Ngoài điện nắng hè dường đổ lửa,
Trong nhà lạnh buốt nước thành băng.
Trùng lạ xem chừng chưa đáng sợ,
Dẫu độc sao bằng dạ sói lang.
Du Thản Chi xách chiếc hồ lô, rảo bước đi về thành Nam Kinh, bẩm lại cho A Tử là đã bắt được con băng tàm. A Tử mừng lắm vội vàng bảo y bỏ con tằm vào trong chiếc hũ sành để nuôi. Lúc đó đang vào tháng bảy, giữa mùa hè trời nóng gắt ngờ đâu vừa nuôi con băng tàm ở điện phụ, lập tức trong nhà càng lúc càng lạnh, chẳng bao lâu nước trong bình trà chén trà cũng kết thành băng.
Đêm hôm đó, Du Thản Chi nằm trong chăn mà run lẩy bẩy, không sao ngủ được, nghĩ thầm: "Con tằm này thật lạ trên đời ít có. Nếu như cô nương đem nó hút máu mình thì dù không chết vì chất độc, cũng lạnh cóng mà chết."
A Tử liên tiếp bắt mấy con rắn độc, trùng độc đem đến đấu với nó, đều bị con băng tàm chạy quanh vài vòng là đông cứng chết ngay để cho nó hút hết trấp dịch. Đến hơn mười ngày, không giống độc trùng nào đương cự nổi.
Hôm đó A Tử đến điện phụ nói:
- Hề Sắt, hôm nay mình phải giết con băng tàm, ngươi thò tay vào trong hũ để cho con tằm hút máu.
Du Thản Chi những ngày qua lúc nào cũng lo ngay ngáy, đêm trằn trọc sợ cái giờ phút này, quả nhiên cô nương chẳng chút dung tình, rồi cũng bắt y và con băng tàm cùng hi sinh, trong lòng buồn bã, quay sang nhìn A Tử một lát không nói năng, không cử động. Về phần A Tử nàng chỉ nghĩ: "Ta vô tình được bảo vật hiếm có này, độc chưởng công phu khi luyện thành rồi e rằng so với sư phụ còn ghê gớm hơn." Nàng liền giục:
- Ngươi thò tay vào hũ đi thôi.
Nước mắt Du Thản Chi nhỏ ròng ròng, quì xuống khấu đầu nói:
- Cô nương luyện thành độc chưởng rồi, đừng quên tiểu nhân vì cô nương mà phải chết. Tôi họ Du, tên Thản Chi chứ không phải là Hề Sắt.
A Tử mỉm cười nói:
- Được, tên ngươi là Du Thản Chi, ta nhớ rồi. Ngươi trung thành với ta, tốt lắm, đúng là một đứa đầy tớ hết lòng với chủ.
Du Thản Chi được nàng khen ngợi mấy câu như thế, cảm thấy hết sức an ủi, lại khấu đầu thêm hai lần nữa nói:
- Đa tạ cô nương!
Thế nhưng y vẫn không muốn bó tay chịu chết bèn rùn người, vòng xuống chui đầu qua hai đùi, tay trái nắm cổ chân, tay phải thò vào trong hũ, trong đầu nghĩ đến những mũi tên nhỏ ở hai chữ quái dị bên cạnh nhà sư khỏa thể trong cuốn sách. Đột nhiên đầu ngón tay trỏ hơi ngứa, một làn khí lạnh như băng chạy thẳng lên như tên bắn, theo cánh tay vào trong ngực. Du Thản Chi trong đầu chỉ nhớ đến hướng của mũi tên, luồng hàn khí kia đi đúng theo những kinh mạch y đang nghĩ tới, từ ngón tay lên cánh tay rồi từ ngực chạy lên đỉnh đầu, sợi dây nhỏ đó đi đến đâu tỏa hơi lạnh buốt thấu xương.
A Tử thấy tư thế cổ quái của Du Thản Chi thật tức cười, qua một lúc sau, thấy y đứng lộn tùng phèo như thế, không khỏi ngạc nhiên, đến gần xem thấy con băng tàm vẫn cắn chặt ngón tay trỏ. Thân con tằm óng ánh trong suốt như thủy tinh, nhìn kỹ thấy có một dòng máu chạy từ miệng đổ vào, đi vòng qua phía tả, quấn quanh một vòng, rồi từ bên phải chảy ngược trở về ngón tay trỏ Du Thản Chi.
Thêm một lúc nữa, trên chiếc đầu sắt, y phục, chân tay Du Thản Chi đều phủ một làn sương mỏng, A Tử nghĩ thầm: "Tên nô tài này chắc là chết rồi. Người sống trên mình phải có hơi ấm, làm sao kết thành sương được?" Thế nhưng trong người con băng tàm máu vẫn còn lưu chuyển, hiển nhiên hút máu chưa xong. Đột nhiên trên mình con tằm có những sợi nhiệt khí như tơ bốc ra.
A Tử còn đang kinh ngạc thì đã nghe bộp một tiếng, con tằm từ ngón tay Du Thản Chi rơi xuống đáy hũ, vội dùng cây gậy cầm sẵn trong tay giã xuống một cái. Nàng vẫn tưởng con tằm bản thể linh dị, một gậy như thế chưa chắc đã giết được nó, ngờ đâu khi rơi xuống rồi, con vật chỉ nằm phơi bụng không lật lại nổi, thành thử một gậy của A Tử đã đâm băng tàm nát ngướu.
A Tử mừng lắm vội vàng thò tay vào hũ, bôi huyết dịch con tằm vào lòng bàn tay, nhắm mắt hành công, hút hết vào trong người. Nàng cứ xoa lên hết lần này sang lần khác đến khi không còn tí gì mới thôi.
Hành công lâu như thế trong người mệt mỏi, A Tử ngáp dài một tiếng, đứng dậy, thấy đầu Du Thản Chi vẫn còn lộn ngược chui giữa hai đùi, toàn thân trắng xóa, kết đầy băng sương. Nàng hết sức sợ hãi, đưa tay sờ thử người y thấy lạnh buốt, quần áo đóng băng cứng ngắc. Nàng vừa lạ lùng vừa tức cười, gọi Thất Lý vào bảo đem Du Thản Chi đi chôn.
Thất Lý liền cùng hai tên lính Khất Đan nữa, vứt xác Du Thản Chi lên một chiếc xe ngựa, chạy ra khỏi thành. A Tử không dặn y phải chôn cất cho chu đáo, Thất Lý cũng chẳng phí sức đào một cái huyệt, thấy bên cạnh đường có một khe nước, liền vứt luôn xuống suối, rồi quay về.
Thế nhưng cũng chính vì Thất Lý làm biếng một chút mà lại cứu được mạng Du Thản Chi. Thì ra ngón tay y bị băng tàm cắn rồi bèn dùng phép vận công của Dịch Cân Kinh để hóa giải độc khí, huyết dịch bị con tằm hút ra lại theo ngón tay quay ngược trở về huyết quản đem bao nhiêu tinh hoa kịch độc của con băng tàm vào người. A Tử sau đó hút huyết tương của con tằm chỉ mất công toi chứ không còn hiệu dụng gì cả.
Nếu như Du Thản Chi đã học toàn bộ phép hành công của Dịch Cân Kinh thì sẽ có thể tiêu giải chất độc của con băng tàm nhưng vì y chỉ mới học được có một pháp môn, thu vào mà không biết đẩy ra nên chất kỳ độc đệ nhất âm hàn của con sâu kia đã khiến cho người y bị đông cứng.
Còn như Thất Lý đem y chôn xuống đất thì sẽ thành một cái xác ướp dù có vài trăm năm sau cũng chưa chắc đã rữa được. Du Thản Chi bị vứt xuống suối trôi theo dòng, hơn một chục dặm sau gặp chỗ uốn khúc, vướng vào một đám lau sậy. Chẳng bao lâu, nước chung quanh người y đã biến thành băng chẳng khác gì một chiếc quan tài thủy tinh. Nước suối tiếp tục soi mòn, tiêu giải từng chút từng chút hàn khí khiến cho khối băng bao quanh y dần dần tan hết.
Cũng may đầu Du Thản Chi có cái lồng sắt, kim loại mau nóng mà cũng mau nguội nên đá trên đầu tan ra trước. Nước suối ọc vào mồm y khiến Du Thản Chi ho sặc sụa, đầu óc tỉnh táo liền từ dưới khe nước bò lên, nước đá trên người chạm vào nhau kêu loong coong.
Khi thân thể mới biến thành băng không phải y hoàn toàn không biết gì cả mà chỉ vì bị kết trong khối băng không cử động được mà thôi. Đến sau y hôn mê không còn biết gì nữa, bây giờ chết đi sống lại thật không khác một giấc mộng dài.
Du Thản Chi ngồi trên bờ suối, nghĩ mình đối với A Tử một lòng trung thành sắt son cam nguyện đem thân nuôi độc trùng để giúp nàng luyện công, vậy mà khi mình chết đi, A Tử chẳng thèm thở dài lấy một tiếng. Y từ trong băng nhìn ra thấy A Tử mặt mày hớn hở có được huyết tương của con băng tàm đem chà vào lòng bàn tay, chỉ nghiêng đầu nhìn mình, thấy y chết xem chừng thú vị, lại hơi kỳ quái, hoàn toàn chẳng có chút gì thương xót.
Y lại nghĩ: "Băng tàm độc địa như thế, đã từng hút chất độc của hàng nghìn độc trùng độc xà, cô nương nay hút hết vào trong lòng bàn tay rồi, độc chưởng chắc đã luyện thành. Nếu như ta quay về…" Y đột nhiên run bắn người lên, nổi gai ốc nghĩ thêm: "Cô ta vừa thấy mình thể nào chẳng đem ra thử độc chưởng. Nếu như đã luyện thành thể nào đánh một cái là mình chết tươi. Còn như luyện chưa xong, thì lại sai mình đi bắt rắn độc, trùng độc nữa cho đến bao giờ luyện xong một chưởng đánh chết mình lúc ấy mới thôi. Hai đằng đằng nào cũng chết, quay về làm gì?"
Du Thản Chi đứng lên, nhảy nhót vài cái rũ hết những mảnh băng còn bám trên người nghĩ thầm: "Bây giờ mình biết đi đâu đây?" Đi tìm Kiều Phong báo thù cho cha ư, điều đó y nào dám nghĩ đến. Nhất thời y không biết tính sao, chỉ đành lang thang trong đồng rộng núi hoang, hái trái dại, bắt chim chóc, thú nhỏ mà ăn. Đến chiều hôm sau, không có việc gì làm, y bèn mang cuốn Dịch Cân Kinh bằng tiếng Phạn ra định học theo tư thức của nhà sư trần truồng trong sách.
Cuốn sách đó khi rơi xuống suối đã ướt mèm, đến giờ vẫn chưa khô. Y cẩn thận giở từng tờ, chỉ sợ rách, thấy trang nào cũng có hình một quái tăng, tư thức mỗi người một khác. Y suy nghĩ một hồi rồi cũng hiểu ra, hình trong quyển sách gặp nước thì lộ ra chứ chẳng phải bồ tát hiện thân cứu mạng gì cả, bèn làm theo tư thức thứ nhất trên trang đầu tiên, lần theo mũi tên đỏ trên những chữ quái lạ thấy có một sợi chỉ nhỏ thật lạnh chạy ngang chạy dọc khắp tứ chi và xương cốt, chẳng khác gì con băng tàm còn sống bò trong cơ thể mình. Y kinh hãi vội vàng đứng lên, lập tức con tằm lạnh trong người liền biến mất.
Suốt hai giờ sau y chỉ nghĩ đến: "Không biết con tằm chui vào người mình đã chạy đi chưa?" Thế nhưng y không sờ thấy, cũng chẳng mò ra, không hình không bóng, sau cùng nhịn không nổi lại tập theo tư thức cổ quái kia rồi nghĩ theo mũi tên đỏ trên hai chữ quái lạ, chẳng bao lâu lại thấy có một con băng tàm bò trong cơ thể. Y kêu lên một tiếng, vội ngừng lại không còn dám nghĩ thêm lập tức con tằm biến mất nhưng cứ vừa nghĩ đến thì nó lại bò ra. nguồn t r u y ệ n y_y
Mỗi lần con tằm bò một vòng, y lại thấy toàn thân thoải mái không biết đâu mà kể. Trong cuốn sách hình những nhà sư khỏa thể rất nhiều, từ những chữ lạ lùng kia những mũi tên đỏ cái cong cái thẳng, biến hóa phức tạp. Y cứ theo những tư thức khác nhau mà gọi con tằm, trong người khi nóng khi lạnh, mỗi lúc có một lối thư thái riêng.
Cứ như thế luôn mấy tháng trời, tay chân y bắt cầm thú càng lúc càng linh hoạt, nhảy nhót cũng xa hơn, chạy thêm nhanh nhẹn mà trước kia không thể nào bì kịp. Một buổi chiều, một con chó sói đói ở đâu đi kiếm mồi, chồm đến vồ Du Thản Chi. Y kinh hãi, đang định bỏ chạy nhưng con sói đã giương vuốt ra chộp vào đầu vai, nhe răng nhọn hoắt, định ngoặp vào cổ họng. Du Thản Chi hết sức kinh hoàng, tiện tay đánh một chưởng trúng ngay đầu con vật. Con chó sói đó văng ra xa, quằn quại mấy cái rồi nằm thẳng cẳng. Du Thản Chi quay người chạy ra mấy trượng thấy con chó sói vẫn nằm đó, trong bụng lạ lùng, nhặt một cục đá ném trúng ngay thân nhưng con lang vẫn nằm yên. Y vừa mừng vừa sợ, rón rén đến gần xem hóa ra con chó sói đã chết tự bao giờ.
Y thật không dám nghĩ tới chuyện mình chỉ tiện tay đánh một cái mà ghê gớm đến thế, giơ tay lên lật qua lật lại xem kỹ, không thấy có gì khác, nhịn không nổi kêu lên:
- Hồn ma con tằm này thiêng quá!
Y vẫn tưởng con tằm kia chết rồi hồn nó nhập vào người mình nên mới có tài phép như thế chứ có ngờ đâu đó hoàn toàn do công lực từ Dịch Cân Kinh, lại thêm băng tàm là vật kịch độc hãn hữu, luồng âm hàn ghê gớm đó bị y hút vào trong người, chứa vào nội công thượng thừa của Dịch Cân Kinh nên mỗi khi đánh ra đều có chứa âm kình cực kỳ ghê gớm.
Dịch Cân Kinh là bảo điển chí cao vô thượng trong võ học, có điều pháp môn tu tập không phải dễ dàng, cần phải phá được cảnh giới "ngã tướng, nhân tướng", trong bụng không còn nghĩ đến chuyện tu tập võ công. Thế nhưng tăng lữ tập môn thượng thừa này, ai chẳng muốn tinh tiến thật nhanh, mong cho chóng thành để công phu được ích lợi? Muốn đến được "tâm vô sở trụ"(29.1) quả thật là thiên nan vạn nan.
Trong mấy trăm năm qua, các cao tăng chùa Thiếu Lâm tu tập Dịch Cân Kinh không phải là ít, thế nhưng dụng công năm chày tháng tận, vẫn không mấy ai đạt được thành thử các nhà sư cho rằng kinh này không linh hiệu, hôm trước A Châu ăn cắp mất, tăng chúng trong chùa tức giận thật nhưng cũng không coi là chuyện lớn.
Hơn một trăm năm trước, chùa Thiếu Lâm có một nhà sư, xuất gia từ thuở bé, tâm trí đần độn, điên điên khùng khùng. Sư phụ ông ta khổ công tu tập Dịch Cân Kinh không thành, giận quá mà tọa hóa.(29.2) Nhà sư điên kia nhặt được quyển kinh ở bên cạnh di thể của sư phụ, hăm hăm hở hở đem ra luyện, ngẫu nhiên sao thành một đại cao thủ. Thế nhưng võ công ông ta tại sao cao cường như thế, đến lúc viên tịch tây qui, cũng vẫn không sao giải thích được, chẳng một ai biết đó là công phu Dịch Cân Kinh.
Đến bây giờ Du Thản Chi vô tâm luyện công phu này, chỉ tưởng là gọi con băng tàm trong người bò ra bò vào cho đỡ buồn, có biết đâu ngày một tiến bộ, chính là theo được con đường của nhà sư khùng hồi trước.
Mấy hôm sau y lại liên tiếp đánh chết thêm mấy con dã thú khác, bấy giờ mới biết chưởng lực của mình rất mạnh, trong bụng cũng can đảm thêm được một chút. Du Thản Chi tiếp tục đi về hướng nam, trong bụng ngay ngáy sợ rằng nếu mình bỏ quên không gọi hồn con băng tàm một ngày, "ma tằm" sẽ bỏ đi mất, thành thử ngày nào cũng phải kêu nó ra, không dám lơ là. Con "ma tằm" bây giờ cực kỳ linh dị, gọi là ra ngay.
Du Thản Chi đi càng lúc càng xa, hôm đó đã đến địa giới tỉnh Hà Nam ở trung châu. Y cũng biết cái đầu sắt của mình làm người ta sợ hãi nên ban ngày chỉ ẩn náu tại những sơn động hoang dã hay rừng sâu, bao giờ trời tối mới mò ra nhà dân chúng ăn trộm đồ ăn. Lúc này thân thủ y mẫn tiệp dị thường nên không bao giờ bị người ta phát giác.
Ngày hôm đó y chui vào một chiếc miếu hoang bên vệ đường nằm ngủ, bỗng nghe thấy tiếng bước chân, có ba người đi vào trong am. Y vội vàng chui xuống dưới bệ thờ, không dám để cho người ta thấy. Ba người đó đi vào trong miếu, ngồi xuống đất, lục đục ăn uống, nói năng chuyện trên giang hồ. Bỗng nhiên một người hỏi:
- Ngươi thử nghĩ Kiều Phong bây giờ trốn ở đâu, sao hơn một năm nay, không ai nghe thấy tin tức gì của y cả?
Du Thản Chi vừa nghe thấy hai tiếng "Kiều Phong" liền chột dạ, vội vàng cố lắng tai nghe. Lại nghe một người khác nói:
- Tên đó tác ác đa đoan bây giờ rụt đầu rụt cổ như con rùa, chắc không kiếm được y đâu.
Người nói lúc nãy lại tiếp:
- Chưa hẳn thế đâu. Y đợi đúng lúc mới ra tay, một khi người ta lơ là, lúc ấy mới hạ thủ. Ngươi thử nghĩ mà xem, sau khi đại chiến Tụ Hiền Trang rồi, y còn giết thêm bao nhiêu người nữa? Từ trưởng lão, vợ chồng Đàm công, Đàm bà, Triệu Tiền Tôn, toàn gia Thái Sơn Thiết Diện Phán Quan Đơn lão anh hùng, Trí Quang lão hòa thượng của núi Thiên Thai, rồi Mã phu nhân của Cái Bang, trưởng lão Bạch Thế Kính, ôi, quả là đếm không hết.
Du Thản Chi nghe đến "đại chiến Tụ Hiền Trang", trong lòng đau xót nên những gì người đó nói sau không nghe thấy gì cả, một lúc sau mới nghe một giọng già nua:
- Kiều bang chủ xưa nay đãi người nhân nghĩa, không ngờ… ôi… không ngờ… quả thật là số kiếp nó làm ra thế. Thôi mình đi.
Nói xong ông ta đứng lên. Người kia nói:
- Này lão Uông, ông bảo bản bang đang bầu tân bang chủ, thế thì phải cử ai đây?
Người già cả kia đáp:
- Nào ta có biết! Bầu tới bầu lui, đã hơn một năm rồi cũng chưa tìm ra một anh hùng hảo hán nào được toàn bang bội phục. Thôi, chúng mình đi xem sao.
Người kia nói:
- Thôi tôi biết bụng ông rồi, chắc ông mong Kiều Phong quay trở lại làm bang chủ chứ gì? Thôi đừng mơ mộng hão huyền nữa, lỡ chuyện đó truyền ra đến tai Toàn đà chủ thì ông khó sống đó!
Ông già họ Uông hốt hoảng nói:
- Tiểu Tất, câu đó là ngươi nói chứ ta có bao giờ bảo là mong Kiều bang chủ trở lại làm bang chủ bản bang đâu?
Tiểu Tất cười khẩy:
- Ông mở miệng ra là Kiều bang chủ này, Kiều bang chủ nọ chẳng phải bụng mong y về làm bang chủ hay sao?
Lão Uông bực tức đáp:
- Ngươi mà còn nói bậy nói bạ xem ta có đập chết cái đồ chó đẻ như ngươi không?
Người thứ ba can:
- Thôi được rồi! Mình là chỗ anh em, đừng để mích lòng nhau, đi nhanh lên không lại trễ. Kiều Phong làm sao làm bang chủ của mình được? Y là giống Khất Đan chó má, mình gặp y là hai bên nhất định một sống một chết rồi. Vả lại, ví như mình mời y về làm bang chủ, chắc gì y đã chịu?
Lão Uông thở dài một tiếng nói:
- Ngươi nói thế phải lắm.