Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 4


Chương 4
Kỹ thuật ướp xác hoàn hảo.

Tháng 1 năm 1924, khi những dòng người đau thương diễu qua Phòng Khánh tiết Nhà Công đoàn Liên xô, báo Sự thật viết: “Lenin đã mất. Chúng ta không còn bao giờ được nhìn thấy vầng trán vĩ đại, thấy mái đầu tuyệt vời mà từ đó vầng hào quang của năng lượng cách mạng tỏa ra rực rỡ khắp các hướng, không còn được thấy cặp mắt chăm chú, sống động nhìn như xuyên thấu tâm tưởng mọi người, không còn được nhìn thấy cử chỉ vung tay cứng rắn, đầy uy quyền, vóc dáng thân hình kiên cường như được đúc bằng thép của một nhân vật đứng trên ranh giới chuyển tiếp thời đại trong lịch sử phát triển của nhân loại”. Dmitri Furmanov(1) ghi trong nhật ký: Tôi đi trên tấm thảm đỏ của Nhà công đoàn... miên man nghĩ: “Giờ đây, tôi đang nhìn thấy gương mặt của Người, Người Thầy vĩ đại, chào vĩnh biệt Người. Mãi mãi”.

Nhưng xét đến nguyện vọng của toàn thể nhân dân lao động, Đại hội Xô viết toàn Liên bang lần II trong phiên họp tang lễ ngày 26 tháng 12 năm 1924 đã thông qua Quyết nghị của BCHTƯ Liên Xô về việc gìn giữ quan tài và thi hài Lenin trong Lăng tẩm, “để thành nơi cho nhân dân đến viếng”.

Việc ướp xác do giáo sư A. I. Abrikosov tiến hành ngày 22 tháng 1, dự kiến bảo quản thi hài trong 6 ngày trước khi cử hành tang lễ. Thực tế công việc đó được làm rất tinh xảo nên thời gian giữ xác kéo dài lâu hơn hẳn.

Sau khi cử hành tang lễ người ta lại quyết định ướp xác V. I. Lenin khoảng 40 ngày nữa. Nhưng sau đó các chuyên gia lại được giao một nhiệm vụ khác hẳn: phải cố gắng bảo tồn diện mạo của vị lãnh tụ càng lâu càng tốt, ít nhất là hàng chục năm.

Gần đây, một vài người đã khẳng định rằng việc ướp thi hài Lenin là ý đồ của Stalin, người thầm mong sao cho khi đứng trên lễ đài Lăng vào những ngày lễ lớn “trong tâm tưởng mọi người hình ảnh của mình sẽ được gắn liền với hình ảnh tuyệt vời của vị lãnh tụ đã khuất”, và cố biến Lăng Lenin thành “ngôi mộ Chúa”, mượn tên tuổi của Lenin để phong sắc thánh cho các hành động đàn áp “dị giáo” trong tương lai”. Điều này tất nhiên là không đúng. Vì vào năm 1924 Stalin chưa phải là lãnh tụ quyền uy tối thượng mà mỗi lời ban ra phải được chấp hành ngay lập tức. Lúc đó người ta cũng còn chưa biết Lăng thiết kế như thế nào (ví dụ, liệu ở đó có lễ đài không). Vấn đề chủ yếu nhất cũng chưa rõ ràng: ai sẽ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để mà dùng tên tuổi Lenin phong sắc cho quyền lực của mình - Stalin hay những người khác mà lúc đó có người còn nổi tiếng và có uy tín hơn Stalin vào đầu thập kỷ 1920 ấy, như Trotsky, Zinoviev hay Kamenev.

Cuối mùa thu năm 1923, trong cuộc họp của sáu nhà lãnh đạo đất nước - I. V. Stalin, N. I. Bukharin, M. I. Kalilin, L. B. Kamenev, L. D. Trotsky và A. I. Rykov(1) - Stalin thông báo rằng sức khỏe của Vladimir Ilyich xấu đi và có khả năng dẫn đến từ trần. Biên bản cuộc họp không chính thức này không được ghi và chúng ta chỉ biết được về cuộc họp và những gì được bàn ở đó qua hồi ký của N. Valentinov, viện dẫn những lời Bukharin kể cho ông ta khi ông ta đã di tản sang phương Tây vào cuối thập kỷ 1920.

“Chúng ta không thể để sự kiện đáng sợ này gây bất ngờ - M. I. Kalinin nói. - Nếu chúng ta an táng cho Vladimir Ilyich, thì tang lễ cần phải hoành tráng long trọng ở mức thế giới chưa bao giờ được thấy”.

Stalin ủng hộ Kalinin: việc cực kỳ quan trọng là ban lãnh đạo đất nước không được hoang mang khi đối mặt với tổn thất không thể bù đắp được này. Vấn đề an táng Lenin, Stalin tiếp tục, sẽ làm “một vài đồng chí của chúng ta ở các tỉnh” cực kỳ lo lắng. Họ nói rằng Lenin là người Nga và như vậy người cần được địa táng. Chẳng hạn họ cực lực phản đối việc hỏa táng, đốt xác Lenin. Theo họ, việc thiêu xác không phù hợp với nhận thức của người Nga về tình yêu và lòng tôn kính đối với người đã khuất. Một số đồng chí, Satlin nói, cho rằng khoa học hiện đại có khả năng bảo tồn mãi mãi thi hài người đã khuất bằng cách ướp xác, hay ít nhất cũng giữ được đủ lâu để giúp cho nhận thức chúng ta quen dần với ý nghĩ là Lenin không còn sống, không tồn tại giữa chúng ta nữa.

Trotsky có ý kiến chống lại việc ướp xác, ông tuyên bố rằng đề nghị ướp xác Lenin “không có điểm gì chung với khoa học mác xít”. Bukharin đồng ý với Trotsky. Ông nói, ý tưởng ướp xác hoàn toàn xa lạ với thế giới quan của Lenin. Kamenev gọi “ý tưởng này là một biểu hiện sùng đạo rõ rệt”. Rykov nghiêng về phía Stalin và Kalinin, cho rằng nghi thức an táng Lenin cần phải khác hẳn với thông thường.

Nguyện vọng của các đồng chí ở các địa phương hoàn toàn dễ hiểu và mang tính nhân văn. Từ đó ta thấy rõ, ai đề nghị ướp xác và tại sao. Hơn một nghìn bức điện tín và bức thư gửi đến Moskva từ khắp đất nước vào những ngày đầu đau thương ấy đều có nguyện vọng giữ gìn thi hài Lenin đã xác nhận rằng ý kiến của các đồng chí ở các địa phương trong nước thể hiện ý chí của quần chúng rộng rãi. Việc Stalin nằm trong số người ủng hộ ý kiến đó không thể coi là cơ sở để cho rằng đây là ý đồ đen tối của vị Tổng Bí thư Đảng trong việc ướp xác Lenin.

Yêu cầu của nhân dân lao động được đưa ra thảo luận vào tháng 1 năm 1924 trong phiên họp của Ban tổ chức lễ tang Lenin của chính phủ. Trưởng ban S. E. Dzerzhinsky, Bí thư trung ương ĐCS Nga (Bolshevik) V. M. Molotov, Dân ủy Ngoại thương L. B. Krasin, Tư lệnh Quân khu Moskva N. I. Muralov đều phát biểu ủng hộ việc bảo tồn thi hài Vladimir Ilyich. “Nếu như thực tế khoa học có thể gìn giữ thi hài của Người trong nhiều năm, - Dzerzhinsky nói, - thì tại sao chúng ta không làm việc đó?” Tư lệnh Quân khu Bắc Kavkaz, K. E. Voroshilov và phó Dân ủy (thứ trưởng) Thanh tra công nông V. A. Avanesov phản đối, nhưng chẳng bao lâu Voroshilov thay đổi ý kiến.

Thoạt đầu những người thân của Lenin cũng có ý kiến không đồng ý việc ướp xác lâu dài. “Nadezhda Konstantinovna mà tôi có dịp trò chuyện thân mật về vấn đề này cũng phản đối ý tưởng ướp xác Vladimir Ilyich - V. D. Bonch-Bruevich nhớ lại - cùng có ý kiến đó là các em gái của Người, Anna và Maria Ilyinichna. Em trai của người là Dmitri Ilyich cũng nói như vậy. Nhưng ý tưởng giữ gìn diện mạo hình hài của Vladimir Ilyich đã được rất nhiều người ủng hộ, đến mức được coi là việc vô cùng cần thiết cho hàng triệu người vô sản, vì thế mọi người đều nghĩ rằng mọi ý kiến cá nhân, mọi phân vân cần phải gác lại và phải thống nhất với nguyện vọng chung của toàn thể”.

N. K. Krupskaya khi tính đến nguyện vọng của nhân dân lao động đã nhanh chóng đồng ý với họ. Và bà không bao giờ hối tiếc về điều này.

Ướp xác là tẩm vào các mô của cơ thể người chết những chất giữ cho thể xác của họ khỏi bị phân hủy biến dạng, nghệ thuật này người ta đã biết đến từ thời cổ đại xa xưa.

Trong nhiều Viện bảo tàng trên thế giới, trong đó có cả Viện bảo tàng Nghệ thuật tạo hình mang tên A. S. Pushkin ở Moskva và bảo tàng Hermitage ở Leningrad cũng trưng bày những xác ướp Ai Cập cổ đại. Những người Inca cổ (Peru) cũng đã từng được ướp xác, người Guanchi (quần đảo Canary) cũng vậy, và trong một số trường hợp riêng biệt có cả những người Scythia, Ba Tư, Ấn Độ, Hy Lạp. Người ta đã từng thực hiện việc ướp xác ở châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Sự quan tâm tới việc ướp xác lại phát sinh trở lại trong thời Phục Hưng khi đang hình thành các nền tảng của khoa giải phẫu cơ thể người. Vào thế kỷ XIX, với những thành tựu của ngành hóa học, người ta đã đưa ra nhiều phương thức ướp xác dựa trên những tính chất sinh học, vật lý và hóa học của những hợp chất mới được phát hiện. Nhưng mọi phương thức ướp xác từ thời cổ xưa nhất đến hiện đại nhất vào lúc đó đều có những khiếm khuyết to lớn: hoặc chỉ đảm bảo được việc giữ gìn thể xác trong một thời gian rất ngắn, hoặc không cho phép bảo tồn thi hài ngoài không khí, có nghĩa là không nhìn thấy xác, và điều chủ yếu là mọi phương pháp mà người ta đã biết đều không bảo tồn được nguyên vẹn những đường nét của khuôn mặt lúc sống.

Những nhà bác học Xô viết phải đứng trước một nhiệm vụ mới chưa ai giải quyết được: sử dụng những thành tựu mới nhất của khoa học để bảo quản thi hài V. I. Lenin một thời gian dài trong điều kiện để mọi người có thể nhìn thấy được, nghĩa là trong bầu không khí ở nhiệt độ bình thường và một điều cực kỳ quan trọng là phải giữ lại được nguyên vẹn các nét chân dung như khi còn sống.

Nhóm ba người thi hành trong Ủy ban chính phủ về việc lưu giữ đời đời kỷ niệm về V. I. Lenin (Chủ tịch Ủy ban V. M. Molotov, các ủy viên A. S. Yenukidze và L. B. Krasin) đã 13 lần họp bàn bạc làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của nhân dân là gìn giữ thi hài Vladimir Ilyich. Họ đã nghe các nhà bác học lớn trình bày và ban hành hàng loạt chỉ thị. Ngày 4 tháng 2, L. Krasin đã đề nghị áp dụng phương pháp nhiệt độ thấp: bơm vào quan tài thủy tinh một lượng khí lạnh đặc biệt, máy làm lạnh được đặt bên ngoài tòa Lăng.

Ủy ban chính phủ nhận được thư từ từ khắp mọi miền đất nước gửi đến. Nhiều kỹ sư và bác sĩ đã gửi các đề xuất, tuy nhiên Ủy ban không thể chấp nhận vì chúng không có cơ sở khoa học.

Tháng 3 năm 1924 Ủy ban chính phủ tiến hành hàng loạt cuộc họp tham khảo ý kiến với các chuyên gia lớn được mời đến Điện Kremli từ nhiều thành phố khác nhau. Người ta thông báo cho các nhà bác học rằng “thể theo nguyện vọng của hàng vạn người lao động Liên Xô và nước ngoài, đã có quyết định bãi bỏ việc địa táng thi hài Lenin”. Nhiệm vụ của các hội nghị: thảo luận phương thức gìn giữ thi hài V. I. Lenin sao cho không biến dạng.

Nhiều nhà khoa học đưa ra nhận xét rằng, về việc này tạm thời khoa học vẫn bất lực.

Một ngày tháng 2 ở thành phố Kharkov, giáo sư V. P. Vorobyov, khi nói chuyện với một nhà lãnh đạo ngành đào tạo y tế của Ukraina, đã tuyên bố rằng “có những phương thức bảo quản thi hài lâu dài... nhưng tất cả phụ thuộc vào tình trạng hiện hữu của thi hài”. Tuy nhiên vị giáo sư cương quyết từ chối lời đề nghị bắt tay ngay vào công việc khi biết rõ “những khó khăn vô cùng cực của công việc này”, như lời ông viết sau này. Trong khi đó, không hỏi ý kiến giáo sư V. P. Vorobyov, Dân ủy Giáo dục Ukraina V. P. Zatonsky đã đánh điện về Moskva đề nghị điều nhà bác học đến đó. Ông được cấp tốc mời đến thủ đô. Sau này Vorobyov nhớ lại, “tại cuộc họp ở Semashko, tôi đã nêu ra sự cần thiết phải áp dụng một loạt các biện pháp, trong đó một số là tạm thời, một số khác là những biện pháp triệt để”. Công việc hoàn toàn mới, cực kỳ khó khăn và trách nhiệm rất cao, mà những đề nghị của Vorobyov lại đòi hỏi, theo lời ông, phải kiểm tra kỹ càng. Kết quả là sau nhiều cuộc họp, những đề nghị đó không được chấp nhận và nhà bác học quay trở về Kharkov. Sự lo lắng, nghi ngờ và dao động của các thành viên Ủy ban là dễ hiểu vì việc này động chạm đến việc bảo tồn diện mạo của Lenin... Bốn ngày sau L. B. Karasin đến Kharkov, ông đến thăm Nhà bảo tàng học tập do Vorobyov lập nên, xem xét kỹ càng những chế phẩm do Vorobyov chế tạo và đã bị thuyết phục bởi các kết quả xuất sắc của những công việc nhà bác học làm trước đây. Sau chuyến đi này, Ủy ban chính phủ đã trao nhiệm vụ cho giáo sư V. P. Vorobyov tiến hành phương thức ướp xác mới.

Ngày 25 tháng 3 năm 1924 các báo công bố quyết định của Ủy ban chính phủ: “Quyết định sử dụng các biện pháp mà nền khoa học hiện đại có trong tay để bảo quản thi hài Lenin trong thời gian dài nhất có thể”.

Nhà giải phẫu học xuất sắc V. P. Vorobyov quan tâm tới việc ướp xác ngay từ những năm đầu hoạt động khoa học của mình, từ đầu thế kỷ XX. Ông nghiên cứu kỹ càng những thí nghiệm của những người đi trước, chẳng hạn của N. F. Melnikov-Razvedenkov. Giáo sư Vorobyov nghiên cứu và chính xác hóa các thủ pháp thực hành trong việc ướp xác. Ông đưa một dung dịch sát trùng vào hệ mạch máu, trong đó sử dụng cồn, phoocmalin, hỗn hợp glyxerin-dấm-kali và các hỗn hợp khác. Loạt những chất này tích cực hút ẩm trong không khí và bằng cách đó đã loại trừ được sự phân hủy biến dạng của các mô sau khi chết ở một chừng mực đáng kể.

Ngày 26 tháng 3 năm 1924, giáo sư V. P. Vorobyov bắt tay vào việc ướp xác V. I. Lenin. Trợ giúp cho ông có các giáo sư B. I. Zbarsky, P. I. Karuzin và các trợ lý A. N. Zhuravlyov, A. L. Shabadash và Ya. G. Zamkovsky. Giám sát chung theo dõi công việc được trao cho L. B. Krasin và các giáo sư B. S. Veysbrod và V. N. Rozanov.

“Những ngày đầu tiên chúng tôi làm việc suốt ngày đêm không nghỉ - giáo sư B. I. Zbarsky nhớ lại. - Chúng tôi hầu như không ra khỏi Lăng trong suốt mấy ngày liền. Vì không được ngủ và nghỉ ngơi, chúng tôi mệt đến nỗi đi đứng cũng lảo đảo.

Biết việc này, F. E. Dzerzhinsky gọi tôi lên gặp ông.

- Các anh làm chuyện gì thế? Chẳng lẽ có thể mãi như thế sao?

Sau khi tôi nói rằng các biện pháp chúng tôi dự kiến đòi hỏi phải được giám sát liên tục, ông bắt tôi hứa rằng, chúng tôi và Vorobyov sẽ thay nhau nghỉ trong ngày.

Hai - ba giờ sau cuộc nói chuyện đó, một tốp công nhân cùng kỹ sư xuất hiện trên Quảng trường Đỏ, và chỉ trong vòng một đêm họ đã đặt xong tuyến ray tàu điện và đường cáp điện chạy đến Lăng, rồi ngày hôm sau ngay bên cạnh Lăng xuất hiện một toa tàu điện được trang bị đặc biệt. Trong toa tàu người ta đặt cho chúng tôi giường ngủ, các thiết bị tắm rửa, bếp điện và nhiều thứ khác”.

Sau khi làm rất nhiều thí nghiệm, V. P. Vorobyov và B. I. Zbarsky đã chế ra một dung dịch hoàn toàn mới, có thể ngăn ngừa một cách chắc chắn sự phân hủy biến dạng của các mô, thậm chí ngay cả khi ở ngoài không khí với nhiệt độ bình thường và dĩ nhiên giúp cho việc bảo tồn hoàn toàn nhân dạng như lúc sống.

Đến tháng 5, công việc ướp xác tiến triển tốt đến nỗi F. E. Dzerzhinsky đề nghị mở cửa Lăng trong một ngày để các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của ĐCS Liên Xô (Bolshevik) vào viếng.

“Những ý kiến phản hồi của đại biểu dự đại hội, của Nadezhda Konstantinovna và các thành viên khác trong gia đình Vladimir Ilyich đã đem đến cho chúng tôi niềm tin vào thắng lợi tiếp tục công việc - giáo sư Zbarsky nhớ lại. - Tôi nhớ rằng em trai của Vladimir Ilyich là Dmitri Ilyich, khi trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng nhân dạng của người có giống như cũ không, ông ấy đã trả lời chúng tôi: “Tôi bây giờ không thể nói ra lời, tôi quá xúc động. Anh tôi nằm đó hệt như tôi thấy lúc anh ấy mới mất”. Những lời đó đem lại cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục công việc”.

Ngày 22 tháng 6 Ủy ban thẩm định kểt quả công việc của V. P. Vorobyov và các đồng sự của ông gồm: nhà giải phẫu pháp y nổi tiếng N. F. Melnikov-Razvedenkov, các giáo sư giải phẫu học V. N. Tonkov và K. Z. Yatsuta đã đến kiểm tra tìm hiểu kết quả công việc, họ đã thống nhất kết luận rằng “các biện pháp sơ bộ để ướp xác dựa trên... các cơ sở khoa học vững chắc cho phép chúng ta có quyền tin tưởng vào công việc bảo tồn thi hài Lenin trong một thời gian dài đến hàng thập kỷ nguyên vẹn trong trạng thái cho phép mọi người chiêm ngưỡng Người nằm trong quan tài kính kín với điều kiện đảm bảo các điều kiện cần thiết về độ ẩm và nhiệt độ”.

Ngày 26 tháng 7 năm 1924 các thành viên của Ủy ban lưu giữ đời đời kỷ niệm về Lenin thuộc BCHTƯ Liên Xô và các chuyên gia thẩm định cùng đến thăm Lăng. Sau đó đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban dưới sự chủ tọa của F. E. Dzerzhinsky. “Sau khi nghe bản báo cáo chi tiết về công tác ướp xác do giáo sư V.P. Vorobyov trình bày - như thông báo được công bố rộng rãi vào ngày hôm sau. - những phương pháp hiện đại nhất do ông áp dụng để bảo tồn thi hài Vladimir Ilyich trong một thời gian dài đã có được kết quả hoàn toàn tốt đẹp”.

“Cả chúng tôi, cả các đồng chí của chúng tôi - thành viên Ủy ban A. S. Yenukidze phát biểu trong lời kết luận, - đều không muốn từ thi hài Vladimir Ilyich tạo thành một “cái xác khô” nào đó để nhờ vào đấy chúng ta có thể quảng bá rộng rãi hay lưu giữ những kỷ niệm về Vladimir Ilyich. Với học thuyết thiên tài của mình và với hoạt động cách mạng của mình... Người xứng đáng lưu danh mình vào lịch sử ngàn đời... Tôi nghĩ rằng trong một thế kỷ tới đây khó có thể xuẩt hiện một con người nào có tầm vóc như Vladimir Ilyich”.

Chính phủ Xô viết đã bày tỏ sự cảm ơn đối với tất cả các nhà bác học và y học tham gia vào công việc ướp xác. V. P. Vorobyov là người đầu tiên ở Liên Xô được phong danh hiệu Giáo sư Công huân.

Vorobyov sau này đã mô tả phương pháp mà mình sử dụng để ướp thi hài Lenin trong một ấn phẩm. Nhưng sau đó ấn phẩm này được liệt vào danh sách tài liệu mật. Hiện nay lệnh bảo mật đó đã được bãi bỏ.

Bản chất của phương pháp đó như sau: Tình trạng nước có trong tế bào và mô (chúng có đến 90% là nước) dần dần được thay bằng một chất lỏng trong đó tỷ trọng nước ít hơn rất nhiều. Dung dịch chất lỏng này có ba tính chất quý giá: không bị mất nước (trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường trong phòng), có khả năng ức chế vi khuẩn và vi nấm sinh sản, cũng như trung hòa các chất men có khả năng phân hủy mô. Để tái tạo một phần màu sắc của hêmôglôbin (huyết cầu tố) bị thay đổi sau khi chết, người ta thêm vào đó chất cồn rượu.

Vorobyov và các trợ lý của ông bơm dung dịch đó vào thi hài. Họ đã tìm ra được tỷ lệ chính xác duy nhất của các thành tố cấu thành dung dịch mà không gây ra sự biến dạng nghiêm trọng của mô do sự mất nước nhanh chóng hay sự thay đổi đột ngột màu sắc của da. Những khó khăn trong công việc ướp xác còn nghiêm trọng hơn bởi trong thời gian chờ đợi an táng thi hài đã bị làm đông lạnh ở mức độ cao.

 Công trình nghiên cứu của giáo sư V. P. Vorobyov (1876-1937) được giới khoa học công nhận rộng rãi. Năm 1927 ông được nhận giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực khoa học: Giải thưởng Lenin, năm 1934 được tặng thưởng Huân chương Lenin và được bầu là Viện sĩ chính thức của Viện hàn lâm khoa học nước CHXHCNXV Ukraina. Từ năm 1935 V. P. Vorobyov là thành viên BCHTƯ Ukraina. Tên của ông được đặt cho một đường phố của thành phố Kharkov, nơi ông lần đầu tiên thành lập bộ môn giải phẫu cơ thể người.

Thời gian gần đây, báo chí gần như theo mốt đua nhau khẳng định rằng, dường như N. K. Krupskaya chưa lần nào đến Lăng. Điều đó hoàn toàn không đúng. Lần đầu tiên bà đến đó cùng với người em chồng D. I. Ulyanov vào ngày 26 tháng 5 năm 1924. Công việc ướp xác đang gần kết thúc, nhưng Lăng chưa mở cửa cho mọi người vào. Những lời nhận xét của vợ và em trai Lenin, như giáo sư B. I. Zbarsky, người tham gia ướp xác, nhớ lại, “đã truyền cho chúng tôi niềm tin tưởng vào kết quả của công việc”. V. S. Drydzo, người nữ thư ký lâu năm của N. K. Krupskaya, hồi tưởng: “Nadezhda Konstantinovna đến Lăng không nhiều, có lẽ chỉ mỗi năm một lần. Lần nào tôi cũng đi cùng với bà”. Về chuyện N. K. Krupskaya lần cuối cùng đến thăm Lăng Lenin mấy tháng trước khi bà mất vào năm 1938, vẫn còn được ghi lại trong những hồi ức chân thành ấm áp của B. I. Zbarsky, người tháp tùng bà lúc đó: “Bà ngắm nhìn Vladimir Ilyich và nói: “Đồng chí Boris, nhìn xem kìa, ông ấy vẫn giống như hồi nào, còn tôi thì đã già rồi”. Lúc đó bà đã gần 70 tuổi.

*  *  *

Mùa hè dữ dội năm 1941, Moskva về đêm thường vang lên tiếng còi báo động phòng không. Máy bay của Hitler tìm mọi cách lao vào thủ đô, tới Điện Kremli, tới Lăng. Đầu tháng 7 năm 1941, Lăng không còn đặt thi hài Lenin nữa, do thi hài Lenin đã được sơ tán về vùng bên kia dãy Ural.

Sau Chiến tranh Vệ quốc, Phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học trực thuộc Lăng Lenin được thành lập vào những năm 1930 nay được mở rộng ra nhiều, số các nhiệm vụ khoa học và khoa học ứng dụng thực tiễn giao cho Phòng tăng lên rất nhiều. Tổ cán bộ khoa học ở đó được tăng cường thêm các nhà sinh hóa, vật lý học và hóa học, các chuyên gia quang học, giải phẫu cơ thể học và các chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nữa.

Các nhà bác học đã xác định được những phương pháp tối ưu để duy trì lượng ẩm thường xuyên trong các mô của thi hài. Nhằm mục đích đó, những khoảng bề mặt da hở thường kỳ được tẩm ướt. Bằng những thủ thuật đặc biệt người ta khôi phục những khối lượng mô mềm bị hao đi. Các nhà bác học cũng thành công trong việc làm cho màu da bên ngoài đồng đều ở mọi chỗ. Họ cũng đã nghiên cứu tìm ra những phương pháp chụp ảnh ghi lại chính xác hình khối và những nếp lồi lõm của khuôn mặt và bàn tay, cho phép phát hiện được những thay đổi không nhận thấy bằng mắt thường. Nhờ các thiết bị hiển vi điện tử và quang học người ta nghiên cứu theo dõi đều đặn những mẩu mô nhỏ nhất.

Giờ là lúc bắt đầu thời kỳ ổn định mọi quá trình lý hóa trong các mô của thi hài. Dù thế nào đi nữa, sự diễn ra cực kỳ chậm của chúng hầu như không nắm bắt được ngay cả bằng các phương pháp hóa lý, tế vi hiện đại.

Trong những năm 1934-1952, Phòng thí nghiệm trực thuộc Lăng do viện sĩ chính thức Viện hàn lâm Y học Liên Xô, B. I. Zbarsky lãnh đạo, trong những năm 1952 - 1962 lãnh đạo là viện sĩ chính thức Viện hàn lâm Y học Liên Xô S. R. Mardashev, trong những năm 1962-1967 là phó giáo sư V. N. Uskov, trong những năm 1967-1995 là viện sĩ chính thức Viện hàn lâm Y học S. S. Debov.

Từ năm 1995 công việc của các nhà khoa học ở đây do viện sĩ chính thức của hai Viện hàn lâm của Nga - Y học và Nông học - là V. A. Bykov lãnh đạo.

Đôi khi ta có thể nghe thấy lời bàn tán rằng nằm trong quan tài không phải là Lenin, mà là người thế thân hay thậm chí là hình nhân bằng sáp, và rằng thi hài Người chẳng còn lại gì cả. Đó là những tin đồn ác ý.

Việc bảo quản lâu dài thi hài V. I. Lenin trong điều kiện để cho mọi người có thể chiêm ngưỡng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn chưa hề có tiền lệ trong nền khoa học thế giới.

Đều đặn, cứ 4-5 năm một lần, thi hài Lenin lại được một Ủy ban đặc biệt của chính phủ gồm những nhà khoa học có trình độ cao xem xét. Ủy ban đó hoạt động lần cuối cùng là vào năm 1990. Thành phần của Ủy ban gồm: chủ tịch là viện sĩ hóa sinh học nổi tiếng của Viện hàn lâm Y học Liên xô, I. P. Ashmarin, các ủy viên là các viện sĩ của Viện hàn lâm Y học Liên Xô A. P. Avtsyn (Ápxưn), N. K. Permyakov, Yu. M. Lopukhin, T. T. Berezov, M. R. Sapin, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Y học Liên xô V. K. Lepakhin, giáo sư E. S. Severin - tổng cộng 12 người. Cũng như các lần trước, Ủy ban nhận thấy tình trạng thi hài rất tốt, không phát hiện điều gì đáng lo ngại.

Theo phương pháp của các nhà y học chúng ta, thi hài của một vài nhà lãnh đạo nước ngoài cũng đã được ướp xác, chẳng hạn thi hài của nhà lãnh đạo Bulgaria, G. Dimitrov (năm 1949) và của nhà lãnh đạo Tiệp Khắc K. Gottwald (năm 1953). Sau này do những biến động chính trị, thi hài của những nhà lãnh đạo đó đã bị đưa ra khỏi Lăng và đem địa táng (tương ứng là vào năm 1990 và 1958). Năm 1969 các nhà bác học của chúng ta đã ướp thi hài vị lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam, năm 1995 là thi hài Chủ tịch Kim Nhật Thành của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

*  *  *

Thi hài V. I. Lenin đã được bảo tồn đã gần 80 năm. Công lao ở đây không chỉ là của các nhà khoa học, nhất là y học, mà còn của cả các kỹ sư là kỹ thuật viên làm việc cộng tác chặt chẽ với họ.

Những chiếc máy hiện đại nhất đặt thành những dãy dài. Tiếng động cơ rì rì đều đặn. Đó là phân xưởng ngầm dưới mặt đất - đài chỉ huy các thiết bị khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ gìn giữ bảo quản thi hài V. I. Lenin.

Yêu cầu của các nhà khoa học ngày càng cao và vì thế các trang thiết bị kỹ thuật trong Lăng, quy trình công nghệ, các phương pháp kiểm tra giám sát cũng ngày càng được hoàn 486b thiện.

Chứng nhân cho tính phức tạp của các vấn đề mà các kỹ sư phải giải quyết, chẳng hạn, là việc chế tạo khối quan tài và hệ thống chiếu sáng liên quan đến nó. Để đáp ứng những yêu cầu nghiêm khắc của các nhà y học, tập thể cán bộ bộ phận thiết kế chiếu sáng kiến trúc do phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật N. V. Gorbachev lãnh đạo, trong những năm 1933-1941 đã làm hàng chục mô hình quan quách khác nhau về hình dáng, vật liệu và màu sắc. Khi tìm phương án chiếu sáng tốt nhất, các kiến trúc sư và công trình sư cũng hiểu rằng đó mới chỉ là một nửa lượng công việc. Trong Gian Tưởng niệm, đặc biệt là trong khối quan tài, cần phải luôn giữ được nhiệt độ bình ổn thường xuyên. Còn trong 3-5 giờ cho phép khách vào viếng thăm, là khi mọi thiết bị chiếu sáng quang học hoạt động, không khí chắc chắn sẽ bị nóng lên. Các kỹ sư đã sử dụng lắp thêm vào các thiết bị chiếu sáng những tấm kính lọc bảo vệ đặc biệt có thể hấp thụ năng lượng nhiệt.

Cỗ quan tài hiện nay được lắp đặt vào năm 1973 còn hoàn thiện hơn nữa. Việc chiếu sáng khuôn mặt và cánh tay trong quan tài được tiến hành bởi nhiều chùm ánh sáng phát xuất từ nguồn ánh sáng mạnh, biệt lập, chạy theo các sợi quang dẫn thủy tinh nằm khuất dưới nắp áo quan và sau khi triệt tiêu các tia cực tím và tia nhiệt rồi mới xoay hướng xuống dưới chiếu lên thi hài. Phía trong cỗ quan tài cực kín, thực tế mọi dao động về nhiệt độ và độ ẩm đã bị loại trừ. (Trong cỗ quan tài đầu tiên, những đèn chiếu sáng nhỏ đã làm nóng thi hài lên nhiều và người ta buộc phải tắt chúng đều đặn theo chu kỳ).

Từ năm 1964, sau khi cải tạo kết cấu gian máy, để tạo lập điều kiện tốt hơn cho việc bảo quản thi hài V. I. Lenin người ta đã sử dụng kỹ thuật điện tử và tự động hóa.

“Ý kiến của tôi về việc ướp xác những nhân vật thiên tài của thời đại là tán thành, ủng hộ, - viện sĩ B. V. Petrovsky viết. - Ký ức về những người anh hùng của tổ quốc, những nhà hoạt động thiên tài của đất nước luôn nằm trong tâm trí nhân dân. Nó tồn tại ngay cả hiện nay như một thành tố quan trọng của cuộc sống. Những nhà lãnh đạo xã hội đã làm biết bao công việc cho đất nước như V. I. Lenin lại còn được kính trọng hơn nhiều và cần phải làm cho ký ức về họ trở thành biểu tượng của thời đại... Những lập luận cho rằng người Nga luôn có tập tục địa táng thi hài người chết là không có cơ sở để đứng vững”.

*  *  *

Uy tín cá nhân Lenin trên thế giới lớn đến nỗi những kẻ thù của ông phải ngụy trang cho mưu đồ xóa bỏ Lăng của mình dưới vẻ làm ra bộ quan tâm tới Vladimir Ilyich. Sau khi bóc trần sự giả dối của nhân vật Karyakin, đội lốt một nhà nghiên cứu văn học, đã lên tiếng tuyên bố rằng Lenin dường như muốn mình được chôn bên cạnh mẹ tại nghĩa trang Vokovo ở Petrograd, những kẻ giả danh tín đồ Kitô giáo lại bịa ra một luận thuyết hoang đường mới, là dường như Vladimir Ilyich được an táng không phải theo tập tục người Nga, không phải theo tập tục Kitô giáo và vì vậy có lẽ phải đưa thi hài của Người về với đất, tức là chôn xuống đất. Liệu điều đó có đúng không?

Tập tục truyền thống của Kitô giáo không quy định nhất thiết phải địa táng.

Chẳng hạn trong các hang đá của tu viện cổ Hang Kiev (Kiev-Pechersk) có thể thấy di cốt 120 vị thánh nằm trong các quan tài mở nắp, trong đó có sử gia Nestor, tráng sĩ anh hùng Ilya Muromets và các vị tiền bối khác của chúng ta. Nhà điêu khắc V. Klykov, khi nhận việc sáng tác tượng đài Ilya Muromets cho thành phố quê hương Murom của người anh hùng, thấy mình có nghĩa vụ phải được tận mắt nhìn thấy người dũng sĩ huyền thoại, vì thế đã đến thăm tu viện Hang Kiev. “Tôi có vinh dự được đụng tay vào cơ thể xác khô của Ilya Muromets nằm trong tu viện Hang Kiev - ông viết sau chuyến đi. - Tôi đã nhìn thấy xương tay của ông ta và ướm đo thử với của mình. Tay của tôi đâu có thuộc loại nhỏ vì đã quen làm công việc nặng nhọc. Thế nhưng đoạn xương cánh tay khô đã ngả sang màu sẫm của Ilya Muromets dài hơn của tôi những 5 cm. Mà đấy chỉ là khúc xương khô... Khi còn sống, cứ thử tưởng tượng xem bàn tay đó sẽ lớn như thế nào? Phải ngang lưỡi xẻng?” (tạp chí Ngày mai số 32, tháng 8 năm 1999). Nhân đây cũng phải nói rằng, điêu khắc gia nổi tiếng đó, một tín đồ sùng đạo, cũng không hề có ý nghĩ trong đầu là cần phải chôn xuống đất di cốt của Ilya Muromets và 119 vị còn lại đang yên giấc vĩnh hằng trong những áo quan mở nắp nằm ở tu viện Hang Kiev. Những quan tài có di cốt người đã khuất nhưng vẫn để mở nắp cũng có ở tu viện Hang Pskov (Pskov-Pechersk), và ngay cả hiện nay ở đó người ta vẫn an táng người chết như thế.

Ở giáo đường Uspenky của Điện Kremli Moskva, nằm ngay trên sàn là bốn cỗ áo quan cùng với thi hài của ba vị tổng giám mục và một vị giáo chủ. Trong tập tục Kitô giáo có việc trưng bày di cốt của các vị thánh để cho toàn thể giáo đồ chiêm ngưỡng. Cả thánh Sergei Radonezhsky (Sergius ở Radonezh), thánh Seraphim Sarovsky (Seraphim ở Sarov), thánh Ioasaf Belgorodsky (Ioasaf ở Belgorod) đều không địa táng.

Tập tục truyền thống này không chỉ liên quan tới các nhà hoạt động tôn giáo, mà còn tới cả dân thường. Hơn 120 năm nay trong các hầm mộ người ta vẫn gìn giữ xác ướp của nhà phẫu thuật nổi tiếng người Nga, N. Pirogov (1810-1881) trong điền trang “Vishnia” (Anh đào) của ông ở gần Vinnitsa(1), thi hài của thống chế M. Barklay de Tolli (1761-1818) ở gần thành phố Pyarnu (Prnu)(2) và thi hài của nhiều người khác nữa. Cũng không có ai kêu gọi chôn các thi hài đó xuống đất. Ngược lại Tổng thống Ukraina L. Kuchma sau khi thăm hầm mộ N. Pirogov đã tuyên bố đó là tài sản quốc gia của Ukraina. Bằng một sắc lệnh đặc biệt, Tổng thống đã ghi nhận công lao xuất sắc của N. Pirogov, và bất chấp những yêu cầu của bọn dân tộc chủ nghĩa đòi “vứt thi hài của nhà phẫu thuật kiệt xuất ra khỏi hầm mộ” như một kẻ ngoại tộc, Tổng thống đã hứa cấp kinh phí cho kế hoạch ướp xác và xây dựng một phòng thí nghiệm để chăm sóc và bảo quản thi hài của nhà phẫu thuật nổi tiếng. Trước đó trong vòng nhiều năm các nhà hóa học của Phòng thí nghiệm trực thuộc Lăng Lenin đã giúp đỡ việc bảo quản thi hài của N. Pirogov.

 Vậy đấy, đâu phải là chỉ có người Bolshevik nghĩ đến việc ướp xác. Kẻ nào khẳng định rằng việc ướp xác là hành động phỉ báng thi hài của người đã khuất thì thật là sai lầm.

Ở một vài tu viện Cơ Đốc giáo có tục lệ là sau một thời gian nhất định người ta lại đào mộ chôn, lấy lên hộp sọ và các xương khác rồi cất giữ chúng ở dạng lộn xộn như thế trong các căn phòng riêng đặc biệt.

Dưới đây là những gì một phóng viên sau khi đến thăm tu viện Thánh Pantaleon (Panteleimon) nổi tiếng ở Athos(1) - tòa lâu đài cổ của các tu sĩ dòng Chính thống giáo và cũng là nơi lưu giữ di hài của các vị thánh thiêng liêng của Chính thống giáo. Một tu sĩ “đẩy cánh cửa nặng nề dẫn vào hầm mộ, và chúng tôi thấy mình đứng cạnh những bức tường xây thành những giá kệ trên đặt rất nhiều hộp sọ của các tu sĩ đã qua đời trong nhiều thế kỷ. Trên mỗi chỗ đều có ghi tên, năm mất, nghề nghiệp” (báo Tin tức ra ngày 22 tháng 10 năm 1998).

Những nơi chứa thi hài như thế không chỉ ở Athos mới có. Nếu ta mở cuốn sách hướng dẫn Tu viện vinh danh vị thánh tử vì đạo Clement (Kliment) ở Inkerman (thuộc thành phố Sevastopol): “Trong một hành lang ngầm dưới đất hiện ra... những hốc tường có cửa bằng kính, trong đó trên các giá người ta đặt xương sọ của các tu sĩ đã chết từ mấy thế kỷ trước. Những hộp sọ và xương đó được đào từ dưới đất lên và đem bày ở đây như một sự thể hiện đặc biệt lòng kính trọng và đề cao những con người cao thượng”. Những căn phòng tương tự lưu giữ hộp sọ và xương như thế ta có thể thấy ở tu viện Hang Kiev, trong giáo đường Thánh Michael ở Vienna và trong các tu viện và nhà thờ khác nữa.

Thật hay là những kẻ thích đào mồ người khác ở nước chúng ta, những kẻ đương kêu gọi đem chôn thi hài của V.I. Lenin, “theo tinh thần Kitô giáo” còn chưa kịp nghĩ đến việc đề nghị đem hộp sọ và xương của Người “đặt lên trên giá đằng sau khung kính” Chính Thượng phụ giáo chủ Tikhon của nước Nga đã gọi Lenin là con người vô thần nhưng “có tấm lòng Kitô giáo thực sự”, còn Maxim Gorky năm 1920 đã viết, nếu như vào thời kỳ đạo giáo thống trị thì Lenin chắc chắn được phong thánh.

Năm 1998 Trưởng giáo chủ cai quản các giáo phận Smolensk và Kaliningrad Kirill nhân danh Hội đồng Tối cao Chính thống giáo tuyên bố rằng “những di cốt đào được ở thành phố Ekaterinburg” (di cốt của Sa hoàng Nikolai II và gia quyến của ông) cần phải được chôn trong Lăng tẩm “nằm phía trên mặt đất” để tiện cho việc khảo cứu sau này”. Nghĩa là “nằm phía trên mặt đất”, thế cũng là theo tập tục Kitô giáo sao?

Trong cơn phấn khích tranh cãi nhau về mặt chính trị, những kẻ thích đào mồ người khác ở nước chúng ta đã quên mất những ví dụ trên mà chỉ tập trung chú ý vào mỗi Lenin. Những kẻ yêu cầu đem thi hài người chôn xuống đất “theo tinh thần Kitô giáo” bị mù quáng bởi thói bốc đồng chính trị và chỉ có những khái niệm mù mờ về các tập tục tang lễ theo đạo Kitô và của dân tộc Nga.

Như ta thấy đấy, vẫn có những tập tục an táng theo đạo Kitô, trong đó có cả việc ướp xác và trưng bày thi hài người đã khuất để kính lễ. Vì vậy làm chúng ta ngạc nhiên là một vài lời tuyên bố của Tòa Thượng phụ Moskva. Chẳng hạn vừa mới tháng 10 năm 1993, khi có ý kiến đề nghị Thị trưởng Yu. Luzhkov của Moskva đem cải táng V. I. Lenin và xóa bỏ Lăng, thì Ban trị sự đối ngoại của nhà thờ thuộc Tòa Thượng phụ Moskva vội vã ủng hộ cái ý tưởng ma quỷ đó: “Tập tục dân tộc chúng ta về an táng hình thành dưới ảnh hưởng của nền văn hóa Chính thống giáo, từ xa xưa đã yêu cầu phải trả thi hài người chết về cho đất (?! - A. A.). Việc ướp thi hài, hơn nữa lại trưng bày cho mọi người chiêm ngưỡng, suy cho cùng là trái với các tập tục đó trong con mắt của nhiều người dân Nga, trong đó có Giáo hội Chính thống Nga”.

 Một tuyên bố lạ lùng, thứ nhất, bởi vì Lenin, như Thượng phụ giáo chủ Tikhon nhận xét một cách chính đáng, vốn là người vô thần, thứ hai, nếu như thế thì hóa ra, những xác ướp của các bậc trưởng lão ở tu viện Hang Kiev cũng như các hộp sọ và xương cốt ở Athos và các tu viện khác được bày ra cho mọi người tỏ lòng kính ngưỡng là trái với tập tục Chính thống giáo, thứ ba, thi hài Lenin khác với thi hài các vị thánh không phải bị đem ướp, không phải là “xác ướp” như người ta vẫn hiểu. Theo V. Dal, xác ướp là “cái xác được sấy khô” (Từ điển tường giải sinh ngữ Đại Nga, tập II, trang 359), còn thi hài V. I. Lenin ở trong Lăng trông giống như người đang ngủ, được các nhà khoa học gìn giữ không phải bằng cách sấy khô, mà bằng các thành tựu khoa học hiện đại nhất, chẳng hạn như phương pháp tẩm ướt mô, một phương pháp đặc biệt quan trọng để giữ nguyên những nét chân dung như khi còn sống.

*  *  *

Để kết luận, ta cần thấy rằng nước Nga không phải là Vatican.

Hiến pháp của chúng ta tuyên bố: “Liên bang Nga là một quốc gia thế tục. Không một tôn giáo nào được xác lập làm quốc giáo hay tôn giáo bắt buộc mọi người phải theo” (điều 14).

Điều đó có nghĩa là đời sống đất nước không thể được quy định theo giáo luật của bất kỳ tôn giáo nào.

“Lenin là người vô thần, - viện sĩ Viện hàn lâm kiến trúc nổi tiếng thế giới S. Khan-Magomedov nói, - và chính những người vô thần an táng cho Người. Vào thời điểm đó đất nước chúng ta là đất nước vô thần nhất trên thế giới. Tại sao Chính thống giáo lại có quyền quyết định cách thức an táng của người vô thần? Những lời khuyên cần phải chôn cất Lenin như thế nào chỉ là mưu toan áp đặt ý chí của Nhà thờ cho người vô thần”.

Tổ tiên của Lenin là người Nga, người Thụy Điển, người Đức, người Kalmyk, người Do thái, tức là có đủ cả tín đồ Chính thống giáo, Tân giáo, Phật giáo và Do thái giáo. Sẽ thế nào đây nếu như mỗi tôn giáo trong số đó đều yêu cầu cải táng Lenin theo tục lệ của mình?

“Trong bất kỳ trường hợp nào không được tách rời thi hài Lenin với Lăng, - viện sĩ S. Khan-Magomedov nói tiếp, - Chúng ta đã an táng Người tại đó... Lăng đã biến thành hình thức an táng mới. Và nó cần phải được tôn trọng như bất kỳ hình thức nào khác”.

Khi những cơn gào thét điên cuồng chống lại Lenin lên tới đỉnh điểm vào năm 1993, Tổng thống nước Cộng hòa [tự trị] Kalmykia, K. Ilyumzhinov, muốn bảo vệ Lăng Lenin đã đưa ra sáng kiến chuyển Lăng về thủ đô nước Cộng hòa này, coi đó là vinh dự cho nhà chính trị trẻ tuổi. Nhưng ngay cả ông cũng chưa bao giờ xuất hiện ý nghĩ điên rồ là đem an táng một con người vô thần như Lenin - tuy là cháu của một người bà Kalmyk - theo tập tục Phật giáo, mặc dù trên quảng trường chính của thủ đô Elista có hai bức tượng đứng sừng sững - tượng Đức Phật và tượng Lenin, hai con người được tôn kính nhất trong nước cộng hòa.

Khi che đậy bằng vẻ quan tâm giả dối đến Lenin, những kẻ thù của Người sợ không dám bộc lộ công khai sự căm ghét của chúng đối với người con vĩ đai của nước Nga và đành phải khỏa lấp bằng những lời lẽ mỹ miều giả danh Kitô giáo.

*  *  *

...Liệu chúng ta còn bảo quản được thi hài V. I. Lenin được bao lâu nữa?

“Sẽ là vô trách nhiệm nếu như nêu ra một thời hạn nào đó, - viện sĩ S. S. Debov, người phụ trách Phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học trực thuộc Lăng, tuyên bố - Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và hết khả năng để thời gian đó là dài nhất có thể, tính bằng hàng thế kỷ”. 

Hết chương 4. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26587


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận