DESCARTES CHỐNG LẠI ROBERVAL
Tư tưởng về bản tính phổ quát của sức hút đã được phát triển trong các công trình của nhà khoa học Pháp Gilles Roberval (1602 - 1675). Một năm sau cái chết của Galilei (1643) Roberval khăng khăng khẳng định rằng mọi vật thể đều có tính chất ''giống tính chất mà ta gán cho hệ thống thế giới, xét như một toàn thể thống nhất. Tất cả các phần của hệ thống ấy được liên kết nhau bằng thứ lực có cùng tính chất mà nhờ nó mỗi bộ phận đã hợp thành một khối - đó là lực hút tương hỗ lẫn nhau''. Hơn nữa lực hút như thế không cần phải có một môi trường nào và có thể tác động qua các khoảng cách, qua cả không gian trống rỗng''.
Descartes đã kịch liệt phê phán lý thuyết đó. Nếu như nó là đúng, Descartes viết, thì đều đó sẽ có nghĩa rằng không chỉ là mọi hạt vật chất trong Tự nhiên là có linh hồn mà còn rằng trong nó chứa đựng nhiều linh hồn, được lý trí ban tặng. Các linh hồn ấy về thực chất là thần thánh, vì chúng không cần một môi trường nào vẫn có thể biết được cái gì đang xảy ra ở xa chỗ của chúng vô cùng và phát sinh tác động lên chúng...
Trong luận văn ''Những nguyên lý triết học'', xuất bản năm 1644, Descartes thuyết minh lý thuyết của ông: tất cả Vũ Trụ bị choán đầy một thứ vật chất đặc biệt của trời, gọi là plenum, (tiếng La tinh có nghĩa là “choán đầy”) về tính chất giống như một chất lỏng. Vật chất trời này mà các hành tinh quay trong đó, liên tục xoay tròn, như dòng xoáy mà ở giữa là Mặt Trời, và các phần đứng gần Mặt Trời chuyển động nhanh hơn so với các phần ở xa hơn. Các dòng xoáy tương tự, theo Descartes, cũng tồn tại xung quanh các hành tinh, chúng cuốn theo mình các vệ tinh... Lý thuyết dòng xoáy của Descartes đã ''giải thích'' chuyển động tròn của các hành tinh và vệ tinh, được truyền bá rất rộng rãi, đặc biệt ở Tổ quốc của tác giả - nước Pháp.