Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 1


Chương 1
Tin nặng ngàn cân.

Bảy giờ tối ngày 21-1-1924, chuông điện thoại ở Điện Kremli vang lên. Điện thoại gọi theo đường dây nối thẳng từ Gorki(1). Maria Ilyinichna Ulyanova, em gái Lenin, thông báo rằng Lenin bị xuất huyết não đột ngột và đã từ trần mười phút trước.

Tin Lenin qua đời là sự chấn động ghê gớm nhất đối với Đảng Cộng sản và nhân dân Nga. Lại nhớ câu thơ: “Bỗng - tin nghìn cân...”(2)

Một giờ sau I. V. Stalin, L. B. Kamenev, G. Ye. Zinoviev, M. I. Kalinin(1) đi xe trượt tuyết gắn máy đến Gorki. Họ hiểu rằng: nỗi đau thương này không gì đo nổi, mất mát này không gì bù đắp nổi; gánh nặng các việc quốc gia đại sự đang đặt lên vai họ.

“Các lãnh tụ trong đội cận vệ Bolshevik lão thành vừa đi xe trượt tuyết gắn máy đến đang thong thả bước lên cầu thang, dường như cố đi chậm lại, - V. Bonch-Bruevich(2) hồi tưởng lại. - Một cuộc gặp gỡ chân tình, lặng lẽ, không thốt thành lời với Nadezhda Konstantinovna(3).

Rồi họ đi tiếp vào căn buồng xinh xắn, không có nước mắt, không có tiếng khóc, mà chỉ có sự yên tĩnh rợn người...

Tất cả họ dừng lại, đứng xung quanh... Họ nhìn vào gương mặt bình thản của người luôn thân thương với họ, người gần gũi hết sức, và tất cả họ, như có một hiệu lệnh bên trong chỉ đạo, đều cúi đầu mặc niệm...

Bỗng Stalin bước vội đến đầu giường.

- Vĩnh biệt, vĩnh biệt Vladimir Ilyich... Vĩnh biệt!...

Mặt nhợt nhạt, Stalin đưa cả hai tay ôm lấy đầu Lenin, khẽ nâng mái đầu Lenin lên, áp vào ngực mình, đúng chỗ trái tim và hôn mạnh vào má, vào trán Lenin, những cái hôn nồng nhiệt... Sau đó Stalin buông tay ra, lùi hẳn lại, như thể chặt đứt quá khứ với hiện tại”.

Vào hồi 2 giờ 15 phút đêm tại Moskva (Mátxcơva) đã diễn ra Hội nghị toàn thể khẩn cấp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản (UBTƯ ĐCS) Bolshevik Nga, trong đó có cả những vị lãnh đạo vừa từ Gorki về tham dự. Hội nghị đã thông qua những biện pháp đầu tiên về việc tổ chức mai táng Lenin và lập kế hoạch chung cho các hoạt động tiếp theo, những biện pháp này đã được vạch ra trước đó, vào lúc 10 giờ tối tại cuộc họp ở căn hộ của A. S. Yenukidze(1) ở Kremli (tại đó có mặt F. E. Dzerzhinsky, V. V. Kuybyshev, T. V. Sapronov, Ye. M. Yaroslavsky(2),...).

Sáng ngày 22 tháng 1, đài phát thanh truyền đi khắp đất nước Xô viết và toàn thế giới tin tức đau buồn này. Người ta không muốn tin đấy là sự thật.

Công nhân của một nhà máy ở Moskva khi đi làm đã trông thấy một đoàn sinh viên mang biểu ngữ để tang với dòng chữ: “Lenin đã mất, nhưng Lenin còn sống mãi”. Đám công nhân nổi giận: “Đấy là sự vu khống! Lenin vẫn đang sống!” và họ kiên quyết yêu cầu các sinh viên giải tán. Bỗng một nữ công nhân len qua đám đông. Đôi mắt đầy lệ...

- Đứng lại, các đồng chí... Đấy là sự thật... Ilyich...

Chị không nói hết câu đã òa lên khóc nức nở. Đám công nhân đăm chiêu, tất cả như hóa đá. Ngay cả cánh nam giới cũng lặng đi... Sau đó mọi người xếp thành hàng dọc đông đảo, nặng nề tiến lên phía trước, miệng cất lên những lời ca xé lòng: “Các anh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu định mệnh...”(1)

Những người cộng sảnArgentinagửi điện từBuenos Airesxa xôi: “Có tin nói rằng Lenin đã mất. Có đúng không? Xin các đồng chí hãy trả lời gấp...”

Thượng phụ giáo chủ Tikhon khi biết tin Lenin từ trần đã nói: “Về mặt tư tưởng thì tôi với Vladimir Ilyich Lenin tất nhiên không cùng quan điểm, nhưng tôi có thông tin về ông, đó là một người hết sức đôn hậu và có tấm lòng Cơ Đốc giáo thực sự”.

Hai giờ chiều ngày 22 tháng 1 tại Gorki các bác sĩ giải phẫu thi hài V. I. Lenin. Lenin mắc bệnh nặng: bệnh xơ cứng động mạch (thành động mạch dày cứng lại). Các bác sĩ phát hiện ra dấu vết xuất huyết còn mới từ các mạch máu của màng mềm não ở vùng củ não sinh tư và đây là nguyên nhân tử vong.

Lenin đã ốm từ cuối năm 1921 ở tuổi 51. Bệnh tiến triển chậm, dần dần bào mòn cơ thể khỏe mạnh.

Vào những năm 1990 xuất hiện những công bố về tin đồn và các giả thuyết khác về nguyên nhân cái chết của Lenin. Chẳng hạn, người ta trích dẫn các đoạn trong một bài báo của L. Trotsky (năm 1939) nói rằng Lenin bị Stalin và tay chân là Yagoda(1) đầu độc mà không có bất cứ chứng minh nào.

“Tôi không thể hiểu nổi - viện sĩ B. Petrovsky(2) viết - tại sao có thể in những điều bịa đặt ấy, trong khi chính hồ sơ bệnh án Lenin, những biên bản đích thực về giải phẫu thi hài của Lenin và những nghiên cứu vi mô đã xác định hết sức chính xác: xơ cứng động mạch cảnh trái, nhũn não và đỉnh điểm là xuất huyết ở các trung tâm có tính chất quan trọng sống còn của não. Tất cả các triệu chứng lâm sàng của tai họa này, được các chuyên gia y tế Liên Xô và nước ngoài quan sát thấy bên giường người bệnh, đều xác nhận điều đó. Không thể có chuyện đầu độc nào ở đây”.(3)

 Toàn bộ cuộc đời Lenin luôn có nhiều công việc dồn dập, chồng chất và stress. Điều đó không thể không dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thể hiện ở căn bệnh nan y của thời đại là xơ cứng động mạch. Viện sĩ B. Petrovsky còn giả định rằng có cả tố bẩm di truyền (thân sinh của Lenin cũng mất vì bệnh này), nhưng ông không hề mắc xơ cứng động mạch di truyền - bệnh của những người trẻ tuổi hơn.

...Nhiều năm đi đày và bôn ba ở nước ngoài, căng thẳng thần kinh thường xuyên, hoạt động trí óc cường độ cao đã tác động đến sức khỏe của Lenin.

Từ mùa xuân năm 1917, sau khi trở về nước Nga, Lenin đã làm việc không hề nghỉ ngơi, thường thì bỏ cả giấc ngủ. Báo chí tư sản vốn lo sợ uy tín ngày một lên cao của Lenin, đã tìm cách vu cáo lãnh tụ của những người Bolshevik. Chính phủ lâm thời tuyên bố đặt Lenin ngoài vòng pháp luật, ban bố lệnh truy nã, tìm mọi cách để bắt và thủ tiêu Lenin. Lenin phải ẩn náu trong lều cỏ gần ga Razliv trong những điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ.

Ngày 7 tháng 11 năm 1917, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã biểu thị ý chí của đa số nhân dân, tuyên bố chính quyền về tay các Xô viết gồm các đại biểu của công nhân, binh lính và nông dân. Các đại biểu đã thông qua Sắc lệnh về hòa bình do Lenin soạn thảo, thể hiện tính chất yêu chuộng hòa bình, nhân đạo của chính quyền mới và kêu gọi nhân dân các quốc gia đang tham chiến chấm dứt cuộc giết chóc đẫm máu đã kéo dài ba năm qua và bắt đầu đàm phán ngay để ký kết một hòa ước công bằng, dân chủ, không có sự thôn tính và đòi bồi thường chiến tranh. Đại hội cũng thông qua Sắc lệnh về ruộng đất do Lenin soạn thảo và đọc, dựa trên cơ sở 242 thư ủy nhiệm của nông dân.

Ngày 8 tháng 11, V. I. Lenin được bầu làm người đứng đầu chính phủ Nga với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Dân ủy. Là người có năng lực làm việc lớn lao, Lenin tổ chức giáng trả bằng quân sự các đội quân can thiệp nước ngoài và đánh tan các kẻ thù bên trong được các chính quyền nước ngoài trang bị vũ khí. Lenin cũng là nhà lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước, là lãnh tụ của Đảng Cộng sản.

“Đó không chỉ đơn thuần là công việc căng thẳng, - sau này N. K. Krupskaya nhớ lại - đó là thứ công việc thâu tóm hết mọi sức lực, kéo căng dây thần kinh đến cùng cực, thường xuyên phải vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt nhất, có khi phải đấu tranh với cả những đồng chí cùng công tác. Cho nên chẳng có gì lạ là, khi bước qua ngưỡng cửa vào căn phòng mà chúng tôi chung sống ở điện Smolny (Xmônnưi), Ilyich vẫn không thể thiếp đi được. Anh ấy lại trở dậy gọi điện cho ai đó để chỉ thị những điều cấp thiết nào đó. Rốt cuộc sau khi đã thiếp ngủ, anh ấy vẫn tiếp tục nói về công việc trong giấc mơ”.

Đầu tháng Giêng năm 1918, theo yêu cầu khẩn khoản của người thân và bạn bè, Lenin đi tĩnh dưỡng bốn ngày ở nhà nghỉ. Nhưng “vẫn không ra nghỉ tí nào”, - Krupskaya viết. Lenin vẫn nghĩ về công việc và ngồi viết. Người băn khoăn với những câu hỏi như làm thế nào để tổ chức tốt hơn đời sống kinh tế, làm thế nào để đưa công nhân thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn mà họ đang phải chịu, làm thế nào để lập ra các công xã tiêu dùng, cung cấp sữa cho trẻ em, làm thế nào để có thể chuyển công nhân đến các căn hộ tốt nhất, làm thế nào để lôi cuốn quần chúng vào sự nghiệp này, kích thích tính chủ động ở họ. Lenin viết về thi đua và vai trò của nó.

Đã rất nhiều lần người thân và bạn bè lo lắng cho sức khỏe của Lenin và khẩn khoản yêu cầu Người nghỉ ngơi.

Cuộc đấu tranh với các nhóm đối lập phá hoại sự thống nhất của Đảng đã lấy đi nhiều sức lực của Lenin. Cuộc đấu tranh với các nhóm đó, theo sự xác nhận của N. K. Krupskaya, đối với Lenin là “vô cùng nặng nhọc”.

Người khổng lồ đã “cân nhắc thế giới trong một đêm”(1) vẫn chỉ hưởng một khẩu phần ăn khiêm tốn, có khi còn chưa đủ no, như mọi người lao động của nước Cộng hòa non trẻ. Các bưu kiện chứa thực phẩm gửi từ làng quê đến cho Lenin thì Lenin lại chuyển cho các nhà trẻ. Lenin đã có lần nghiêm khắc cảnh cáo Chánh văn phòng Hội đồng Dân ủy vì ông này tăng lương không đúng luật pháp cho Lenin.

Ngày 30 tháng 8 năm 1918, khi Vladimir Ilyich Lenin đang đứng nói chuyện với công nhân ngay cạnh chiếc ô tô của mình sau cuộc mít tinh tại nhà máy Mikhelson ở Moskva thì kẻ nữ khủng bố Kaplan đã bắn vào ông. Bọn phản cách mạng bị đánh cho tơi tả trong cơn điên cuồng đã chơi một đòn đểu cáng: ám sát lãnh tụ của nhân dân chiến thắng. Một viên đạn trúng vào tay, viên thứ hai trúng vào cổ Lenin. Vladimir Ilyich đã nằm giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết trong mấy ngày.

M. Gorky đã kể lại: “Tôi đến thăm Lenin khi Người còn cử động cánh tay một cách khó khăn và gần như chưa quay được cái cổ bị bắn. Đáp lại sự phẫn nộ của tôi, Người miễn cưỡng nói như nhắc về một điều đã chán ngấy:

- Đánh nhau mà. Biết làm sao được? Mỗi kẻ đều hành động theo cách mà mình biết làm”.

Ngày 12 tháng 9, khi vết thương chưa bình phục hẳn, V. I. Lenin đã tiếp đoàn đại biểu của trung đoàn quận Rogozhsko-Simonovsky trước khi họ ra mặt trận. Rồi ngày 16 tháng 9 Lenin lại chủ tọa phiên họp của Hội đồng Dân ủy.

Tuy bình phục nhưng vết thương nặng đã để lại dấu vết tai hại trong sức khỏe của Lenin. Và như viện sĩ Yu. M. Lopukhin đánh giá, viên đạn nữ sát thủ Kaplan bắn vào Lenin cuối cùng cũng đạt được mục đích.

Cuối năm 1921 ở Lenin xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ cứng động mạch, nguyên nhân là động mạch cảnh trái bị đạn làm tổn thương co lại và hình thành một cục nghẽn trong động mạch. Vladimir Ilyich luôn bận bịu với khối lượng công việc khổng lồ đã không chú ý tới bệnh tình của mình.

Các bác sĩ khám cho Lenin vào tháng 3 năm 1922 còn chưa thể phát hiện được những tổn thương đặc biệt của hệ thần kinh hay các cơ quan bên trong. Nhưng các cơn đau đầu dữ dội, chứng mất ngủ thường xuyên, những dấu hiệu mệt mỏi rõ rệt đã buộc họ phải chỉ định nghỉ ngơi cho Lenin. Do yêu cầu của người thân và bạn bè, của các ủy viên Trung ương Đảng và thành viên Chính phủ Xô viết, Vladimir Ilyich đã đồng ý đến ở Gorki, dinh thự cũ của Reynbot, vào mùa xuân. Quen với lối sống thanh đạm, Lenin cảm thấy không thoải mái trong ngôi nhà được bài trí sang trọng của cố thị trưởng Moskva. Lenin và Krupskaya chọn căn buồng nhỏ nhất và dọn đến đó.

Ngày 23 tháng 4 năm 1922, gần bốn năm sau khi Lenin bị thương, giáo sư V. N. Rozanov ở bệnh viện Botkin đã lấy viên đạn ra khỏi cơ thể Lenin(1). Tuy nhiên việc lấy viên đạn ra cũng không làm nhẹ bớt bệnh tình.

Đến tháng 5, ở Vladimir Ilyich đã xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm đầu tiên cho thấy não bị tổn thương nghiêm trọng. Bắt đầu diễn ra sự suy yếu toàn thân, cấm khẩu và các chi bên phải cử động yếu hẳn. Hiện tượng này kéo dài ba tuần.

Cơ thể mạnh mẽ của Lenin và sự chăm sóc y tế tận tụy đã đẩy lui đợt tấn công của bệnh tật. Sang tháng 7 tình hình đã cải thiện đáng kể, và đến tháng 10 Lenin đã có thể quay trở lại làm việc. Vào tháng 11 Lenin đọc ba bài diễn văn lớn.

Những nhiệm vụ mới quan trọng đang đặt ra trước nhà nước Cộng hòa Xô viết non trẻ, vừa đánh tan mọi cuộc tấn công của các đội quân can thiệp nước ngoài và sự nổi loạn của lực lượng phản cách mạng trong nước, vì vậy Lenin đã không nề hà dốc hết sức lực cho công việc.

Ngày 20 tháng 11, Lenin phát biểu ở Xô viết Moskva. Sau khi tổng kết sự phát triển một năm rưỡi của đất nước dựa trên chính sách kinh tế mới, Lenin đã nói rằng thời kỳ chuyển tiếp này rất khó khăn, nhưng những khó khăn sẽ được khắc phục.

Trong tiếng vỗ tay vang dội của các đại biểu, Lenin tuyên bố rằng nhà nước Cộng hòa đã đạt được những thành tựu rõ rệt.

Đó là lần phát biểu cuối cùng của nhà lãnh đạo Liên bang Nga. Căn bệnh xơ vữa động mạch đang tiến triển.

Vào thứ Sáu ngày 15 tháng 12 năm 1922 Lenin viết lá thư nổi tiếng cho các ủy viên Trung ương Đảng: “Tôi đã làm xong việc bàn giao công việc và có thể đi nghỉ một cách yên ả. Chỉ còn một điều làm tôi xao xuyến rất nhiều, đó là việc không thể phát biểu tại Đại hội các Xô viết. Thứ Ba tới các bác sĩ sẽ đến khám cho tôi, chúng tôi sẽ thảo luận xem có còn một cơ hội nào dù nhỏ nhoi để tôi phát biểu hay không. Từ bỏ việc phát biểu tôi coi là sự bất tiện lớn đối với bản thân, nếu không muốn nói mạnh hơn. Đề cương diễn văn tôi đã viết ra vài ngày trước. Vì thế tôi đề nghị trong khi vẫn chuẩn bị cho một người khác đọc diễn văn thay tôi, từ nay cho đến thứ Tư hãy để ngỏ khả năng tôi trực tiếp đọc một bài diễn văn rút ngắn đi nhiều so với bình thường, chẳng hạn diễn văn dài ba giờ 15 phút...”

“Cơ hội phát biểu” đã không kịp xuất hiện. Ngay ngày 16 tháng 12 Vladimir Ilyich bị xuất huyết não lần thứ hai. Tay phải và chân phải bắt đầu bị liệt, buộc Lenin phải nằm trên giường một thời gian khá lâu.

Vào những ngày ấy, chịu cảnh “ăn không ngồi rồi” bắt buộc và nhớ lại những năm xưa cũng ở cảnh đó, Lenin nói đùa với N. K. Krupskaya và M. I. Ulyanova: “Năm 1917 tôi đã được nghỉ trong lều cỏ ở Sestroretsk(1) là nhờ có đám thiếu úy hải quân Bạch vệ, còn năm 1918 thì nhờ ơn phát súng của Kaplan. Sau đó chẳng có dịp nào nữa...”

Khi bình phục một chút, Lenin lại bắt đầu đọc tài liệu và theo dõi báo chí. Người yêu cầu được xem các phim mới. Trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng ba năm 1923, Lenin đọc cho thư ký ghi các bài báo cuối cùng của mình: “Những trang nhật ký”, “Về hợp tác xã”, “Chúng ta phải cải tổ thanh tra công nông như thế nào”, “Về cuộc cách mạng của chúng ta”, “Thà ít nhưng mà tốt”. Trong tháng Giêng năm 1923 Lenin hoàn thành “Thư gửi Đại hội”, được biết đến với tên gọi “Di chúc”. Lenin làm việc chậm hơn, mỗi ngày đọc cho thư ký ghi được mười, hai mươi, bốn mươi phút. Những bài báo được xem như di chúc chính trị của Người.

Tiếc thay, khoảng thời gian dành cho Lenin với vai trò người kiến tạo xã hội mới trong điều kiện hòa bình quá ngắn ngủi. Một vài lời khuyên của Lenin mà nếu được thực hiện có thể sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển tiếp theo của đất nước cũng như đến số phận của chủ nghĩa xã hội lại bị bỏ qua. Điều này đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội và đem đến nhiều thảm kịch.

Ngày 9 tháng 3 năm 1923 lại xảy ra xuất huyết não lần thứ ba. Tình trạng liệt nặng nửa người bên phải và không nói được phát triển. Đến giữa tháng 5 V. I. Lenin được chuyển đến Gorki trong tình trạng bệnh nặng và Lenin ở lại đây cho đến cuối đời.

Từ nửa sau của tháng 7 sức khỏe bắt đầu khá lên một cách chậm chạp. Hằng ngày Vladimir Ilyich đi dạo trong khu vườn lâu đời trên chiếc ghế đặc biệt, giấc ngủ và sự ngon miệng đã trở lại với Người.

Dần dần với sự giúp đỡ của người khác Lenin bắt đầu tập đi, và sang đầu tháng 8 Người đã có thể bắt đầu luyện tập để khôi phục ngôn ngữ.

Vào tháng 9, Lenin đã có thể vịn lan can để lên xuống cầu thang. Sang tháng 10 Người bắt đầu chống gậy tự đi trong phòng được. Ngôn ngữ dần hồi phục, V. I. Lenin bắt đầu tập viết bằng tay trái. Gần như ngày nào Người cũng vào rừng chơi: mùa hè thì đi bằng ô tô, mùa đông bằng xe trượt tuyết.

Các bác sĩ sau này kể lại rằng Lenin cảm thấy rất nặng nề vì phải sử dụng quá nhiều nhân viên y tế, theo cách nghĩ của Người, để chữa trị cho mình. Lenin cho rằng mình được dành cho quá nhiều sự ưu ái. Lenin muốn càng giảm được lao động vất vả, bận rộn của đội ngũ những người xung quanh càng tốt. “Con người này sinh ra là để phục vụ người khác và không bao giờ muốn mình là đối tượng phục vụ”, giáo sư người Đức Ferster, người đã tham gia chữa bệnh cho Lenin sau này có nói lại như vậy.

Cả nước Nga và toàn thế giới theo dõi thông báo từ Gorki.

Các đoàn đại biểu công nhân đến thăm Vladimir Ilyich. Tháng 11 năm 1923 thợ dệt nhà máy Glukhovsky chở đến 18 cây anh đào trồng trong vườn nơi Lenin ở. Bưu điện chuyển đến hàng nghìn bức thư nồng hậu, động viên người bệnh. Dưới đây là một bức thư gửi đến bệnh nhân V. I. Lenin vào đầu tháng giêng năm 1924:

“Ilyich thân mến!

Chúng tôi, những công nhân và viên chức nhà máy sản xuất dạ mỏng Serpukhovsky, có mặt trong cuộc họp chung của nhà máy, xin gửi đến đồng chí, vị lãnh tụ thân yêu, lời chào vô sản nồng nhiệt và gửi kèm theo một món quà nhỏ bé - một tấm vải dạ may áo choàng do chính thợ nhà máy Serpukhovsky sản xuất.

Hãy mặc nhé, Ilyich, hãy gìn giữ sức khỏe.

Và hãy tràn đầy hy vọng, công nhân nước Nga Xô viết luôn ở bên cạnh đồng chí...”

Ngày 8 tháng 1 năm 1924 hội nghị đảng bộ tỉnh Tula gửi lời chào nồng nhiệt và chúc vị lãnh tụ mau chóng phục hồi sức khỏe.

Ngày 16 tháng 1 Hội nghị lần thứ XIII ĐCS Nga (Bolshevik) khai mạc. Các đại biểu nhất trí bầu V. I. Lenin vào Đoàn Chủ tịch. Họ biết rằng Lenin đang ốm, nhưng tin rằng Lenin vẫn như đang có mặt tại Hội nghị, đang lãnh đạo, chỉ huấn, và đề ra đường lối đúng đắn.

Thế mà bỗng nhiên có tin dữ: Lenin không còn nữa!

“Người chiến sĩ đầy nhiệt huyết và nghị lực này đã “đốt” mình trong ngọn lửa đấu tranh không mệt mỏi,” G. M. Krzhizhanovsky đã viết trong những ngày ấy, “mà không một phút nào rời vị trí của mình. Cho đến phút chót, cho đến hơi thở cuối cùng...

Các lực lượng vĩ đại được cởi trói ở nước Nga bằng các tác phẩm của V. I. Lenin, đang chờ đợi tương lai tươi sáng của mình”(1).

Tin buồn nhanh chóng bay đi khắp thế giới, làm chấn động tâm can của cả bạn bè lẫn kẻ thù.

Ngày 22 tháng 1 vào lúc 11 giờ sáng tại Moskva khai mạc phiên họp thường kỳ của Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ XI. Nhiều đại biểu còn chưa biết tin... Nhưng chẳng mấy chốc họ cảm thấy có điều bất hạnh lớn xảy ra: phiên họp buổi chiều hôm qua đã bị hủy bỏ một cách đột ngột. Còn hôm nay không hiểu sao Đoàn Chủ tịch xuất hiện chậm trễ, nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch mắt đỏ hoe. Thế rồi Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ)(1) M. I. Kalinin bước lên diễn đàn. Lệ long lanh ở má và ria của ông. Phải khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh, ông nói:

- Đề nghị các đồng chí đứng dậy.

Mọi người đứng lên. Nhiều người vẫn còn tự trấn tĩnh rằng hôm nay là Ngày tưởng niệm các nạn nhân của Ngày Chủ nhật đẫm máu 9 tháng 1 năm 1905. Và khi dàn nhạc cử bài hành khúc đưa tang thì nhiều người vẫn hy vọng đó chỉ là để tưởng niệm những người bị bắn chết trước Cung điện Mùa Đông năm xưa. Thế nhưng dàn nhạc đột ngột ngừng cử nhạc.

- Thưa các đồng chí! - Kalinin cất giọng run run - Tôi thông báo cho các đồng chí một tin đau buồn. Sức khỏe của Vladimir Ilyich trong thời gian vừa qua đã xấu đi nhiều. Hôm qua lại xảy ra đột quỵ với Người, Vladimir Ilyich đã từ trần.

Tiếng nức nở vang lên khắp phòng họp.

Hơn 400 con người như chết lặng. Phòng họp vốn sáng sủa tối đi trong mắt họ.

Mọi sự tiếp theo như trong cơn mơ - một trong những người chứng kiến kể lại. - Tôi nhớ có rất nhiều gương mặt nông dân úp vào hai bàn tay khóc sùi sụt, những con người “can trường” nuốt nước mắt, nghĩa là cố tỏ ra can trường... Phiên họp được tuyên bố kết thúc... Nhưng không ai muốn đi ra... Đi đâu bây giờ?... Làm gì bây giờ?... Tiếng nhạc tang... Thế là diễn ra cảnh tượng không tả nổi. Một sự thổn thức âm ỉ bao trùm. Người nào không muốn khóc trước mặt mọi người thì chạy vào một góc nào đó”.

Một không khí đau buồn bao phủ đất nước.

Trên phố xá Moskva người ta tranh nhau giật các số báo đặc biệt Sự thật (Pravda) và Tin tức (Izvestiya) trên tay những người bán báo. Nhìn vào chân dung Lenin trong khung tang, họ không tin nổi điều đã xảy ra. Mắt mờ đi vì lệ, họ đọc:

THÔNG CÁO CỦA CHÍNH PHỦ

Vào hồi 6 giờ 50 phút chiều ngày 21 tháng giêng Vladimir Ilyich ULYANOV-LENIN đã từ trần ở Gorki gần Moskva.

Không có triệu chứng nào cho thấy sắp xảy ra kết cục tử vong.

Thời gian gần đây tình trạng sức khỏe của Vladimir Ilyich đã tốt lên nhiều. Mọi sự khiến ai cũng nghĩ rằng sức khỏe của Người sẽ tiếp tục được cải thiện. Hôm qua tình trạng sức khỏe của Vladimir Ilyich đột ngột xấu hẳn đi. Chỉ vài giờ sau Vladimir Ilyich đã không còn nữa.

Đại hội các Xô viết toàn Nga đang họp ở Moskva, cũng như Đại hội toàn Liên bang khai mạc trong những ngày tới, sẽ thông qua các nghị quyết để đảm bảo công việc của Chính phủ Liên Xô tiếp tục thông suốt không gián đoạn.

Đây là tổn thất nặng nề nhất đối với nhân dân lao động Liên Xô, cũng như lao động trên toàn thế giới kể từ khi công nhân và nông dân nước Nga giành được chính quyền. Nó đang làm chấn động tâm can của mỗi người công nhân và nông dân không chỉ của nước Cộng hòa chúng ta, mà của tất cả các nước. Các tầng lớp quần chúng lao động đông đảo trên toàn thế giới sẽ khóc vĩnh biệt vị lãnh tụ vĩ đại nhất của mình.

Người không còn bên cạnh chúng ta nữa, nhưng sự nghiệp của Người thì không gì lay chuyển nổi.

Thể hiện ý nguyện của quần chúng lao động, Chính phủ Liên Xô sẽ tiếp tục sự nghiệp của Vladimir Ilyich, đi tiếp con đường Người đã vạch ra. Chính quyền Xô viết luôn đứng vững chắc trên vị trí bảo vệ những thành quả của cách mạng vô sản.

Moskva, Kremli, ngày 22 tháng Giêng năm 1924.

Số báo đặc biệt cũng thông báo rằng Đại hội các Xô viết toàn Nga đã tạm dừng công việc, tuyên bố ngày 21 là ngày tang và ra lời kêu gọi nhân dân các nước Cộng hòa thuộc liên bang. Trong thông báo của các bác sĩ chữa bệnh cho Lenin có dẫn ra kết quả giải phẫu. Ban tổ chức tang lễ V. I. Lenin, được thành lập vào đêm 22 tháng Giêng, thông báo rằng chuyến xe lửa chở thi hài nhà lãnh đạo chính phủ Liên Xô sẽ đến ga Paveletsky ở Moskva v 3424 o hồi 13 giờ ngày 23 tháng Giêng, linh cữu sẽ quàn tại Phòng Khánh tiết (Phòng Cột) Nhà Công đoàn, mở cửa cho viếng vào hồi 19 giờ cùng ngày, còn ngày an táng sẽ đặc biệt công bố sau đó. Thành thị và làng mạc chìm trong không khí đau thương tang tóc, khóc thương vĩnh biệt nhà cách mạng vĩ đại. Trên các tòa nhà treo cờ đỏ có dải băng tang và chân dung Lenin. Hễ tin đau buồn này lan tới địa phương nào thì người dân ở đó tự phát đi đến các trụ sở huyện ủy và Xô viết huyện và xuất hiện các cuộc mít tinh.

Các cuộc họp truy điệu diễn ra tại các nhà máy và xưởng thợ, các trường phổ thông và đại học, các trung đoàn và phi đoàn. Các đảng viên, đoàn viên cộng sản, đội viên thiếu niên tiền phong túc trực bên chân dung và tượng Lenin. Những người phát biểu tại các cuộc mít tinh và lễ truy điệu thề sẽ ghi nhớ những lời dạy của Lenin và đi theo con đường đã chọn.

Mặc dù có bão tuyết mạnh, phố xá Petrograd Đỏ ngày 22 tháng Giêng đầy người. Những người dân thành phố mang tên Pyotr, “được Ilyich đưa vào trận đánh”, đã không thể tin, không muốn tin rằng Người đã mất. Trong các cuộc mít tinh tại các nhà máy giai cấp vô sản đã quyết: đề nghị BCHTƯ toàn Nga an táng vị lãnh tụ thân yêu và gần gũi ở Petrograd, trên quảng trường Các Liệt sĩ cách mạng, và lấy tên Lenin đặt cho thành phố, nơi Người đã giương cao ngọn cờ cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thắng.

Các khu phố công nhân của Kharkov, thủ đô Ukraina, giống như một tổ kiến sôi sục. Trên các quảng trường, tại các ngã tư các đám đông đứng tràn xuống đường làm cản trở giao thông chỉ để đợi nghe thông báo chính thức. Tiếng còi tang không dứt của các nhà máy, xí nghiệp, đầu tàu vang lên làm rung động không trung.

Suốt đêm những đám người hồi hộp muốn biết chi tiết bao kín các tòa báo ở Tbilisi(1). Lệ ứa trong mắt nhiều công nhân sắp chữ cho số báo đặc biệt. Do làn sóng người dồn đến nhà in nên người ta phải cử đoàn viên thanh niên cộng sản đứng gác.

Tại đền Spassky ở Moskva, giám mục Antoniy đã làm “lễ cầu nguyện và tưởng niệm, ghi nhớ công lao của Lenin vì người lao động và người nghèo”. Tại nhà thờ St. Sophia ở Kiev tin điện về việc Lenin từ trần được đọc trên bục trước điện thờ. Lễ đạo tạm dừng và dàn đồng ca hát bài Ghi nhớ đời đời.

Trong nhà tù thành phố Szeged của Hungary, các tù nhân biết tin Lenin qua đời thông qua một tờ báo được bí mật chuyển cho một tù chính trị khi gặp người nhà. Sáu mươi người tù cộng sản đã để tang Lenin bằng cách để đầu trần khi vào các công xưởng, nơi họ bị buộc phải lao động vào các buổi sáng.

Số báo đặc biệt ra khẩn cấp ngày 22 tháng Giêng kết hợp cả hai báo Sự thậtTin tức. Tờ báo mở đầu bằng tin UBTƯ ĐCS Nga (Bolshevik) ra “Lời kêu gọi toàn Đảng và mọi người lao động”:

“... Đã mất đi người lãnh đạo và chỉ huy Đảng ta, mà dưới sự lãnh đạo ấy Đảng ta, từ trong khói súng vươn cánh tay quyền lực cắm Lá cờ Đỏ của Tháng Mười trên khắp đất nước, đã đập tan sự kháng cự của kẻ thù, xác lập vững chắc sự thống trị của người lao động ở nước Nga Sa hoàng cũ...

Lenin, hơn ai hết, đã biết nhìn ra cái lớn và cái nhỏ, tiên đoán những bước ngoặt lịch sử trọng đại nhất, đồng thời biết tính đến và tận dụng từng chi tiết nhỏ; Người biết tấn công dồn dập khi cần và rút lui khi cần để chuẩn bị cuộc tấn công mới. Người không rập khuôn những công thức cứng nhắc nào, không có điều gì khuất khỏi tầm nhìn của đôi mắt thông tuệ, nhìn thấy mọi điều của Người, bởi vì Người là lãnh tụ bẩm sinh của đội quân vô sản, thiên tài của giai cấp công nhân...”

Tiếc thay, những nhà lãnh đạo mới của Đảng không có những phẩm chất ấy của Lenin. Biết nắm bắt toàn bộ các yếu tố mâu thuẫn nhau và xác định khuynh hướng chính, xem xét những phương án có thể có của tiến trình các sự kiện và đề ra một chính sách hữu hiệu - đấy là nghệ thuật vĩ đại của Lenin mà ta phải học, học mãi.

Trong số báo đặc biệt thứ hai cũng đăng lời hiệu triệu của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga gửi toàn thể các đoàn viên, toàn thể những công nhân và nông dân trẻ tuổi của đất nước, cùng với mệnh lệnh số 39 của Hội đồng Quân sự Cách mạng Liên Xô. Hội đồng Quân sự Cách mạng kêu gọi Hồng quân và Hải quân Đỏ “hãy giữ vững vị trí khó khăn là người bảo vệ trước nhất những thành quả của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại với tinh thần kiên định và sắt đá hơn nữa”. “Trung thành với những di huấn của Lenin - mệnh lệnh viết tiếp, - Hồng quân và Hải quân Đỏ công nông đang và sẽ là điểm tựa cho sự hùng mạnh của nhà nước Xô viết và sự răn đe đối với mọi kẻ thù của đất nước”.

Trong thư của Hội đồng Trung ương toàn Liên bang các công đoàn gửi các đoàn viên công đoàn có nói: “Trong những ngày nặng nề này sẽ không có sự nản lòng trong hàng ngũ chúng ta. Mỗi người công nhân và viên chức hãy nhớ rằng tượng đài tốt nhất đối với Lenin sẽ là nhiệt tình không gì lay chuyển nổi và niềm tin vào sự nghiệp của mình, cùng với lao động miệt mài hơn”.

Báo chí và các đài phát thanh trên toàn thế giới đều đưa tin về việc Lenin từ trần. Không thể im lặng trước cái chết của lãnh tụ cách mạng Nga, người mà, như theo lời Bernard Shaw, đã chỉ ra tương lai của nền văn minh.

Ngay ngày 22 tháng 1, tất cả các báo buổi chiều của Stockholm đã đăng tin của Thông tấn xã Nga (ROSTA) về việc Lenin mất và chân dung của Người.

Tất cả các báo của Đức đều viết bình luận hay xã luận về sự ra đi của Lenin và gọi ông là người có năng lực hiếm có, sức mạnh ý chí lớn lao, trung thành với quan niệm của mình. Báo Deutsche Tageszeitung (Nhật báo nước Đức) viết: “Lenin thuộc về những nhân vật khổng lồ của nhân loại mà hoạt động để lại phía sau mình những dấu ấn không thể phai mờ”.

Tất cả các báo của Anh đều đăng bài và tiểu sử Lenin. “Một đám tang bao trùm nước Nga, - tờ Daily Herald (Thông tín viên hằng ngày) viết - đây không phải đám tang vị Chủ tịch Hội đồng Dân ủy, mà là đám tang Ilyich, người bạn của quần chúng lao động...”

“Tôi vô cùng bàng hoàng về sự ra đi của Lenin, tổn thất không gì bù đắp được”, điện chia buồn của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Pasha(1) viết. Các tổng thống và thủ tướng hàng loạt quốc gia cũng gửi điện chia buồn tương tự.

Nhà xã hội dân chủ người Đức Karl Kautsky đã nói: “Những bất đồng giữa chúng tôi không khiến tôi không nhìn thấy sự vĩ đại của người đã mất. Ông là một nhân vật khổng lồ, những người như thế rất hiếm trong lịch sử thế giới”.

Nhà hoạt động cấp tiến phái tả Édouard Herriot, sau này là Thủ tướng Pháp, tuyên bố: “Không cần nói thì ai cũng biết, quan điểm của tôi cách rất xa học thuyết Lenin, nhưng tôi luôn khâm phục tài năng hiếm có của nhà lãnh đạo quốc gia này, quyết tâm, nghị lực học vấn thực sự bách khoa của ông. Tôi tin rằng giá như còn sống thì ông còn làm được nhiều việc cho đất nước ông, vì đó là một con người biết đánh giá mọi tình hình và biết tìm ra lối thoát cho tình hình ấy”.

Trải qua tâm trạng đau buồn nhất do cái chết của nhà cách mạng vĩ đại là những người cộng sản, thành viên các tổ chức công nhân tiến bộ và những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và độc lập của các dân tộc thuộc địa.

Hội đồng thị chính Saint Denis(1) (Pháp) do những người cộng sản lãnh đạo, đã quyết định đặt tượng bán thân Lenin ở trước tòa thị chính và lấy tên ông đặt cho một quảng trường của đô thị này. Đại hội đầu tiên của Quốc dân Đảng Trung Quốc, ngày đó do người bạn của nước Nga Xô viết là Tôn Trung Sơn lãnh đạo, khi biết tin Lenin mất, đã tạm ngừng phiên họp và tuyên bố ba ngày để tang. Tại cuộc mít tinh để tưởng niệm Lenin, Tôn Trung Sơn đã đọc diễn văn, trong đó có nói rằng: “Tôi đã đi theo con đường của Anh, và mặc dù các kẻ thù của tôi chống lại việc đó, nhưng nhân dân tôi sẽ hoan nghênh tôi. Anh đã mất, trời không cho Anh kéo dài thêm cuộc sống, nhưng trong trí nhớ của các dân tộc bị áp bức, Anh, con người vĩ đại, sẽ sống mãi”.

“Nam Phi hòa vào tâm trạng đau buồn của thế giới về sự ra đi của vị lãnh tụ”, - những người cộng sản hoạt động bí mật ở xứ sở xa xôi đang bị bọn thực dân và phân biệt chủng tộc giày xéo cũng lên tiếng.

Ở một châu lục khác là châu Mỹ, thống đốc bang San Luis Potosí của Mexico Jorge Manrique, Chủ tịch Mặt trận công nông thống nhất, đã tuyên bố để tang Lenin hai ngày và treo cờ rủ trên các công sở chính quyền.

Thủ lĩnh Đảng Xã hội Mỹ E. Debs tuyên bố: “Tôi đánh giá Lenin cao hơn tất cả các nhà hoạt động châu Âu... Trong tâm trí của thế hệ tương lai ông sẽ là nhà hoạt động nhà nước vĩ đại nhất, là cá nhân anh hùng xán lạn, là chiến sĩ đấu tranh cho các quyền và tự do của nhân dân lao động”.

Nhà cách mạng Đông Dương Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh, vào những ngày đó đã viết trên tờ Sự thật: “Lenin đã mất! Như tia chớp giữa trời quang, tin này lan nhanh trên các đồng bằng màu mỡ của châu Phi và những cánh đồng xanh ngát của châu Á... Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội”.

Tại Paris, Copenhagen, Praha, Bratislava, Stockholm, Havana(1), Urga(2) và các thành phố khác đã diễn ra các lễ truy điệu. Tại Christiania(3) và các nơi khác ở Na Uy, người ta đã dừng công việc trong năm phút để tưởng niệm Lenin.

Toàn thể nhân loại tiến bộ nghiêng mình trước anh linh Vladimir Ilyich Lenin.

Hết chương 1. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26584


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận