Tuổi Thơ Dữ Dội Chương 9

Chương 9
Buổi trưa. Đội trưởng Thắng đang tắm giặt dưới sông Ô Lâu.

Anh cũng chỉ có độc một bộ áo quần.

Trước khi tắm, anh giặt bộ áo quần phơi lên cành cây. Tắm xong, trần như nhộng, anh trèo lên tảng đá khuất sau bụi lau sậy ngồi co ro chờ áo quần khô. Thân hình gày còm nhom của anh cũng lấm tấm ghẻ ruồi.

Mừng từ trên bờ dốc hộc tốc chạy xuống bến, nhìn quanh quất gọi to:

- Anh Thắng ơi. Anh Thắng?

- Cái chi đó, Mừng?

Nhìn thấy bộ áo quần phơi trên cành cây, Mừng biết là đội trưởng đang "cuổng trời" nên chỉ đứng bên này bụi lau sậy, báo cáo với sang:

- Anh lên ngay, có khách dưới Huế lên tìm anh.

- Khách dưới Huế à? Lạ quá hè? Em có bỉết là ai không?

- Dạ hai người, một mệ, một o. Mệ thì già, răng đen, còn o thì trẻ chỉ bằng chị Quýt bào chế, nước da trắng bóc, tóc kẹp, đi dép xăng-đan, mặc bộ áo quần đẹp lắm. Hai người xách hai cái bị chi to lắm!

- Chừ họ mô rồi?

- Họ đang trên đường đi đến chỗ đội mình. Một anh ở ngoài trạm gác dắt họ đi. Em chạy trước về báo cho anh biết, cả sợ lúc họ vô anh đang cởi áo bắt rận thì ôốc dôộc(1), lắm?

- Em chạy lên trước đi rồi anh lên ngay.

Mừng chạy về đến lán thì lính gác trạm tiền tiêu Xê-ca đeo khẩu súng mút-cơ-tông, dẫn hai người khách phụ nữ, bước vào san.

- Có anh Thắng ở nhà không em?

- Dạ có… Anh đang… - Mừng định nói tắm dưới sông - nghĩ thế nào em lại nói… ra công tác ngoài mấy trận địa bắn máy bay. Anh sắp về chừ…

- Có hai chị ni ở dưới Huế lên cần gặp đội trưởng của chú - Anh lính gác quay sang nói với hai phụ nữ đứng khép nép sau lưng. - Mời thím và o vô trong nhà đợi. Chút nữa anh ấy sẽ về.

- Thím ạ… Chị ạ… - Mừng lễ phép chào hại người rồi dẫn họ vào lán.

Hai người phụ nữ Huế đứng ngây người nhìn ngôi lán trống trơn với hai dãy sạp nứa bụi mọt rơi trắng xoá, những chiếc bao tải còn đen hơn cả giẻ lau nhà, đư c gấp cẩn thận, nằm một dãy sát phên mà họ không biết ở đây người ta dùng để làm gì. Rồi họ nhìn Mừng áo quần rách tả tơi, ghẻ lở đến tận cổ, nước da vàng ệch, hai ống chân như hai ống quyển, đứng xa họ cả chục bước vẫn ngửi thấy mùi tanh tanh… Họ chưa bao giờ được nhìn thấy một cảnh sống cực khổ đến như vậy!

- Thím với chị để tạm bị lên sạp cả nặng. - Mừng vẫn đứng cách xa họ, rụt rè nói.

Người đàn bà răng đen hỏi:

- Chớ em cũng là bộ đội Việt Minh à?

- Dạ… Chúng em là Vệ Quốc Đoàn… Mới đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam…

- Rứa em có biết em Thân Trọng Quỳnh, cũng nhỏ nhỏ cỡ bằng em?

- Có phải trước tê Quỳnh ở cái nhà lậu thiệt to dưới Vĩ Dạ không ạ?

- Phải, đúng rồi… Nhà cụ Tuần Vi.

Rứa thì bạn Quỳnh ở cùng đội với em. Bạn ấy bị sốt rét nặng nên cả tháng nay đang nằm trong bệnh viện.

Vừa lúc đó đội trưởng bước vào, áo quần anh mặc vẫn còn ướt nhưng đầu tóc được chải khá cẩn thận.

- Dạ thưa anh, hai chị em tui là người nhà của em Thân Trọng Quỳnh - Người đàn bà răng đen nói với anh Thắng. - Cụ Tuần Vi là cha em, sai chị em tui lên đây mang thư của cụ gửi cho cấp chỉ huy của bộ đội…

Chị mở kim băng túi áo lấy ra cái phong bì được gấp nhỏ, cầm đưa cho anh Thắng bằng hai tay, rất cung kính.

Có hai bức thư trong phong bì, một bức thư chữ đánh máy và bức thư viết tay. Anh Thắng đọc bức thư đánh máy trước.

"Huế, ngày… tháng… năm 1947.

Kính gửi Ngài Chỉ huy cao cấp Quân đội Việt Minh tỉnh Thừa Thiên.

Tôi là Thân Trọng Vy, nguyên Tuần phủ cũ. Nay tôi lại được chánh phủ Nam Triều triệu ra nhận chức Phó tổng trấn Trung kỳ. Nhưng việc hôm nay tôi muốn đệ trình lên ngài là việc riêng của gia đình tôi. Cháu Thân Trọng Quỳnh là con trai út và độc nhất của vợ chồng chúng tôi. Năm nay cháu vừa tròn mười ba tuổi. Vì sự bồng bột non dạ của tuổi thiếu niên, cháu Quỳnh đã trốn nhà theo bộ đội của các Ngài từ trước ngày Mặt trận Huế. Nay tôi tha thiết đệ trình lên Ngài, vì lòng nhân đạo, xin Ngài cho cháu Quỳnh được trở về với gia đình, để cháu được tiếp tục đi học và chữa bệnh. Kính mong Ngài chấp nhận cho tôi lời đệ trình khẩn thiết của vợ chồng chúng tôi. Hai phụ nữ mang thơ này là người nhà gia đình chúng tôi, nếu lời đệ trình được Ngài chấp nhận, xin Ngài cho cháu cùng về theo.

Gọi là chút lễ mọn tri ân, vợ chồng chúng tôi xin kính biếu Ngài và đồng sự một số thuốc Tây chữa bệnh, thuốc bổ và một số vật dụng cá nhân khác. Kính mong Ngài vui lòng chấp nhận.

Kính cáo Thân Trọng Vy ký tên"

Anh Thắng đọc tiếp bức thư viết tay:

"Quỳnh con ơi!

Từ ngày con bỏ nhà đi, ba mạ, các chị con ngày đêm thương khóc. Mạ gày mòn héo hắt vì thương nhớ con, không biết con còn sông hay chết. Không đêm mô mạ không nằm mê thấy con về ngồi ở đầu giường mạ. Bất ngờ cách đây ít lâu, do tình cờ mà mạ được biết con còn sông và đang ở "trên nớ"(2). Mạ lại được nghe nói con đau ốm bệnh chi nặng lắm, không đi lại được phải nằm một chỗ. Ba mạ nghe tin càng đứt ruột héo gan. Ba con đã viết thơ đệ trình lên Ngài chỉ huy cao cấp của Việt Minh Thừa Thiên xin cho con được trở về với gia đình. Ba con cũng đã đánh thơ cho chú ruột con hiện đang công cán bên nước Thuy Sĩ, nếu con về nhà thì ba sẽ gửi con sang bên đó để con chữa cho lành bệnh và học hành cho đến lúc thành tài.

Chú con cũng đã có thơ phúc đáp, rằng ngày đêm mong chờ con qua để chú cháu được gặp gỡ, đoàn tụ. Biết tánh con thích nhạc, thích đàn, nên chú con đã mua sẵn cho con một cái đàn pi-a-nô nhãn hiệu Ý với giá mấy chục lượng vàng, để sẵn ở đó, chờ con qua, con chơi. Mạ gởi kèm theo đây cho thím Ba và chị Hường mang lên cho con ít đồ ăn, áo, mền, thuốc, con ưng để dùng hoặc con biếu cá bạn của con thì tùy ý con.

Ba mạ, các chị con ngày đêm đỏ mắt mong con trở về.

Mạ của con ký tên"

Đọc xong hai bức thơ, đội trưởng ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói với hai người khách:

- Tôi là đội trưởng của em Quỳnh, nhưng việc này phải do cấp trên của chúng tôi giải quyết, đồng thời cũng phải hỏi ý kiến của em Quỳnh có muốn về với gia đình hay không. Vậy thím với chị cứ nghỉ tạm ở đây, để tôi đi gặp cấp trên báo cáo lại Anh quay sang nói với Mừng:

- Em ở nhà tiếp thím với chị đây. Anh vô Xê-ca Một có việc.

Chú thích:

(1) Xấu hổ.

(2) Trên ấy - Đồng bào vùng giặc tạm chiếm gọi lóng chiến khu.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t73565-tuoi-tho-du-doi-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận