Tài liệu: Canada - Phim ảnh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khi khán giả đi xem phim, người ta thường nghĩ đến Hollywood. Người Canada đã nhiều năm thưởng thức và hỗ trợ cho các phim Mỹ,
Canada - Phim ảnh

Nội dung

Phim ảnh

            Khi khán giả đi xem phim, người ta thường nghĩ đến Hollywood. Người Canada đã nhiều năm thưởng thức và hỗ trợ cho các phim Mỹ, chấp nhận những hình ảnh, chủ đề và câu chuyện mà những bộ phim này giới thiệu. Năm 1922 một trong những nhà sản xuất phim tiên phong của Hollywood, Lewis Selznick, được hỏi về triển vọng của của điện ảnh Canada. Ông đã nhận xét: “Nếu như những chuyện ở Canada đáng để đưa lên phim thì các công ty ở Mỹ đã chuyển hết sang đó để quay phim”.

            Thực tế là từ 1910 đến cuối thập kỷ 1950, các công ty ở Hollywood đã làm hơn 500 cuốn phim truyện về Canada. Con số này gấp 10 lần số lượng phim truyện mà Canada tự làm. Điều mỉa mai là hầu hết những cuốn phim về Canada của Hollywood đều được quay trong phim trường của Hollywood hoặc ở miền quê California! Việc miêu tả đời sống của Canada trong những phim này đều rất khuôn sáo. Trong những phim của Hollywood không hề có những thành phố của Canada. Canada chỉ và một vùng hoang vu, cư ngụ ở đó chỉ có những người tìm vàng, những thợ đốn gỗ, những người buôn lông thú và người da đỏ! Và tất nhiên là luôn luôn có tuyết, tuyết và chỉ tuyết.

            Điện ảnh, Văn hóa và Bản sắc Dân tộc

            Khi nghĩ đến phim truyện, chúng ta thường nghĩ đến khía cạnh giải trí của nó. Phim ảnh là những gì chúng ta xem khi muốn thư giãn và thoát ra khỏi vòng quay của cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên phim truyện và truyền hình có nhiều chức năng hơn và chỉ để giải trí. Chúng cung ứng cho chúng ta những ý tưởng và hình ảnh về thế giới chung quanh. Những chuyên gia về xã hội, khi nghiên cứu về phương tiện truyền thông đại chúng, đã kết luận rằng điện ảnh giúp hình thành và chuyển đi những niềm tin quan trọng nhất, những thái độ và giá trị về mặt xã hội.

            Từ thập kỷ 1920, người Canada đã quan tâm đến những món ăn tinh thần trong truyền thông đại chúng tràn qua biên giới Canada. Và đây quả là một trận lụt. Người Canada đã tiêu phí rất nhiều thời gian để đọc các loại sách báo nước ngoài, nghe nhạc ngoại và xem những cuốn phim cũng như những chương trình truyền hình của nước ngoài. Những phương tiện truyền thông này đã lan truyền và đồng thời chuyển giao văn hóa. Những gì mà phương tiện truyền thông giới thiệu thường mô tả những giá trị và niềm tin khác nhau để làm thay đổi quan điểm và hành động của người xem và người nghe, và có thể làm thay đổi cả văn hóa của họ. Một số nhà bình luận đã cho rằng nền văn hóa của Canada - ít nhất là những gì được thể hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng - là một 'nền văn hóa vô hình'.

            Chính quyền Ra tay

            Qua thời gian, chính quyền Canada đã phát triển nhiều phương cách để hỗ trợ cho nền văn hóa của đất nước này. Trong một số trường hợp, chính quyền sở hữu những cơ sở lớn để truyền bá văn hóa Canada, chẳng hạn như Đài Phát thanh Canada, hay Đài Truyền hình Ontario. Trong những trường hợp khác, chính quyền đã ban hành các luật lệ và qui định, yêu cầu các công ty tư nhân về truyền thông đại chúng truyền đi một lượng tối thiểu các nội dung về Canada. Và sau hết, chính quyền liên bang và chính quyền của các địa phương đã cung cấp một dải rộng những khoản trợ cấp, cho vay và sự khích lệ về thuế để động viên cho việc sản xuất các sản phẩm văn hóa của Canada.

            Ngành Kinh doanh Văn hóa

            Do việc Hollywood đã kiểm soát thị trường phim ảnh ở Canada, hầu hết lợi nhuận từ việc bán vé xem phim và cho thuê băng video đã chuyển qua biên giới phía Nam. Số tiền mà người Canada tiêu tốn cho những phim truyện được chiếu ở Canada đã quay trở về những nhà sản xuất phim tại Hollywood để tái sản xuất thêm nhiều phim nữa. Với sự bố trí kinh doanh và những lợi thế về kinh tế của Hollywood, phim ảnh của Canada sẽ phải cạnh tranh khó khăn với ít thành công nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền.

            Một tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các chương trình truyền hình. Những chương trình truyền hình được sản xuất tại Mỹ với chi phí khổng lồ, đã được bán cho các đài truyền hình Canada với chỉ một phần chi phí đó. Chẳng hạn như tập Beverly Hil1s 90210 chiếu trong vòng một giờ, có chi phí sản xuất là 1 triệu USD. Thế nhưng chương trình này bán sang Canada với giá chỉ khoảng 50.000 USD. Nếu một chương trình tương tự của Canada sản xuất ra chỉ với chi phí 500.000 USD đi nữa, thì điều dễ thấy là tại sao những đài truyền hình Canada sẽ thích mua chương trình của Mỹ hơn là tự sản xuất lấy.

            Chi có khoảng 4% các chương trình kịch ở các đài truyền hình Canada là của người Canada. Điều này phản ánh tính kinh tế của công tác truyền hình, và chi phí cao của việc tự sản xuất chương trình so với việc mua chương trình của Mỹ. Do đó, chính quyền Canada đã qui định cho các đài truyền hình ở đây là phải đảm bảo cho việc chi phí nhiều hơn trong các chương trình của Canada so với trước đây. Chính quyền cũng cho vay và giảm thuế với tổng số gần 100 triệu USD mỗi năm để đài thọ cho việc sản xuất các chương trình kịch của riêng Canada.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2098-02-633492262331406250/Van-hoa---Xa-hoi/Phim-anh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận