Truyện Ngắn Trẻ Chọn Lọc Truyện ngắn 6


Truyện ngắn 6
Thằng Lú

Phạm Kiên

Lú có tên nhưng cả làng Ná không mấy ai biết. Ngày nó ra đời, trời mưa tầm tã suốt mấy hôm liền, chỉ một mình mẹ vượt cạn. Lú chẳng biết mặt bố là ai, chắc nó chui từ dưới đất lên nên người ta gọi luôn là Lú. Lú đã chín tuổi mà thân hình quắt queo như đứa bé lên sáu.

...Trưa. Nắng cháy da, cháy thịt. Gió Lào vi vút thổi qua rừng cọ nghe xao xác. Lú đánh trần, xỏ cái quần đùi rách tươm, tay cầm cái bị, chạy lon ton vô xóm Ná. Lú đứng trước cổng nhà mụ Liên, thấy bầy chó mạ đang gầm gừ, nhễ nhại nước miếng. Lú gọi to:

- Dì Liên ơi, dì Liên!

Ở trong nhà, tiếng mụ Liên toang toác vọng ra:

- Thằng mô kêu giữa trưa ngoài tê đó bay?

 

- Dạ! Lú đây ạ! Dì Liên ơi. Mẹ con nói, cho mẹ con vay một loong gạo, rồi mai mẹ con đi bán rau về trả cho dì!

- Về nói con mẹ mi, trả tạ thóc trước đi đã nhé! Ngày mai mà không qua trả, tao kêu bầy thợ sang đốt nhà đó. Tau không dọa mô! Cút đi. Thằng ranh!

Bầy chó gần chục con bị tháo xích lao ra như ma đuổi. Lú quăng bị, cong đít chạy thẳng một mạch không dám quay đầu trở lại.

Lú lại sang nhà lão Bảy. Nhà lão Bảy để cổng toang hoác. Bên trong túp lều, lão đang ngồi đốt lá sim nhóm lửa. Trên bếp bắc một cái nồi đất đen sì sì. Một làn khói mù mịt bốc thẳng vào mặt lão.


Nghe tiếng động, lão Bảy ngoảnh ra sân, tay dụi mắt nheo nheo.

- Thằng Lú à? Mi ăn cơm chưa mà đi nhởi(1) rứa?

Lú khản giọng, nói rè rè.

- Lão Bảy ơi! Nhà lão có gạo nữa không, cho mẹ con vay một loong, mai mẹ con trả?

- Khổ thân mi rồi! Tau đang luộc khoai đó tề. Mần chi có gạo nữa mà nấu. Có ăn thì vô đây tau cho một miếng.

 

Đã quá trưa mà Lú vẫn chưa vay được gạo. Bụng đói quắt queo. Mặt Lú nhăn như khỉ rồi lả người, xiêu xiêu, quay ra bến sông, nơi có túp lều. Trưa hôm đó, mẹ con Lú ăn độc món lá khoai.

 

*

*     *

 

Nhà mẹ con Lú dựng trên bãi cát, sát con sông Thúi. Gọi là sông Thúi vì dân làng Ná không có thói quen làm nhà cầu mà tất cả xổ toẹt ra sông. Mùa nước cạn, con sông nằm teo tóp giữa đôi bờ loang lở. Mặt nước lúc nào cũng bầy nhầy, đen ngòm, đặc sính lại. Mùi hôi thúi bốc lên, theo gió, theo ruồi nhặng sộc thẳng vô nhà.

 Lên bảy tuổi Lú mới được đi học. Trong giấy khai sinh, Lú vẫn mang họ của mẹ. Mẹ Lú là dân ngụ cư ở nơi khác về. Mẹ Lú đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, khi thì cắt cỏ, khi thì gặt lúa, nhổ lạc, có khi đào đất, gánh phân. Mẹ Lú gầy gò, đen sạm. Mấy tháng trở lại đây, đêm nào mụ ta cũng ho khù khụ, da tái nhợt như người sắp chết.

Có hôm mẹ Lú lên cơn ho. Lú hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ đau giữa cổ à, mẹ không thở được à?

 

Mẹ Lú thương con, nén ho, tay bịt mồm rồi phù phù. Lú nhìn thấy một bệt máu thổ ra trên bàn tay run lập cập của mẹ. Lú luống cuống hỏi:

- Mẹ ơi, con đi xin lá ngải về cho mẹ đắp cổ nha.

- Mẹ chưa chết mô mà lo. Khụ! Khụ!

Lú lặng lẽ, chạy thẳng một mạch lên xóm Ná. Một lúc sau Lú về. Mẹ Lú nằm trong nhà, nghe tiếng con khóc hức hức:

- Mi bị chi mà khóc rứa?

- Đau quá... Con chó nhà dì Liên cắm(1).

Lú trật cái đùi bên trái ra cho mẹ coi. Hai hàm răng chó, bốn cái lỗ thịt đang rỉ máu xuống đất. Miệng Lú khóc lu loa, quên mất nắm lá đang bóp chặt trong bàn tay bé xíu, dính toàn đất cát của nó. Mẹ thương Lú, ngồi dậy, lấy bã chè, xát tí muối trắng, đắp lên
vết cắn.

Ngày thường mẹ Lú đi làm thuê từ lúc tờ mờ sáng cho đến chập choạng tối mới về. Trước khi đi làm, mẹ Lú bắc một nồi khoai trên bếp. Đó là món ăn thường xuyên nhất từ lúc Lú sinh ra. Hôm nào thấy mẹ đi làm về, xách trên tay một túi bóng tròn tròn, Lú lại reo lên:

- A! Thích quá, hôm nay được ăn cơm rồi!

 

Lên năm tuổi Lú được đi làm cùng mẹ. Mẹ Lú quàng gánh đi trước, Lú lẽo đẽo theo sau. Mới đầu chưa biết việc, mẹ Lú nhắc:

- Lú à! Mi cứ rúc vô mấy bợ mương, hoặc lụm cây bên đàng. Chộ(1) có túi bóng hay sắt rỉ thì nhặt ngay. Chậm là đứa khác cướp mất. Gặp đống phân bò, phân chó mô thì kêu mẹ lại xúc. Nghe chưa!

Có hôm Lú nhảy ra khỏi hầm, đầu tóc vàng khè, khoe cả mớ dây đồng, sắt rỉ, thu lượm được. Mẹ Lú kéo cái khẩu trang đen thui để lòi miệng, phì cười:

- Mi giỏi hè, tối về tau mua cho cái bánh tráng.

Lú cười khoái chí, nhăn nhở.

Mẹ con Lú thường đi làm về vào lúc chiều muộn. Có điều Lú không hiểu được, cứ lần nào sắp đến cổng nhà dì Liên mẹ Lú lại giật tay Lú ngoặt đi hướng khác. Không phải vì tạ thóc mẹ Lú nợ. Trước đây cũng thế, lần nào cũng thế. Nhưng về đến nhà, mẹ Lú lại bảo Lú sang nhà dì Liên, lúc thì vay gạo, lúc thì xin rau, lúc thì xin thứ này thứ kia, như thể bắt tội người ta. Có hôm không có việc gì cả, mẹ Lú vẫn thúc sau đít Lú, giục sang nhà dì Liên.

- Mi cứ đi đi, hại chi con, cứ sang đó mà nhởi.

 

Nhà dì Liên có hai đứa con cũng tầm tuổi thằng Lú. Một thằng tên Nô, một thằng tên Lai, cách nhau hai tuổi. Con nhà giàu có khác, hai thằng phổng phao, béo ú như con lợn. Đến nhà nhìn cái rổ đồ chơi đủ thứ loại trên đời, nào là ô tô, tàu điện, súng nhựa, bất cứ đứa trẻ con nào cũng thèm nhỏ dãi. Buổi sáng đi học, hai thằng được dì Liên cho uống sữa tươi, rồi bỏ thêm vào túi một cái bánh mỳ kẹp thịt và hộp kẹo mật, ăn lúc ra chơi. Nhiều hôm ăn không hết, chúng nó ném kẹo ra giữa sông Thúi. Đám con nít, trong đó có thằng Lú nhao nhao nhảy xuống sông, đuổi bắt kẹo cho bằng được. Trên bờ, thằng Nô, thằng Lai đứng ôm bụng cười ngất nghẻo.

 Có hôm cả bọn đang chơi trò bịt mắt bắt dê, Lú vô tình giẫm phải chân thằng Nô làm nó ngã lăn quay giữa sân. Cả bọn im phăng phắc. Thằng Nô đứng dậy, đấm vào mặt Lú một cái đau điếng, rồi xé rách chiếc áo Lú đang mặc. Nó quát to:

- Thằng con hoang kia! Mi dám xô tau ngã à. Không cho mi chơi nữa. Cút về mà đi hốt phân với con mẹ mi đi. Đồ con hoang.

Lú mếu máo chạy về mách mẹ:

- Mẹ ơi! Mần răng bọn nó kêu con là con hoang. Nó đánh con nữa này. Hu... Đau quá mẹ ơi!

Mẹ Lú ôm con vào lòng, xúc xỉa:

 

- Chúng nó ác!

Chiều hôm đó, Lú đi bắt cua ngoài đồng. Lú thấy một người đàn ông to béo, tay cầm sợi dây thừng, mồm phè phè thuốc lá, đang đi về hướng nhà Lú. Đó là lão Thủ chồng dì Liên. Mẹ Lú đang hái rau ngoài vườn. Thấy mẹ Lú, lão Thủ không nói câu gì, mặt hằm hằm, một tay dựt tóc, một tay bóp cổ mẹ Lú kéo vào trong nhà. Lão Thủ đạp mẹ Lú một cái nằm lăn quắt quéo dưới đất. Lão Thủ khép cửa lại. Lão nhét cái giẻ lau nồi vào miệng mẹ Lú, rồi lấy dây thừng trói hai tay mẹ Lú ngoặt ra sau lưng. Lão Thủ ngồi đè trên bụng, hai chân lão kẹp chặt không cho mẹ Lú nhúc nhíc, hai tay lão tát vào mặt mẹ Lú: "Bốp, bốp". Lão Thủ
chạy ra múc một chậu nước hắt thẳng vào mặt mẹ Lú. Mẹ Lú xộc máu mồm, lờ đờ tỉnh dậy. Lão Thủ
đay nghiến:

- Đèo mẹ mi! Mi định đưa thằng con sang ăn vạ nhà tau đấy à. Tau đập chết cả hai mẹ con bây giừ. Đánh cho mi chừa...

Vừa nói lão Thủ vừa đấm thùi thụi vào mặt, vào ngực, vào bụng mẹ Lú. Lúc này Lú chạy về. Thấy mẹ bị đánh trong nhà, Lú gào lên. Bằng bản năng Lú nhảy thẳng vào lão Thủ, đấm liên tục vào lưng lão:

- Thả mẹ tui ra. Ai cho ông đánh mẹ tui.

 

Lão Thủ quay sang tát Lú một cái. Lú văng ra, đập đầu vào tường. Lú bật dậy, chồm lên che chở cho mẹ. Hai tay Lú quặt xuống hòng cởi trói cho mẹ. Mẹ Lú đờ đẫn, cả người mềm nhũn, bê bết máu, thở ra "hấc hấc" như người sắp chết. Lú ôm chặt mẹ vào lòng như thể sợ ai cướp mất mẹ.

Cả một tuần sau đó, mẹ Lú nằm liệt giường. Khuôn mặt mẹ Lú xanh xao, gầy sọp, tiều tụy không còn sự sống. Đêm nào mẹ Lú cũng ho thổ ra máu. Giặt cái khăn mặt đỏ lòm, Lú xốn xang.

Chiều đó, mẹ Lú ngồi dậy được trên giường. Mẹ Lú ra vườn hái một nhúm lá khoai, nấu canh. Mẹ Lú chia canh ra hai cái bát. Mẹ bảo:

- Lú ơi! Con ăn đi, kẻo sau này lại không được ăn canh lá khoai mẹ nấu nữa!

Lú ngồi im một lúc, trên tay vẫn cầm bát canh lá khoai nóng hổi. Lú quay sang mẹ:

- Mẹ đừng bỏ Lú đi nhé. Sau này Lú sẽ kiếm được nhiều tiền, Lú sẽ đưa mẹ đi khám.

Mẹ nhìn Lú, lưng tròng nước mắt, rồi giục Lú ăn canh cho nóng. Lú húp một miếng canh lá khoai, mẹ trào nước mắt. Lú húp thêm một miếng nữa, hai hàng nước mắt chảy dài trên mặt mẹ. Chờ Lú ăn xong. Mẹ Lú quay sang nói:

 

- Lú ơi! Nếu mẹ chết, thì Lú phải hứa với mẹ là ngoan ngoãn và trở thành một người tốt nhé!

- Lú không thích mẹ chết mô.

Nói rồi Lú gục đầu, nhìn xuống bát canh. Mẹ
Lú nói:

- Lú ơi! Mẹ thương Lú lắm. Nhưng mẹ không ở lại được bao lâu nữa.

Lú òa lên khóc, chạy đến rúc vào lòng mẹ. Mẹ ôm Lú, hai bàn tay mẹ cứ vỗ về.

- Lú ơi! Mẹ muốn cho Lú biết điều ni nữa. Lú phải nghe mẹ nói.

Lú nín khóc, rồi nhìn vào mắt mẹ, chờ đợi:

- Lú à! Lão Thủ chính là bố của con đấy. Sau khi mẹ chết, Lú hãy đến đó ở.

Lú hét to:

- Không đời nào. Lão Thủ đánh mẹ.

- Ngoan nào Lú! Lú phải nghe lời mẹ chứ. Đến đó rồi Lú sẽ có cơm ăn tử tế.

Mẹ nói câu nào Lú cũng òa lên khóc nức nở. Hai tay Lú ôm chặt lấy mẹ, như thể không bao giờ Lú được ôm mẹ nữa.

Đêm hôm ấy, Lú không nghe tiếng ho của mẹ. Sáng tỉnh dậy, Lú thấy mẹ nằm bất động trên giường. Hai giọt nước mắt trong veo vẫn đọng trên đôi mắt khép hờ của mẹ. Lú ôm mẹ, rồi òa lên khóc. Lú chạy ra bãi cát trước sân, miệng gọi: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!".

Lú khóc tru tréo vang cả bến sông Thúi.

Đám tang mẹ Lú chỉ lèo tèo vài ba người. Mẹ Lú được lão Bảy cho chiếc chiếu thay áo quan. Mộ mẹ Lú được chôn trên đỉnh đồi Sến.

Đêm sau mẹ mất, Lú trở về nhà một mình. Nhìn vào chiếc giường trống không, vắng tiếng ho khù khụ của mẹ, Lú lưng tròng nước mắt. Lú ngồi bệt giữa nhà. Một tiếng sấm gầm lên. Cơn mưa giông ập tới. Lú nằm co ro một mình trên giường thiếu hơi ấm của mẹ. Trong cơn mơ mê sảng, Lú gọi: "Mẹ! Mẹ ơi..." không biết bao nhiêu lần.

 

*

*     *

 

Ít lâu sau, Lú đi ở cho nhà lão Thủ, người mà mẹ bảo là bố của Lú. Nhà lão Thủ là một xưởng gỗ, ngày nào cũng rè rè tiếng cưa, tiếng lóc cóc của dùi, búa. Đám thợ nhà lão Thủ toàn những tay bặm trợn, từng ra tù vào tội, nghiện hút, xì ke. Lão Thủ và bọn thợ thường lái xe reo sang tận biên giới lấy gỗ về. Gỗ được cưa thành khúc rồi tiêu thụ đi khắp nơi. Mụ Liên chỉ ở nhà ngồi đếm tiền.

 

 Hằng ngày, Lú dậy từ lúc năm giờ sáng. Đầu tiên Lú lấy thùng đi xách nước về đổ đầy hai cái chum. Sau đó quét dọn toàn bộ nhà cửa. Nhà có nhiều mùn cưa, mụ Liên bắt Lú phải đóng đầy các bì, đem vào bếp đun thay củi. Có hôm mưa, mùn cưa không bén lửa, để khói bay um trong bếp. Mụ Liên ho sặc sụa bước vào, cầm thanh củi đánh "bẹt" vào cái lưng gầy giơ xương của Lú. Cả trưa đó mụ Liên không cho Lú ăn cơm. Lú ngồi một mình trong góc bếp, đến khi bọn thợ ăn xong gọi Lú lên dọn mâm, lúc rửa bát, Lú khơi khơi, vét từng hạt cơm thừa trong bát rồi cho vào miệng ăn.

Mụ Liên già và xấu hơn mẹ Lú, nhưng tính lại hay ghen. Từ lâu mụ đã ngờ Lú là con rơi của chồng. Mẹ Lú chết, lão Thủ cho Lú về ở, mụ Liên càng nổi máu ghen. Có hôm mụ Liên gọi Lú vào nhà cắt móng chân. Đang bấm, bỗng mụ Liên co rụt chân đạp vào mặt
Lú một cái như trời giáng. Lú nằm quắt queo. Mụ lại cầm gậy, đánh túi bụi vào người Lú. Vừa đánh mụ
vừa chửi:

- Cái con mẹ mi ăn nằm với thằng chó mô để mi ngu rứa. Đồ súc sinh. Tao đánh cho mi chết này!

Lão Thủ giơ tay can, mụ Liên lại càng sôi máu tam bành, quật liên hồi vào Lú.

 

Mặt Lú tái mét, quần áo xơ xác, không dám ho hé câu gì. Lúc sau Lú bước vào bếp, ngồi khóc rức rức:

- Mẹ ơi!

Sáng hôm ấy, vừa mới giữa buổi, Lú đi gánh nước về, đám thợ trong nhà tập trung hết trước cửa. Phía bên trong lão Thủ và mụ Liên đang ngồi gác chân lên bàn, mặt hằm hừ. Mụ Liên hét to:

- Bắt thằng Lú vô đây cho tau!

Một thằng thợ xẻ trọc đầu lại bóp cổ, lôi xềnh xệch Lú vào nhà. Mụ Liên quát.

- Đêm qua mi đi mô?

- Con ngủ ở trong bếp ạ!

- Rứa mi có thấy cái lắc vàng tau để trên cũi không?

- Con không thấy chi.

- Còn cãi à! Chính mi ăn cắp đem đi bán rồi. Không ai vô đây nữa cả. Khai thật đi, thằng ranh!

Lú chưa hiểu chuyện gì, mụ Liên đã sai bầy thợ trói Lú lại rồi lấy dây thừng treo ngược. Đầu tiên mụ lấy roi hèo đập chó quất mấy cái vào người Lú. Lú đau đớn không chịu nổi, khóc thảm thương.

- Dì ơi! Không phải con. Con không lấy mô.

Mụ Liên sôi tiết:

- Mi còn cãi. Cho mi đến ở để ăn cắp đồ nhà tau!

Vừa nói mụ vừa quất túi bụi vào người Lú.

 

Chưa thỏa, mụ Liên sai thằng thợ xẻ lấy cái kìm sắt, kẹp vào từng miếng thịt nhăn nheo trên người Lú. Lú la làng. Máu trên mặt Lú ròng ròng rỉ xuống đất. Lú đau quá, không kêu được nữa, miệng cứ "hức, hức". Người Lú run bần bật như thể con chó vừa bị chọc tiết. Bị thằng thợ xẻ hắt cả chậu nước gạo vào mặt, Lú lờ đờ tỉnh dậy, miệng ú, ớ kêu:

- Cứu con với...

Mụ Liên quay sang đưa kìm sắt cho thằng thợ xẻ:

- Mi bẻ cái răng cửa của hắn cho tau.

Phựt! Một cái răng dính máu tươi đỏ lòm bật ra, cái miệng loe loét máu. Lú đau đớn, vật vã kêu than trời đất. Hai con mắt Lú cứ trợn ngược, long sòng sọc, rồi lên cơn co giật. Toàn thân Lú ướt sũng, nước tiểu vương vãi dưới đất. Thằng Nô và thằng Lai không dám lại gần, chỉ nem nép đứng trong cửa nhìn ra.

 

*

*     *

 

Sau cái lần ấy, Lú ốm một trận thập tử nhất sinh, không ai biết. Cứ hôm nào trở trời, Lú lại lên cơn co giật. Lú hay ngồi một mình cười "hấc, hấc". Không thích ngồi nữa Lú lại cầm cái roi hèo đi thong thong ra đường. Lú đi nhặt lá bánh, túi nilon...

 

Lú thẩn tha khắp các con đường trong xóm, vừa đi vừa cười hềnh hệch. Gặp ai Lú cũng hỏi: "Nhà tui ở mô hè?". Lú hay chui xuống cái hầm liên lạc trong xóm, đào đào bới bới. Nhiều hôm trời nóng hầm hập, Lú đánh trần đi ngắc ngắc lên chợ huyện. Đi qua quán phở, Lú ngồi bệt giữa đất, chờ có ai đứng dậy thì Lú chạy ào vào, hai tay bưng bát, húp soàm soạp. Hôm may mắn thì còn dính tí phở, tí thịt bò, còn không thì chỉ có tí nước đục đục. Gặp bãi rác nào Lú cũng sà vào lục lọi. Thấy có gì ăn được là bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Thế mà Lú chẳng ốm đau bao giờ. Lú lang bạt khắp nơi, khi ở bến sông, khi ở chợ huyện.

Nhiều đêm khuya thanh vắng, Lú ra bến sông Thúi ngồi chổm hổm trên cát. Túp lều năm xưa của mẹ con Lú bị đốt từ lúc nào, cái nền nhà cũng xói mòn vì mưa bão. Lú chắp hai tay lên miệng la hét rồi cười hềnh hệch, nghe vang vọng cả một khúc sông. Đám trẻ con trong làng kháo nhau, có một con ma trên đỉnh núi Sến. Đêm nào con ma ấy cũng lẩn thẩn quanh một ngôi mộ. Sáng ra, người ta thấy trên mộ có một chùm hoa tỉ muội, lúc thì mấy trái cây thối, lúc thì cái bánh tráng.

Hôm đó Lú đi ngao ngao trên đường, bụng đói meo, thế nào lại bước lạc vào nhà lão Thủ. Đúng lúc bầy chó đang ăn. Thấy chậu cơm nguội, xen lẫn những miếng cháy giòn giòn, Lú sà vào giữa bầy chó, bốc ăn ngấu nghiến. Bầy chó lồng lên, đổ xô vào cắn thằng Lú. Con thì cạp chân, con thì nhảy xồm lên lưng, nhưng Lú vẫn chúi đầu vào chậu cơm.

Nghe tiếng động, ở trong nhà thằng Nô và thằng Lai ôm hai cái gậy chạy ra. Thấy thằng Lú đang tranh phần ăn của chó, hai thằng cầm gậy nện liên tục vào lưng Lú nghe "Phụp! Phụp!". Lú đau quá, bò dậy thoát thân. Thằng Nô hét phía sau:

- Mẹ cha mi! Cái thằng điên.

Lão Thủ đứng trong nhà, chống tay hai bên hông, nhìn vô cảm rồi giơ tay xỉa răng như không có chuyện gì xảy ra. Một thời gian sau, người dân làng Ná không thấy mặt Lú nữa. Lú bỏ làng đi biệt tăm, biệt tích, không một dấu vết. Người ta đồn thổi: "Thằng Lú chết trôi ở con sông xóm bên rồi". "Nó chưa chết mô, nó vô trại chi chi đó, được chữa bệnh rồi". Năm năm, rồi mười năm trôi qua, không ai biết thằng Lú là
ai nữa.

 

*

*     *

 

Làng Ná bây giờ khác hẳn ngày xưa. Những con đường trải bê tông trắng xóa, chạy vòng vèo vào tận ngõ. Con sông Thúi bị san phẳng, mọc lên đó một khu nhà hàng, Massage, Karaoke. Ở cuối làng, căn biệt thự nhà lão Thủ sừng sững như thách thức với bất kỳ đại gia nào trên phố thị. Cái xưởng gỗ bé tẹo năm xưa đã biến thành công trường sản xuất các mặt hàng gỗ quý hiếm. Ngay bên cạnh là nhà hàng đặc sản thú rừng, độc nhất vô nhị do mẹ con mụ Liên quản lý. Nhà nước đã cấm săn bắn thú rừng từ lâu, thế nhưng nhà hàng mụ Liên hôm nào cũng đông nghẹt khách.

Hôm đó, có đoàn khách quý trên huyện xuống. Từ chiều, mẹ con mụ Liên và đám thợ đã lúi húi, tất bật, đi ra, đi vào chuẩn bị. Nhà lão Thủ có một cái hầm sâu dưới đất, lúc nào cũng tối om, nhầy nhụa, thúi a thúi ỉnh mùi cứt đái của thú rừng. Bên trong hầm là cái tủ đứng đan bằng thép, chia thành ba ngăn, với các ô to, nhỏ tùy theo kích thước của con vật. Ngăn trên nhốt khỉ, ngăn dưới nhốt trăn, kỳ đà. Nhìn không khác gì một sở thú, chỉ khác thú rừng ở đây chỉ sống được vài ba hôm là biến thành các món đặc sản.

Từ chiều, Lão Thủ đã ăn mặc kiểu tay chơi phố núi, áo cổ tròn, thêu gấm, ngực đeo vòng đính răng tê giác trắng hếu, đi cứ lúc la, lúc lắc. Lão Thủ để bộ râu dê đen thui, dài xuống tận cổ, mái tóc dài, quăn tít, búi ở đằng sau.

 

Đám quan chức vừa bước chân vào. Lão Thủ và mụ Liên đon đả:

- Ôi! Vinh hạnh cho nhà em quá! Lại được đón các bác thế này. À! Các bác xơi món gì để em vào làm ạ. - Mụ Liên lên tiếng.

Một lão béo phệ, cái ngấn cổ bành ra, cười híp mắt, lên tiếng:

- Hôm trước gấu rồi, hôm nay khỉ đi. Mà phải tươi. Mịa, lần trước, bây làm khỉ chết rồi à, ăn nghe thúi ing!

- Chết! Có lỗi với bác quá, để em bảo chúng nó lên làm tươi cho các bác. - Lão Thủ đỡ lời.

Lão Thủ sai bầy thợ chạy xuống hầm bắt ba con khỉ lên. Ba con khỉ đột màu đen còn sống, bị cột chân, chít ót đằng sau, thi thoảng lại kêu "khẹc, khẹc". Một thằng đồ tể cởi trần cầm con dao phay đứng bên cạnh tư thế sẵn sàng. Lão Thủ ra lệnh: "Chém đi mày!". Thằng đồ tể cởi trần tu một hớp rượu trắng súc súc trong miệng, hít hơi, rồi thổi "phù!" vào đầu một con khỉ. Con khỉ cay mắt, lắc lắc cái đầu. Thằng đồ tể quay sang, tay trái chít ót khỉ, tay phải cầm dao, một thằng khác giữ phần đuôi. "Phựt!". Đầu con khỉ bị mất một miếng ở phần trên để lòi mảng óc trắng tinh, những thớ dây thần kinh li ti, đỏ tươi vẫn còn rung bần bật. Con khỉ biết mình sắp chết, mắt nó chao đảo liên hồi, hai cánh tay chắp lại rồi lạy lạy mấy cái. Vừa lạy nó vừa kêu thảm thiết. Lão Thủ chạy lại vét toàn bộ phần óc trắng ra khỏi đầu con khỉ cho vào một cái bát nhỏ, rồi trịnh trọng đưa đến cho từng người. Lão phệ lấy thìa xắn một miếng, đưa lên mũi ngửi ngửi: "Vẫn còn thơm này". Lão ngữa cổ, bỏ vào miệng, nuốt cái ực. Lão vớ vội ly rượu mật đổ thẳng vào mồm "khà" một cái rồi xuýt xoa. Cứ thế, lần lượt ba con khỉ, trong phút chốc đã được hóa kiếp bởi các vị khách quý.

Lão Thủ nháy mắt vợ. Mụ Liên hiểu ý, rút ra trong túi tập phong bì dày cộm. Lão Thủ vừa nói vừa dúi sang chỗ lão phệ.

- Không có các bác nhà em sập tiệm lâu rồi. Sắp tới em làm một chuyến hàng, chủ yếu mấy đụt gỗ, với ít thú rừng. Gọi là có tí chút. Mong các bác hiểu cho tấm lòng em.

Lão phệ tay cầm cái phong bì nhấc nhấc rồi nhét vội vào túi áo.

Cả tuần sau đó, vợ chồng lão Thủ đích thân lên tận rừng ở biên giới để chuyển hàng về. Từ chiều mụ Liên cứ nơm nớp lo âu.

- Mịa nó! Chuyến này mà qua được thì sống phè phởn cả đời. Bao nhiêu vốn liếng tấp hết vô đây rồi. Ông đã lót cho bọn nó hết cả chưa?

 

- Xo 1427 ng xuôi cả rồi. Thằng mỏng nhất cũng năm củ. Bên huyện đã gọi sang là chuyển gỗ làm công trình. Tau đang cho người vào chỗ thằng đồn trưởng, quất cho nó năm chục củ. Rứa là bét nhè rồi, cấn cái chi nữa. - Lão Thủ chắc như đinh đóng cột.

Một giờ sáng. Hai chiếc xe reo chất đầy gỗ pơ mu ì ạch trượt xuống ngọn đồi Sến, sau khi đã lặn lội hai ngày đường rừng từ Lào trở về. Một chiếc khác bám đuôi, bên trong chứa toàn ba ba, khỉ, trăn, sao la, da hổ... Lão Thủ và mụ Liên ngồi trên chiếc xe Zép dẫn đoàn. Qua trạm kiểm lâm cuối cùng êm thấm. Lão Thủ cười đắc thắng: "Khà khà!". Bất chợt một ánh đèn pha sáng rọi thẳng vào đoàn xe. Một giọng nói cất lên:

- Tất cả xuống xe!

Lão Thủ vỗ vai vợ bình tĩnh, thong thả bước xuống. Thấy một thanh niên mặc quân phục bộ đội biên phòng, lão tiến lại gần:

- Có chi mô ông anh! Mấy khúc gỗ làm công trình thôi. Có giấy chứng nhận của huyện đây. Cứ xem đi.

Người lính biên phòng xem giấy nhưng vẫn
ra hiệu:

- Các đồng chí, tiến hành kiểm tra.

Kiểm tra xong, anh lính ra lệnh:

- Xe ông bà bị nghi vấn về một đường dây buôn lậu gỗ và thú rừng quý hiếm. Đề nghị đưa xe về đồn.

 

Lão Thủ mặt mày tái sầm lại, luống ca luống cuống. Hai tay lão bíu chặt lấy tay anh lính, rồi trở giọng mềm mại, ngọt lịm:

- Khoan đã anh. Làm chi vội rứa. Thôi! Đã đến nước này rồi, em xin chơi bài ngửa. Bọn anh giữ lại một xe. Em xin gửi thêm cho anh hai trăm triệu. Coi như các anh vừa được việc, bọn em cũng có hàng. Thế là đẹp quá rồi. Bằng các anh làm cả đời.

Anh lính biên phòng đáp trả:

- Bao nhiêu năm qua các ông ăn ở tàn ác,
bất nhân, bất nghĩa. Từng đó chưa đủ hay sao? Hả
ông Thủ?

- Sao anh biết?

Trong cái ánh sáng lờ mờ của bình minh miền sơn cước, rất yếu ớt, mỏng manh nhưng cũng đủ kịp để lão Thủ nhận ra khuôn mặt của người quen, rất quen là khác.

- Trời ơi! Mày... Lú! Mày chết rồi cơ mà?

Phút choáng váng vì gặp lại đứa con hoang của mình làm lão Thủ bước thụt về sau mấy bước, rồi đổ người xuống đất. Lão Thủ bò dậy, dụi dụi mắt, đấm thùi thụi vào ngực, không dám tin sự thật phũ phàng đang diễn ra trước mắt. Lão chạy một mạch như ma đuổi về phía chiếc xe Zép, nơi mụ vợ chết tiệt của lão đang ngồi. "Thằng Lú! Thằng Lú!". Mụ Liên quát chồng: "Cái chi? Ông bị điên rồi! Lú mô?". Sau giây phút bàng hoàng, mụ Liên trấn tĩnh trở lại. Vừa bước chân ra khỏi xe, mụ Liên đã tru tréo:

- Ơi Lú ơi là Lú ơi! Con đi đâu bao nhiêu năm qua, làm dì đi tìm mà không thấy. Lú ơi! Con thương cho hoàn cảnh mà tha cho dì chuyến này. Con ơi!
Hu hu!

Tha cho chúng mày ư? Có thể lắm chứ! Dù gì đi nữa mày cũng đang mang trong mình giọt máu của lão Thủ. Người cha tàn ác, bất nhân đã giết chết mẹ mày không thương tiếc. Lú đứng sững người lại, tay cầm khẩu súng hiên ngang, nét mặt không giấu nổi sự
uất hận.

Lú cảm thấy một làn gió lạnh ngắt từ trên cao thổi xuống làm buốt xương sống. Nhưng ánh mặt trời cũng vừa chiếu rọi những tia nắng ấm áp đầu tiên để vạn vật sinh sôi nảy nở theo đúng quy luật muôn đời của
tạo hóa.



1. Đi chơi.

1. Cắn.

1. Nhìn.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84244


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận