Tài liệu: Hàn Quốc - Mỹ thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Kỷ nguyên của hội họa Hàn Quốc có thể được coi là bắt đầu từ thời đồ đồng căn cứ vào việc tìm thấy các bức hoạ trên đá.
Hàn Quốc - Mỹ thuật

Nội dung

Mỹ thuật

Hội hoạ truyền thống

Kỷ nguyên của hội họa Hàn Quốc có thể được coi là bắt đầu từ thời đồ đồng căn cứ vào việc tìm thấy các bức hoạ trên đá. Tuy vậy, sự phát triển của hội hoạ mang ý nghĩa chính thức có thể tính từ sau thời kỳ Tam quốc.

Trên các bức hoạ trên tường của triều đại Goguryeo thời Tam Quốc, có thể thấy trí tưởng tượng phong phú và các hình ảnh về cuộc sống hàng ngày của người dân Goguryeo qua các bức hoạ về phong tục, về các điệu múa và bức hoạ sứ thần. Tại thời kỳ Baekje, hội hoạ cũng đã phát triển mang vẻ hài hoà và tinh tế. Ngoài ra, trong ngôi mộ Cheonmachong và Cheonmado, có thể cảm nhận được trình độ của mỹ thuật Shilla. Nghệ thuật của thời kỳ Tam quốc gồm 3 nước: Goguryo, Baekje, Shilla có sự hài hoà lẫn nhau và trở thành nền tảng cho sự phát triển của nền văn hoá dân tộc.

Mongyudowondo

Vào thời kỳ Shilla, có truyền thuyết cho rằng Seolko đã vẽ bức tranh Nosongdo trên chùa Hoàng Long. Bức tranh đẹp đến mức chim bay đến và làm tổ tại đó. Song sau đó, chùa Hoàng Long đã bị lửa thiêu trụi. Ngày nay chỉ còn lại địa điểm nơi chùa được xây và rất tiếc là chúng ta không còn được chiêm ngưỡng bức tranh này.

Vào thời kỳ Goryeo, do ảnh hưởng của mỹ thuật Trung Quốc, có rất nhiều bức tranh Phật giáo được vẽ, trong đó có tranh sơn thuỷ, các bức tranh vẽ tượng Quan âm bồ tát...

Vào thời kỳ Joseon, hội hoạ phát triển đa dạng và nhiều loại hình hơn. Vào thời kỳ Sejong có bức tranh sơn thuỷ “Mongyudo-wondo”, tương truyền rằng Ahn Pyeong-tae đã mơ thấy một cảnh thiên nhiên rất đẹp, khi tỉnh dậy đã miêu tả lại cho Ahn Kyen và yêu cầu vẽ lại bức tranh này. Ngoài ra cũng có nhiều bức hoạ của các văn nhân được vẽ bằng sự hiểu biết và sở thích của các học giả và các bậc anh hùng. Cũng vào cuối thời kỳ Joseon, Jungseon đã tạo ra bí quyết vẽ tranh sơn thuỷ toàn cảnh ghi lại cảnh sắc của đất nước Hàn Quốc. Vào thời kỳ này, tranh phong tục ghi lại phong tục và sinh hoạt của người Hàn Quốc. Các bức tranh của thường dân do những tác giả vô danh sáng tác ghi lại một cách trung thực tình cảm và tín ngưỡng của người dân.

Khác với các bức hoạ phương Tây vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, hội hoạ truyền thống được vẽ bằng mực trên chất liệu giấy hoặc lụa. Nếu phân loại theo phương pháp vẽ, có thể chia thành 3 loại: Tranh chỉ sử dụng nét mực, tranh tô màu nhạt trên những nét vẽ, tranh tô màu đậm trên nét vẽ.

Tranh sơn thuỷ

Tranh sơn thuỷ là loại tranh vẽ cảnh sắc thiên nhiên, trong đó có núi, sông, rừng và vách đá. Tranh sơn thủy lấy đề tài từ tất cả cảnh sắc thiên nhiên hiện thực được hồi tưởng lại trong tâm khảm người nghệ sĩ, trong đó có hai bức nổi tiếng là “Mongyudowondo” (của Ahn - gean) và “Geumgangjeodon” (của Chongseon).

Tranh nhân vật

Tranh nhân vật là tranh lấy đề tài chân dung người hoặc mỹ nhân.

Tranh ký lục

Tranh ký lục là tranh ghi lại đúng sự thật những sự kiện lịch sử hoặc những nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Đề tài của thể loại tranh này là những nghi lễ, lễ hội hoặc diễu hành.

Tranh hoa điểu, Tranh hoa cỏ, Tranh chim thú - Tranh hoa điểu là tranh vẽ hoa và chim, tranh hoa cỏ có đề tài chủ yếu là hoa và cỏ, còn tranh chim thú chủ yếu là vẽ tranh và chim muông.

Tranh cỏ và côn trùng

Là tranh vẽ cỏ và côn trùng như sâu bọ và bướm, cũng có tranh vẽ chuột, dơi. Nam Kye-woo rất nổi tiếng với loại tranh này do việc vẽ tranh bướm rất đẹp của ông (Nam Kye-woo còn được gọi là “Nam Na-bi” (na-bi tiếng Hàn có nghĩa là bướm).

Tranh ký vật

Là tranh vẽ gốm sứ, hoa, cỏ, ngày nay được gọi là tranh tĩnh vật. Loại tranh này được vẽ nhiều vào cuối thời kỳ Gogryeo và đầu thời kỳ Joseon.

Tranh văn nhân

Là tranh vẽ theo sự hiểu biết và sở thích của các học giả, các anh hùng thời bất giờ. Ngoài việc miêu tả hiện thực, người hoạ sĩ diễn tả cái tôi trong tranh với cách diễn tả ngắn gọn. Tranh của các hoạ sĩ văn nhân này lấy đề tài từ hoa mai, hoa lan, hoa cúc và cây tre và được gọi là “Tứ quân tử”. Lý do mà các văn nhân yêu thích đề tài này là vì “Tứ quân tử” có ý nghĩa đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hương thơm ngào ngạt cũng như dáng vẻ vững chắc của các loại cây cỏ này là đại diện cho những yếu tố thể hiện khí phách của người quân tử và cũng là mục đích để những người quân tử vươn tới.

Tranh ngư hải

Là tranh lấy đề lại là cá, cua và tôm với ý nghĩa tượng trưng và để trang trí. Loại tranh này được vẽ nhiều vào cuối thời kỳ Joseon.

Tranh phong tục

Là tranh miêu tả cuộc sống hiện thực của con người. Đây không phải là tranh miêu tả một đối tượng đặc biệt nào đó mà là tranh lấy đề tài từ phong tục sinh hoạt của tầng lớp thứ dân, phong cảnh nông thôn, văn hóa vui chơi của tầng lớp quý tộc. Vào thời kỳ Joseon, nổi tiếng hơn cả là các bức tranh của Kim Hong - miêu tả cuộc sống sinh hoạt của tầng lớp thứ dân như đền chùa, mái ngói và mái rơm rạ. Còn tranh của Shin Yun-bok miêu tả văn hoá giải trí của tầng lớp quý tộc trong đó có “Người con gái Yon-dang”, “Phong cảnh ngày Tết Đoan Ngọ”, “Chơi thuyền”...

Tranh dân gian

Khác với hội họa truyền thống của Hàn Quốc mang tính nghệ thuật sâu sắc, tranh dân gian phát triển theo sự cần thiết của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Loại tranh này được vẽ nhiều vào cuối thời kỳ Joseon, là những bức tranh sử dụng để trang trí không gian sinh hoạt, sử dụng trong những lễ hội.

Tranh dân gian

Tranh dân gian là những bức tranh mang vẻ giản dị và chân chất, được sáng tác bởi những hoạ sĩ vô danh không được theo học bất kỳ một trường lớp nào về mỹ thuật, phản ánh thực chất nhất lối sống của một xã hội. Những người ở tầng lớp thường dân treo những bức tranh dân gian ở nhiều nơi trong nhà với mục đích xua đuổi ma quỷ cầu nguyện phúc lộc, mặt khác cũng để trang trí làm đẹp ngôi nhà của họ. Không bị bó buộc bởi quy tắc hội họa nào và với phong cách tự do không cầu kỳ, tranh dân gian mang một vẻ đẹp riêng biệt khác hẳn với dòng tranh chính thống. Dòng tranh dân gian không thể so sánh về giá trị và độ tinh tế với các loại tranh thông thường, song với hình và cấu trúc tranh hết sức giản dị và sử dụng những sắc độ nguyên bản, dòng tranh này thể hiện rõ ràng ý thức và tình cảm của người dân đối với cuộc sống. Các bức tranh này phần lớn đều không biết xuất xứ, vì được sáng tác bởi những thường dân không tên tuổi hoặc những họa sĩ lãng du.

Đặc trưng của dòng tranh dân gian có thể nêu ra là tính thực dụng, tính nghệ thuật và tính tượng trưng. Tranh dân gian được vẽ theo nhu cầu cần thiết để trang trí không gian sinh hoạt như cửa, bức vách theo hình thức cư trú của người Hàn Quốc hoặc theo tập quán sinh hoạt của người dân. Mặc dù đề tài trong tranh có vẻ như được lặp đi lặp lại nhiều lần song trên thực tế, hình thái của sự vật hiển thị trong mỗi bức tranh đều mang những dáng vẻ khác nhau.

Tranh dân gian được sáng tác bằng cách quan sát và phân tích sự vật với việc lấy người làm trung tâm, sau đó gán cho sự vật một ý nghĩa nào đó, sử dụng nhiều loại màu sắc căn bản và đa dạng để miêu tả một cách mạnh bạo sự vật. Vì vậy các bức tranh này vừa đơn giản mà lại mang vẻ đẹp rực rỡ của nghệ thuật.

Những sự vật trong tranh dân gian đều mang ý nghĩa tượng trưng dựa trên một quan niệm đặc biệt nào đó. Đề tài của tranh dân gian chủ yếu là hoa cỏ, động vật, cá, sơn thủy, phong tục, văn tự, tín ngưỡng. Những bức tranh tiêu biểu có thể kể đến là Thập trang sinh đồ, Quạ và hổ, Moonjado, Moonbangdo, Pyongsengdo.

Dancheong

Không có một tài liệu chính xác nào về thời điểm xuất hiện Dancheong. Trong những vật liệu kiến trúc của Hàn Quốc, ngoài Dancheong phải kể đến những hoa văn được tìm thấy trên những bức vẽ trên tường, trên mộ thời kỳ Goryeo. Những hoa văn này hơi giống những hoa văn được truyền lại đến ngày nay.

Dancheong là việc trang trí nhiều hoa văn bằng 5 màu cơ bản là xanh, đỏ, vàng, trắng và màu đất trên tường, cột, trần nhà được làm bằng gỗ. Điều này đồng nhất với “nguyên tắc ngũ hành âm dương”, màu xanh tượng trưng cho cây, màu đỏ tượng trưng cho lửa, màu vàng tượng trưng cho đất, màu trắng tượng trưng cho sắt, màu đen tượng trưng cho nước. Dancheong không đơn giản là việc tô màu mà còn mang tính nghệ thuật cao. Ngoài ra, không chỉ nâng cao chất lượng của công trình kiến trúc mà Dancheong còn có tác dụng bảo vệ kiến trúc gỗ tránh khỏi sự xâm nhập của sâu bọ và sự thấm hút hơi ẩm.

Dancheong vốn chỉ dùng ở hoàng cung hoặc ở chùa. Với màu sắc lộng lẫy và được cấu trúc bằng những hoa văn nhất quán theo trật tự quy tắc toàn diện, Dancheong tượng trưng cho sự uy nghiêm và quyền lực.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2939-02-633558766328593750/Nghe-thuat-truyen-thong-cua-Han-Quoc/My-t...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận