Tài liệu: Campuchia - Quần thể di tích Ăngkor - biểu tượng của ngành du lịch Campuchia

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong suốt một thời kì dài, kể từ khi người sáng lập ra vương triều Ăngkor (vua Jayavacman II) lên ngôi năm 802 cho tới khi đế chế Ăngkor sụp đổ vào năm 1432,
Campuchia - Quần thể di tích Ăngkor - biểu tượng của ngành du lịch Campuchia

Nội dung

Quần thể di tích Ăngkor - biểu tượng

của ngành du lịch Campuchia

      Trong suốt một thời kì dài, kể từ khi người sáng lập ra vương triều Ăngkor (vua Jayavacman II) lên ngôi năm 802 cho tới khi đế chế Ăngkor sụp đổ vào năm 1432, dân tộc Khmer đã sáng tạo ra một nền văn minh rực rỡ nổi tiếng thế giới - nền văn minh cổ Ăngkor. Một trong những thành tựu kì diệu nhất mà dân tộc Khmer đã đạt được trong thời kì lịch sử huy hoàng này là nền kiến trúc cổ Ăngkor độc đáo.

      Kể từ khi thế giới bên ngoài biết đến những di tích kiến trúc cổ Ăngkor đến nay, không biết bao nhiêu du khách, biết bao nhiêu nhà khoa học đã đến đất Ăngkor để tham quan và nghiên cứu; không biết bao nhiêu sách, bài báo và cũng không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp đã được viết nên để ca ngợi những điều kì diệu của kiến trúc Ăngkor.

      Chánh văn phòng nội các kiêm Cố vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Campuchia, Chea Vandeth, cho biết ngày nay, khi an ninh được cải thiện, ngành du lịch của Campuchia phát triển mạnh mẽ. Mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm Campuchia đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Ở Campuchia, điểm du lịch thu hút khách chủ yếu là quần thể di tích Ăngkor. Được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1991, quần thể di tích Ăngkor hiện đang được Nhật Bản trợ giúp bảo tồn và tái tạo các công trình độc đáo. Ngành du lịch Campuchia cũng nhờ đó khởi sắc hy vọng năm 2008 đón trên 3 triệu lượt khách.

Ăngkor là một quần thể kiến trúc với hơn 100 ngôi đền bằng đá do các vì vua trị vì đế quốc Khmer cổ đã xây dựng gần Siêm Riệp từ đầu thế kỉ thứ IX đến thế kỉ XV. Quần thể di tích Ăngkor rộng khoảng 420km2. nằm cách Phnôm Pênh 317 km về hướng Bắc.

Ăngkor Vát là đền lớn nhất nằm trong quần thể Ăngkor. Đường vào đền Ăngkor Vát là đoạn cầu đá dài bắc qua hồ nước bao quanh đền. Đền Ăngkor Vát hình chữ nhật, dài 1.500m, rộng 190m. Theo các nhà học giả Finot, Coedes, Bosh thì đền được xây dưới thời  vua Suryavarman II để làm mộ thờ của vua, với các điêu khắc theo truyền thuyết thần Visnu. Để cảm nhận được sức mạnh huyền bí, quyến rũ của Ăngkor Vát, du khách nên đợi đến hoàng hôn. Ăngkor Vát dưới ánh hoàng hôn, đền với các tháp và đá giống như một khối vàng rực rỡ ẩn hiện dưới bóng cây thốt nốt.

Đến đây, du khách còn có dịp đi thăm thành phố cổ Ăngkor Thom. Đường vào cửa Ăngkor Thom rất ấn tượng: hai bên là các tượng thần ôm thân con rắn bảy đầu dài khoảng vài trăm thước dọc hai bên cửa vào thành phố cổ này. Trung tâm của thành phố Ăngkor Thom là đền Bayon, với bốn cửa theo bốn hướng. Kế tiếp Bayon về phía Tây Bắc là cung điện vua Phimeanakas, từ đó cũng có một trục chạy về phía Đông ra một cửa nữa gọi là cửa ''Chiến thắng''. Ăngkor Thom vì thế có hai trung tâm thể hiện hai thời kỳ lịch sử xây dựng khác nhau. Hiện thành phố Ăngkor Thom là phế tích, bên trong là rừng rú dày đặc cây cao, dây leo khắp nơi không thể nào biết là có thành phố, đền, điện cổ trong đó. Ăngkor Thom được vua Jayavarman VII xây dựng sau Ăngkor Vát gần 100 năm. Ăngkor Thom cũng có sức hấp dẫn huyền bí không kém Ăngkor Vát. Giữa quang cảnh đổ nát, đi quanh những tảng đá lớn nằm ngổn ngang ở đền Bayon, nhìn lên mọi hướng, du khách lúc nào cũng thấy tượng đầu người mỉm cười bí hiểm. Có tổng cộng 256 gương mặt đá trên 54 tháp nhìn khắp hướng ở đền Bayon. Cấu trúc đền Bayon gồm ba tầng. Cả ba tầng đều bị đổ nát, gạch đá nằm ngồn ngang. Năm 1924,  Henri Parmentier (nhà khảo cổ Pháp, người lập ra Viện bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng - Việt Nam) đã tìm được ở Bayon một tượng bồ tát Lokesvara. Say này trong lòng trung tâm Bayon, một tượng phật lớn cũng được tìm ra.

Ta Phrom là đền lãng mạn nhất cũng nằm trong quần thể Ăngkor, được vua Jayavarnan VII xây năm 1186 để tưởng niệm người mẹ của vua, Jayarajachudanami, dưới dạng tượng Quan Âm Bồ Tát Bát Nhã Ba và tượng thầy của vua, Jayamangalartha. Cả hai tượng đều được đặt trong đền. Các cây cổ thụ mọc ngay trên đền, với rễ cây to lớn bao phủ các tháp và kiến trúc đền. Đó là hai loại cây Ficus religiosa và cây bông gạo. Ngoài ra, quần thể Ăngkor còn có các phế tích khác: Preah Khan, Roulos, Banteay Srey, Phnom Ba keng...

Từ Phnôm Pênh, du khách có thể đi Siêm Riệp bằng máy bay với giá vé khoảng 60 USD/lượt/người; đi tàu cao tốc 25 USD/chuyến/người; hay rẻ nhất là xe buýt máy lạnh khoảng 7-10 USD/lượt/người. Để vào tham quan quần thể di tích Ăngkor, du khách đến trụ sở dịch vụ Tour Ăngkor làm thủ tục vào cửa: thẻ và chụp ảnh gắn vào thẻ với lệ phí 20 USD/ngày.

Lịch sử quần thể di tích Ăngkor

Nếu tìm những bằng chứng sống động nhất của nền văn minh Campuchia nói riêng hay của nền văn minh Đông Nam Á nói chung, thì có lẽ đứng hàng đầu của các kì tích có sức thu hút nhân loại nhất của khu vực này, chúng ta phải kể đến những ngôi đền Ăngkor.

Ăngkor không phải là một cái tên đơn thuần để chỉ một hay vài kiến trúc mà là cái tên chỉ cả một vùng, mà trong suốt nhiều thế kỉ đã là thủ đô của vương quốc Khmer thời cổ. Xét về mặt từ vựng thì Ăngkor, có nguồn gốc từ tiếng Sankrit “Nagara”, chuyển sang tiếng Khmer là ''Norko'' rồi lại được người phương Tây phiên âm ra thành Ăngkor - có nghĩa là thành phố. Về mặt địa lí Ăngkor nằm cách thủ đô Phnôm Pênh về phía Tây Bắc chừng 240 km, và ở về phía Bắc hồ Tonle Sáp.

Nghệ thuật Khmer thời Ăngkor mang một sắc thái vô cùng độc đáo. Tuy chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng các kiến trúc Khmer thời kì này không những không giống với bất kì kiến trúc nào của Ấn Độ và của các dân tộc khác cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, mà còn đạt được những thành tựu kì diệu mà các nền kiến trúc kia không hề có. Chính vì vậy mà một số kiến trúc Khmer thời Ăngkor, như Ăngkor Vát (thường được gọi là Đế Thiên) và Bayon (thường được gọi là Đế Thích) được coi như là những kì quan của nhân loại.

Ăngkor là cả một thời kì huy hoàng nhất của dân tộc Khmer kéo dài từ năm 802 đến năm 1431. Nhưng, nói tới Ăngkor là người ta nghĩ ngay đến một đô thị với những đền tháp kì vĩ - niềm tự hào của nền nghệ thuật kiến trúc không chỉ của dân tộc Khmer mà còn của cả  nhân loại. Lịch sử của Ăngkor là lịch sử hình thành, phát triển và hoàn thiện kiến trúc độc đáo có một không hai của người Khmer -đền núi.

Kiến trúc Ăngkor ở Campuchia, nói đúng ra là một hệ đền đài với cô số những quần thể của nhiều thế kỉ khác nhau, được dựng lên nối tiếp nhau tại thủ đô của nhà nước này, với hai đỉnh cao nhất là khu đền Ăngkor Vát và khu tường thành Ăngkor Thom cùng với tâm điểm của nó là khu đền Bayon.

Có một điều cần lưu ý là không nên xem xét riêng rẽ hai kiệt tác kiến trúc trên đây mà cần hình dung rõ nét toàn cục cả một nền kiến trúc Ăngkor, trong đó có cả một hệ kiến trúc đền đài nổi lên bên cạnh nhau hoặc trùm lấp lên nhau qua những biến động khắc nghiệt của lịch sử. Chúng ta cũng cần hình dung được một bản đồ quy hạch thành phố Ăngkor cổ xưa với vị trí của từng quần thể một kèm theo thời gian ra đời của chúng. Trên cơ sở như vậy đi sâu vào tìm hiểu Ăngkor Vát và Ăngkor Thom sẽ dễ dàng hơn.

Nghệ thuật Khmer phát triển rực rỡ nhất trong khoảng thời gian từ cuối thế kỉ VI đến thế kỉ XIII. Trong khoảng thời gian này, sức bật mạnh mẽ nhất được thể hiện vào thế kỉ X ở khu vực phía Bắc hồ Tônle Sáp và hội tụ lại ở Ăngkor, tâm điểm của đất nước, từ thế kỉ X trở đi.

Trước đó, từ thế kỉ I đến thế kỉ VI đã tồn tại một vương quốc Phù Nam với nền văn hoá chủ yếu lấy đạo Balamon làm chỗ dựa, nhưng bên cạnh đó cùng tồn tại Phật giáo, đạo Xiva và đạo Vixnu. Thời kì này, gỗ là vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi.

Sau thế kỉ VI, một trang sử mới của nghệ thuật Campuchia được bắt đầu với những tính chất sau:

- Vật liệu xây dựng bền vững hơn, dùng đá là chủ yếu.- Quy mô công trình to lớn hơn, do tác động mạnh mẽ của tôn giáo và các triều đại vua chúa.

Khi Vương quốc Phù Nam suy yếu, Hạ Campuchia được tiếp sức thêm bởi những người Campuchia đến từ khu vực Trung Mêkông, thành phố Xambor Prâycuc được Ixaravacman I dựng lên với những ngôi chùa của nó, đã xác định một phong cách Xambor. Tiếp đến là một thời kì loạn lạc và nhà nước cũng như nghệ thuật chỉ được phục sinh từ sau thế kỉ IX với sự lên ngôi của nhà vua Jayavacman II. Đây chính là kỉ nguyên mới của những kinh đô mới và những công trình kiến trúc mới.

Năm 802 Jayavacman II, người sáng lập ra triều đại Ăngkor, từ Giava về và lên ngôi vua. Ông đã cho xây dựng thủ đô Mahendraparata ở Phnom Kulen, núi của vị thần vua vĩ đại. Ông là người đặt nền tảng cho tục thờ thần  vua ở vương quốc và đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn ở Bantay Prai Nokor, ở Roluos và đặt chiếc linga thiêng của quốc gia ở Phnom Kulen. Trong các công trình kiến trúc của mình, Jayavacman II đã thể hiện mô hình núi vũ trụ Meru. ĐẶC biệt tại một trong những kinh đô của mình là Amarenrapura, ông xây dựng một kiến trúc hình kim tự tháp bậc với năm tháp trên đỉnh - tiền thân của các đền núi Khmer sau này.

Sự thể hiện thực sự rõ nét của đền núi Khmer chỉ bắt đầu từ cuối thế kỉ IX tại thủ đô đầu tiên Hariharalaya. ĐÓ là ba kiến trúc nổi tiếng Preah Kô (năm 879), Ba công (năm 881) và Lôlây (khoảng cuối thế kỉ IX). Preah Kô là một nhóm gồm 6 ngôi đền xếp thành 2 hàng (mỗi hàng 3 tháp), xung quanh có tường và hào nước bao quanh. Cả 6 kiến trúc đều nằm trên một nền phẳng hình vuông. Trong mỗi đền đều có tượng thờ các vị tổ tiên của vua Indravacman (887-889). Toàn bộ các kiến trúc đều bằng gạch.

Sau Xambor Prâycuc, đoạn mở đầu của thời kì tiền Ăngkor (nửa đầu của thế kỉ VII) sau phong cách Prâykmeng (nửa sau thế kỉ VII) là Kômpng Prêa (nửa đầu thế kỉ VIII) thời kì Ăngkor nổi tiếng đã đưa nghệ thuật Campuchia đến một chân trời cao rộng hơn cùng với việc định hình những công trình kiến trúc truyền thống. Đền núi có thể đã xuất hiện vào lúc này với những trang trí điêu khắc hết sức sống động, đến nỗi, có nhà nghiên cứu cho rằng, những tổ hợp này như bắn ra khỏi khuôn mẫu.

Những sự kiện lịch sử liên quan đến việc xây dựng các thủ đô mới, các công trình kiến trúc lớn từ sau thế kỉ IX trước khi có Ăngkor Vát và Ăngkor Thom là:

Đầu thế kỉ IX, Giayavacman II đã lập nên kinh đô mới ở Haruhalai và xây dựng các  công trình Bacong (năm 881), Pracô, Lôlây.

Cuối thế kỉ IX, Yaxoovacman xây dựng Yaxôkharapura hay là Ăngkor thứ I. Thành phố này có dạng hình vuông, mỗi cạnh 4 km hầu như ngày nay còn lại rất ít dấu vết, nhưng ở giữa có công trình tháp Pnôm-Bakheng (năm 890) rất lớn (một kiểu tháp vó 5 bậc cách đều nhau, tầng trên cùng có 4 tháp nhỏ xung quanh và một tháp cao ở giữa, đứng ở phía nào cũng thấy 3 ngôi tháp tượng trưng cho 3 vị thần núi Mêru).

Thế kỉ X, Giayavacman IV lại xây đựng thủ đô mới (năm 928) ở Linhgapura với diện tích khá lớn (35 km2), trong đó có toà tháp Prăng nổi tiếng (các cạnh đáy lớn mỗi chiều 62 mét) và sau đó, dời đô sang Ăngkor, xây dựng Prâyrup (năm 961) và Phimêanakax. Giayavacman V cũng xây dựng tại Ăngkor đền Bânty Xây (năm 961), một công trình xinh xắn bằng thạch đỏ, trang trí tuyệt mĩ, đặc biệt là điêu khắc vũ nữ, trông cả khối kiến trúc đẹp như một đồ trang sức lộng lẫy.

Vào thế kỉ XI, khu vực Ăngkor được mở rộng thêm với những mạng lưới kênh tưới rất hoàn thiện và được điểm tô thêm bởi các tác phẩm kiến trúc lớn Baphuon (năm 1060).

Tiếp đó là thời kì xây dựng kiệt tác lớn nhất của nền kiến trúc Khmer Ăngkor Vát vào thế kỉ XII (do Xuriavacman 11 chủ trì thực hiện) rồi đến thời kì xây dựng kiệt tác kiến trúc lớn khác là Ăngkor Thom (mỗi chiều 3 km) với trung tâm là điện Bayon, vào thế kỉ XIII (do nhà vua Jayavacman VII xây dựng).

Trước khi chấm dứt một thời kì phồn thịnh mà những kì tích còn lại của nó đã làm cho thế giới hiện đại phải kinh ngạc, người Khmer còn xây dựng nền Niêcpan, viên ngọc sáng phát ra những tia cực kì rực rỡ cuối cùng mà sau đó kỉ nguyên Ăngkor sẽ khép lại trong nhiều thế kỉ. Văn minh Ăngkor suy sụp từ sau khi thủ đô đất nước này chuyển về Pnôm Penh (1432).

Như vậy, những đối tượng nghiên cứu về mặt kiến trúc giá trị nhất của Campuchia thời kì này đều gần như tập trung ở Ăngkor do nhà vua Yaxôvacman (889-900) đặt những nền móng ban đầu.

Bị lãng quên trong những cánh rừng già bạt ngàn vùng Siêm Riệp phía Bắc Đại Hồ từ sau khi bị Thái Lan xâm chiếm năm 1432, ngày nay Ăngkor đã làm cho thế giới phải giật mình đến nỗi có người cho rằng đó là những tác phẩm của nhà trời.

Người ta đã ghi công cho Buiơvô vào năm 1856 và Muhô vào năm 1861, đã phát hiện ra Ăngkor. Tiếp đến là Đơlapooctơ, Fuôcnêrô, Ruphigôt... biết bao người đã hành hương đến đó. Rồi, trường Viễn Đông Bác Cổ cũng từng giành cho mình cái quyền đặc biệt được nghiên cứu những di tích lịch sử vĩ đại này.

Tuy vậy, cũng nên biết rằng, trước những người được coi là ''khai phá'' Ăngkor nói trên tới tám mươi năm, đã có một nhà thơ Việt Nam đặt chân đến Ăngkor. Đó là nhà thơ Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Ông đã thăm viếng Ăngkor vào khoảng năm 1786.

Trong tập Cấn trai thi tập của Trịnh Hoài Đức ta thấy ngoài những câu thơ tả cảnh tả tình, còn có những bài như Đi Chân Lạp nhớ gửi Hoàng Ngọc Uẩn viết rất rõ về Ăngkor Vát:

''Thành đá cổ với di tích chôn chuông, hăng say đến nỗi khảo sát. ..''.

Trong Cấn trai thi tập còn có chú thích như sau: ''Thành đá'' phía Tây Nam nước Cao Miên, giữa núi rừng hoang vu có chùa Đế Thích là nơi người tu thành Phật. Từ đó đi một ngày đường đến một thành xa tương truyền là thành nhà Đại Tần của nước Tây Nhung xưa. Chữ đề trên biển đầu tiên mất, những cung điện, bao lơn, hành lang toàn bằng đá trắng chạm trổ tươi sáng, tinh xảo. Người đi trên dân nghe như tiếng chuông, giữa khoảng trống có máy đeo chuông, khi người bước chân lên đá thời máy động, chuông kêu''.

Ngoài việc đánh giá cao nghệ thuật kiến trúc Campuchia, Trịnh Hoài Đức còn có những câu thơ nói về mối giao hảo có từ lâu đời giữa hai dân tộc: ''Miên - Việt một nhà thân thiết nhau...''

Theo dõi quá trình phát triển của nghệ thuật Ăngkor, chúng ta không thể không chú ý đến quá trình chuyển động của những cố đô của Campuchia.

Trước Yaxôvacman, thủ đô Khmer vốn đặt gần Kôngpông Thom hiện nay, ở bờ phía Tây hồ Tonle Sáp (với Xambor Prâycuc).

Tiếp đó, vào thế kỉ IX, thủ đô lại được chuyển dịch đến gần thành phố Rôluôx bây giờ và mang tên là Haryharalaya (nơi ra đời của Bacông, Prêa Kô và Lôlây).

Sự chuyển dịch cuối cùng để đến được Ăngkor là do Yaxôvaman con của Indravacman I thực hiện. Đặt ở một vị trí chéo về phía Tây Bắc của Haryharalaya 15 km,  cách Siêm Riệp ngày nay 8 km, Ăngkor khi đó mang tên Yaxôđharapura.

Yaxôđharapura có dạng hình vuông, mỗi chiều 5 km, với các cạnh là những tường đất cao, phía ngoài có hào nước, ở giữa khu thành này là Pnôm Bakheng đặt trên một đồi đất cao tự nhiên.

Có nghiên cứu cho rằng lúc bấy giờ sông Siêm Riệp đã lượn tới phía Đông của khu vực này sau khi đã cung cấp nước cho một hồ nước có kích thước 0,8 km x 7 km mang tên là Baray Đông; Baray Đông ngày nay đã khô cạn nhưng dấu vết của nó trên tổng mặt bằng khu vực Ăngkor chiếm một diện tích không nhỏ.

Thành phố Ăngkor sơ kì chỉ tồn tại có khoảng ba mươi năm, và sau đó Jayavacman IV đã rời đô đến Sôcgagiar (ngày nay còn di tích Kôker) ở phía Bắc đất nước.

Lại thêm một lần nữa trở về cố đô Yaxôđharapura với sự đăng quang của Rajendravacman, người thừa kế thứ hai của Jayavacman IV. Lần này trung tâm thủ đô hơi dịch vế phía đông một chút ít.

Một kì công khác của Uđayađitivacman II và những người cùng thời của ông, ngoài Baphuon ra còn là các kênh tưới và hồ nước để tưới tiêu cho đồng ruộng.

Những hồ nước này được các đê đất chắn xung quanh sẽ cung cấp nước cho những hệ thống kênh tắm mát cho đồng ruộng. Các kênh tưới này cũng cung cấp cho những hào nước vây xung quanh đền đài. Vào thời đại Baphuon hồ Baray Tây (cạnh dài 8 km, cạnh ngắn 2,2 km) ở về phía Tây thành phố, là hồ nước lớn nhất, và cho đến bây giờ vẫn còn nước.

Để bảo đảm tính liên tục của lịch sử nghệ thuật trước khi dựng lại ở phong cách Ăngkor Vát và phong cách Bayon, cần phải đề cập ít nhiều đến Baphuon. Đây chính là những viên ngọc lớn nhất trong chuỗi vòng quý Ăngkor.

Baphuon tác phẩm tiêu biểu của kiến trúc Campuchia vào nửa cuối thế kỉ XI, chỉ được xây dựng trong một thời gian khá ngắn (khởi công năm 1049 - hoàn tất năm 1060). Nó đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể so với những triều đại trước trong việc xây dựng những đền núi, một loại công trình rất đặc trưng của kiến trúc Campuchia.

Baphuon là một loại đài kỉ niệm của vua chúa có dạng hình kim tự tháp, với ba bậc cấp mỗi bậc có hành lang bao xung quanh bảo vệ bên trên có những tháp tam giác và những toà sảnh đối xứng trục.

Toàn thể công trình được đặt trên một lũy đất phía trước là một toà tiền sảnh ra vào một con đường lát đá.

Ở Baphuon sự hài hoà thống nhất đạt đến trình độ hoàn thiện bộc lộ qua sự hương quan giữa ba tầng của tổng thể cũng như ở mối liên hệ giữa các chi tiết cột và cuốn cửa của những dãy hành lang duyên dáng. Sự thống nhất đó đã khiến cho một số nhà nghiên cứu cảm giác rằng toàn bộ tác phẩm này được người Khmer đương thời hoàn thành liền “trong một hơi thở”.

Những phù điêu của Baphuon miêu tả các cảnh trí trong huyền thoại tôn giáo, trong các bản trường ca cũng như trong các sinh hoạt dân gian, cảnh những thiếu nữ xinh đẹp đang tắm, hay những sinh vật như bò, lợn, ngựa đang nô giỡn. Sự thụ cảm thế giới xung quanh của con người Campuchia lúc bấy giờ đã được phản ánh một cách chân thực vào những phù điêu sống động đó.

Một số bộ phận kiến trúc ở Baphuon chẳng hạn như những dãy hành lang, chắc chắn là những bản mẫu cho Ăngkor Vát sau này, làm điểm tựa cho các công trình sau nó có thể vươn tới mức hoàn thiện cao hơn nữa.

Là một kiệt tác của kiến trúc Khmer, nhưng có thể do xây dựng trong một thời gian ngắn và do tính toán chịu lực không kĩ càng, Baphuon có một số bộ phận trục trặc; chỉ sau khi Baphuon hoàn thành việc xây dựng được ít lâu, tầng trên cùng của nó bị sập, tiếp theo là hiện tượng cát chảy xảy ra đối với những hành lang dưới, tại những khe hở do nứt nẻ.

Hai thế kỉ sau, kể từ khi Baphuon ra đời, người ta muốn hồi sinh cho nó. Nhưng với những bức tường chắn quá yếu, và một vài nhà xây dựng đã thay những dầm lanh tô đá bằng gồ, nên xảy ra hiện tượng uốn... Chỉ đến ngày nay, với kiến thức khoa học xây dựng hiện đại, người ta mới có thể trả lại cuộc sống nguyên vẹn cho công trình này. Cuối những năm sáu mươi của thế kỉ XX, các nhà phục chế đã hi vọng có thể làm được một công việc gì lớn cho Baphuon nhưng rồi diễn biến của tình hình đã không cho phép họ thực hiện cho đến tận hôm nay.

Tiếp theo, với quy mô rộng lớn hơn, với tầm vóc đồ sộ hơn, với tư duy sâu sắc hơn, Ăngkor Vát đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đền núi đã bước vào lịch sử văn minh của nhân loại vào nửa đầu của thế kỉ XII, sau gần bốn mươi năm xây dựng dưới triều vua Xuriavacman II (1113-1152).

Ăngkor Vát là một quần thể kiến trúc hình chữ nhật kích thước 1,3 km x 1,5 km, xung quanh có hào nước bao bọc, chiều rộng hào tới 200 mét, có con đường lát đá ở lối vào chính dài tới 350 mét, và ngôi tháp cao nhất trong hệ thống tháp cao tới 65 mét.

Lối vào chính của Ăngkor Vát đặt ở phía Tây khác với lối vào của các đền Ăngkor khác thường đặt ở phía Đông. Điều đó có thể là do Ăngkor Vát là đền thờ thần Vixnu nên phải dựa trên cơ sở cũ của thánh đường nguyên sơ của đạo này, cũng có thể là do lối vào phải đặt gần Ăngkor Thom, cung điện của nhà vua, để bảo đảm lưu tuyến ngắn nhất.

Sau khi qua một cổng tam quan và trước khi bị lôi cuốn bởi những hình khối kiến trúc kì lạ của công trình, người ta phải đi lên một cái cầu lát bằng những tấm đá lớn. Ở đây có hai hàng lan can tay vịn tạo hình những con rắn Naga đặt cách nhau đều đặn trên các trụ.

Những người xây dựng Ăngkor Vát thời kì này đã biết dùng các thủ pháp kiến trúc đáng chú ý như xây dựng sân nghỉ phình ra hai bên đường cách nhau đều đặn để phá bỏ các cảm giác đơn điệu thường xảy ra trên những đoạn đường dài và thẳng. Hai bên những sân này được trang trí bằng những con rắn bảy đầu chung nhau một mũ, luôn luôn vươn lên một cách kiêu ngạo.

Cảm giác đang đi phiêu diêu trên một chiếc cầu treo hay trên một chiếc thuyền khi dạo bước trên chiếc cầu lát đá này đã thấm sâu vào khách hành hương và trở thành một thành công bước đầu của toà kiến trúc này.

Ở giữa cầu, chênh vênh trên làn nước và đối xứng qua con đường lát đá là hai ngôi đền nhỏ, trước đây có lẽ là những thư viện bên đường.

Điểm kết thúc của con đường này sẽ là nơi người ta ''giũ sạch bụi trần'' để bước chân vào, “thế giới thần thánh” đã được vật chất hoá bằng những hình tượng kiến trúc.

Phần chính của Ăngkor Vát là một quần thể kiểu sân trong, một hình thức kiến trúc chỉ có ở những nước nhiệt đới. Tổ chức kiểu tập trung với tầng lớp hành lang và tháp này bao lấy tầng lớp hành lang còn tháp khác nâng cao lên, đến lượt các bộ phận cục bộ của nó ở dọc trục chính lại chia ra nhiều sân trong khác; gây nên một cả giác vừa đa dạng vừa hài hoà.

Có thể thấy ở Ăngkor Vát một bút tháp nghệ thuật hết sức siêu việt đặt trên một hệ kích thước vật lí đồ sộ.

Giăng Vatxilium, nhà nghiên cứu Hi Lạp trong cuốn Ăngkor, đã viết: ''Những kích thước đồ sộ nó biểu hiện với tư cách một tổng hợp hình thể một sự vươn lên kì lạ, một sự hài hoà và tỉ lệ không gì so sánh nổi và một tầm vóc rộng lớn không thể tưởng tượng được''.

Xuriavacman II là nhà vua Khmer đã đôn đốc việc xây dựng nên công trình nhà trời này để thờ thần Vixnu.

Vào thời kì Ăngkor Vát được xây dựng ở bên phương Tây, nếu các hàng hội thị dân tạo nên được những nhà thờ Gôtich vươn theo chiều cao, dù siêu thoát đến đâu con người vẫn ít nhiều cảm thấy là mình có phần nào nắm bắt được hình thức văn hoá vật chất đó, thì ngược lại ở phương Đông xa xôi này những người nghệ sĩ Khmer đã tạo nên được những hình khối to rộng tưởng như không thể đo đạc nổi.

Việc vật chất hoá những khối đá bền vững thành một quần thể kiến trúc đồ sộ và gắn cho nó một sức sống kì diệu như vậy lại bắt nguồn từ một quan niệm về vũ trụ của người Khmer đương thời.

Công cuộc khôi phục di tích Ăngkor

Trên diện tích gần 200 km2 các vị vua Khmer ngày xưa đã cho xây dựng một chuỗi cung điện vĩ đại và tuyệt đẹp. Nghệ thuật chạm khắc đá ở đây là một nền nghệ thuật ít nơi nào trên thế giới sánh kịp. Chung quanh Ăngkor có cả một hệ thống kênh đào và hồ nước bảo đảm việc tưới tiêu cho những cánh đồng có khả năng sản xuất 150.000 tấn lúa mỗi năm.

Các hoàng tử, nhà truyền giáo và thương nhân Ấn Độ đã đến vương quốc Khmer cổ và cư ngụ tại đây. Người Khmer đã tiếp thu những lợi ích văn hóa không nhỏ từ sự giao tiếp này: nắm vững tiếng Phạn, tiếp thu được các kiến thức thiên văn, toán học, kỹ thuật để hòa hợp chúng vào vô số các hình thức khắc nổi trên tường Ăngkor Vat, vào đường ren đá trên các cửa, vào trụ tường và vào các dải trang trí tinh tế, trang nhã và kiều diễm.

Ăngkor Vat được xây dựng dưới vương triều quốc vương Khmer Xuryavaman II vào thế kỉ XII. Khu đền này gồm ba khu thềm lớn hình vuông, khu thềm này nằm lọt trong khu thềm kia. Ở tâm các khu thềm là một ngôi đền mà chỉ có Quốc vương và các cận thần mới được vào Ngôi đền trung tâm hình tháp cao gần 75 mét và được bốn ngôi tháp-đền khác vây quanh. Trên tường các khu đền và các hành lang mô tả những cảnh trích từ các huyền thoại, các truyền thuyết Ấn Độ giáo cũng như diễn tả các sự kiện lịch sự.

Sa sút trong sản xuất lương thực và những cuộc tấn công thường xuyên của người Xiêm là nguyên nhân gây ra sự suy vong của Ăngkor. Năm 1431, người Xiêm chiếm thủ đô cổ của người Khmer là Ăngkor Thom và sau đó vai trò thủ đô đã chuyển sang Phnôm Pênh. Tổ hợp hùng vĩ những ngôi đền đã bị bỏ rơi trong những cánh đồng nhiệt đới rậm rạp.

Sức bào mòn của khí hậu nhiệt đới đã tác động lớn lao đến các khu đền này. Các khe nứt xuất hiện trên các cột và các mặt tiền do nước thẩm thấu, do gió bào mòn và do thực vật nhiệt đới xâm nhập làm nứt vỡ đá đã gây ra hư hại lớn.

Tổ hợp trung tâm bị thiệt hại hơn cả vì các đầu cột ngấm nước và các đơn nguyên sàn đá bị lún xuống đất. Ấu trùng của các loài côn trùng từng làm tổ trong đất và đá, làm yếu các cột chính. Những bầy dơi đã để lại một lớp phân dày trên sàn và cột. Sự phát triển của rêu và địa y cũng góp phần làm sự hư hại diễn ra nhanh chóng hơn.

Năm 1868, những người lính Pháp đầu tiên đến Ăngkor vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy những rễ cây bông gòn to, phủ trắng tường thành như cả đàn mãng xà. Rễ cây cổ thụ chọc thủng và xô ngã lần lượt từng mảng tường nặng hàng tấn. Tuy nhiên, khi dùng dao phạt dây leo, các nhà khảo cổ có thể nhìn thấy những khuôn mặt tượng thần hiện ra với những nụ cười bí ẩn vạn cổ.

Công việc khôi phục nụ cười Ăngkor đã được khởi đầu vào năm 1908. Từ thập niên 60, Becna Philip Groxlie đã cùng hàng ngàn người với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu của Campuchia như Ôum Vông cùng 80 người của tình nguyện, khôi phục nụ cười Ăngkor. Họ đã phát hiện ra 11 đầu tượng giấu kín trong rừng già trong số đầu 21 tượng thần khổng lồ giữ cửa đền Ăngkor Thom đã bị chặt cụt do bọn buôn lậu và trộm cướp.

Tuy nhiên, vào đầu thập niên 70 công việc bị bỏ dở vì chiến tranh. Các tượng thần Apxara bị nhiều vết đạn xuyên thủng, tường thành bị đạn liên thanh làm rơi ra nhiều chỗ. Đến Phnôm Bakheng là chỗ lí tưởng nhất để chiêm ngưỡng cả 5 tháp Ăngkor Vát nhô lên trên rừng rậm nhiệt đới lại bị thiệt hại nặng nề nhất. Quân Khmer đỏ đã từng dùng mìn phá hủy một số nơi, trong đó có tháp Bayon lừng danh. Ăngkor là trại lính và quân trưởng, rồi trở thành nơi tạm trú của dân tị nạn. Trận bão năm 1989 đã làm bật gốc hàng trăm cây cổ thụ, xô sập nhiều tường thành. Việc khôi phục các mảng kiến trúc Ăngkor trở thành việc không đơn giản. Một ủy ban quốc tế về Ăngkor được thành lập, tập trung hết kiến thức của mình về Ăngkor, tích lũy hiểu biết của nhân loại về Ăngkor cho Viện Bản tàng Guimê (Pháp). Hiện nay, rất nhiều tổ chức trên thế giới đang xem xét việc khôi phục Ăngkor là trọng trách của mình, nhất là UNESCO, nhưng có lẽ phải đến cuối thế kỉ XX, Ăngkor mới thực sự bình yên giữa rừng già để đón chào du khách.

Năm 1983, Ấn Độ và Campuchia kí kết hiệp định ủy nhiệm cho các chuyên gia Ấn Độ tiến hành việc phục chế Ăngkor Vat bằng cách tháo rời một số bộ phận của tổ hợp Ăngkor Vat và xây dựng lại từ cột đến các tấm lát. Các cần cẩu nâng các công trình lên cho các kĩ sư gia cố móng.

Năm 1988, các chuyên gia Ấn Độ phục chế cổng chính dẫn vào tổ hợp các khu đền và các hành lang trên tường khắc chạm những trận đánh giữa các vị thần và quỷ. Năm 1989 xây dựng lại ngôi nhà đã bị phá huỷ trước đây được dùng làm thư viện, sau đó là việc đào hồ và xây cất các bậc đá dẫn xuống con hào ở bên trái cổng Tây.

Tập đoàn xây dựng YTL Corp của Indonesia sau khi thắng thầu trong việc trùng tu lớn và xây dựng hạ tầng tại khu vực Ăngkor đã đầu tư 760 triệu USD để thực hiện một đề án phát triển du lịch trong 10 năm ở Campuchia.

Đề án bao gồm việc phát triển khu di tích Siêm Riệp và hai khách sạn sang trọng cùng tổ hợp khu văn hóa lớn, việc kiến trúc tập trung vào phong cách Khmer. YTL đã cho xây dựng và tái tạo lại luồng âm thanh và ánh sáng huyền ảo như nguyên thủy trong một số gian phòng nội thất ở Ăngkor Vat. Campuchia còn dự định phát triển khu du lịch rộng 1.092 ha ở phía Đông Nam khu đền Ăngkor.

Trải qua nhiều thập niên chiến tranh liên miên, do chính sách cự đoan của Khmer đỏ, nạn trộm cắp và tệ nạn khai quật bừa bãi... các di sản văn hóa vĩ đại của đất nước Chùa Tháp đã bị phá hủy một cách nặng nề.

Năm 1975, Khmer đỏ đã tiến hành hủy diệt toàn bộ di sản của nền văn hóa cũ mà chúng cho là thấp kém bằng việc đập phá các đền đài, chém giết tầng lớp trí thức và đốt bỏ các thư tịch cổ xưa.

Sau khi đánh đuổi được Khmer đỏ, chính phủ Phnôm Pênh đã đưa ra một đạo luật bảo vệ di tích vào năm 1986 với những điều khoản chung chung. Hội đồng dân tộc tối cao không công nhận luật này nhưng cũng không đưa ra một đạo luật nào về bảo vệ di tích.

Hiện nay, ở Campuchia không còn nhiều người có hiểu biết đầy đủ về các biện pháp bảo vệ di tích. Đây là một công việc hết sức phức tạp, bao gồm việc bảo vệ các bảo tàng, các di tích, kiểm tra của hải quan và cảnh sát, giáo dục ý thức bảo vệ di tích, quy định về buôn bán đồ cổ... Trong tình trạng hiện nay ở Campuchia thì một ngân hàng khổng lồ cộng với sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành với một lực lượng nhân sự đầy đủ khả năng trình độ tri thức và chuyên môn nghiệp vụ là một yêu cầu xa xỉ. Vì thế, các cổ vật bằng đá trong quần thể kiến trúc Ăngkor và các ngôi đền thế kỉ XIV ở khắp miền Tây đất nước đã dần dần mất đi. Những đường dây buôn lậu đồ cổ quốc tế đã tẩu tán sang Thái Lan những pho tượng với giá trung bình mỗi tượng cổ là 150.000 USD. Điển hình là hàng trăm pho tượng của Phòng Bảo tồn Ăngkor ở Siêm Riệp, đầu của 60 tượng vũ nữ Apxara trên tường các ngôi đền ở Prean Khan thuộc di tích Ăngkor đã bị mất. Chính vì vậy điều cấp bách hiện nay là cần có những biện pháp tích cực, cứng rắn nhất để giữ gìn những di sản quý báu của cả dân tộc Khmer.

Một số khu bảo tồn quốc gia hiện nay ở Campuchia

Do có luật đầu tư nước ngoài cởi mở, các nhà doanh nghiệp đang chờ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch to lớn của Campuchia.

Ở thành phố Xihanúcvin chính phủ dự định thực hiện một dự án tổng hợp để biến thành phố cảng này trở thành một thành phố cửa ngõ quốc tế thứ hai của Campuchia. Và chính phủ cũng đã có kế hoạch xây dựng một khu vui chơi giải trí và sòng bạc với kinh phí lên đến 500 triệu USD chủ yếu dành cho du khách Thái Lan giàu có (trước đây vẫn sang du lịch và Malaysia).

Tên

Diện tích (ha)

Tỉnh

1. Khu công viên quốc gia.

Kiriom

35.000

Kampong Spev

Phnom Bokor

140.000

Kampot

Kep

5.000

Kampot

Ream

21.000

Sihanukville

Butum Sakor

171.250

Kampot và Sihanuk Ville

 

 

 

Virachy

37.000

Rattanakkiri Stung Treng

2. Khu bảo vệ động vật hoang dã.

Aural

253.750

Koh Kong, Kampong,

Kampong Spev

Beng Per

242.000

Kampong  Thom

Phom Samkos

333.780

 

Roniem Paun Sam

178.750

Battambang

Kulen Prumhep

402.500

Siêm Riệp và Reab Vihear

Lomphat

250.000

Rattanakiri và Mondolkiri

3. Khu bảo tồn danh lam thắng cảnh.

Ăngkor

10.000

Siêm Riệp

Banteay Chmar

81.200

Banteay Meanchey

Preah Vihear

5.000

Preah Vihear

4. Khu quản lý và sử dụng đa dạng.

Pong Peng

27.700

Koh Kong

Samlaut

60.000

Kampong Chnang, Posat, Battambang, Siêm Riệp

Tonle Sáp

316.500

Siêm Riệp

Tất cả những tài nguyên tự nhiên và nhân văn, cùng với những cố gắng của chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Campuchia tổ chức được nhiều hình thức du lịch như: du lịch văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, du lịch lễ hội, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái... Trong những năm tới nếu những tài nguyên này của Campuchia được khai thác một cách hợp lí, Campuchia sẽ trở thành một điểm đến lí tưởng cho khách du lịch quốc tế.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2948-02-633558848044531250/Tai-nguyen-du-lich-cua-Campuchia/Quan-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận