Có những rủi ro nào?
Cấu tạo di truyền đầu tiên đã được thực hiện năm 1972 bằng phương pháp kết hợp ADN virus ở khỉ với một đoạn plasmid vi khuẩn. Paul Berg, tác giả đã nhận được Giải Nobel Hóa học năm 1980 vì những công trình này, cũng đã tự hỏi về nguy cơ của những cấu tạo như vậy: liệu các kỹ thuật tái tổ hợp này có dễ làm xuất hiện loại vi khuẩn mới, độc hại đối với người không? Vì vậy, một hội nghị do Paul Berg chủ tọa đã được tổ chức ở Asilomar, Mỹ, năm 1975 để xác định các quy tắc an toàn trong kỹ thuật di truyền. Nếu như những suy nghĩ thời ấy chỉ bó hẹp trong cộng đồng khoa học, thì đến nay đã được mở rộng và liên quan đến cả các nhà hoạt động kinh tế chính trị và người tiêu dùng. Nhất là sự có mặt những sinh vật được biến đổi di truyền trên đồng ruộng và trong các bữa ăn đã làm nảy sinh những băn khoăn mới: rủi ro về môi trường do sự phát tán các gen trong tự nhiên, sự xuất hiện các loài chống chịu hoặc giảm tính đa dạng sinh học, rủi ro về thực phẩm thuộc loại độc tính hoặc gây dị ứng v.v... Ở Pháp có hai ủy ban chia nhau công việc đánh giá, xác định và kiểm soát những rủi ro như vậy, là Ủy ban về Kỹ thuật Sinh học Phân tử và Ủy ban về Kỹ thuật Di truyền. Nhiều nước khác hiện nay cũng có những ủy ban tương tự về đạo đức sinh học hoặc an toàn sinh học. Ở Việt Nam, ''Quy chế quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và các sản phẩm của chúng'' đã được soạn thảo từ năm 1999, sau nhiều lần được thảo luận, cân nhắc, sửa chữa cho phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 8 năm 2005. Quy chế này trực thuộc sự kiểm tra và giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với nhiều bộ ngành có liên quan.