Thầy Lang (Znachor) Chương 13

Chương 13
Ở cối xay người ta thường đi ngủ sớm.

Ngay cả đám đàn bà, mặc dù cả ngày làm việc mệt nhọc nhưng vốn thích trò chuyện đến tận khuya và không bao giờ thấy đủ, nhiều khi ngồi trước cửa nhà cho đến nửa đêm, mùa này vì đêm bắt đầu se lạnh nên cũng đã sửa soạn đi nghỉ.

Ông lão Prô-cốp đã đọc những bài kinh dài dằng dặc của mình trước các bức tranh thánh, đã quỳ lạy, chạm trán xuống sàn nhà một cách khẩn thiết, bởi lẽ hôm nay là chúa nhật. Anh thợ Vi-ta-lix đã ngáy từ lâu trong nhà bếp. Cậu Va-sin đang ngồi trong nhà ngang chỗ ông An-tô-ni Kô-si-ba và đang thổi khe khẽ nhưng điêu luyện một chiếc sáo nhỏ, cậu thổi sáo và nhìn thầy lang đang im lặng dùng chày gỗ nghiền mỡ với một thứ thuốc nào đó và mật lợn trong một chiếc liễn nhỏ. Ông đang làm loại cao chống giá băng công hiệu của mình.



Đột nhiên, trong bầu không khí yên lặng ấy chợt có tiếng chó sủa. Lũ ngỗng bị thức giấc cũng kêu lên inh ỏi.

- Có người đang đến nhà ta, - Va-sin nói.

- Thử nhìn xem, - thầy lang lẩm bẩm.

Va-sin lau ống sáo vào tay áo, cất vào túi, thong thả bước ra sân. Cậu nghe rõ tiếng bánh xe lộc cộc và những tiếng người nói trộn lẫn vào nhau. Có nhiều giọng nói, chắc phải đến tám chín người. một người chạy trước, thở hổn hển vì gắng sức. Khi người ấy đến chỗ Va-sin và dừng lại trong ánh sáng rọi từ cửa sổ ra, cậu chợt giật lùi.

- Quỷ quái gì thế này?! - Cậu hỏi có vể dữ tợn để có thêm can đảm.

Người khách lạ, mặt và tay đầy máu, mặt mày như một kẻ mất trí, hổn hển nói lập bập:

- Đến gặp thầy lang... Cứu với... Họ đang còn sống...

- Nhân danh Cha và Con, ai?

- Nhanh lên, nhanh lên! - Người khách rên lên. - Thầy lang! Thầy lang mau!

- Có chuyện gì thế? - Tiếng ông An-tô-ni Kô-si-ba từ hiên vọng ra.

- Cứu họ với! Cứu với! Hãy cứu cả cái linh hồn đáng nguyền rủa của tôi nữa! - Người khách lại lao tới phía ông. - Họ đang còn sống!

Va-sin nhìn thẳng vào mặt người khách rồi nói:

- Đây là Zê-nôn nhà thợ yên cương Vôi-đư-uô.

- Có chuyện gì xảy ra thế? - Giọng ông lão Prô-cốp vang lên cạnh đó.

- Họ bị đâm mô-tô! - Zê-nôn vừa nói vừa run như đang cơn sốt rét. - Nhưng vẫn còn sống!

Thầy lang túm chặt lấy vai hắn.

- Ai? Hỡi người, ai vậy?!... - Giọng ông vang lên nỗi kinh hoàng.

Nhưng cũng không cần phải trả lời nữa. Chiếc xe vừa đến. Trên xe là hai thân hình bất động.

Vi-ta-lix chạy từ trong nhà ra, đám phụ nữ cũng ùa ra, mang theo đèn. Mặt cậu chủ Trưn-xki gây một ấn tượng khủng khiếp vì dính từng cục máu đông, nhưng mắt chàng vẫn mở và chàng có vẻ tỉnh. Ngược lại, khuôn mặt nhợt nhạt như màu giấy của Ma-rư-sia có vẻ như mặt một người đã chết. Giữa những mớ tóc màu sáng trên thái dương thấm đẫm máu. Thầy lang cúi xuống xe bắt mạch.

Đám nông dân tiếp lời nhau thuật lại chuyện:

- Vừa lúc tôi đi ngang gần đường Vix-kun-xki thì anh này lao ra kêu cứu. Tôi vội chạy tới xem, thì đây, cầu Chúa xá tội, họ nằm lăn trên đường...

- Mà cũng không còn hơi thở nữa...

- Họ bị ngã từ trên chiếc mô-tô kia. Ai đó đặt một cây gỗ ngang đường, họ lao vào cây, thế là...

- Chúng tôi mới bàn nhau, phải làm gì đây, còn anh này cứ quỳ lê quỳ lết, hôn tay khắp lượt. Xin các bác cứu với, anh ta nói, các bác chở đến chỗ bác sĩ ở thị trấn giùm tôi, xin các bác hãy xứng là người thiên chúa giáo, anh ta bảo...

- Còn chúng tôi, thì dĩ nhiên, cũng hiểu chứ. Có điều làm sao chở họ được đến tận thị trấn đây? Linh hồn họ sẽ bị dốc tuột ra hết mất. Nếu như quả họ còn sống. Thế là chúng tôi bàn nhau mang tới đây, chỗ ông lang...

- Mặc dù người cần nhất ở đây là cha xứ.

Ông An-tô-ni Kô-si-ba quay lại với họ. Nét mặt ông như hóa đá, nom ông giống như người đã chết hơn là người đang sống. Chỉ có mắt ông sáng rực.

- Một mình tôi không kham nổi, - ông nói. - Một người hãy đi ngựa mời bác sĩ đến.

- Vi-ta-lix! Ông lão Prô-cốp gọi. - Thắng ngựa đi.

- Không có thời gian thắng ngựa đâu, - thầy lang kêu lên.

- Các người cho tôi mượn con ngựa, tôi sẽ đi, - Zê-nôn cất tiếng.

- Dắt ngựa cho anh ta, Vi-ta-lix! - Ông Prô-cốp đồng ý, - còn anh thì báo luôn cho Lu-đơ-vi-kốp biết là cậu chủ họ đang nằm ở đây.

Trong khi ấy thầy lang đã vào trong nhà ngang. Chỉ bằng một cái vung tay ông đã gạt hết khỏi bàn tất cả những đồ vật đang nằm trên đó, chiếc ghế dài khác cũng thế. Tay ông run run, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán.

Ông lại chạy ra ngoài, ông ra mệnh lệnh. Người ta khiêng những người bị thương vào nhà ngang, sau khi đã thận trọng luồn tay vào dưới nâng lên, còn Va-sin thắp thêm hai ngọn đèn nữa. Ông ra sức thổi than hồng trong lò sưởi. Na-tan-ka đổ nước vào nồi. Zô-nhia dùng chiếc kéo lớn cắt vải thô ra làm băng.

Ngoài cửa sổ vang lên tiếng chân ngựa dồn dập. Đó là Zê-nôn đang phóng ngựa không yên cương lên thị trấn.

- Rồi hắn cũng ngã gãy cổ mất thôi, - Vi-ta-lix lẩm bẩm sau lưng y. - Còn giết cả ngựa trong một đêm tối đen này nữa chứ chẳng không.

- Giết gì mà giết, - ông lão Mi-en-nhich vừa lo lắng vừa bực mình vì lời tiên đoán kia đáp lại. - Đường vừa thẳng vừa bằng phẳng kia mà.

- Chúa tôi, Chúa tôi, bao nhiêu là bất hạnh! Bà lão A-ga-ta cứ lặp đi lặp lại mãi.

- Chắc ngày chúa nhật cậu chủ đã trêu ghẹo quỷ dữ, - một trong những người nông dân lẩm bẩm. - Dám phóng loạn xạ trên cái xe máy như thế kia.

- Đó cũng chưa phải là tội, tội gì mới được chứ, - một người trẻ hơn phản đối.

- Tội thì có thể không tội, nhưng tốt nhất vẫn không nên.

- Hãy kể lại xem nào, hỡi những con người nhân hậu, mọi chuyện xảy ra như thế nào, từ đầu đến cuối, - ông lão Prô-cốp hỏi.

Mọi người tụ tập quanh chiếc xe. Người nhà cũng bước ra khỏi nhà ngang, chắc họ bị ông An-tô-ni xua ra. Người ta bắt đầu kể tỉ mỉ. Thỉnh thoảng một trong những người đang nghe lại tách ra khỏi, đến nhòm bên cửa sổ. Ngược với thói quen của mình, ông thầy lang đã quên kéo rèm che.

Nhưng thầy lang không quên. Có điều ông hiểu rất rõ rằng mình không được phép mất một chút thời gian nào hết. Đầu tiên ông khám cho Ma-rư-sia. Hơi thở yếu ớt và mạch rất khó bắt chứng tỏ nàng sắp tắt nghỉ. Cần phải nhanh chóng tìm ra chỗ bị dập thương. Vết thương ở thái dương không thể là nguyên nhân của tình trạng nguy kịch này. Nó chỉ là vết thương bề mặt và rõ ràng được tạo nên khi cô gái ngã do va phải một hòn đá nhọn nào đó, nó làm rách da và trượt dọc theo xương. Xương không hề bị suy suyển. Da tay và đầu gối cũng bị xây xát ở nhiều chỗ nhưng xương vẫn nguyên vẹn.

Những ngón tay của thầy lang nhanh nhẹn nhưng tuần tự khám kỹ cái thân hình bất động của cô gái, xương sườn, xương quai xanh, cột sống rồi quay lên đầu. Ông vừa chạm tới chỗ nối giữa đầu với gáy thì Ma-rư-sia rùng mình, một, hai rồi ba lần...

Giờ thì ông đã rõ: gốc sọ não bị dập.

Nếu óc không bị tổn thương, thì việc giải phẫu ngay lập tức sẽ có thể có kết quả. Có thể... có một tia hi vọng mỏng manh... dầu sao cũng vẫn còn có.

Thầy lang đưa mu bàn tay quệt vầng trán đẫm mồ hôi.

Ánh mắt ông dừng lại trên những dụng cụ thô sơ mà ông vẫn sử dụng cho đến nay. Ông hiểu rất rõ rằng với những dụng cụ kia ông không thể tiến hành ca phẫu thuật nguy hiểm và khó khăn như thế.

- Tất cả hi vọng nằm trong tay bác sĩ, - ông nóng ruột nghĩ bụng, - cầu Chúa để cho ông ấy đến kịp.
Thầy lang rửa và băng bó các vết thương của Ma-rư-sia rồi sau đó chăm sóc đến chàng Trưn-xki. Chàng trai đã tỉnh lại và rên to. Sau khi rửa sạch máu đọng, rửa sạch mặt, ông thấy chàng bị gẫy xương quai hàm. Vết gẫy phức tạp ở tay trái còn tệ hơn nữa. Đoạn xương gẫy chéo đã chọc thủng cả thịt lẫn da.

Chỉ bằng vài nhát dao, thầy lang đã cắt rời ống tay áo và bắt đầu mổ. May thay, do đau, người bị thương lại ngất đi. Hai mươi phút sau ca mổ hoàn thành. Dù sao chăng nữa, tính mạng của Trưn-xki cũng không còn bị đe dọa nữa.

Trong lúc đó Zê-nôn phóng ngựa như điên lên thị trấn. Suýt nữa y va phải một người đàn bà ngay trước nhà thờ, nhưng rốt cuộc y cũng nhảy xuống ngựa trước nhà bác sĩ Pa-vơ-li-xki.

Bác sĩ vẫn chưa ngủ và ngay lập tức anh ta hiểu cần phải làm gì. Anh ta bảo cô em gái ra bưu điện liên lạc ngay với Lu-đơ-vi-kốp, còn anh thì vội vã lôi trong chiếc va-li đi đường đựng dụng cụ giải phẫu trong tủ ra, kiểm tra xem có thiếu gì không, gói thêm nhiều loại thuốc nữa cùng ống tiêm và băng.

Cô em gái trở về báo tin rằng ông bà Trưn-xki đã lên đường bằng xe ô tô, chừng năm mười phút nữa họ sẽ có mặt ở Ra-đô-li-xki.

- Anh sẽ đi cùng với họ, - bác sĩ quyết định.

- Xin bác sĩ đi ngay bây giờ cho, kìa, đã có sẵn ngựa đây rồi! Zê-nôn giục giã.

- Ông điên à! - Pa-vơ-li-xki bực mình. - Tôi mà lại phải lắc lư trên lưng con ngựa không có yên cương kia à??... Vả lại đi xe ô tô sẽ đến được nhanh hơn.

Và anh ta có lý. Chiếc ô tô to tướng của Lu-đơ-vi-kốp đến nhanh không ngờ. Ông bà Trưn-xki kinh hoàng định hỏi Zê-nôn xem chuyện xảy ra thế nào nhưng bác sĩ tuyên bố rằng sau này hẵng hay.

Chưa đầy năm phút sau họ đã có mặt trước cối xay. Khi họ bước vào nhà ngang, thầy lang đang kết thúc việc băng đầu cho chàng thanh niên bị thương.

- Còn sống không, con trai tôi còn sống không?! - Phu nhân Trưn-xka kêu lên.

- Còn sống, thưa bà, và anh ấy sẽ không bị làm sao hết, - ông đáp.

- Kẻ này thì biết được gì kia chứ, bác sĩ, xin ông hãy cứu lấy con tôi!

- Tôi sẽ cởi bỏ các thứ rẻ rách này và sẽ khám cho cậu nhà, - bác sĩ nói.

- Không có việc gì phải làm cậu ấy thêm đau đớn. Tôi xin nói với bác sĩ về vết thương của cậu ấy. Cậu ấy bị gẫy xương hàm ở chỗ này và gẫy tay trái ở chỗ đây. Tôi đã xếp lại xương theo đúng cách cần thiết.

- Yêu cầu không được cản trở tôi, - bác sĩ hét lên. - Có lẽ tôi hiểu rõ hơn ông cần phải làm gì chứ hả!

- Ở đây không có việc gì cần phải làm nữa cả, - thầy lang bướng bỉnh khẳng định - Còn cô gái này lại cần phải cứu ngay lập tức.

- Cô ta bị làm sao? - Bác sĩ hỏi.

- Xương bị ép vào não.

- Thưa bác sĩ! - Phu nhân Trưn-xka rên lên.

Mạch chàng trai hoàn toàn ổn.

- Tôi sẽ tiêm một mũi chống uốn ván rồi chuyển ngay cậu ấy vào bệnh viện. Cần phải nhanh chóng chụp Rơn-ghen. Còn bây giờ tôi phải xem cho cô gái này đã.

Bác sĩ cúi xuống Ma-rư-sia, cố tìm bắt mạch cô. Lát sau, anh ta quay đầu lại.

- Đang hấp hối rồi, - anh tuyên bố.

- Xin ông cứu lấy cô ấy, thưa bác sĩ, - thấy lang cất giọng khàn đặc khẩn thiết.

Bác sĩ nhún vai.

- Không còn gì có thể làm được ở đây cả. Tôi sẽ khám vết thương xem... Hừm... Quả thực... Gãy về đáy sọ não.

Cái thân thể bất động bắt đầu run giật.

- Và tổn thương màng não, - bác sĩ nói thêm. - Những cơn giật kia chứng minh điều đó... Phải... Thế này thì đến phép thánh cũng chịu. Các vị có gương không?

Thầy lang đưa cho bác sĩ một mảnh gương vỡ. Bác sĩ đặt kề vào đôi môi đang hé mở của người bị thương. Có một làn hơi mờ mờ.

- Thôi, biết làm sao, bác sĩ xuôi tay, - điều duy nhất mà tôi có thể làm được là tiêm một mũi trợ tim. Nhưng hoàn toàn vô vọng.

Anh mở va li chứa đầy dụng cụ phẫu thuật bóng nhoáng. Thầy lang nhìn như bị thôi miên vào đó, không thể rời mắt khỏi các dụng cụ ấy.

Trong khi ấy bác sĩ hút một thứ thuốc trong suốt đằng đặc từ ống vào xơ-ranh rồi tiêm vào dưới da ở cánh tay cô gái.

- Chỉ phí công thôi, anh lẩm bẩm, - lát nữa là xong.

Rồi bác sĩ trở lại với chàng Trưn-xki, bắt tay vào việc tháo băng.

Thầy lang chạm vào khuỷu tay anh.

- Thưa bác sĩ! Xin bác sĩ hãy cứu lấy cô ấy.

- Này con người đần độn kia! - Pa-vơ-li-xki nổi cáu quay lại. - Tôi làm sao cứu nổi cô ta chứ?

- Nhưng đó là nghĩa vụ của ngài, - Kô-si-ba buồn rầu đáp lại.

- Không phải thứ ông dạy tôi về nghĩa vụ. Tôi báo cho ông biết, nếu như về việc băng bó của ông mà vết thương này bị nhiễm trùng thì ông sẽ phải vào nhà đá. Ông hiểu chứ? Ông không có quyền hành nghề chữa bệnh.

Thầy lang hình như không nghe thấy những lời đó.

- Xin bác sĩ hãy mổ cho cô ta, - ông nói, - sẽ thành công thôi mà.

- Lui ra, quỷ quái thật chứ: mổ mà làm gì ở đây kia chứ!

Và ngoảnh lại nhìn ông bà Trưn-xki như muốn lấy họ làm chứng, bác sĩ kêu lên:

- Tôi phải mổ cho một cái xác à?!... Đây là trường hợp đáy hộp sọ bị vỡ. Các mảnh xương vỡ chắc sẽ làm tổn thương não. Ngay cả bậc thiên tài lớn nhất của khoa giải phẫu cũng không thể làm gì nổi. Nào, lại còn phải tiến hành khoan xương trong những điều kiện vệ sinh như thế này...

Bác sĩ khoát tay một vòng chỉ những bó cây thuốc đầy bụi bặm dưới chân tường, những chiếc đèn dầu muội bám và các thứ rác rến trên sàn nhà.

- Nếu tôi có những dụng cụ như của bác sĩ, - thầy lang vẫn ương bướng nói, - tôi sẽ thử...

- Vậy thì may mà ông không có. Ông sẽ vào tù sớm hơn nữa cho mà xem, - bác sĩ đáp lại, đã bình tĩnh hơn vì đang bận sờ nắn xương quai hàm của anh chàng Trưn-xki. - hừm... Quả thực, hình như chỗ gãy không có gì nguy hiểm... Song không có Rơn-ghen thì chưa có gì chắc chắn cả... Tổn thương ngoại hình...

Anh ta thành thạo sát trùng vết thương rồi băng bằng băng của mình. Tiếp đó, anh khám tay và nhận thấy hai vết rạch ở đó, anh lại nổi khùng lên:

- Tại sao ông dám làm chuyện này!... Sao ông dám!... Chắc hẳn lại mổ bằng một con dao nhíp bẩn thỉu nào thôi!...

- Xương chòi cả ra ngoài, - ông Kô-si-ba thanh minh,- còn dao thì tôi đã trụng nước sôi rồi...

- Tôi sẽ dạy cho ông!... Ông sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này.

- Vâng, thì chịu chứ sao, - thầy lang chán nản lẩm bẩm. - Nhưng tôi biết làm sao được?

- Phải chờ tôi đến!

- Thì tôi đã cử người mời bác sĩ đấy thôi. May mà họ gặp bác sĩ ở nhà, còn nhỡ họ không gặp, thì sao?... Tôi đành chịu để người bị thương không sơ cứu như vậy hay sao?...

- Và vì thế chúng tôi rất biết ơn ông, - ông Trưn-xki lên tiếng. - Người này nói có lý, thưa bác sĩ.

- Thì hẳn rồi, - bác sĩ tán đồng vẻ không thoải mái. - Quả thực, có thể tôi không có mặt ở nhà. Có điều, xin Chúa che chở để khỏi bị nhiễm trùng.

Ông Trưn-xki rút một tờ giấy bạc ra khỏi ví đưa cho thầy lang.

- Ông nhận cho vì công giúp đỡ của ông.

Ông Kô-si-ba lắc đầu.

- Ông cứ cầm. Ông giúp người nghèo không công là đúng, còn đối với chúng tôi ông có thể nhận tiền.

- Tôi không giúp người nghèo hay kẻ giàu, chỉ giúp con người thôi. Còn với cậu chủ đây, thì nếu không có lương tâm, tôi chẳng muốn giúp chút nào. Nhẽ ra cậu ấy phải chịu chết chứ không phải cô gái bất hạnh kia... Vì cậu mà giờ đây cô ấy đang phải chết...

Phu nhân Trưn-xka quay lại nói với bác sĩ bằng tiếng Pháp:

- Đã có thể chuyển ra ô tô chưa ạ?

- Vâng!... - Bác sĩ trả lời. - Để tôi gọi người. Đợi tôi thu xếp đồ đạc một chút đã.

Bác sĩ nhanh nhẹn thu dọn các dụng băng bó đặt trên bàn, đóng va-li lại rồi xách va-li bước ra ngoài. Qua cửa sổ, ông An-tô-ni Kô-si-ba thấy bác sĩ cất va-li vào ô tô. Chính lúc ấy quyết tâm đã nẩy ra:

- Ta phải lấy bằng được!

Tranh thủ sự lộn xộn trong lúc chuyển cậu chủ Trưn-xki ra xe, thầy lang bước ra ngoài sân. Các cửa ô tô đều mở, tài xế đứng bên kia. Chỉ cần một động tác thôi rồi lại lui vào nhà.

Không ai nhận thấy là chiếc va-li đã biến mất. Hai phút sau chiếc ô tô chạy về phía Ra-đô-li-xki.

Thầy lang không bỏ phí thì giờ. Giam mình trong nhà, ông vội vã bày những dụng cụ vừa lấy được trên bàn, ngay bên cạnh đầu Ma-rư-sia, dịch những chiếc đèn lại thật sát rồi ông lấy hết sức thận trọng bố trí lại thân hình bất lực của cô gái theo tư thế thích hợp nhất. Lúc ấy ông mới làm dấu thánh và bắt đầu mổ.

Đầu tiên phải cạo sạch tóc ở gáy. Trên làn da vừa sạch tóc hiện rõ một vết tím bầm khá lớn. Chỗ sưng không đáng kể.

Ông lại áp tai vào lồng ngực cô lần nữa. Tim đập rất khẽ. Ông đưa tay chọn một con dao sắc, lưỡi mỏng, có cán dài. Dưới nhát rạch đầu tiên, máu đen túa ra, thấm vào tấm gạc bằng vải thô. Nhát thứ hai, thứ ba, thứ tư... Những động tác nhanh, chắc chắn của ông đã bóc đi những lượt cơ bám. Xương sọ hiện ra trắng hồng.

Đúng, bác sĩ Pa-vơ-li-xki đã không nhầm, xương sọ bị dập, vỡ, vài mảnh vụn nhô sâu vào trong, ấn lên não.

Trước hết cần phải hết sức thận trọng lấy các mảnh vụn ấy ra sao cho không làm tổn thương đến màng bao vỏ não. Đó là một việc rất đỗi khó khăn và mệt mỏi. Càng khó khăn hơn vì cơ thể người được giải phẫu lại bắt đầu run giật. Đột nhiên, những cơn run giật ắng hẳn.

- Thế là hết rồi sao? - thầy lang thầm nghĩ.

Song ông không dừng tay mổ. Ông không có thì giờ để kiểm tra mạch. Ông không rời mắt khỏi vết thương, không hề thấy rằng bên ngoài cửa sổ người ta đang dán mũi vào cửa kính, kiên trì theo dõi những cố gắng tuyệt vọng của ông.

Những con gà trống đầu tiên đã cất tiếng gáy, ông mới mổ xong và khâu vết thương. Đến lúc này ông lại làm dấu thánh rồi áp tai vào ngực cô gái song ông không thể nghe thấy một tiếng động nào hết.

- Phải tiêm! - Một ý nghĩ chợt lóe lên.

Ông dễ dàng tìm thấy trong chiếc va-li hộp đựng thuốc và ống tiêm.

- Dùng thứ thuốc mà bác sĩ đã tiêm, - ông khẳng định.

Sau khi tiêm, trái tim đã hoạt động đến mức có thể nghe thấy.

Lúc ấy, ông An-tô-ni Kô-si-ba mới nặng nề buông người xuống chiếc ghế dài, tựa đầu vào hai tay và nức nở.

Ông ngồi bất động như thế có nhẽ đến một giờ, cũng có thể lâu hơn, hoàn toàn kiệt quệ, nửa tỉnh nửa mê. Rồi sau đó ông đứng lên để kiểm tra xem tim Ma-rư-sia có còn đập không. Mạch đập yếu đến mức phải cố lắm mới bắt được, không mạnh lên tí nào, song cũng không bị yếu đi.

Lê đôi chân nặng nề, thấy lang thu thập dụng cụ, rửa sạch, xếp vào va-li, rồi sau một lúc suy nghĩ ông mang chiếc va-li vào nhà chứa cỏ khô, gạt cỏ ra một góc, đẩy nó vào thật sâu. Chỗ này an toàn. Người ta sẽ không tìm được, sẽ không lấy lại. Còn ông, có được kho báu này, ông có thể tiến hành những ca mổ, ngay cả những ca khó như ca này, dễ dàng biết bao, tốt và nhanh hơn biết bao nhiêu.

- Bác sĩ gọi là gì ấy nhỉ? - ông suy nghĩ lại. - Phẫu thuật sọ não... Phải rồi, phẫu thuật khoan sọ não... Rõ quá. Thì ta cũng biết thuật ngữ ấy mà. Không hiểu sao nó bay biến một cách kỳ lạ ra khỏi đầu óc ta.

Quay vào nhà, ông thăm mạch cho Ma-rư-sia, tắt đèn rồi nằm bên cạnh cô để có thể sẵn sàng trước mọi động tĩnh của người bị thương. Tuy nhiên ông không nghĩ là sẽ có khả năng ấy.

Khi ông thức dậy thì mặt trời đã chiếu sáng. Người ta gõ cửa. Ông bước ra và gặp trưởng đồn cảnh sát ở thị trấn Ra-đô-li-xki, ông Zi-ô-mếch. Bên cạnh là ông lão Mi-en-nhich và cậu Va-sin.

- Cô gái ra sao rồi, ông Kô-si-ba? - Đồn trưởng hỏi - Cô ấy vẫn còn sống chứ?

- Vẫn còn sống, thưa ông cảnh sát, nhưng họa chỉ có Chúa mới hay liệu rồi cô ấy có qua khỏi không.

- Tôi phải vào nhìn qua cô ấy.

Họ cùng bước vào nhà. Viên cảnh sát nhìn cô gái đang mê man một lúc rồi thừa nhận:

- Không thể nói tới việc thẩm vấn được. Nhưng tôi phải lấy lời khai của tất cả các ông. Hừm... Bác sĩ Pa-vơ-li-xki báo trước rằng chiều nay sẽ về và sẽ cấp giấy chứng tử. Ông ấy nghĩ rằng cô gái đã... từ hôm qua kia.

- Thế bác sĩ đi rồi ạ? - Thầy lang hỏi.

- Ông ấy phải đi cùng cậu chủ Trưn-xki, chở cậu ấy lên bệnh viện trên thành phố. Hình như cậu ấy sẽ chẳng làm sao đâu, có điều chưa nói được. Một nạn nhân bất tỉnh nhân sự, một người khác mất khả năng động đậy cái mồm... Cứ thử nghĩ xem, giá như tội phạm không tự thú thì chắc chắn có thể nghiễm nhiên mà vù.

- Tội phạm? Tội nào ở đây? Một vụ tai nạn thôi mà. - Va-sin ngạc nhiên.

- Các ông nghĩ thế à?... Thế có ai trong các ông đến chỗ ấy, ngay chỗ đường ngoặt ấy chưa?

- Chưa.

- Còn tôi thì đã có mặt ở đó ngay từ sáng sớm. Các ông nghĩ sao, liệu một hôm nào đó, mấy khúc gỗ đã bị chặt hạ từ lâu có thể trườn lên mặt đường rồi sắp xếp thành vật chắn ngang được chứ? Và những tảng đá cũng có thể tự chúng xếp lên?... Những chuyện thần kỳ như ậy chưa từng có bao giờ. Đây là một vụ âm mưu tội ác.

- Thế ai gây ra?

- Còn ai nữa?... Chính gã Zê-nôn, một kẻ tiền án tiền sự, con ông thợ yên cương Vôi-đư-uô chứ ai.

Những người có mặt nhìn nhau nửa tin nửa ngờ.

- Có lẽ nhầm đấy, ông cảnh sát trưởng ạ, - cuối cùng ông lão Prô-cốp lên tiếng. - Chính anh chàng Zê-nôn là người đầu tiên đã cứu cả hai, anh ta gọi mọi người, anh ta chở họ đến cối xay rồi lại chính đích thân đi mời bác sĩ kia mà!

- Thế đấy! - Viên cảnh sát lắc đầu. - Thế ra lời khai của y là đúng sự thực. Y có nói, nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ y muốn thanh minh cho bản thân để khi tòa xử có được các hoàn cảnh giảm nhẹ tội. Chắc là lương tâm y bị đụng chạm.

- Thế anh ta tự đến khai báo sao?

- Tự đến. Y khai rằng quỷ sứ đã xui khiến y, rằng y say rượu... Nào, nhưng tôi phải bắt tay vào ghi chép đã.

Ông Prô-cốp mời viên cảnh sát vào phòng, ở đó ông ta lấy lời khai của tất cả mọi người với tư cách nhân chứng. Cả ông An-tô-ni Kô-si-ba cũng khai, nhưng ông nói không nhiều. Ông chỉ thêm vào lời khai của những người khác là ông đã sơ cứu các nạn nhân. Sau đó đám phụ nữ bày thức ăn sáng, trong khi ăn, tiện dịp, viên cảnh sát trưởng hỏi ông lang xem làm sao để chữa chứng đau hông phải mà anh ta đã bị từ vài tháng nay. Nhận thuốc, anh ta cảm ơn, rồi bảo rằng nếu trường hợp cô gái chết, phải báo cho đồn cảnh sát, sau đó anh ta tạm biệt và ra đi.

Song Ma-rư-sia không chết! Ngày nối ngày trôi qua, cô gái vẫn nằm bất động và bất tỉnh. Điều duy nhất thay đổi trong tình trạng sức khỏe của cô là cơn sốt mỗi ngày một tăng. Mặt cô từ màu phấn trắng mỗi lúc một chuyển thành hồng hơn, hơi thở từ chỗ yếu ớt đến khó khăn, chuyển thành một kiểu hơi thở nhanh, gấp gáp, đứt đoạn.

Mỗi ngày ba lần thầy lang đổ vào miệng cái miệng mím chặt của cô một thứ thuốc sắc màu nâu nâu, ngày cũng như đêm, ông thay khăn chườm mặt bằng vải nhúng vào nước giếng khơi lạnh toát, đặt trên vầng trán nóng bỏng và trên trái tim đang đập nhịp lồng lộn.

Chính ông cũng mỗi ngày một gầy thêm, tóc càng bạc thêm. Nét mặt ông gợi nhớ đến nét mặt tử thi, chỉ trong đôi mắt là ánh lên nỗi tuyệt vọng. Ông đã mất hết mọi hy vọng. Mọi nỗ lực chẳng giúp được gì, mọi phương sách chẳng giúp được gì, mọi sự săn sóc cũng chẳng ích gì. Ông thấy rõ rằng sự sống trẻ trung kia, sự sống của cái sinh linh duy nhất trên đời mà ông sẵn sàng đánh đổi không hề ngần ngại mạng sống của chính mình kia đang tuột dần khỏi tay ông.

Ngày thứ ba, ông yêu cầu Va-sin lên thị trấn mời bác sĩ.

- Có thể ông ấy giúp được gì chăng, - ông bảo.

Va-sin đi rồi lại về không. Hóa ra, bác sĩ ở lại Vin-nô dài ngày hơn và chắc sẽ không chóng trở về, bởi lẽ ông ta còn phải đưa cậu chủ Trưn-xki ra nước ngoài.

Đến chiều tối, ông An-tô-ni Kô-si-ba cử người đến Pie-trơ-ki, đón người chăn cừu ở đó. Ông hoàn toàn không tin chút nào vào những lời "phù chú" của lão ta, nhưng khi chết đuối thì cuộng rơm cũng bám (42).

Mặc dù nỗi ác cảm nghề nghiệp đối với kẻ cạnh tranh, lão chăn cừu vẫn đến. Lão thấy việc này là một thắng lợi to lớn của mình. Lão nhìn cô gái sắp chết, sờ vào hai bàn tay cô, lật một bên mi mắt, rồi bên kia, kéo môi dưới xuống, ngắm nghía kỹ càng bên trong, hơi mỉm cười một chút và bắt đầu lẩm bẩm gì đó trong khi giơ cả hai tay trên đầu cô gái.

Những ngón tay già nua, sần cục dần dần co quắp lại, dường như lão đang thu lượm một thứ gì đó, rồi lão di chuyển bàn tay đến tận gót chân cô gái, đến đấy mới mở tay ra, làm động tác như đang rũ bỏ một thứ gì đó vô hình. Lão làm đi làm lại như thế bảy lần liền, mồm lẩm bẩm không ngớt mấy câu thần chú, mà những đoạn cuối cùng được lão nói to thành tiếng:

-... đến con sông rộng, đến đất lạ xa, mặt trời nóng bỏng, bóng đêm bao la, ánh trăng lạnh lẽo, ba trăm năm qua, cút ngay ra cửa, xéo ra xéo ra!

Khi thốt lên những tiếng cuối cùng lão nhảy vọt đến bên cửa sổ, mở toang nó ra, vừa thò tay ra bên ngoài vừa ra lệnh:

- Mau đổ nước từ thùng gỗ rửa tay cho ta.

Một người nào đó từ trong những người có mặt vội thi hành mệnh lệnh. Lúc ấy người chăn cừu hớt một ít than hồng trong lò vào nắp vung rồi rắc từng dúm cây thuốc mà lão lấy trong chiếc túi vải gai dày cộp đeo trên vai rắc lên than, rồi bắt đầu khoan thai đi đến góc phòng. Đến mỗi góc, lão dừng lại, thổi phù phù vào than hồng cho đến khi cây thuốc bốc lên thành một cuộn khói, lão đọc kinh lạy Chúa rồi quay trở lại bên đầu người sắp chết, để rồi sau đó chuyển đến góc nhà khác.

Toàn bộ những thủ tục kia kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng lão chăn cừu tiến lại gần Ma-rư-sia, xem xét phía dưới mi mắt cô và gật gù.

- Cô ta sẽ sống, - lão nói đầy tin tưởng. - Tôi đã bỏ bùa thần chết. Nhưng thần chết hùng mạnh lắm. Thần không chịu đầu hàng ngay cả những bùa chú mạnh nhất. Nơi nào thần đã định ở lại thì không có cống vật, thần không chịu bỏ đi, không chịu trắng tay đâu. Vì vậy, các người hãy chọn lấy một con gà mái, đúng nửa đêm, ngay dưới cửa sổ này, cắt tiết nó. Thế người bệnh là gái đồng trinh hay gái có chồng?

- Đồng trinh. - Ông Kô-si-ba đáp.

- Thế thì cần phải gà trắng. Các người có con gà mái trắng nào không?

- Có. - Ôn-ga gật đầu, chị lắng nghe rất trang nghiêm.

- Thế thì cắt tiết nó. Sau đó hầm nó lên và cho người ốm ăn trong bốn ngày liền. Lạy Chúa che chở, không được cho ăn gì khác, chỉ con gà ấy và xúp nấu bằng thịt nó mà thôi. Còn bây giờ thì các người đừng có cảm ơn, vì chuyện đó sẽ không có lợi, tôi về đây. Cầu cho sáng danh Chúa Giê-xu Chris!

- Đời đời, a-men, - những người có mặt đáp lại.

Tất cả mọi người cùng ông lão chăn cừu bước ra ngoài, chỉ mỗi mình Zô-nhi-a ở lại. Chị khẽ chạm vào sườn thầy lang đang suy tư và hỏi:

- Ông An-tô-ni, sao, có giúp được gì không?

- Không biết, - ông nhún vai.

- Ông thấy không, tôi nghĩ là những chuyện đại loại thế này đều là chuyện vớ vẩn cả thôi. Liệu việc đốt trầm hương và lẩm bà lẩm bẩm có thể giúp được gì cho người ốm cơ chứ?... Ông chồng đã mồ yên mả đẹp của tôi, người đã từng lang bạt trên thế giới và trong chiến trận, thì cười mỉa những chuyện này. Lẩm bẩm với chả đốt trầm hương đâu phải là thuốc. Ông chữa theo cách khác hẳn, thế tại sao ông phải mời lão chăn cừu làm gì cho rách việc ra! Giờ thì lão ta có thể nói với mọi người là khi nào ông không thể làm gì được nữa, lão ta vẫn có thể làm được. Còn nếu cái cô Ma-rư-sia này sống được thì không có lão ta cúng vẫn sẽ sống kia mà. Nhưng giờ, đối với ông, tốt nhất là cô ta cứ chết quách là hơn, vì rằng...

Chị chàng đột nhiên ắng hẳn dưới mắt của ông An-tô-ni rồi lùi sát đến chân tường.

- Ông làm sao thế, ông làm sao thế, ông An-tô-ni! - Chị mau mồm xí xóa. - Thì tôi có mong điều gì xấu... Chỉ mong tốt cho ông thôi mà... Nói có Chúa chứng giám. Tôi chẳng cầu cho ai chết cả... Mới có thế mà ông đã... Ôi! họa có Chúa mới hay ông đã nghĩ thế nào. Thôi, đừng giận nữa mà, đúng nửa đêm, tôi sẽ cắt tiết một con gà mái ngay dưới cửa sổ này. Tôi sẽ chọn một con thật trắng, trắng tuyền...

- Đi đi, Zô-nhi-a, đi đi, để tôi ngồi một mình, - thầy lang thều thào.

- Tôi đi đây. Chúc ông ngon giấc, An-tô-ni, ông cũng phải ngả lưng một chút, phải nghỉ ngơi chứ. Ông ốm thật mất thôi. Còn về chuyện gà thì đừng lo. Tôi sẽ làm đúng như lời lão chăn cừu đã dặn. Chúc ông ngủ ngon.

Chị bước ra, và im lặng lại bao trùm. Chỉ có hơi thở rít lên của Ma-rư-sia chứng tỏ rằng trong sự lặng lẽ và tĩnh mịch này vẫn có điều gì đó đang diễn ra, có một thứ gì đó đang gấp gáp, rất gấp gáp hướng về cái kết cục không sao tránh khỏi.

Thầy lang đẩy cái ghế đẩu đến gần, tỳ khuỷu tay vào mép bàn và nhìn chằm chằm vào những mạch máu màu xanh nhợt trên mi mắt đang nhắm nghiền của cô gái.

Ông đã làm tất cả những gì mà sự hiểu biết bảo ông phải làm, những gì mà lý trí sáng suốt bảo ông, thậm chí cả những điều ngược với lý trí, ngược với lòng tin, làm theo sự mách bảo của nỗi tuyệt vọng cùng cái bản năng tìm phương trợ giúp và ứng cứu ở những thế lực siêu phàm không sao hiểu nổi và có thể hoàn toàn không hề tồn tại, cái bản năng ẩn náu đâu đó trong những chỗ khuất nẻo của tâm hồn.

Thời gian trôi đi, ngoài cửa kính bóng đêm dần đặc quánh lại. Ông An-tô-ni Kô-si-ba nghĩ mãi về bản thân mình, về số kiếp mình, về cuộc đời trống trải từ trước đến nay của mình, cuộc đời vô vị và không hề ràng buộc gắn bó với một thứ gì, gắn bó với loài người cũng không gắn bó với thế gian. Phải, không chút gắn bó. Bởi lẽ chỉ có thể gắn bó bởi tình cảm. Không phải bánh mì, không phải bản thân cuộc sống, không phải lòng tốt và sự chân thành của người khác, thậm chí cũng không phải lòng tin rằng ta mang lại lợi ích cho ai, mà chỉ có tình cảm. Và chỉ cần ta yêu ai đó với tất cả tấm lòng, thì số phận đã lại cướp đi, đã lại tước mất, đã lại lấy đi mất...

- Lại giống như hồi trước, - có gì đó chợt lên tiếng trong lòng ông, ông bất giác đưa tay chà chà lên trán.

Đột nhiên ông nhớ ra rằng, ngày trước, đã lâu lắm rồi, lâu vô cùng, dường như trong kiếp trước, ông đã từng chịu một sự mất mát giống như thế này. Ôi, ông chắc lắm. Số phận đã lấy đi của ông một người nào đó, một người mà ông yêu thương, thiếu người đó ông không thể nào sống nổi...

Mạch máu giật giật trên thái dương, những ý nghĩ quay cuồng trong cơn xoáy lốc điên loạn trong đầu óc.

- Chuyện thế nào nhỉ?... Khi nào?... Ở đâu?... Vì đã từng có mà... Chắc chắn là đã từng xảy ra...

Ông nghiến chặt răng, xiết chặt những ngón tay khiến các móng tay đâm sâu vào lòng bàn tay đến độ đau đớn.

- Nhớ lại... nhớ lại... Ta phải nhớ lại bằng được...

Những dây thần kinh mệt mỏi dường như rung lên bần bật trong nỗi căng thẳng quá sức. Ý nghĩ tan tác thành bọt trắng, vô hình thù, giống như nước trong guồng cối xay, tựa một bức tranh mờ ảo mơ hồ không ổn định bắt đầu những vết cào xước... Một khuôn mặt trái xoan dịu dàng... Nụ cười nửa miệng tô điểm làn môi, mái tóc màu sáng và cuối cùng - đôi mắt - đôi mắt màu đen, sâu thẳm, khôn dò...

Từ cổ họng khô khốc, đang bị thít chặt của ông An-tô-ni bật ra một lời xa lạ mà vô cùng quen thuộc, một cái tên chưa từng nghe mà lại rất gần gũi:

- Bê-a-ta...

Ông thầm nhắc cái tên ấy trong nỗi kinh ngạc, hãi hùng lẫn niềm hy vọng, cùng diễn ra đồng thời. Ông cảm thấy trong lòng ông có một điều gì đó đang xảy ra, rằng ông đã phát hiện ra một thứ gì đó vô cùng kỳ vĩ, rằng chỉ một giây nữa thôi là một điều bí ẩn lớn lao sẽ mở ra trước mắt ông...

Ông gò người vào, co quắp.

Đột nhiên, ngoài cửa sổ vang lên tiếng kêu kinh hoàng của loài chim trong sự tĩnh mịch. Một, hai rồi ba tiếng...

Ông An-tô-ni Kô-si-ba bật dậy và thoạt tiên không hiểu điều gì xảy ra. Mãi một lúc sau ông mới hiểu.

- Đó là Zô-nhi-a đang cắt cổ gà... Một con gà mái trắng... Nửa đêm rồi... Ông nhanh nhẹn lại gần Ma-rư-sia. Sao ông có thể rời cô lâu đến thế... Ông chạm tay vào cô, vào má, vào trán... Ông bắt mạch, nghe hơi thở.

Không nghi ngờ gì nữa, cơn sốt đã hạ, hạ rất nhanh. Chỉ có gò má và bàn tay là còn âm ấm.

- Con bé lạnh rồi, thế là hết, - ông nghĩ thầm.

Không để phí thời gian, ông chất to lửa trong lò sưởi, để ngay một nắm thuốc vào chiếc soong nhỏ. Vài phút sau, thuốc trợ tim đã sắc xong. Ông đổ vào miệng người ốm ba thìa, sau chừng một giờ ông thấy mạch có vẻ khá hơn. Ông bèn cho uống thêm một lần nữa.

Mười lăm phút sau, Ma-rư-sia mở mắt. Rồi cô lại nhắm mắt vào, để lại mở ra lần nữa. Môi cô mấp máy không thành tiếng và hình như cô mỉm cười. Mắt cô nhìn tỉnh táo.

Thầy lang cúi xuống nhìn cô thì thầm:

- Con bồ câu nhỏ của bác, niềm hạnh phúc của bác... Cháu có nhận ra bác không?... Nhận ra không?...

Môi Ma-rư-sia mấp máy, và mặc dù không tài nào nghe tiếng cô, nhưng qua cách cử động đôi môi, ông hiểu rằng cô đã nói ra, nói chính cái tên mà bao giờ cô vẫn dùng để gọi ông:

- Bác An-tô-ni...

Bởi ngay sau đó, cô thở một hơi dài, mi mắt cô khép lại và hơi thở đều đều, nhịp nhàng bắt đầu làm phập phồng ngực cô.

Cô gái ngủ.

Thầy lang úp mặt xuống đất, ông lắp đi lắp lại trong cơn thổn thức lớn lao của niềm hạnh phúc:

- Hỡi Chúa, xin cảm ơn Người... Cảm ơn Người, hỡi Chúa...

Trời đã sáng. Mọi người ở cối xay đã tỉnh giấc. Vi-ta-lix đi mở cổng, cậu Va-sin ra chuồng ngựa, bà A-ga-ta và Ôn-ga dọn dẹp trong bếp, còn Zô-nhi-a đang ngồi ở cửa vặt lông con gà trắng.

-----------------------------------
(42) Nguyên văn: người chết đuối thì lưỡi dao cạo cũng bám (N.D)

Nguồn: truyen8.mobi/t110778-thay-lang-znachor-chuong-13.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận