"Cách đây chưa lâu người ta còn sáng tác những bài trường ca và tụng ca về Lăng Lenin. Lăng được ca tụng là thánh đường có ý nghĩa tầm cỡ thế giới. Các bài thơ và bài báo về Lăng Lenin có thể tập hợp thành vài tập sách bề thế. Một số tác giả ca ngợi thực lòng, một số khác thì ca ngợi cho phải phép thời đó. Có một loại người giỏi khoản gió chiều nào che chiều ấy. Hôm qua họ tán tụng Lenin, còn hôm nay thì quay ngoắt lại và sẵn sàng viết các bài báo đầy những lời phỉ báng Lăng Lenin ăn theo tình thế. Bất giác ta lại nhớ đến câu ngạn ngữ phương Đông: “Đến con lừa cũng có thể đá được con sư tử đã chết”.
Có thể quen với mọi thứ ở đời. Và chúng ta đã quen với việc một số chính trị gia và nhà hoạt động văn học nặn ra từ Lenin hình ảnh một tên đao phủ, một kẻ cướp đường. Theo họ thì Lenin nằm ngủ đấy nhưng vẫn giấu khẩu súng máy dưới gối.
Những người này coi mình là những nhà thông thái tinh anh. Nhưng thực ra họ chỉ là vụn bào trong dòng chảy sôi động của con sông hùng mạnh có tên Lịch sử. Những mưu toan gạch bỏ ý nghĩa của Lenin, ý nghĩa của Tháng Mười chỉ là một quá trình tự nhiên mà các nhà sử học gọi là “quy luật làn sóng ngược”.
Chúng ta thấy rõ tác động của quá trình này ở ví dụ về nước Pháp. Từng có một thời kỳ những sự kiện cách mạng bao trùm khắp nước Pháp, khắp nơi ngập tràn những tư tưởng cách mạng, người ta lấy những cái tên cách mạng đặt cho phố xá, lấy khẩu hiệu nổi tiếng ba trong một(1) ghi lên tường của mọi ngôi nhà công, từ điện Pantheon đến nhà tù khổ sai. Thế rồi trong cuộc đấu điên cuồng của các thế lực nội bộ, các sự kiện bộc lộ ra bên ngoài, một con sóng dâng cao và đổ ngược vào bờ - các thế lực phản động lên thống trị. Với sự ác độc không mệt mỏi, phe phản động ra sức xóa sạch mọi ký ức khỏi những ngôi nhà, đài kỷ niệm, tài liệu, báo chí, khỏi cách ăn nói hằng ngày - và đáng ngạc nhiên hơn, xóa khỏi cả ý thức xã hội. Các sự kiện, năm tháng, tên tuổi bị quên lãng. Văn hóa thần bí, gợi tình, hoài nghi yếm thế ngự trị. Những truyền thống cách mạng đâu rồi? Đã bị biến đi không còn dấu vết...