Tôi bấm chuông mãi mới thấy lão lò dò ra mở cửa. Lão dụi mắt, rồi đeo kính mới nhận ra tôi. Bất chợt lão kéo tay tôi vào nhà rồi nửa mừng nửa rầu và lúng búng nói:
- Lão có lỗi với anh, bức họa ấy cháu nó lại bán mất rồi.
Tôi trợn mắt hỏi lại:
- Thật ạ?
Lão lại dụi mắt, hình như để giấu đi những giọt nước vừa ứa ra. Sau đó lão cúi đầu như nói với chính mình:
- Chó má thế đấy! Lần này hình như nhiều tiền hơn lần trước, nên nó lấy đi ngay mà không còn kịp chụp tấm hình lưu lại.
Tôi ngần ngại ngồi xuống ghế theo động tác mời của lão. Ấm chè còn nóng, có lẽ nào mới pha để đón tôi theo lời hẹn. Ánh nắng buổi sớm len mãi vào ngôi nhà nhỏ này mới được có ba tia như rẻ quạt khẳng khiu bàng bạc. Tôi chỉ biết im lặng thôi vì không biết nên giận hay nên thương con trai lão. Bởi ai cũng biết rằng, bất kể lúc nào hắn cũng sẽ vẽ cho lão được ngay một chân dung khác. Hắn có tài và nổi tiếng trong giới hội họa. Nhưng không hiểu sao nom mặt hắn trơ, vô cảm chứ không được như gương mặt góc cạnh và đầy biểu cảm của lão. Nhiều lần hắn tự họa để bán cái mặt mình trong thiên hạ, nhưng lại thấy lộ nguyên hình cái mặt thằng nhạt nhẽo với đôi môi lúc nào cũng mỏng dính dưới cặp kính mắt tròn điệu bộ. Tôi là bạn vong niên của lão nên có gì vui buồn lão đều gọi cho tôi đến để kể lể, trò chuyện, trút bầu tâm sự. Đôi khi lão còn khóc tu tu lên như đứa trẻ vậy. Tôi thua lão ngót hai chục tuổi nhưng lại được lão coi như người thân tín. Nhưng phải nói, chưa bao giờ tôi dám ta thán về hắn, con trai lão, vì đó là chuyện riêng của gia đình. Nhưng quả lần này là lần thứ mười, hắn bán vụt đi bức chân dung mà lão ưng nhất, thì tôi đâm khùng và nói bật ra những câu khó nghe:
- Thằng mất dạy!
Nói rồi tôi mới thấy nhỡ lời vì trông lão tái mặt đi vì bất ngờ. Tôi lúng túng xin lỗi lão, nhưng ai dè lão chỉ im lặng, một lúc sau mới nói:
- Đúng là tôi không dạy nổi nó, anh ạ!
Tôi cắn răng tỏ ra ân hận vì câu trách cứ ấy. Nhưng tôi vẫn phải nói thêm:
- Tiền ai chả quý. Cần thì cần thật đấy. Nhưng bán đi bức tranh mà cha mình quý nhất thì lại là việc tệ hại.
Lão nhếch miệng cười. Cặp môi dày rạn nứt vì thời gian nửa như mếu, thều thào:
- Nó hứa với tôi ngay trong tuần sẽ đến vẽ cho tôi một chân dung khác. Sẽ đẹp hơn. Sẽ đầy biểu cảm hơn.
Tôi im lặng uống thêm chén nước trà dậm mà lão mới rót. Lão nhìn tôi tỏ ra áy náy có thể vì thấy tôi lần đầu tiên trách cứ con trai lão. Bất chợt có tiếng chim hót ở vườn cây nhỏ bé ở cuối sân. Lão cười, ngước cặp kính to dày cộp nhìn ra phía ngoài và rề rà nói:
- Thỉnh thoảng chim đến đây hót vui đáo để. Nhờ nó mà đôi lúc, tôi thấy mình thức dậy như sau cơn ngủ mê mệt. Anh thấy tiếng nó trong trẻo không. Cứ ríu ra ríu rít đến vui tai.
Tôi biết là lão cố đánh trống lảng cái chuyện con trai mình vừa bán bức chân dung đẹp nhất để cho tôi đỡ giận. Nhưng tôi vẫn thấy hậm hực thế nào ấy, nên có hỏi thêm lại một câu.
- Thế nó có đưa ít nào cho bố không?
- Có!
- Bao nhiêu?
- Nói anh bỏ quá cho
- Bao nhiêu?
- Hai trăm ngàn tiền ta. Gọi là có mà anh.
Tôi càu nhàu ra mặt, thì ra mười một lần vẽ chân dung cho bố, rồi lại bán đi, khi được giá cứ mỗi lần lại quẳng cho bố vài trăm và lại hứa vẽ cho bố bức khác. Nghĩ mà bực mình. - Nhưng chợt nhìn thấy lão thui thủi cúi đầu ra sức lau mắt kính thì tôi nguôi cơn giận và an ủi lão.
- Thôi thì lần tới hắn vẽ xong, lão trả tiền công sá sòng phẳng, mua đứt tác phẩm. Em sẽ góp tiền cùng lão, bao nhiêu cũng trả, Lão ạ!
Lão trố mắt nhìn tôi.
- Hay đấy nhỉ? Phải cho nó biết tay mình chứ lị.
Thế rồi lão với tôi cùng cười cứ như thắng lợi nằm trong tầm tay mình rồi. Tôi nhấp thêm một ngụm trà rồi xin phép ra về vì thấy lão có vẻ đói và muốn đi nấu một bát mì con tôm đang để sẵn trên bệ bếp. Tôi đi ra chợt nghe một giọng hát tuồng khê nồng cũ rích như mọi bận, tôi lại thấy buồn rầu trong lòng...
Nhớ lại, tôi trở thành bạn vong niên của lão, bởi vì trước những năm năm mươi lão chơi với bố tôi. Nghe nói hồi ấy cả hai đều yêu mẹ tôi nhưng lão bị chê là hơi nhiêu khê, nghệ sĩ có phần đa tình nên mẹ tôi ngả sang bố tôi, vì hồi đó ông là một công nhân đường sắt thực thụ chân chất và nghèo kiết xác. Lão sau này cũng lấy vợ sinh con và vẫn hay đi hát ả đào. Được cái lão hát rất mùi mẫn bằng chất giọng ca trù óng ả. Bố tôi kể lại, lão được nhiều cô đào hát mê lắm. Còn các đào vượu thì cứ ngả ngốn hầu lão hết sức chu đáo. Nhưng ai dè vợ lão bị bệnh chết sớm để lại cho lão ba đứa con thơ dại. Có cái lạ, sau ngày vợ chết, lão tu tỉnh hẳn, chịu khó làm lụng và nuôi con khôn lớn. Đặc biệt, cái thằng con thứ hai có biệt tài vẽ vời và được thiên hạ tìm đến mua tranh rất xôm. Hắn giàu sụ và chơi lắm thứ tỏ vẻ giàu sang, nào nhà vườn, nào biệt thự, nào xưởng vẽ nhưng chẳng bao giờ lo nghĩ đến bố cả. Lão vẫn ở cái nhà mười hai mét như ngày nào. Nghĩa là hơn nửa thế kỷ qua. Lão cứ lọm khọm vào ra cái sân khoảng hai mét vuông để hít thở, để tưởng nhớ và tự an ủi mình rằng, đã có những đứa con trưởng thành, sự sung sướng, giàu có cũng bắt đầu từ ngôi nhà bé nhỏ này. Nghĩ thế lão cười và thấy tự hào lắm.
Trước đây, mỗi lần sang thăm lão, bố con tôi cũng dắt díu, nên lão cũng coi tôi như con vậy. Sau này, bố mẹ tôi mất đi, tôi bỗng nhiên trở nên thân thiết với lão và hóng mọi chuyện từ ngôi nhà nhỏ bé này. Phải nói, tôi rất mê các bức chân dung mà hắn vẽ cho lão. Lắm lúc tôi an ủi lão rằng thôi thế cũng được, ít ra hắn còn có chút tình với bố qua các bức họa. Tôi với lão thường cười sặc sụa trước bức chân dung thứ nhất, bởi hắn vẽ lão ngộ nghĩnh lắm. Đôi môi trề ra với nụ cười hóm hỉnh. Vẽ cường điệu đôi mắt với vẻ lim dim khoái trá như vừa liếc gái vậy. Ấy là lão với tôi cứ tán vậy rồi cười, rồi ho sặc sụa, như đôi bạn tri kỷ chưa từng có. Thế rồi, bỗng dưng có một người đàn ông cao lớn theo chân hắn đến ngôi nhà nhỏ bé ấy, ngắm nghía rồi trả giá. Nghe đâu lần ấy hắn bán vội với giá năm trăm đô la. Hắn nhận tiền xong định không nói gì với lão mà chỉ hứa sẽ vẽ cho bố một bức khác. Rồi, bức thứ hai với mái tóc cuộn sóng và cái cằm khấp khiểng, cũng bán. Còn bức thứ ba với cặp mắt u sầu trong một ngày giỗ vợ của lão, cũng bán. Lại mua, bức thứ tư, thứ năm... cứ vẽ xong hắn lại có khách và lại kêu túng thiếu với lão, lại bán. Lão làm mẫu cả thảy đến chục lần, mỗi năm một lần bán, thi thoảng hắn mới đưa cho lão được vài trăm và nói là thêm tiền tiêu cho vui, già rồi ăn mấy, lương hưu tiêu cũng chẳng hết. Khốn nạn. Hắn chỉ nghĩ thế và lại đòi lão làm mẫu vẽ. Tôi còn nhớ, đến lần cuối cùng, lão nói hết nước hết cái rằng, mình sống chẳng còn bao lâu nữa, bức tranh này là đồ thờ sau này. Hắn vâng dạ rồi lại bất ngờ dẫn khách đến, được giá là hắn bán phắt và chẳng cần hỏi ý kiến lão...
Ấy chính vì thế tôi mới nghĩ ra cái mẹo lần vẽ này, lão và tôi sẽ hùn vốn mua tác phẩm của hắn. Tôi cũng nghĩ, cứ ra giá thế, chắc gì hắn dám lấy tiền của bố và có lấy cũng không thể cao được. Nên không trước khi quyết định, lão sẽ phải làm cam kết hai bên cho rõ ràng, như mọi hợp đồng kinh tế, gồm bên A và bên B vậy. Nếu không nghe, lão sẽ chẳng làm mẫu cho mà vẽ nữa. Tôi thì chẳng có con mắt hội họa gì nhưng ngắm mặt lão là tôi thích. Phải nói gương mặt lão mỗi năm có những nét già nua khắc khổ xuất hiện, nhiều góc cạnh và điểm trên má ngoài những hạt đồi mồi còn có những nếp da dạn dĩ đầy sương gió, nhất là đôi mắt đục mờ theo thời gian nhưng vẫn còn những nét lấp lánh ẩn chứa những ưu tư, lo toan cho nhân tình thế thái. Chính có lẽ vì sự đổi thay khắc khoải ấy trên gương mặt lão, đã làm cho hắn bám đuổi tạo nên những bức chân dung đặc sắc và cao giá. Cứ bức sau lại bán được với giá hời hơn trước. Hắn bán bởi hắn cho đó là tác phẩm nghệ thuật của mình mà chỉ cho cha mình treo một thời gian. Một lần khách đến ngắm lão rồi lại ngắm tranh, ai nấy đều thích thú vì cho đó là độc bản có một không hai. Cứ thế, đồng tiền đã làm hắn lao như con thiêu thân vậy, các bức tranh khác của hắn ngày một ế ẩm, vì bức nào cũng như bức nào với bố cục và màu sắc quen đến nhàm chán. Hắn xoay sang giao giá những bức chân dung của cha mình. Không ngờ với gương mặt đầy cá tính của lão, tranh hắn vẽ lại có giá. Cũng chính vì lẽ đó mà lão cứ ngày một nhàu nhĩ, tủi buồn vì cái mặt của mình bị con trai rao bán cho khắp thiên hạ. Thấy tôi gạ chuyện mua đứt tác phẩm của hắn, lão tỏ ra đắc ý và quyết tâm ra đòn một phen.
Từ hôm ấy, tôi chờ, chờ lão cho gọi đến, nhưng ngày này qua ngày khác. Có hôm tôi rẽ qua chỉ thấy lão nằm thượt thở dài và cứ rơm rớm nước mắt khi nhắc đến việc căn nhà trống trải và ngày một lạnh lẽo vì không có bức chân dung nào của lão còn được giữ lại. Ấy thế rồi một tuần sau đó, tôi nhận được một cú điện thoại gọi đến. Giọng người trong máy nghe lạ lắm và chỉ nói nhanh là lão cho gọi tôi đến gấp. Thế là tôi bỏ mọi việc hớt hải đến nhà lão với cảm giác lo sợ bất thường.
Căn nhà nhỏ của lão càng trở nên chật chội khi tôi thấy lố nhố đến năm bảy người đang ở phía trong. Tôi cố len vào mới hay hắn và lão đang giằng co nhau một bức họa. Lão phân trần:
- Đã mấy đêm bố thức cho con vẽ, bức chân dung này bố đã nói trước là đặt tiền mua, con đừng bán cho ông khách này nữa.
Hắn nói gay gắt.
- Làm sao bố đủ tiền mua trong khi người ta trả con tới năm ngàn đô. Con hứa với bố ngay đêm nay con sẽ vẽ tặng bố một bức khác được chưa.
Lão nì nèo.
- Không được, đây là bức họa mà chúng ta giao kèo, thế bố mới ngồi cả đêm qua.
Chợt nhìn thấy tôi, lão nấc lên như bị nghẹn vậy. Tôi chạy đến bên giường, lão bảo tôi lấy hộ một mảnh giấy trong túi ra rồi nói.
- Đây là giấy tờ đã đặt nó năm trăm ngàn để mua bức chân dung này. Nó nhận tiền rồi và ký hẳn hoi, ấy vậy mà mới chỉ có một ngày, khách đến nó lại lật lọng.
Tôi đang lúng túng tìm tờ giấy trong túi lão thì bất ngờ hắn lao tới giành lại bức chân dung trên tay lão rồi quát lên.
- Đây là tác phẩm của con. Chẳng ai có quyền can thiệp ở đây cả.
Hắn nhìn tôi rồi đưa bức tranh cho một người khách đang đứng chờ ở ngoài cửa. Tôi với tay kéo hắn lại định phân bua đôi điều thì bị hai người thanh niên trẻ đứng cạnh hắn đẩy ngã dúi xuống giường của lão, chợt thấy lão trợn mắt ôm ngực kêu lên với những câu như đau thắt trong ngực.
- Đây là chân dung bố mà con. Đừng bán nữa. Bố
Nói rồi, lão ngã vật bên thành giường tôi chỉ kịp chờ đầu lão khỏi bị đập vào cạnh bàn, lão bị ngất xỉu đi, tay lão vẫn còn nắm chặt tờ giấy giao kèo. Đám người mua bức họa vội vã đi ra ngoài. Hắn cầm tiền gọn thon lỏn trên tay rồi quay lại nói mấy lời:
- Anh dặn bố tôi đêm nay tôi sẽ về để vẽ cho ông ấy bức chân dung cuối cùng.
Tôi vội vàng nói ngay
- Ông bị ngất đi đây này. Cậu hãy ở lại xem sao?
Hắn nhấc cặp kính cận tròn vo nhìn lão rồi cười khẩy.
- Một lúc nữa là tỉnh lại thôi mà. Tôi quen cảnh này rồi. Thôi bai bai.
- Quay lại!
Tôi kêu lên không kịp nữa vì hắn đã phóng xe lao vút đi. Một người hàng xóm đã cùng tôi gọi xe cấp cứu đưa lão đi bệnh viện. Nhưng đây là lần cuối cùng tôi chăm sóc cho lão ở bệnh viện. Đến gần sáng của ngày hôm sau, lão đã tắt thở vì trụy tim. Một người già vô cùng cô đơn giữa những người con tài ba và giàu có. Tôi cứ ngồi bên cạnh lão cho đến khi ánh sáng đầu tiên chiếu qua cửa sổ. Bất chợt có tiếng chim hót, tôi như mơ màng định gọi lão dậy để nghe như mọi ngày ở ngôi nhà nhỏ bé ấy. Nhưng tất cả đã hết. Tôi chẳng bao giờ được nghe thấy tiếng lão nữa.