Thiên Long Bát Bộ Hồi 268

Vẻ mặt Huyền Từ buồn bã nói:

- Huyền Bi sư đệ phụng mệnh ta đến Cô Tô hỏi chuyện này, chắc là ngôn ngữ có điều đắc tội, lúc ở quí phủ lại nhìn thấy đầu mối gì, đoán được âm mưu tạo phản cho nên thí chủ đã giết y diệt khẩu. Thế nhưng sao ông đã ẩn nhẫn lâu năm, lại phải đợi đến khi y đi Đại Lý mới ra tay hạ thủ? Ôi, ông định gây sự để cho họ Đoàn Đại Lý và chùa Thiếu Lâm tương tranh, chắc hẳn khi đánh lén Huyền Bi sư đệ đã dùng Nhất Dương Chỉ của Đoàn gia nhưng vì sở học chưa tinh nên không làm gì được, sau cùng đành phải dùng ngón gia truyền "dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân" của nhà Mộ Dung ra đối phó giết chết sư đệ của ta.

Mộ Dung Bác cười khẩy, người hơi nghiêng đi, đánh một quyền về phía cây cổ thụ bên cạnh, cách cách mấy tiếng, hai cành to từ trên cây gãy xuống. Ông ta đánh vào thân cây, mà hai cành cây cách cả trượng lại chấn động rơi ra, thần công như thế quả phi phàm.

Hơn chục lão tăng Thiếu Lâm cùng kêu lên:

- Vi Đà Chử!

Giọng nói đầy vẻ kinh hãi. Huyền Từ gật đầu:

- Ông ở tệ tự lâu năm, quả đã luyện được một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm là Vi Đà Chử thần công. Thế nhưng chiêu Thiên Linh Thiên Liệt của phái Phục Ngưu tỉnh Hà Nam, với thân phận võ công như thí chủ chắc chẳng đời nào chịu mất thì giờ để luyện. Ông giết Kha Bách Tuế Kha thí chủ quả đã sử dụng võ công gia truyền chân chính của họ, không biết là làm thế nào?

Mộ Dung Bác cười lạnh lẽo nói:

- Lão phương trượng tinh minh vô tỉ, chân không ra khỏi chùa vậy mà việc trên giang hồ rành rẽ như chỉ bàn tay khiến người ta phải bội phục. Chuyện đó xin đại sư đoán xem…

Mới nói tới đây, đột nhiên hai người ở đâu cùng rống lên, nhảy xổ vào ông ta, chính là Kim Toán Bàn Thôi Bách Tuyền và sư điệt là Quá Ngạn Chi. Mộ Dung Bác phất tay áo một cái, Thôi Quá hai người đã bị hất văng ra mấy trượng, nằm gục dưới đất không động đậy gì được, trong nháy mắt đã bị ông ta dùng Tụ Trung Chỉ điểm huyệt rồi. Huyền Từ nói:

- Vị Kha thí chủ kia gia tài giàu có, hành sự xưa nay vốn kỹ lưỡng. Ôi, ông chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương thấy Kha thí chủ có tiền nên muốn lấy để dùng, hẳn là Kha thí chủ đã không khứng chịu, không chừng còn toan đi báo quan phủ.

Mộ Dung Bác cười ha hả, giơ ngón tay cái lên khen ngợi:

- Lão phương trượng giỏi thật, giỏi thật! Tiếc thay ngài trôn kim thì nhìn rõ mà lại không thấy cái cột đình. Tại hạ và Tiêu huynh đây ẩn trong quí tự bao nhiêu năm thì ông lại không biết.

Huyền Từ chậm rãi lắc đầu, thở dài một tiếng nói:

- Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối. Khắc địch đã khó mà khắc phục được tham sân si tam độc trong lòng mình lại càng khó thay.

Mộ Dung Bác nói:

- Lão phương trượng, niệm cái giao tình bao nhiêu năm giữa hai ta, chuyện gì cũng nói thẳng hết, ông có còn điều gì phải hỏi nữa không?

Huyền Từ đáp:

- Cứ người như Tiêu Phong Tiêu thí chủ thì Mã Đại Nguyên Mã phó bang chủ Cái Bang, Mã phu nhân, Bạch Thế Kính trưởng lão ba vị chắc không phải ông ta giết đâu, không biết là do Mộ Dung lão thí chủ hay Tiêu lão thí chủ ra tay?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Mã Đại Nguyên là do vợ y cùng Bạch Thế Kính đồng mưu giết chết, Bạch Thế Kính do ta giết. Chuyện đầu đuôi bên trong, Đoàn vương gia nước Đại Lý chính mắt trông thấy, chính tai nghe thấy. Phương trượng muốn biết rõ ngọn ngành xin hỏi Đoàn vương gia.

Tiêu Phong tiến lên hai bước, chỉ vào mặt Mộ Dung Bác quát lớn: truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y

- Mộ Dung lão tặc, ngươi mới chính là tội khôi họa thủ, mau tiến ra chịu chết.

Mộ Dung Bác cười một tiếng dài, nhảy vọt ra chạy lên núi. Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong cùng hét:

- Đuổi theo!

Hai người chia hai bên rượt theo. Ba người đều võ công đến mức đăng phong tạo cực, chỉ một thoáng đã chạy thật xa rồi. Mộ Dung Phục kêu lên:

- Gia gia! Gia gia!

Y cũng đuổi theo, tuy khinh công cũng ghê gớm thật nhưng so với ba người kia hiển nhiên còn kém một mức. Chỉ thấy Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong một người chạy trước, hai người đuổi theo cùng chạy về hướng chùa Thiếu Lâm. Một bóng xám, hai bóng đen trong phút chốc đã mất hút sau những tòa tự viện tường vàng ngói biếc.

Quần hùng hết sức kinh ngạc, nghĩ thầm: "Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn võ công không phân hơn kém, hai người đều có con tiếp tay nhưng nhà Mộ Dung hẳn không thể nào địch nổi, sao Mộ Dung Bác không chạy xuống chân núi mà lại chạy lên chùa Thiếu Lâm?"

Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác, cả đến mười tám võ sĩ Khất Đan cũng định chạy lên trên núi tương trợ chủ nhân nhưng vừa dợm bước đã nghe Huyền Tịch quát lên:

- Kết trận chặn họ lại!

Hơn trăm nhà sư Thiếu Lâm cùng đáp lời, dàn ngang đường, người cầm thiền trượng, kẻ giơ giới đao không cho ai vượt qua. Huyền Tịch nghiêm nghị nói:

- Chùa Thiếu Lâm là nơi Phật môn thiện địa, đâu có phải là đấu trường, chúng vị thí chủ xin đừng tiến lên nữa.

Bọn Đặng Bách Xuyên thấy thanh thế những nhà sư Thiếu Lâm biết rằng không cách nào có thể xông qua được, tuy lòng lo cho chủ thật nhưng cũng đành dừng bước. Bao Bất Đồng nói:

- Đúng quá! Không trật vào đâu được! Chùa Thiếu Lâm là nơi đất lành cửa Phật…

Y xưa nay hễ mở mồm là nói: "Sai bét rồi! Không phải vậy!" tự nhiên lần này lại nói: "Đúng quá! Không trật vào đâu được!" khiến những người biết y ai nấy ngạc nhiên, thì đã nghe nói tiếp:

- …chỉ nuôi con hoang là tốt nhất.

Y vừa nói ra, mấy trăm cặp mắt hầm hầm đổ dồn vào nhưng Bao Bất Đồng to gan lớn mật, tuy biết trong số các nhà sư Thiếu Lâm cao thủ rất đông, người nào trong hàng chữ Huyền y cũng không phải là địch thủ, nhưng y thích là nói, xưa nay chẳng kiêng nể gì. Mấy trăm nhà sư gườm gườm nhìn y, y cũng trợn mắt đáp lại.

Huyền Từ lớn tiếng nói:

- Lão nạp phạm vào đại giới Phật môn, làm ô uế thanh danh chùa Thiếu Lâm. Huyền Tịch sư đệ, cứ theo bản tự giới luật thì phải xử thế nào?

Huyền Tịch ấp úng:

- Cái đó… sư huynh…

Huyền Từ nói:

- Nước có phép nước, nhà có luật nhà. Xưa nay môn phái bang hội, tông tộc tự viện đâu đâu chẳng có những kẻ sai quấy. Thanh danh có bảo toàn được hay không chẳng phải là do không có ai lầm lỗi mà là việc nào ra việc nấy, xử trí nghiêm minh, không lấp liếm. Chấp pháp tăng, đánh cho Hư Trúc một trăm ba mươi côn, một trăm côn là tội của y, ba mươi côn là do y cam nguyện chịu thay cho nghiệp sư.

Chấp pháp tăng đưa mắt nhìn Huyền Tịch. Huyền Tịch gật đầu, Hư Trúc quì xuống chịu đánh. Chấp pháp tăng liền giơ hình trượng, từng gậy từng gậy đánh lên lưng, lên mông Hư Trúc, đánh một hồi đã xé da nát thịt, máu me đầm đìa. Diệp Nhị Nương đau lòng nhưng bà ta vốn sợ Huyền Từ uy nghiêm, không dám mở miệng van xin.

Đánh xong một trăm ba mươi côn rồi, Hư Trúc vì không vận nội công đề ngự nên đau đến đứng không nổi. Huyền Từ nói:

- Từ giờ trở đi ngươi đã phá môn hoàn tục, không còn là sư chùa Thiếu Lâm nữa.

Hư Trúc nhỏ lệ đáp:

- Vâng!

Huyền Từ lại nói:

- Huyền Từ phạm phải dâm giới, tội không khác gì Hư Trúc, thân là phương trượng, tội càng gấp bội. Chấp pháp tăng đánh cho Huyền Từ hai trăm côn. Danh dự chùa Thiếu Lâm không thể thiên vị che đậy được.

Nói xong quì phục xuống, quay mặt về phía tượng Phật nơi đại hùng bảo điện, tự mình cởi tăng bào, để lộ lưng ra.

Quần hùng ai nấy sửng sốt, phương trượng chùa Thiếu Lâm thụ hình trước mặt mọi người, quả chưa ai từng nghe từng thấy, không phải là chuyện thường tình chút nào. Huyền Tịch nói:

- Sư huynh…

Huyền Từ nghiêm giọng nói:

- Thanh dự của chùa Thiếu Lâm hàng nghìn năm qua, lẽ nào để hỏng về tay ta sao?

Huyền Tịch ngậm nước mắt đáp:

- Vâng! Chấp pháp tăng, dụng hình!

Hai người chấp pháp tăng chắp tay khom lưng nói:

- Phương trượng, xin đắc tội!

Nói rồi đứng thẳng người, giơ hình trượng lên đánh xuống lưng Huyền Từ. Hai nhà sư biết rằng phương trượng chịu phạt, cái khó nhất là phải chịu nhục trước mặt mọi người chứ không phải cái đau đớn xác thân, nếu như hạ thủ dung tình khiến bên ngoài trông thấy, đưa tiếng dèm pha thì chuyện phương trượng chịu nhục hóa ra công cốc. Thành thử côn nào côn nấy đánh xuống, chát chát thật mạnh, trong chốc lát trên lưng trên mông Huyền Từ đã đầy những lằn gậy, máu thấm đẫm cả tăng bào.

Quần tăng nghe chấp pháp tăng đếm năm, mười số gậy đánh xuống, ai nấy cúi đầu trầm tư lẩm nhẩm niệm Phật. Đạo Thanh đại sư của chùa Phổ Độ bỗng nói:

- Huyền Tịch sư huynh, quí tự tôn trọng giới luật Phật môn, cả đến phương trượng cũng thụ hình, bần tăng hết sức kính phục. Có điều Huyền Từ sư huynh tuổi tác đã cao, lại không vận công hộ thân, hai trăm gậy e rằng không chịu nổi. Bần tăng mạo muội xin nể tình, bây giờ đã đánh đến tám mươi côn, số còn lại xin cho khất.

Quần hùng vô số người cũng hùa theo:

- Phải lắm, phải lắm, tất cả chúng ta cùng xin nể chút tình.

Huyền Tịch chưa kịp trả lời, Huyền Từ đã dõng dạc nói:

- Đa tạ thịnh ý của quí vị, có điều giới luật nặng như núi, không thể khoan dung. Chấp pháp tăng, mau mau dụng trượng.

Hai người chấp pháp tăng vốn đã ngừng tay chờ, nghe phương trượng ngữ khí kiên quyết, lại đành tiếp tục năm, mười đánh xuống. Đánh thêm chừng bốn mươi trượng nữa, Huyền Từ chịu không nổi, hai tay chống dưới đất nhũn ra ngã sấp mặt xuống. Diệp Nhị Nương khóc òa:

- Chuyện này đừng trách phương trượng, chỉ ở ta không ra gì! Ta bị người ta khinh khi nên cố ý đến dụ dỗ phương trượng… Những… những côn còn lại, để ta chịu cho.

Bà ta vừa khóc vừa chạy đến toan nằm đè lên người Huyền Từ chịu đòn thay. Huyền Từ tay trái điểm ra, nghe soẹt một tiếng nhỏ, phong trụ huyệt đạo của Diệp Nhị Nương, miệng mỉm cười nói:

- Kẻ mê muội kia ơi, ngươi không phải ni cô cửa Phật, chẳng hề phá giới ái dục, có tội gì đâu?

Diệp Nhị Nương đứng sững tại chỗ không cử động được nhưng nước mắt vẫn chảy ròng ròng. Huyền Từ lại quát:

- Hành trượng!

Đến khi hai trăm trượng đánh đủ số, máu me chảy đầy mặt đất, Huyền Từ mới miễn cưỡng đề khí hộ tâm để khỏi đau đến ngất đi. Hai nhà sư chấp pháp giơ trượng lên nói với Huyền Tịch:

- Bẩm báo thủ tọa, Huyền Từ phương trượng chịu đòn đã xong.

Huyền Tịch gật đầu, không biết nói sao cho phải. Huyền Từ gắng gượng đứng lên, điểm một chỉ vào Diệp Nhị Nương định giải huyệt cho bà ta, ngờ đâu bị thương quá nặng, chân khí không thể ngưng tụ nên không công hiệu.

Hư Trúc thấy thế vội vàng chạy đến giải huyệt cho mẫu thân. Huyền Từ nhìn hai người vẫy tay, Diệp Nhị Nương và Hư Trúc liền chạy đến bên cạnh. Hư Trúc ngần ngừ, không biết nên gọi là gia gia hay vẫn gọi là phương trượng.

Huyền Từ đưa tay ra, tay phải cầm cổ tay Diệp Nhị Nương, tay trái nắm Hư Trúc nói:

- Hơn hai mươi năm qua, ta đêm ngày mong nhớ mẹ con bà, biết mình thân phạm đại giới, lại không dám sám hối cùng tăng chúng, hôm nay thế là được giải thoát rồi, từ giờ không còn sợ hãi băn khoăn, tâm được an lạc.

Rồi ông đọc một bài kệ:

Con người nơi trần thế,

Hễ tham muốn yêu thương.

Ắt phiền não khổ sở,

Cực lạc lòng không vương.(42.6)

Đọc xong ông từ từ nhắm mắt lại, nở một nụ cười hiền hòa. Diệp Nhị Nương và Hư Trúc không dám cử động, chờ xem ông còn nói gì nữa nhưng thấy bàn tay ông lạnh dần. Diệp Nhị Nương kinh hãi vội đưa tay thăm mũi thì hơi thở đã ngừng từ bao giờ, biến sắc kêu:

- Ông… ông… sao ông bỏ tôi ông ơi!

Đột nhiên bà ta nhảy vọt lên cao, từ trên không lao xuống, nghe bình một tiếng rơi ngay bên chân Huyền Từ, dãy mấy cái rồi cũng bất động. Hư Trúc kêu lên:

- Mẹ, mẹ ơi! Mẹ… mẹ đừng… đừng…

Y đưa tay đỡ mẹ lên thì thấy một thanh chủy thủ đâm ngập vào tim, chỉ còn hở cái chuôi ra ngoài, xem ra không còn sống nữa. Hư Trúc vội điểm huyệt đạo chung quanh vết thương, lại đem chân khí truyền vào Huyền Từ phương trượng, chân tay luýnh quýnh muốn cứu một lượt cả hai người.

Tiết Thần Y chạy tới giúp nhưng thấy hai người tim đã ngừng đập, hơi thở đã tắt không còn cách gì nữa bèn khuyên:

- Sư thúc đừng buồn. Hai vị lão nhân gia không còn cứu được nữa rồi.

Hư Trúc vẫn không nản chí, vận Bắc Minh chân khí một hồi lâu nhưng cha mẹ không ai động đậy gì nữa. Nỗi buồn dâng lên, nhịn không nổi khóc rống lên. Hai mươi bốn năm qua, y vẫn nghĩ mình là đứa con côi không cha không mẹ, chưa bao giờ được hưởng cái đầm ấm gia đình, hôm nay được gặp cha mẹ ruột, ngờ đâu chưa đầy một giờ thì cả hai đã thảm vong.

Quần hùng mới đầu nghe Huyền Từ nhận mình là cha Hư Trúc, ai nấy thấy ông không giữ thanh qui nên cũng có bụng coi rẻ, đến khi ông thản nhiên đương chúng thụ hình để bảo toàn thanh dự cho chùa Thiếu Lâm, đại dũng đó người thường không ai làm nổi. Ai cũng tưởng ông thụ trọng hình là để đền tội năm xưa lỡ bước, có ngờ đâu khi chịu đòn xong lại lập tức tự tuyệt kinh mạch.

Xưa nay nếu đã chết rồi thì coi như muôn việc đều xong, ông vốn đã có ý tìm cái chết thì cái nhục hai trăm trượng kia chẳng cần phải nhận, thế nhưng ông lại chịu đòn trước để duy trì cái tiếng cho chùa Thiếu Lâm, sau đó mới tự tận, quả là thái độ của kẻ anh hùng hảo hán. Quần hùng kính ngưỡng ông nên không ít kẻ tiến lên khom lưng cúi lạy di thể.

Nam Hải Ngạc Thần mếu máo:

- Nhị tỉ chết mất rồi, Nhạc lão tam không tranh giành cái thứ bậc với chị nữa, để tỉ tỉ làm lão nhị cho xong.

Bao nhiêu năm nay y nghĩ mình võ công hơn Diệp Nhị Nương, xứng đáng là kẻ Thiên Hạ Đệ Nhị Ác Nhân nên nhất định đòi đứng trên bà ta, bây giờ chịu nhường quả không phải dễ. Một phần y đau lòng cái chết của tỉ tỉ nhưng một phần khác cũng vì kính trọng sự nghĩa liệt của Diệp Nhị Nương.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-268/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận