Tận cùng phía nam của Đại Hồng vương triều, là nơi nắng nóng vô cùng với toàn ao đầm và đồi núi. Lấy ranh giới là Thất Tiên Lĩnh, có ba mươi lăm bộ lạc lớn nhỏ sinh sống trong đó, gọi là Nam Cương.
Nhờ địa thế hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, Đại Hồng vương triều không hề có ý định đi thảo phạt một nơi lạc hậu lại hoang dã chướng khí mù mịt như thế, mà Nam Cương ít dân, lại sẽ càng không chủ động gây phiền phức cho Đại Hồng vương triều binh hùng tướng mạnh.
Mỗi năm, Nam Cương sẽ thượng cống cho Đại Hồng vương triều một ít thổ sản quý hiếm, Đại Hồng vương triều cũng sẽ ban thưởng lại lương thực tiền bạc. Trên cơ bản, vùng Nam Cương đó coi như là một thuộc địa của Đại Hồng vương triều, chỉ là bọn họ được tự trị mà thôi.
Giữa ba mươi lăm bộ tộc, dù không đến mức thân như một nhà, nhưng cũng không có thâm thù đại hận gì. Bình thường các tộc chỉ qua lại trong nội bộ tộc, nếu như xuất hiện cuộc phân tranh lớn thì sẽ đệ trình lên hội trưởng lão do ba mươi lăm tộc cùng nhau cấu thành tiến hành biểu quyết. Mấy trăm năm qua đều là như vậy, cũng coi như là tương đối thái bình.
Thái Hòa năm thứ năm.
Mưa ở Nam Cương ít hơn năm trước một nửa, tình trạng hạn hán có nguy cơ xuất hiện.
Bách tính các tộc vì sinh kế, không ngừng cho người xuống vùng trũng phía nam khoan giếng, khiến cho thành trì Đại Hồng ở phía bắc địa thế cao hơn bị giảm sút mức nước, gây bất tiện cho cuộc sống của bách tính, song phương dần nảy sinh bất mãn. Nhất là những vùng ráp gianh, việc tranh chấp nguồn nước không ngừng tăng cao.
Thái Hòa năm thứ bảy.
Sau khi trải qua ba năm hạn hán, Lạc Long Tộc vốn cường thịnh nhất Nam Cương, cuối cùng không chịu nổi đói khát kéo dài, tộc trưởng Lặc Mãn ngang nhiên luyện tám trăm kỵ binh trong tộc thành độc thi, mạnh mẽ đánh vào thành trấn quan trọng của Đại Hồng phía bắc Thất Tiên Lĩnh – Quảng Phong. Nơi đó không chỉ là kho lúa của phía nam Đại Hồng vương triều, mà có Tín Giang quanh năm nước sông đủ đầy.
Tâm Tư Mã Chiêu của Lặc Mãn, người qua đường cũng thấy.
Tuy rằng chỉ có tám trăm người, nhưng bởi vì thân đầy kịch động, cho nên tất cả tướng sĩ Đại Hồng nghênh địch đều không đánh mà chết. Đợi sau khi phá thành, Lạc Long Tộc không chỉ dùng thuốc nổ đem dòng chảy ra biển Đông của Tín Giang bẻ về phía Nam tạo thành đường thủy, tưới cho đồng ruộng khô cạn của Nam bộ, còn cướp bóc sạch sẽ tất cả lương thực châu báu trong Quảng Phong thành.
Tuy nói hắn làm như thế chỉ vì sinh kế của bách tính, nhưng tiếp theo lại tàn sát hàng loạt lương dân trong thành tạo nên thảm kịch khiến người khác giận sôi. Bách tính tay không tấc sắt bị giết hại gần như tất cả, độc quân tới đâu là nơi đó không còn một ngọn cỏ, tiếng kêu than dậy khắp trời đất.
Hiển nhiên, mục đích của Lạc Long Tộc không chỉ có công đánh nơi đây, mà còn muốn dựa vào độc vật để chiếm cứ hoàn toàn.
Cấp báo tám trăm dặm truyền tới kinh sư, Tuyên Đế giận dữ, ngự giá thân chinh.
Thái Hòa năm thứ tám.
Đại Hồng vương triều dốc toàn lực cùng dùng cường thế trấn áp, chiến tranh kết thúc.
Nam Cương chính thức bị Đại Hồng vương triều hợp nhất thành Nam Quận, đường thủy trước kia được sửa thành kênh đào, tùy theo đập nước thượng du điều tiết theo tình hình mưa ở Nam Cương, còn thủ lĩnh Cố Luân Tộc là Quả Nặc có công hiệp trợ bình loạn được phong làm Nam An Quận Vương đầu tiên.
Sau khi Quát Phùng thái tử hạ sinh, cả nước chúc mừng. Tuyên Đế về phương Bắc, để Cung Nhuận Vương Trần Cảnh Thân lại làm Trấn Nam Đại Tướng Quân, quản thúc Nam Cương.
Thái Hòa năm thứ mười.
Thế cục Nam Cương dần bình ổn, Trần Cảnh Thân xin từ chức, Tuyên Đế phê chuẩn. Lệnh cho Tam công tử của Vĩnh Yên hầu phủ từng có công giải trừ Lạc Long thi độc trong chiến dịch bình nam, Uất Trì Giang Lăng, tiếp nhận chức Trấn Nam Đại Tướng Quân, sau lễ trung thu thì khởi hành đi nhậm chức.
Còn Lặc Mãn điên rồ, bị ngàn người chỉ trích, vạn dân thóa mạ, năm xưa hai mươi tuổi khi lên kinh vào triều, là mỹ nam tử phong thần tuấn lãng, thơ văn võ công, danh chấn thiên hạ, nay đã hóa điên từ lâu.
Hắn phát điên sau năm chiến bại, cái năm mà thiết kỵ của Đại Hồng vương triều khiến Nam Cương phải thần phục.
Có người nói, hắn bị những oan hồn của tộc nhân bị luyện độc chết thảm dọa cho hóa điên;
Có người nói, hắn bị những bách tính chết oan lấy mạng bức điên;
Có người nói, hắn vì sợ hãi thần uy của Đại Hồng vương triều mà điên;
Cũng có người nói, kỳ thực hắn đã điên từ lâu.
Nếu không điên, một người sao có thể làm ra những chuyện điên cuồng không thể tưởng tượng nổi như thế?
Trong tùng lâm ở Nam Cương, có một cách sinh tồn mà mọi người đều biết, đó là thứ gì càng đẹp lại càng độc.
Sinh vật là như thế, con người cũng như thế.
Lặc Mãn dù điên, cũng chẳng có gì kỳ quái.
Nếu hắn đã điên, vậy giết hay không đâu khác gì nhau? Không bằng để cho hắn sống, sống để chịu mọi tội nghiệt trên thế gian. Đây là báo ứng của hắn, không ai thông cảm.
Khi cơn mưa đã lâu không xuất hiện một lần nữa gặp lại đất đai Nam Cương, những chuyện xưa đau xót này cũng dần tan đi theo gió. Chỉ trong đêm khuya tịch liêu, mới có thể không ngừng gào thét giữa tùng lâm mịt mờ…