên, nức nở nói:

    - Lãnh đạo, hắn là nhân viên giám sát an toàn Hạ Minh Hải. Hắn bị vùi trong một khe hở. Chắc là chết vì trúng độc khí gas.

    Người thợ mỏ kia cầm chiếc nón bảo hộ đưa tới, An Tại Đào càm lấy đưa lên nhìn, thấy bên ngoài và bên trong vành nón đầy những chữ viết bằng phấn, có một số chữ đã không còn nhìn rõ.

    An Tại Đào tập trung đọc một lát mới nhận ra, đây là bức di thư do Hạ minh Hải viết trước khi chết. Toàn bộ bức thư như sau:

    “Dù là tình cốt nhục cũng phải rành mạch, tôi nợ mẹ 100 tệ, nợ Trần Thự Hoa 100 tệ, nợ Hàn Trạch Dân 150 tệ. Ở hợp tác xã tín dụng, tôi cho Chu Cát Sinh mượn 1000 tệ. Vương Tiểu Văn nợ tôi 1000 tệ. Tôi thế chấp chotài chính mỏ 650 tệ, ngoài ra còn tiền lương. Liên Hương cố gắng nuôi dạy con cái, hiếu kính với cha mẹ, nhất định phải hoả táng cho tôi.”

    “Liên Hương trong di thư này chính là vợ của Hạ Minh Hải, và là người phụ nữ đang khóc ngất kia.

    Hai tay An Tại Đào nắm chặt mép chiếc nón bảo hộ, tay hơi run rẩy, không kìm nổi lệ rơi. Hắn không phải là một người tình cảm yếu đuối, hơn nữa, thân phận ràng buộc, đương nhiên hắn không thể dễ dàng biểu lộ tình cảm thật sự của mình với người ngoài, nhưng lúc này, trong tay hắn là một bức di thư đặc biệt của một người đã trả bằng cả sinh mạng của mình để viết ra, những lời mộc mạc, chân thành mà tình cảm tha thiết của một thợ mỏ bình thường chân chất, khiến hắn không thể kìm chế được cảm xúc.

    Thật lâu sau, An Tại Đào nhẹ nhàng nói với giọng khàn đi:

    - Lý Đại Quang, cẩn thận giữ kỹ nón bảo hộ này, phái người chụp ảnh và sao chép thành tài liệu dự phòng. Xong rồi, mang nón bảo hộ này đến cho tôi mang về.

    Đầu tiên hiện trường im lặng như tờ, rồi bất chợt lần lượt nổi lên những tiếng nấc nghẹn ngào và nức nở, không ít thợ mỏ tham gia cứu nạn và nhân viên công tác đều không kìm nổi, che mặt mà khóc.

    Khuôn mặt An Tại Đào đầy vẻ đau buồn, chậm rãi đi trước. Cẩu Bình đuổi theo sau, An Tại Đào dừng bước, trầm giọng nói:

    - Cục trưởng Cẩu, chiều này khi cuộc họp báo chấm dứt, tổ điều tra sự cố chúng ta và tổ truy vấn trách nhiệm lập tức tổ chức cuộc họp, nghiên cứu xác định trách nhiệm của người có liên quan, sau đó lập tức báo cáo lên Tổng cục và Quốc vụ viện.

    Cẩu Bình ừ một tiếng. Từ tối hôm qua, y không dám nói gì nữa, từ trong lời nói của An Tại Đào, y đã nhận ra sự bất mãn của hắn đối với mình, điều đó làm Cẩu Bình cảm thấy bị áp lực nặng nề.

    Trước đó, khi Cục trưởng Cục giám sát than Triệu Hổ bị cách chức, y vốn nghĩ mình là nhân vật số hai sẽ đương nhiên thay thế vị trí của Triệu Hổ, nào ngờ Trung ương lại điều An Tại Đào đến. Một cơ hội rất tốt để có thể được thăng cấp từ cấp sở lên cấp phó bộ, đã vì thế mà trôi qua. Đối với một người đã 53 tuổi như Cẩu Bình, đây có thể nói là cơ hội lên chức cuối cùng của y, nhất là ở một ngành nhạy cảm như Cục giám sát than.

    Tân Cục trưởng An Tại Đào này có vẻ rất mạnh thế, dường như cũng rất có bối cảnh. Không cần phân tích gì sâu xa, chỉ cần căn cứ vào tuổi tác, quá trình công tác và tốc độ lên chức của hắn, là có thể nhận ra điều này. Đương nhiên, y còn nghe nói An Tại Đào là người rất có năng lực và có thủ đoạn.

    Y càng lúc càng nhận thấy, làm việc cùng một Cục trưởng mạnh mẽ và cứng rắn như vậy, cũng không dễ chịu gì. An Tại Đào và Cục trưởng Triệu Hổ trước đây là hai thái cực, một người rất mềm dẻo, một người lại rất cứng rắn. Tuy nhiên, sau này Cẩu Bình mới biết, An Tại Đào tuyệt đối không đơn giản như y nghĩ.

    Tuổi trẻ bồng bột, cứng quá dễ gãy, những lời này xem ra không thích hợp với An Tại Đào.


    Gần trưa, khi tiến hành hội ý giữa tổ điều tra Quốc vụ viện cùng lãnh đạo có liên quan của tỉnh và thành phố, An Tại Đào phát biểu một cách gay gắt, không hề nhân nhượng đối với lãnh đạo địa phương, có thể nói là “đốp chát”.

    Đối mặt với những lời lẽ chính nghĩa và hữu lý của An Tại Đào, một số lãnh đạo địa phương á khẩu không trả lời được, không khí hội nghị vô cùng nặng nề và xấu hổ.

    Khi tai nạn xảy ra, người quản lý mỏ than Mạnh Gia Loan có hành vi giấu diếm sự thật, báo cáo lên trên chậm mất ba tiếng đồng hồ, mà ba tiếng này chính là thời gian tốt nhất để nhanh chóng triển khai cứu cấp, giành giật từng giây để cứu mạng người, một giờ cũng hết sức quý báu, huống hồ là ba giờ.

    Hơn nữa, công tác quản lý lộn xộn, không thực hiện biện pháp an toàn. Không ngờ còn cho tư nhân vào khai thác than trái phép, dưới giếng có nhân viên khai thác than bên ngoài đang làm việc, mà trước đó đăng ký cũng không báo cáo, thiếu chút nữa làm cho 37 nông dân ở các vùng bên ngoài phải vùi thây trong hầm mỏ. Nếu không nhờ có An Tại Đào đưa ra mệnh lệnh, 37 người này đã mất mạng dưới giếng mỏ.

    Bởi vì khi xảy ra tai nạn, hầm mỏ này sẽ bị phong toả trong một thời gian ngắn. Tuy nhóm người đó ở dưới giếng không gặp nguy hiểm gì, cũng sẽ bị chết đói và chết rét. Chuyện như thế, làm sao có thể khiến người ta không phẫn nộ?

    Hội ý xong với lãnh đạo địa phương, An Tại Đào nghỉ ngơi một lát, ăn một chút, rồi lại dẫn Cẩu Bình, Mã Hiểu Cường, Tôn Nam, Trần Tử Quang, Lý Nguyệt Như và người của tổ điều tra tham dự cuộc họp báo về tai nạn ở Manh Gia Loan.

    Cuộc họp báo vốn định cử hành trong phòng hội nghị mỏ than, nhưng vì người của các cơ quan truyền thông đến rất đông, Lý Nguyệt Như đành phải bàn bạc với phía khu mỏ, lập một hội trường tạm ở ký túc xá của khu mỏ.

    Sắp xếp mấy cái bàn, dựng một đài chủ tịch, viết một biểu ngữ: “Cuộc họp báo về tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan của tổ điều tra Quốc vụ viện”

    Trên hội trường tiếng người lao xao, phần lớn là phóng viên của cơ quan truyền thông các tỉnh và thành phố khác và Trung ương, phóng viên của tỉnh Nam Hà tới ít hơn. Rất nhiều phóng viên sớm đến mỏ than Mạnh Gia Loan, nhưng bởi vì chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, không thể tiến vào khu vực khai thác mỏ để phỏng vấn.

    An Tại Đào với sự tháp tùng bởi người của Cẩu Bình, cùng đi đến hiện trường cuộc họp báo, các phóng viên lập tức vỗ tay nhiệt liệt. Có một số phóng viên cũng không xa lạ đối với An Tại Đào, bởi vì hắn đã nhiều lần trở thành nhân vật tiêu điểm của tin tức trong nước, số lần xuất hiện khá cao.

    Thần sắc An Tại Đào ngưng trọng, hướng về các phóng viên gật đầu ra hiệu, sau đó dẫn nhóm Cẩu Bình lên ngồi trên đài chủ tịch. Chủ nhiệm văn phòng Cục giám sát than Mã Hiểu Cường cầm micro cao giọng nói:

    - Hoan nghênh các bạn trong giới truyền thông, kế tiếp, tôi xin giới thiệu qua về lãnh đạo và các đồng chí tham gia cuộc họp báo lần này. Lãnh đạo tham dự cuộc họp báo có Phó cục trưởng Tổng cục giám sát an toàn quốc gia kiêm Cục trưởng Cục giám sát than quốc gia, tổ trưởng tổ điều tra và truy cứu trách nhiệm tai nạn mỏ Manh Gia Loan An Tại Đào, Phó cục trưởng Cục giám sát than Cẩu Bình, thành viên tổ điều tra tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan, Giáo sư Tiến sĩ Trần Tử Quang của trường Đại học khai thác mỏ Hoa Hạ…Kế tiếp, xin mời Phó cục trưởng Cẩu Bình thông báo một số tin tức về tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan.

    Cẩu Bình cầm lấy micro:

    - Thưa các bạn trong giới truyền thông, tính đến nay, công tác cứu nạn mỏ Mạnh Gia Loan đã chấm dứt hoàn toàn, xử lý tốt hậu quả và đang triển khai việc điều tra sự cố. Tai nạn mỏ lần này, là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do thiếu trách nhiệm, làm tổng cộng 218 thợ mỏ gặp nạn, 32 người bị thương, trải qua ba ngày đêm hăng hái chiến đấu gian khổ, đã cứu được 309 thợ mỏ. Hiện nay, các thợ mỏ được cứu thoát đang được trị liệu ở bệnh viện của tập đoàn công ty khai thác mỏ Nam Hà, theo tìn từ bệnh viện, tình trạng sức khỏe của họ đều tốt đẹp.

    Cẩu Bình dựa theo tài liệu thông báo sơ lược về tin tức có liên quan, sau đó, nhiều phóng viên đặt câu hỏi. Đa số câu hỏi của phóng viên đều tập trung vào ba vấn đề: thứ nhất, rốt cuộc tai nạn mỏ Mạnh Gia Loan có sự giấu diếm hay không? Thứ hai, nguyên nhân gây ra sự cố; thứ ba, truy cứu trách nhiệm xử lý tình huống và bồi thường khắc phục hậu quả.

    An Tại Đào, Cẩu Bình và Trần Tử Quang chia ra đảm nhiệm vấn đề liên quan rồi giải đáp. Lúc cuộc họp báo sắp kết thúc, đột nhiên An Tại Đào nhìn lướt qua Lý Nguyệt Như đang đứng một bên, rồi cao giọng nói:

    - Thưa các bạn trong giới truyền thông, kế tiếp, tôi xin mời mọi người xem vật này.

    Lý Nguyệt Như vẻ mặt ngưng trọng, thật cẩn thận cầm chiếc nón bảo hộ của Hạ Minh Hải đi tới, một số nhân viên khác bắt đầu phân phát ảnh chụp chiếc nón bảo hộ, cũng như bản copy của bức di thư. Đèn flash tanh tách loé lên.

    An Tại Đào chậm rãi trầm giọng nói:

    - Các đồng chí, đây là một bức di thư hết sức đặc biệt và vô cùng xúc động, nội dung như sau: “Dù là tình cốt nhục cũng phải rành mạch, tôi nợ mẹ 100 tệ, nợ Trần Thự Hoa 100 tệ, nợ Hàn Trạch Dân 150 tệ. Ở hợp tác xã tín dụng, tôi cho Chu Cát Sinh mượn 1000 tệ. Vương Tiểu Văn nợ tôi 1000 tệ. Tôi thế chấp chotài chính mỏ 650 tệ, ngoài ra còn tiền lương. Liên Hương cố gắng nuôi dạy con cái, hiếu kính với cha mẹ, nhất định phải hoả táng cho tôi.”

    Đây là lời dặn dò cuối cùng của một thợ mỏ.

    An Tại Đào đọc xong di thư của Hạ Minh Hải, không khỏi lã chã rơi lệ:

    - Nếu người thợ mỏ gặp nạn này là anh em chúng ta, là con chúng ta, là chồng chúng ta, là cha chúng ta, chúng ta sẽ nghĩ như thế nào? Chúng ta làm sao bây giờ? Không chấm dứt được tai nạn mỏ, sẽ còn có nhiều hơn những anh em thợ mỏ chết đi trong sự sợ hãi tột cùng.

    Giọng An Tại Đào khẳng khái mà đau thương, tất cả phóng viên có mặt ở hiện trường đều xúc động, không ít nữ phóng viên kích động, lệ rơi đầy mặt, khóc nghẹn ngào thành tiếng.

    Bức di thư viết ở nón bảo hộ làm rúng động trái tim tất cả các phóng viên. Ngày hôm sau, khi đưa tin, ngoài phần tin tức về tai nạn mỏ, đại đa số phóng viên đều viết bài về “Bức di thư trên nón bảo hộ”.

    Chẳng hạn, tuần san tin tức phía nam có bài viết cảm động và có ảnh hưởng mạnh mẽ “Sự - tầm - thường - vĩ - đại – một bức thư viết trên nón bảo hộ”

    “Đây là chiếc nón bảo hộ của thợ mỏ. Trên vỏ ngoài chiếc nón có dòng chữ được viết bằng phấn: “Dù là tình cốt nhục cũng phải rành mạch, tôi nợ mẹ 100 tệ, nợ Trần Thự Hoa 100 tệ, nợ Hàn Trạch Dân 150 tệ. Ở hợp tác xã tín dụng, tôi cho Chu Cát Sinh mượn 1000 tệ. Vương Tiểu Văn nợ tôi 1000 tệ. Tôi thế chấp chotài chính mỏ 650 tệ, ngoài ra còn tiền lương. Liên Hương cố gắng nuôi dạy con cái, hiếu kính với cha mẹ, nhất định phải hoả táng cho tôi.”

    Ngày 14 tháng 9 năm 2007, giếng số 1 mỏ than Mạnh Gia Loan của tập đoàn khai thác mỏ Nam Hà xảy ra vụ nổ mỏ than nghiêm trọng, mấy trăm thợ mỏ đang làm việc vị nhốt dưới đáy giếng. Sáng sớm ngày 17, công tác cứu hộ chấm dứt, 218 thợ mỏ bất hạnh gặp nạn, 309 thợ mỏ được cứu thành công. Hạ Minh Hải chính là một trong số các thợ mỏ gặp nạn.

    Trong cuộc họp báo lần đầu tiên năm 2007, tân Phó tổng cục trưởng Tổng cục giám sát an toàn quốc gia kiêm Cục trưởng Cục giám sát than đọc bức di thư này trước các phóng viên, ông khóc không thành tiếng, cảhội trường đều thổn thức.

    Sau khi nhận phỏng vấn, thành viên tổ điều tra sự cố Quốc vụ viện, Chủ nhiệm văn phòng Cục giám sát than Mã Hiểu Cường rơi lệ nói: “Đây chính là cuộc sống của người thợ mỏ trực tiếp khai thác mỏ của chúng ta, chúng ta không thể không đổ lệ”

    …

    “Bức di thư trên nón bảo hộ” gây xúc động cả nước, tạo nên sự hưởng ứng mạnh mẽ. Cùng ngày với cơ quan truyền thông đưa tin, trên mạng liền dấy lên làn sóng “Quyên góp vì người thân người gặp nạn trong tai nạn mỏ Mạnh gia Loan”. Có truyền thông dẫn đầu, các giới trong xã hội đều hưởng ứng.

    Chiều cùng ngày, Tổng công đoàn toàn quốc trịnh trọng tuyên bố, quyên góp tặng cho người nhà người gặp nạn Mạnh Gia Loan1 triệu tệ. Tiếp theo, Tổng công đoàn tỉnh Nam Hà cũng quyết định quyên 500 ngàn tệ.

    Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Hà, Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Nam Châu, các thành viên bộ máy lãnh đạo tập đoàn khai thác mỏ Nam Hà, cùng ngày cũng tiến hành lễ quyên góp, kêu gọi cơ quan, cán bộ quyên góp giúp đỡ người nhà người bị nạn. An Tại Đào cũng tham gia lễ quyên góp của Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Nam Châu, công khai góp 5 ngàn tệ.

    Cũng trong ngày hôm đó, hội trưởng hội Hoa Kiều ở Brazil Chu Ngọc Lang, cũng tuyên bố với giới truyền thông, quyên góp 1 triệu tệ trợ giúp người nhà của người bị nạn Mạnh Gia Loan.

    Có lẽ cũng để ủng hộ công tác của An Tại Đào, Hạ Hiểu Tuyết và Mạnh Cúc cũng quyết định quyên góp với danh nghĩa của tập đoàn Long Đằng. Hai cô phái người mang theo tiền và các loại vật phẩm đi Mạnh Gia Loan tặng cho cho người nhà người bị nạn, mỗi người được tặng 20 ngàn tệ và các vật phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Đồng thời, hai cô cũng tuyên bố có thể cung cấp chỗ làm cho người nhà đang ở tuổi thanh niên của người bị nạn, nhận con cái của người bị nạn vào tập đoàn Long Đằng làm việc.

    Hiện giờ cơ nghiệp của tập đoàn Long Đằng rất đồ sộ, các công ty thành viên, công ty con, và các xí nghiệp mà tập đoàn nắm cổ phần khống chế trải rộng khắp nơi trong nước, ngay ở Nam Châu cũng có hai công ty. Hai doanh nghiệp này theo lệnh của trụ sở, tới Mạnh Gia Loan thăm hỏi, an ủi người nhà người gặp nạn.

    Xế chiều ngày 18, An Tại Đào đang chủ trì hội nghị do tổ điều tra sự cố Quốc vụ viện triệu tập, đột nhiên Mã Hiểu Cường vội vàng từ ngoài chạy đến, khẽ nói vào tai An Tại Đào:

    - Cục trưởng An, văn phòng Tổng Cục thông báo, Uỷ viên Quốc hội, Trưởng ban thư ký Quốc vụ viện Trương Kiến Dân đã rời Bắc Kinh, đang trên đường tới mỏ than Mạnh Gia Loan.


Nguồn: tunghoanh.com/quan-thanh/quyen-8-chuong-712-77Iaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận