Ngày 4-12-1966
Thật trớ trêu và đáng buồn cho ai phải sống phụ thuộc người khác. Khi đã không có độc lập tất chẳng bao giờ có nổi hai chữ tự do. Chân lý "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO" mà Bác Hồ khẳng định nhìn ở góc độ nào, lĩnh vực nào cũng thấy chí lý.
Từ ngày lên khu tập thể, có Bảo Hưng cùng phòng hỗ trợ mọi việc, mình vui đấy nhưng vẫn buồn đấy. Bạn vẫn tự giác vui vẻ giúp mình trong mọi sinh hoạt. Bữa bữa bạn đi nhận khẩu phần ăn về, lấy cơm đặt lên bàn cho mình. Ăn xong, bạn lại thu dọn chén bát mang ra suối rửa.
Sáng sáng, bạn lên giếng trong hẻm núi đánh răng, rửa mặt. Và bao giờ cũng không quên bê về cho mình một chậu nước đặt chỗ đất phía đầu giường. Mình dậy là có nước dùng luôn.
Nhưng khổ nỗi, có hôm mình dậy sớm, rất muốn đánh răng rửa mặt ngay cho thoải mái để bắt đâu ngày học mới. Song nước đâu đã có, thế là buộc phải chờ cho đến khi Hưng tỉnh dậy.
Con đường dẫn lên giếng xa đến vài ba trăm mét. Thực chất chỉ là một lối mòn nhỏ gập ghềnh sỏi đá, len lỏi giữa bốn bề rừng sim, đi lại khá khó khăn. Đã vậy, lại có hôm buổi sáng trời quá lạnh, bê được chậu nước về gần nhà thì tay chân lóng ngóng thế nào, Hưng bị vấp té, thế là chậu nước tung tóe, ướt cả áo quần. Hưng đành quay lại múc chậu nước mới. Nghe Hưng kể, nhìn áo quần Hưng lướt sướt nước, người run cầm cập, mình chạnh lòng thương bạn quá! Lẽ nào vì mình mà bạn phải vất vả, tội nghiệp vậy mải sao? Không, dứt khoát không thể được! Có lẽ mình phải tìm ra cách tự lo cho mình thôi.
Nhưng lo bằng cách nào đây nhỉ? Thôi được rồi, mình sẽ chuyển đánh răng buổi tối. Buổi sáng Hưng lên giếng không cần múc nước cho mình nữa mà chỉ nhờ bạn mang khăn lên đó giặt rồi cầm về cho mình lau mặt là xong. Vừa nhẹ nhàng, vừa nhanh chóng, tiện ích.
Nhưng việc giặt lại chiếc khăn mặt đã dùng thì sao nhỉ? Lại nhờ Hưng ư? Không thể được! Nếu vậy Hưng càng cực hơn. Thôi, cứ để vậy phơi luôn. Thế thì hơi mất vệ sinh nhưng biết sao được. Thời thế thế, thế thời phải thế thôi!
Thực hiện như vậy được mấy ngày, một hôm Hạnh Nhu đến chơi, nhận ra chiếc khăn có màu và mùi không bình thường, liền gặng hỏi. Giấu quanh mãi không ổn, cuối cùng mình đành khai thật tất cả. Thế là bạn cầm luôn chiếc khăn mang về giặt.
Chiều tối, bạn mang khăn tới trả. Chiếc khăn mặt giờ trắng trẻo, thơm tho hẳn. Chuyện vui một lúc, Hạnh Nhu ngỏ lời mượn chiếc chậu. Một lúc sau mình ngớ người khi nhận ra Nhu bê tới một chậu nước đầy vừa lấy từ giếng về, đặt ngay gần đầu giường mình với lời dặn thật dứt khoát:
- Từ mai, cậu nhờ Hưng hoặc một bạn nào đó tối tối lên giếng đánh răng bê về cho cậu chậu nước. Sáng hôm sau thế là cậu đã có sẵn nước để dùng không phải phụ thuộc vào việc Hưng dậy sớm hay muộn nữa. Tiếc là mình ở xa chứ không mình sẽ giúp Ký ngay. (Thời điểm này Nhu cùng Trà, Tràm vẫn còn ở trọ dưới xóm - nơi nhà cụ Lục).
Thấy Nhu nói có lý, mình liền thực hiện ngay. Nhưng rồi cũng chỉ được hơn một tuần, mình lại thấy băn khoăn thế nào. Nhiều tối không trăng, đêm đen như mực tàu, giếng lại nằm khuất nơi chân một hém núi sâu nên bóng tối càng đáng sợ hơn. Gọi là giếng chứ thực ra đây chỉ là vũng nhỏ được các bạn khuân đá vây chung quanh. Nước từ lòng núi theo khe đá chảy ra tới đây thì đọng lại. Những ngày cuối hè đầu thu, mưa nhiều, giếng lúc nào cũng tràn trề nước. Cả khu tập thể tha hồ tắm giặt thoải mái.
Cuối đông, mưa hết, nguồn nước cạn kiệt, nhiều lúc phải xếp hàng đợi mới lấy đủ nước rửa mặt. Mò lên giếng lấy đủ chậu nước đã khó. Lại mang được nó về tới phòng an toàn trong cảnh đêm tối rét mướt đường sá xa xôi như vậy càng gian nan lắm. Cứ mãi cảnh này xem chừng càng vất vả, phiền phức cho Hưng nhiều. Mình phải tự lo bằng một giải pháp mới thôi!
Chiều muộn, cơm nước xong mình rủ Hưng cùng đi dạo ven con suối váng trước khu nhà tập thế. Cả hai cùng chia
Sẻ với nhau những kỷ niệm về quê hương, về gia đình, về những ngày cùng ở chung phòng, nhiều tối lạnh quá cùng ngủ chung giường, đắp chung chăn. Rồi hai đứa chuyển sang trao đổi về những tác phẩm mới học, mới đọc.
Lâu nay mình rất nể phục tài đọc sách của Hưng. Cùng ngồi đọc với nhau, mình chưa xong 1 trang, Hưng đã mở sang trang thứ 3, thứ 4. Vậy mà lạ thay, đọc đến đâu Hưng có thể vanh vách kể lại nội dung đến đấy. Hỏi có bí quyết gì tiết lộ cho anh em học theo, Hưng chép miệng nói như đùa:
- Chẳng có quái bí quyết gì. Tớ mê sách từ nhỏ, đọc nhiều nên quen thôi. Có một hôm mẹ giao tớ nấu cơm ngày còn học lớp 3, lớp 4 gì đấy. Vừa làm tớ vừa không rời cuốn truyện trên tay. Thế là Ký biết không, mải mê với trang sách quá, vo gạo trút vào nồi rồi lại quên béng đổ nước. Cứ thế chất rơm vào thổi, mắt vẫn không rời trang sách. Đến khi thấy mùi khét lẹt xông lên, vội mở vung ra nhìn thì eo ôi, nồi cơm đã khè cháy, bốc khói đen thui từ lúc nào. Thế là tớ bị bố cho một trận đòn nhớ đời. Thú thật khi tớ đã cầm cuốn sách trên tay thì mọi thứ xung quanh gần như biến hết. Số phận những nhân vật trong sách đã hút hết hồn tớ từ lúc nào. Tớ không còn biết cái gì trên đời đang diễn ra nữa. Chính vì vậy, nhiều lần ông gọi mà tớ có nghe gì đâu. Chắc là những lúc ấy ông buồn lắm! Tớ biết vậy nhưng sửa mãi chưa được, ông thông cảm nhé!
- Ô! Thế là ông đã cho tôi một bí quyết hay rồi đó!
Nghe mình khẳng định vậy, Hưng liền hỏi lại:
- Bí quyết gì? Ông đừng có mà cho tôi đi tàu bay giấy nữa!
- Ông không nói thẳng nhưng tôi thì nhận ra rất rõ. Đó là bí quyết khi đã đọc sách ta phải trải lòng ta vào mỗi trang sách, cháy bỏng trí ta vào mỗi chữ mỗi dòng, tan hòa hồn ta vào mỗi cảm xúc buồn vui của nhân vật, của tác giả. Chính ông đã làm được thế nên ông có hạnh phúc khó ai có được: Không chỉ mê sách mà chính sách đã mê ông đấy!
Hưng cười, vỗ tay vào vai mình một cái khá mạnh:
- Ông khéo bốc tôi quá đấy! Lưu Quốc Sỹ mà nghe được, tưởng thật lại "bắt cóc" báo cáo điển hình trước lớp về tài đọc sách là nguy cho tôi lắm đây!
Cả hai cùng cười phá lên, quên cả những cơn gió lạnh và bóng đêm từ các hốc núi tràn tới từ lúc nào. Rời con suối nhỏ, men theo chân núi trở về khu tập thể, vừa đặt chân vào phòng, mình liền nói với Hưng một ý định mới:
- Này Bảo Hưng ơi! Thôi từ nay cậu không phải bê nước về phòng cho Ký nữa nhé!
Hưng ngạc nhiên:
- Ô! Thế ông lấy gì để sáng mai rửa mặt?
Bạn yên tâm đi. Tớ có cách mà!
- Cách gì ông nói đi! Hay ông không muốn ở cùng phòng với tôi nữa? Nếu vậy tôi sẵn sàng ra đi ngay!
- Ấy chết! Sao cậu lại nói thế. Vì muốn giữ cậu ở lâu dài với mình nên mình không muốn cậu phải vì mình mà cực quá. Cậu hiểu cho, chỉ có tự lực, tự chủ mới có tự do thưc sự thôi. Phụ thuộc vào cậu mãi nhỡ có hôm cậu vắng nhà, hoặc ốm đau lúc ấy tớ biết nhờ ai? Hơn nữa còn nhiều việc mình vẫn phải phiền cậu mà!
-Tớ SỢ nhất ở với ông mà bị "thất nghiệp". Bạn bè không hiểu lại bảo thiếu trách nhiệm với ông. Mang tiếng chết!
- ông không lo chuyện đó. Bởi mọi việc tự làm tôi sẽ giữ kín không một ai biết đâu. Thôi cứ vậy nhé! Từ tối nay ông không phải lên giếng múc nước về cho Ký nữa.
♦♦♦
Ngày 8-12-1966
Sáng nay, mình chủ động dậy sớm hơn mọi ngày. Trời còn tối đất, cả khu tập thể vẫn im ắng trong giấc ngủ vùi. Mình dùng miệng cán chiếc khăn mặt, lặng lẽ vượt qua khoảng sân, ra con suối nhỏ quãng trước lớp học nơi có tấm gỗ bắc qua làm cầu, giặt khăn, cầm đưa lên miệng cắn và đi mấy bước vào lớp, dùng bàn làm điểm tựa, tự rửa mặt, đánh răng. Nước suối chắc không sạch bằng giếng. Song vẫn trong lắm, vẫn dùng tốt mà!
Công việc này khó nhất là thao tác sau khi giặt khăn xong, phải dùng một chân đứng làm trụ, chân kia cặp khăn tựa vào gối chân đứng trụ rồi cúi gập người xuống dùng miệng cắn lấy khăn. Lúc đầu loạng choạng mãi, suýt ngã mấy lần. Cuối cùng vẫn thực hiện được, tuy hơi đau lưng, đau cổ một tí. Nhưng không sao!
Xong xuôi, mình trở về phong tháo màn, gấp chăn. Mọi ngày, việc này mình cũng đều nhờ Hưng. Song sáng nay, thấy Hưng vẫn còn ngon giấc mình liên quyết định tự làm luôn. Lâu nay mình đã thiết kế bốn chiếc móc gắn vào bốn vị trí cần thiết. Việc mắc và tháo màn như vậy rất tiện. Với Hưng thì quá dễ rồi. Nhưng với mình cũng kho khó đấy! Góc nào thấp, mình đứng một chân trên góc giường, c òn chân kia giơ lên gỡ ra. Nếu chân trụ không chuẩn trọng tâm rất dễ bị ngã xuống đất. Rất nguy hiểm. Góc nào cao mình đứng dưới đất dùng miệng tháo. Khi gấp cứ việc nằm ngửa dùng hai chân túm lấy bốn góc màn, giơ cao lên gấp bình thường. Xong chiều dọc, đặt ra giường gấp tiếp chiều ngang.
Còn việc gấp chăn cũng không đến nỗi gì. Trải chăn phẳng ra giường. Mình dứng dưới đất dùng chân lật chăn gấp đôi lần một. Chỉnh đốn các góc sao cho bằng bặn, vuông vức, tiếp tục lật chăn gấp đôi lần hai. Cứ vậy, sau 4 lần, chiếc chăn đã được gấp hoàn thiện khá chỉn chu vừa ý.
Lúc này trời mới tờ mờ sáng, lại đang giữa đông, sự vắng lặng vẫn còn hiện hữu. Mình lại lặng lẽ "bí mật" tranh thủ thực hiện nốt phần việc không thể không làm ngay. Việc này với người bình thường chẳng có gì để nói. Đó là việc "giải quyết đầu ra" cho cơ thể. Song với mình, khi đôi tay đã không thể hỗ trợ, việc thực hiện nó không đơn giản chút nào. Việc này khi phải nhờ đến bạn bè thì thật phiền phức và ngại ngần vô cùng. Lâu nay mình đã nghĩ ra cách dùng quần dây thun thay cho quần tây cài cúc. Khi cần, mình dùng chân kéo xuống. Song lúc kéo lên là một bài toán khá hóc búa. Nếu gặp thời điểm trời nóng bức, mồ hôi rị ra, quần dính vào da, việc kéo lên càng nan giải.
Dù mình đã cố dùng chân, kết hợp với một số động tác vận người, thóp bụng, lắc mông nhưng vẫn khó đưa được quần lên đúng vị trí như ý. Để tình trạng tệ hại này không tái diễn, mình luôn thực hiện vào thời điểm sáng sớm, khi trời còn mát mẻ. Vừa thuận lợi cho việc kéo quần lên, vừa không bị "đụng hàng ai", mà việc giữ bí mật vẫn được đảm bảo. Mình lại mắc chứng táo bón. Thành ra lần nào nhanh cũng phải "ngồi canh" ít nhất nửa giờ, có khi tới cả giờ. Không thể lãng phí thời gian như thế được!
Sáng sớm nay cũng như bao sáng khác, mình lại mặc quần cộc, lặng lẽ khẩn trương rảo bước lên "biệt thự rừng sim" tọa lạc ở lưng đồi cao giữa bốn bề sim mua bao bọc để "ngắm" bình minh núi. Để biến cái vô ích thành hữu ích, trước khi rời nhà, mình không quên lấy một tờ giấy nháp viết sẵn các từ khóa Nga văn cần học, ngậm vào miệng mang theo. Đến nơi, mình gài tờ giấy vào chiếc phèn nứa che trước cửa đối diện chỗ ngồi. Cứ thế vừa lẩm nhẩm học từng chữ vừa đợi "đầu ra".
Khi việc ấy vừa xong cũng là lúc các từ khóa đã nằm trọn trong bộ nhớ. Mình liền dùng tờ nháp đó vo lại để dùng luôn vào việc vệ sinh tại "địa chỉ đầu ra" một cách nhanh gọn. Vậy là nhất cử lường tiện. Làm một việc mà được cả 3 việc. Vui quá!
Khi Hưng thức dậy thì mọi chuyện mình đã thực hiện hoàn tất, đang ngồi bên cửa sổ đọc sách. Hưng ngạc nhiên, có ý muốn thăm dò mình đã tự làm những việc đó thế nào. Song mình chỉ cười, dứt khoát không "tiết lộ". Thực ra đây cũng là tâm trạng chung của người khuyết tật. Họ không muốn ai nhìn họ làm những việc "không giống ai" bằng con mắt tò mò, thương hại. Đó là da nh dự, là lòng tự trọng mà mình cũng như đa phần người khuyết tật luôn nhạy cảm, ý tứ giữ gìn.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!