Chỉ có một cách để biết chỗ mua thuốc chính hiệu cho Sreykeo ở Campuchia. Chúng tôi hỏi các tổ chức phi chính phủ xem họ nhận thuốc từ nguồn nào.
Tuy nhiên tôi không có kinh nghiệm tốt đẹp gì với nhân viên các tổ chức phi chính phủ. Quy định về chính sách cấm họ quan hệ với phụ nữ bản địa - nhằm loại trừ khả năng “bóc lột tình dục.” Đối với các vị đạo đức cao, thế giới chia làm hai phe là “bóc lột” và “nạn nhân”, các vị ấy hành xử khá giống các hiệp sĩ Thập tự chinh, chỉ biết chia thế giới thành Thiện và Ác, bịt mắt trước các thang bậc ở giữa.
Là một người Âu có bạn gái Campuchia chắc tôi khó nhận được trợ giúp của họ. Mỗi lần hỏi thông tin, thường là tôi được trả lời rằng Sreykeo nên tham gia chương trình HIV của họ - chấm hết. Lần này tôi sẽ làm khác. Tôi mặc quần đen và sơ mi trắng, cặp một cặp tài liệu dưới nách và đến bệnh viện của một tổ chức phi chính phủ mà tôi biết có điều trị HIV. Tôi kể ở lễ tân rằng mình làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tư nhân nhỏ của Đức. Và hai phụ nữ làm việc cho chúng tôi bị nhiễm HIV. Do họ ở nông thôn nên không thể ra thành phố tham gia một chương trình HIV của các tổ chức phi chính phủ được, vì vậy chúng tôi phải mua thuốc. Tôi xin phép gặp giám đốc khoa HIV.
Kỳ quái thật: khi ai đó kể là có bạn gái người Á bị AIDS thì bị xung quanh nhìn như một thằng hủi, nhưng kể là có ý định chăm sóc hai nạn nhân Campuchia sa ngã vì tinh thần hy sinh quên mình thì mọi việc đều ổn cả. Tôi nhận được số điện thoại riêng, được nghe “Anh có thể gọi tôi bất cứ giờ nào,” và được mời cơm. Tôi đã nói dối nhiều lần, và lần nào cũng công hiệu.
Lần này cũng vậy. Ông phụ trách tên Paul, người Bỉ. Ông hãnh diện đưa tôi tham quan bệnh viện. Do đã khá thạo kiến thức về HIV, tôi có thể vung tán tàn các thuật ngữ chuyên môn. Ông ta tin sái cổ. Và cho tôi các thông tin cần thiết. Có một công ty nhập khẩu thuốc men từ Thái Lan và cũng bán một lượng nhỏ cho tư nhân. Thậm chí ông còn cho tôi danh sách các bác sĩ được đào tạo tại bệnh viện mà thực ra ông không được phép, vì bác sĩ bị cấm điều trị bệnh nhân riêng trong giờ làm việc.
Bây giờ tôi có đủ thông tin. Chúng tôi có một chuyên gia về HIV, nguồn thuốc đáng tin cậy. Chúng tôi có thể làm mọi xét nghiệm và bắt đầu điều trị.
Đúng hơn là - chưa bắt đầu ngay. Trước hết Sreykeo phải hiểu hết ý nghĩa của bệnh này. Cô phải uống mỗi ngày bốn viên thuốc chia làm hai lần, vào chín giờ sáng và chín giờ tối, ngày nào cũng thế trong phần đời còn lại. Không đơn giản. Một tuần liền đối với tôi đã đủ phức tạp. Việc đầu tiên là mua một đồng hồ kín nước có công dụng báo thức. Tôi khẩn thiết dặn cô không được tháo đồng hồ ra. Sau đó chúng tôi mua một túi nhỏ để cô mang thuốc bên mình suốt ngày, không ai được thấy nó để biết là cô có bệnh. Sau đó tôi còn mua chiếc đồng hồ báo thức kêu to nhất có thể tìm được, để cô không ngủ quên mất liều thuốc đầu tiên trong ngày. Cô phải hiểu hệ thống miễn dịch là gì, vì sao khuẩn HIV làm cô ốm và cô liên tục phải uống thuốc không gián đoạn.
Khó giải thích tất cả những chuyện đó cho một người chưa từng một lần nghe nói về tế bào và vi trùng trong đời. Tôi nói, các bạch cầu như cảnh sát trong cơ thể, và khuẩn HIV sẽ giết chúng. Cô nhăn trán. Chắc cô không hiểu có cảnh sát trong cơ thể thì lợi gì. Tôi nhận ra lý do: đối với cô cảnh sát là người mặc sắc phục, đeo vũ khí và trấn tiền của mọi người. “Tất nhiên đó không giống như cảnh sát Campuchia chuyên trấn tiền! Mà như cảnh sát Đức giúp đỡ mọi người.” Giờ thì cô hiểu.
Đồng hồ đeo tay của cô rung chuông: đã chín giờ tối, thời điểm bắt đầu trị liệu. 300 mg Zidavudin, 150 mg Lamivudin, 200 mg Nevirapin. Một thời khắc quan trọng đối với tôi. Tôi đã lên đường, đã nói dối, đã lấy được thông tin - một núi công việc. Tôi đã đợi thời khắc này rất lâu. Đối với riêng tôi, đây là ngày đổ bộ lên Normandie(1)_. Giờ mở màn chiến dịch.
Thực ra tôi cũng có lần nghĩ, thời khắc bắt đầu điều trị phải là một sự kiện đặc biệt. Trái đất phải chấn động, bầu trời phải xé toang trong âm hưởng Valkyrie_(2). Hay ít nhất thì Sreykeo cũng phải xanh xám mặt mày. Vậy mà khởi đầu này quá thất vọng và nhạt nhẽo. Cô xoáy hai nắp lọ ra và chiêu hai viên thuốc với chút trà gừng, sau đó gọi một ly gin tonic rồi chúng tôi về nhà. Thế là xong.
Chúng tôi lại có tương lai, lại được phép mộng mơ, được có viễn cảnh. Và đồng nghĩa là lại được yêu.
Nhưng ngay phút đầu đã có nhiều biến đổi. Những viên thuốc này không đơn thuần chỉ là dược phẩm. Trong báo đôi khi diễn tả việc điều trị còn ghê gớm hơn chính căn bệnh. Nó làm người ta trở nên nhẹ dạ và do đó sinh ra lây lan thêm nhiều trường hợp ở Đức. Nhưng luận cứ kiểu ấy làm tôi cáu điên lên. Những hoạt chất này là thành tựu y học lớn nhất từ khi phát hiện ra penicillin. Chúng khiến ta không còn bị bệnh tật thao túng tuyệt đối nữa. Nghĩa là ta có thể phản công, có thể tập trung vào cuộc sống, có thể tiến hành một quan hệ. Những viên thuốc này là bạn tôi. Từng viên một.
Nhà ma
Một tuần sau Sreykeo muốn chuyển đến nơi ở khác gần Cung Vua. Căn hộ chỉ có một phòng, và ấn tượng đầu tiên khi tôi thấy nó quả là tồi tệ. Ai đó dán giấy lên những bức tường gỗ bạc phếch, bây giờ bong thành từng mảng vàng ố vì ẩm ướt. Có ba cửa sổ nhỏ, nhưng nên gọi đó là ba lỗ thủng thì đúng hơn. Phòng có một cửa thứ hai trổ thẳng ra ngoài - cao hơn mặt đường hai mét rưỡi. Phòng này là lầu trên của một ngôi nhà nhỏ nằm trong ngõ lắt léo sau Cung Vua. Tầng trệt xây gạch, trên đó là phòng gỗ lợp mái tôn sóng. Để chống muỗi, người ta đã dán lưới trước của sổ, nhưng bây giờ lưới đã hỏng và vênh lên. Tất cả bị phủ kín một lớp bụi dày, trông có vẻ đã dính chặt xuống nền nhà lát chất dẻo tàn tạ. Trong phòng có một giường đôi, phần dựa đầu trang trí hoa nhựa rất sến. Nó sập tức khắc khi tôi đặt đít ngồi lên.
Trông căn phòng như tranh Spitzweg(1)_ vẽ phòng của thi sĩ nghèo. Đủ lớn để nhào lộn một vòng. Nhưng tôi mê ngay. Tôi quyết định tại chỗ: “Ta lấy phòng này.”
Không có phòng tắm hay bếp. Bù lại có một thang sắt đi xuống ngõ. Ở tay vịn gắn một bồn kim loại và một đoạn ống cao su: nhà tắm. Nhà vệ sinh chung với nhiều gia đình, nước dội phải tự xách theo bằng xô.
Mái tôn bị dột ở ngay bên trên giường. Ai đó đã lắp một công trình bằng túi nylon và chai nhựa để dẫn nước mưa hứng được ra ngoài đường. Công trình này có tiếng động riêng, như đang thở. Khi ánh nắng sớm chiếu lên mái, tấm tôn phát tiếng lịch kịch. Tôi có thể ngắm hàng giờ những con thạch sùng chạy trên trần. Lại còn tiếng mèo đuổi chuột và thằn lằn trên mái tôn gây ra tiếng ồn khủng khiếp. Cả đêm lũ mèo tập trung trên mái và cử loại nhạc meo meo mà cho đến lúc ấy tôi chỉ biết qua tranh hoạt hình Garfield. Tôi ném giày lên trần, chúng chạy túa đi. Dễ chịu nhất chỉ là tiếng mưa đêm gõ trống lên kim loại.
Chúng tôi vứt luôn chiếc giường đôi ra bãi rác, sau đó lột lớp chất dẻo khỏi nền gỗ và mua lớp nhựa mới, lần này màu hồng là màu Sreykeo thích nhất. Ở Campuchia không có cửa hàng IKEA(1)_. Ít tiền thì khó có điều kiện trang hoàng phòng ở. Chỉ có độc một loại ghế nhựa, một loại bàn gấp, một loại mùng chống muỗi.
Chúng tôi trả 20 đô la cho một tấm đệm - cũng màu hồng - và thuê xích lô chở về nhà. Mua thêm màn muỗi - dĩ nhiên màu hồng - để căng trên đệm. Sreykeo có nhiều điểm thưởng trong hệ thống khuyến mại của ngân hàng Western Union, đủ mua thêm một nồi cơm điện và quạt cây.
Để trang trí tường, chúng tôi mua một tập tranh in bìa cứng cỡ lớn. Ở Campuchia có nhiều tường xấu xí cần che đi, do đó xuất hiện một thị trường tranh sến khổ lớn. Có một tranh thảo nguyên trên dãy Alps. Người Campuchia yêu tranh núi tuyết, nhiều người ước được sờ tay một lần vào tuyết. Không gian bao la và nỗi cô đơn là những khái niệm khiến họ chộn rộn ngay. Vì thế tác giả bức tranh đã dùng phần mềm chế ảnh để cóp lên đó vô số cối xay gió, bò, phụ nữ mặc áo dài dân tộc, khiến đồng cỏ huyên náo như đại lộ Sihanouk vào giờ cao điểm. Một tranh khác thể hiện đảo san hô vòng biển Nam với một đoàn thuyền buồm, trông như đang bị kẹt giao thông. Có cả tranh nổi, chỉ xem được hình khi mắt hơi bị lác. Chính bà bán hàng cũng không rõ phải nhìn ra sao. Bà sửng sốt khi tôi bày cách cho và đột nhiên trên tranh hiện ra hình Phật Tổ đang thiền, lập tức bà tăng giá lên gấp bốn.
Trên nền nhà, giữa đệm và cái tủ cũ kỹ, có một bàn thờ. Vì căn phòng nhỏ nên bàn thờ cũng nhỏ - một ngôi nhà bé xíu đóng bằng gỗ tấm. Dưới lớp bụi xám có thể đoán ra màu sơn đỏ. Giữa bàn thờ là một âu cát với hàng trăm chân nhang kết mạng nhện. Tôi thấy bẩn phát khiếp.
Trong lúc Sreykeo đi chợ, tôi quyết định việc đầu tiên là vệ sinh bàn thờ - một nghĩa cử mang tính tượng trưng cho bước khởi đầu của cuộc sống mới ngăn nắp. Tôi vứt hết các chân nhang, sau đó cạo hết nến chảy bằng lưỡi dao hơ nóng trên bếp ga. Sau đó tôi khuân bàn thờ ra ngoài, vặn vòi cao su xịt sạch sẽ, khoan khoái nhìn bụi, tro và mạng nhện trôi vào lỗ cống.
Đột nhiên có giọng hốt hoảng cất lên: “Anh làm gì thế?“ Sreykeo đặt vội túi đi chợ xuống đất và tắt nước.
“Cái này dành cho hồn!” cô nói.
Tôi nhìn bàn thờ sạch bong rỏ nước tong tỏng.
“Bẩn quá,” tôi nói.
“Nhưng anh không được chạm vào!”
“Tại sao? Em không bao giờ quét dọn à?”
“Không. Chỉ vào dịp Tết Khmer thôi.”
Có lẽ bàn thờ là một dạng khu bảo tồn thiên nhiên cho hồn tổ tiên và thần phù hộ nhà, chả trách lúc nào cũng đầy bụi. Tôi hình dung ra vô số hồn ma châu Á đang vừa vắt khô bộ râu dài đến đất của mình vừa thốt ra những lời nguyền rủa khó hiểu nhưng độc địa.
Tôi lủi thủi lấy khăn lau khô ngôi nhà bé xíu và đem về chỗ cũ. Nó tỏa sáng đỏ chót giữa căn phòng còn bẩn thỉu bề bộn.
“Sẽ có chuyện gì xảy ra bây giờ hả em?” tôi hỏi cô. “Em có nghĩ là hồn giận không?”
“Anh là Tây. Anh không biết. Không vấn đề gì,” cô nói.
Buổi tối chúng tôi đặt một đĩa hoa quả và kẹo bánh lớn trước bàn thờ. Hồn cũng có mặt tốt: không bao giờ để bụng giận lâu.
Quan hệ với gia đình Sreykeo hỏng hẳn sau khi cô ra khỏi nhà. Tuy chưa bao giờ có chuyện cãi cọ giữa tôi và họ, vì họ quá thực dụng. Chúng tôi cũng không thể cãi nhau vì bất đồng ngôn ngữ. Sự khinh bỉ của họ thể hiện một cách tinh tế hơn nhiều.
Một hôm mẹ Sreykeo đứng trước nhà và gọi cô. Rồi bà lên chiếc thang sắt và ngồi lên giường. Tôi chào bà, tuy không hẳn thực sự vui mừng thấy bà đến thăm, và bà nhút nhát chào lại. Việc bà đến chỉ có thể vì cần tiền, có lẽ sẽ chấm dứt bằng một vụ cãi cọ giữa hai mẹ con và Sreykeo cả ngày bực bội.
Bà trò chuyện với Sreykeo với giọng thì thào, báo hiệu có vấn đề. Lúc nào bà cũng thì thào khi tôi trong phòng, mặc dù tôi chẳng hiểu chữ nào. Sreykeo dịch lời bà. Có vấn đề, như tôi đã đoán trước. Bà bị mụn rộp và đi bác sĩ, truyền dịch mất 50 đô la. Bà hỏi tôi có thể trả tiền đó không.
Tôi không tin bà. Thứ nhất vì số tiền quá chẵn. Thêm nữa, bà có bảo hiểm y tế vì làm việc tại tổ chức Handicap International. Tại sao bảo hiểm không thanh toán? Ngoài ra tôi cũng hiểu biết chút ít về y khoa: điều trị mụn rộp thường khá lâu, có khi hàng năm trời, không thể truyền thuốc một lần. Tôi bảo sẽ nói chuyện với bác sĩ và sau đó thanh toán.
Chúng tôi đến Handicap International trước, tôi đòi gặp bà phụ trách nhân sự. Bà ta bảo không biết về khoản nợ bác sĩ, nhưng nói rằng bảo hiểm không thanh toán điều trị bệnh kinh niên như mụn rộp hay HIV. Chúng tôi đến bác sĩ. Ông chỉ cho chúng tôi các chỉ số xét nghiệm gan, thực sự khá cao. Khi tôi hỏi, có đúng mẹ Sreykeo còn nợ ông 50 đô la, ông giật mình, rồi trả lời: “À, đúng, 50 đô la.“
Có gì đó không ổn: hoặc ông bác sĩ lừa mẹ Sreykeo, hoặc bà ta lừa tôi. Buổi tối chúng tôi gọi điện cho Djiat, chị Sreykeo, và biết sự thể. Đúng là mẹ cô có đến bác sĩ chữa bệnh và nợ vài đô la. Do đó bà thỏa thuận với ông ta, nếu tôi xuất hiện thì ông nói là bà nợ 50 đô la. Bà sẽ trả tiền bác sĩ và nhận chỗ tiền thừa.
Cách bà đối xử với tôi và Sreykeo thể hiện qua vụ bà nói dối chúng tôi, như trong vụ này, với một sự chuyên nghiệp đáng kinh ngạc.
Sreykeo thường độc thoại và lẩm bẩm tiếng Khmer. Tôi hỏi cô nói chuyện với ai. Cô nói: “Em nói với cậu bé nhà em“ và chỉ vào tấm ảnh treo phía trên bàn thờ và tranh nổi. Một cậu bé châu Á chừng hai tuổi, đang cười, người đầy trang sức và hoa, đội vương miện nhỏ và mặc cà sa vàng. Ảnh này cô mua ở chợ.
“Ai thế?“
“Cậu bé nhà em. Người phù hộ em.“
Đó là thần hộ mệnh của riêng cô. Cô kể, cậu hiện ra trong mơ, đêm hôm đầu tiên cô có kinh. Có lần chúng tôi bị tai nạn xe máy, trước đó một lúc cô đã thấy cậu bé chạy trước xe, và cậu đã ngăn không cho sự việc tồi tệ hơn. Lần đầu tiên tôi nghe nói về thần hộ mệnh kiểu này. Tôi quen Sreykeo từ một năm rưỡi nay và chưa bao giờ thấy gì từ thần. Còn phải học nhiều.
Cậu bé không phải là người hộ mệnh vị tha. Cậu giúp đã đành, nhưng cậu cũng đem lại điềm rủi nếu không được chú trọng đúng mức. Trẻ con dễ chán mà. Cậu luôn hỏi xin cô kẹo. Cô đặt lên mái bàn thờ sô cô la, bánh quy nhân mứt quả, kẹo cao su. Đôi lúc cô lên giọng dạy bảo với cậu. Rồi cô nhướng mắt và cho tôi hay, cậu muốn có thêm kẹo.
Ngày nào cô cũng nói chuyện với cậu, lúc thì cầu khẩn, lúc lại với giọng như muốn bảo: “Cố lên một chút đi nào.” Khi cô tin là cậu đã ăn bánh bích quy, cô ăn nốt chỗ thừa. Có lần tôi hỏi, liệu tôi có được ăn một miếng. Cô bảo, cô không rõ có chuyện gì xảy ra khi một người Tây ăn thứ mà hồn đã ăn trước. Do đó để cô ăn một mình thì hơn, cẩn tắc vô ưu.
Tất nhiên tôi không tin vào các loại hồn ma, nhưng không bao giờ tôi chế nhạo lòng tin của cô hoặc can ngăn cô. Tôi cũng biết là hồn tổ tiên đóng vai trò đặc biệt trong các gia đình Campuchia: củng cố đoàn kết và đạo đức. Điều đó khiến hồn hiển hiện rất thực. Nên nói thế này: tôi là người thực dụng về mặt hồn ma - chừng nào họ không đòi hỏi lễ vật tốn kém quá đáng thì cứ thoải mái chung sống trong nhà.
Nỗ lực của tôi nhằm phân chia công việc giữa hai người theo kiểu Tây thất bại thảm hại. Một lần tôi định giành của cô việc giặt giũ trong thau nhựa ngoài thang sắt. Tôi tin rằng cô cho đó là sự lăng mạ. Cô đứng cả buổi cạnh tôi và chỉ dẫn từng li từng tí, tựa như muốn chứng minh tôi vụng về ra sao. Cô chỉ cách tôi đặt tay và giục vò nhanh lên kẻo hết ngày vẫn chưa xong.
Hừm, nếu có một việc mà phụ nữ kiêng không nên làm thì đó là khuyên bảo chồng, dù là có thiện ý đến mấy. Tôi cũng thử nấu ăn. Cô phì cười khi thấy tôi nấu món cà ri trên bếp ga du lịch. Quá đáng. Chúng tôi cãi nhau cả tối, nhưng cô đã đạt được mục đích: từ đó trở đi tôi không chạm tay vào những việc mà cô coi là việc phụ nữ. Nghĩa là cô làm việc nhà một mình, đi chợ, nấu ăn, vân vân.
Cuộc sống chung của chúng tôi đổi khác trong thời gian này. Trong khi ngủ cô áp sát vào tôi, quàng một chân qua hông tôi, vòng tay ôm cổ và đặt đầu lên vai tôi. Cô áp chặt vào tôi đến nỗi gần như đẩy tôi khỏi đệm trong khi ngủ. Khi bị đẩy sát thành đệm, tôi nói: “Em dịch ra một chút được không?“ Cô dịch về giữa đệm, và tất cả lại bắt đầu từ đầu. Nhưng cô không có nhiều ác mộng như ngày trước nữa. Chỉ thỉnh thoảng cô thức dậy giữa đêm, đi lấy con dao phay gói vào khăn giấy rồi vùi xuống dưới gối.
Bây giờ tôi cũng chuyển sang gọi cô là “praopun” - vợ. Có thể đó là báo hiệu một quyết định trong tiềm thức sẽ cưới cô. Cô vẫn gọi tôi là “look p’dey”, khiến cho hàng xóm phì cười. Chúng tôi cứ gọi nhau như vậy với chút cường điệu, và đôi khi nghe thấy tiếng một mụ già trong ngõ ngán ngẩm nhại lại.
Dạo ấy chúng tôi cũng sinh ra cãi cọ gay gắt. Một chuyện mới mẻ. Ngày xưa chúng tôi chẳng bao giờ cãi nhau, ít nhất cũng không gay gắt như vậy. Đôi khi tôi quát cô, và hầu như chỉ vì chuyện tiền. Nhưng đó không gọi là cãi nhau mà chỉ là sự xung đột một chiều: tôi quát cô, và cô nhu nhược im lặng. Cô không bao giờ oán trách tôi vì thế, chỉ cố nói vài câu bào chữa trước khi im lặng hẳn. Bây giờ thì từ những chuyện nhỏ nhặt nhất thường ngày cũng có thể gây ra cãi cọ. Toàn những lý do vặt vãnh. Cô ghen, cô thấy trong điện thoại của tôi có tên một cô gái Việt Nam và đổ riệt rằng tôi có bồ. Tôi thấy rất ngớ ngẩn, đó là em gái một người bạn tôi ở Đức. Cô nói tôi muốn bỏ cô để tìm một bạn gái khác không bị bệnh. Tôi sửng sốt: chẳng phải tôi đã làm mọi việc để chứng tỏ yêu cô đến chừng nào?
Tôi không biết phải làm gì. Thoạt tiên tôi nắm tay cô và nhẹ nhàng dỗ dành cô, nhưng tôi cũng tức khi bị đổ tội oan. Một lúc nào đó tôi cũng quát lên, điều đó khiến cô thấy sự lo ngại của cô là có lý. Thường là mọi cuộc cãi cọ chấm dứt với câu: “Anh khinh rẻ em.”
Vốn từ chung của hai chúng tôi khá hạn chế, tất nhiên, nhưng chưa bao giờ tôi thấy đó là vấn đề. Mà ngược lại: để nói với nhau những gì cần nói, chúng tôi phải chọn những từ đơn giản nhất, chính xác nhất. Chúng tôi không có những khái niệm mà khi nói ra khả dĩ có thể tàn phá mối quan hệ. Ở nền văn hóa của chúng ta, ngôn từ được coi trọng đến khủng khiếp, nhưng vẫn chỉ là ngôn từ. Ở xứ Campuchia này, hành động quan trọng hơn, do đó người ta thường dùng các điệu bộ mang tính biểu tượng: xé quần áo, đập bát đĩa, giận dữ ra khỏi nhà và mấy hôm liền không quay lại, đập vỡ bàn thờ.
Có lần tôi cáu giận gói ba lô và nói, tôi sẽ đi khỏi. Cô đáp: “Nếu anh ra khỏi cửa, khi anh quay lại em sẽ không còn đây nữa.” Tôi dập cửa lại và đi thẳng - không đem theo ba lô. Tôi đi dọc phố, qua tượng đài Độc lập, đi mãi cho đến khi bình tĩnh lại. Rồi tôi vào một hiệu sách, lục lọi trên giá để giết thì giờ. Cứ để cô sốt ruột. Tôi tìm thấy và mua một cuốn giáo khoa tiếng Đức. Khi tôi quay về, cô không có nhà. Căn phòng trống trải kỳ lạ. Tôi phát hiện ra đồ đạc của cô giấu sau tủ - cô định làm tôi sợ và tưởng cô đã đi mất.
Tuy cáu, tôi cũng khá vui. Tôi cho rằng cãi cọ không phải là một vấn đề mà người ta tuyệt đối phải tránh trong một quan hệ. Mà nó ép ta phải phát triển lên thêm một bậc. Cô cảm thấy tự tin hơn trong quan hệ giữa hai người, hay chỉ ra những gì cô không vừa lòng hơn và những gì cô nghĩ. Mọi chuyện đối với tôi không vì thế mà phức tạp hơn, thậm chí còn dễ dàng hơn nhiều.
Cô không bỏ đi. Thực ra cô đi tìm tôi. Và do không biết nên làm gì, cô viết cho tôi một email mà mấy tuần sau tôi mới đọc được. Chưa đầy mười phút sau cô hiện ra trong khung cửa với điệu bộ đặc trưng khi có vấn đề: người co lại, vai chùng xuống. Rồi cô ôm tôi chặt đến ngạt thở. Cô viết trong email: “look p’dey, quay lại đi, em đã lỡ lời.”
Nhưng cũng có vài vụ cãi nhau dẫn đến kết quả là cô biến vào một thế giới riêng, không có cửa cho tôi vào. Cô nằm trên đệm, mắt đẫm nước nhìn lên trần, hai tay kiệt sức buông xuôi. Trông như bất tỉnh. Tôi dỗ cô. Cô không phản ứng. Tôi quát lên. Vẫn không phản ứng. Tôi phát lên mu bàn tay cô, cấu đùi cô. Không phản ứng. Có lần tôi xem cô còn thở không, rồi xoay người cô nằm nghiêng để ổn định huyết áp. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra.
Hết chương 27. Mời các bạn đón đọc chương 28!