CHÙA VÀNG Ở MYANMA (MIẾN ĐIỆN)
Nói tới đất nước Myanma không thể không nói tới Chùa Vàng. Chùa Vàng về quy mô là một trong những tổng thể kiến trúc vào loại lớn nhất của Myanma ở vùng Đông Nam Á.
Theo truyền thuyết, hai nghìn năm trăm năm trước đây có hai nhà buôn tên là Tapusa và Bhaliha từ Ôkhala - một thành phố nhỏ cách Rangun hiện nay không xa, đã tới Ấn Độ và đã gặp Đức Phật, được Phật trao cho bảy sợi tóc vàng. Trên đường trở về quê hương, Vua của một trong những quốc gia mà hai người đi qua lấy đi hai sợi tóc. Sau đó, Vua Rồng lại lấy cắp của họ hai sợi tóc nữa. Tuy chỉ còn ba sợi tóc, nhưng về tới nhà hai nhà buôn vẫn được dân chúng tổ chức hội lễ tưng bừng đón nhận những sợi tóc vàng quý giá của Phật. Thượng đế Sakha cùng bốn vị Nát cũng có mặt trong buổi lễ, tham gia vào việc chọn nơi cất giữ ba sợi tóc vàng và cùng dân chúng xây dựng Sveđagôn. Khi các tráp đựng mấy sợi tóc vừa được đặt vào hòm xá lỵ thì điều kỳ diệu đã xảy ra: đủ cả bảy sợi tóc vàng đều hiện ra. Trước khi nằm yên trong hòm, những sợi tóc bay lên trời tỏa sáng rực rỡ khiến người câm nói được, người điếc nghe được và người bại liệt đi được. Rồi một trận mưa châu báu ngọc ngà trút xuống ngập tới đầu gối mọi người. Chiếc hòm xá lỵ được đậy bằng một hòn đá vàng và trên đó dựng lên một ngôi tháp vàng cao 20m. Ngoài ra, người ta còn dựng sáu tháp khác: tháp bạc, tháp thiếc, tháp đồng, tháp chì, tháp sắt là tháp cẩm thạch. Đây là truyền thuyết về sự kiện đã xảy ra 2500 năm trước đây trên quả đồi Singutara, nơi mà ngôi tháp vàng cao 20m được dựng nên. Chỉ có khảo cổ học mới có thể giải đáp được sự thật của truyền thuyết trên. Thế nhưng, cho đến nay, những cứ liệu đầu tiên đáng tin cậy nói về Sveđagôn lại chỉ có niên đại cuối Thế kỷ XIV. Các biên niên sử cho biết rằng, vào năm 1372, Vua Hantavadi (tức Pegu) tên là Binya U đã phục hồi dựng lại Tháp Sveđagôn nằm gần làng chài Đagôn, do vậy mới có cái tên của tháp có nghĩa là Đagôn vàng hay Đagôn tuyệt mỹ vì trong tiếng Myanma, Sve có nghĩa là vàng, làm bằng vàng, kỳ vĩ, tuyệt mỹ. Các sử liệu cho biết tháp là do Vua Binya U xây cũng cao 20m. Sau năm 1372, tư liệu về Sveđagôn phong phú hơn. Theo các nguồn tài liệu, suốt từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X nhiều trận động đất làm Sveđagôn bị hư hại nặng nên đã nhiều lần được sửa chữa và tu bổ. Cứ sau mỗi lần tu sửa Sveđagôn lại được đẩy lên cao hơn và được làm to hơn.
Trong các Thế kỷ XIV - XV, Sveđagôn thuộc lãnh địa của Vương triều người Môn và được các Vua chúa Pegu rất quan tâm. Đến cuối Thế kỷ XV, sau một vài lần tu bổ, Sveđagôn đã cao hơn 90m. Dưới thời Nữ Hoàng Sinsôbu, vào những năm 1455-1462, quanh tháp, một sân nền có tường và lan can được xây dựng. Như vậy, tổng thể kiến trúc Syeđagôn đã bắt đầu ra đời. Vào năm 1587, một thương nhân người nước ngoài tới Myanma đã viết: "Ở cách Pegu chừng hai ngày đường có một ngôi chùa mà dân Pegu thường hành hương tới. Chùa có tên là Đagôn, cao một cách kỳ lạ và được bọc vàng kín từ trên xuống dưới. Ở đó có nhà cho các sư tăng tụng niệm, ngôi nhà ấy dài năm lần 50 bước chân, bên trong có ba lối đi với bốn mươi chiếc cột lớn thếp vàng, luôn mở cửa cho mọi người. Ngoài ra trong nhà đó còn nhiều cột nhỏ cũng được dát vàng. Cả ngôi nhà, từ trong ra ngoài đều được thếp vàng kín đặc. Nơi đây, còn có những ngôi nhà cho mọi người nghỉ ngơi, cho các tăng sư và tu hành. Các tòa nhà đó đầy những tượng và tượng nào cũng rực rỡ ánh vàng. Tôi nghĩ rằng đây là nơi đẹp nhất trên Thế giới này. Cả ngôi chùa nằm trên cao và có bốn con đường dẫn tới đó. Hai bên các con đường cây cối xanh um tỏa bóng che mát cho mọi người”.
Đến Thế kỷ XVII, tổng thể Sveđagôn vẫn chưa hoàn thành xong, nếu so với ngôi chùa hiện nay chiều cao 99m của tháp được đẩy lên vào thời Kônbaun (năm 1774). Sau đó, chùa còn được tu bổ và xây thêm nhiều công trình lớn nhỏ khác để tạo ra Chùa Vàng ngày hôm nay.
Chùa Vàng là một quần thể kiến trúc nằm trong một khu hình chữ thập (214 x 275m) chạy dài theo hướng Bắc - Nam và cao hơn vùng đất xung quanh 20m. Bốn dãy tam cấp ở bốn mặt từ dưới dẫn tới khu chùa và cả bốn đều được lợp mái che mưa nắng. Dài nhất là tam cấp phía Tây (175m), ngắn nhất là tam cấp phía Nam (104m). Quanh các bậc các sườn đồi, gần các cổng vào chùa, dày đặc những nhà nghỉ dành cho khách thập phương. Ngay ở chân đồi phía cổng Nam hướng vào Thành Rangun, sừng sững hai pho tượng Sư tử (Sinte) cao chín mét.
Tháp lớn nằm chếch về phía Nam khu chùa và là một mẫu hình tiêu biểu cho kiểu tháp Phật giáo Hạ Miến. các bậc nền không tách ra thành tầng mà hòa vào nhau thành một khối phức tạp, chỉ bậc cuối cùng đủ rộng để cho 72 tháp nhỏ đứng vây quanh tháp chính. Giữa các tháp nhỏ đó ken đặc những hình voi, sư tử, những hình Nát (Thần) và Belu (Quỷ). Bốn góc của nền bậc dưới cùng này được trấn giữ bởi các hình quái vật Sinte (ở mỗi góc có 6 hình). Giữa các hướng chính đối diện với các cổng vào khu tháp là bốn kiến trúc cao nhiều lớp mái (người Miến gọi kiểu kiến trúc này là Tezaun). Các Tezaun được trang trí rực rỡ và là nơi chứa nhiều tượng Phật. Trên tầng đầu tiên, bao quanh khối trung tâm của tháp (phía trên 72 tháp) là 64 ngọn tháp cao từ 3 đến 4m, trong đó ở chính giữa bốn mặt là bốn ngọn tháp to hơn, cao hơn các tháp bên cạnh. Tầng nền đầu tiên này là lối đi duy nhất xung quanh tháp. Từ nền này trở lên là cả một khối tháp hình chuông khổng lồ vàng rực.
Nói tới tháp chính mà bỏ qua phần đỉnh (ti) của nó thì quả là một thiếu sót lớn. Phần đỉnh của tháp chính được làm vào năm 1871 theo mô hình cũ vốn có. Hiện nay, phần đỉnh của tháp cao mười mét, gồm bảy vòng vàng. Trên Thế giới, không có một kiến trúc nào được làm bằng nhiều vàng như Sveđagôn. Bên cạnh 9300 lá vàng (mỗi lá 30cm x 30cm) với tổng trọng lượng là 500kg phủ kín mặt tháp, phần đỉnh của tháp được tô điểm bằng nhiều đá quý trong đó có hàng trăm viên kim cương và hồng ngọc cùng nhiều chuông vàng, chuông bạc. Có lẽ, giá trị lớn nhất của tháp là cái trụ. Cả cái trụ bằng bạc đội một quả cầu vàng đường kính 25cm và được khảm bằng 5448 viên kim cương và 2317 viên đá quý. Ngoài ra, còn có 1065 quả chuông vàng và 421 quả chuông bạc được treo trên các vòng đai quanh trụ đỉnh.
Xung quanh tháp chính là một lối đi rộng (chỗ rộng nhất tới 30m, chỗ hẹp nhất 10m), được láng xi măng và đá hoa Ialia. Bên ngoài lối đi này, trong khu vực chùa có rất nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, như hàng chục ngôi tháp, nhiều điện thờ Phật, các tháp chuông, nhà nghỉ, cột thờ...
Sveđagôn quả xứng đáng là Kiến trúc vàng, là niềm tự hào và kiêu hãnh của đất nước Myanma.
TS. NGÔ VĂN DOANH