Tài liệu: Giáo dục con cái trên quan điểm kinh tế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Điều trước tiên cần nói, là đứa trẻ hoàn toàn không cần những thứ xa xỉ. Ngược lại, điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể cho nó
Giáo dục con cái trên quan điểm kinh tế

Nội dung

Giáo dục con cái trên quan điểm kinh tế

Điều trước tiên cần nói, là đứa trẻ hoàn toàn không cần những thứ xa xỉ. Ngược lại, điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể cho nó, là dạy nó biết khiêm tốn, biết vui sướng trước một sự việc nho nhỏ, biết quý trọng các món quà không phải vì đắt tiền, mà là vì được đem tặng nó với một tình cảm yêu quý. Tất nhiên đứa trẻ phải có những đồ chơi cần thiết. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là biến góc chơi của nó thành chi nhánh một cửa hàng đồ chơi thiếu nhi hoặc một kho phế liệu (trẻ càng nhiều đồ chơi, chúng càng mau chóng đập phá các đồ chơi ấy). trên quan điểm kinh tế, việc dạy con trước hết là dạy chúng quy tắc ba không:

1. Không phải tất cả những gì đứa trẻ trông thấy đều nhất thiết phải trở thành sở hữu của nó.

2. Không phải mọi ý muốn của nó đều lập tức phải được thực hiện.

3. Đứa trẻ phải nghĩ không chỉ tới bản thân nó, mà còn tới những người khác trong gia đình.

Những điều nói trên khá phức tạp ở những gia đình chỉ có một con. Cái làm cho đứa con một này hiểu rằng mặc dù chỉ có mình nó, nhưng hoàn toàn không có nghĩa nó là thành viên duy nhất có đầy đủ quyền hành trong gia đình, còn người khác nếu có quyền cũng chỉ là cái quyền cố đua nhau thỏa mãn các ý muốn oái oăm của nó. Có những ông bố, bà mẹ nhịn ăn, nhịn mặc miễn sao cho đứa con muốn gì được nấy. Lớn lên, đứa trẻ sẽ thành kẻ ích kỷ đáng sợ.

Sẽ rất tốt nếu đứa trẻ sớm biết giá tiền của những đồ vật quen thuộc nhất (đừng ngại cho trẻ đi mua hàng; có vậy chúng mới hiểu bằng tất cả những gì chúng có một cách dễ dàng, đều phải trả bằng những đồng tiền mà bố mẹ đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được). Khi đứa trẻ đã biết điều hòa chi tiêu (điều này xảy ra khi nó khoảng 19 tuổi), có thể cho nó một ít tiền tiêu vặt, để tập nó dần dần quen quản lý kinh tế. Thời kỳ đầu nên kiểm tra sự chi tiêu của nó có thể hỏi nó đã dùng tiền mua những gì, có đủ tiền không, cũng có thể bảo nó lập cuốn sổ chi tiêu.

Từ rất nhỏ, đứa trẻ cần biết trị giá những đồ vật nó dùng hàng ngày: quần áo, đồ chơi, sách vở, dụng cụ thể thao, giấy bút... Không nên để nó quen với cái lối đồ vật gì bị mất, bị hỏng, là tự nhiên được mua thứ khác ngay. Cần dạy nó thấy mỗi đồ vật đều có một giá trị nhất định do công sức của một ai đó tạo nên, còn bố mẹ nó thì củng cố thêm giá trị ấy bằng công sức của mình. Bởi vậy, làm hỏng vật gì, nó phải thấy tiếc. Khi dạy dỗ con cái, phải dần dần loại bỏ bớt khuynh hướng ích kỷ tự nhiên của chúng, khuyến khích chúng tự tay mình tạo nên các giá trị và biết đem lại niềm vui cho mọi người. Cần chú ý sao cho các món quà của chúng tặng bố mẹ và anh chị em không phải là hình thức rỗng tuếch, mà là những thứ phải mua bằng tiền chúng dành dụm hoặc do chúng tự làm lấy.

Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng toàn bộ quá trình giáo dục con cái hiểu biết về kinh tế phải nhằm cho biết các giá trị thực và biết phân biệt giá trị thực với giá trị giả. Nhờ vậy chúng sẽ muốn tự chúng tạo nên các giá trị, chứ không chỉ là những kẻ tiêu xài. Sau này, chúng sẽ vượt qua các gian truân trong cuộc đời một cách dễ dàng hơn, và lỡ nếu có gặp khó khăn về tiền bạc, chúng sẽ không thấy đó là một bi kịch không lối thoát.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4306-02-633737406961902592/Kinh-te-doc-lap/Giao-duc-con-cai-tren-qua...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận