Tài liệu: Ireland - Văn học dân gian

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ thuở xa xưa, nhà thơ là nhân vật quan trọng dẫn đầu trong nền văn hóa Ireland và được ban cho một địa vị rất cao trong xã hội
Ireland - Văn học dân gian

Nội dung

VĂN HỌC DÂN GIAN

Từ thuở xa xưa, nhà thơ là nhân vật quan trọng dẫn đầu trong nền văn hóa Ireland và được ban cho một địa vị rất cao trong xã hội. Những nhà thơ chuyên vào việc ca ngợi và trào phúng, và những vần thơ của họ được nhiều người cho là có những kiến thức thần bí và có những tác dụng ma thuật. Là những đại biểu hàng đầu trong giới học thức, họ là những nhà chuyên môn được hưởng sự bảo trợ hào phóng của các chúa tể người Xen-tơ và sau đó là người Norman-Xen-tơ. Nền thơ ca truyền thống đã sống qua các trật tự xã hội của người Xen-tơ, và từ thế kỷ 17, những bài thơ đã được viết bằng các vần điệu nhấn mạnh hơn, được gọi là amhrán (nhạc). Sống giữa những con người bình thường nhất, và thường là trong cảnh nghèo khổ, những nhà thơ Xen-tơ sau đó đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc hình thành phong cách và sự chính xác trong cách diễn đạt, vốn vẫn còn tồn tại như một dấu hiệu nổi bật trong ngôn ngữ Ireland.

Dòng kiến thức bản xứ này đã để lại một di sản đáng kể về các truyện thần thoại và lịch sử trong kho tàng văn học dân gian đương đại của Ireland. Những cuộc mạo hiểm của nhà tiên tri kiêm chiến binh Fionn Mạc Cumhaill đã được gán cho nhiều con người của Ireland. Trong câu chuyện này có những chi tiết như cách ông ta có được sự khôn ngoan từ lúc còn bé bằng cách ăn món “cá hồi kiến thức”, việc ông chiến thắng trước những gã khổng lồ và những nhà ma thuật, và việc ông được thông tri về những sự thật trong cuộc sống trong một căn nhà rất kỳ 1ạ. Nhà vô địch Lugh, nguyên là vị thần của người Xen-tơ ở lục địa, đã giết chết ông nội ông ta, vốn là một tên bạo chúa với con mắt khủng khiếp có thể tiêu hủy tất cả mọi thứ mà nó nhìn vào.

Nhiều câu chuyện dân gian tập trung vào những vị thánh bảo hộ của nhiều địa phương khác nhau. Những vị thánh này, vốn là những nhân vật lịch sử của những thế kỷ đầu tiên của đạo Thiên chúa ở Ireland, đã được miêu tả trong các thần thoại như là những người có phép thuật, đã dùng sức mạnh linh thiêng của mình để xua đuổi quái vật, chữa bệnh, và cung cấp thức ăn cho con người lúc cần thiết. Những giếng nước thánh, được gán cho từng vị thánh, vẫn còn phổ biến ở nhiều khu vực, và người ta cầu nguyện tại đó để giải được những căn bệnh về cơ thể và tâm hồn. Những người được trọng vọng nhất là Thánh Patrick, người sáng lập ra các tu viện; là Com Cille; và Brighid, người đã bảo vệ mùa màng và gia súc, có những đặc điểm giống như nữ thần của đất đai thời cổ xưa.

Ireland cũng nổi tiếng với những câu chuyện thần tiên, vốn có những dấu vết của thời kỳ trước khi có đạo Thiên chúa. Những cô tiên trong truyền thuyết của người Ireland là những người xuất thân từ các nấm mồ, và theo niềm tin của người Xen-tơ cổ là những người đã chết đang sống trong một thế giới chói lọi của những ngôi mộ. Theo những câu chuyện dân gian, hàng ngàn những công trình cổ làm bằng đất vẫn còn rải rác ở khắp nơi là chỗ ở của các linh hồn. Và nhiều câu chuyện đã kể lại rằng có những người đã được đưa vào những cung điện ẩn khuất này như là những vị khách để dự những buổi tiệc linh đình.

Nhiều câu chuyện dân gian quốc tế cũng đã tồn tại trong văn học Ireland qua nhiều thế kỷ. Trong số này, những chuyện đơn giản nhất là những câu chuyện nhỏ và kỳ lạ về thế giới động vật với những con cáo, chó sói, chim ưng và chim hồng tước. Bối cảnh của những chuyện này là ở một thời kỳ xa xưa, với những con ngựa thần chiếm được tình yêu của những nàng công chúa, với những chuyện đánh tan các thầy phù thủy, những gã khổng lồ và những con rồng. Nhiều câu chuyện đã được kể lại bởi những khuôn mặt dẫn đầu trong văn học của Ireland như Jonathan Swift và Daniel O’Connell. Ngoài ra Ireland cũng có rất nhiều loại chuyện trào phúng, có gốc gác bản xứ cũng như nước ngoài.

Tôn trọng những người chết cũng là một đặc điểm nổi bật trong nền văn hóa Ireland. Theo truyền thuyết ở đây, bean sí và một hồn ma nữ, thường lên tiếng than khóc cho cái chết sắp đến của một người nào đó. Có rất nhiều niềm tin và nghi thức liên quan đến vấn đề chết chóc và mai táng. Người ta không những chỉ cầu nguyện, mà còn hát, kể chuyện và thậm chí là chơi trò chơi với linh hồn của những người thân đã qua đời, khi đang thức để canh xác chết của người đó. Việc này được coi như để tỏ lòng thành kính với những người quá cố. Mặc dù truyền thống canh xác chết đến nay không còn nữa, nhưng trong những dịp hoan hỉ hơn trong cuộc sống như sinh nhật, đám cưới, người ta cũng vẫn coi như những cơ hội để sinh hoạt cộng đồng và được tổ chức bằng những yến tiệc linh đình.

Những bài thơ cổ ở Ireland thường được ngâm hay hát với tiếng đệm của đàn hạc. Sau thời kỳ Trung cổ, mô típ tình yêu với nhiều màu sắc khác nhau là rất phổ biến trong thơ ca, đặc biệt là với những thể loại diễn đạt sự hòa hợp của môi trường thiên nhiên với những cảm xúc của con người. Rõ ràng là mô típ này được vay mượn từ thơ ca hát rong ở lục địa, qua ngôn ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhưng chẳng bao lâu hình thức này đã được đồng hóa với thơ ca bản xứ để sản sinh ra những bài ca tình yêu có tính chất thương cảm thống thiết mà ngày nay vẫn còn rất phổ biến ở Ireland.

Những bài hát ở Ireland thường tập trung vào việc thể hiện cảm xúc chứ ít khi kể một câu chuyện, do đó truyền thống ca hát chịu ảnh hưởng một phần nào của những bài ca balat của những nước châu Âu khác trong thời kỳ hậu Trung cổ. Những bài balat này có xuất xứ từ Anh và Scotland vào thế kỷ 18 và 19. Chúng được in trên giấy khổ rộng và bán ở các hội chợ hay những nơi đông người, từ đó hình thành cơ sở cho văn học dân gian bằng tiếng Anh.

Những bài hát phổ thông của Ireland được hát không cần đến nhạc đệm, tuy nhiên âm nhạc đã từ lâu trở thành bối cảnh quen thuộc của chúng. Những nhạc cụ xưa nhất là đàn hạc và sáo, nhưng trong những thế kỷ gần đây đàn vi-ô-lông và đàn xếp đã được đưa vào và trở nên thịnh hành. Âm nhạc dân gian của Ireland được chia thành hai loại, một là loại nhạc chậm du dương, hai là nhạc nhảy sống động. Loại nhạc nhảy dựa trên cơ sở những điệu múa phổ thông của Anh và Scotland, cũng như loại nhạc ca-đri do các vũ sư ở các miền quê truyền lại. Quần những đã phát triển các bước nhảy theo dạng khỏe khoắn và linh hoạt hợp với khẩu vị của họ, từ đó ảnh hưởng đến những bài múa truyền thống thường được biểu diễn ngoài trời vào mùa Hạ và mùa Thu, và ở trong nhà khi thời tiết khắc nghiệt.

Lĩnh vực văn học dân gian được thể hiện tốt trong văn hóa truyền thống của Ireland, và minh họa cho những kiến thức thực tế được rút ra từ sự quan sát và kinh nghiệm, kết hợp với những ý tưởng tượng. Ở Ireland, cũng như ở những nơi khác, kiến thức dân gian là một sự hòa trộn giữa thực tế và chất thơ. Thời gian trôi qua, nhà ở và cộng đồng, việc mua bán và các kỹ năng, môi trường thiên nhiên, tất cả đều có những niềm tin gắn liền với chúng.

Hội đồng Văn học Dân gian Ireland được thành lập năm 1935, và qua thời gian tổ chức này đã thu thập được một số lượng lớn những thông tin về mặt dân tộc. Đến nay hội đồng này đã trở thành Ngành Văn học Dân gian tại Đại học Dublin.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2106-02-633492912984218750/Van-hoa---Xa-hoi/Van-hoc-dan-gian.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận