Tài liệu: Bỏng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Bỏng (còn gọi là phỏng) là một chấn thương thường gặp trong đời sống. Từ xa xưa, khi con người biết dùng nguồn năng lượng phục vụ cho đời sống thì con người cũng chính là nạn nhân của nguồn năng lượng này, lúc đầu chỉ là lửa và thức ăn nóng
Bỏng

Nội dung

Bỏng

Bỏng và bệnh bỏng

Bỏng (còn gọi là phỏng) là một chấn thương thường gặp trong đời sống. Từ xa xưa, khi con người biết dùng nguồn năng lượng phục vụ cho đời sống thì con người cũng chính là nạn nhân của nguồn năng lượng này, lúc đầu chỉ là lửa và thức ăn nóng. Khi các phát minh khoa học ngày càng phát triển thì các tác nhân gây bỏng ngày càng phong phú hơn: hóa chất, luồng điện, các tia phóng xạ, bức xạ... Trong chiến tranh, bỏng gắn liền với quy mô sử dụng vũ khí gây cháy, vũ khí hạt nhân. Bỏng không những là tai nạn cho từng cá thể, tai nạn hàng loạt mà còn gây ra nhiều thảm họa nghiêm trọng trên thế giới. Tổn thương bỏng tùy theo tác nhân, diện rộng và độ sâu sẽ gây ra các biến đôi và rối loạn chức phận toàn thân gọi là một cách tổng quát thành “Bệnh bỏng”. Bệnh bỏng diễn biến theo thời gian, thành từng thời kỳ mà mỗi thời kỳ có những đặc điểm riêng.

Da và chức năng của da

Ở người trưởng thành, da có diện tích 1,4 - 1,6m2 chiếm 4-6% trọng lượng cơ thể. Da là một cơ quan rất quan trọng cho hoạt động sống của cơ thể.

Da có nhiệm vụ như một hàng rào bảo vệ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, các chấn thương cơ học, điều hòa thân nhiệt, bài tiết v.v...

Da còn là cơ quan nhận cảm thần kinh giúp ta tiếp nhận cảm giác đau, nóng, lạnh, áp lực... và các cảm giác tinh tế. Một chức năng quan trọng nữa của da là tạo hình, thẩm mỹ.

Da được chia thành ba lớp theo tính chất và chức năng: lớp biểu bì, lớp trung bì và lớp hạ bì. Bỏng từ lớp trung bì trở lên là bỏng nông, bỏng qua lớp hạ bì là bỏng sâu. Dưới tác dụng của nguồn nhiệt, hàng loạt các quá trình lý hóa sẽ xảy ra ở các tế bào da, nếu da không bị cháy thì sẽ tạo thành các nốt phỏng. Dịch ở trong nốt phỏng là dịch của các mạch máu nhỏ và tế bào thoát ra.

Những tác nhân nào có thể gây bỏng?

Nhiệt: Nhiệt khô, nhiệt ướt, nhiệt độ âm (tổn thương lạnh cóng do băng tuyết, tiếp xúc với công nghệ lạnh).

Nhiệt khô: Lửa, kim loại nóng, bức xạ nhiệt... v.v. Trong những đám cháy lượng oxy lớn bị tiêu thụ và sản sinh ra một lượng lớn CO2, các khói và các sản phẩm cháy sản sinh ra rất nhiều khí độc gây nên những tổn thường phổi nghiêm trọng. Tổn thương càng nặng hơn khi nạn nhân bị bỏng đường hô hấp kết hợp với hít phải khí độc.

Nhiệt ướt: Nước sôi, thức ăn lỏng, nóng, các hóa chất nóng chảy, vôi đang tôi (bỏng kết hợp). Đây là nguyên nhân cao nhất trong bỏng, vì nó gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động (đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc). Tỷ lệ dân số tiếp xúc với nguồn nhiệt này rất cao.

Hóa chất: Các hóa chất có tính acid, bazơ hoặc các muối.

Đây là nguyên nhân gây bỏng đứng hàng thứ hai sau bỏng nhiệt, đặc biệt với các tỉnh phía Nam. Những hóa chất đang được sử dụng hàng ngày trong đời sống của người lao động và lao động sản xuất. Rất dễ bị bỏng hóa chất do thiếu hiểu biết không tuân thủ qui trình sử dụng và quản lý hóa chất.

Điện: Tia lửa điện, luồng điện (hạ thế, cao thế).

Bỏng điện thường được kết hợp do luồng điện và tia lửa điện. Sét đánh cũng là bỏng điện. Tổn thương này thường rất nặng do tác động của dòng điện lên các cơ quan quan trọng của cuộc sống là não và tim.

Bức xạ: Bức xạ ánh sáng, tia X, tia gamma, hạt beta, tia laser.

Bỏng diễn biến như thế nào?

Thời kỳ 1: Sốc bỏng

Như trên đã nói, tùy theo diện nông, độ sâu và trên từng cơ thể nạn nhân, sức bỏng có thể xuất hiện ngay sau khi bị bỏng. Nguyên nhân của sức bỏng là do đau đớn, mất dịch...

Tại vùng bị bỏng, các mạch máu nhỏ giãn nở, tính thấm thành mạch tăng, dịch huyết tương thoát ra ngoài (nốt bỏng là một nơi chứa dịch này). Các tế bào máu trong lòng mạch (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu...) sẽ tạo thành những cục vón bít tắc lòng mạch. Các tế bào máu bị phá hủy do sức nóng của nguồn nhiệt. Các nguyên nhân này tiếp tục cản trở dòng máu dẫn đến các tổ chức gây thiếu oxy máu, oxy tế bào.

Do thoát dịch huyết tương cơ thể sẽ thiếu nước, điện giải, mất cân bằng acid bazơ sẽ tạo ra những rối loạn nội môi trong cơ thể, rối loạn hệ thống đông máu, chảy máu, rối loạn chuyển hóa, giảm sức co bóp cơ tim.

Thời kỳ này thường xảy ra rất nhiều biến chứng nặng như; chảy máu đường tiêu hóa, thận sốc, phổi sốc... Nếu không được cứu chữa đúng và kịp thời, các rối loạn bệnh lý nêu trên sẽ tiến triển ngày càng nặng thêm. Sốc bỏng nhẹ sẽ chuyền sang nặng không hồi phục và mau chóng dẫn tới tử vong.

Thời kỳ 2: Nhiễm độc nhiễm trùng

Thời kỳ này từ ngày thứ 2 tới hai tuần sau bỏng. Nguyên nhân do các chất độc từ hoại tử tế bào, các sản phẩm chuyển hóa, sự xâm nhập của vi khuẩn tạo thành những ổ mủ, có thể ở bề mặt nhưng cũng có thể nằm sâu dưới các lớp tổ chức dưới da.v.v...

Thời kỳ này bệnh nhân thường bị sốt cao, rối loạn tinh thần, rất dễ bị sốc nhiễm khuẩn. Thời kỳ này có thể có những biến chứng như đã nêu ở trên, có thể suy đa tạng và rất dễ tử vong.

Những trường hợp đặc biệt

Bỏng trẻ em

Trong thời bình, bỏng ở trẻ em chiếm tỷ lệ khá cao 40-60%. Lứa tuổi hay bị bỏng từ 1-6 tuổi. Lứa tuổi này là lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm chưa hiểu hết những điều nguy hiểm, các động tác hoạt động của chi cũng chưa được thuần thục. Nguyên nhân bỏng thường thấy theo thứ tự là:

1. Nước sôi, thức ăn lỏng - nóng... Trẻ em thường tự động lấy, chạy ngã, xô vào

2. Đùa, nghịch lửa,

3. Dùng đèn, quạt máy trong màn (mùng), trong phòng.

4. Nghịch xăng dầu và các chất gây cháy.

5. Nghịch các đồ điện gia dụng...

Do đặc điểm về giải phẫu, sinh lý của trẻ em, các cơ quan còn ở giai đoạn đang hoàn thiện, nên khi bị tổn thương bỏng, diễn biến sẽ rất phức tạp, rất dễ gặp những biến chứng nặng và để lại di chứng cực kỳ nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao, ngay cả những trường hợp chỉ bị bỏng 1% diện tích cơ thể.

- Bỏng ở người cao tuổi

Về khía cạnh tiên lượng bệnh, có thể khẳng định rằng bỏng ở người cao tuổi tỷ lệ tử vong rất cao. Ở người lớn thường có những bệnh lý phức tạp kèm theo như bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... Vì vậy khi người cao tuổi bị bỏng thì các bệnh sau rất dễ tái phát và dễ tiến triển nặng thêm. Khả năng phục hồi tổn thương rất khó khăn.

- Bỏng ở phụ nữ có thai.

Đây là vấn đề hết sức khó khăn trong điều trị, làm sao vừa cứu sống được người mẹ vừa phải bảo đảm an toàn cho thai nhi. Khi phụ nữ có thai, cơ thể có những biến đổi sinh lý. Do tổn thương bỏng, hàng loạt cơ hội bệnh lý có thể xảy ra, nguy cơ sảy thai, đẻ non rất lớn, việc chăm sóc, theo dõi rất phức tạp nên việc áp dụng các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc phải cân nhắc hết sức kỹ càng. Bỏng nhẹ ở người bình thường là bỏng nặng ở phụ nữ có thai.

Nên làm gì đề phòng tai nạn bỏng?

1. Bỏng là lột tai nạn thường gặp trong đời sống thường ngày, trong lao động sản xuất. Số lượng bỏng ở trẻ em rất cao. Hậu quả của bỏng hết sức nặng nề. Những nguyên nhân gây bỏng hay nói cách khác là nguy cơ luôn bao vây, rình rập các cháu nhỏ. Trách nhiệm là ở người lớn, chỉ một chút lơ là, sơ ý cũng có thể gây hậu quả suốt đời cho các cháu. Với trẻ em cần chú ý:

- Luôn quan tâm theo dõi các hoạt động của các cháu nhỏ, nhất là tuổi tập đi, không mặc những đồ dễ cháy và khó cởi.

- Để các đồ dùng nóng, sôi, các chất dễ cháy, các chất sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn ngoài tầm với của trẻ nhỏ.

- Không để trẻ em đùa nghịch ở những nơi có nguồn nhiệt: lò lửa, lò nấu, hố vôi, trạm biến thế...

- Tăng cường giám sát, nhắc nhở các cháu.

2. Với người động kinh, người hay bị ngất, người già thì nên tránh tiếp xúc với những nguy cơ có thể gây bỏng.

3. Thực hiện an toàn lao động, thực hiện các quy chế phòng cháy ở mọi nơi. Chấp hành đúng quy tắc an toàn điện và sử dụng hóa chất, các tia bức xạ, vật lý.

4. Trong đời sống xã hội, tăng cường giáo dục công dân chấp hành kỷ cương luật pháp, biết tự kìm chế, giữ gìn lợi ích chung, lòng nhân đạo vị tha không có hành vi gây hại cho người khác như dùng acid, chất cháy làm huỷ hoại thân thể người khác.

5. Nên chăng cần có một chương trình hành động quốc gia về phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa tai nạn bỏng, hình phạt thích đáng cho những kẻ xâm hại sức khỏe người khác.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4346-02-633795312516562500/Ung-thu---Ghep-te-bao-goc-tao-mau-benh-do...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận