Tài liệu: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành thì nhận được tin quân dân ta giải phóng đường 14 và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975).
Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc

Nội dung

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc

1. Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30-9 đến 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành thì nhận được tin quân dân ta giải phóng đường 14 và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975).

Trong hơn 20 ngày đêm chiến đấu (từ 12-12-1974 đến 6-1-1975), quân dân ta ở Phước Long đã tiêu diệt và bắt sống 3.000 địch, thu 3.000 súng các loại, giải phóng đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975).

Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 2 năm (1975 - 1976) hoàn thành giải phóng miền Nam, được đề ra từ Hội nghị Bộ Chính trị (30-9 đến 7-10-1974). Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “tổng công kích - tổng khởi nghĩa”, phải đánh nhanh, thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Hội nghị Bộ Chính trị của Đảng cuối năm 1974 đầu năm 1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Hội nghị đã phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm chiến lược cao giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ lớn đến. Đó thực sự là ngọn đuốc soi đường dẫn đến đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần 2 tháng vào mùa Xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.

a) Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975)

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng. Nhưng ở đây, quân đội Sài Gòn có nhiều sơ hở, lực lượng của chúng yếu do nhận định sai hướng tiến công của quân ta.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kĩ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên với trận then chốt mỡ màn tiến công Buôn Ma Thuột, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.

Từ ngày 1 đến ngày 9-3-1975, bộ đội Tây Nguyên bí mật triển khai thế chiến dịch, tạo thế bao vây, cô lập, sẵn sàng đánh đòn phủ đầu vào Buôn Ma Thuột; thực hiện tiến công nghi binh quy mô vừa và nhỏ ở Plâycu - Kon Tum nhằm thu hút sự chú ý và lực lượng của đối phương ở đó, đồng thời mở những cuộc tiến công cắt đứt đường 19, đường 21 nối Tây Nguyên với đồng bằng khu V. (ngày 4 - 3); tiến công đánh chiếm khu quân sự Đức Lập – Núi Lửa (ngày 9-3), cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột.

Ngày 10-3-1975, quân ta từ bốn cánh tiến công Buôn Ma Thuột bằng cơ giới, nhằm vào sở chỉ huy sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Sau hai ngày chiến đấu quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây, làm chủ hoàn toàn thị xã.

Mất Buôn Ma Thuột (11-3), địch vội vàng điều hai trung đoàn chủ lực còn lại của sư đoàn 23 và một tiểu đoàn quân biệt động phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Nhưng lực lượng phản kích của chúng chưa kịp triển khai đội hình đã bị quân ta bao vây, tiến công tiêu diệt.

Bắt mạch đúng ý đồ của Thiệu, ngày 13-3, Quân ủy Trung ương điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch, nêu rõ về khả năng quân Sài Gòn sẽ rút lui chiến lược cần chuẩn bị tốt việc tiêu diệt chúng trên đường rút chạy.

Đúng như phán đoán của Quân ủy Trung ương, từ chỗ chủ quan lúc đầu, sau khi bị những đòn bất ngờ, địch hoảng loạn, đẩy chúng đến quyết định phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.

Sáng ngày 14-8-1975, Nguyễn Văn Thiệu đến Cam Ranh, ra lệnh cho Phạm Văn Phú - Tư lệnh quân đoàn II ngụy, rút khỏi Plâycu, Kon Tum và toàn bộ Tây Nguyên về giữ vững duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngày 16-3-1975, bộ đội chủ lực của ta được lệnh nhanh chóng truy kích quân địch rút chạy trên đường số 7, phối hợp với bộ đội địa phương chặn đánh tiêu diệt chúng ở Phú Bổn và Củng Sơn. Đến ngày 24-3-1975, toàn bộ quân địch rút khỏi Tây Nguyên. Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng.

Phối hợp với Tây Nguyên, các chiến trường khu V, Trị - Thiên, Nam Bộ cũng mở chiến dịch, đẩy mạnh tiến công đối phương, thu nhiều thắng lợi lớn. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

b) Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21-3 đến 3-4-1975)

Ngày 18-3-1975, khi quân ta trên đà thắng lớn đi đến thắng lợi hoàn toàn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Ngày 25-3-1975, một ngày sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền nam trước mùa mưa (trước tháng 5-1975).

Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương hướng chiến lược: tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tiêu diệt Quân đoàn I ngụy, không cho chúng co về giữ Sài Gòn, đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện cho tiền tuyến do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, nhằm động viên sự nỗ lực của cả nước vào công cuộc chiến thắng, đồng thời quyết định thành lập thêm quân đoàn III, trên cơ sở lực lượng quân chủ lực Tây Nguyên, thành một lực lượng cơ động chiến lược của Bộ để cùng với Quân đoàn I, Quân đoàn II, Quân đoàn IV (được thành lập trong hai năm trước đó) tham gia giải phóng Sài Gòn[1].

Đồng thời với việc chuẩn bị khẩn trương, toàn diện cho công cuộc giải phóng Sài Gòn và ngay khi chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, quân dân ta đã triển khai chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trận quyết chiến chiến lược thứ hai của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Vào những ngày cuối chiến dịch Tây Nguyên, phát hiện địch chuẩn bị rút bỏ tuyến phòng thủ Quảng Trị và có khả năng rút bỏ cả Huế, có lực lượng về giữ Đà Nẵng, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân khu Trị-Thiên và Quân đoàn II nhanh chóng giải phóng Trị - Thiên - Huế sớm hơn dự kiến.

Ngày 21-3-1975, quân ta được lệnh tiến công thọc sâu vào căn cứ địch, chặn các đường rút chạy của phóng, như đường số 1 đi Đà Nẵng, các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, hình thành thế bao vây địch trong thành Huế với sự phối hợp hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy của quần chúng khắp các vùng nông thôn và thành Huế.

Ngày 25-3-1975, các cánh quân của ta từ các hướng tiến công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch rút chạy ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Cùng ngày, các lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng chiến giữ các căn cứ quân sự, các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa và truy quét bọn ác ôn ngoan cố. Ngày 26-3-1975, Sư đoàn I ngụy bị tiêu diệt, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Thắng lợi đó đã tạo thế uy hiếp từ hướng Bắc đối với quân địch ở Đà Nẵng.

Cùng thời gian này, các lực lượng vũ trang của Quân khu V phối hợp với quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy tiêu diệt Sư đoàn II, giải phóng Tam Kì (24-3), Quảng Ngãi (25-3), Chu Lai (26-3), giải phóng toàn bộ phía nam Quân khu I, tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

Thắng lợi ở Trị - Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Chu Lai và việc tiêu diệt các Sư đoàn I, II của đối phương, phá vở một bộ phận quan trọng trong kế hoạch co cụm để giữ Đà Nẵng của chúng, đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho quân ta tiến lên tiêu diệt chúng ở Đà Nẵng.

Cuộc tiến công Đà Nẵng được Quân ủy Trung ương quyết định ngay sau khi giải phóng Huế (26-3) với tinh thần “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất và với lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.

Thực hiện quyết tâm trên, sáng 28-3, Quân đoàn I cùng với các lực lượng của Quân khu V đã chia thành 5 cánh: Bắc, Tây - Bắc, Tây - Nam, Nam, Đông - Nam đồng loạt tiến vào Đà Nẵng. Phối hợp với các lực lượng vũ trang và chính trị của quần chúng bên trong tiến công và nổi dậy, quân ta đánh chiếm các mục tiêu: Bộ tư lệnh Quân đoàn I, sân bay, quân cảng, Tòa thị chính..., đánh phá khu nhà lao, giữ gìn các cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa...

Đến 15 giờ ngày 29-3-1975, Đà Nẵng - một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mĩ - Thiệu, bị quân ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Phối hợp với mặt trận Huế - Đà Nẵng, từ chiến trường Tây Nguyên vừa được giải phóng, các binh đoàn chủ lực của ta phát triển cuộc tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung, cùng với lực lượng tại chỗ đã tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn (1-4), tỉnh Phú Yên với thị xã Tuy Hòa (1-4) và tỉnh Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh (3-4).

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trận then chốt thứ hai đại thắng, đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng ngư chiến lược của Thiệu ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu I, phá tan âm mưu co cụm chiến lược của chúng, không để cho lực lượng đối phương rút về tăng cường phòng thủ quanh Sài Gòn, đẩy chúng vào tình trạng tuyệt vọng, tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

c) Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 đến 30-4-1975)

Sau khi mất hoàn toàn Quân khu I và Quân khu II trong thời gian không đầy một tháng, Nguyễn Văn Thiệu cho rằng phải hai tháng nữa quân ta mới có thể tiếp tục tiến công, nên chúng có thời gian và khả năng để bảo vệ Quân khu III, Quân khu IV. Chúng tập hợp bọn tàn quân, củng cố lực lượng còn lại, tổ chức tuyến phòng thủ từ xa hòng giữ phần đất còn lại từ Phan Rang trở vào; ngăn chặn, làm chậm lại cuộc tiến công của quân ta cho đến mùa mưa, sau đó phản kích chiếm một số vùng để mặc cả với ta trên bàn đàm phán.

Về phía Mĩ, để giúp bọn tay sai kéo dài cơn hấp hối, chính quyền Pho cho lập cầu hàng không khẩn cấp chuyên chở vũ khí, trang bị cho quân đội Sài Gòn.

Trên cơ sở đánh giá thời cơ chiến lược để tiến hành “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” vào sào huyệt của quân Sài Gòn đã chín muồi, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, tán bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể chậm trễ”.

Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị đã quyết định một loạt vấn đề lớn, nhằm đảm bảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng toàn thắng, trong đó có quyết định thành lập Bộ tư lệnh và Đảng ủy mặt trận (3-4), quyết định tên chiến dịch đánh vào Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (14-4).

Từ đầu tháng 4-1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta đã sống những ngày hết sức sôi động và hào hùng. Cả dân tộc ra quân trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần “Đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.

Từ ngày 9-4-1975, quân ta tổ chức những cuộc tiến công trên hướng Đông, đánh vào Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ phía đông của đối phương. Ngày 21-4, trước sức tiến công của quân ta, quân ngụy ở căn cứ Xuân Lộc buộc phải tháo chạy, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng, cánh cửa phía đông Sài Gòn đã được mở sẵn để đón đại quân ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Trong lúc đó, Quân đoàn II, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, được lệnh hành quân “thần tốc” hướng đến Sài Gòn tham gia chiến dịch. Trên đường hành quân, bộ đội ta tiến công tiêu diệt một căn cứ phòng thủ từ xa nữa của quân Sài Gòn ở Phan Rang (16-4), giải phóng tỉnh Ninh Thuận, sau đó phối hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy, giải phóng các tỉnh ven biển khu VI. Một loạt hải đảo miền Trung nước ta cũng được giải phóng. Từ ngày 14-4, Quân khu V phối hợp với Bộ tư lệnh hải quân đã lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.

Cũng trong thời gian đó, do nắm được thời cơ thuận lợi khi quân Mĩ - ngụy Sài Gòn gặp nguy khốn, lại được sự phối hợp chiến đấu của quân ta, quân dân Campuchia đã đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giáng cho quân Mĩ ngụy Lon Non những đòn nặng nề. Ngày 17-4-1975, năm ngày sau khi những người Mĩ cuối cùng rút về nước, các lực lượng vũ trang Campuchia bắt đầu cuộc Tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh, phối hợp với quần chúng nổi dậy, đập tan quân ngụy, giải phóng Phnôm Pênh và giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia.

Do thấy trước tình hình không gì có thể cứu vãn khỏi sự sụp đổ, Mĩ - Thiệu, trong vòng một tuần đã có những lời tuyên bố cùng với việc làm thể hiện sự sa sút tột độ về mặt tinh thần, ý chí của kẻ cướp nước và bọn bán nước.

Ngày 18-4, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản người Mĩ khỏi Sài Gòn và đến ngày 23-4 thì tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mĩ”.

Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “từ chức” Tổng thống của Chính phủ Việt Nam cộng hòa. Ngày 26-4, Trần Văn Hương vừa lên thay Nguyễn Văn Thiệu làm “Tổng thống” được mấy hôm đã phải tuyên bố nhường chức cho Dương Văn Minh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đến giai đoạn chót càng thêm quyết liệt với tốc độ nhanh “một ngày bằng 20 năm”.

Ngày 26-4, sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân Sài Gòn, năm cánh quân của ta, gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận bao vây Sài Gòn.

17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng, bắt đầu cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn. Quân ta thuộc năm cánh từ các hướng, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng, được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của đối phương, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn.

17 giờ ngày 28-4, ngay sau khi Dương Văn Minh tuyên bố nhận chức Tổng thống và hô hào binh lính của chúng “bảo vệ lãnh thổ”, “không buông vũ khí”, quân ta tập kích sân bay Tân Sơn Nhất bằng 5 máy bay A37 thu được của địch. Tiếp đó, pháo binh ta giội bão lửa lên đầu chúng, làm tê liệt mọi hoạt động trên sân bay, khiến cho cuộc di tản người “liều mạng” của Mĩ phải chuyển sang bằng máy bay lên thẳng.

Ngày 29-4, quân ta tổng công kích trên toàn mặt trận. Tất cả các cánh quân của ta, gồm 15 sư đoàn quân chủ lực, đồng loạt tiến công và chỉ trong một ngày đã đập vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, ngăn chặn và tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của chúng ở Tây Ninh, đồng bằng sông Cửu Long, không cho chúng co về Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân ta thọc sâu vào nội thành.

Ngày 30-4, mặc cho Dương Văn Minh kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền”, quân dân ta vẫn kiên quyết tiếp tục tiến công theo kế hoạch, với khí thế dũng mãnh, giải phóng và chiếm lính thành phố, tước vũ khí, giải tán chính quyền các cấp của đối phương, đập tan mọi sự chống cự của chúng.

Các binh đoàn chủ lực của ta từ nhiều hướng đồng loạt tiến vào nội thành, phối hợp với lực lượng bên trong, đánh chiếm tất cả các mục tiêu của đối phương, như sân bay Tân Sơn Nhất, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, căn cứ hải quân, cảng Bạch Đằng...

Xe tăng tiến vào dinh Độc Lập (Ảnh của Ba François de Mulder)

Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (từ 4-3-1975 đến 2-5-1975)

10 giờ 45 phút ngày 30-4, các đơn vị của Quân đoàn II, bằng xe tăng và pháo binh, tiến thẳng vào “Dinh Độc lập”, bắt sống toàn bộ chính quyền trung ương Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Mấy tiếng đồng hồ trước đó, lúc bầu trời Sài Gòn chưa sáng hẳn, một máy bay lên thẳng từ sân thượng tòa nhà Sứ quán Mĩ chở Đại sứ Matin rời khỏi Sài Gòn.

11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cùng với đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở Nam Bộ, theo đúng kế hoạch của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền, với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” đã nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy chiếm các căn cứ, quận lị, tỉnh lị, bức đối phương phải nộp vũ khí đầu hàng. Đến ngày 25-1975, lực lượng vũ trang và bộ máy chính quyền của Dương Văn Minh ở Nam Bộ và trên khắp miền Nam nước ta đã tan rã hoàn toàn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng nổi dậy của quần chúng đóng vai trò quan trọng. Ở Sài Gòn và các thành phố, thị xã, thị trấn..., công nhân đã chủ động đấu tranh giữ gìn máy móc, bảo vệ xí nghiệp, cơ quan, không cho địch phá hoại. Thanh niên, học sinh, sinh viên vận động đồng bào xuống đường, giữ gìn trật tự, trị an đường phố, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, phối hợp với bộ đội truy lùng bọn ác ôn. Ở các vùng nông thôn, rừng núi, đồng bằng sông Cửu Long, hình thái nổi dậy của nhân dân hết sức phong phú. Nhân lúc lực lượng quân đội và chính quyền Dương Văn Minh ở Trung ương đầu hàng không điều kiện, đồng bào ở miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chủ động đứng lên phối hợp cùng lực lượng vũ trang đánh đổ lực lượng quân sự và chính trị ở địa phương, giành quyền làm chủ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, sự phối hợp chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương đã tạo ra sức mạnh tại chỗ hết sức to lớn (nhất là ở các vùng nông thôn, rừng núi và một số đô thị nhỏ). Ở đó, quần chúng không chỉ có khả năng phá tan bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, giành chính quyền ở ấp, xã, khóm, phường, mà còn góp phần làm tan rã lực lượng chiến đấu của chúng; bao vây, bức rút hàng loạt đồn bốt nhỏ của địch ở ấp, xã, thị trấn. Như vậy, cũng như phong trào “Đồng khởi” (1959-1960), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lần này, tính chủ động, mưu trí, sáng tạo của quần chúng được phát huy cao độ. Có nơi, có lúc, cuộc nổi dậy của quần chúng đã đi trước một bước trong việc chiếm giữ nhiều cơ sở của quân ngụy, như ở thành phố Cần Thơ, thị xã Bến Tre, thị xã Rạch Giá... ở Trà Vinh cũng như nhiều nơi khác ở Nam Bộ, quần chúng đã vận dụng “ba mũi giáp công” để chiếm bốt, đoạt đồn. Chỉ trong 1 giờ, hàng vạn quần chúng ở hai quận Châu Thành, Càn Long (Trà Vinh) đã bao vây, gọi hàng trên chục đốn bốt...

Ở đảo Côn Sơn, anh em tù chính trị cũng đã nổi dậy giải phóng đảo dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây, lập chính quyền cách mạng vào ngày 1-5-1975.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4658-02-633921719173591250/Khoi-phuc-va-phat-trien-kinh-te-mien-Bac-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận