Tài liệu: Hà Lan - Việc kiểm soát nước cải tạo đất

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khoảng 25% diện tích của Hà Lan ở dưới mực nước biển,
Hà Lan - Việc kiểm soát nước cải tạo đất

Nội dung

VIỆC KIỂM SOÁT NƯỚC CẢI TẠO ĐẤT

            Khoảng 25% diện tích của Hà Lan ở dưới mực nước biển, do đó cần phải có một hệ thống hiệu quả trong việc kiểm soát mực nước để giữ cho đất đai khô ráo và có thể ở được cho 60% dân số đang cư ngụ trong những khu vực đất thấp này. Nước biển có thể làm ngập lụt những vùng đất này qua các cửa sông và các vịnh nhỏ, và một lượng nước lớn từ vùng trung tâm châu Âu, vốn tan ra từ băng hay chảy xuống từ những cơn mưa, có thể làm cho các dòng sông bị tràn bờ ở đây các trạm bơm hiện đại phải hoạt động suốt ngày đêm để tát nước thừa ra ngoài.

DỰ ÁN ZUYDER ZEE

            Một trong những ví dụ nổi tiếng về việc cải tạo đất đai ở Hà Lan là dự án Zuyder Zee vào thập kỷ 1930, trong đó người ta đã xây dựng một đập nước dài 30 km nối liền tỉnh Friesland với tỉnh Bắc Holland. Đập nước này đã biến vùng Zuyder Zee thành một biển nội địa, sau đó dần dần đã trở thành một hồ nước ngọt (hồ Usseimeer). Bốn vùng đất trũng rộng lớn ở Usseimeer đã được tát cạn để có được 165.000 héc ta đất mới. Hai vùng đất trũng lâu đời hơn là Wieringermeer và vùng Đông Bắc được sử dụng cho nông nghiệp. Vùng mới nhất là Nam Flevoland được sử dụng chủ yếu chơ việc cư ngụ, sản xuất và giải trí nhằm giải tỏa bớt sự ùn tấc của khu thành phố Randstad. Còn vùng Đông Flevoland có cả ba chức năng về nông nghiệp, nhà ở và sản xuất. Vùng này có thành phố Lelystad, thủ phủ của Flevoland.

DỰ ÁN DELTA

            Lần tấn công dữ dội cuối cùng của biển cả vào đất liền là ngày 1 tháng 2 năm 1953, với sự kết hợp của nạn lụt và những cơn bão lớn, đã nhận chìm phần lớn khu vực phía Tây Nam của Hà Lan dưới nước. Tai họa đã cướp đi nhiều ngàn sinh mạng này đã thúc đẩy sự cần thiết phải hoàn thành dự án Delta, một kế hoạch xây dựng một hệ thống rào cản để ngăn chặn các cửa sông ở phía Tây Nam. Tất cả các cửa sông này đã được bít hoàn toàn, chỉ trừ cửa New Waterway và cửa Tây Scheldt được chừa lại để tàu bè lưu thông đến các cảng ở Rotterdam và cảng Antwerp (ở Bỉ).

            Vùng lòng chảo Đông Scheldt đã được đóng lại bằng một rào chắn bão dài trên 3.200 mét, được tạo thành bởi các đập ngăn sóng với những cửa thoát bằng thép. Trong tình trạng bình thường những cửa thoát này được mở để nước biển có thể ra vào vùng Đông Scheldt. Trong lúc có bão những cửa thoát này được hạ xuống để bảo vệ cửa sông khỏi những những mực nước quá cao. Biện pháp đóng và mở cửa này còn được sử dụng để bảo vệ nguồn hải sản ở Đông Scheldt vốn tồn tại dựa trên thủy triều. Ngày 4 tháng 10 năm 1986 nữ hoàng Beatrix của Hà Lan đã chính thức tuyên bố khai trương rào cản chống bão này, đánh dấu sự hoàn tất dự án Delta. Những hồ nước nội địa nhân tạo sẽ bảo vệ vùng đất trồng trọt khỏi bị nhiễm mặn. Những hồ này còn được sử dụng vào mục dịch giải trí.

ĐÔ THỊ HÓA VÙNG RANDSTAD

            Dân số của Hà Lan phân bố không đều. Gần 45% dân số sống trong 3 tỉnh vùng trung Tây là Bắc Holland, Nam Holland và Utrecht. Nhưng những tỉnh này chỉ khiếm 20% diện tích của cả nước. ở vùng trung Tây này có những thành phố lớn của cả nước (Amsterdam, Rotterdam, Hague, Utrecht). Tất cả những thành phố này và khu vực phụ cận hình thành vùng Ranđstad.

            Cái tên Randstad đã được sử dụng từ thập kỷ 1930 để chỉ những thành phố ở phía Tây của Hà Lan, vốn tọa lạc rất gần nhau. Tuy nhiên tên này chưa từng được chính thức hóa và cũng chẳng ai biết được Randstad bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu. Cũng không có con số rõ ràng về diện tích và dân số của vùng này.

            Sau thời kỳ băng giá, mực nước biển bắt đầu dâng cao, khu vực lớn nhất mà ngày nay được gọi là Randstad trở thành một các phá lớn bao gồm những đầm lầy. Chỉ trừ một vài nơi, còn lại hầu hết vùng này không có dân cư cho đến thời kỳ Trung cổ. Lúc đó những vị trí cao được người ta chọn để sinh sống: những đụn cát ở phía Tây (chẳng hạn như khu vực Haarlem và Hague), những vùng cát kỷ Plei-tô-xen ở phía Đông, và hai bên bờ của các con sông (khu vực Amsterdam,  Rotterdam, Utrecht và Leiden). Điều này giải thích cho việc hình thành một vành đai các thành phố bao quanh một trung tâm thưa dân hơn, bây giờ được gọi là ''trung tâm xanh''.

            Trong vòng hơn một thế kỷ, những thành phố và làng mạc ở vùng Randstad đã hòa trộn với nhau. Nếu chụp một tấm ảnh cho cả khu vực này, người ta sẽ thấy ở phần tiền cảnh là một phần của khu dân cư tại vùng Tây Bắc Rotterdam. Trong khi đó những tòa nhà ở phần hậu cảnh, chỉ cách đó mấy cây số, lại là một phần của thành phố Delft. Đến lượt thành phố này lại trải dài liên tục cho đến khu thị tứ của Hague. Thành phố Hague, với Biển Bắc ở sau lưng, có thể nhìn thấy trên đường chân trời. Tuy nhiên, mỗi thành phố lại duy trì bản sắc riêng của nó, không những chỉ về mặt bố trí diện mạo, mà còn cả về chức năng, đặc điểm và thái độ của cư dân đối với thành phố của mình. Một sự khác biệt cơ bản giữa Randstad và những thành phố như Luân Đôn hay Paris là ở chỗ những chức năng truyền thống của khu đô thị, chẳng hạn như việc quản trị hành chính, nền công nghiệp và việc cung ứng các dịch vụ, được phân bố trong số nhiều thành phố khác nhau chứ không tập trung vào một trung tâm thị tứ duy nhất.

            Amsterdam và Rotterdam phát triển thành những trung tâm thương mại và công nghiệp, trong khi riêng Amsterdam cũng còn là một trung tâm tài chính và văn hóa. Hague là nơi đặt chính quyền của quốc gia, mặc dù Amsterdam mới là thủ đô của Hà Lan. Utrecht, nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, hình thành một điểm nút của hệ thống đường bộ và đường sắt. Ngoài ra chức năng của nó còn là một trung tâm quốc gia về giáo dục, dịch vụ kinh doanh, triển lãm và hội nghị.

SỰ QUÁ TẢI DÂN SỐ

            Cả vùng Randstad hiện nay có khoảng 6 triệu dân, trong số đó có 4 triệu người sống trong các thành phố hoặc vùng phụ cận. Cho đến năm 1970 dân số ở đây gia tăng nhanh chóng, sau đó thì chững lại vì người nước ngoài nhập cư vào Hà Lan đã đến những vùng khác trong nước. Trong thập kỷ 1970 dân số của 4 thành phố trong vùng này đã giảm xuống 15%, trong khi dân số trong những vùng đô thị nhỏ hơn ở ''trung tâm xanh'' lại gia tăng. Tuy nhiên trong những năm gần đây sự trái ngược này đã biến mất: việc ngoại ô hóa đã chững lại, và người ta được khuyến khích trở lại sống ở các thành phố.

            Có nhiều vấn đề đã phát sinh ở Randstad do tình trạng quá tải dân số:

            + Nhà ở là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều thành phố. Dân cư ở đây thiếu những diện tích cư trú hợp lý và có quá ít đất để xây dựng nhà ở.

            + Sự đi lại mở rộng đã dẫn đến nhiều vấn đề về giao thông, đặc biệt là kẹt xe vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.

            + Có quá ít chỗ dành cho các phương tiện giải trí. Vùng đất trũng ở ''trung tâm xanh'' đã được dành cho việc trồng trọt, và chỉ ngoại trừ khu vực chung quanh các hồ nước, khu vực này không phù hợp cho việc giải trí đại trà của nhiều người.

            + Ô nhiễm môi trường (nước, không khí, đất và tiếng ồn) hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi.

            Ngoài ra, khu vực ''trung tâm xanh'' đang chịu mối đe dọa của việc ngoại ô hóa, với hậu quả của những dự án xây dựng nhà ở mới và những công trình xây dựng đường bộ và đường sắt. Mật độ dân số của khu vực này đã đạt đến mức trung bình của cả nước.

VIỆC QUI HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ KHU VỰC

            Những nguyên tắc hỗ trợ cho chính sách về vùng Randstad trong khuôn khổ sự qui hoạch đô thị và khu vực cho cả nước Hà Lan đã thay đổi đáng kể từ đầu thập kỷ 1970. Trước thời điểm đó, mục tiêu chính của nhà nước là kìm chế sự tăng trưởng của Randstad và phát triển các tỉnh ở phía Bắc, phía Đông và phía Nam. Chính sách này tập trung vào việc tái phân bổ dân cư. Để tránh cho các thị trấn và thành phố ở Randstad không tràn qua nhau và tránh khu vực đô thị lấn sang khu vực “trung tâm xanh”, người ta đã qui hoạch những trung tâm tăng trưởng ở ngoài rìa vành đai đô thị của Randstad để chứa lượng dân cư tăng thêm. Trong thập kỷ 1970 sự nhập cư vào các thành phố đã lên đến mức những chính sách nghiêm ngặt về tái phân bổ dân cư phải được nới lỏng. Người ta đã lo ngại rằng Randstad sẽ đánh mất vị trí của nó ở cả qui mô quốc gia lẫn qui mô quốc tế nếu như việc định cư ở các thành phố này bị ngăn trở. Trong chính sách sửa đổi năm 1988, các từ ngữ như ''tái phân bổ'' và ''trung tâm tăng  trưởng'' không còn được sử dụng nữa. Ngày nay người ta đã tìm đất để xây dựng thêm nhà ở ngay vùng ngoại vi của các thành phố.

            Việc duy trì khu vực trung tâm xanh vẫn được coi là ưu tiên, mặc dù có một số nơi phải chịu nhượng bộ: phía Đông của Hague, nơi Zoeterneer được chỉ định làm một trung tâm tăng trưởng; khu vực dọc theo đường sắt phía Đông nối giữa Hague và Rotterdam, gần phi trường Schiphol ở Haarlemmmermeer; và khu vực ở phía Tây Utrecht. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn các thành phố và các khu đô thị không tràn lấn lẫn nhau vẫn tiếp tục được tiến hành; những vùng đệm giữa các khu vực này đã được qui hoạch để ngăn chặn không cho các đô thị tràn đến.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1962-02-633468889872500000/Dia-ly/Viec-kiem-soat-nuoc-cai-tao-dat.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận