Cố Thiên Lượng mơ hồ nhận ra từ đầu đến cuối đã lọt vào kế liên hoàn của Văn Viễn. Nhưng lão vẫn cho rằng bản lãnh Văn Viễn còn kém xa mình mấy bậc nên tính ra còn dễ dàng khống chế toàn cục được. Lão trấn tỉnh hỏi:
- Quả nhiên là vậy, ta đang tự hỏi vì sao ngươi không nhân cơ hội ta đi tìm Khô Mộc Hương mà dẫn con bé này chạy trốn?
Vương Y Nguyệt đoán chừng lúc này độc tính gần bộc phát trong người lão nên cũng bớt sợ hãi. Nàng liền đáp thay Văn Viễn:
- Thứ nhất là bọn ta có chạy cũng khó lòng trốn kịp, ngươi trở về phát hiện sẽ tức tốc đuổi theo! Thứ hai, võ công bọn ta không đấu lại ngươi! Cho nên muốn trốn thoát trước tiên phải làm sao cho ngươi không đuổi theo được!
Văn Viễn tiếp lời:
- Ta ban đầu thực sự chỉ muốn cầm chân ngươi tạm thời vài ba canh giờ để tiện bề chạy trốn! Tuy nhiên ta đã nghĩ lại vì còn có cách toàn vẹn hơn! Chỉ cần giết ngươi, bọn ta khỏi khổ sở trốn chạy sẽ ung dung đường hoàng mà đi!
Cố Thiên Lượng nghe vậy liền ngửa mặt cười vang:
- Giết ta? Dựa vào chút bản lãnh của các ngươi ư? Tưởng ta là trẻ lên ba hay sao?
Lão cười ha hả nhưng ngó thấy Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt vẫn thản nhiên không lộ sợ hãi. Trong mắt cả hai tự nhiên ánh lên nét giảo hoạt khác lạ. Cố Thiên Lượng ngấm ngầm khó hiểu:
- Bọn chúng dựa vào cái gì lại tự tin đến vậy?
Lão bất giác nghe thân thể bắt đầu xuất hiện cảm giác tê buốt. Ban đầu, cảm giác tê buốt chỉ lác đác không rõ ràng, lão vận công dò xét thì kinh hoàng nhận ra khí lực đều tản mác. Lão trợn mắt nhìn Văn Viễn:
- Khô Mộc Hương…có độc?
Văn Viễn cười hà hà:
- Khô Mộc Hương không hề có độc! Nhưng lấy thứ cỏ này hòa cùng độc Tam Bộ Xà thì thành ra chất dịch độc tính cao gấp bội phần! Cao thủ dùng độc như Độc Ông lẫn Lãng Ông còn không ngờ tới, lão làm sao mà nghi hoặc cho được!
Vương Y Nguyệt nhìn ánh mắt thất thần của Cố Thiên Lượng thì không nhịn được đắc ý. Nàng ta tiếp lời:
- Phàm người luyện thành Tử Hà Thần Công, bản thân tự nhiên phát sanh khí lực cản độc tính xâm nhập từ bên ngoài! Nhưng chất dịch của Khô Mộc Hương kết hợp với độc Tam Bộ Xà vốn không màu không mùi vị, nếu không gặp máu thì không phát tác độc tính, một khi đã thấm vào máu thì mọi chuyện đã muộn màng! Lão tự cho mình thông minh cũng chẳng ngờ lại tự mình đầu độc chính mình!
Vương Y Nguyệt cố tình khích tướng. Cố Thiên Lượng càng nghe càng giận, càng nghĩ càng nghiến răng trèo trẹo. Lão gầm lớn một tiếng tức thì bốn bề nhà hoang tự nhiên nổi lên gió lớn. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt chẳng hề sợ hãi còn cười khanh khách. Văn Viễn quay sang Vương Y Nguyệt giả vờ hỏi:
- Nàng có nhớ Lãng Ông trước khi chết nói gì hay không?
Vương Y Nguyệt nào có biết Độc Ông, Lãng Ông, Thiên Ông gì gì đó nhưng vẫn ra vẻ đăm chiêu hỏi lại:
- Thiếp không nhớ!
Văn Viễn khoan thai đáp:
- Lão nói, chỉ cần bình tĩnh ngồi xuống vận công trục độc sẽ bình yên vô sự, còn nếu tức thì vận lực động đến nguyên khí sẽ làm độc tính thêm phát tác nhanh, những kẻ vừa ngu ngốc vừa nhát gan thì chết không có gì phải hối tiếc!
Cố Thiên Lượng phát lộ chân khí cốt chỉ để khống chế độc tính. Lão tự cho công lực bản thân thừa sức khắc chế. Nào ngờ, lão nhận ra độc Tam Bộ Xà như con ngựa tuột cương chạy loạn khắp kinh mạch. Lão nghe Văn Viễn nói khích dầu giận đến cực độ nhưng vẫn bình tĩnh tự dùng nội lực phong bế các huyệt đạo để ngăn chặn độc. Tuy nhiên, độc Tam Bộ Xà gặp máu là lan nhanh, Cố Thiên Lượng mướt mồ hôi vẫn chẳng thể khiến độc tính ngừng phát tác. Lão kinh hãi ngồi sụp xuống đất chuyên tâm điều khí.
Văn Viễn chỉ muốn một chưởng đánh chết lão nhưng nghĩ lại, nội công lão ta còn thâm hậu chỉ e ép đến đường cùng sẽ tính chuyện sống cùng chết cùng. Văn Viễn đành hậm hực bỏ qua. Ông đường hoàng khoát tay Vương Y Nguyệt, đủng đỉnh nói:
- Chúng ta không nên làm phiền Cố chưởng môn!
Cả hai cùng cười khanh khách chậm rãi bước ra khỏi nhà hoang. Cố Thiên Lượng không còn tâm trí để giữ lại. Lão nghiến răng kềm giận:
- Lần sau còn để ta bắt gặp, ta không giết ngươi ta nhất định không mang họ Cố!
Văn Viễn làm bộ dạng chậm rãi nhưng vừa ra khỏi nhà hoang liền cõng Vương Y Nguyệt lên lưng chạy như bay:
- Tiểu thư, phía trước còn thị trấn nào hay không?
Vương Y Nguyệt ra bề đăm chiêu:
- Thiếp sao tự nhiên lại quên mất không nhớ được gì! Phải chăng do độc tính trong người còn chưa tiêu trừ hết?
Văn Viễn biết nàng đang bày trò làm nũng thì la thầm trong bụng:
- Giờ khắc này còn tâm trí đùa được ư?
Ông ỉ ôi năn nỉ một lúc Vương Y Nguyệt bèn chỉ hướng tây bắc. Văn Viễn không chần chừ vận hết cước lực chạy đi. Đến tờ mờ sáng, hai người đến một trấn tương đối sầm uất có tên Vận Hà.
Trấn Vận Hà là đoạn cuối của sông Giao Thủy, phàm thuyền buôn đến đây đều lên bờ chuyển sang đi đường bộ. Trấn nằm giữa hai lối giao thương này nên luôn tấp nập kẻ buôn người bán, tiếng rao tiếng thúc giục từ sớm mơ đến tối mịt vẫn còn nhộn nhịp. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt dọc đường đi đã bàn tính trước mọi việc. Vì vậy, cả hai bèn lựa lấy khách điếm lớn nhất Vận Hà mà trú ngụ. Lúc ở tầng dưới ăn uống, Văn Viễn giả vờ lỡ miệng lớn tiếng để lọt vào tai bọn giang hồ đang ngồi ở gần đó nghe thấy. Ông đủng đỉnh ăn uống xong liền cùng Vương Y Nguyệt theo tên phục dịch dẫn lên phòng trọ. Quả nhiên chừng nửa khắc sau, phòng bên, nóc nhà, ngoài cửa đều lấp ló nhiều bóng người nghe ngóng.
Văn Viễn cười thầm trong bụng rồi lên tiếng hỏi:
- Mấy hôm nay ta thấy nhiều khách giang hồ kéo về núi Hoa Sơn, không biết sắp có chuyện náo nhiệt gì?
Vương Y Nguyệt đưa giọng đáp:
- Thiếp có nghe phong phanh hình như là cái gì đó liên quan đến bí mật Tử…Tử…Thiếp không nhớ rõ là gì!
Văn Viễn liền la lớn:
- Bí mật Tử Hà Thần Công ư? Phải rồi! Phải rồi! Ta hôm trước cũng nghe phong phanh nhưng cho rằng là chuyện bịa! Thảo nào người U Minh Cung cũng lục đục kéo đến đây! Các lộ giang hồ cũng đến tề tựu!
Vương Y Nguyệt làm ra nét mặt ngơ ngác hỏi:
- Bí mật đó có gì ghê ghớm đến thế?
Văn Viễn đáp:
- Ta nghe nói bí mật đó dẫn đến chổ chôn cất kho tàng thời Chiến Quốc, lại còn thêm kỳ thư bảo điển, bí kíp võ công thiên hạ vô địch! Mau mau, chúng ta mau đến đó xem biết đâu được dịp chia chác chút đỉnh!
Vương Y Nguyệt lại làm ra nét mặt hớn hở. Cứ vậy, một người tung, một kẻ hứng ba hoa thêu dệt đủ chuyện huyền hoặc. Bọn giang hồ lấp ló bên ngoài càng nghe càng khó kềm nổi tay chân. Bọn chúng rốt cuộc nghe rõ địa điểm đỉnh Lạc Nhạn liền ra hiệu âm thầm rút đi. Như vậy trong vòng buổi sáng, chuyện đỉnh Lạc Nhạn chôn giấu kho tàng thời chiến quốc cộng thêm nhiều bí kíp võ học tuyệt đỉnh đã lan nhanh còn hơn tên bắn khắp nơi. Bọn giang hồ nghe ngóng tự biết bản thân khó lòng tranh đoạt làm của riêng được nhưng chẳng thể bỏ qua món hời béo bở đến vậy. Cho nên tên nào cũng gấp rút triệu anh em đồng môn đến để tăng khí thế. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn thành ngàn vạn vạn lần, Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt bỏ bữa nằm nghỉ ngơi đến chiều tối thì tin trên đã truyền đi gần như khắp hang cùng ngõ hẹp trong giang hồ.
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt lường trước chuyện có người đến lần manh mối nên vội vàng bỏ quán trọ này dọn đến quán trọ khác nhỏ bé hơn. Cả hai thấy mưu tính đều thuận lợi nên vui mừng khôn xiết ăn uống thỏa thích. Mấy ngày liền xảy ra nhiều biến cố đôi lúc lâm cảnh sống chết hung hiểm, nay được dịp thỏa thuê nên Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đều không kiêng dè gì. Vương Y Nguyệt gom hết bao nhiêu ấm ức bày đủ trò hành hạ Văn Viễn. Lòng dạ người đẹp khó bề dò nỗi lúc nào bình lặng lúc nào nổi bão. Văn Viễn tự biết nàng ta chịu thiệt thòi nhiều nên không dám trả treo điều gì. Vương Y Nguyệt dầu có đòi hỏi khó khăn đến đâu thì Văn Viễn đều cố gắng thỏa mãn. Một bên hết mực nũng nịu, một bên hết sức cưng chiều. Bọn phục dịch đi ngang qua nghe thấy, kẻ nào cũng đoán cả hai là cặp vợ chồng son đương lúc mặn nồng luyến ái.
Chừng đến gần nửa đêm, bao nhiêu trò nũng nịu cũng đã nhạt mấy phần, Vương Y Nguyệt bèn ngồi nghe Văn Viễn suy tính đường đi nước bước. Văn Viễn nói:
- Ác Ma Song Tẩu có lẽ đã về đến Bạch gia trang lâu rồi, cộng thêm tin đỉnh Lạc Nhạn chôn giấu kho tàng được truyền đi khắp nơi, cha và hai mẹ của ta nhất định sẽ tìm đến! Chúng ta có thể yên tâm đi xem náo nhiệt! Ta muốn xem phen này, U Minh Cung làm sao nuốt trôi được bí ẩn Tử Hà Thần Công một mình đây!
Vương Y Nguyệt lên tiếng:
- Thiếp và chàng không thể giữ y bộ dạng này đi được, dọc đường nhất định có kẻ nhìn ra sẽ lại gây nhiều rắc rối! Chi bằng để sáng mai thiếp mua ít phục trang, chúng ta cải dạng tầm thường đi lại tự nhiên thuận lợi hơn nhiều!
Từ sau khi thoát khỏi tay Cố Thiên Lượng, Vương Y Nguyệt xưng hô hết sức ngọt ngào. Giọng của nàng vốn đã có sức mê hoặc kỳ lạ lại còn nhỏ nhẹ nũng nịu, Văn Viễn bao giờ cũng chỉ nghe được hai phần câu nói thì lòng dạ cứ lâng lâng chẳng còn biết đến gì nữa. Vương Y Nguyệt phải lặp lại mấy lần, ông mới chú tâm nghe hết. Cả hai tuy trọ cùng phòng nhưng Văn Viễn hết mực giữ lễ chẳng hề dám có tà tâm. Vương Y Nguyệt cố ép ông uống thêm rượu. Nàng ta muốn thử Văn Viễn thực bụng có trí trá hay không. Chỉ mấy ngày mà nàng hết lần này đến lần khác tận mắt thấy ông dùng nhiều thủ đoạn nên cũng ngấm ngầm đề phòng. Thực sự Văn Viễn có tà tâm thì mười Vương Y Nguyệt cản sao cho nổi. Tuy nhiên, Văn Viễn tỉnh táo hay thấm men đều ăn nói đường hoàng, đến nửa ý bóng gió ghẹo hoa trêu nghuyệt cũng không có. Vương Y Nguyệt vì thế lại thêm kính trọng Văn Viễn.
Sáng hôm sau, Vương Y Nguyệt cùng Văn Viễn dùng xong điểm tâm sáng thì ung dung ngồi trên lầu cao thư thái uống trà. Cả hai ngó xuống thấy từng tốp người ngựa vội vã nhằm hướng tây đi như trẩy hội. Kẻ mang đao có, kẻ mang kiếm có, người khoác bộ dạng quân tử, kẻ mặt mày hung hiểm gian ác cũng lẫn lộn mà đi xem chiều rất vội vã. Chỉ trong nửa canh giờ, Văn Viễn nhẩm đếm cũng hơn hai trăm người. Chỉ nhìn y phục muôn màu muôn sắc thì biết cả bọn đều xuất thân từ nhiều môn phái khác nhau. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt phao tin đã khiến phần đông giang hồ đều tề tựu về Hoa Sơn. Kẻ nào đi cũng hiện sự háo hức trên mặt. Văn Viễn tự biết cô thế không sao đấu lại thế lực của U Minh Cung, dầu có may mắn đoạt được bí ẩn Tử Hà Thần Công cũng chẳng thể giữ nổi. Vì vậy ông mượn các thế lực khác trong giang hồ để cùng giúp một tay. Bọn giang hồ tuy rất ngán ngai U Minh Cung nhưng trước miếng mồi lớn chẳng ai kềm nổi lòng tham. Vầy mới biết, kẻ nào cũng chứa cái tham khôn cùng tận trong bản ngã. Khả dĩ đúng dịp, cái tham nọ sẽ bộc phát dữ dội, chỉ e độc tính Tam Bộ Xà cũng không thể lan nhanh hơn được.
Văn Viễn thấy kế hoạch dẫn dụ thành công nên càng thích chí. Ông nâng chén trà uống đầy sảng khoái. Trấn Vận Hà có nhiều thương buôn chọn làm điểm dừng chân nên các món đặc sản không thiếu, nhất là trà. Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt vừa vào quán đã phóng tay hào sảng khiến từ chủ quán đến bọn phục dịch đều cung cúc phục vụ tận tụy, đến nước trà tráng miệng cũng là loại hảo hạng. Văn Viễn uống cạn chén trà còn nghe dư vị mát dịu nơi cuống họng, hiển nhiên là trà ngon. Vương Y Nguyệt uống xong thì tấm tắc khen lấy khen để. Văn Viễn chỉ gật gù cười mỉm không nói gì. Vương Y Nguyệt đoán chừng Văn Viễn có ý chê bai. Nàng chưa kịp hỏi đã nghe bàn kế bên có giọng ôn nhu nói:
- Thật đáng tiếc!
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt bất giác nhìn sang. Chỉ thấy một đạo nhân râu tóc đều bạc trắng ngồi ở bàn bên cạnh. Đạo nhân đang thong dong nhâm nhi từng ngụm trà. Cứ nuốt một ngụm trà xuống khỏi cuống họng, lão đạo lại lim dim mắt chừng như chờ vị trà ngấm đều khắp thân thể rồi lắc đầu buột miệng:
- Thật đáng tiếc!
Vương Y Nguyệt không khỏi thắc mắc:
- Lão đạo này đáng tiếc điều gì?
Văn Viễn liền cười mỉm đáp:
- Đạo sĩ đáng tiếc vì ngọc quý để trong gác bếp, thịt phụng hoàng bị phơi làm đồ khô! Đúng thật là điều đáng tiếc!
Ngọc quý hiển nhiên phải đặt trên mâm vàng, hổ phách để tôn thêm ánh sáng. Chim Phượng Hoàng là thứ trân quý, nếu bắt được thì chẳng ai lại dại dột đem xẻ thịt để làm đồ khô. Vương Y Nguyệt liền hiểu hàm ý chê bai. Nàng tự hiểu lão đạo kia cùng Văn Viễn có ý khinh mạn loại trà đang uống. Vương Y Nguyệt về trà thì không được rành rẽ. Nàng không dám lạm bàn thêm. Nhưng đạo nhân kia lại cười khà khà hướng về Văn Viễn mà vái một cái, nói:
- Không biết bàn bên có tri âm! Thật là thất lễ!
Văn Viễn lúc đối đáp với Vương Y Nguyệt vì sợ bị người khác hiểu lầm đang khoe mẽ nên hạ giọng nói rất nhỏ, chẳng ngờ lão đạo ngồi cách một dãy bàn giữa bốn bề khách khứa rôm rã vẫn nghe rõ mồn một.
Văn Viễn vội vàng đứng dậy vái tạ lễ:
- Vãn bối nào dám! Thật hổ thẹn!
Lão đạo vuốt râu từ tốn hỏi:
- Không biết có thể chỉ điểm cái gọi là ngọc chưng xó bếp, thịt Phụng Hoàng bị phơi khô cho lão hữu được mở rộng tầm mắt chăng?
Văn Viễn biết đạo nhân có ý muốn kiểm chứng cặn kẽ. Văn Viễn đã buông lời nhưng không nói được rõ ràng là phường hênh hoang khoác lác, còn nếu nói sai tất nhiên khó tránh khỏi cười chê. Văn Viễn suy ngẫm cẩn thận bèn đáp:
- Tiền bối uống trà luôn miệng nói đáng tiếc, nhất định chê trà không được ngon miệng!
Lão đạo gật gù:
- Phải lắm! Phải lắm!
Văn Viễn tiếp lời:
- Trà này xuất xứ từ thôn Liễu Hạnh bên mé trái sông Chư Gia, có tên là Thập Hoa Phần!
Vương Y Nguyệt liền buột miệng ngơ ngác:
- Thập Hoa Phần?
Văn Viễn tự thị rượu và trà trong thiên hạ đều biết được sáu phần trong bụng. Ông lúc ở trấn Ngô Phong luận rượu với Thần Tửu tuy thích thú cực độ nhưng thủy chung từ lòng ái mộ tửu lượng như rồng của Thần Tửu mà ra. Văn Viễn thường ngày mê thích nhất vẫn là trà. Hễ động đến trà, Văn Viễn có thể luận bàn miên man bất tận. Vương Y Nguyệt điểm trúng, Văn Viễn liền diễn giải:
- Trà Thập Hoa Phần vốn được trồng ở vùng đất có tên là Cô Dã ở thôn Liễu Hạnh! Phải biết thôn Liễu Hạnh là nơi chuyên trồng đủ loại hoa vừa đẹp vừa có mùi thơm kỳ lạ! Cô Dã chính là vùng đất nằm giữa bốn bề trồng hoa này! Hương của trà quyện cùng hoa thành đặc trưng không có loại trà nào có được! Vì vậy trà trồng ở đất Cô Dã thôn Liễu Hạnh mới có tên Thập Hoa Phần! Uống trà nhưng thoảng như nghe được mùi mười loại hoa thơm nhất hạng!
Vương Y Nguyệt hiểu ra. Thảo nào vừa rồi nàng uống trà còn ngửi được mùi hoa lại ngơ ngác cứ nghĩ chủ quán cho ướp thêm vào.
Văn Viễn lại nói tiếp:
- Tuy nhiên, trà Thập Hoa Phần này rất khó pha chế, chỉ cần bất cẩn thì mùi vị hoa kia sẽ bị phung phí đi mất! Chủ quán có trà thượng hạng lại không có kẻ pha trà thượng hạng làm hỏng tinh hoa! Đó chính là ngọc quý chưng xó bếp, thịt chim Phụng Hoàng đem xẻ phơi khô! Đáng tiếc lắm thay!
Lão đạo cười khề khà vái lễ:
- Quả thật là người biết trà! Tri âm! Đúng là tri âm!
Văn Viễn lắc đầu nói:
- Đáng tiếc lắm! Rõ ràng là chủ quán chỉ biết pha chế sơ sài! Vãn bối đoán chừng y đã làm theo cách thông thường, bỏ trà vào ấm rồi đổ nước sôi vào ngâm! Đến nước lượt đầu tiên y cũng chả thèm đổ bỏ! Uống trà còn nghe ra vị ẩm mốc do cất giữ lâu ngày! Chẳng khác áo lụa nhất hạng cho mỹ nhân vị khuyết một góc, long đỉnh chí tôn uy nghiêm lại thiếu mất con rồng!
Lão đạo tức thì tiếc lời:
- Đáng tiếc lắm! Pha chế sơ sài khiến vị trà hư uổng! Uống vào như kẻ đang nhập thiền định đến độ vô thức vỗ ngã bỗng nhiên giật mình thức dậy ngỡ ngàng đầy nuối tiếc! Thành giấc Nam Kha tỉnh mộng hoàn trắng tay!
Văn Viễn gật gù nói thêm:
- Chẳng khác gì Trang Châu đang mê mải kiếp bướm khoác gió uống sương ung dung tự tại phải bất giác thức tỉnh ngơ ngác trong phận người! Đáng tiếc, đáng tiếc lắm thay!
Hai bên đối qua đáp lại đã đem mấy mươi điển tích người xưa so sánh như tri âm lâu ngày hội ngộ thỏa hứng tương phùng.
Vương Y Nguyệt ngẫm lại, vừa rồi nàng uống xong tuy ngửi được mùi hương hoa nhưng chỉ trong chốc lát thì tan biến mất. Nàng đoán chừng hai ông thánh mê trà đang đáng tiếc điều này. Nam nhân thiên hạ mê rượu thì Vương Y Nguyệt đã nhìn nhiều, nàng cũng thấy qua không ít kẻ mê trà. Nhưng mê đến nỗi bàn luận thành thú giao hoạt như Văn Viễn và lão đạo này thì lần đầu tiên Vương Y Nguyệt mới tường tận.
Lúc này đạo sĩ đã chuyển sang ngồi cùng bàn với Văn Viễn và Vương Y Nguyệt. Lão đạo từ tốn nói:
- Có lẽ chỉ mỗi mình Trà Tiên là kẻ diễm phúc uống được đầy đủ tinh hoa của trà Thập Hoa Phần! Bọn người sau như lão cùng thí chủ là có duyên nhưng vô phước, chỉ biết tự thán mà thôi!
Văn Viễn gật đầu đồng ý:
- Quả thật như vậy! Lời đạo trưởng nói chẳng hề sai! Trà Tiên thật là kẻ có phúc!
Vương Y Nguyệt đã nghe quá Cầm Tiên, Thi Thánh, Tửu Tiên, Thần Họa…riêng Trà Tiên mới lần đầu tiên được biết đến. Nàng liền hỏi:
- Có kẻ sành trà đến độ được tôn lên thần tiên ư?
Văn Viễn đáp:
- Trà Tiên có tên Lê Khắc Đáng! Người này từ nhỏ đã mê trà! Sinh thời gia cảnh của y giàu có nhất hạng! Cũng vì tính mê trà, y đã bán sạch hết tài sản để khăn gói ngược bắc xuôi nam, qua đông lên tây để tìm hiểu các loại trà trong thiên hạ! Cảm khái một câu, trà thiên hạ có chín phần thì Lê Khắc Đáng đã nếm quá mười phần!
Lão đạo sĩ cũng tiếp lời:
- Lê Khắc Đáng không chỉ biết uống trà ngon, y còn rành phương thức pha chế để tăng thêm hương vị cho trà, đôi lúc y còn sáng tạo ra phương thức pha chế mới! Trà dầu tầm thường xoàng xỉnh đến đâu vào tay y tự nhiên lại ra mùi vị thơm ngon khác lạ, huống hồ chi những loại cực phẩm thượng hạng! Vì vậy y mới được thiên hạ tán tụng gán cho hai chữ Trà Tiên! Chỉ tiếc không sanh cùng thời, bằng không dầu đánh đuổi một đời tu hành khổ hạnh để được chung bàn chung ấm với Trà Tiên, bần đạo cũng cam lòng!
Lão đạo nói xong cảm khái vuốt râu thở dài đầy tiếc nuối:
- Không rõ cuối đời, Trà Tiên Lê Khắc Đáng đã về đâu, cũng không rõ mộ chí phương nào! Dẫu có cách trở ngàn dặm bần đạo nhất định cũng lặn lội đến nơi vái lạy cho thỏa!
Văn Viễn cười mỉm đáp:
- Trà Tiên cuối đời đã hưởng được cái phúc lớn nhất mà y hằng mơ ước!
Văn Viễn nói lấp lửng. Lão đạo nghe không khỏi bồn chồn ngứa ngáy. Lão liền giục:
- Rốt cuộc chuyện như thế nào, xin thí chủ khai mở!
Văn Viễn đáp:
- Vãn bối không dám khai mở! Chỉ là vãn bối may mắn biết được mà thôi! Xin kể hầu tiền bối!
Lão đạo mở to hai mắt chăm chăm hồi hộp nhìn Văn Viễn chờ đợi. Vương Y Nguyệt thấy lão đạo chí ít cũng đã gần bảy mươi, nhẩm ra đường tu đạo không phải là ít, chẳng ngờ vẫn chưa thoát nổi sân si mê thích trà đến vậy. Nàng cười mỉm trong bụng rồi nghe Văn Viễn nói tiếp:
- Trà tiên Lê Khắc Đáng nguyên quán ở thành Đại La của nước Đại Cồ Việt, nằm phía nam Đại Tống! Y sau thời gian bôn ba tứ xứ uống hết trà ngon trong thiên hạ xem như thỏa chí! Đến cuối đời bèn theo lá rụng hướng cội, y quay về lại cố hương! Trên đường từ Đại Tống về nam phải qua ải Ứng Kê của Đại Cồ Việt, vừa phải dịp Bắc Bình Hầu bình cái loạn ở châu Quan Tế của Đại Cồ Việt xong đang khao tiệc cho dân quân trong quan ải! Lê Khắc Đáng thuận dịp nên được mời dự! Bắc Bình Hầu cũng là kẻ thích trà nên biết danh Lê Khắc Đáng! Hầu gia trịnh trọng mời y ăn chung mâm ngồi chung bàn, nhất mực trọng thị vô cùng!
Lão đạo sĩ tấm tắc:
- Cư xử phải lắm! Gặp bần đạo làm hầu gia còn phải gia phong tặng thưởng cho y thêm nhiều mới xứng đáng!
Văn Viễn kể tiếp:
- Gần tàn tiệc, Bắc Bình Hầu tự tay pha một ấm trà ngon mời Trà Tiên Lê Khắc Đáng! Lê Khắc Đáng đã uống hết thảy các loại trà thượng hạng trong thiên hạ nên có chút khinh khi! Hắn đoán chừng chốn quan ải làm gì có thứ trà cực phẩm! Nhưng vì hầu gia tự tay pha chế còn bưng dâng kính cẩn, Lê Khắc Đáng lấy lễ chìu lòng gia chủ nên uống cho phải phép! Chẳng ngờ…!
Văn Viễn dừng lại uống một ngụm trà để dịu giọng. Lão đạo sốt ruột lại giục:
- Chẳng ngờ thế nào? Thứ trà đó lẽ nào là cực phẩm trong cực phẩm của trà? Bần đạo không tin chốn biên ải lại có được món trân quý đến thế!
Văn Viễn tấm tắc đáp:
- Đến Trà Tiên còn phải khen ngợi không ngớt, vãn bối thiết nghĩ quả thật là cực phẩm!
Lão đạo giật nảy người hỏi dồn:
- Y khen thế nào? Y ngày trước chẳng phải từng khen, trà ngon khắp thiên hạ cộng lại cũng chỉ được một chung Thập Hoa Phần là gì! Thứ trà ở quan ải kia có gì mà khiến y phải khen như vậy?
Văn Viễn hồi tưởng như để nhớ lại chính xác từng lời từng tiếng rồi đáp:
- Bắc Bình Hầu kia mời trà! Trà Tiên Lê Khắc Đáng nhận lấy! Hắn vừa ngửi đã tròn mắt ngơ ngác, uống vào một ngụm như bị sét đánh trúng, toàn thân đứng ngây dại! Phải hơn một khắc sau, y mới có thể lên tiếng, cứ nghĩ chỉ có Thập Hoa Phần mới xứng danh nhất hạng ra đã sót mất loại trà này!
Trà Tiên Lê Khắc Đáng thường ngày là kẻ cao ngạo có tiếng. Y mở miệng khen rõ ràng không phải là chuyện tầm thường. Lão đạo sĩ này mê trà tự nhiên tôn sùng Lê Khắc Đáng vô kể. Vì lẻ ấy, trong mắt lão đạo, trà thiên hạ không đâu sánh lại được loại trồng ở Cô Dã có tên Thập Hoa Phần. Chính Trà Tiên đã khen ngợi thì đâu cần phải ngờ vực. Lão đạo có việc riêng nên ngang trấn Vận Hà, toan tính ở một ngày rồi lại lên đường, chẳng ngờ quán trọ lại chiêu đãi thượng khách bằng trà Thập Hoa Phần, tuy pha chế sơ sài nhưng ngọc quý dẫu mài thô vẫn phát ra ánh sáng hiếm có, vì lẽ đó lão đạo cứ dần dà nán lại. Tính ra cả sáng hôm nay, lão đạo đã ở lại trấn Vận Hà tròn một tuần. Lão đạo sáng tráng miệng Thập Hoa Phần, trưa lót dạ cũng Thập Hoa Phần, chiều cũng dùng Thập Hoa Phần. Lão đạo ở trấn Vận Hà một tuần đã tốn không ít ngân lượng hóa duyên được. Hai đệ tử đi theo buộc phải cấp tốc đến các đạo quán lân cận để tìm viện trợ, rốt cuộc lại tạo điều kiện cho lão đạo nấn ná thêm mấy ngày nữa.
Lão đạo dự tính sáng nay dùng xong buổi trà sẽ dằn lòng dứt áo lên đường ngay, không ngờ vô tình gặp được Văn Viễn cũng là kẻ chung sở thích. Đôi bên bèo nước gặp gỡ nhưng lại mau chóng khắn khít như tri âm, Văn Viễn lại kể chuyện ấm ớ mấy phần lấp liếm khiến bao nhiêu định lực dứt áo bỏ đi của lão đạo tiêu tan hết. Lão đạo không nhịn nổi liền chắp tay van nài:
- Xin thí chủ mau mau kể rõ! Loại trà mà vị hầu gia kia mời Trà Tiên thật hư như thế nào!
Văn Viễn cốt muốn thử xem lão đạo mê mẩn trà đến độ nào. Ông thấy lão đạo xuống nước van nài liền hiểu người này nhất định đặt trà lên hàng đầu bất chấp mọi thứ không khỏi cười mỉm trong lòng:
- Vị đạo nhân này tu đạo chắc không dưới năm sáu chục năm nhưng vẫn không thắng được lòng si trà! Là định lực chân tu kém hay thật sự trà có sức hút đến thế? Nhất định là do tâm tư lúc nào cũng nghĩ về trà, cũng đặt lên trà mới thành ra như vậy!
Văn Viễn không nỡ làm khó liền nói:
- Thứ trà Bắc Bình Hầu mời là một loại trà núi của tộc người Dao ở châu Quan Tế của Đại Cồ Việt!
Lão đạo chưa hề nghe qua tên gọi lẫn địa danh như vậy. Vương Y Nguyệt học sâu hiểu rộng cũng chưa từng biết đến. Hai người liền chống tay chăm chăm nghe Văn Viễn giải thích:
- Châu Quan Tế là vùng núi đồi trùng điệp nằm ở hướng Tây Bắc của Đại Cồ Việt, vào năm Thái Bình thứ ba dưới triều vua Đinh xảy ra nạn phiến loạn! Các tù trưởng tộc trưởng liên kết với nhau nổi dậy đòi li khai khỏi triều đình! Bắc Bình Hầu nhận lệnh liền cử binh tiến đánh! Hầu gia là người uy dũng lại mưu trí nên dễ dàng dẹp tan nội loạn! Bắc Bình Hầu muốn dùng nhân nghĩa để trị nên tha chết hầu hết các tù trưởng tộc trưởng! Các tù trưởng tộc trưởng hàm ơn bèn dâng tặng cho ông ta một loại trà độc đáo có một không hai trên đời này!
Lão đạo nghe Văn Viễn nói đến đây tự nhiên phải nuốt nước bọt, hai mắt mơ màng hỏi:
- Rốt cuộc là độc đáo thế nào?
Văn Viễn thấy thái độ của lão đạo thì không nhịn nổi phải cười hề hà mới kể tiếp:
- Trà này hai năm mới thu hoạch một lần, mỗi lần thu hoạch vỏn vẹn chỉ được mười hai cân! Cây trà mọc nơi đồi núi trùng điệp uống gió ăn sương vị thanh mát vô kể, nước trà trong như nước từ khe suối chảy ra rỉ rả. Buổi sáng uống một chén trà đến tối lên giường ngủ vẫn còn nghe dư vị trong miệng! Uống một hớp trà cảm tưởng đang uống cả tinh túy của đất trời vào cuống họng, vừa tao nhã vừa oai hùng, kẻ trí thoát được chân trí, kẻ dũng thoát được chân dũng!
Văn Viễn cao hứng đem hết từ ngữ xếp thành câu tán tụng không ngớt. Lão đạo càng nghe càng không sao chịu nổi bèn đập bàn một cái:
- Thứ trà đó…thứ trà đó đúng là độc đáo nhất hạng! Tên Bắc Bình Hầu kia diễm phúc quá đỗi! Diễm phúc quá đỗi!
Văn Viễn lại thêm:
- Dưới trướng của Bắc Bình Hầu khi đó có một kẻ tên là Đinh Phúc! Kẻ này có thuật pha trà cũng độc nhất vô nhị trong thiên hạ! Y thường cho trà vào ấm đầy nước, đem ấm đó đặt vào một nồi đất rồi đun lửa! Đun đến khi nào nước trong nồi sôi hấp nhiệt làm nước trong ấm sôi theo mới thôi! Cách pha trà độc đáo này thì dầu là trà tầm thường cũng tự nhiên có hương vị khác lạ! Bắc Bình Hầu kia vừa có trà hảo hạng lại thêm có kẻ pha trà hảo hạng, đúng là rất diễm phúc!
Lão đạo càng tiếc nuối cứ tặc lưỡi ca thán liên hồi:
- Có được trà ngon là một diễm phúc, có được kẻ pha trà thượng thặng lại thêm một diễm phúc, hai diễm phúc đó lại lọt vào tay kẻ biết trà đúng là diễm phúc khôn cùng tận! Tên Bắc Bình Hầu kia kiếp đó đã tu được đạo hạnh gì mà ngộ quả lại cao đến vậy? Bần đạo sáu mươi năm chuyên tu chỉ cầu mong được một phần mười phúc phần của hắn nào có được đâu! Ông trời thật bất công! Sáu mươi năm tu hành của ta cũng không bì được một võ phu ư?
Lão đạo tự thán dáng điệu khổ sở vô cùng. Vương Y Nguyệt khẽ liếc Văn Viễn rồi che miệng cười mỉm. Thường người tu đạo trước muốn giải thoát bản thân sau mới phổ độ chúng sanh cùng được giải thoát, chẳng có ai như lão đạo này bỏ mấy mươi năm tu hành chỉ mong được thỏa lòng say mê trà.
Lão đạo ca thán chán chê lại hỏi:
- Rốt cuộc Trà Tiên Lê Khắc Đáng có kết cục như thế nào?
Văn Viễn liền đáp:
- Lê Khắc Đáng sau lần được uống trà núi đó liền đâm ra mê mẩn! Hắn lên hẳn châu Quan Tế để ẩn mình học cách chăm trà của tộc người Dao! Trước lúc hắn chết, hắn gởi tấu xin Bắc Bình Hầu cho phép được an táng bên cạnh loại trà này! Vãn bối nghe đồn, Trà Tiên Lê Khắc Đáng kết cuộc được chôn dưới một gốc trà núi đại thụ! Kẻ mê trà nhất hạng được an táng bên cạnh giống trà độc đáo nhất hạng, thiết nghĩ cả đời Lê Khắc Đáng có lẽ chỉ ao ước được như vậy!
Lão đạo vỗ bàn thêm một cái:
- Phải lắm! Phải lắm! Đó là diễm phúc còn hơn được nhập niết bàn!
Lão đạo bèn vặn hỏi chi tiết địa điểm đường đi nước bước rõ ràng cặn kẽ. Văn Viễn đoán chừng đạo nhân muốn đến đó một phen nên chỉ dẫn hết sức chi tiết. Ông ở Ứng Kê gần năm năm nên khá thông thuộc địa lý, kể ra vanh vách không chút vấp váp. Lão đạo vừa nghe vừa lẩm bẩm đến thuộc mới thôi. Lúc này, Vương Y Nguyệt mới khẽ kéo áo Văn Viễn ra hiệu. Văn Viễn chú tâm nhìn theo thì giật nảy người kinh hãi. Vốn mặt bàn bên trái lão đạo đã bị đục thủng hai dấu vừa vặn một bàn tay. Văn Viễn nhớ lại, từ lúc lão đạo sang ngồi cùng nghe chuyện đã cảm thán thuận tay vỗ lên bàn hai cái, chính là hai dấu tay này. Mặt bàn vốn chỉ là loại gỗ thường lại có vân ngang, ví như mạnh tay một cái nhất định sẽ dễ dàng đánh gãy đôi. Lão đạo này vỗ liền hai cái thì đục xuyên qua mặt bàn , tính về nhu lực vừa vặn không nặng không nhẹ vô tình biểu lộ thân nội công hùng hậu. Văn Viễn nhìn lão đạo ăn vận đạo bào cũ kỹ, dáng vẻ gầy ốm chẳng ngờ lại là cao thủ nhất nhì nội gia nên bất giác sợ hãi.
Lão đạo không hề để ý đến thái độ e dè của Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt. Lão vuốt râu miên mang ngẫm nghĩ như đang hồi tưởng lại từng lời Văn Viễn vừa nói. Một lúc sau, lão đạo quả quyết:
- Tuy loại trà núi đó độc đáo nhưng nếu trà Thập Hoa Phần được pha đúng cung cách nhất định không hề thua kém! Ta chưa uống qua trà núi đó bao giờ nên chỉ có thể quả quyết lời tán tụng trước đây của Trà Tiên Lê Khắc Đáng không hề sai, đem hết trà ngon trong thiên hạ cùng lắm chỉ bằng một chung Thập Hoa Phần mà thôi!
Văn Viễn cung kính đáp:
- Vãn bối cũng chưa từng uống qua trà Thập Hoa Phần được pha đúng cung cách! Nhưng chí ít vãn bối đã may mắn được uống sáu chung trà núi kia, kỳ thực so về vị về hương độc đáo vô kể! Chỉ sợ thời nay, không còn ai biết cách pha trà Thập Hoa Phần, đáng tiếc lắm thay!
Lão đạo như bị Văn Viễn điểm trúng chổ ngứa liền vuốt râu cười hà hà:
- Không đáng tiếc! Không đáng tiếc!
Văn Viễn mừng rỡ chắp tay vái hỏi:
- Lời tiền bối phải chăng có hàm ý biết người có thể pha Thập Hoa Phần đúng cách?
Lão đạo phải lúc cao hứng vội đáp:
- Hiển nhiên, bằng không sao ta dám khua môi! Ta lặn lội đến đây cũng chỉ là muốn…!
Lão liền im bặt nhìn vẻ mặt háo hức của Văn Viễn, dò xét:
- Ta còn chưa biết danh tính của thí chủ!
Văn Viễn cung kính đáp:
- Vãn bối họ Phùng tên Văn Viễn!
Lão đạo cau mày nhìn chăm chăm Văn Viễn, lại hỏi:
- Phùng Văn Viễn, phải chăng là đại công tử của Bạch gia trang núi Trường Bạch?
Văn Viễn không dám giấu nên đáp:
- Đích thị là vãn bối! Tam Ác Thánh chính là cha mẹ thân sinh của vãn bối!
Văn Viễn nói xong liền hối hận. Uy danh Tam Ác Thánh vốn được giang hồ hai cánh chánh tà trong võ lâm đều nể nang kính sợ, Văn Viễn e ngại lão đạo biết sẽ xa lánh thì chẳng biết làm cách nào để tìm ra danh tánh kẻ biết pha chết trà Thập Hoa Phần. Ngờ đâu lão đạo nghe xong lại bật tràng cười ha hả:
- Kỳ ngộ, kỳ ngộ! Thiên hạ thật lắm chuyện hữu duyên kỳ ngộ!
Lão đạo bật ra tiếng cười không lớn chỉ vừa đủ nghe lọt vào tai. Tuy nhiên, tất cả khách thập phương đang ngồi bốn bên tự nhiên thấy choáng váng, không ai bảo ai cả bọn vội vã chạy khỏi tầng lầu.