Thiên Long Bát Bộ Hồi 178

A Tử phụng phịu:

- Chơi với cô một lúc? Hứ, chơi với cô một lúc? Em chẳng thích cái lối vờ vĩnh "đến chơi với cô một lúc" cho có chuyện của tỉ phu đâu? Giá như em là chị A Châu thì ắt hẳn anh luôn luôn ở bên cạnh em không rời một bước chứ đâu phải chỉ "một lúc", "nửa lúc" mà thôi.

Tiêu Phong nghe nàng nói quả không sai nên không sao trả lời được, chỉ đành cười trừ nói:

- Tỉ phu là người lớn, đâu có thích chơi đùa với trẻ con, sao em không kiếm một cô gái nhỏ tuổi nào để trò truyện giải sầu?

A Tử hậm hực đáp:

- Trẻ con, trẻ con… em nào có còn là trẻ con nữa? Anh không thích chơi với em, sao còn đến đây làm gì?

Tiêu Phong đáp:

- Ta đến xem cô đã khỏe chưa? Hôm nay uống mật gấu rồi chứ?

A Tử cầm chiếc nệm trên ghế quăng mạnh xuống đất, giơ chân đá một cái nói:

- Trong lòng em không được vui, dù mỗi ngày uống hàng trăm cái mật gấu thì cũng chẳng khỏe được.

Tiêu Phong thấy nàng lại giở trò hờn mát, nếu là A Châu ông ắt sẽ dỗ dành để nàng bớt giận làm lành, còn cô bé điêu ngoa ác độc này thì càng nghĩ càng chán ghét nên chỉ nói:

- Thôi em đi nghỉ đi thôi.

Ông đứng lên đi ra. A Tử nhìn theo sau lưng ông, ngơ ngẩn muốn khóc, chợt nhìn thấy Du Thản Chi, cơn giận bùng lên, bao nhiêu bực dọc muốn trút lên đầu y bèn quát:

- Thất Lý, đánh thêm cho nó ba mươi roi nữa.

Thất Lý vội đáp:

- Vâng!

Y cầm chiếc roi lên. Du Thản Chi thất thanh kêu lên:

- Cô nương, tôi làm lầm lỗi gì thế?

A Tử không đáp, vẫy tay nói:

- Đánh mau!

Vút một tiếng, Thất Lý liền đánh xuống. Du Thản Chi lại kêu:

- Cô nương, quả thực tiểu nhân phạm tội gì, xin cô cho biết để lần sau khỏi tái phạm.

Thất Lý cứ vút một roi rồi lại một roi nữa. A Tử nói:

- Ta muốn đánh là đánh, ngươi không được hỏi là tội gì, không lẽ ta đánh sai hay sao? Ngươi hỏi là mình phạm tội gì ư? Thì chính vì ngươi hỏi cho nên ta mới đánh.

Du Thản Chi nói:

- Tại cô nương đánh trước, tiểu nhân mới hỏi. Tôi chưa hỏi cô nương đã sai đánh rồi mà.

Vút một roi, lại vút vút vút thêm ba roi nữa. A Tử cười nói:

- Ta đoán là ngươi sẽ hỏi cho nên ta sai người đánh trước. Quả nhiên ngươi hỏi thật, có đúng là ta liệu sự như thần hay không? Cái đó chứng minh là ngươi đâu có hết lòng hết dạ với ta. Cô nương bỗng nhiên muốn đánh người, nếu quả ngươi trung thành thì phải xông lên, tự động hiến thân cho ta đánh mới phải. Ngươi lầu bầu như thế đủ biết trong lòng không phục. Được rồi, ngươi không thích ta đánh, thì thôi không đánh cũng chẳng sao.

Du Thản Chi nghe nàng nói "không đánh cũng chẳng sao" mà sợ run lên, người nổi da gà, biết rằng A Tử sẽ nghĩ ra những hình phạt còn đau đớn khổ sở gấp mười lần đánh, chi bằng ngoan ngoãn chịu ba chục roi còn hơn, vội nói:

- Tiểu nhân biết sai rồi! Cô nương đánh là đại ân đại đức, có ích cho thân thể tiểu nhân, xin cô nương đánh thêm nữa, càng nhiều càng tốt.

A Tử nở một nụ cười tươi như hoa nói:

- Xem ra ngươi kể cũng thông minh nhưng ta đâu có để cho người khác giăng bẫy được, ngươi bảo đánh càng nhiều càng tốt là để cho ta cao hứng tha cho ngươi chứ gì?

Du Thản Chi đáp:

- Nào có dám thế, tiểu nhân quả không dám giăng bẫy đánh lừa cô nương.

A Tử nói:

- Thế ngươi bảo đánh càng nhiều càng tốt là phát xuất tự đáy lòng đấy chăng?

Du Thản Chi đáp:

- Quả đúng như thế, chính là tâm nguyện của tiểu nhân. Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com

A Tử nói:

- Nếu đúng như vậy thì thôi ta cũng chiều ý ngươi. Thất Lý, đánh cho nó một trăm roi, y thích đánh cho thật nhiều.

Du Thản Chi sợ đến mất mật, nghĩ bụng: "Đánh một trăm roi thì mạng mình còn sao nổi?" Thế nhưng việc đã đến nước này, dù y bảo mình không muốn, nhưng người ta đánh là đánh cãi lại có ích gì đâu, nên đành lặng thinh không dám nói gì cả.

A Tử hỏi:

- Sao ngươi không nói gì cả? Có phải trong lòng không phục chứ gì? Ta sai người đánh ngươi, ngươi thấy không công bình chăng?

Du Thản Chi đành gượng đáp:

- Tiển nhân vui lòng thành khẩn, biết là cô nương đánh là do lòng tốt muốn thành toàn cho tiểu nhân.

A Tử nói:

- Thế sao ngươi không nói gì cả?

Du Thản Chi không còn cách gì trả lời, ngập ngừng một hồi rồi đáp:

- Cái đó… cái đó… tiểu nhân nghĩ đến ơn đức cô nương nặng tày non, trong lòng cảm kích, không còn biết nói sao nữa, chẳng biết tương lai làm thế nào để báo đáp.

A Tử nói:

- Tốt lắm! Ngươi hỏi làm cách nào báo đáp ta ư? Mỗi roi ta đánh ngươi, ngươi lại thêm hận thù một chút nhớ kỹ trong lòng chứ gì.

Du Thản Chi liên tiếp lắc đầu:

- Không! Không! Không đâu! Tiểu nhân nói báo đáp là nói chuyện báo đáp chân chính. Tiểu nhân một lòng một dạ mong được vì cô nương tan xương nát thịt, dẫu phải nhảy vào nước sôi, xông vào lửa bỏng cũng không từ.

A Tử nói:

- Được, thế thì đánh đi.

Thất Lý vội đáp:

- Vâng.

Nghe chát một tiếng, roi da đã quất xuống. Đánh đến hơn năm chục roi thì Du Thản Chi đau đến tê người, hai đầu gối nhũn đi, từ từ sụm xuống. A Tử cười khì khì đứng coi, chỉ đợi cho y mở miệng van xin một tiếng là nàng sẽ kết tội y nói láo, tăng thêm năm chục roi đòn. Có ngờ đâu lúc này Du Thản Chi đã nửa tỉnh nửa mê, chẳng còn biết gì nữa, chỉ rên khe khẽ nhưng không van xin câu nào. Đánh đến bảy chục roi thì y đã ngất xỉu, Thất Lý vẫn không nương tay, đánh cho đủ một trăm roi lúc đó mới ngừng.

A Tử thấy Du Thản Chi chỉ còn thoi thóp, chín chết một sống không khỏi cụt hứng. Nàng nghĩ đến thái độ của Tiêu Phong chẳng thèm để ý đến mình, trong bụng ấm ức nói:

- Lôi y đi! Gã này chẳng có gì vui! Thất Lý, có trò chơi mới nào nữa không?

Du Thản Chi bị trận đòn đó phải dưỡng thương một tháng trời mới khỏi. Người Khất Đan thấy A Tử đã quên y rồi nên không lôi y ra hành hạ nữa, bỏ y vào ở chung với một đám người Tống bị bắt khác, bắt y phải làm những việc hạ tiện nặng nhọc hơn cả, dọn hố xí, rửa chuồng cừu, nhặt phân bò, phơi da thú chuyện gì cũng đến tay.

Du Thản Chi đầu đội cái lồng sắt nên ai ai cũng đem y ra chửi mắng làm trò cười, đến cả đồng bào người Hán cũng coi y như con quái vật. Thế nhưng y việc gì cũng nhịn, tưởng như biến thành người câm. Người khác đánh chửi, y cũng không kháng cự, chỉ có khi nào có ai cưỡi ngựa đi qua thì mới ngửng đầu lên nhìn, trong lòng khắc khoải duy nhất một chuyện: "Không biết đến chừng nào cô nương mới gọi mình lên đánh đòn?" Y chỉ mong được nhìn thấy A Tử cho dù phải chịu roi vọt cũng cam lòng chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý định đào tẩu.

Cứ như thế hơn hai tháng trời, khí hậu ấm dần. Hôm đó Du Thản Chi theo mọi người ra phía nam thành Nam Kinh xúc đất khiêng gạch để đắp thêm cho tường thêm chắc chắn, bỗng nghe thấy tiếng chân ngựa lộp cộp, mấy người từ trong Nam môn đi ra, có tiếng cười trong trẻo nói:

- Ô kìa, tên Hề Sắt còn sống nhỉ? Ta vẫn tưởng y chết ngỏm từ đời nào! Hề Sắt, ngươi lại đây.

Chính là tiếng của A Tử. Du Thản Chi ngày mong đêm nhớ, canh cánh mong tới giờ phút này, nghe tiếng A Tử gọi, hai chân như đóng chặt xuống đất, không sao di động được, chỉ thấy tim trong ngực đập thình thình, lòng bàn tay toát mồ hôi.

A Tử lại gọi:

- Hề Sắt, đáng chết thực! Ta gọi ngươi lại đây, ngươi điếc hay sao?

Du Thản Chi lúc ấy mới đáp:

- Thưa cô nương, vâng.

Y đi đến trước đầu ngựa của cô gái. A Tử trong lòng thật vui vẻ, cười nói:

- Hề Sắt, sao ngươi chưa chết hả?

Du Thản Chi đáp:

- Tiểu nhân vẫn mong… vẫn mong báo đáp ân điển cô nương mà chưa được nên không thể chết.

A Tử càng thêm vui, cười khanh khách mấy tiếng nói:

- Ta đang đi tìm một đứa đầy tớ trung thành một lòng một dạ để làm một chuyện, chỉ sợ người Khất Đan chân tay vụng về làm hỏng việc, nếu ngươi chưa chết thì thật tốt quá. Ngươi đi theo ta.

Du Thản Chi đáp ngay:

- Vâng!

Lập tức đi theo sau ngựa nàng. A Tử vẫy tay bảo Thất Lý và ba tên vệ sĩ Khất Đan quay trở về, không phải theo nữa. Thất Lý biết rằng nàng đã nói gì thì người khác không thể nào khuyên giải được, cũng may tên đầu sắt này nhút nhát khiếp nhược, đi theo nàng ắt không có chuyện gì xẩy ra bèn nói:

- Xin cô nương sớm quay về phủ.

Bốn người bèn nhảy xuống ngựa đứng đợi bên cửa thành. A Tử giục ngựa chạy chậm chậm, đi chừng bảy tám dặm, càng lúc càng hoang dã rẽ vào một sơn cốc tối om om, gió lạnh từ một khe núi thổi qua khiến hai người da thịt như se lại.

A Tử nói:

- Thôi, ở đây được rồi!

Nàng ra lệnh cho Du Thản Chi buộc ngựa tại một gốc cây rồi bảo:

- Những chuyện ngươi trông thấy ngày hôm nay, không được tiết lộ cho ai một tí gì, ngay cả với ta cũng không được đề cập tới, nhớ chưa?

Du Thản Chi vội đáp:

- Vâng! Vâng!

Trong bụng vui muốn phát điên, A Tử chỉ cho một mình mình đi theo, đến một nơi hẻo lánh như thế, dẫu cho nàng có đánh cho y một chập thật đau thì cũng vẫn còn cảm thấy ngọt như đường. A Tử cho tay vào bọc lấy ra một chiếc đỉnh nhỏ bằng gỗ màu vàng sậm, để trên mặt đất nói:

- Lát nữa nếu có côn trùng gì quái lạ bò ra, ngươi không được la lối om sòm, nhất định không được lên tiếng nghe chưa?

Du Thản Chi vội vàng đáp:

- Vâng!

A Tử lại cho tay vào túi lấy ra một cái gói vải nhỏ, mở ra thấy có mấy cục hương liệu màu vàng, màu đen, màu tím, màu đỏ. Nàng bẻ mỗi cục một miếng nhỏ, bỏ vào trong đỉnh, dùng hỏa đao, hỏa thạch đánh lên châm lửa đốt, sau đó đậy nắp lại nói:

- Mình ra dưới gốc cây kia ngồi rình xem.

A Tử ngồi dưới gốc cây, Du Thản Chi đâu dám ngồi bên cạnh nàng, ra một tảng đá dưới chiều gió. Gió lạnh hiu hiu, trong hơi gió có thoang thoảng mùi thơm từ người nàng bay ra, Du Thản Chi không khỏi mê mẩn tâm hồn, thấy rằng được một lúc như thế này, bao nhiêu khổ sở dày vò y phải chịu những ngày qua kể cũng không uổng. Y mong sao A Tử vĩnh viễn ngồi dưới gốc cây, còn mình được đời đời kiếp kiếp ở nơi đây hầu bên cạnh.

Y còn đang say sưa lãng đãng, bỗng nghe thấy có tiếng loạt soạt, một vật gì đỏ chót đang động đậy trong bụi cỏ xanh, chính là một con rết thật lớn, toàn thân lấp lánh, trên đầu lồi ra một cái bướu nhỏ, trông khác xa những con rết thường.

Con rết đó ngửi thấy mùi hương trong mộc đỉnh lập tức trườn tới, chui theo cái lỗ dưới chiếc đỉnh mà vào rồi không thấy ra nữa. A Tử lấy trong bọc ra một vuông gấm dày, rón rén tới gần, chụp mảnh gấm lên trên chiếc đỉnh bao lại thật chặt sợ con rết chui ra mất rồi bỏ vào trong chiếc bao da treo bên cổ ngựa cười nói:

- Thôi đi!

Nàng lập tức lên ngựa khởi hành. Du Thản Chi lẽo đẽo theo sau nghĩ thầm: "Cái tiểu mộc đỉnh đó thật là kỳ quái, nhưng chắc hẳn là vì đốt hương liệu mà dụ được con rết đó chui vào. Không biết con rết đó có cái gì vui mà cô nương lại lận đận vào tận trong sơn cốc để bắt nó?"

A Tử về đến Đoan Phúc Cung sai thị vệ dọn một cái phòng nhỏ ở bên cạnh làm nơi ở cho Du Thản Chi. Du Thản Chi mừng quá, biết rằng rồi đây mình sẽ được gặp A Tử luôn. Quả nhiên sáng hôm sau, A Tử đã sai gọi Du Thản Chi đến, dẫn y vào bên cạnh điện, tự tay đóng cửa, trong điện chỉ còn hai người. A Tử sang phía tây lấy một chiếc hũ bằng sành, mở nắp ra cười nói:

- Ngươi xem này, coi có hùng tráng không?

Du Thản Chi thò đầu vào nhìn, thấy chính là con rết bắt được hôm qua đang chạy lăng quăng trong đó. A Tử lấy ra một con gà trống đã để sẵn bên cạnh, rút đoản đao chặt đứt mỏ và cựa, vứt vào trong hũ. Con rết kia liền nhảy lên đầu con gà cắn cổ hút máu, chẳng bao lâu con gà trúng độc chết liền. Mình con rết từ từ căng lên, cái đầu màu đỏ tưởng như muốn bật máu ra. A Tử vẻ mặt đầy vui sướng nói nhỏ:

- Thành rồi! Thành rồi! Môn công phu này có thể luyện thành công được rồi!

Du Thản Chi nghĩ thầm: "Thì ra cô đi bắt rết là để luyện một môn công phu. Công phu đó chắc tên là Ngô Công Công." Cứ như thế nàng nuôi nó bảy ngày, mỗi ngày cho con rết hút máu một con gà trống lớn. Đến ngày thứ tám, A Tử lại gọi Du Thản Chi vào trong điện, cười hì hì hỏi:

- Hề Sắt, ta đối với ngươi thế nào?

Du Thản Chi đáp:

- Cô nương đối đãi tiểu nhân ơn nặng tày non.

A Tử hỏi thêm:

- Ngươi từng bảo sẽ vì ta tan xương nát thịt, nhảy vào nước sôi, xông vào lửa bỏng cũng không từ, cái đó thực hay giả thế?

Du Thản Chi đáp:

- Tiểu nhân chẳng dám nói láo cô nương. Cô nương sai bảo chuyện gì tiểu nhân nhất định không từ chối.

A Tử nói:

- Thế thì hay lắm. Để ta nói cho ngươi hay, ta muốn luyện một môn công phu nhưng phải có người giúp mới xong được. Ngươi có bằng lòng giúp ta luyện công không? Nếu như luyện thành rồi, ta thể nào cũng trọng thưởng cho ngươi.

Du Thản Chi đáp:

- Tiểu nhân đương nhiên nghe cô nương bảo gì làm nấy, chẳng cần phải thưởng.

A Tử nói:

- Thế thì hay lắm, mình luyện công được rồi.

Nàng ngồi xuống xếp bằng, hai tay xoa vào nhau, nhắm mắt vận khí, một hồi sau mới nói:

- Ngươi thò tay vào trong hũ, con rết đó thể nào cũng cắn ngươi, ngươi giá nào cũng không được động đậy, phải để cho nó hút máu, càng nhiều càng tốt.

Bảy ngày qua ngày nào Du Thản Chi cũng thấy con rết đó hút máu gà, chỉ giây lát, một con gà trống đang khỏe mạnh đã ngã ra chết ngay, đủ biết con rết này độc kinh khủng, nghe A Tử bảo thế, không khỏi ngần ngừ không trả lời. A Tử mặt sầm xuống hỏi lại:

- Chờ gì nữa? Ngươi không muốn làm hay sao?

Du Thản Chi đáp:

- Không phải không muốn, có điều… có điều…

A Tử ngắt ngang:

- Cái gì? Có điều con rết này độc tính lợi hại, ngươi sợ chết chứ gì? Ngươi là người hay ngươi là gà trống?

Du Thản Chi đáp:

- Tiểu nhân không phải là gà trống.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-178/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận