Mùa thu năm 1941, quân phát xít đã tiến sát đến Moskva. Hitler ra lệnh thành lập một đơn vị công binh đặc biệt để đặt mìn nổ tung Điện Kremli và Lăng Lenin. Nhưng Hồng quân đã đập tan đội quân phát xít và đẩy chúng ra xa Moskva. Số phận Hitler ra sao? Xác của hắn bị thiêu và tro xả xuống cống rãnh... Những người anh hùng của quân đội Xô viết khi ấy chắc không thể nghĩ được rằng, 50 năm sau người ta đã đánh vào Lăng từ sau lưng.
...“Tấn công Lăng!” - Mệnh lệnh vang lên, và đám đông (trong đó không ít kẻ say khướt) đang cố gắng xông vào Viện bảo tàng Lenin Trung ương nhưng không có kết quả liền chuyển hướng sang Quảng trường Đỏ.
Đó là ngày 22 tháng 8 năm 1991, sau cố gắng bất thành của các thành viên Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp muốn ngăn chặn đà tụt xuống vũng bùn của đất nước. Hành động của Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp là một cố gắng trong khuôn khổ luật pháp nhằm ngăn đất nước khỏi sa vào thảm họa, còn “những chiến sĩ dân chủ” đứng đầu là Yeltsin mới thực sự là những kẻ làm loạn. Nhưng những thành viên của Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp lại quên mất lời của Lenin: phòng ngự tức là đẩy cuộc khởi nghĩa tới chỗ chết. Họ đã do dự, cũng như các nhà cách mạng Tháng Chạp thời trước, và vì thế đã thất bại.
“Đoàn người biểu tình cầm quốc kỳ nước Nga quay sang phía Quảng trường Đỏ - Tờ báo Prolog (Lời tựa) trong những ngày đó viết, - “Tiến vào Lăng!”- Mệnh lệnh vang lên. “Không đời nào!”- Các linh mục cố gắng hét to át tiếng mọi người. - Chúng ta sẽ đến chỗ Minin và Pozharsky, như thế sẽ ấn tượng hơn!”. Chúng tôi đến gần và dừng lại. Mọi người bắt đầu hỏi nhau, cầm cờ đến Lăng hay không đây? Ơn Chúa, người ta đã thuyết phục được những chiếc đầu nóng không đem Quốc kỳ nước Nga buộc vào Lăng!”
“Than ôi, Ilyich - phóng viên tờ báo viết - liệu Người có lường trước điều này không?...”
Dòng người tiếp tục trôi, vòng qua nhà thờ Thánh Vasily rồi lại quay về Quảng trường Đỏ...”
Khoảng một giờ trưa, từ phía phố Nikolskaya xuất hiện một nhân vật đeo kính, hói đầu, đang được một đám đông kích động vây quanh và họ đi vào quảng trường. Ông ta vừa mới vội vã từ Paris trở về. Ông tiến đến hàng rào cảnh sát thưa thớt và nói: “Tôi là Rastropovich, xin chúc mừng các anh nhân ngày sinh của nước Nga”, “Nước Nga đã chết đâu”, một trung sĩ cảnh sát trả lời ông ta.
Trong những ngày lộn xộn ấy, bắt đầu từ ngày 19 tháng 8, việc bảo vệ Lăng được tăng cường. Người ta nêu lên vấn đề liệu có khả năng phải sơ tán thi hài Lenin không. Không loại trừ trường hợp đám đông giận dữ tìm cách xông vào Lăng. Các cán bộ chiến sĩ bảo vệ Lăng theo quy định chỉ được phép giải thích thuyết phục. Tư lệnh Lăng, đại tá V. P. Kamennykh, phổ biến cho các hạ sĩ quan và sĩ quan: chúng ta cần phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung trực như điều lệnh quân nhân quy định, bất chấp mọi khó khăn có thể nảy sinh; chúng ta phải bảo vệ tài sản mà nhân dân giao phó cho chúng ta. Với danh sự quân nhân, không một ai trong đội bảo vệ run sợ và lùi bước.
Trong những ngày bão tố ấy (từ ngày 21 tháng 8 - ngày cử hành tang lễ ba thanh niên do nóng nảy và ngu ngốc đã dám tấn công quân đội của mình), Lăng Lenin vẫn mở cửa cho mọi người vào viếng.
Hai, ba ngày sau, Quảng trường Đỏ lấy lại dáng vẻ bình thường. Tôi còn nhớ, ngày 29 tháng 8 tôi đến đây và nhìn thấy trước Lăng Lenin vẫn đông người xếp hàng như mọi khi. Đám đông đứng bình thản. Mọi người chờ đội danh dự đổi gác ở cổng vào Lăng. Một bà cụ tóc bạc nói với người cháu chừng 5-6 tuổi đang chăm chú nghe: “Cháu thấy chưa, Lăng Lenin đấy. Người ta quàn thi hài Vladimir Ilyich Lenin trong đó. Người muốn nước ta không còn người nghèo, tất cả mọi người đều được sống sung sướng”. Một người đàn ông không quen biết, trước đó đã đến những quảng trường gần đó, đứng ở chân hai tượng đài Dzerzhinsky và Sverdlov đã bị kéo đổ, chia sẻ với tôi cảm tưởng của ông: “Đó là một hành động man rợ vô văn hóa. Tượng đài là lịch sử của chúng ta. Ta cần gìn giữ chúng”.
Một nhóm thanh niên và thiếu nữ, với bản tính tuổi trẻ sôi nổi, cười rất to và tranh luận vấn đề gì đó với nhau. Như thường lệ đám đông lại bàn tán về những người có tượng bán thân được đặt ở chân tường thành Kremli - Stalin, Frunze, Dzerzhinsky, Kalinin, Brezhnev...
Một đôi vợ chồng mới cưới, cô dâu mặc bộ váy cưới trắng và chú rể mặc bộ com lê đen, đương đặt hoa ở chân Lăng Lenin. Hai người khách nước ngoài, tay cầm micrô, bước lại chỗ họ.
- Cho phép được hỏi các bạn một câu. Tôi từ Đài phát thanh Hồng Kông - một người tự giới thiệu. - Tại sao các bạn làm việc này?
Cặp vợ chồng trẻ nở nụ cười, và cô dâu trả lời:
- Tục lệ của chúng tôi là như vậy.
- Các bạn nghĩ thế nào về những điều mà báo chí của các bạn bây giờ đang viết về Lenin? - Người phóng viên vẫn không chịu thôi.
- Họ viết đủ thứ điều bịa đặt ấy mà. - Cô gái trả lời.
Trên hàng rào đá hoa cương của Lăng có năm bó hoa - của năm cặp vợ chồng mới cưới.
Tôi không nghe thấy một lời nào nói xấu Lenin. Nhưng đất nước không còn như trước nữa: trên mái vòm màu xanh lá cây của Tòa trụ sở Thượng viện trước đây lá cờ đỏ của Liên Xô vẫn tung bay, còn trên tòa nhà trụ sở của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao là lá cờ ba màu mới của Liên bang Nga, lá cờ hiếu chiến của tên phản bội Vlasov(1).
“Điều mà Kolchak không làm nổi thì Sobchak cũng không làm nổi”
Ngày 5 tháng 9 năm 1991, cuối kỳ họp bất thường của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, Tổng thống M. Gorbachev (Goócbachốp) chủ trì cuộc họp giới thiệu đại biểu A. Sobchak phát biểu.
- Thưa Tổng thống, thưa toàn thể đại hội! - Ông ta phăm phăm chạy lên diễn đàn và bắt đầu nói. - Tôi đề nghị chúng ta hãy hoàn tất công việc của mình một cách xứng đáng, hãy thông qua quyết định sau: thực hiện ý muốn cuối cùng của Vladimir Ilyich Ulyanov-Lenin là được chôn cất tại nghĩa trang Volkovo ở Leningrad, phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân ta và nghi lễ tôn giáo, theo như di chúc của ông, với tất cả những nghi thức trang trọng cần thiết.
Nhưng ngài tiến sĩ luật học đáng kính Sobchak, vì lý do nào đó, lại không tuyên đọc cái di chúc chưa ai biết đến đó, cũng chẳng nói có thể tìm đọc tài liệu đó ở đâu, hay ở trong kho lưu trữ nào.
Trong khi đó chủ tọa hội nghị M. Gorbachev tuyên bố:
- Tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận kỹ càng và bình tĩnh về vấn đề này, nếu tính tới việc chúng ta đang nói về ai và về cái gì, nên tiến hành ở phiên họp của Xô viết tối cao Liên Xô nhiệm kỳ mới. Chúng ta không bỏ qua ý kiến của đại biểu Sobchak, nhưng hãy để các đại biểu nhân dân lắng nghe ý kiến các cử tri của mình ở địa phương.
Nhưng cử tri hoang mang, mất định hướng bởi “cái tin vịt” của Karyakin và bởi các phương tiện thông tin đại chúng vồ lấy các tin vịt đó, nên họ không biết mà cũng chẳng hay rằng cái gọi là “di chúc” của Lenin đó là của giả.
Vì lý do gì đó nên Gorbachev không hỏi diễn giả là trên cơ sở văn kiện nào mà chuyên gia luật Sobchak đưa ra tuyên bố này và tại sao lại cần phải chôn cất một người vô thần theo nghi thức tôn giáo.
Đại biểu nhân dân A. Golyakov có mặt tại cuộc họp nói với tôi: rõ ràng là khi cho Sobchak phát biểu, Gorbachev đã biết ông ta sẽ nói gì. Theo ý của Golyakov thì người ta thử thả quả bóng để xem nhân dân sẽ phản ứng thế nào.
Ý kiến của A. Golyakov đã được khẳng định rất nhanh sau đó qua cuộc nói chuyện điện thoại của tôi với “giới chóp bu”, một cố vấn thân cận của Gorbachev vừa mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về phát thanh và truyền hình là Ye. Yakovlev. Viện dẫn lời của Gorbachev tuyên bố cần phải lắng nghe ý kiến cử tri, tôi yêu cầu cho tôi cơ hội phát biểu trên truyền hình.
Yakovlev nói, nên làm việc đó sau kỳ họp của Xô viết tối cao mới.
- Nhưng như thế thì muộn mất! - Tôi phản đối. - Xô viết tối cao như mọi khi sẽ ngoan ngoãn biểu quyết và tán thành cái “di chúc” giả hiệu đó.
- Tại sao lại giả hiệu?
- Không có “di chúc” đó.
- Tại sao không?
Yakovlev im lặng một lúc rồi nói:
- Nhưng người ta cần phải chôn cất ông ấy...
Yegor Vladimirovich Yakovlev nói lên ý kiến ông sếp của mình ở Điện Kremli.
Những người dân Xô viết bị hoang mang lúng túng, mất định hướng một vài ngày, nhưng rồi một cơn lũ các bức điện và thư phản đối đổ về Moskva, Điện Kremli và Xô viết tối cao Liên Xô.
“Điện khẩn. Moskva, gửi Tư lệnh Lăng Lenin Vladimir Kamennykh.
Hãy bắn chết tại chỗ bất kỳ kẻ nào dám động đến thi hài Lenin để cải táng. Tên Anatoli Sobchak sẽ phải chết đau chết đớn. Hãy cứ để Sobchak được chôn theo nghi lễ Cơ Đốc giáo. Tolstoy. Kaliningrad”.
“Moskva. Gửi Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng và Bảo tàng Lenin. Hãy nhận ba người chúng tôi vào hàng ngũ bảo vệ Lăng và Bảo tàng Lenin của các đồng chí. Gia đình Kundyukov. Murmansk”.
“Trên lá quân kỳ cận vệ có chân dung Lenin, chúng tôi mang tên Người vào trận đánh và đã chiến thắng, mặc dù toàn bộ châu Âu tấn công chúng ta. Tôi, một cựu binh, xin nói rằng: Không được động bàn tay bẩn thỉu vào người Lenin! B. D. Shachin, thành phố Chusovoi, tỉnh Perm”.
“Yêu cầu xếp tôi vào đội tuần tra bảo vệ Lăng Lenin. Milan Nikolich, Krucevac, Nam Tư”.
“Moskva. Điện Kremli. Gửi Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Những người cộng sản, những người chống phát xít, những người tiến bộ, trí thức và công nhân tất cả các nước kêu gọi ông hãy làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực của mình để ngăn chặn việc đưa thi hài V. I. Lenin ra khỏi Lăng... Tôi muốn tin rằng ngài Tổng thống sẽ tôn trọng lời kêu gọi nhiệt thành của tất cả những con người trung thực đã và đang yêu mến đất nước của Ngài nhân danh Lenin. Chủ tịch Ủy ban quốc tế bảo vệ di tích tượng đài Lenin. Roberto Napoleone. Roma”.
Ủy ban xã hội bảo vệ Lenin được thành lập ở Moskva và Hội Lenin và Tổ quốc gửi cho Tổng thống Liên Xô M. Gorbachev một bức điện yêu cầu “ngăn chặn hành vi phá hoại văn hóa chưa từng thấy và tội ác có thể đem lại các hậu quả bi thảm chưa từng thấy. Báo chí đăng tải lời tuyên bố của thân nhân Lenin - của cô cháu O. D. Ulyanova, cô cháu họ T. Zhakova-Basova, cũng như người vợ góa của người cháu họ, bà L. Meshcheryakova, bày tỏ sự lo lắng trước đề xuất cải táng Lenin, một lần nữa bóc trần luận điểm giả dối về “bản di chúc” và kêu gọi “hãy sáng suốt và có thái độ trung thực đối với lịch sử của đất nước chúng ta để sau này khỏi xấu hổ vì đã hành động vội vàng”.
Thị trưởng Moskva G. Popov tuyên bố ông ta ủng hộ đề nghị của Sobchak. Các phương tiện thông tin đại chúng “dân chủ”, mới đây còn ca ngợi Lăng Lenin, giờ thì hết lời ca ngợi những ưu điểm của nghĩa trang Volkovo, đăng những bài báo và những bức ảnh bia mộ của mẹ Lenin, với thái độ hể hả độc ác nhắc đi nhắc lại rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ chôn cả Vladimir Ulyanov (Lenin) tại đây, đăng những số liệu của một cuộc điều tra xã hội học bất hợp pháp với những câu hỏi khiêu khích và những câu trả lời cần có được lập sẵn.
Ngày 12 tháng 9, ở Moskva lan đi tin đồn rằng đêm nay thi hài Lenin sẽ được bí mật mang ra khỏi Lăng. Buổi tối Quảng trường Đỏ đầy những đội viên canh phòng tình nguyện. Họ cầm trên tay những biểu ngữ: “Điều gì Kolchak(1) không làm được thì Sobchak cũng sẽ không làm được!”. Những người bảo vệ Lăng hô vang: “Không được động vào Lenin!”. Mãi đến nửa đêm, sau khi những cán bộ bảo vệ Lăng cam đoan rằng không có lý do gì để lo lắng về việc đó, các đội viên canh phòng tình nguyện mới giải tán. Nhưng mối lo vẫn còn đó.
“Ngay trên Quảng trường Đỏ - Báo độc lập viết - một đội dân phòng được thành lập. Có hơn 100 người ghi tên gia nhập. “Chúng tôi không có vũ khí, - một người trong số họ nói, - nhưng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ sự nghiệp của Lenin và khi cần thiết sẽ phản kháng”.
Tư lệnh Điện Kremli, thiếu tướng G. D. Bashkin trong một cuộc phỏng vấn đã nói những tin đồn về việc bí mật cải táng Lenin là không có cơ sở và ông nói thêm rằng, những ngày gần đây dòng người đổ về Lăng ngày càng nhiều hơn.
Những người dân Moskva, Samara, Tver, Izhevsk, Vilnius và cả từ những thành phố xa xôi lẫn vùng taiga heo hút đổ về viếng Lenin.
- Những người cùng làm với tôi, khi biết tôi đi đến Moskva, - nữ nông trường viên Alina Vekesh, từ vùng Poltava đến, nói, - họ yêu cầu tôi bằng mọi giá phải rẽ qua Lăng xem Lenin còn nằm ở đó không. Vì có người nói rằng người ta đã đưa Lenin ra khỏi đó về Leningrad. Khi trở về, tôi sẽ nói để những người trong làng an lòng, để họ khỏi lo lắng vô ích! Ilyich vẫn còn ở đó!
- Tôi không thể và cũng không chịu im lặng - bà L. I. Kuzmicheva (ở Nizhni Novgorod) nói. - Tôi đã làm nhân viên điện đài trong binh chủng xe tăng và đi suốt cuộc chiến tranh không phải để rồi đây thờ ơ đứng xem bọn họ bôi xấu tên tuổi của Con Người vĩ đại nhất nước Nga. Mà tôi không đơn độc.
- Tôi rất tiếc - Marina Nikishkina (ở Saransk), sinh viên trường Đại học tổng hợp Mordova, nói, - rằng người ta lại bàn tán những chuyện như thế. Bởi vì điều đó rất thiêng liêng đối với chúng ta. Cho đến bây giờ tôi vẫn là đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Lenin.
Ngày 11 tháng 9, một tuần sau bài phát biểu khiêu khích của Sobchak, tại sảnh đường Bảo tàng Trung ương V. I. Lenin diễn ra một hội nghị thành lập Ủy ban xã hội “Bảo vệ Lenin”. Gia nhập hội này có các cán bộ khoa học, các nhà văn, công nhân và nhà doanh nghiệp, các đảng viên cộng sản và những người không đảng phái. Ủy ban quần chúng sẽ cùng với Xô viết công nhân Moskva nhận về mình trách nhiệm điều phối mọi biện pháp nằm bảo vệ Viện Bảo tàng và Lăng Lenin.
Những đại diện ưu tú của giới trí thức nước nhà đã lên tiếng bảo vệ danh tiếng của Vladimir Ilyich. Nhân việc thị trưởng Moskva G. Popov ra sắc lệnh chuyển giao tòa nhà của Viện Bảo tàng Trung ương V. I. Lenin cho Xô viết thành phố, các nhà hoạt động văn hóa như Mikhail Shatrov, Rasul Gamzatov, Boris Oleynik, Iosif Kobzon và những người khác đã ra lời kêu gọi tuyên bố rằng Viện Bảo tàng Lenin “cần phải được giữ gìn như một kỷ niệm về một thời kỳ có thực và về một Người nổi tiếng có thực”.
Những nhà sử học nổi tiếng như Viện sĩ P. Volobuev, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Yu. Polyakov, 28 cán bộ nghiên cứu của Viện Lịch sử Liên Xô và các cơ quan nghiên cứu khoa học khác đã đánh giá “việc xóa bỏ Viện Bảo tàng V. I. Lenin như một hành động nữa, man rợ nhằm phá hủy các giá trị văn hóa”.
Ngày 10 tháng 10, ngay phía ngoài trụ sở Xô viết Moskva đã diễn ra một cuộc biểu tình tuần hành do Hội đồng công nhân Moskva tổ chức. Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Viện Bảo tàng và Lăng Lenin là các công trình quý giá của toàn nhân loại” và các biểu ngữ khác nữa. Tháng 10, báo Sự thật gửi tới Tổng thống Liên Xô Gorbachev lời yêu cầu bảo vệ thi hài Lenin chống lại những kẻ muốn đưa thi hài của vị lãnh tụ cách mạng ra khỏi Lăng trên Quảng trường Đỏ. Tờ báo đăng tải những bức thư của bạn đọc thể hiện hy vọng rằng “một lời nói có sức nặng của Tổng thống Liên Xô và Tổng thống Nga sẽ đóng vai trò quyết định trong việc này” và đề nghị ra sắc lệnh trừng phạt những hành vi xâm phạm tương tự. Nhưng tất cả những lời kêu gọi đối với những người đứng đầu quốc gia đều không nhận được hồi âm.
Trong khi đó M. Gorbachev tiếp tục “đào hố” dưới Lăng Lenin.
Phó tiến sĩ khoa học lịch sử S. Manbekova nhớ lại:
“Sau tuyên bố của Karyakin về bản “di chúc” của Lenin, UBTƯ Đảng đã gọi điện đến Viện Marx-Lenin trực thuộc UBTƯ ĐCS Liên Xô, mà trực tiếp là ban các tác phẩm của V. I. Lenin, yêu cầu làm rõ sự thật về văn bản đó. Các cán bộ của Viện đã tiến hành tìm kiếm rộng rãi và công việc đó đã kết thúc với kết luận rằng lời tuyên bố của Karyakin không được khẳng định bởi bất kỳ nguồn tư liệu hay hồi ký nào. Trong tất cả những hồi ký, thư từ trao đổi của người thân V. I. Lenin như Anna Ilyinichna Ulyanova-Elizarova, Dmitri Ilyich Ulyanov, Maria Ilyinichna Ulyanova và Nadezhda Konstantinovna Krupskaya đều không có nhắc gì đến việc này, tài liệu này không có trong các kho lưu trữ, cũng không có trong di sản sách vở của họ đã được công bố”. (Sự thật nước Nga số ra ngày 1-4-1997).
Như nguyên trưởng ban của Viện Marx-Lenin trực thuộc UBTƯ ĐCS Liên Xô V. I. Desyaterik nhớ lại, ông và hai cán bộ của Viện là A. M. Sovokin và V. M. Gorbunov được gọi lên văn phòng Tổng thống Liên Xô. Yegorov, trợ lý của Gorbachev, nói chuyện với họ. Ông ấy hỏi: “Liệu có di chúc của Lenin yêu cầu chôn Người ở nghĩa trang Volkovo cùng với mẹ không?” Các cán bộ khoa học của Viện trả lời rằng không có di chúc đó. Không có văn bản nào khẳng định ước nguyện đó của Lenin và người thân của Người.
“Người ta nghe chúng tôi - V. I. Desyaterik nhớ lại - và nói: trong phiên họp tới đây của Xô viết tối cao vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận. Tôi có ý kiến, Xô viết tối cao không thể ra nhiều nghị quyết về Lenin - nghị quyết này về Lăng, nghị quyết kia về Viện Bảo tàng và v.v... Cần phải có một văn kiện nghiêm túc duy nhất về Lenin”. Theo ý kiến của V. I. Desyaterik, các đại biểu Xô viết tối cao trước tiên cần yêu cầu Karyakin và Sobchak đệ trình văn bản di chúc mà họ viện dẫn.
Nhưng thỏa ước Belovezh(1) của ba nhà chính trị phiêu lưu đã dẫn tới việc Liên bang Xô viết tan rã và đặt dấu chấm hết cho kỳ họp của Xô viết tối cao Liên Xô mà Gorbachev định một lần nữa phát ngôn về vụ giả mạo thế kỷ đó.
Đầu tháng 11 năm 1991 trợ lý của Viện trưởng Viện Công tố Liên Xô Viktor Ivanovich Ilyukhin, khi tổng kết mọi hành động của Tổng thống Liên Xô trong ba tháng 8-10 năm 1991, đã khởi tố vụ án hình sự đối với Gorbachev theo điều 64 của Bộ Luật Hình sự nước CHXHCNXVLB Nga về tội “phản bội tổ quốc”. Thể hiện tinh thần dũng cảm công dân như thế, vị trợ lý của Công tố trưởng đã mất chức, nhưng giữ được danh dự.
...Ngày 7 tháng 11 năm 1991 - ngày kỷ niệm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại và 50 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ ở Moskva lúc đó rất gần chiến trường - đang đến gần. Ủy ban phối hợp hành động của Phong trào “Moskva cần lao” rải truyền đơn kêu gọi người dân Moskva ngày hôm đó kéo đến Quảng trường Đỏ và “bằng lời nói kiên quyết và những việc làm tốt đẹp của những người công nhân và lao động thề sẽ tưởng nhớ hương hồn của tất cả những chiến sĩ ngày 7 tháng 11 năm 1941 đã ra trận hy sinh vì chúng tôi và các bạn!”. Hội đồng công nhân Moskva cũng kêu gọi như vậy. Trong khi đó Đảng Dân chủ và Phong trào Dân chủ Cơ Đốc giáo nước Nga đề nghị chính quyền Moskva công bố ngày 7 tháng 11 là ngày tang tóc, đồng thời họ cũng tuyên bố là dự định trong ngày đó sẽ tổ chức nghi lễ địa táng tượng trưng vị lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế bằng cách đào một cái hố chôn bức tượng bán thân của Lenin.
Ngày 6 tháng 11 năm 1991 Tổng thống Nga Yeltsin cấm ĐCS Liên Xô và ĐCS CHXHCNXVLB Nga hoạt động, thực hiện đúng ước mơ của Hitler. Trong hoàn cảnh bầu không khí bài Xô viết nặng nề, phóng viên tờ tạp chí Forbes thông báo rằng, dường như chính phủ Xô viết đã quyết định bán đấu giá chiếc quan tài kính quàn thi hài Lenin với giá khởi điểm là 15 triệu đô la. Tin vịt này lập tức được nhiều hãng thông tấn trên thế giới, kể cả hãng TASS, các tờ báo, đài phát thanh và các hãng truyền hình vớ vội lấy. Sau khi có lời phản bác vang lên từ phía Moskva, tạp chí Forbes thú nhận là đã cố ý đánh lừa độc giả.
* * *
Khác với tờ tạp chí Forbes, thị trưởng Leningrad, luật gia Sobchak tiếp tục nói dối không ngừng và trắng trợn, tuyên truyền trò bịp đã bị vạch trần của Karyakin về “bản di chúc” của Lenin yêu cầu chôn Người ở nghĩa trang Volkovo cạnh mộ mẹ của mình. Mù quáng bởi lòng căm thù chính trị, Sobchak công khai coi thường việc Lenin đang yên nghỉ cạnh vợ và em gái của mình. Trên các tờ báo, hầu như hàng ngày, đều đăng trả lời phỏng vấn của Sobchak. Ông ta liên tiếp cho hết báo này đến báo khác phỏng vấn và trả lời với một tâm trạng kích động vui mừng. Báo chí đăng tin: “Sobchak lại một lần nữa yêu cầu Ban lãnh đạo đất nước thực hiện ước nguyện của Lenin”; “Sobchak cho rằng vấn đề cải táng Lenin cần phải là một trong những vấn đề hàng đầu trong phiên họp Xô viết tối cao sắp tới của đất nước”, “Sobchak ở Paris ra tuyên bố rằng đến cuối năm 1991 Lenin sẽ bị đưa ra khỏi Lăng”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo độc lập ông ta đảm bảo “tính công khai của buổi lễ và tuân thủ các nghi lễ Chính thống giáo Nga”. Sobchak không ngại ngần ngay cả việc nói dối trắng trợn nhất. “Các nhà sử học nói với tôi - ông ta ngang nhiên dối trá trên tờ Moskva buổi chiều - rằng có những đoạn hồi ký của Stasova, Fotieva(1) viết rằng: Lenin muốn mình được mai táng bên cạnh mẹ của mình. Sobchak không nói rõ tên họ của những nhà sử học đó, không nói tên hồi ký của Stasova và Fotieva đều đã khuất. Mà làm sao ông ta nói được - những nhà sử học đó và những lời phát biểu như vậy của hai nữ tiền bối cách mạng hoàn toàn không có.
Đôi khi có cảm tưởng Sobchak không còn là thị trưởng của một thành phố vào loại lớn nhất mà dân chúng ở đó đang hết sức cần các giải pháp cho những vấn đề sống còn không thể trì hoãn thêm nữa, mà xử sự như ông chủ của một công ty mai táng “Xin hãy rủ lòng thương” trong cuốn truyện Mười hai chiếc ghế của I. Ilf và E. Petrov. Thực ra, cái công ty mai táng ở thị trấn phố huyện N đã vỡ nợ. Nhưng dựa vào hoạt động năng nổ của Sobchak, nó dường như đã hồi sinh ở thành phố trên sông Neva.
Luật gia Sobchak cần phải biết, trong một xã hội văn minh nơi yên nghỉ cuối cùng của người đã khuất không phải do các vị thị trưởng lựa chọn mà do những người thân của họ. Thậm chí ngay cả kẻ cạnh tranh với công ty mai táng “Xin hãy rủ lòng thương” là anh chàng thợ đóng quan tài có tên Bezenchuk suốt đời say mèm cũng hiểu được điều này, anh ta luôn quan tâm tới ý kiến của thân quyến kẻ quá cố và thường xuyên hỏi rõ họ: “Thế nào đây, cho vào các rọ này nhớ? Loại thượng hạng đấy, có bằng lòng không? Hay là thế nào đây?”
“Nếu như ngài Sobchak có hứng thú với công việc mai táng đến thế - tờ Cựu chiến binh viết - thì ông ta có thể làm được một điều thực sự là thiện đấy. Vì trong lòng đất của các tỉnh Leningrad và Novgorod năm mươi năm nay di hài của hàng vạn những người lính - những người bảo vệ thành phố anh hùng Leningrad - còn chưa được chôn cất tử tế. Đó là nỗi sỉ nhục của chúng ta, nỗi đau của chúng ta. Hãy cầm lấy chiếc xẻng, thưa ngài Anatoli Aleksandrovich, hãy lên tiếng kêu gọi tất cả những người yêu nước, hãy điều hành cái công việc thiêng liêng đó đi. Đấy là những người cần phải được mai táng với tất cả nghi lễ trang trọng cần thiết nhất”.
Nhưng ông Sobchak, người đương say sưa với chiến thắng của việc đổi tên gọi một cách nhục nhã cho thủ đô thứ hai của nước Nga từ Leningrad sang cái tên gốc Đức là Sankt 2b8c -Peterburg(1) (thậm chí bác bỏ cả lệnh của Sa hoàng Nikolai II - dùng cái tên Petrograd), đã liều lĩnh tiếp tục cuộc thập tự chinh chống lại Lăng Lenin.
Thế mà mới gần đây thôi, năm 1988, vị giáo sư trường Đại học Tổng hợp Leningrad tên là Sobchak đã viết trong đơn: “Tôi yêu cầu kết nạp tôi vào ĐCS Liên Xô bởi vì trong thời gian khó khăn của Đảng và đất nước này, tôi muốn có mặt trong hàng đầu của các chiến sĩ đấu tranh vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”.
Những lời kêu gọi của Sobchak thực hiện “di chúc” của Lenin đối với ông thị trưởng thành Peter ấy là phương tiện để tự quảng cáo bản thân mình. Rõ ràng đây là một quy luật. Mỗi khi tên của Sobchak biến khỏi các trang báo, còn hình ảnh của ông ta biến khỏi màn hình ti vi thì Anatoli Aleksandrovich Sobchak lập tức yêu cầu chôn cất “Ulyanov (Lenin)”.
Và các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới lại lải nhải: “Sobchak nói...”, “Sobchak đề nghị...”, “Sobchak hứa ...” và v.v... Nét điển hình này của Sobchak đã được người nguyên là phó của ông ta nay là Tổng thống Nga V. V. Putin khẳng định: Sobchak “luôn thích mình nằm ở tâm điểm của sự chú ý, để người ta nói về mình. Khi đó, tôi có cảm giác là ông ta bất cần rằng người ta khen hay chê mình (Tự nói về mình. Những cuộc trò chuyện với Vladimir Putin. Moskva, 2000, tr. 110). Năm 1993 Sobchak tích cực tham gia vào chiến dịch vận động bầu cử vào Đuma quốc gia khóa đầu tiên. Ông ta lãnh đạo Phong trào cải cách dân chủ toàn Nga do ông ta lập nên, vì thế ông ta tin chắc vào thắng lợi. Và có lẽ trong phiên họp đầu tiên của nghị viện ông ta chắc đã chuẩn bị cho quay lại cái đĩa hát cũ yêu thích của mình về sự cần thiết phải thực hiện “di chúc” của Lenin. Nhưng thật xấu hổ - trong cuộc bầu cử 12 tháng 12, tay thợ đào mồ đã thất bại và không lọt được vào Đuma quốc gia.
Nhân dịp này Quỹ từ thiện độc lập “Lăng V. I. Lenin” đã ra lời tuyên bố “Đừng có đào mồ người khác”.
“Phong trào cải cách dân chủ toàn Nga (RDDR) - bản tuyên bố viết - đã không thể vượt qua hàng rào 5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào Đuma quốc gia theo danh sách đảng. Rõ ràng trong việc này lập trường cố chấp rõ ràng và xúc phạm công khai tới tình cảm của hàng triệu đồng bào của người đứng đầu danh sách ứng cử viên của Đảng RDDR, thị trưởng Saint Petersburg (Leningrad), A. Sobchak, về vấn đề số phận Lăng V. I. Lenin đã đóng vai trò quyết định. Như mọi người đều rõ, trong tình trạng đất nước bị lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc, khi mà mỗi ngày tình thế đất nước lại càng tồi tệ hơn, A. Sobchak không tìm thấy cho mình được một công việc nào quan trọng hơn là việc thường xuyên khiêu khích dư luận xã hội bằng những lời đồn về việc “cải táng sắp tới” di hài của một con người vĩ đại.
Ngày 12 tháng 12 đồng bào của chúng ta đã gạt bỏ cái đảng mà lãnh tụ của nó đã đầu độc xã hội bằng một tâm trạng “bới móc mồ mả” người khác.”
Nhưng bài học này không có tác dụng gì. Khoảng hai tháng sau, ngày 2 tháng 2 năm 1994, tuy đã sa xuống đáy của đời sống chính trị toàn Nga, nhưng Sobchak vẫn quyết định muốn làm mọi người nhớ đến mình: ông ta gửi thư cùng một lúc đến năm địa chỉ - cho Tổng thống P. Yeltsin, Chủ tịch hai viện Quốc hội, cho lãnh tụ cộng sản G. Zyuganov và cho Thượng phụ giáo chủ Aleksiy (Alexis) II. Những bức thư đều mở đầu như nhau (tất nhiên sau từ “Thưa Ngài”): “Tôi xin đề cập với Ngài một vấn đề mà theo quan điểm của tôi có tầm quan trọng cỡ quốc gia và toàn cầu. Tôi muốn nói đến việc chôn cất thi hài Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin)”. Và ông ta đề nghị ngày tháng cụ thể: 21 tháng 1 năm 1995. Quả thực Đức Chúa Trời không ban cho Sobchak những phẩm chất con người quý giá như sự xấu hổ và lương tâm.
Chúng tôi sẽ không bắt độc giả phải mệt mỏi khi đọc bản danh sách liệt kê những lời nói dối và xỏ xiên liên tục của “người cầm cờ của nền dân chủ”, như các chiến hữu thường gọi ông ta. Chúng tôi chỉ cần nói rằng, đó là bài tụng ca quen thuộc của ông ta đối với những người đã khuất.
Ngày 12 tháng 9 năm 1998 Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Nga khởi tố vụ án hình sự đối với cựu thị trưởng thành phố Saint Petersburg A. Sobchak. Ông ta bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền. “Người cha của nền dân chủ Nga” vội vã trốn sang Paris. “Sobchak lẽ ra không nên nhát như thỏ đế, chạy trốn các cán bộ của Viện Công tố - Viện trưởng Viện Công tố Yu. Skuratov nói. - Nếu như ông ta cảm thấy mình vô tội thì nên tự mình chạy đến Viện Công tố”.
Nhưng Sobchak ở Paris cũng không được lâu. Ngay sau khi một trong những người phó của ông ta trước đây trong bộ máy chính quyền thành phố Leningrad trở thành giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang và sau đó là thư ký Hội đồng An ninh, thì Sobchak vội vã quay trở về nước với hy vọng rằng người đó sẽ bỏ mặc ông ta. Vụ án hình sự về Sobchak được khép lại.
Ngày 19 tháng 2 năm 2000 Sobchak qua đời ở thành phố Svetlogorsk thuộc tỉnh Kaliningrad, như báo chí đưa tin, bởi một cơn đau tim.
Đây là những gì mà tờ báo địa phương Những bánh xe mới viết về hoàn cảnh qua đời của ông ta: “Thống đốc tỉnh Kaliningrad, Leonid Petrovich Gorbenko mời A. Sobchak tới Kaliningrad với một mục đích duy nhất - có được sự ủng hộ của Putin trước cuộc bầu cử thống đốc sắp tới. Thống đốc Gorbenko, với tư cách một chủ nhà nhiệt tình, đã tổ chức tiếp đón vị khách danh giá theo tiêu chuẩn cao nhất. Sau một buổi chiêu đãi ê hề, các chính trị gia đến phòng tắm hơi nơi họ sẽ được các nàng tiên cá trẻ trung chăm sóc.
Khi các quy trình mát xa dưới nước đã kết thúc, cả nhóm người vui vẻ lại lên phòng khách sạn của Sobchak. Chẳng bao lâu, Leonid Petrovich rời khỏi khách sạn Rus để lại vị giáo sư một mình trong phòng với một trong số các cô nàng.
Nửa giờ sau, cô gái như bị ma đuổi chạy ra khỏi căn phòng hạng “de luxe” (sang trọng) của Anatoli Aleksandrovich, như một tia chớp lao qua mặt viên quản lý khách sạn rồi biến mất trong màn đêm.
Rõ ràng đã xảy ra một điều gì đó cực kỳ bất thường. Đầu tiên viên quản lý và người trực phòng gọi điện lên căn phòng của vị khách. Không có ai trả lời điện thoại. Khi đó họ quyết định lên căn phòng của Sobchak. Một phút ngần ngừ suy nghĩ, ngại ngần và rồi những người phụ nữ đang sợ chết khiếp lấy hết can đảm ngó vào trong phòng. Một người đàn ông đứng tuổi đang nằm trên giường và không có dấu hiệu nào là còn sống” (Những bánh xe mới số 248-249, thành phố Kaliningrad; báo Duel, số 41, năm 2000, Moskva).
Cũng còn một giả thuyết khác.
“Cho đến tận bây giờ chẳng hạn, vẫn lan truyền những tin đồn rằng cái chết của ông cựu thị trưởng thành Pyotr Sobchak không phải là trường hợp ngẫu nhiên. Người ta biết rằng giới chức sắc ở Kaliningrad đã tổ chức một buổi chiêu đãi, tiệc tùng long trọng để chiêu đãi ông ta. Sobchak uống rất ít, sau đó trở về phòng khách sạn của mình, như người ta nói, với ý định làm việc đôi chút. Trái tim của ông ta ngừng đập nhanh đến nỗi các bác sĩ “cấp cứu” chỉ còn việc ghi giấy chứng tử. Ông ta có không ít kẻ thù.
Nhà sử học và là nhà văn E. Radzinsky, trong khi nói chuyện với phóng viên của A và F(1), có lưu ý rằng, thủ đoạn đầu độc với tư cách là một phương thức thanh toán về mặt chính trị đã được sử dụng hết sức rộng rãi trong thời Phục hưng, dưới triều đại Medici. “Mà tất cả những gì phổ biến, như ta biết, thường lại là những điều cũ kỹ đã bị quên lãng”, ông nhắc khéo”. (A và F, số 47, năm 2004).
Một số người gọi Sobchak là nhà tư tưởng dân chủ lớp đầu tiên, người giương cao lá cờ dân chủ. Nhưng nhà báo P. Voshanov, nguyên thư ký báo chí của Tổng thống Yeltsin, lại có quan điểm khác hẳn: “Một kẻ tham nhũng công quỹ điển hình của thời kỳ cải cách thị trường cấp tiến”, “chiếc tàu khu trục không thể bị đánh chìm của các thế lực tham nhũng trong nước”, “tấm gương của hiện tượng tham nhũng ở nước Nga”, “một đồng tiền giả” (báo Sự thật thanh niên ngày 12 tháng 2 năm 1997, Báo mới số 24, 25, năm 1997).
Hết chương 8. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.