Sống Từng Ngày Chương 28-29


Chương 28-29
Sự thật làm ta tự do

Chúng tôi chia tay nhau ở phi trường. Như trong một cuốn phim dở: giữa hai người là tấm kính, cô áp tay lên, tôi cũng làm thế từ bên kia. Cô cười, nước mắt chảy ướt má. Tiếng loa gọi. Thang cuốn chuyển động, và cô lùi xa không cưỡng nổi. Cô nhìn theo tôi và khóc.

Lại một chuyến bay về Đức. Và tôi nghĩ bụng: “Không đơn giản, nhưng mình sẽ vượt qua. Mình phải cưới cô gái này.” Đó là thời điểm tôi ra quyết định. Tôi muốn cưới cô.

Tôi tin chắc rằng cuộc hôn nhân này thành công. Nó quá quan trọng để cô có thể vứt bỏ khi nào đó. Mức rủi ro bị nhiễm bệnh khi bao cao su rách cũng không phải luôn đáng sợ, mà phụ thuộc vào một loạt nhân tố. Quan trọng nhất là lượng virus trong máu. Ở một người nhiễm bệnh, lượng virus cao vọt bất ngờ trong vài tháng, sau đó hệ miễn dịch phản công và học cách tiêu diệt virus. Đa số các vụ lây nhiễm diễn ra trong thời điểm này. Người bị nhiễm bệnh chưa biết, nhưng đã mang trong người một lượng virus lớn. Sau đó lượng virus ở mức thấp, khả năng lây nhiễm hạn chế hơn. Chỉ khi người bệnh phát triển những triệu chứng AIDS thì lượng virus lại vọt lên. Tuy nhiên liệu pháp kháng retrovirus lại làm giảm khả năng lây nhiễm một cách đáng kể.

Còn có các nhân tố khác làm tăng khả năng lây nhiễm. Trong máu có nhiều virus hơn trong chất nhầy ở vùng kín, do đó khả năng nhiễm bệnh do quan hệ với phụ nữ có kinh cao hơn. Một nhân tố nữa là các bệnh hoa liễu, vì một mặt chúng gây ra tổn thương ở niêm mạc, mặt khác có nhiều bạch cầu tập trung ở bộ phận sinh dục - và ở đâu có chúng là cũng có virus HIV.

Bao cao su hàng hiệu khó rách nếu được lưu trữ đúng cách. Tôi đã có lần bị, nhưng sau đó không bao giờ lặp lại. Và nếu đã xảy ra thì cũng có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ví dụ như rửa sạch. Ra ngoài huyết tương, vi khuẩn rất khó sống sót. Chúng có một màng lipid bao bọc, đó là mỡ, do đó những gì làm tan mỡ như xà phòng, cồn, thuốc tẩy, v.v. đều giết được virus. Dĩ nhiên không thể loại trừ hết hẳn rủi ro. Nhưng nếu biết cách thì rủi ro đó nằm trong vòng tính toán được.

Về đến Đức, tôi được bố mẹ đón ở sân bay và đưa về nhà. Chúng tôi ngồi ở phòng khách. Như mọi khi, bố tôi mở một chai vang trắng. Khi nói chuyện về Sreykeo, bố mẹ tôi muốn biết phí tổn thuốc men và nói, họ sẽ trả tiền thuốc. Kế hoạch của tôi là sau khi thanh toán hết nợ nần sẽ kiếm việc làm ở Campuchia. Tôi kể cho bố mẹ biết. Hai người trông có vẻ lo lắng, nhưng tối hôm đó không cho tôi biết họ nghĩ gì. Sau này tôi được đọc nhật ký của mẹ. Bà viết nhật ký như một dạng biên bản của gia đình, chứ không phải chuyện gì riêng tư. Buổi tối bà viết bằng computer, và đến lễ Giáng sinh bà đóng thành sách cho chúng tôi xem. Tối hôm đó bà viết: “Benjamin cho xem ảnh. Tâm trạng chúng tôi thật kinh khủng. Benjamin bảo sẽ sang Campuchia. Chúng tôi cho rằng đấy không phải ý tưởng hay.”

Nhưng hồi ấy tôi không biết gì. Ngay tối đó tôi vào mạng tìm một tổ chức hỗ trợ phát triển có việc cho nhà báo. Hồi ấy tôi cũng muốn xin việc ở DAAD, nhưng tôi nghĩ là không hợp. DAAD là chữ tắt của Tổ chức trao đổi hàn lâm với nước ngoài, mà tôi chỉ học có hai tuần môn Chính trị và hai tuần Sử. Có lẽ không đủ.

Ngựa quen đường cũ

Tác dụng của thuốc đáng kinh ngạc. Sau một tháng rưỡi cô khỏe hẳn, hết đau tai, không có hiệu ứng phụ đáng kể. Nevirapin gây một số mụn nhỏ ở lưng và ngực, trông như bị phỏng nắng, nhưng sau hai tuần là hết. Đôi lúc cô thấy buồn nôn lúc sáng sớm, khoảng hai tiếng sau khi uống thuốc, khi hàm lượng Zidavudin trong máu đạt mức cao nhất. Lượng thuốc hơi quá cao đối với trọng lượng cơ thể Sreykeo, nhưng ở Campuchia không kiếm được thuốc nhẹ hơn. Tôi cứ lo kết quả tệ hơn.

Không chỉ cô khỏe ra. Mỗi lần thấy số điện thoại gọi từ Campuchia, tôi không nhất thiết phải sợ nghe tin dữ nữa. Tôi lại có hứng nói chuyện điện thoại với cô. Cho đến một lần tôi đọc email của cô.

Hôm đó tôi ở tòa soạn. Tôi kiểm tra email của cô từ đầu. Thoạt tiên vì nghi ngờ, sau này do lo lắng. Tôi không nghi việc cô muốn chung sống với tôi, nhưng tôi không chắc chắn là cô sẽ không phạm sai lầm. Tôi đã hiểu rằng môi trường ở đó không chỉ đơn thuần là một cách kiếm tiền của cô. Cô phụ thuộc vào nó hơn tôi tưởng. Cô biết thế giới đen tối ấy sẽ giết cô - song đồng thời nó cũng lại là một thế giới toàn những điều quen thuộc và dễ lường. Ở đó cô có vị thế. Bước ra ngoài là cô vấp phải sự chối bỏ và khinh bỉ. Do không hiểu nổi các điều kiện sống của cô, tôi không muốn chỉ dựa vào những gì cô kể cho nghe trong điện thoại mà muốn có thêm một nguồn thông tin khác nữa. Tôi không áy náy khi viết ra chuyện này, vì đó là một quyết định đúng đắn. Có thể sẽ có người trách tôi không nhắm mắt tin vào người mà mình yêu. Nhưng, giả sử ta yêu một người nghiện heroin. Có nên nhắm mắt tin người đó không bao giờ dùng ma túy nữa không? Không. Và môi trường ấy là ma túy đối với Sreykeo.

Cô chỉ đổi mật khẩu có một lần, nhưng mật khẩu mới không khó đoán: Benjamin. Ít khi cô có thư, khoảng hai tháng một lần. Một số thư của khách hàng cũ thích cô. Thường là họ ca thán đã quay về London hay Wisconsin, công việc buồn tẻ, hết tiền, do đó không quay về Campuchia được nữa. Một số người tôi thuộc cả tên.

Đột nhiên có một email của một người Đức tên Tim. Người này mới. Rõ ràng đây là một du khách tới Phnom Penh. Anh ta viết, hiện anh đang ở Lào và gặp một người bạn từ Mỹ đến. Rồi anh viết: “Dù thế nào thì anh muốn viết lời xin lỗi cho lần gặp mới đây. Hy vọng em tha lỗi cho anh. Dạo này anh thấy rất khó xử, không biết làm gì cho phải.” Một kiểu than thở sầu muộn mà người Âu ưa lấy làm quan trọng.

Tôi không rõ anh ta ám chỉ gì, nhưng rõ ràng anh ta đã có vài ngày bên Sreykeo và sau đó cãi cọ với cô. Thợ lặn có một quy định: nếu có vấn đề gì thì làm theo trình tự “Dừng - Thở - Nghĩ - Làm.” Tôi không phải thợ lặn, chỉ đọc chuyện ấy trong một tiểu thuyết. Nhưng đó là một bài học hay: phản ứng đầu tiên mang nặng cảm tính thường sai. Ai không động não, người ấy sẽ chết.

Tôi suy nghĩ, liệu có nên gọi điện cho cô từ một văn phòng trống và quát cho dập mặt rồi chấm dứt tất cả. Hay nên đợi đến khi có thêm thông tin. Tôi tung đồng xu, kết quả: nên đợi.

Vậy thì không làm gì cả, cứ tiếp tục công việc. Sau đó tôi cho phép mình một giờ giải lao, đi tản bộ dọc sông Elbe, giang tay đón gió và suy nghĩ. Có nên bắt cô đối đầu việc này luôn không? Tôi nghĩ nên làm thế. Nói chính xác là cho đến giờ tôi chỉ biết cô đã gặp nhau vài lần với một tay Tim nào đó và không kể cho tôi biết, nhưng cũng có khả năng thực tế là tôi hiểu lầm. Tôi muốn chắc chắn một trăm phần trăm trước khi nói lời trách móc cô. Tôi quyết định đợi xem sự việc tiến triển ra sao.

Dĩ nhiên tôi giận, song cơn giận chỉ là bề nổi. Cảm giác là có gì đó trục trặc còn mạnh hơn. Tôi không hiểu nổi hành vi ấy của cô. Gia đình là quan trọng nhất đối với cô, vậy cớ gì cô đem quan hệ của hai chúng tôi ra chơi trò may rủi?

Nhưng đồng thời tôi cũng quyết tâm chơi hèn. Tôi đăng nhập vào tài khoản của cô và đội lốt cô, bắt chước kiểu tiếng Anh bồi viết một email cho tay Tim kia. Sau đó tôi viết một email cho Sreykeo với địa chỉ người gửi giả mạo. Tôi hy vọng các thư trả lời sẽ cho tôi thêm thông tin. Tôi được biết là anh ta đã gửi cô tiền nhân dịp sinh nhật - mà tôi thì quên bẵng. Ít nhất thì tôi biết chắc một điều: anh ta có cảm giác nợ nần cô vì lý do nào đó.

Thật kỳ quặc. Tôi có số điện thoại và địa chỉ anh ta, thậm chí cả số điện thoại của bố mẹ anh ta. Tôi hoàn toàn có thể nhấc máy và gọi bố mẹ anh ta. Hôm nay tôi không nhớ anh ta học môn gì, trường đại học ấy ở một thành phố nhỏ miền Nam Đức. Cô ký dưới thư “hãy cẩn trọng” chứ không “nhớ anh”, nghĩa là cô không định diễn trò gì với Tim.

Tôi gọi điện cho Sreykeo, dự định trước tiên sẽ giả vờ ra vẻ thông cảm. Tôi không muốn bắt đầu bằng trách cứ, vì cô sẽ phản ứng bằng lời trách ngược lại và có thể cãi bay mọi chuyện. Chỉ khi cô thú nhận thì chúng tôi mới có thể chuyện trò nghiêm túc được.

Tôi nói: “Anh buồn vì biết em đi với một người đàn ông khác.”

Cô không hề chối. “Em muốn tiền của người ấy.”

Tôi hét lên, không nhớ hét gì. Cô làm quen anh ta ở Walkabout. Anh kém tuổi cô, cô kể, vì vậy cô không muốn có quan hệ với anh ta, chỉ muốn tiền. Cô kể với anh ta rằng Rottana là con cô, và cô cần tiền để trả học phí cho em trai.

Thực ra cô đưa tiền đó cho Nak, cậu ta từ lâu muốn đi tu. Đó là phần công sức của cậu để rửa mối bất hạnh của gia đình. Cậu mong nghiệp thiện mà một nhà tu hành thu được sẽ truyền sang gia đình và chặn đứng dòng chảy bất hạnh. Và cậu cũng không muốn nhìn thấy Djiat chết dần.

Về lý thuyết, muốn đi tu không mất tiền. Nhưng người ta phải làm lễ nhập đạo tràng, mời các tăng lữ và bô lão của địa phương ăn cỗ. Thêm nữa là sách giáo khoa, quần áo, tài liệu lên lớp, tổng cộng hai trăm đô la. Tôi nhớ đã có lần Sreykeo hỏi tôi tiền nhưng tôi từ chối. Một nghịch lý rất Campuchia: là Phật tử thì em trai Sreykeo phải sống kiêng khem, không được chạm vào phụ nữ. Nhưng số tiền cần thiết để bước vào cuộc sống khổ hạnh không ham muốn ấy lại do chị cậu ta kiếm được từ nghề mại dâm.

Tôi hỏi, vì sao cô vứt bỏ tất cả.

“Anh muốn bỏ em đi.”

“Tại sao em nghĩ là anh muốn bỏ em đi?”

“Vì anh muốn có vợ không bị HIV.”

“Anh đã mua thuốc cho em.”

“Anh không muốn nói ra là anh bỏ em đi. Vì vậy anh tìm cách khác.” Cách khác. Đó là tên gọi chính xác bất ngờ cho cái mà tôi đã tìm từ lâu.

Tôi nói: “Anh muốn cưới em. Sau lần cuối cùng sang Campuchia anh đã quyết định cưới em.”

Cô òa khóc.

“Sao anh không bao giờ nói cho em biết?”

Một câu hỏi chí lý. Cô làm tôi sửng sốt. Vì một lý do nào đó tôi không hề nói ra cho cô biết. Hồi ấy tôi không thể lý giải, hôm nay tôi nghĩ là tôi biết câu trả lời.

Hồi ấy tôi là kẻ mạnh hơn trong quan hệ giữa hai người: tôi có thể bỏ cô bất cứ lúc nào, cô thì không thể bỏ tôi. Đó là trạng thái mà tôi muốn bảo lưu. Ngược lại, cuộc hôn nhân sẽ làm chúng tôi bình đẳng. Tôi không định ám chỉ mình là một kẻ gia trưởng đầy mặc cảm. Tôi tin, người mạnh hơn trong một quan hệ chỉ từ bỏ vị thế của mình khi xảy ra xung đột - khi thấy không thay đổi thì sẽ mất người yếu hơn. Sreykeo phụ thuộc vào tôi, và tôi muốn như thế mãi. Giờ đây tôi mất cô và nhận ra rằng chính tôi cũng phụ thuộc vào cô không kém.

“Anh luôn nói về cảm xúc của anh. Anh không bao giờ hỏi em có cảm xúc gì. Anh không bao giờ biết đến cảm xúc của em khi anh nói là không thể giúp em.”

Tôi quát: “Ca ve!”

Đó là lời tệ nhất mà người ngoài có thể nói với cô. Tôi biết, không có gì xúc phạm cô ghê gớm hơn. Nó không chỉ làm cô đau đớn, nó để lại vết thương không thành sẹo trong ý thức tự thân của cô. Cô rú lên tựa như bị tôi đánh. Tôi lắng nghe cô khóc một hồi lâu.

“Anh cố tìm lý do để bỏ em. Giờ thì anh tìm thấy rồi.”

Còn tôi buông một câu nổi tiếng: “Thế là hết.”

Và cúp máy.

Buổi tối tôi nằm trên giường và nghĩ: không còn Sreykeo nữa. Bây giờ tôi có thể tìm một cô gái khác, gần nhà, không bị HIV, học truyền thông hay thứ gì tương tự, bố mẹ là kiến trúc sư hay bác sĩ hay giáo viên ở trường Waldorf. Mọi cánh cửa lại rộng mở trước mắt tôi. Tôi cố hình dung ra cuộc sống không có Sreykeo. Chuyện đã hết rồi. Tất cả những gì đã xảy ra, nhìn lại đều vô nghĩa. Tôi đã thay đổi, tôi học được nhiều điều, tôi vừa bắt đầu tự thích mình. Cũng là một điều vô nghĩa. Có hay hơn không? Không. Trống vắng thế nào ấy. Không chán nản. Không sầu muộn. Sự trống vắng còn tệ hơn nhiều.

Cô không nổi giận khi biết tôi đọc email của cô. Một người Đức sẽ coi đó là sự xâm phạm nghiêm trọng lĩnh vực cá nhân. Cô thậm chí còn thấy mừng, coi đó là minh chứng rằng cô được tôi chú trọng, rằng tôi ghen tuông, rằng tôi dấn thân vì cô. Tôi chưa bao giờ cấm cô tiếp tục đến Walkabout, vì ở Phnom Penh không có chốn nào quen thuộc cho cô trú chân khi muốn tránh mặt gia đình; và hồi ấy tôi cho gia đình cô là nguyên nhân mọi sự tệ hại. Tuy nhiên, tôi cứ tin rằng cô đến đó chỉ để chơi billiard. Cũng đúng. Gần đúng. Cô kể cho mọi người ở đó về tôi, ai cũng biết chuyện hai chúng tôi. Cô đã bỏ làm tiền - cho đến khi tôi nói sẽ không cưới cô. Thậm chí cô giận tôi đã không cấm cô tiếp tục đến Walkabout - đối với cô, nó chứng tỏ là tôi không có ý định nghiêm túc.

Tôi đã không hiểu lý do cô làm nghề mại dâm. Tôi tưởng cô chỉ kiếm tiền. Không đúng. Cô muốn đạt được giấc mơ của mình: được làm mẹ. Làm một người vợ được chồng yêu và con cái kính nể. Cô muốn có gia đình như hồi thơ ấu được thấy ở các nhà khác như một giấc mơ về hạnh phúc. Cô biết sẽ không đạt được giấc mơ ấy với một người chồng Campuchia. Trong xã hội Campuchia chỉ có chỗ cho cô làm đĩ hoặc đời đời làm vợ bé, mà hai vị trí ấy cũng chẳng khác nhau nhiều. Vậy là cô tìm một người phương Tây, và chỉ có thể làm việc đó ở đây.

Không phải cách hay để đạt được giấc mơ, nhưng với cô là cách duy nhất. Tôi đã cho cô hy vọng được có một gia đình thực sự, và tôi lại phản bội kỳ vọng ấy khi nói sẽ không cưới cô vì hai người không thể có con. Cô nói trong điện thoại “em quay lại làm việc vì em phải có chồng.”

Tôi nhớ là đôi lúc cô nói trong điện thoại “em không cần tiền của anh” khi chúng tôi cãi nhau. Hồi đó tôi không hiểu ý cô, chỉ coi đó là một kiểu nói. Nhưng đó là chuyện nghiêm chỉnh: cô không cần ai gửi tiền cho cô, cô cần một người ở lại bên cô, mãi mãi.

Tôi còn ngộ ra một điều nữa: cô sẽ có lý với quan điểm của mình. Hay ít nhất cũng tin chắc như vậy. Quân chủ bài cuối cùng của cô là: tôi không chịu thú nhận rằng tôi chỉ muốn chia tay vì cô bị AIDS. Giả sử tôi chia tay, cô sẽ tin chắc đến cuối đời là mình có lý: tôi là một người đàn ông bỏ chạy vì cô bị AIDS. Làm sao cô có thể tin tôi thực sự muốn cưới cô, tôi chưa bao giờ nói ra và cũng không làm gì để chứng minh. Tình yêu chỉ diễn ra trong đầu thì có ích gì? Phải thổ lộ nó ra lời, để nó chứng tỏ sẽ gánh chịu được gì trong thực tế.

Cách hành xử của tôi cũng có nghĩa là tôi chấp nhận để cho một tập hợp mỡ và protein có hai axít ribonucleic ở giữa, vốn chẳng biết làm gì ngoài liên tục tự nhân bản, tàn phá mối quan hệ của mình. Nó không yêu, không ăn, không thở, không sống. Nó không làm gì tốt đẹp, không có chỗ trong vòng đời, thậm chí không là một mắt xích trong chuỗi thực phẩm. Nó không có sứ mệnh nào trên thế giới này. Nó không phải là hình phạt của Chúa giáng xuống trần gian để trừng trị sự suy đồi của nhân loại. Nó chỉ sinh ra nhờ sự kết nối của một loạt ngẫu nhiên, và lý do duy nhất để nó tồn tại là đã tồn tại. Nó không ghét ta. Nó chỉ giết ta vì một số tế bào bạch huyết trong cơ thể chúng ta có một loại protein trên bề mặt để nó bám vào. Nó hoàn toàn có thể sống trong cơ thể mà không giết ta, giống loại virus liệt kháng nhiễm vào loài tinh tinh. Nhưng nó vẫn giết ta, vì không có lý do nào để từ bỏ hành động đó, vì ta chết chậm chạp để đủ thì giờ lây sang người khác và qua đó bảo đảm sự tồn tại tiếp tục của nó. Cuối cùng nó mới tàn hại cơ thể ta. Trước đó nó phá hủy tình bạn, tình yêu, mơ ước, hy vọng, kiêu hãnh, phẩm giá và tính độc lập của ta. Tất cả chỉ vì nó muốn sinh sôi nảy nở, muốn bảo đảm sự tồn tại vô nghĩa của nó.

Tôi không cảm thấy bại hoại như tối hôm lễ Giáng sinh, khi cô gọi điện để cho tôi biết là cô lại đi làm tiền. Lần này tôi căm hờn, cáu giận và thất vọng. Tôi giận chính mình. Đó chính là cảm giác mà người ta có khi nhận thấy chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà hỏng kế hoạch lớn. Vậy mà tôi đã có mọi thứ trong tay để làm một cuộc bứt phá: đã có liệu pháp điều trị HIV. Và tôi đã quyết định cưới cô, vì thế đề tài mại dâm đã được xóa sổ vĩnh viễn. Đó là cơ sở để chúng tôi xây một tương lai chung. Giải pháp đột nhiên hiện trước mắt. Vậy mà lại quá muộn? Tôi đã mất cô.

Tôi là kẻ bại trận không biết điều. Sau đó một tuần tôi gọi cô và nói: “Anh sẽ không chia tay em. Nhưng anh sẽ thay đổi nhiều thứ. Hãy tin anh.”

Việc tiếp theo là tôi thay đổi mật khẩu truy cập tài khoản của cô để cô không tiếp xúc với các khách hàng cũ được nữa. Rồi mỗi tuần tôi gọi điện cho cô một, hai lần. Tối thiểu một lần, khi tôi tan việc về đến nhà. Do lệch múi giờ, điện thoại của cô đổ chuông lúc khoảng một, hai giờ đêm. Tôi quen các tiếng động trong phòng cô và dễ nhận ra cô đang ở đâu.

Hết chương 29. Mời các bạn đón đọc chương 30!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38085


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận