Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 3

Chương 3
Lăng tẩm, đài kỷ niệm, diễn đàn.

Lăng tẩm các danh nhân và nhân vật lịch sử đều là biểu tượng của thời đại. Kim tự tháp Cheops, lăng mộ Mausolus là như vậy, Taj Mahal cũng vậy... Lăng Lenin cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Có thể có thái độ khác nhau đối với những người nằm trong lăng tẩm, cái đó còn tùy thuộc anh là kẻ bảo hoàng hay ủng hộ nền cộng hòa, là tín đồ Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo, là đảng viên xã hội dân chủ hay đảng viên cộng sản. Nhưng hãy đồng ý rằng những lăng tẩm như vậy và hành động của những người yên nghỉ tại đó đều là tài sản của toàn thể nhân loại, của lịch sử đầy bão tố và văn hóa nhiều diện mạo của nhân loại.

Lẽ nào sự kiện phá hoại lăng mộ của ông vua xứ Caria Mausolus(1) đã tồn tại gần 18 thế kỷ không gây ra nỗi đau xót?

Và ai mà không thót tim khi đọc báo thấy nói bọn cực đoan lại đe dọa cho nổ tung Taj Mahal? Hoặc thông tin về những kẻ Hồi giáo chính thống cực đoan, tức giận vì Ai Cập tham gia liên minh chống Iraq năm 1991, đã kêu gọi bắn rốc két vào các kim tự tháp hùng vĩ? Những xúc cảm ấy là dễ hiểu. Những lăng mộ ấy là biểu tượng của thời đại của chúng, do đó luôn quý giá đối với chúng ta và con cháu chúng ta. Thiếu chúng thì nhân loại, lịch sử và văn hóa nhân loại sẽ trở nên nghèo nàn hơn.

Quần thể Quảng trường Đỏ với Lăng Lenin và hàng mộ trang trọng bên tường thành Kremli, cũng như các Kim tự tháp Ai Cập, đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Người Ai Cập theo đạo Hồi không kêu gọi phá bỏ các kim tự tháp, nơi yên nghỉ của những người theo đa thần giáo và không đòi chôn các pharaông theo phong tục Hồi giáo. Người Ai Cập tự hào về lịch sử và những tổ tiên nổi tiếng của mình. Đất nước ấy đang gìn giữ trân trọng xác ướp của khoảng 60 pharaông cai trị cách đ y 30-40 thế kỷ. Ai cũng có thể vào xem họ. Còn ở trung tâm Cairo sừng sững bức tượng khổng lồ của một người trong số họ - ông vua tạo lập nên quốc gia rộng lớn ấy: Ramses II. Chân dung các nhà cai trị cổ xưa này được đúc trên các đồng tiền và in trên giấy bạc Ai Cập.

Kim tự tháp Ai Cập và xác ướp các pharaông là tài sản của toàn thể nhân loại, của toàn thể nền văn minh thế giới, là những trang vàng của lịch sử. Hàng triệu người đến để nhìn thấy các pharaông. Không ai để ý đến quan điểm chính trị và tôn giáo của họ.

...Đêm ngày 24 tháng 1 năm 1924 kiến trúc sư A. V. Shchusev nhận được nhiệm vụ khẩn cấp của Chính phủ: vào thời điểm an táng Lenin phải thiết kế và xây dựng xong trên Quảng trường Đỏ, bên tường thành Kremli một ngôi Lăng tạm thời có hầm mộ để đặt quan tài vị lãnh tụ. Yêu cầu đặt ra là lăng mộ có thể cho phép nhiều người vào được để vĩnh biệt Vladimir Ilyich.

Trong đêm ấy Shchusev lững thững đi rất lâu trên Quảng trường Đỏ, ngắm nghía như thể lần đầu tiên trông thấy nó. Những ý tưởng chín dần trong đầu ông.

“Tôi chỉ có thời gian vớ lấy những dụng cụ cần thiết từ xưởng của mình, rồi đến ngay chỗ làm việc dành cho tôi. - Shchusev nhớ lại - Sáng ra đã phải bắt tay vào tháo dỡ các lễ đài, đặt móng và hầm mộ của Lăng. Trước khi bắt tay vào phác thảo Lăng, tôi đã mời kiến trúc sư L. A. Vesnin (đã quá cố)(1) đến để tư vấn về những nguyên tắc kiến trúc của ông và kiến trúc sư Antipov.

...Tôi trình bày quan điểm của mình, rằng hình thể Lăng không được cao quá mà có dạng bậc thang. Dòng chữ trên Lăng tôi đề nghị chỉ viết đơn giản gồm một từ LENIN”.

Buối sáng phác thảo thiết kế Lăng đã sẵn sàng, được ủy ban của chính phủ thông qua. Sau khi ra Quảng trường Đỏ, Shchusev đã phân hoạch địa điểm công trường cạnh Tháp Senatskaya của Kremli.

Vì thời hạn ngắn nên Lăng được thiết kế tạm thời và được xây dựng bằng gỗ, loại vật liệu dễ xử lý nhất.

Theo bản vẽ của Shchusev, tại kho gỗ Sokolniki người ta đã làm các xà và tấm từ gỗ thông Arkhangel. Những vật liệu gỗ đó được chở bằng xe ngựa đến Quảng trường Đỏ.

“Lăng tẩm của vị lãnh tụ, - nhà xây dựng G. I. Grigoryev nhớ lại. - được dựng bởi hơn một trăm người của Phòng xây dựng Sokolniki và Sở công trình công cộng Moskva. Hằng ngày có nhiều công nhân tình nguyện đến công trường để tham gia xây dựng Lăng Lenin”.

Băng giá dữ dội xuống đến 30 độ âm. Khi một bác thợ mộc có râu được hỏi: “Có lạnh không, hả bố?” thì bác trả lời: “Có, nhưng trong tim còn lạnh hơn”.

Tiếng xà beng, tiếng cuốc chim, tiếng xẻng vang lên khô khốc trong không khí băng giá. Nhiệm vụ là phải đào đi 50 mét khối đất. Nhưng đất đóng băng cứng như đá. Xà beng chùn lại. Những đống lửa đốt lên để sưởi ấm đất hầu như không ăn thua gì.

Phải huy động đến lực lượng công binh Hồng quân. Họ tập trung và bắt tay vào việc. Họ khoan giếng, đặt dây cháy chậm. Cho nổ dưới đất phải cẩn thận để khỏi hư hại các ngôi mộ chung, tượng Người Công nhân ở ngay gần đấy, và tấm biển kỷ niệm trên tháp Senatskaya. Các chiến sĩ sử dụng loại đạn phá nhỏ.

Hễ hiệu lệnh: “Cẩn thận, nấp!” vang lên thì mọi người nấp vào những vị trí an toàn. Những tiếng nổ ngắn vang lên. Đất đá bắn tung lên không. Người dân Moskva lo lắng dõi theo những loạt tiếng nổ bất thình lình, như tiếng đại bác... Mãi đến chiều ngày 24 tháng 1 mới chạm tới lớp đất mềm, bị đông cứng dưới sâu 1,5 mét...

“Họ làm việc cả ngày lẫn đêm, dưới ánh đèn pha, - G. I. Grigoryev nhớ lại. - Thỉnh thoảng họ lại chạy đi sưởi ấm trong hai tao trà điện, đặt ở gần công trường và có trang bị lò sưởi điện, hoặc sưởi quanh các đống lửa đốt từ gỗ vụn, vỏ bào. Sau mười phút sưởi lại bắt tay vào làm việc! Hết ca rồi nhưng họ vẫn không muốn về mà tiếp tục làm việc”.

Các thành viên Ban tổ chức tang lễ V. I. Lenin của chính phủ, kiến trúc sư A. V. Shchusev, trưởng phòng xây dựng quận Sokolniki M. Ye. Borzov thường xuyên theo dõi việc xây Lăng.

Các lãnh đạo công đoàn xây dựng Moskva luôn có mặt trên công trường.

Những người đào đất bất ngờ chạm phải dây cáp điện ngầm, rồi các bức tường và vòm cổ. Điều đó khiến cho công việc chậm lại và vất vả thêm. Việc thiếu một số vật liệu xây dựng mà nhu cầu mới nảy sinh trong quá trình thi công cũng làm chậm tiến độ. Để kịp thời hạn, chỉ huy trưởng công trường I. K. Yudin đề nghị, ủy ban xây hầm mộ (V. D. Bonch-Bruevich, T. V. Sapronov và I. V. Tsivtsivadze) và A. V. Shchusev đồng ý giảm một chút kích thước hố móng, không dựng các cột trên lăng mộ như thiết kế của kiến trúc sư.

Trong khi công nhân và công binh đào hố móng thì thợ mộc tranh thủ thời gian đóng khung xương bằng gỗ của Lăng ngay trên công trường, để sau đó sẵn sàng hạ khung vào chỗ đã định.

Một đại diện của công đoàn xây dựng là A. F. Kuzovatkin nhớ lại, các nhà cách mạng nước ngoài cũng tham gia giúp xây dựng Lăng. Đoàn Hungary do Bela Kun(1) dẫn đầu đã đến công trường ngày 25 tháng 1. Sau đó là người Ba Lan, người Áo, người Phần Lan, người Trung Quốc...

Lăng được hoàn thành đúng hạn. Ngày 25 tháng 1, vào lúc 16 giờ Lăng đã tiếp nhận quan tài vị lãnh tụ cách mạng.

Hằng ngày các đoàn đại biểu chưa kịp viếng Lenin trong lễ tang đã đến đây. Dưới chân Lăng lại xuất hiện vô số vòng hoa.

*  *  *

Lăng bằng gỗ đầu tiên rất khác với Lăng bằng đá hoa cương (granit) ngày nay.

Từ mặt đất nhô lên một hình lập phương màu xám sẫm, phía trên là hình kim tự tháp ba bậc nhỏ. Đó là kết hợp của hai biểu tượng cho sự vĩnh cửu là hình lập phương và kim tự tháp. Được làm bằng kiểu ván bào nhẵn, Lăng nhô cao trên mặt đất khoảng ba mét. Mặt tiền có gắn những thanh gỗ đen xếp thành chữ LENIN.

Chọn lối kiến trúc tòa nhà kiểu bậc thang, Shchusev đã khéo léo sử dụng những quy luật phối cảnh xây dựng các công trình cổ của Quảng trường Đỏ.

Bên phải và bên trái khối nhà hình lập phương có hai ngôi nhà bằng gỗ giống nhau, trông tựa như chòi canh, là lối vào và lối ra cho khách viếng thăm. Cầu thang bên phải dẫn xuống gần ba mét, vào phòng Tang lễ. Tường cầu thang và tường phòng của tòa nhà hình lập phương được ốp vật liệu màu đỏ có những sọc đen dưới dạng cột trụ áp tường. Trên trần hầm mộ, trên nền vật liệu màu đỏ và màu đen, xếp thành những nếp gấp, giống như những tia sáng hội tụ vào tâm, rực cháy lên biểu tượng của chính quyền công nông - cây búa và cái liềm. Nội thất được trang trí bằng các tranh của họa sĩ I. I. Nivinsky.

Ở giữa phòng, quan quách có thi hài Lenin được đặt cao trên bệ. Nắp quan tài bằng kim loại có khoét những ô bằng kính - hai ô bên sườn và một ô phía trên, qua đó có thể nhìn thấy V. I. Lenin đến tận vùng thắt lưng.

Hầm mộ được chiếu sáng bằng hai chùm đèn lắp trên cột mảnh, ngay phía trên quan tài. Cửa vào bằng kính ngăn phòng Tang lễ với lối hành lang đi vào. Hai cửa số lắp kính giúp cho hầm mộ không cần bật đèn vào những ngày thời tiết nắng ráo.

Ngày 30 tháng 1 Ban tổ chức tang lễ V. I. Lenin thông báo rằng, do “công việc xây hầm mộ cho V. I. Lenin quá gấp gáp và chưa hoàn thành xong toàn bộ công việc cũng như lắp đặt thiết bị bên trong hầm mộ”, nên tạm thời hầm mộ chưa mở cửa cho khách thăm viếng. Đến giữa tháng 2 Lăng đã mở cửa cho khách thăm viếng.

Hằng ngày trên Quảng trường Đỏ tụ tập rất đông đảo quần chúng muốn vào tận trong để tiễn biệt Lenin. Tuy nhiên không thể cho hết mọi người vào hầm mộ được: kích thước hầm mộ không lớn, hơn nữa khi đông người vào, không khí trong hầm mộ nóng lên, ảnh hưởng xấu đến việc bảo quản thi hài. Tuy việc vào Lăng có phần hạn chế, chỉ trong một tháng rưỡi đã có hơn mười vạn người vào lăng.

Mùa xuân đang đến gần. Thời tiết ấm lên khiến việc tiếp tục bảo quản thi hài tại đây là không thể được. Đến cuối tháng 3, Lăng lại đóng cửa để các nhà bác học thực hiện việc ướp lại lần mới thi hài Lenin.

*  *  *

Ủy ban chính phủ về việc lưu giữ đời đời kỷ niệm về V. I. Lenin (Chủ tịch là F. Dzerzhinsky) trao cho L. B. Krasin nhiệm vụ giúp các nhà khoa học, cũng như tổ chức hoàn thiện hầm mộ. Krasin viết trên báo Sự thật: “Công trình tạm thời mọc lên trên Quảng trường Đỏ trong một thời hạn ngắn, vào những ngày đáng ghi nhớ ấy sau khi vị lãnh tụ từ trần, dĩ nhiên chỉ có thể tồn tại đúng trong khoảng thời gian cần có để xây dựng một lăng tẩm trường cửu”.

Ý nghĩ về việc xây dựng một lăng mộ xứng đáng với vị lãnh tụ kính yêu luôn khuấy động tâm trí những công dân Xô viết ngay từ ngày để tang đầu tiên. Ngày 25 tháng 1, công nhân nhà máy đèn điện quốc gia số 1 đề nghị xây một cung tưởng niệm. Những người khác, chẳng hạn như các cán bộ Tổng c c Quản lý kỹ thuật hàng hải, cũng có những ý nghĩ ấy. Người ta thảo luận trên báo chí, trong các cuộc hội họp, xem một Lăng vĩnh cửu mới phải như thế nào. Một số người đề nghị xây dựng một lăng mộ đồ sộ. Những người khác lại bảo nên xây tháp cao, mà trên đỉnh tháp sẽ có một quả địa cầu quay tròn, bởi lẽ toàn thế giới đều biết đến tên tuổi của Lenin. Lại có những người đề đạt là xây một bức tượng khổng lồ.

Nhưng trong kiến trúc, độ lớn và sự hùng vĩ không phải bao giờ cũng là một. Kiến trúc sư Shchusev và các thành viên Ủy ban chính phủ đã nghĩ như vậy. Một người trong số họ, nhà cách mạng nổi tiếng L. B. Krasin, bạn của Lenin, đã viết trong những ngày ấy: “Ngay cả một công trình kiến trúc bản thân là tuyệt mỹ đặt vào quảng trường lịch sử này, cũng có thể trở nên xa lạ không ăn nhập, như thể vô tình bị nhấc vào đây”. Ông cảnh báo: “Mọi tượng đài kỷ niệm xây trên mặt đất quá to cũng sẽ làm hại cảnh quan kiến trúc hoàn chỉnh của quảng trường”.

Krasin cho rằng Lăng mới, cũng như Lăng đầu tiên, không được quá cao, nói chung không được nhô hẳn lên trên quảng trường. Ông viết: “Bản thân Quảng trường Đỏ đã là một tượng đài kiến trúc, đã định hình và rất hoàn chỉnh. Do đó thật là khó, nếu như không muốn nói là không thể đặt lên Quảng trường Đỏ bất kỳ một công trình cao nào mà nó lại hòa hợp với tất cả những công trình xung quanh, với tường thành Kremli, với các ngọn tháp, nhà thờ và mái hình bát úp nhô lên phía trong bức tường thành Kremli, với Cổng Spassky, nhà thờ Thánh Vasily(1) và các tòa nhà bao quanh Quảng trường...”

Kiến trúc sư A. Shchusev nhận nhiệm vụ mới của chính phủ: xây lại Lăng, tạo cho nó hình dáng kiến trúc-mỹ thuật hoành tráng. Ông phải giữ gìn những đường nét đơn giản, về mặt kiến trúc phải kết hợp hài hòa Lăng với tường thành Kremli và Quảng trường Đỏ.

Ngày 1 tháng 3 tại Hội kiến trúc Moskva diễn ra cuộc thảo luận về các hình dáng của nơi lưu lại mãi mãi ký ức về Lenin dưới sự chủ tọa của A. Shchusev. L. Krasin phát biểu ý kiến. Ông cho rằng nên tạo cho lăng mộ vị lãnh tụ “hình dáng một lễ đài nhân dân, để từ đó các thế hệ tương lai sẽ đọc diễn văn trên Quảng trường Đỏ”. Krasin khuyên nên tránh những tượng lớn trên Lăng. “Còn về những dòng chữ ở lăng mộ”, ông nói, “thì không nên lạm dụng, và có lẽ giải pháp tốt nhất chính là dòng chữ cực kỳ đơn giản gắn ở công trình lăng tạm thời - chỉ đơn giản là LENIN”.

Một số người cho rằng không cần một Lăng hay mộ riêng biệt. Tác giả một bài báo trên tờ Sự thật tranh luận với L. Krasin và đề nghị dựng trên Quảng trường Đỏ “bức tượng Lenin kêu gọi giai cấp vô sản quyết chiến trận chiến đấu một mất một còn với chủ nghĩa tư bản. Quảng trường Đỏ đã từng nhiều lần chứng kiến Người như vậy. Người sẽ mãi mãi như vậy tại đó”.

Đa số các kiến trúc sư tham gia cuộc thảo luận nhất trí rằng mộ Lenin “theo điều kiện tổng thể kiến trúc của Quảng trường Đỏ không được có kích thước quá lớn”, nhưng phải hoành tráng và “có tính chất ngầm dưới đất với một phần nhỏ nhô lên trên mặt đất...”

Người ta đã quyết định không xây một hầm mộ xa hoa hay một tượng đài khổng lồ. Tiếng nói của N. K. Krupskaya đóng vai trò không nhỏ ở đây, khi bà viết trên báo Sự thật: “Đừng bày đặt cho Người những tượng đài, những cung điện mang tên Người, những lễ nghi trọng thể xa xỉ để tưởng nhớ Người - tất cả những cái đó Người rất ít quan tâm, Người cảm thấy khổ sở vì tất cả những cái đó. Hãy nhớ rằng hãy còn nhiều người nghèo khổ, nhiều cảnh đời bấp bênh ở đất nước ta...”. Người ta đã tính rằng Lenin luôn luôn là một người khiêm tốn.

Ngày 9 tháng 1 năm 1925 Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Liên Xô đã thông qua Nghị quyết “Về cuộc thi cấp I các thiết kế xây dựng đài kỷ niệm - Lăng vĩnh cửu của V. I. Lenin trên Quảng trường Đỏ ở Moskva”. Nghị quyết nêu rõ: “ Trong thành phần của toàn bộ công trình phải có lễ đài với vai trò là trung tâm của Quảng trường Đỏ. Lễ đài phải tính toán để chứa được đoàn chủ tịch của cuộc mít tinh toàn dân trên Quảng trường Đỏ với một cái bệ nhô ra độc lập dành cho diễn giả”. Như vậy, Lăng phải vừa là hầm mộ, vừa là đài kỷ niệm và lễ đài, nơi cất lên những diễn văn trước nhân dân.

Làm sao tạo ra trên Quảng trường Đỏ, giữa những công trình bằng đá bề thế, một tòa Lăng bằng gỗ, để nó trở thành yếu tố trung tâm của tổng thể kiến trúc đã nổi tiếng khắp thế giới?

“Tôi đi tìm những hình mẫu tương tự trong lịch sử kiến trúc thế giới”, sau này A. V. Shchusev viết. “Hình kim tự tháp đối với Lăng trên Quảng trường Đỏ tôi thấy không phù hợp. “Lenin đã mất, nhưng sự nghiệp của Người vẫn sống” - tôi cảm thấy có lẽ tư tưởng đó phải được thể hiện trong kiến trúc Lăng của Người. Từ xuất phát điểm ấy, tôi đã tạo ra cấu trúc đài kỷ niệm dạng bậc thang”. Phác thảo Lăng có lễ đài đã được thông qua, thế là Shchusev bắt tay vào thiết kế chi tiết.

Shchusev muốn thể hiện niềm tin vào những lý tưởng tươi sáng, vào sức mạnh của chúng trong kiến trúc Lăng. Ngày nay phủ nhận hay lên án nó cũng vô nghĩa, vô đạo đức giống như, giả dụ, phê phán người tạo ra kim tự tháp Cheops vì nó như thế mà không phải thế khác.

Shchusev đã giải quyết xuất sắc vấn đề phức tạp này. Ông giữ cấu hình bậc thang của những hình dạng Lăng đơn giản, cô đọng, tằng kích thước của nó, bổ sung thêm sảnh hở trên nóc với hàng cột bao và lễ đài. Hầm mộ đã trở nên hoành tráng hơn, hoàn chỉnh hơn và hùng vĩ hơn.

Ngày 14 tháng 3 Ủy ban chính phủ phê chuẩn thiết kế quách bằng pha lê, do kiến trúc sư K. Melnikov đề xuất.

Mùa xuân năm 1924 việc xây Lăng Lenin mới đã bắt đầu. Đến mùng 1 tháng 5 đa phần công việc đã hoàn tất.

Những người tham gia cuộc tuần hành ngày 1 tháng 5 đã ngả cờ trước hầm mộ mới màu nâu sáng.

Bao quanh Lăng là một vườn cỏ hình lục giác có hàng rào sắt thấp. Những tấm gỗ sồi ở tầng dưới cùng của Lăng xếp thành hàng thẳng đứng nghiêm chỉnh, làm thành bức tường dường như không gì phá nổi. Chúng được “khâu” với nhau bằng đinh rèn có hình trang trí mà mũ đinh nhô lên trên gỗ giống như đinh gia cường trên vỏ thiết giáp, tuy kiệm lời, nhưng một lần nữa nhấn mạnh rất ấn tượng tính hoành tráng của tòa nhà. Các bậc của hầm mộ, ngược lại, được lát bằng những tấm gỗ nằm ngang, tạo vẻ nhẹ nhàng cho tòa nhà. Thanh kéo, cửa và hàng cột của sảnh hở trên nóc làm bằng gỗ sồi đen, màu này toát lên tính chất tang lễ và đau buồn.

Việc xây lại Lăng xong hoàn toàn vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, do công tác ướp thi hài nên Lăng đóng cửa cho đến mùng 1 tháng 8.

Tòa Lăng thứ hai bằng gỗ rất giống với tòa Lăng bằng đá hoa cương hiện nay. Cũng những đường viền hình bậc thang ấy, cũng sự cân đối giữa các phần ấy. Lăng kết hợp hài hòa với bức tường Kremli hùng dũng, đường viền dáng lều trại bậc thang của những tòa tháp của nó. Lăng đã trở thành tâm điểm của quần thể kiến trúc Quảng trường Đỏ.

Ngày 1 tháng 8 năm 1924 Lăng mở cửa đón khách tham quan. Vào lúc 18 giờ dàn nhạc cử bài nhạc tang. Các đại diện giai cấp công nhân thủ đô là những người đầu tiên vào lăng mộ vị lãnh tụ. Họ mang cờ của Công xã Paris, mới được tặng cho Moskva, và gắn trong Lăng lá cờ(1) mà dưới nó các chiến sĩ Công xã đã tiến ra chiến trận.

Người ta dự kiến vào những ngày mở cửa đầu tiên của Lăng Lenin mỗi ngày sẽ có khoảng hai nghìn người tham quan. Nhưng số người vào thăm viếng đông hơn nhiều.

Ngày 7 tháng 11 bộ đội của đồn binh Moskva xếp thành hàng trước Lăng Lenin để diễu binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, đã tuyên thệ với lời thề Đỏ.

Trong năm 1924 có hơn nửa triệu người vào thăm viếng lăng mộ vị lãnh tụ.

Tòa Lăng gỗ thứ hai tồn tại năm năm, cho đến năm 1929(2).

*  *  *

Mọi người đều hiểu: gỗ không trường cửu, do đó vào tháng 1 năm 1925 Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Liên Xô mở cuộc thi quốc tế về thiết kế tốt nhất cho hầm mộ bằng đá vĩnh cửu. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia cuộc thi.

Đã có 117 đề nghị và phác thảo gửi đến Ban tổ chức cuộc thi (do A. V. Lunacharsky đứng đầu). Trên giấy whatman(1), giấy gói, trên các trang vở học trò. Tác giả của chúng là kiến trúc sư nổi tiếng, công nhân giản dị, viên chức, nhà giáo, học sinh.

Tác giả các đề án dự thi đề xuất những gì?

Một chiếc tàu thủy đỗ cạnh tường Nghị viện. Trên boong tàu có dòng chữ ghi tên gọi - “Tháng Mười”. Trên đài chỉ huy của thuyền trưởng là tượng Lenin, đang chỉ đường tiến về phía trước.

Bên tường thành Kremli là Lăng tròn dưới dạng quả địa cầu. Tại vị trí của Liên Xô trên quả địa cầu có dòng chữ CCCP(2). Ban đêm những ngọn đèn điện sáng lên ở đó.

Lại có đề án: một kim tự tháp rất lớn, giống như kim tự tháp Cheops. Nhưng khác với kim tự tháp cổ, nó không đứng trên mặt đất, mà trên hàng cột thấp nhưng bề thế và bậc trên cùng tam cấp (stylobate), với năm vòm cuốn. Có lẽ tòa nhà nói đến sự bất tử, sức mạnh bất quy phục của thời gian.

Một đề án nữa: Lăng có hình dạng một ngôi sao năm cánh.

Sau khi xem xét các bài dự thi gửi đến, Ban tổ chức nhận xét: “Cuộc thi thiết kế đài kỷ niệm đã được mọi tầng lớp nhân dân đông đảo hưởng ứng sôi nổi. Không thể không nhận thấy sự say mê nghiêm túc, có khi đến cảm động, của nhiều đề án”.

Nhưng cuộc thi đã không có những kết quả thỏa mãn Ban tổ chức. Vì thế người ta quyết định giữ lại kiểu kiến trúc của Lăng gỗ, mà hình tượng đã trở nên quen thuộc rộng rãi. Ủy ban chính phủ về việc xây Lăng vĩnh cửu do K. E. Voroshilov đứng đầu. Việc kiến tạo hầm mộ bằng đã được giao cho tác giả đề án là viện sĩ A. V. Shchusev.

Khi tái tạo dưới dạng đá tòa Lăng gỗ, kiến trúc sư A. V. Shchusev không sao chép máy móc kiến trúc cũ. Với cố gắng làm cho lăng mộ ấn tượng hơn, ông đã suy tư tìm cách thể hiện tối đa khả năng của vật liệu xây dựng mới.

Trong khi gìn giữ quần thể kiến trúc của Quảng trường Đỏ, nhà kiến trúc có đầu óc sáng tạo đã tạo ra những hình dáng mới, tương quan mới của các phần tử, thay đổi kích thước các tấm đá, sắc thái đá hoa cương, nhịp của các gờ bậc, độ lớn của hầm mộ, v.v...

Sau khi thảo ra vài phương án, A. V. Shchusev đã làm một mô hình Lăng bằng đá hoa cương. “Đồ án đá hoa cương” được chính phủ thông qua, thế là vị kiến trúc sư bắt tay vào các bản vẽ chi tiết.

Diện tích xây dựng được rào lại. Cạnh đó người ta dựng các nhà tạm để gia công, đánh bóng đá.

Đảm nhận việc xây ngôi Lăng thứ ba là Liên hiệp xí nghiệp xây dựng Moskva (Mosstroy) dưới sự lãnh đạo của chỉ huy trưởng công trường I. V. Pevzner.

Khi bắt đầu xây lát, thợ đá người Belorussia N. K. Fomenkov đã viết lên hòn gạch phủ sáp: “Đồng chí Lenin vẫn sống mãi”, rồi cả đội ký tên. Có thể ngày nay người ta coi những lời này không được ưa chuộng lắm. Nhưng các thợ cả vùng Gomel đâu màng đến sự ưa chuộng. Hộ đã xem Lenin, con người thông minh nhất, người bênh vực không vụ lợi cho những lớp người cần lao và đã viết ra những gì họ nghĩ. Hòn gạch có chữ ký công nhân đã được đặt xuống làm móng cho Lăng.

Kiến trúc sư A. V. Shchusev và đại diện Ủy ban chính phủ kỹ sư K. S. Nadzharov đã đi khắp các mỏ đá ở Ukraina, Ural, Karelia. Đá cẩm thạch, đá hoa cương, đá labrađo, đá thạch anh (quartzite), v.v... đã được chọn để ốp Lăng.

Công nhân các mỏ lộ thiên ở Ukraina, Ural, Karelia, những nơi khai thác đá cho Lăng, đã lao động hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ được giao càng nhanh và càng chất lượng càng tốt.

“Tại mỏ đá lộ thiên Golovin thuộc tỉnh Zhitomir - chuyên gia kỳ cựu nhất về đá V. I. Dlougi nhớ lại - người ta đã tìm ra loại đá labrađo đen để trên đó gắn dòng chữ đơn giản mà gây xúc động - LENIN.

Tuy nhiên nhóm thợ đẽo đá không gặp may: khối đá bị nứt do nổ mìn. Người ta phải khai thác khối đá thứ hai. Công nhân lao động mười tiếng mỗi ngày. Khối này được lấy lên nhanh hơn nhiều. Chẳng gì nó cũng nặng khoảng 60 tấn. Làm thế nào để nhấc cả một khối đá nặng như vậy? Ở mỏ chỉ có sáu cái kích cũ và một bộ tời. Công nhân và cán bộ kỹ thuật đề xuất đủ mọi giải pháp. Họ đã quyết định đặt tảng đá khai thác lên các con lăn bằng gỗ sồi mới chặt. Và họ đã làm theo cách ấy.

Tiếp đó lại nảy sinh khó khăn mới: chở khối đã bằng phương tiện gì cho được? Người ta đã chuyển từ Moskva xuống đây một chiếc xe tải hàng tám bánh, nặng 16,5 tấn; chiều rộng mỗi bánh là 60 xentimét. Tấm đá labrađo đen được chất cẩn thận lên chiếc xe tải hàng, để hai cái máy kéo kéo nó ra đường sắt.

Quãng đường từ mỏ đá đến ga Gorbashi không xa - khoảng 16 kilômét, nhưng chuyển khối đá mất đến tám ngày. Các bánh xe hằn dấu trên mặt đất sâu đến nửa mét. Xe tải hai lần bị đổ.

Người dân địa phương bằng mọi cách giúp đỡ việc chở đá cho Lăng Lenin. Họ thực hiện việc đó theo kiểu chạy tiếp sức - dân mỗi làng hộ tống khối đá đến làng kế tiếp. Tại đó đã có những người mới tiếp nhận. Cứ như thế cho đến tận ga đường sắt.

Ở Gorbashi không có sân ga chịu nổi khối đá 60 tấn. Người ta phải đem đến một cái bệ đặc biệt đặt trên 16 bánh xe tìm thấy ở nhà máy Izhor từng dùng để vận chuyển tàu ngầm từ Petrograd đến Sevastopol trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Phiến đá được chở trên bệ xe đó.

Tàu đến ga Kievsky ở Moskva. Do lo ngại cầu Borodinsky sẽ sập dưới sức nặng của khối đá, người ta chuyển bệ xe sang nhà ga Leningradsky. Từ nơi đó vào ban đêm lúc phố xá thưa vắng, người ta chở khối đá labrađo tới Quảng trường Đỏ. Quãng đường mà một chiếc xe ô tô bình thường chỉ đi mất 7-10 phút, thì chuyến xe này đi mất đến hai tiếng đồng hồ.

*  *  *

Những âm thanh như một nhạc điệu trôi trên Quảng trường Đỏ - đó là tiếng búa đẽo của những người thợ đẽo đá. Dường như có ai đó đang chơi đàn phiến gỗ (xylophone) lớn, bác công nhân S. Lyubimov hồi tưởng lại.

Việc gia công những viên đá diễn ra khó khăn và chậm chạp. Không chỉ một chục chiếc đục đá bị mẻ cùn trước khi những người thợ gia công đá hoa cương đẽo được một mét.

Những chiếc đĩa máy mài rít lên trong lều lán khu vực đánh bóng đặt ở chân tường Điện Kremli. Việc xử lý một mét vuông đá có độ cứng trung bình kéo dài khoảng ba ngày. Tổng cộng công trình đòi hỏi phải mài và đánh bóng 2900 mét vuông đá hoa cương.

Khối đá nguyên khối 48 tấn màu đen có hình chữ nổi LENIN được cẩu lên và đặt vào đúng chỗ ở phía trên cửa vào Lăng nhờ bốn chiếc cần cẩu chạy trên đường ray và nhiều cần cẩu bình thường khác. Thợ đá M. D. Mityanov, người tỉnh Tver, và thợ phụ cùng cặp với anh ta I. Turgin đục các rãnh để gắn những chữ cái, họ cũng là những người thợ đánh bóng những chữ cái đó.

Khối đá đó là khối đá lớn nhất. Những khối đá nguyên khối và đá lát mặt khác của Lăng chỉ nặng từ 1 đến 10 tấn, còn khối đá labrađo màu đen dùng làm bệ cho bộ quan quách nặng tới 20 tấn.

Năm 1989 Yu. Karyakin, khi bịa ra “di chúc” của V. I. Lenin yêu cầu được chôn Người ở nghĩa trang Volkovo, vì cảm thấy giả thiết của mình không chắc chắn, nên đã quyết định củng cố thêm trò lừa bịp bằng “một cái cớ dự phòng” cho chuyện cải táng, bằng cách đe các ông nghị: “Xe tăng khi diễu binh chạy trên Quảng trường Đỏ sẽ làm cho thi hài bị rung”. Ngài Karyakin có thể yên tâm. Khi xây dựng Lăng, để ngăn Lăng khỏi bị rung, người ta không xây móng của nó ngay trên nền đất, mà trên nền một lớp cát dày đặc dụng đổ vào hố móng, xung quanh khối móng bè người ta còn đóng các cọc ngăn. Vì thế, ngay cả khi những chiếc xe tăng hạng nặng chạy trên quảng trường thì trong Lăng vẫn giữ được cảnh yên bình tuyệt đối. Những máy móc thiết bị chính xác kiểm soát trạng thái vi khí hậu và những rung động nhỏ nhất có thể gây hại luôn hoạt động liên tục, không lo hỏng hóc.

Những chuyên gia nước ngoài, ngay cả một vài chuyên gia trong nước cho rằng việc xây dựng Lăng phải mất 4-5 năm. Những kỹ sư và công nhân Xô viết đã xây Lăng với tốc độ nhanh chóng phi thường - vẻn vẹn trong vòng 16 tháng. Tháng 10 năm 1930 tòa Lăng bằng đá đã hoàn thiện xong.

Thể tích bên ngoài của Lăng tăng từ 1300 lên 5800 m3, thể tích bên trong từ 200 lên 2400 m3. Lăng cao thêm 3 m. Tổng khối lượng của nó vào khoảng 10 nghìn tấn.

Tất cả các nước Cộng hòa liên bang đều tham gia vào việc xây dựng công trình tượng đài - Lăng V. I. Lenin. Ukraina gửi đến khối đá labrađo màu đen độc đáo với các vân tia màu xanh, đá hoa cương xám và đỏ, Belorussia thì gửi đá hoa cương tốt nhất của mình khai thác ở gần thành phố Minsk trong khu vực làng Đrozđa; Armenia đóng góp loại đá đen có các đường gân vàng; Tajikistan chuyển đến đá hoa cương khai thác từ mỏ đá cổ trong vùng núi Khovaling, nơi mà theo như truyền thuyết ngày xưa đã từng khai thác các khối đá để xây dựng pháo đài do chính Đại Đế Alexander xứ Macedonia chỉ huy thi công... Từ những cánh rừng Karelia trên bờ hồ Onega và từ mỏ đá duy nhất trên thế giới - mỏ đá Shokshin - người ta chở đến các phiến đá thạch anh màu mận chín để gia công những chữ cái trong tên LENIN, ốp trụ tường ở Gian Tưởng niệm và các phiến đá lợp phía trên hoàn tất mái Lăng.(1)

Đồng thời người ta cũng tiến hành cải tạo Quảng trường Đỏ: hai phía bên cạnh lăng người ta xây dựng khán đài chứa được 10 nghìn người, phục chế bức tường Điện Kremli từ tòa tháp Spasskaya đến tháp Arsenalnaya; tượng đài Minin và Pozharsky được chuyển vào trung tâm quảng trường về phía nhà thờ Thánh Vasily, Quảng trường được lát lại bằng các khối đá hoa cương hình khối lập phương, v.v...

Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ chiếm vị trí cao nhất. Quảng trường mang dáng vẻ trang trọng đặc biệt.

“Ta có thể nói về Lăng như một công trình kiến trúc nổi tiếng, chỉ cần nêu một ý rằng chính kiến trúc Lăng đã hoàn tất một trong những quần thể kiến trúc nổi tiếng của thế giới - quần thể kiến trúc Quảng trường Đỏ”, - đó là một ý kiến xác đáng không thể bác bỏ của viện sĩ S. Khan-Magomedov.

“Việc giữ gìn sự bất khả xâm phạm cho vẻ đẹp của quần thể kiến trúc trên quảng trường là việc vô cùng quan trọng! - nhà điêu khắc M. Anikushin nhận xét. - Tòa Lăng bằng đá hoa cương ăn nhập hài hòa biết bao vào cảnh quan ở đây - đối với tôi đó là một công trình sáng tạo kiến trúc thiên tài.

*  *  *

“Giản dị như là sự thật” - người công nhân vùng Sormovo D. Pavlov nói với M. Gorky về Lenin. Lăng Lenin cũng giản dị như vậy.

A. Shchusev kiến tạo công trình tượng đài kỷ niệm V. I. Lenin không nhằm làm cho mọi người kinh ngạc bởi sự hào nhoáng, xa hoa hay trang trí cầu kỳ, mà làm cho mọi người thán phục với vẻ giản dị nhưng hùng vĩ và tính hợp lý của công trình. Từ xưa, phong cách kiến trúc của tất cả các công trình lăng tẩm thường nổi bật lên bởi nét biệt lập, tự thu mình, vẻ khép kín, khó tiếp cận của chúng. Những điều đó không có ở Lăng Lenin. Những bậc cầu thang không lớn dẫn lên lễ đài, từ bậc hè chỉ cần bước vài bậc là tới hàng rào và từ hàng rào đi vài bước là đến bệ đài. Công trình được dự tính để tiếp đón hàng triệu con người.

Lăng được ốp bằng các phiến đá labrađo màu đen và xám cùng các phiến đá hoa cương đỏ, trong đó những phiến màu xám như làm nền cho hai màu còn lại. Phía trên cửa Lăng là một khối đá đen với hàng chữ LENIN bằng đá thạch anh màu đỏ mài bóng gắn trên đó.

Đỏ và đen là những màu trên lá cờ quốc tang Liên Xô. Nhưng tâm trạng ảm đạm đau thương bị chế áp bởi chủ đề khẳng định sức sống. Điều này được thể hiện bởi sắc màu đỏ tươi giữ vai trò chủ đạo - đó là màu cờ cách mạng. Điều này còn được hỗ trợ bởi dáng bình thản hùng vĩ của các cấu kiện nằm ngang, bằng sự lặp lại có nhịp điệu của chúng, bằng ánh sáng bóng của các cạnh thẳng đứng. Bố cục của các hình khối không gian, đặc biệt là các bậc trung gian mà phần nhô ra của chúng hướng lên trên theo một nhịp điệu đắc thắng, tạo nên ấn tượng trang trọng hùng vĩ.

Hai bên cổng vào có hai cầu thang lộ thiên dẫn lên lễ đài. Năm 1944, khi tiến hành cải tạo phần Lăng ở phía trên lối vào, trên bậc nhô ra đầu tiên của hình kim tự tháp người ta xây thêm một phần nữa - lễ đài chính dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia.

Một số “nhân vật khởi xướng” công cuộc cải tổ và những tay bồi bút xu thời túm tụm đứng trên lễ đài của Lăng: đấy, ta đang giẫm chân lên trên nấm mộ đấy. Có thể một vài độc giả băn khoăn, chẳng lẽ lại đúng như thế ư? Thực ra lễ đài không nằm ngay phía trên Lăng mộ, không phải phía trên căn phòng đặt quan quách, mà chỉ phía trên sảnh vào của Lăng. Ngoài ra, theo các điều kiện của cuộc thi thiết kế đồ án Lăng tốt nhất do Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Liên Xô công bố ngày 9 tháng 1 năm 1925, như người ta đã biết, công trình Lăng Lenin phải là một công trình kết hợp đồng thời những đặc điểm của cả lăng tẩm, đài kỷ niệm và lễ đài để từ đó các nhà lãnh đạo có thể phát biểu trước quốc dân. Hầu như tất cả 117 đồ án nộp dự thi khi đó đều có thiết kế lễ đài, một vài đồ án thậm chí thiết kế đến vài lễ đài. Đồ án của kiến trúc sư A.V. Shchusev với 2 lễ đài được công nhận là tốt nhất. Kể cả Đoàn Chủ tịch BCHTƯ Liên Xô, kể cả ủy ban giám khảo cuộc thi đứng đầu là A.V. Lunacharsky(1) tất nhiên đều không dự kiến được là 65 năm sau lại có kẻ nào đó không thích có lễ đài trên Lăng.

Làm sao được, cứ cho là bây giờ người ta bác bỏ quyết định của ủy ban giám khảo đi thì sao? Thiết nghĩ, họ cần phải tôn trọng quyết định của những người bạn chiến đấu và những người đồng thời với Lenin, quyết định của cha ông chúng ta, chứ đừng nên tìm cách tô son trát phấn cho những lý do tưởng tượng được che giấu bởi sự ra vẻ quan tâm tới Lenin.

Phiến đá phía trên cùng hoàn tất Lăng được làm từ các khối đá thạch anh màu đỏ của vùng Karelia đặt nằm trên 36 cây cột vuông bốn mặt: bốn cây ở bốn góc là màu đỏ, những cây còn lại màu đen. Những cây cột đó được làm từ các loại đá hoa cương khác nhau chở đến từ 7 nước Cộng hòa liên bang hồi đó - CHXHCNXVLB Nga, Liên bang Ngoại Kavkaz, Ukraina, Belorussia, Uzbekiztan, Tajikistan và Turkmenia. Hàng cột cân đối kết thúc dãy hành lang mang chức năng biểu tượng cho tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tư tưởng ấy giờ đây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một quảng trường vừa là vườn hoa nhỏ bao quanh Lăng được lát bằng những tấm đá hoa cương mài bóng. Trên đó có bốn bồn hoa với khung bao làm bằng các thanh đá hoa cương đỏ mỏng mảnh. Ở đó những cây vân sam xanh tốt vươn cao như tượng trưng cho tuổi thanh xuân vĩnh cửu. Dãy hàng rào Lăng có chiều cao 80 cm được làm từ đá labrađo màu đen và xám mài bóng; ở đó có ba khuôn cửa hoa sắt được gắn vào các trụ đá hoa cương đỏ và đen.

Những lễ đài dành cho khách mời nằm ở phía bên phải và trái Lăng thoạt đầu được làm bằng bê tông cốt sắt, một phần được ốp đá hoa cương màu xám của Ukraina viền đai sắt, một phần được trát vữa có trộn các dăm đá hoa cương hồng rồi mài bóng. Trong những năm 1973-1974 chúng được thay thế bằng vật liệu mới là đá hoa cương ốp màu xám.

Nét giản dị nhưng trang trọng và sự cô đọng tinh túy cũng là đặc điểm của các gian phòng phía trong Lăng.

Khi bước vào sảnh của Lăng, bạn sẽ nhìn thấy hình chạm nổi Quốc huy Liên Xô lấp lánh trên tường. Hình Quốc huy nhắc nhở chúng ta rằng, đây là nơi yên nghỉ của Người thành lập nên quốc gia vĩ đại - Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Mô hình thạch cao của tấm Quốc huy là do nhà điêu khắc nổi tiếng I. D. Shadr sáng tác. Còn người thợ khắc đá A. Bunegin đã theo đó chạm thành hình nổi trên một phiến đá labr ađo màu xám(1). Đó thực là một công việc phức tạp và đầy trách nhiệm.

Sáng nào Bunegin cũng đến công trường với đầy đủ mọi dụng cụ của mình. Chẳng thiếu thứ dụng cụ gì ở đó - đốc công I. V. Pevzner nhớ lại - đến cả những dụng cụ nhỏ nhất để thực hiện các thao tác tinh xảo. Bunegin có những ngón tay thon mảnh như một nghệ sĩ vĩ cầm.

Đá labrađo xám là một loại đá đỏng đảnh. Chỉ cần một cú va chạm bất cẩn vào cạnh của vết khắc là lập tức mẻ ra một miếng nhỏ. Và có nghĩa là toàn bộ phiến đá đó không dùng được nữa, mọi công việc làm trước đó lại bỏ đi. Đã có một lần chuyện đó xảy ra. Mọi sự buộc phải bắt đầu lại từ đầu.

Dải băng phía dưới Quốc huy đòi hỏi phải chạm khắc cực kỳ chính xác. Nhà điêu khắc thể hiện nó không phải trong dạng phẳng mà với những nếp uốn, nếp vòng giống y như thật. Ngoài ra trên mỗi dải băng còn phải khắc câu: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Và không phải chỉ bằng một thứ tiếng mà bằng sáu thứ tiếng. Trong đó có những thứ tiếng dùng bộ chữ cái lạ lẫm như tiếng Gruzia, Armenia và cả chữ cái Arập(1).

Những dải băng sau khi đánh bóng trở nên sáng bóng lấp lánh trên nền của bó lúa màu sẫm mờ hơn.

Hình Quốc huy trong gian sảnh của Lăng trở thành đài kỷ niệm của thời đại và là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Phía bên trái có một cầu thang đá hoa cương dẫn xuống phía dưới. Thành cầu thang được ốp đá labrađo màu xám với các bậc cầu thang làm bằng đá labrađo và đá gabronorit màu đen. Dưới chân cầu thang là cánh cửa dẫn vào Gian Tưởng niệm.

Gian Tưởng niệm là một căn phòng vuông vắn mỗi cạnh 10 m, phía trên là trần thu thành từng bậc.

Ở giữa gian phòng đặt trên bệ màu đen là khối quan tài kính trong có thi hài Vladimir Ilyich Lenin. Đầu của Người được ánh đèn chiếu rọi đặt ngay ngắn trên một chiếc gối đỏ phủ vải nhiễu. Nét mặt quen thuộc: vầng trán rộng, hàng ria mép và chòm râu cằm màu nâu nhạt.

Trên người Lenin là bộ âu phục màu sẫm với huy hiệu Ủy viên BCHTƯ Liên Xô đeo bên phía ngực trái. Cổ áo sơ mi trắng, chiếc cà vạt đen có kim gài màu xám. Hai tay Người đặt trên tấm nhiễu đen và trong, trên phủ một tấm lụa màu boocđô.

Những người vào viếng Lăng từ những năm 20 của thế kỷ XX và cả bây giờ đều trải nghiệm những xúc cảm khác nhau. Thời trước, tâm trạng chủ đạo là nỗi buồn thương và lời thề. Điều đó hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu: nỗi đau mất mát xót xa, mọi người thầm hứa với vị lãnh tụ, người thầy kính yêu của mình rằng họ sẽ thực hiện di huấn của Người, hoàn thành sự nghiệp do Người khởi xướng... Còn ngày nay nhiều người nghĩ rằng: Lenin chết quá sớm; nếu như Người sống lâu hơn, lịch sử đất nước có lẽ đã khác đi, không có những giai đoạn thăng trầm biến đổi như thế này. Đôi khi người ta nghe thấy những lời thì thầm: “Vladimir Ilyich, xin Người hãy tha thứ vì chúng tôi không bảo vệ được Chính quy n nhân dân, không giữ gìn được Liên bang Xô viết...”

Vào giữa năm 1945 người ta đặt vào Lăng một cỗ quan quách khác hẳn về mặt nguyên tắc với những cỗ trước. Thành bằng kính của cỗ quan tài trước đó có hình lăng kính tam giác, phản chiếu ánh sáng rất mạnh, cách chiếu sáng cũng chưa hoàn hảo. Đòi hỏi phải tìm ra góc nghiêng của thành áo quan bằng kính để chúng khỏi phản xạ ánh sáng. Bắt đầu khởi công nghiên cứu từ năm 1939, nhóm các nhà khoa học của Viện kỹ thuật điện toàn Liên bang đứng đầu là phó tiến sĩ khoa học N. V. Gorbachev, sau nhiều lần thí nghiệm, đã chế tạo một cỗ quan quách có dạng hình thang lộn ngược. Các tấm thành bên bằng kính giờ không còn phản xạ ánh sáng nữa - hầu như không phản xạ chút nào; người ta không còn nhìn thấy nguồn sáng. Các thiết bị quang học và các đèn gương phản chiếu nằm khuất trong tấm nắp đậy phía trên của cỗ quan. Mỗi một chùm sáng chiếu ra từ các thiết bị được thay đổi về hướng, về cường độ, về độ lớn quầng sáng và màu sắc để rọi chiếu tốt hơn cho thi hài Lenin. Cỗ quan quách được trang hoàng bằng một nhóm những lá cờ gấp trang trọng theo kiểu cờ tang vĩnh biệt của nghi thức quân đội, quốc huy Liên Xô, các hình ren lá sồi và lá nguyệt quế.

Năm 1946, những người chế tạo khối quan quách: viện sĩ A. V. Shchusev, phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật N. V. Gorbachev, giáo sư S. O. Mayzel, công trình sư N. D. Fedotov và nhà điêu khắc B. I. Yakovlev được nhận Giải thưởng Quốc gia.

Trong những năm 1968-1972 những nhà khoa học đã chế tạo một cỗ quan quách mới, hoàn thiện hơn (tổng công trình sư là N. A. Myzin, tác giả của đồ án kiến trúc và tạo hình nghệ thuật là điêu khắc gia N. V. Tomsky). Hình thức bên ngoài của cỗ quan quách và góc nghiêng của các thành bằng kính vẫn như trước. Nhưng áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật, các nhà bác học và kỹ sư đã chế tạo một loạt những hệ thống mới, cải thiện chế độ điều khiển chiếu sáng và những cấu trúc riêng biệt. Hình thái nghệ thuật trở nên giản dị hơn, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, khác với trước kia bị trang hoàng hơi quá mức. Khối quan quách mới được đặt vào Lăng vào tháng 4 năm 1973.

Tấm nắp kính nguyên khối hình bậc thang nằm phía trên cỗ quan quách như treo lơ lửng trên các thành bằng kính trong suốt. Nó được đỡ bởi bốn cây cột kim loại ở bốn góc, thực tế hầu như không nhận thấy. Bậc dưới cùng của tấm được phủ bằng ngọc bích màu đỏ nhạt của vùng Orsk. Hai bên sườn của cỗ quan quách là hai lá cờ - một lá quân kỳ và một lá cờ búa liềm - được thả rủ xuống lấp lánh ánh vàng, thực tế chúng màu đồng nhưng do cách chiếu sáng đặc biệt nên cảm giác bóng sáng hơn. Ở một đầu cỗ quan quách là hình Quốc huy Liên Xô được bao bởi hình những cành sồi và nguyệt quế - biểu tượng của lòng dũng cảm và niềm vinh quang; ở phía chân là những cành vấn vít được đan bằng các dải băng. Tất cả những hình trang trí đều bằng đồng. Khối quan quách và những lá cờ được chiếu sáng bởi những thiết bị đặc biệt không ai nhìn thấy.

Những đường nét đơn giản nhưng nghiêm ngắn của cỗ quan quách hài hòa một cách tuyệt vời với khung cảnh kiến trúc chung của Lăng.

Tham gia vào việc chế tạo cỗ áo quan có công nhân của các nhà máy “Lao động cờ đỏ”, “Vô sản đỏ”của Moskva, nhà máy đúc kim loại nghệ thuật Mytishin, các xí nghiệp của Leningrad , Lvov và các thành phố khác.

Không nhiều trong số hơn 130 triệu người từng có mặt trong Gian Tưởng niệm có thể kể được là gian phòng trông như thế nào. Điều đó cũng dễ hiểu: chỉ có một phút đến một phút rưỡi đứng trong phòng đó nên tất cả điều chú mục vào V. I. Lenin. Nhưng nếu họ nhìn lên tường thì sẽ có cảm giác như trên đó có những lá cờ đỏ rực như lửa đang phấp phới bay (đó là vì người ta đã gắn những dải băng bằng thủy tinh smalt màu huyết dụ vào trong khối đá labrađo màu xám). Những phiến đá khảm thể hiện lá cờ do nhà máy chế tác đá kỹ thuật tinh xảo của Xí nghiệp liên hiệp “Đá quý Nga” chế tạo.

Gian Tưởng niệm được ốp mặt bằng đá labrađo màu xám và đen. Những cột ốp trụ tường bằng đá thạch anh màu đỏ nằm thành dãy cột nghiêm ngắn, dường như được đánh bóng từ bên phải bằng các dải sọc đá labrađo đen và dựa chắc trên các bệ đá gabronorit màu đen.

Trên sàn, các phiến đá hoa cương đen và xám được lát xen nhau. Một thứ ánh sáng phản xạ dịu mẳt của các bóng đèn điện có chao bằng gương giấu trong nếp gấp của trần tỏa khắp gian phòng.

Khi đi vòng quanh khối quan quách, ta sẽ từ Gian Tưởng niệm bước ra qua cánh cửa nằm đối diện với cửa vào. Một cầu thang bằng đá hoa cương dẫn lên phía trên.

Hình dạng phía ngoài của Lăng gắn bó mật thiết không thể tách rời với kết cấu bên trong. Khối hình lập phương của Gian Tưởng niệm, những diềm mái nhô ra của nó và các bước cầu thang ta cũng cảm thấy rõ trong hình bậc thang phía ngoài của Lăng.

Màu sắc của Lăng hài hòa với màu sắc của bức tường Điện Kremli, với các tòa tháp, các lễ đài, với toàn bộ Quảng trường và cây xanh. Tuy nhiên những khối đá mài bóng sáng của khối Lăng tẩm rất gần với màu của tường Điện Kremli, nhưng lại không hòa vào đó mà ngược lại, nổi bật trên phông nền màu sẫm mờ của bức tường thành.

Lăng Lenin xứng đáng được gọi là một kiệt tác nghệ thuật. Nhưng kiệt tác đó không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được kiến tạo bởi công sức lao động của các kiến trúc sư, bởi kinh nghiệm to lớn, trình độ văn hóa cao và sự thấu hiểu trách nhiệm của họ đối với nhiệm vụ được giao. Chúng ta đã quá quen với Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ đến mức không thể tưởng tượng được là có lúc nào đó Lăng không còn ở đây nữa.

Do công lao xây dựng Lăng, kiến trúc sư Aleksei Viktorovich Shchusev (1873-1949) đã được phong danh hiệu Kiến trúc sư công huân Liên Xô năm 1930. Năm 1939 ông được bầu làm viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm kiến trúc Liên Xô, năm 1943 là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. A. V. Shchusev được tặng thưởng huân chương Lenin và hai huân chương Cờ đỏ Lao động bốn công trình sáng tạo của ông, trong đ có đồ án khối quan tài cho thi hài V. I. Lenin được nhận Giải thưởng quốc gia.

*  *  *

Từ năm 1930 tới nay, Lăng Lenin chỉ có một lần tạm thời thay đổi hình dáng bên ngoài của mình.

Vào cuối tháng 6 năm 1941, những người dân Moskva khi đi qua Quảng trường Đỏ, ngạc nhiên thấy đúng ở chỗ Lăng lại xuất hiện ngôi biệt thự hai tầng kiểu cổ với một tầng tum. “Chúng tôi đứng trước một nhiệm vụ - trung tướng N. K. Spiridnov, Tư lệnh Điện Kremli trước đây nhớ lại - Làm thế nào để bảo vệ Lăng chống lại máy bay phát xít ném bom đây? Chất bao cát xung quanh Lăng chăng? Chỉ cần bom rơi trúng giữa thì cũng chẳng cứu được Lăng. Theo lời khuyên của nhóm kiến trúc sư và họa sĩ đứng đầu là F. F. Fedorovsky và B. M. Iofan, chúng tôi chọn biện pháp ngụy trang. Với 1500 m vải bạt thô, chỉ trong vòng 2-3 ngày chúng tôi đã cắt và may xong “một ngôi nhà”, vẽ lên đó những cửa sổ và cửa ra vào, sau đó trùm cái nhà bằng vải đó lên giàn khung sắt được dựng bao quanh và phủ cả lên phía trên Lăng Vladimir Ilyich. Khung sắt được làm từ các ống thép lắp ráp để làm giảm tổn hại trong trường hợp có thể xảy ra hỏa hoạn.

Đồng thời chúng tôi cũng cắt điện chiếu sáng và chùm bạt phủ những ngôi sao trên các tháp của Điện Kremli, dùng sơn bền sơn phủ các nóc mạ vàng của các nhà thờ và giáo đường; vẽ trên bức tường Điện Kremli, trên Quảng trường Đỏ và Quảng trường Ivanov những hình cửa sổ và cửa lớn. Một điểm định hướng rõ rệt là dòng sông Moskva lấp lánh cũng được Bộ phận chịu trách nhiệm ngụy trang của Hội đồng thành phố Moskva phủ lấp bằng các xà lan và các bè gỗ, các công trình kết cấu phức tạp, rồi phủ các lưới ngụy trang lên trên. Từ phía trên nhìn xuống, khu vực đó mang vẻ một khối những công trình nhỏ bé, cũ nát và hỗn độn. Điện Kremli và Lăng Lenin dường như hòa lẫn vào các tòa nhà xung quanh”.

Việc ngụy trang đã mang lại hiệu quả lớn trong việc đánh lạc hướng phi công phát xít Đức, ngăn cho chúng không bỏ bom ngắm đích được. Những tên phi công của Hittler đã không thể gây tổn hại cho Lăng Lenin.

Lăng Lenin nằm trong trạng thái ngụy trang khoảng 4, 5 tháng. Ngôi nhà vải bạt được thu dọn di vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 11 năm 1941 trước buổi lễ duyệt binh lịch sử của các chiến sĩ bảo vệ Moskva.

*  *  *

Năm 1974 Lăng V.I. Lenin và những nấm mộ cạnh chân tường thành Kremli được công nhận là công trình được bảo vệ cấp quốc gia như các di tích lịch sử (Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng CHXHCNXVLB Nga số 624 ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1974). Năm 1995 Lăng và hàng mộ được xếp vào hàng ngũ những di sản văn hóa và lịch sử cấp Liên bang (toàn Nga) (Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga ban hành ngày 20 tháng 2 năm 1995). Trước đó vào năm 1990, Lăng V. I. Lenin và Hàng mộ (nghĩa trang) Danh dự ở chân tường thành Kremli với tư cách là một bộ phận của quần thể kiến trúc Quảng trường Đỏ và Điện Kremli được đưa vào Danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. 

Hết chương 3. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26586-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-chuong-3.html?...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận