THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Thiên nhiên và môi trường đã là mối quan tâm của mọi người kể từ thập kỷ 1970. Người ta đã dự đoán là các nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt sẽ đến lúc cạn kiệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những suy nghĩ về nhu cầu năng lượng và sự cân đối giữa những hoạt động của con người với môi trường.
BẢO VỆ THIÊN NHIÊN
Trong một quốc gia có mật độ dân số cao như Hà Lan, người ta phải bảo vệ những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên. Với lý do này, nhà nước đã mua và quản lý những khu vực đó và tài trợ cho các cơ quan phi lợi nhuận làm công tác này. Ngày càng có nhiều nông dân ký kết những hợp đồng về bảo tồn thiên nhiên, cam kết sẽ quản lý đất đai của họ hay những khu đất thuộc về các tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Kế hoạch Thiên nhiên năm 1990 (do Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm ban hành) đã đưa ra những chiến lược của nhà nước trong việc trả lại cho thiên nhiên vị trí thích đáng của nó. Một trong số những chiến lược này là việc thành lập Mạng lưới Sinh thái Quốc gia, nối liền các khu vực được bảo vệ và được thiết kế nhằm tạo môi trường cho sự tồn tại của thực vật và động vật.
Chính quyền đã dự kiến đến năm 2018 sẽ mở rộng mạng lưới này đến diện tích 700.000 héc ta. Hà Lan cũng có 19 công viên quốc gia, từ các vùng nước ở Biesbosch đến những vùng cát bồi ở Loonse và Drunense Duinen. Hai công viên quốc gia lâu đời nhất là Hoge Veluwe và Veluwezoom. Đảo Schiermonnikoog cũng là một địa điểm đáng được đề cập.
CHĂM SÓC MÔI TRƯỜNG
Đo mật độ dân số cao, tình hình công nghiệp hóa cao độ, việc sở hữu ô tô quá phổ biến và các phương pháp thâm canh trong nông nghiệp, môi trường ở Hà Lan chịu nhiều áp lực hơn so với những nơi khác ở châu Âu. Do đó đất nước này phải áp dụng những biện pháp triệt để hơn so với hầu hết các nước trong khối EU.
Nhờ vào những chính sách về môi trường nên nạn ô nhiễm về không khí, nước và đất đã giảm bớt, đồng thời tiếng ồn và sự tỏa nhiệt từ khí đốt ở các nhà kính cũng đã được ổn định. Tuy nhiên sự ô nhiễm môi trường không phải chỉ là vấn đề nội địa. Sự ô nhiễm trong nguồn nước đã xâm nhập vào Hà Lan qua những con sông lớn ở châu Âu. Ngoài ra còn có tác động toàn cầu dưới hình thức hủy hoại tầng ô-zôn và hiệu ứng nhà kính. Đo đó những chính sách của châu Âu đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc đối phó với những vấn đề về môi trường ở qui mô rộng lớn.
CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ
Hai sự kiện trong vòng 30 năm qua đã kích thích cho nhiều cuộc bàn cãi về vấn đề môi trường ở Hà Lan. Sự kiện thứ nhất là Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường Con người năm 1972, và sự kiện thứ hai là bản báo cáo của ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển, được ấn hành năm 1987. Đó là những cột mốc lớn về vấn đề môi trường, và tác động của chúng đến ngày nay vẫn còn.
Kể từ thập kỷ 1980, những chủ đề như xử lý nước thải, tiêu hủy rác, làm sạch khí đốt có khói, làm sạch đất và giảm thiểu tiếng ồn đã được nhấn mạnh trong các chính sách nhà nước. Những vấn đề như sự a-xít hóa và việc tiêu hủy nước ngầm cũng được đưa vào chương trình nghị sự vào những năm cuối thập kỷ 1980. Vấn đề thay đổi khí hậu và nhu cầu giảm thiểu khí cacbonic cũng trở thành những đề tài nóng bỏng vào giữa thập kỷ 1990. Kể từ thảm họa ở Enschede năm 2000, khi một kho chứa pháo phát nổ, tiêu hủy cả một quận dân cư, những chính sách của nhà nước đã tập trung nhiều hơn vào vấn đề an toàn bên ngoài.
CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG THAY THẾ
Mặc dù các chính sách ưu tiên vẫn được áp dụng cho hoàn cảnh trong vòng 30 năm qua, người ta đã chuyển trọng tâm từ các biện pháp sau khi sự cố xảy ra sang việc phòng ngừa và kiểm soát. Bản Kế hoạch Chính sách Môi trường Quốc gia lần thứ 4, ấn hành năm 2001, đã nhằm vào việc kết hợp giữa công tác cải thiện môi trường với sự tăng trưởng kinh tế lấy những quá trình thay đổi về xã hội làm xuất phát điểm cho các kế hoạch nhà nước. Người tiêu dùng, nhà sản xuất cũng như nhà cầm quyền đều cần phải tìm những giải pháp mới, chẳng hạn như ô tô chạy bằng điện hay sử dụng các loại nhiên liệu khác.
Một công ty dầu mỏ lớn và một nhà sản xuất ô tô đã phát triển ra một loại xe chạy bằng khí hydro. Ở Amsterdam, những chiếc xe buýt đầu tiên chạy bằng khí hydro đã được đưa vào sử dụng. Khí hydro được coi như nguồn nhiên liệu của tương lai. Loại nhiên liệu này rất sạch, có hiệu quả cao và có thể được cung cấp với số lượng lớn.
CÁC CÔNG CỤ THỊ TRƯỜNG
Những chính sách hiện hành đang sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau, trong đó có các qui định, giấy phép, thỏa ước và sự khích lệ bằng tài chính. Người ta sẽ xác định xem loại công cụ nào trong số này là ưu tiên, mặc dù việc kết hợp tất cả các công cụ này là phương án lựa chọn tết nhất. Việc giải quyết những vấn đề lớn về môi trường sẽ đòi hỏi nhiều hơn là việc chỉ đơn thuần củng cố những công cụ sẵn có. Các chiến lược cần phải có hướng thị trường, và sẽ bao gồm các loại thuế cũng như khả năng mậu dịch. Một điều quan trọng là phải đánh giá được những tác động xấu về môi trường đang bị chuyển đến cho những thế hệ tương lai và thế giới đang phát triển.