Di chỉ Epidaurus
Di chỉ khảo cổ Epidaurus nằm trong một thung lũng hẹp, rải ra trong nhiều tầng khảo cổ. Di chỉ rộng lớn này chủ yếu là các công trình thờ cúng, bệnh viện thời kỳ Hy Lạp và La Mã và một số nhà cửa dành cho tầng lớp quý tác thượng lưu. Trong đó đặc biệt có nhà hát kịch, được xem là kiệt tác của nền kiến trúc Hy Lạp có từ thế kỷ VI.
Cũng như các nhà hát khác của Hy Lạp cổ đại, nhà hát kịch lộ thiên Epidaurus được xây dựng ở chân đồi. Khán đài của nhà hát có hình bán nguyệt với đường kính 119 mét, gồm 55 bậc vào sườn núi thoai thoải mà lên cao dần, nơi có thể chứa 14.000 khán giả ngồi xem kịch. Từ bậc cao nhất, khán giả có thể thoải mái nhìn xuống một sân hình tròn, đường kính 20 mét gọi là Orchestra, nơi dùng cho diễn viên biểu diễn.
Nhà hát Epidaurus là một trong những nhà hát lớn nhất của đất nước Hy Lạp cổ đại, được giữ gìn và bảo tồn tốt nhất. Nhà hát do kiến trúc sư Polyclete le Jeune, người đã xây mái tròn của đền thờ Asclépios vào nửa sau thế kỷ IV TCN thiết kế và xây dựng.
Khán đài chia làm hai phần trên dưới cách nhau bằng một hành lang rộng để khán giả có thể đi lại theo chiều ngang. Muốn lên hoặc xuống, khán giả đi theo một trong 13 cầu thang chia khán đài dưới thành 12 khu vực, hoặc đi theo một trong 23 cầu thang chia khán đài trên thành 22 khu vực. Trên tận cùng của khán đài có một hành lang nữa. Xung quanh sân khấu tròn có hào bao quanh và ngăn cách bởi hàng ghế đầu, hàng ghế duy nhất có lan can tựa lưng, dành cho các nhân vật quan trọng.
Điều quan trọng là giữa khoảng không bao la như vậy, mà khán giả vẫn nghe rõ từng lời ca, tiếng hát của diễn viên, phải chăng là nhờ những tỉ lệ hài hoà của các thành phần khác nhau trong kiến trúc. Thí dụ chia khán đài thành hai phần. Phần trên 21 bậc, phần dưới 34 bậc. Tổng là 55, nằm trong hằng số Fibonacci. Như vậy mỗi con số đều là tổng của hai số và tỉ lệ của nó (34: 21 và 55: 34) bằng nhau ứng với con số 1,618. Di chỉ khảo cổ Epidaurus được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1988.