Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 12


Chương 12
Hãy để cho những người thân của chúng tôi được yên.

Một bản tuyên bố xúc động lòng người có nhan đề như thế, được viết bởi 12 người vợ góa và con cái của những nhà hoạt động Xô viết nổi tiếng, có vinh dự được chôn ở chân tường thành Kremli. Bản tuyên bố này được công bố ngày 5 tháng 8 năm 1999 trên tờ báo Nước Nga Xô viết và là một hành động phản đối những kiến nghị đáng xấu hổ kêu gọi “đưa nghĩa trang” ra khỏi Quảng trường Đỏ.

Ký tên dưới bản tuyên bố có V. I. Gagarina, vợ góa của nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yu. A. Gagarin; V. L. Govorov, con trai nguyên soái L. A. Govorov; Ye. Ya. Dzhugashvili, cháu nội Đại nguyên soái I. V. Stalin; Marg. G. Zhukova, con gái Nguyên soái G. K. Zhukov; A. V. và N. I. Konev, vợ góa và con gái của Nguyên soái I. S. Konev; K. V. Rokossovsky, cháu nội Nguyên soái K. K. Rokossovsky; O. S. Timoshenko, con gái Nguyên soái S. K. Timoshenko; N. S. Korolyova, con gái viện sĩ S. P. Korolyov; O. D. Ulyanova, cháu gái họ của V. I. Lenin và của M. I. Ulyanova; A. F. Sergeyev, con trai của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Liên đoàn Công nhân mỏ toàn Nga S. A. Artyom; I. B. Chkalov, con trai của lữ đoàn trưởng V. P. Chkalov và những người khác nữa.

“Hàng mộ Danh dự ở chân tường thành Kremli - tuyên bố nêu rõ, - đã và đang là địa điểm danh dự nhất cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 400 người, mà nhiều người trong số đó đã là niềm vinh quang và tự hào của nước Nga thế kỷ XX.

Ở đó yên nghỉ 22 nguyên soái, một người duy nhất bốn lần Anh hùng Liên Xô, 18 Anh hùng và 14 người hai lần Anh hùng Liên Xô, những người ba lần Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, các viện sĩ, các nhà du hành vũ trụ, các ủy viên Dân ủy, bộ trưởng, lãnh đạo công đoàn và nhiều người con vinh quang khác của các dân tộc anh em chúng ta.

Lăng Lenin, Nấm mộ tập thể và các bình tro thi hài đặt trong tường thành Kremli được đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước vì là các di tích lịch sử (Nghị quyết Hội đồng Bộ trưởng CHXHCNXVLB Nga số 624 ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1974), được xếp vào hàng những công trình lịch sử và di sản văn hóa cấp Liên bang (toàn Nga) (sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga ban hành ngày 20 tháng 2 năm 1995). Năm 1990, Hàng mộ Danh dự như là một bộ phận của quần thể kiến trúc trên Quảng trường Đỏ và Điện Kremli đã được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa thế giới.

Chúng ta bị xúc phạm sâu sắc bởi kiến nghị “đưa nghĩa trang” ra khỏi Quảng trường Đỏ. Những kiến nghị đó là vô đạo đức, bởi vì động đến di hài của những người đã khuất là một tội nặng. Những kiến nghị đó là bất hợp pháp bởi vì chúng mâu thuẫn với Hiến pháp (điều 44) và Luật Liên bang “Về việc chôn cất và mai táng”, trong đó cấm san bằng và di chuyển mộ. Xin nhắc lại là trong Bộ Luật Hình sự của Liên bang Nga có đề cập trường hợp phá hủy di tích lịch sử và văn hóa, trường hợp xúc phạm tới thi thể của người chết và chỗ chôn cất của họ với mức hình phạt tù giam từ 3 đến 5 năm (điều 243 và 244).

“Cải táng” hơn 400 người đang yên nghỉ ở chân tường thành Kremli, trong đó có những người thân của chúng tôi, là một điều sỉ nhục man rợ đối với các nấm mộ thân quí của chúng tôi và sẽ dẫn đến sự phá hủy Hàng mộ Danh dự - một di tích lịch sử và kiến trúc nổi tiếng tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hành động vi phạm pháp luật đó sẽ trở thành một trò hề nhục nhã trước con mắt của toàn thế giới, một biểu hiện quái dị của chủ nghĩa hủy diệt văn hóa.

Chúng tôi cho rằng di hài những người thân của chúng tôi cần phải được nằm yên ở chân tường thành Kremli là nơi họ được mai táng”.

Tuyên bố thông báo rằng một nhóm hành động đã được thành lập với sáng kiến tổ chức Hiệp hội những người thân thích ruột thịt của những nhân vật được an táng ở chân tường thành Kremli. Hiệp hội này yêu cầu những họ hàng ruột thịt và thân hữu của những đồng chí đó hưởng ứng. Địa chỉ liên hệ: nhà số 8 phố Shepkina, Moskva và số điện thoại.

Bản tuyên bố đã khuấy động dân chúng nhiều thành phố và làng mạc của nước Nga cũng như các nước SNG. Ngay sau ngày công bố, chuông điện thoại của nhóm hành động cứ năm phút lại reo một lần.

“Tôi vô cùng xúc động khi đọc bản tuyên bố - người đầu tiên gọi tới là nhà kinh tế T. A. Shumikhina ở tỉnh Tiumen - Tôi tự hào vì lòng dũng cảm công dân của họ. Nhân danh gia đình chúng tôi, xin nghiêng mình cúi chào họ. Mỗi một tên họ trong đó đều làm cho tâm hồn tôi run rẩy xúc động. Tất cả họ là những con người đáng kính trọng. Hãy nói với họ rằng chúng tôi yêu mến họ, chúng tôi luôn bên cạnh họ”. Cuộc nói chuyện điện thoại có vẻ rất khó khăn đối với người phụ nữ đáng kính đó, cảm thấy rõ là bà chốc chốc lại khóc vì xúc động.

“Chúng tôi có thể giúp gì đây? - Ruslan Naslimov gọi đến từ Chita xa xôi. - Chúng tôi, những đoàn viên cộng sản có không ít ở đây. Nhiều người còn trẻ, mới khoảng 30-40 tuổi. Dù vé máy bay rất đắt, nhưng nếu cần chúng tôi sẽ bay đến đứng thành hàng rào bảo vệ ở chân tường Điện Kremli, xung quanh Lăng Lenin”.

“Tại sao các vị lại chỉ kêu gọi họ hàng thân thích hưởng ứng bản tuyên bố? - Người lái xe Ye. A. Gazaryan ở Moskva hỏi. - Điều này liên quan tới tất cả những người yêu nước, tất cả cần phải hưởng ứng... Khi dạo chơi ở Moskva tôi thường đến chỗ tượng đài Pushkin, Zhukov, Lăng Lenin, mộ các nhà hoạt động nổi tiếng ở chân tường thành Kremli. Tôi tự hào rằng mình đã sống cùng thời với nhiều người trong số họ”.

Trong vòng vài ngày đã có những người họ hàng thân thích khác tham gia vào Tuyên bố: vợ góa của các Nguyên soái S. M. Budyonyi, A. I. Yeremenko, M. V. Zakharov, con trai và con gái của các Nguyên soái K. A. Meretskov, R. Ya. Malinovsky, S. S. Biryuzov, N. I. Krylov, vợ góa của đại tướng A. I. Antonov, nghệ sĩ ba lê, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô O. V. Lepeshinskaya, các con gái của M. V. Frunze, G. K. Ordzhonikidze, N. M. Shvernik, các con trai của V. V. Kuybyshev, I. F. Tevosyan, M. V. Khrunichev, N. G. G. Ignatov, các cháu trai của M. I. Kalinin, của nguyên soái I. Kh. Bagramyan, của K. I. Nikolaeva, A. D. Tsyurupa, G. I. Petrovsky, K. D. Pamfilov. Hai người cháu gái của Stalin là G. Ya. Dzhugashvili và N. V. Stalina, các cháu của những người lính Ya. V. Gavrikov, S. P. Kapelin, các cháu họ của Dân ủy giáo dục V. P. Potemkin, của các chiến sĩ cận vệ đỏ T. A. Baskakov, Ya. I. Bocharov, I. S. Erov và hàng chục người khác.

“Những lời phát biểu thường xuyên của các chức sắc nhà nước và tôn giáo về việc “di chuyển nghĩa trang” được các phương tiện thông tin đại chúng lu loa trắng trợn - Natalya Malinovskaya, con gái của Nguyên soái Malinovsky, mới tham gia vào bản Tuyên bố trên nói - đã làm tâm hồn chúng tôi bị thương tổn sâu sắc, gây ra những cơn đau tim trước hạn cho vợ góa và con cháu của những người đã đem lại vinh quang cho nước Nga trong thế kỷ XX, xúc phạm tới ký ức lịch sử của cả dân tộc”.

 Rất nhiều tổ chức xã hội đã lên tiếng ủng hộ bản Tuyên bố: Đoàn Chủ tịch UBTƯ ĐCS Liên bang Nga, Ủy ban phối hợp hành động của Cộng đồng các tổ chức cựu chiến binh của SNG, đại diện cho quyền lợi của gần 60 triệu chiến sĩ đã từng chiến đấu ngoài mặt trận, lao động tại hậu phương và quân nhân hưu trí của các nước SNG, Ủy ban toàn Nga của các cựu chiến binh và quân nhân tại ngũ, Liên đoàn các sĩ quan Xô viết của Gruzia và các tổ chức khác.

Lên tiếng bảo vệ Hàng mộ Danh dự không chỉ có những công dân, các tổ chức cựu chiến binh và tổ chức cánh tả.

Ngày 15 tháng 9 năm 1999, Bộ Văn hóa Liên bang Nga tuyên bố rằng, Bộ “chia sẻ ý kiến về việc không cho phép xóa bỏ Hàng mộ lịch sử trên Quảng trường Đỏ”. Bản tuyên bố do thứ trưởng thứ nhất N. L. Dementyeva ký tên. Ban điều hành khu bảo tồn bảo tàng văn hóa lịch sử quốc gia “Điện Kremli Moskva” (giám đốc là I. A. Rodimtseva) cũng ra tuyên bố như vậy. I. Antonova, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình mang tên A. S. Pushkin, tuyên bố: “Phải để cho Hàng mộ được yên. Tôi không thể tưởng tượng nổi việc người ta sẽ lấy các bình tro hài cốt ra rồi chuyển nó đi đâu đó”. Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu Khoa học lý luận kiến trúc và xây dựng đô thị (Moskva) tuyên bố, “Mọi sự thay đổi và bóp méo diện mạo kiến trúc đã hình thành trong quá trình lịch sử ở Quảng trường Đỏ sẽ dẫn tới việc làm mất giá trị nghệ thuật và văn hóa lịch sử được toàn thế giới công nhận của Quảng trường chính thành phố Moskva”. Ban điều hành tổ chức xã hội từ thiện bảo tồn gìn giữ Lăng V. I. Lenin gửi cho Quyền Viện trưởng Viện Công tố nước Nga V. V. Ustynov bản Tuyên bố “Hãy ngăn chặn tội ác”, trong đó xuất phát từ khái niệm luật pháp về một tội phạm chưa cấu thành được nêu trong điều 29 và 30 của Bộ Luật Hình sự Liên bang Nga, đánh giá những lời kêu gọi đòi cải táng V. I. Lenin và tất cả những người đang yên nghỉ ở Hàng mộ Danh dự là việc chuẩn bị thực hiện tội ác.

Ngày 22 tháng 5 năm 2000, Hiệp hội Thân nhân những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự bên tường Kremli đã đi đăng ký tại Sở Tư pháp Moskva. Mục đích của tổ chức này, như đã được trình bày trong điều lệ của nó, là bảo vệ về mặt luật pháp các quyền công dân của những thân nhân, trong đó có quyền được đối xử xứng đáng và bất khả xâm phạm nơi an táng người thân của họ chống lại sự phân biệt đối xử vì các lý do chính trị và tôn giáo, bảo vệ Hàng mộ Danh dự, bao gồm cả Lăng V. I. Lenin như một di tích lịch sử và văn hóa đã được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO và là công trình di sản lịch sử cấp toàn Liên bang Nga theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga ban hành ngày 20 tháng 2 năm 1995, chống lại mọi hành động trái pháp luật có thể xảy ra đối với công trình văn hóa lịch sử đó.

Ban điều hành Hiệp hội đã được bầu ra: Chủ tịch - V. M. Zakharov (con trai Nguyên soái M. V. Zakharov), Phó Chủ tịch - E. V. Kalinina (cháu nội gái của M. I. Kalinin), các thành viên: V. I. Gagarina (vợ góa của Yu. A. Gagarin), I. V. Chkalov (con trai của V. Chkalov), N. S. Korolyova (con gái viện sĩ S. P. Korolyov), I. S. Bagramyan (cháu nội Nguyên soái I. Kh. Bagramyan), A. D. Tsyurupa (cháu nội Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô A. P. Tsyurupa), M. G. Malevich (cháu gái của chiến sĩ cận vệ đỏ S. P. Kaledin), A. S. Abramov (Quỹ “Lăng V. I. Lenin”).

Ngày 15 tháng 12 năm 2000, Đại hội toàn thể các thành viên của Hiệp hội với sự tham dự của hơn 60 người đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống V. V. Putin, trong đó nhấn mạnh rằng, mọi mưu toan phá bỏ Lăng V.I. Lenin và Hàng mộ Danh dự bên tường Kremli, kiến nghị của Liên minh các lực lượng cánh hữu tạo dựng tại Lăng một quần thể gì đó kỷ niệm nạn nhân của các biến động chính trị đều đã gây nên những xáo động mạnh mẽ về mặt chính trị và xã hội trong nước Nga. Đây không nói về hệ tư tưởng cộng sản mà nói về sự bôi nhọ ký ức lịch sử của nhân dân. Hoan nghênh lời phát biểu của Tổng thống rằng chúng ta không được là những anh chàng Ivan không nhớ đến dòng tộc và ủng hộ cố gắng của Tổng thống giữ gìn tính kế thừa lịch sử trong đất nước chúng ta, thân nhân của những nhân vật yên nghỉ ở chân tường Kremli muốn nhấn mạnh rằng, di hài những người thân của họ phải được để nguyên tại chỗ đã được mai táng.

Bức thư ngỏ gửi Tổng thống được công bố không chỉ trên tờ báo cộng sản Nước Nga Xô viết (23 tháng 12 năm 2000) mà còn được công bố trên các ấn phẩm chính thống là tờ Công báo Nga (22 tháng 12 năm 2000) và tờ Báo Nghị viện (26 tháng 12 năm 2000). Các tờ báo đưa ra đầu đề khác nhau: “Bọn chúng đang bôi nhọ những ký ức của người thân chúng tôi”, “Chúng ta không được là những anh chàng Ivan không nhớ đến dòng tộc của mình” và “Không được bôi nhọ ký ức lịch sử của nhân dân”, nhưng nhìn chung lập trường của các báo là thống nhất. 

Hết chương 12. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26606


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận