Truyện Ngắn Trẻ Chọn Lọc Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Cô dâu thuốc phiện

Chu Thị Minh Huệ

 

Ở trên tít đỉnh trời kia có một cái dinh thự... Chó ngoài cùng canh cổng tiền dinh. Bọn nó to lớn đẫy đà nhất bởi ai qua lại đều phải gặp mặt. Nó là oai phong đầu tiên của Thổ ty. Bọn này mà quặt quẹ thì tức là trong nhà có vấn đề đến nỗi không trông nổi chó. Nhưng chúng chả bao giờ đói uống chứ chưa nói gì đến khát ăn. Cái thằng chăn chó chết thì cũng không có gì thay đổi trong bữa ăn cả. Năm con chó này muốn đi ngênh ngang thế nào cũng được, miễn là giữ cổng dinh chắc. Bọn chúng không bao giờ là không hoàn thành nhiệm vụ, bởi cái mũi thính lắm. Thổ ty bảo có thể ngửi thấy cả mùi ma khách. Thế nên đến quan binh Pháp cũng không qua nổi dãy núi Khó Chua cách đó năm quả núi. Thế nên cái nóc dinh chưa bao giờ bị một vết sứt nào của đạn giặc. Tiếp nữa là đàn chó canh cửa trung dinh. Chúng cũng đẫy đà không kém nhưng ít nham hiểm hơn, cả ngày chỉ chơi không và ngửi ngửi những khách lạ vào dinh. Chúng yên tâm là đã có bọn ngoài tiền dinh kiểm soát chặt chẽ, qua được tiền dinh thì vào trung dinh đã dễ dàng hơn. Cả ngày chỉ vờn nhau và đú đởn đực cái nên chỉ cần tỉnh táo một chút là xong việc. Những lúc chúng làm việc là thi hành lệnh của Thổ ty sẵn sàng hành thích một khách lạ ngay trước mặt chủ. Khách không theo ý hay làm phật lòng chủ đều bị cả đàn xông vào quần cho tơi tả đến khi nào được lệnh dừng thì mới thôi. Đáng sợ hơn là bọn đầy tớ không làm hài lòng chủ lúc ở trong sập hút của trung dinh. Được lệnh là cả bọn tấn công đến khi nào thằng đầy tớ không còn thở nữa. Bọn đầy tớ khác có sợ và thương bạn đến bao nhiêu cũng không dám xua đàn chó, mà dù có xua cũng không được, bọn chúng tấn công luôn cả đám. Xác bọn đày tớ bị chó cắn chết phải được đem đi thật xa để chôn. Việc này do bà tư của thổ ty quản. Chôn ở đâu là do bà ấy chỉ đạo. Lúc ấy cần phải xem lại địa vực của dòng họ đến đâu để chôn thằng đầy tớ ấy ngoài địa vực, bởi đầy tớ không mang họ của Thổ ty nên không được chôn trong đất của dòng họ. Thổ ty là trưởng họ rồi nên đất của dòng họ là đất của ông ấy. Đám đầy tớ sẽ phải khiêng người chết đi mấy ngày liền mới tìm được chỗ, đặt xuống một cái hố nông choèn choèn rồi tìm đất đá lấp lên. Nhà thằng đầy tớ sau đấy có đến chăm sóc hay làm ma không thì kệ. Con chó trong vụ cắn thằng đầy tớ ấy có làm sao thì nhà nó phải đến mà bắt đền cho Thổ ty. Hoặc là thay người khác thế chỗ thằng đã chết hoặc là đền mấy lạng thuốc phiện, tuỳ mà chọn. Thổ ty thì thích nó đền thuốc phiện hơn, vì còn có cái hút và đổi được bạc hoặc hối lộ quan Tây, còn người thì lúc khác kiếm cớ bắt cũng chẳng sao. Bọn chó ở hậu dinh lại điệu đà, nhỏ nhắn hơn nhưng cũng rất có khả năng tấn công khi cần thiết. Bọn này bình thường chỉ chơi không, quẩnh quanh bên chân các bà vợ, con trai con gái Thổ ty, nhưng mỗi con theo một chủ, chủ làm sao chó làm vậy. Đứa con gái bé nhất cũng được cho một con chó để chơi, rồi dần dần huấn luyện nó theo lối sống của hậu dinh. Những lúc các chủ mâu thuẫn với nhau cũng là lúc xua chó cắn nhau. Chủ thì không đánh nhau được vì cùng một nhà, đánh nhau là mồ mả mất thiêng. Bọn này mỗi con có một kiểu. Con của bà cả thì rù rù như cái cối xay ngô, lúc nào cũng lừ lừ nhìn ngó chỗ này chỗ kia. Con của bà hai thì thích làm đỏm để mồi bọn chó cái. Con của cậu ba thì thích gây gổ lung tung... Náo nhiệt nhất là lúc một con chó nào đấy đẻ. Bọn con của nó được chăm sóc đặc biệt bởi đây cũng là dòng giống của nhà. Bọn này không bao giờ được ra ngoài nên giống chỉ ở trong nhà này vì vậy cần chăm sóc tốt để nó phát triển còn có lực lượng để làm nhiều việc của dinh. Chó đẻ cũng là lúc chủ nó hãnh diện nhất, bởi có chăm tốt chó mới đẻ chứ. Chủ sẽ được thưởng nhiều đồ từ việc có thành quả là con


chó đẻ.

Những ngày đầu về nhà này Pầng cũng được cho một con chó. Nó nhỏ và xinh xinh. Bà cả bảo nó như Pầng ấy, rồi sau này ra sao là do Pầng nuôi. Thế mà cũng chả được mấy chốc, Pầng càng ngày càng sợ ngôi nhà này, sau ngày trốn về thăm mẹ thì cả Pầng và chó đều bị xuống nhà bếp nấu cám. Số phận Pầng từ đây mới bắt đầu. Và số con chó cũng bị tách khỏi số kiếp Pầng, nó bị lôi đi nhập vào đàn chó trông chuồng gà.

Dãy nhà bếp nằm ngang so với nhà chính nên vẫn nhìn thấy mọi người hoạt động ở sân hậu dinh. Nhưng chỉ có Pầng thỉnh thoảng mới nhìn về đấy thôi chứ trên ấy chả có ai để mắt tới nhà bếp bao giờ, lại là gian bếp nấu cám nữa thì chả ai thèm ngó tới. Chỉ ngày ngày lão trông nom việc bếp đến quát lũ người làm phải cắm mặt vào mà làm, không được lơi là việc. Một nồi cám bị khê lão cũng sẽ dúi mặt Pầng xuống để ăn thử xem, mày ăn được thì lợn mới ăn được. Thế nên phải làm cho hẳn hoi. Ngày nào cũng nấu đến mười chảo cám nên chả có thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện khác. Lúc dụi cái gộc củi cuối cùng của ngày cũng là lúc mắt Pầng dính vào nhau, trèo vào góc bếp là ngủ luôn. Giấc ngủ toàn mùi cám, không khí hít vào thở ra là không khí cám.

Mấy hôm nay, Pầng thấy có ánh mắt đuổi theo chân mỗi lần sang nhà kho lấy ngô về nấu cám. Bắp chân Pầng nóng ran mỗi khi ánh mắt ấy rọi vào. Đi khuất nhà kho một cái là người ấy chặn ngay lại, đòi vác hộ ngô nhưng không thể được, lão trông nom việc bếp mà nhìn thấy thì lại bị quật cho chảy máu chân nên Pầng chả dám đáp lời, cắm mặt đi như ăn trộm. Người ấy vẫn cứ bám theo nói những lời ngon ngọt lắm nhưng giọng lưỡi đã mang cái lên mặt rồi.

- Pầng, đưa tôi vác cho.

- Tôi không dám.

- Không sợ đâu, tôi vác được, tôi còn trên cả quyền lão Pháy, chứ lo gì lão ấy quát.

Chưa gì đã ra oai rồi nên Pầng lại càng ghét. Nhiều lúc Pầng muốn nói vào cái mặt ấy rằng mình còn là vợ Thổ ty đấy, cho hắn sợ nhưng nghĩ lại, mang tiếng là vợ nhưng đã bao giờ Thổ ty nhìn mặt đâu, giờ lại bị đuổi xuống nấu cám nữa thì càng không dám nói.

Đến cả lúc đi lấy nước cái thằng Púng ấy cũng theo chân. Gùi nước đã nặng, phải chạy khỏi ánh mắt và những lời nói ấy lại càng nặng thêm. Mới chỉ là thằng gác cổng tiền dinh mà đã bắt nạt người khác thì không biết ở chỗ to hơn một tí thì người ở có được ăn gì không nữa. Pầng ngã lộn xuống hố nước vì giật mình nghe tiếng hắn hỏi từ trên đỉnh chỏm núi. Thế mà có thèm kéo Pầng lên đâu, chỉ cười ằng ặc.

- Đúng là đồ trốn nợ, suốt đời trốn nợ nên lúc nào cũng sợ thì ngã là phải thôi.

Pầng là cô dâu thuốc phiện. Bố Pầng vay bạc của Thổ ty để làm ma cho ông nội. Hứa sang năm trả bằng thuốc phiện. Nương thuốc phiện vào thu đã rung rinh hoa trong nắng, bố cười mãn nguyện vì sẽ có thừa thuốc phiện trả Thổ ty, còn dư ra bán đi rồi mua thêm mấy mảnh nương nữa thì nhà sẽ đỡ khổ hơn. Ba mảnh nương bằng manh chiếu nhà Pầng không đủ nuôi nổi một cái mồm chứ chả nói gì đến bốn người trong nhà. Ngày nào bố cũng đi rừng thuê để đổi lấy ngô mang về. Một mình bố làm cũng không đủ nuôi thân, có hôm còn bị nhà Thổ ty phạt về tội không mang đúng cây thẳng. Thế là hôm ấy công không. Nếu có bị ngã gãy tay, gãy chân cũng tự nhà mình chịu chứ Thổ ty không quan tâm. Ngày vác dao lên nương thu nhựa đã thấy cả nương biến đi đâu mất. Cả cây lẫn quả bỗng chốc không còn tăm hơi. Bố Pầng sợ mất máu trên mặt rồi chạy hồng hộc lên rừng, Pầng chạy về nhà. Mẹ hiểu mọi việc mà không khóc được. Từ đấy bố đi miết. Lúc ấy Pầng đã mười bốn tuổi, biết là sẽ thế nào nếu Thổ ty hỏi đến chỗ thuốc phiện chưa trả được. Ba tháng sau vẫn chưa thấy Thổ ty đến nói gì. Mẹ thấp thỏm chờ đợi những đòn roi quất lên lưng và bị lôi xềnh xệch đến trước mặt hỏi sẽ trả nợ bằng gì. Bởi nhìn đứa con gái mới lớn dù không phổng phao cũng không thể lọt qua con mắt Thổ ty, không dùng vào việc sinh đẻ thì dùng vào việc làm công. Pầng bị lôi về buồng nhà Thổ ty mà không được một phút nào gọi mẹ, không có váy áo mới, không có vòng bạc và đến con chó cũng không được mang theo. Nợ thì vẫn hoàn nợ. Số bạc được tính nguyên giá, còn thuốc phiện thì không được bằng một bữa nấu canh. Hai tuần sau bố Pầng cũng biết con gái bị lôi về làm người nhà Thổ ty thì mới mò về nhà. Đói quá trông như ma già ở thế giới âm về vậy. Mẹ nấu cho bát canh bí ăn với mèn mén. Bố đói quá ăn nhiều đến bục ruột chết luôn ở bàn ăn giấu tận góc nhà. Pầng không được về làm ma cho bố. Thổ ty cho người truyền xuống tai Pầng rằng số nợ vẫn còn nguyên, bây giờ Pầng là người trả.

Chảo cám pục pục sôi, Pầng rút bớt lửa cho sôi từ từ đến nhừ thật ngon. Nhưng đã thấy bắp chân nóng rát rồi, không phải do lửa bắn vào, không phải do cám bắn mà bỏng. Rõ ràng hắn lại đứng sau lưng. Chảo cám chưa hết sôi hắn đã nhanh nhảu múc luôn ra máng gỗ để nguội mang cho gấu. Không biết muốn lấy lòng Pầng hay muốn nhanh cho gấu ăn để được lòng Thổ ty nữa. Nhưng Pầng muốn cho sôi nữa để nhừ thêm vì con gấu này đang mệt, vừa bị bắt về lại sắp đẻ nên cho ăn ngon một tí. Nó có sức mấy ngày nữa đẻ con đỡ vất vả. Pầng chưa nhổm dậy hắn đã nhanh mồm:

- Bưng ra cho gấu nhé! Nó đói lắm rồi.

- Để đấy tôi làm.

- Nặng lắm, tôi bê được đấy.

Cứ thế hắn bê máng cám chạy phóng ra chuồng gấu. Pầng đành chạy theo.

- Đã bảo cứ để tôi.

- Đưa đây làm cho đỡ mệt, gấu này mới bắt sẽ
ác đấy.

- Tôi chả sợ.

- Nhấc cửa chuồng lên đi. Tôi đưa máng cám
vào cho.

- Cứ thế này mọi người biết lại bảo tôi lười, anh đi chỗ khác đi.

- Tôi thích thế.

Con gấu lồng lên, chồm cả vào mặt hắn may có lồng sắt mà hắn thụt ngay ra ngoài nên không sứt sát gì nhưng đã thấy ôm mắt gào ầm ĩ. Con gấu không cào mà đái thẳng vào mắt. Hắn chạy lồng về phía nhà chính, cả nhà náo loạn bởi tiếng gào rú đau xót của hắn. Bà Tư đã biết chuyện gì xảy ra. Lấy ngay nước lã giội té tát vào mặt hắn rồi sai người đi mời thầy lang Mìn lấy thuốc chữa mắt. Pầng nghĩ một dòng nước đái gấu chửa mà giội thẳng vào mắt thế thì khó mà làm gì được nữa. Đợi được ông Mìn qua ba núi đến đây thì hắn đã nằm mà ôm mắt rồi. Bà Tư thì rối tít cả lên không còn sợ mọi người nhìn vào hay Thổ ty để mắt đến nữa. Hắn thì lồng lộn:

- Đã bảo là không được rồi mà cứ bảo tôi làm.

- Tôi không nghĩ anh lại đến gần nó thế. - Bà Tư xót ruột.

- Tôi hết đời rồi.

- Có sao thì cũng có tôi mà.

Pầng thấy mình đã không nhầm người khi nhìn hắn bằng con mắt không ưa được, dù có theo Pầng thế nào thì cũng thế thôi.

Púng mù liền bị đuổi khỏi nhà Thổ ty. Nó gầm lên chửi rủa một người. Cả nhà không ai dám hé răng câu nào từ khi nó bị gấu đái vào mắt. Chỉ riêng bà Tư phát khùng. Thổ ty gầm lên:

- Cái lũ hổ vồ. Chúng nó giết tao. Con gái già ấy cũng giết tao rồi. Ôi, thuốc phiện của tao. Nó ăn lá ngón mà còn gặm thêm mấy phân thuốc phiện của tao. Con ma ngón này có thêm thuốc thì nó về bắt hết người thôi. Một bọn hổ vồ!

Mất thuốc phiện mà hơn mất bạc trắng. Thổ ty không ăn uống nổi. Chắc không phải vì tiếc. Bà Tư, tay hòm chìa khoá thế mà, rồi chưa biết mất thêm bao nhiêu thứ khác nữa đây. Pầng thấy sợ, sợ cái nhà này, nhưng vẫn phải canh nồi cám...

Đời Pầng làm thân gán nợ cho bao nhiêu đời trước, người làm công giống như bao người khác. Bà Tư đã thành con ma ngón vì quá tức thằng Púng làm lộ những chuyện xấu xa. Mà dù thế nào đi nữa thì con gấu cũng tước đoạt hết niềm mơ ước của bà. Một người đàn bà là ao ước của bao người đàn bà trên cao nguyên đá này, kể cả bà Cả, bà Hai hay bà Ba cũng không được yêu chiều như bà Tư, ấy thế mà vẫn chưa bằng lòng, mà lại đâm quàng vào thằng Púng.

Thế thì làm gì và ở đâu cũng vậy thôi. Đàn bà hay đàn ông đều có lòng ham muốn ngoài những điều mình đã có, nên Pầng cứ làm người nấu cám cho đàn lợn nhà Vương là tốt nhất. Và thế là Pầng yên tâm làm cô dâu thuốc phiện, làm người mà đến con chó cũng không có để làm bạn.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84242


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận