Tài liệu: Ireland - Âm nhạc và múa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ireland có một truyền thống phong phú và đa dạng về âm nhạc. Trong số những nhạc cụ lâu đời nhất ở đây có bodhran (trống bằng da dê) và đàn hạc Ireland, một loại đàn có niên đại từ thế kỷ thứ 9.
Ireland - Âm nhạc và múa

Nội dung

ÂM NHẠC VÀ MÚA

Ireland có một truyền thống phong phú và đa dạng về âm nhạc. Trong số những nhạc cụ lâu đời nhất ở đây có bodhran (trống bằng da dê) và đàn hạc Ireland, một loại đàn có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Những nghệ sĩ chơi đàn hạc của Ireland đã được biết đến ở khắp vùng châu Âu từ thế kỷ 12. Người lừng danh nhất trong số này là nghệ sĩ mù Torlogh O’Carolan, người đã soạn khoảng 200 ca khúc với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nhiều bài đã được xuất bản ở Dublin vào đầu thế kỷ 18. Những loại nhạc cụ khác cũng tham gia vào các tiết mục truyền thống của địa phương, trong đó có sáo, đàn vi-ô-lông và đàn banjo Ireland, một loại đàn bốn dây du nhập từ Mỹ vào thế kỷ 19.

Truyền thống âm nhạc châu Âu cũng được thể hiện rất tốt ở Ireland. Vào thế kỷ 18 Dublin trở thành một trung tâm quan trọng về âm nhạc, đã thu hút những nhà soạn nhạc như Francesco Geminiani, người đã chơi nhạc và dạy âm nhạc tại Dublin; Thomas Narne, nhà soạn nhạc hàng đầu người Anh của thời kỳ này; và Handel, người đã tổ chức buổi công diễn đầu tiên của Messiah (Đấng Cứu Thế) vào năm 1742.

Charles Villiers Stanford, sinh tại Dublin năm 1852, người sau này đã trở thành giáo sư âm nhạc tại Đại học Cambridge, là một nhà soạn nhạc ô-pê-ra và nhạc hợp xướng lừng danh. Victor Herbert, được biết đến chủ yếu qua những bản ô-pê-ra, và Hamilton Harty, mà tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của ông là Bản Giao hưởng Ireland, dựa trên âm nhạc dân gian và rất được hâm mộ. Brian Boydell đã soạn những bản nhạc cả cho các ban nhạc lẫn các nhóm tư tấu đàn dây. Các nhà soạn nhạc như A.J. Potter và Gerard Victory, qua các mối liên kết với Dàn nhạc Giao hưởng RTE sau năm 1967, đã và những khuôn mặt có ảnh hưởng lớn đến bối cảnh âm nhạc trong thời gian gần đây. Những tác giả nổi tiếng khác có Seoirse Bodley và John Buckley; và những nhà soạn nhạc đã đi học và thành danh ở nước ngoài thì có Frank Corcoran, Gerald Barry và Raymond Deane.

Các dạng âm nhạc truyền thống của Ireland đã từ lâu được coi như khác biệt về mặt văn hóa với những dạng cổ điển, vốn rất phổ biến ở Anh Quốc. Tay đàn piano John Field là nhạc sĩ cổ điển Ireland đầu tiên được thế giới biết tiếng, đặc biệt là những khúc nhạc đệm của ông, vào thế kỷ 19. Michael William Balfe đã viết nhiều bài ô-pê-ra, trong đó có bài The Bohemian Girl (Cô gái Bô-hem), trong khi đó John McCormack đã nổi tiếng như một giọng nam cao trong ô-pê-ra và trong hòa nhạc. Âm nhạc truyền thống Ireland đã trở nên quan trọng về mặt chính trị trong khoảng cuối thế kỷ 19, khi người ta phục hưng chủ nghĩa dân tộc trong nền văn hóa Xen-tơ. Trong một phần lớn của thế kỷ 20, âm nhạc truyền thống Ireland đã là biểu tượng của tính cách quốc gia, và do đó những khuynh hướng quốc tế trong âm nhạc đã phần nào bị quên lãng.

Trong thập kỷ vừa qua có một số nhà soạn nhạc đã pha trộn âm nhạc truyền thống với âm nhạc dành cho dàn nhạc ngày nay. Những tác giả này có Shaun Davey, Micheal O Suilleabhain và Bill Whelan. Một đặc điểm nổi bật trong bối cảnh âm nhạc của thế kỷ vừa qua là sự hồi sinh của mối quan tâm đến âm nhạc truyền thống Ireland. Lễ hội Âm nhạc năm 1960 đã mở cánh cửa cho âm nhạc truyền thống vốn dựa trên cơ sở đồng quê có cơ hội đến với các đường phố và những sảnh đường hiện đại ở các vùng đô thị tại Ireland.

Việc khám phá âm nhạc của đất nước này đi song song với một thời kỳ tăng trưởng về kinh tế, cùng với một thái độ tự tin của nhân dân. Điều này đã lên đến đỉnh điểm vào thập kỷ 1960 với những tác phẩm của Sean O Riada, người đã làm một cuộc cách mạng về âm nhạc bằng cách thành lập một ban nhạc gồm các nhạc sĩ truyền thống có phẩm chất cao nhất, ban nhạc Ceoltoiri Chualann. Một ví dụ nổi bật về những ảnh hưởng của Sean O Riada là ban nhạc The Chieftains, mà với những buổi hòa nhạc về âm nhạc truyền thống của họ đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả trên khắp thế giới.

Thanh nhạc truyền thống ở đây bao gồm các bài hát balat của Anh và của Scotland được du nhập từ nhiều thế kỷ, và các bài hát Anglo-Ireland có niên đại phần lớn từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hình thức hát của Ireland theo phong cách cổ, gọi là sean nos, là rất đáng được đề cập. Theo lối hát này, các bài hát thường được đơn ca, và âm nhạc là các giai điệu nhịp nhàng. Âm nhạc truyền thống được chơi với các loại nhạc cụ như sáo, và thường bao gồm các điệu nhảy như điệu jig, điệu múa thủy thủ, điệu nhảy pôn-ca.

Một sự pha trộn phong phú các yếu tố của nhạc pop với âm nhạc truyền thống đã diễn ra trong thập kỷ 1970. Kết quả là một sự trộn lẫn giữa nhạc Ireland (được đại điện bởi các nhạc sĩ truyền thống biểu diễn bằng các nhạc cụ truyền thống) và nhạc phổ thông (được đại diện bởi các nhạc sĩ biểu diễn bằng các nhạc cụ bằng dây và bằng bàn phím). Từ đó, âm nhạc soạn cho nhạc khí truyền thống đã rất phổ biến tại Ireland trong thời kỳ hiện đại. Bộ sưu tập tư liệu quốc gia về các tư liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống được lưu giữ tại Kho Lưu trữ Âm nhạc Truyền thống tại Dublin,

Hai thể loại chính của nhạc phổ thông hiện nay là âm nhạc “đồng quê” và loại nhạc rock mang tính cách thị tứ hơn. Sự phát triển của các ban nhạc rock ở Ireland kể từ thập kỷ 1970 đã thể hiện sự xuất hiện của nhạc rock như là một cách diễn đạt tự nhiên của một số lượng nhạc sĩ ngày càng gia tăng,

Âm nhạc Ireland đã trải qua một cuộc phục hưng vì các nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa mở rộng hơn. Mối kết nối giữa âm nhạc truyền thống và chủ nghĩa dân tộc ngày nay đã yếu đi, và các nghệ sĩ đương đại đã tự do pha trộn âm nhạc dân gian với nhạc rock. Những tác phẩm của các nhạc sĩ như Chieftains và Liam O’Flynn đã thể hiện âm nhạc truyền thống Ireland trong một bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn, phản ánh một dải rộng những ảnh hưởng về văn hóa của châu Âu. Ireland đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nhạc rock và nhạc pop nổi tiếng thế giới trong đó nổi bật nhất là Sinead O’Connor, các nhóm Hot House Flowers, the Cranberries và Corrs.

Nhà Hát lớn Ô-pê-ra Dublin có tổ chức mỗi năm hai mùa ô-pê-ra, chủ yếu là các tiết mục từ thế kỷ 19 và 20. Công ty Sân khấu Ô-pê-ra, cũng có trụ sở tại Dublin, chuyên tổ chức các buổi lưu diễn nhỏ ở các trung tâm trên khắp đất nước. Lễ hội Ô-pê-ra Wexford, một sự kiện diễn ra trong 15 ngày vào cuối tháng 10 hàng năm, đã nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của thế giới. Những hội âm nhạc ở tất cả các thành phố địa phương cũng tổ chức một mùa hòa nhạc và độc tấu hàng năm. Các lễ hội âm nhạc lớn thu hút nhiều người tham gia thuộc đủ mọi quốc tịch bao gồm Lễ hội Hợp xướng Quốc tế Cork, Lễ hội Ô-pê-ra Waterford, Tuần lễ Nghệ thuật Kilkenny, Lễ hội Jazz Quốc tế Guinness (tổ chức ở Cork).

Múa truyền thống của Ireland cũng đã có sức thu hút rộng rãi đối với khán giả đương đại, ở Ireland và trên khắp thế giới. Những tác phẩm đã đưa lên sân khấu như Riverdance và vở nhánh của nó và Lord of the Dance đã giúp đại chúng hóa và tạo ra những thay đổi cho nghệ thuật múa của Ireland.

Mặc dù không có các đoàn múa quốc gia, một số đoàn múa nhỏ và các tổ chức về múa đã hoạt động rất năng nổ. Những đoàn múa này đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước qua các chính sách trợ cấp tài chính cho các buổi công diễn. Trong những năm vừa qua đã có sự chú trọng ngày một gia tăng vào loại hình múa trẻ và múa trong giáo dục. Một đoàn múa trong giáo dục chuyên nghiệp là đoàn Daghdha đã đóng trụ sở tại Đại học Limerick. Truyền thống múa dân gian quốc gia thì được thể hiện bởi đoàn Siamma Tire đặt trụ sở tại Tralee, Hạt Kerry.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2106-02-633492919133125000/Van-hoa---Xa-hoi/Am-nhac-va-mua.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận