ĐỘNG LỰC HỌC SAU GALILEI
Định luật quán tính là nền tảng của động lực học mới thay thế lý thuyết cũ của Aristotle. Nhưng quan niệm của Galilei về quán tính còn khá hạn chế hầu như chỉ diễn ra trên mặt Địa cầu, chứ không phải là chuyển động thẳng trong không gian tự do. Ông cũng chưa thoát li được quan niệm phân chia chuyển động thành hai loại, chuyển động tự nhiên và chuyển động cưỡng bức. Chuyển động tự nhiên của các thiên thể chỉ có thể là chuyển động tròn đều như trước đây vẫn quan niệm, mặc dầu không nhất thiết phải quay xung quanh tâm của thế giới (là Mặt Trời theo thuyết nhật tâm mà ông tán thành), mà có thể quay xung quanh các hành tinh bình thường khác. Galilei chưa hoàn toàn đi tới bức tranh thế giới mới.
Định luật quán tính được phát biểu lần đầu tiên là năm 1644, hai năm sau khi Galilei qua đời, bởi nhà toán học và triết học Pháp Ren Descartes (1596 - 1650): ''Nếu vật thể đã bắt đầu chuyển động thì điều đó cũng đủ để nó tiếp tục chuyển động với vận tốc ban đầu theo hướng trên cùng một đường thẳng, chừng nào chưa bị dừng lại hay bị lệch hướng bởi một nguyên nhân nào khác”.
Sau khi đưa ra khái niệm xung lượng (impulsus - tiếng La tinh) hay còn gọi là động lượng, mà theo Descartes thì chính bằng ''tích của khối lượng vật thể và vận tốc chuyển động của nó'', nhà bác học Pháp đã đề xuất lý thuyết đầu tiên về các va chạm của các vật thể. Tuy nhiên do chưa có ý niệm về tính vectơ của vận tốc, và của xung lượng nên Descartes đã đi đến những kết luận sai lầm, mâu thuẫn với tư liệu thực nghiệm. Thế nhưng ông không hề nao núng. Ông khẳng định sau khi trình bày lý thuyết của mình: ''Cứ để cho thực nghiệm chứng tỏ điều ngược lại. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào lý trí của mình nhiều hơn là dựa theo cảm tính''.
Năm 1666, hội hoàng gia London mở cuộc thi chọn công trình xuất sắc về vấn đề va chạm vật thể. Tham dự thi có nhà toán học John Wallis (1616 - 1703), kiến trúc sư, toán học và thiên văn học Anh Christopher Wưen (1632 - l723), nhà nghiên cứu tự nhiên Hà Lan đang làm việc ở Paris Christian Huygens (1629 - 1695). Lần đầu tiên họ đã tính được vận tốc của vật thể sau va chạm và xác lập được tính vectơ của xung lượng. Định luật bảo toàn xung lượng lần đầu tiên có được luận cứ thuyết phục.
Những quan niệm mới của động lực học tỏ rõ ý nghĩa thực tiễn và giá trị lý luận của mình. Dẫu còn xa mới hoàn tất được những gì Galilei đã bắt đầu nhưng người ta đã nhận thức được bằng thời điểm cáo chung của động lực học Aristotle đã đến.