Tài liệu: Các đài thiên văn tử ngoại

Tài liệu
Các đài thiên văn tử ngoại

Nội dung

CÁC ĐÀI THIÊN VĂN TỬ NGOẠI

 

Bức xạ tử ngoại của Mặt Trời và của các vì sao hầu như đã bị tầng ôzôn của bầu khí quyển hành tinh chúng ta hấp thụ, bởi vậy chỉ có thể ghi nhận được những lượng tử tử ngoại ở những lớp phía trên của bầu khí quyển và ở ngoài phạm vi của nó.

Các nhà thiên văn học quan tâm đến bức xạ tử ngoại chủ yếu vì chính trong dải tần của nó những phân tử phổ biến nhất trong Vũ Trụ - phân tử hyđrô - đã bức xạ và ở đó có vạch rõ nhất của hyđrô nguyên tử là vạch anpha Laiman.

Lần đầu tiên kính thiên văn phản xạ tử ngoại với đường kính gương 80 cm và máy ghi quang phổ tử ngoại đặc biệt đã được phóng lên Vũ Trụ trong vệ tinh hợp tác Âu - Mỹ "Copernic" vào tháng 8 năm 1972. Công cuộc quan sát tiến hành trên đó đã kéo dài cho đến năm 1981.

Một vệ tinh tử ngoại nổi tiếng hơn là vệ tinh IUE (lnternational Ultraviolet Explorer). Vệ tinh này được coi là một trong những dự án vũ trụ thành công nhất. Vệ tinh IUE được phóng lên quỹ đạo vào tháng 1 năm 1978 và cũng từ đó nó bắt đầu công cuộc nghiên cứu nhiều năm. Trên vệ tinh này có một kính thiên văn gương với đường kính 45 cm và hai máy ghi quang phổ.

Trên vệ tinh IUE người ta đã tiến hành nghiên cứu những thiên thể đa dạng nhất, từ các sao chổi và hành tinh cho tới các thiên hà xa xôi. Đã có vài cuốn sách viết về những quan sát của vệ tinh này, đã có khoảng 3.000 bài báo đăng trên những tạp chí khoa học, đồng thời cũng đã tiến hành hơn 10 hội nghị khoa học lớn về những quan sát của vệ tinh.

Kính thiên văn tử ngoại cũng giữ kỷ lục nghiên cứu lâu dài nhất trong các đài thiên văn vũ trụ ở nước Nga. Vệ tinh "Astron" rời khỏi Trái Đất vào tháng 3 năm 1983, dự kiến sẽ hoạt động trên quỹ đạo khoảng 1 năm. Đã tiến hành quan sát tia tử ngoại bằng kính thiên văn phản xạ với đường kính gương 80 cm trên máy ghi quang phổ tử ngoại. Kính thiên văn chỉ ngừng quan sát vào tháng 4 năm 1989. Như vậy nó đã làm việc được lâu hơn rất nhiều so với thời gian hoạt động trù tính.

Trên đài thiên văn tử ngoại "Astron" người ta đã tiến hành quan sát các vì sao, trong số đó có những vì sao có thành phần hoá học khác thường, những sao mới và siêu mới nhất là sao siêu mới năm 1987 tại vùng Đám Mây Magienlăng Lớn. Người ta cũng tiến hành quan sát những thiên hà khác, những tinh vân khí cùng những sao chổi.

Hiện nay ở nước Nga người ta đang tiến hành chuẩn bị phóng một vệ tinh có kính thiên văn tử ngoại mới có tên hiệu là "Spektr – UF" ("phổ tử ngoại") với đường kính gương là 170 cm.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/452-02-633329704527118750/Cac-dai-thien-van-vu-tru/Cac-dai-thien-van...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận