Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Phụ lục 3-4


Phụ lục 3-4
Trộm cắp kho lưu trữ - Sự vô đạo đức không che đậy.

Volkogonov thường thích tuyên bố rằng cuốn sách của mình đã công bố hàng nghìn văn bản của Lenin lấy từ các kho lưu trữ hồ sơ mật. Hành động tự quảng cáo như vậy là nhằm vào những người suy nghĩ đơn giản. Rất nhiều tài liệu trong số đó đã được công bố từ lâu.

“Bất kỳ nhà sử học nào theo đuổi giả thiết “phát hiện một Lenin mới nhờ tài liệu lưu trữ” cần phải thấy mình là chuyên gia hạng bét, người không làm việc với những nguồn thông tin đầu tiên tiếp cận được theo toàn bộ nội dung của nó, mà chỉ giới hạn bằng việc nhai lại những lời trích dẫn chính thức đã được khẳng định có dụng ý. Hay tồi hơn nữa: biết rõ sự thật, nhưng phải hát “theo chỉ đạo”... Những chuyên gia giỏi biết rất rõ rằng, những phát kiến mới nhất qua tài liệu lưu trữ chỉ đưa thêm những sự kiện mới vào những điều mà ai cũng đã biết” - Viết những dòng này không phải là người hoàn toàn đứng về phe Lenin mà là tiến sĩ triết học O. Latsis.

Chẳng hạn, trong số 520 đoạn trích dẫn nguồn tư liệu trong các chương đề cập trực tiếp tới Lenin, tới hoạt động của Người trong thời kỳ cách mạng, thì có 368 đoạn trích dẫn những tài liệu đã được công bố từ lâu và ai muốn biết cũng đều đã biết, chỉ có 152 đoạn trích dẫn cho những tài liệu chưa công bố.

Những tài liệu chưa công bố đó là gì? Bản tường trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Liên Xô năm 1983 (gần 60 năm sau khi Lenin mất) về việc đóng cửa Lăng hai tháng để làm công tác bảo dưỡng (phải nói thêm, những thông báo về việc này bao giờ cũng được đăng trên tất cả các báo), bản giải trình của Andropov cho Trung ương Đảng năm 1975 về việc phá bỏ tòa nhà Ipatyev ở tỉnh Sverlov (liên quan gì tới Lenin ở đây?), báo cáo của Beria cho Stalin năm 1949 về việc trục xuất “mọi người Turk” ra khỏi vùng Zakavkazia và đưa đến Siberia; và các chi tiết lặt vặt - việc sửa chữa căn hộ của Lenin, nhịp mạch đập của Lenin sau khi bị thương và những chi tiết tầm thường tương tự khác.

Như vậy “những tài liệu mới”, về nguyên tắc, không đưa ra được thêm một nét mới nào của hình ảnh Lenin. Người ta chỉ có thể ngạc nhiên trước sự thận trọng quá đáng của các Bí thư Trung ương ĐCS Liên Xô và Ban lãnh đạo Viện Marx-Lenin vì đã không dám công bố chúng thành ra lại giúp những loại như Volkogonov ăn bám vào đó.

Các chuyên gia nước ngoài gần đây có dịp kiểm tra nội dung một vài tài liệu được biết đến trước đây chỉ qua sách của Volkogonov, so sánh chúng với tài liệu gốc và đã vạch ra những sai lầm và hành động đánh tráo của ông ta.

Giáo sư sử học người Anh Ronald Hingley gọi phương pháp làm việc của Volkogonov với tài liệu lưu trữ là “hành động trộm cướp”.

L. Maksimenkov, cộng tác viên của Đại học McGill ở Montreal (Canada), khi tìm hiểu trong kho lưu trữ các tài liệu được Volkogonov công bố trước đây, cũng vạch trần “thủ thuật” làm việc của ông ta: đọc qua loa tài liệu nguồn, không hiểu hết văn bản, phân tích và giải thích một cách mù mờ tài liệu, trích đoạn tùy tiện không chỉ rõ văn bản rút gọn, không ghi đúng ngày tháng của tài liệu, trích đoạn và làm sai lệch hẳn ngày tháng (L. Maksimenkov. “Một lần nữa phê phán thủ thuật sử dụng tài liệu lưu trữ của D. A. Volkogonov”. Tạp chí Tự do tư tưởng số 3 năm 1993 trang 44-51).

Khi đưa ra các thí dụ về phương pháp luận sai lầm tương tự của Volkogonov trong cuốn sách của ông ta về Stalin, nhà khoa học Canada viết: “Tôi mong sao việc chuẩn bị công bố những tài liệu chưa in ra của V. I. Lenin lấy từ Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu các tài liệu lịch sử đương đại Nga (vì giá trị to lớn đối với quốc tế của hành động này) được tập trung trao vào tay một tiểu ban khoa học có uy tín và không có thiên kiến về mặt chính trị”. Chế giễu “thủ thuật” làm việc của Volkogonov đối với tài liệu lưu trữ, L. Maksimenkov nhận xét châm biếm: “Trên những trang viết về tiểu sử của Lenin không nên có những đoạn như nhân vật biết về âm mưu quỷ kế của Parvus đối với số vàng của ngân khố quốc gia lại lấy trích dẫn trong Bánh xe đỏ của tác giả A. I. Solzhenitsyn hay Lenin khi hấp hối ở Gorki vẫn vạch trần Stalin trong “Thư gửi Đại hội” mà lại trích dẫn từ báo cáo của N. S. Khrushchev trong Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ XX”. Rất tiếc, nỗi e ngại của nhà sử học Canada đã thành sự thật. Một tiểu ban khoa học không thiên kiến để công bố những văn kiện của Lenin chưa được in ra rút cục vẫn không được thành lập. Chỉ có Volkogonov tiếp xúc được với chúng dựa trên cái quyền của người chép sử cung đình.

Phụ lục 4

Sự vô đạo đức không che đậy

Tính vô đạo đức trắng trợn của tác giả được thấy ngay qua việc giả vờ là giáo dân nhưng ông ta lại cư xử như một tên phản Chúa khi cho in trên bìa của tập hai cuốn sách nói trên tấm ảnh Lenin ốm nặng. Hành vi thiếu tế nhị ấy làm cho giới truyền thông báo chí “dân chủ” cũng bị sốc. Tờ Lao động nhận xét: “Tấm ảnh “lãnh tụ” trên trang bìa chẳng hạn làm cho mọi người phần nào sững sờ... Người ta thấy một con người ốm đau với cái nhìn hoàn toàn vô hồn” (số ra ngày 28 tháng 6 năm 1994). Tờ Báo chung: “Tấm ảnh trên trang bìa có thể làm mọi người thấy bị xúc phạm” (số 30 năm 1994).

Người Cơ Đốc giáo không thể hành động như vậy, cây bút chính luận Leon Onikov nhận xét xác đáng. Vẫn chưa hài lòng với trang bìa, Volkogonov, bên trong cuốn sách còn đưa ra một bức ảnh đáng sợ của Lenin, một con người phát điên vì bệnh tật không thể chữa trị. Chúa Kitô chữa lành cho người bệnh, cho người mù nhìn thấy được, cho con bệnh thoát khỏi các chứng hủi, động kinh, điên dại, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau. Còn Volkogonov? Ông ta trưng ra trước mắt mọi người cảnh bất lực đau đớn của một con người đang ốm đau chờ chết. Thật đáng nhục nhã! Làm sao một con người bình thường có thể cười nhạo và khoái trá trước nỗi đau đớn của người khác?

Cố làm cho mọi người cảm thấy bất bình với Lenin, Volkogonov thông báo (đúng hơn là tố giác) rằng, người ta đã mời đến thăm bệnh cho người đứng đầu chính phủ Xô viết đang ốm nặng lúc đó không chỉ các bác sĩ Xô viết mà còn cả các bác sĩ nước ngoài và trả thù lao rất hậu cho họ. Chẳng lẽ tác giả không biết đó là một sự việc rất thông thường? Gần đây thôi, Tổng thống Nga B. Yeltsin đã đi khám bệnh ở chỗ các nhà y học của Tây Ban Nha, còn Thủ tướng V. Chernomyrdin bay sang Đức chữa bệnh. Ngay cả chính bản thân Dmitri Antonovich Volkogonov năm 1990 cũng mổ ở nước Anh.

Con người Lenin đang yên ngủ giấc ngàn thu trong Lăng không làm cho viên tướng “tỉnh ngộ” yên lòng. Ông ta cố tình không nhận thấy rằng, bất chấp dòng thác dối trá bẩn thỉu được cấp trên ủng hộ khuyến khích nhằm vào Lenin, mọi người vẫn tiếp tục tưởng nhớ Lenin, đến viếng Lăng, và vào ngày sinh Lenin, vào các ngày lễ mồng 1 tháng 5, mồng 9 tháng 5 và mồng 7 tháng 11, Lăng Vladimir Ilyich ngập trong những vòng hoa và những bó hoa.

Lặp đi lặp lại những lời dối trá của các phóng viên lá cải, Volkogonov viết: Hình như người ta trang điểm cho thi hài Lenin ở trong Lăng, hình như “xác ướp” không còn tay và chân (thay vào đó dường như là khuôn sáp), v.v... Những chi tiết như vậy không được một tiểu ban khoa học có uy tín nào ghi nhận, mặc dù họ thường xuyên kiểm tra công việc của “nhóm bác học Lăng” về ướp xác và chỉ ghi nhận những kết quả đặc biệt xuất sắc của thí nghiệm đã bắt đầu từ năm 1924. Những lời suy đoán của Volkogonov về việc thi hài Lenin đã bị phân hủy chỉ chứng minh cho sự thối rữa về mặt đạo đức cũng như xã hội của tác giả cuốn sách.

Cố gắng làm cho dư luận xã hội mất thiện cảm đối với Phòng thí nghiệm trực thuộc Lăng, Volkogonov tuyên bố rằng, chính phòng thí nghiệm đó được “chú ý đặc biệt” nên làm thiệt hại cho các cơ quan y tế khác. Trong thực tế đã gần 40 năm phòng thí nghiệm không có trụ sở riêng của mình mà phải ở nhờ trong tòa nhà của khoa Sinh hóa thuộc trường Đại học Y trên đường vành đai Sadovo-Kudrinskaya. Trong sân trường có một căn phòng nhỏ nằm ở tầng hai của một nhà để xe để làm thí nghiệm. Mãi đến năm 1976 Phòng thí nghiệm mới được chuyển về ngôi nhà xây cho nó. Không có gì đặc biệt trong trụ sở mới cả: vào những năm đó, khác với bây giờ, người ta xây dựng rất nhiều. Ví dụ, Bộ Quốc phòng nơi tướng Volkogonov ca tụng Lenin đã xây cho mình cả loạt những khối nhà nhiều tầng trên các phố Frunze và Yanysheva.

Cũng theo một cung cách thiếu đàng hoàng và bẩn thỉu, Volkogonov đã cố kích động độc giả chống lại các nhà bác học trong “nhóm bác học Lăng” khi nói rằng, họ nhận được mức lương cực kỳ cao. Thông thường những bậc cha mẹ tốt thường dạy dỗ con cái rằng nhòm vào túi người khác là không lịch sự. Nhưng vì Volkogonov đã động chạm tới vấn đề này chúng tôi xin thông báo, lương của các cộng tác viên chính trong Phòng thí nghiệm, cũng như ở các viện nghiên cứu khác, chỉ có 300 rúp. Vào thời đó thượng tướng Volkogonov, theo lời của các cựu cán bộ Tổng cục Chính trị, nhận mức lương lớn gấp 3 lần. Các cán bộ khoa học của Phòng thí nghiệm, trong số đó có người từng chiến đấu ngoài mặt trận, đã hai lần từ chối được chữa trị ở Bệnh viện đa khoa thuộc Điện Kremli, và họ đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện thường. Ông tướng văn phòng Volkogonov khi đó (và cả bây giờ) khám chữa bệnh tại Bệnh viện quân đội trung ương cao cấp mang tên P. Mandryki dành cho các sĩ quan cao cấp. Trong sách còn rất nhiều đòn đánh lén vu cáo bẩn thỉu tương tự đối với Lăng Vladimir Ilyich.

Gây kinh ngạc đặc biệt cho mọi người là thái độ trâng tráo hỗn láo của “người say mê chủ nghĩa Lenin” trước đây. Khi phán xét về việc di hài Lenin được gìn giữ cẩn thận trong Lăng, ông ta đột nhiên kêu lên một cách đạo đức giả: nhà nước chưa đủ tiền để mai táng và thi thể của hàng ngàn liệt sĩ trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại còn chưa được an táng! Đúng, những liệt sĩ chưa được an táng là nỗi đau chung, nỗi xấu hổ chung của chúng ta. Nhưng thử tự hỏi, tại sao thượng tướng Volkogonov không cố gắng làm bằng được cái việc an táng cho các anh hùng khi ông ta còn là Tổng cục phó Tổng cục chính trị của quân đội Xô viết và tại sao bây giờ ông ta không đưa vấn đề này ra với tư cách là một thành viên của Hội đồng giúp việc Tổng thống? Cần phải nói thêm rằng, trong những năm gần đây, công việc của các nhà bác học - bảo quản di hài - được cấp kinh phí không phải là từ nhà nước vì nhà nước đã từ chối làm việc này, mà Quỹ từ thiện độc lập “Lăng Lenin” cấp kinh phí cho họ từ tiền quyên góp tự nguyện của các cá nhân, tập thể và tổ chức xã hội.

Trên phần ghi chú của tờ biên lai chuyển tiền vào Quỹ, ông I. Askasev (Mordovia) trước đây là xạ thủ súng máy, đã viết: “Khi đọc báo chí và nghe đài thấy những lời chỉ trích như mưa vào Lenin, tôi hết sức ngạc nhiên. Nhờ có chính quyền Xô viết do Lenin lập nên, các vị đó nhận được nền giáo dục không mất tiền, được đào tạo nghề nghiệp, có được việc làm tốt, có chức vụ cao. Thế mà họ cám ơn những việc đó như thế nào? Giống như con vật trong truyện ngụ ngôn của Krylov: “Con lợn dưới gốc cây sồi, suốt ngày ăn no quả sồi, đến lồi cả rốn...Và lấy mõm cắn đứt rễ sồi”. Volkogonov, tên Vlasov phản bội trên mặt trận tư tưởng, là con người như thế đấy. 

Hết phụ lục 4. Phụ lục tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26622


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận