Tài liệu: Ireland - Lao động

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong năm 2002, tổng lực lượng lao động của Ireland là 1,7 triệu người. Trong số lao động này có 7% trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; 29% trong các ngành sản xuất, khai thác mỏ và xây dựng; và 63% thuộc các ngành dịch vụ
Ireland - Lao động

Nội dung

LAO ĐỘNG

Trong năm 2002, tổng lực lượng lao động của Ireland là 1,7 triệu người. Trong số lao động này có 7% trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; 29% trong các ngành sản xuất, khai thác mỏ và xây dựng; và 63% thuộc các ngành dịch vụ. Có khoảng 450.000 lao động ở cả Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland là thành viên của các nghiệp đoàn, vốn và chi nhánh của Công đoàn Ireland. Trong nước cộng hòa có 44% các thành viên của những nghiệp đoàn là phụ nữ.

NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ NGƯ NGHIỆP

Nông nghiệp là một lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế Ireland. Ngành này chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc dân, 7,2% tổng lượng xuất khẩu và 10,3% lực lượng lao động. Trong tổng diện tích đất khoảng 7 triệu héc ta có 5 triệu héc ta, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của Ireland, dành cho các mục đích nông nghiệp. Việc chăn nuôi và vắt sữa các loại gia súc là một hoạt động quan trọng trong ngành nông nghiệp. Số lượng gia súc và các sản phẩm từ gia súc (chủ yếu là sữa) chiếm khoảng 85% tổng sản lượng nông nghiệp. Thịt và các sản phẩm từ thịt cũng nằm trong số các sản phẩm quan trọng của việc xuất khẩu. Cũng quan trọng không kém và việc mua bán các loại gia súc sống, chủ yếu là ngựa, và các sản phẩm từ sữa. Các loại hoa màu chính gồm có lúa mạch, lúa mì, củ cải đường, khoai tây và nấm.

Ireland có ít rừng gỗ có năng suất. Chính quyền đã thực hiện các chương trình tái trồng rừng với mục đích giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào việc nhập khẩu gỗ và cung ứng lượng gỗ cho các nhà máy giấy và các ngành công nghiệp liên quan. Trong năm 2000 rừng chiếm 10% tổng thện tích của Ireland, với sản lượng gỗ là 2,5 triệu mét khối.

Nghề đánh cá, vốn từ trước chưa được phát triển ở Ireland, đến cuối thế kỷ 20 đã mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, các vùng biển quanh Ireland và phần lớn biển của khu vực châu Âu đã bị quá tải trong việc đánh bắt cá, và mức độ đánh cá hàng năm bây giờ phải chịu lệ thuộc vào hạn ngạch do EU đặt ra. Lượng cá Ireland đánh bắt được năm 2001 là 417.244 tấn. Các loại cá biển đánh bắt được gồm có cá trích, cá tuyết, cá thu và cá bơn sao. Các loài giáp xác, đặc biệt là tôm, tôm hùm, tôm pan-đan và các loài thân mềm như sò, ốc mút có rất nhiều ở các vùng biển ven bờ và đã hình thành một lượng lớn trong số xuất khẩu của Ireland. Sông và hồ trong đất liền đã cho rất nhiều cá hồi, lươn, cá pecca, cá chó. Việc nuôi cá, ở cả nước ngọt lẫn nước mặn, ngày càng trở nên quan trọng khi lượng cá thiên nhiên đánh bắt được bị giảm sút.

NGHỀ MỎ

Việc phát hiện ra các mỏ mới ở Ireland vào cuối thế kỷ 20 đã dẫn tới một sự mở rộng đáng kể trong nghề mỏ, mặc dù ngành này vẫn còn đóng một vai trò thứ yếu trong nền kỉnh tế của Ireland. Sản lượng khoáng sản của năm 2002 bao gồm 250.000 tấn kẽm và 44.500 tấn chì. Ireland là nước xuất khẩu hàng đầu về kẽm và chì ở châu Âu. Khí thiên nhiên được khai thác ngoài bờ biển phía Tây Nam, với sản lượng năm 2001 là 815 triệu mét khối. Than bùn được khai thác với số lượng lớn, sử dụng chủ yếu cho nội địa và làm nhiên liệu cho công nghiệp, đồng thời cũng được sử dụng trong nghề làm vườn. Ngoài ra Ireland cũng khai thác được một lượng lớn cát, sỏi và đá sử dụng cho ngành xây dựng.

SẢN XUẤT

Lĩnh vực công nghiệp chiếm ưu thế trong nền kinh tế Ireland, với tỉ trọng 39% GDP, chiếm khoảng 90% tổng lượng xuất khẩu và 29% lực lượng lao động. Trong những năm gần đây mức độ tăng trưởng cao nhất của công nghiệp Ireland đã đạt được trong các lĩnh vực công nghệ cao, nơi thu hút được nhiều sự đầu tư nước ngoài nhờ chính sách khuyến khích về thuế và vị trí của Ireland trong thị trường châu Âu, cũng như nguồn lao động có kỹ năng cao. Trong các nhóm công nghệ cao, sự tăng trưởng cao nhất là ở lĩnh vực máy tính, với nhiều công ty hàng đầu thế giới đã đặt cơ sở tại Ireland. Ngoài ra cũng có sự mở trong sản xuất trong các lĩnh vực như dược phẩm và kỹ thuật. Ngay cả trong các lĩnh vực không phải là công nghệ cao, sản lượng cũng rất khá so với các nước khác trong khối EU. Bản Báo cáo Cạnh tranh Thế giới trong đó xếp hạng 46 nước công nghiệp hóa, đã đặt Ireland ở vị trí thứ 11.

Hiện nay có trên 1.100 công ty quốc tế sở hữu nước ngoài về sản xuất tại Ireland, trong đó có 450 công ty của Mỹ, 175 của Đức và 160 của Vương quốc Anh. Những công ty sở hữu nước ngoài này đã tuyển dụng khoảng 108.000 lao động ở Ireland và chiếm khoảng 70% trong tổng lượng hàng xuất khẩu của đất nước này. Cơ quan Phát triển Công nghiệp đã đặt trọng tâm về sản xuất vào các ngành điện tử, y tế/dược phẩm, phần mềm xử lý thông tin, tiếp thị từ xa và dịch vụ tài chính.

Ireland có một cơ sở công nghiệp rất đa dạng. Một trong những ngành sản xuất quan trọng nhất là chế biến thực phẩm, trong đó có chế biến thịt, các loại thức uống, xay xát ngũ cốc, tinh chế đường và sản xuất các sản phẩm từ sữa.

Những ngành sản xuất chính yếu khác bao gồm hóa chất và dược phẩm, và thiết bị điện và quang học. Ngành sản xuất thiết bị quang học bao gồm cả sản xuất phần cứng và phần mềm máy tính. Vào đầu thập kỷ 2000 có trên 20.000 người làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm, trong đó 90% các sản phẩm phần mềm được xuất khẩu. Hầu hết việc sản xuất phần cứng và phần mềm máy tính được kiểm soát bởi các công ty đa quốc gia, vốn sử dụng Ireland như một cơ sở châu Âu cho việc sản xuất và địa phương hóa của họ.

XUẤT NHẬP KHẨU

Xuất khẩu

Trong năm 1997 lượng xuất khẩu đã lên tới 35 tỉ bảng Anh. Số lượng này chiếm khoảng 73% GDP, một tỉ lệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Những lĩnh vực tăng trưởng chính trong xuất khẩu của Ireland và các ngành sản xuất máy tính, máy móc dùng điện, hóa chất và dược phẩm.

Những thị trường xuất khẩu chính của Ireland là Vương quốc Anh với tỉ lệ 24,3%, Đức với tỉ lệ 12,5%, Pháp với tỉ lệ 7,9%, Hà Lan với tỉ lệ 6,8%, Bỉ và Luxembourg với tỉ lệ 5%, Ý với tỉ lệ 3,3%, các nước khác trong EU với tỉ lệ 6,8%, Mỹ với tỉ lệ 11,4% và Nhật Bản với tỉ lệ 3,2%.

Trong năm 2002 lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Ireland đã lên đến 121 tỉ bảng Anh, chiếm tỉ trọng trên 90% so với GDP. Những lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu chính cũng giống như trong năm 1997.

Trong năm này, những thị trường xuất khẩu chính của Ireland và Vương quốc Anh với tỉ lệ 22,1%, Mỹ với tỉ lệ 17,5%, Bỉ với tỉ lệ 14,4%, Đức với tỉ lệ 7,2%, Pháp với tỉ lệ 5% và Nhật Bản với tỉ lệ 2,8%.

Nhập khẩu

Trong năm 1997 lượng hàng hóa nhập khẩu của Ireland chiếm trị giá 25,9 tỉ bảng Anh, khoảng 54% GDP. Những nước chính mà Ireland nhập khẩu là Vương quốc Anh với tỉ lệ 33,9%, Đức với tỉ lệ 6%, Pháp với tỉ lệ 4,7%, Hà Lan với tỉ lệ 3,2%, Bỉ và Luxembourg với tỉ lệ 1,1%, Ý với tỉ lệ l,8%, các nước khác trong EU với tỉ lệ 4,6%, Mỹ với tỉ lệ 15% và Nhật Bản với tỉ lệ 6,9%.

Trong năm 1997 Ireland có mức thặng dư là 1.362 triệu bảng Anh trong cán cân chi phó. Số lượng này chiếm tỉ 1ệ gần 3% của GDP và chủ yếu xuất phát từ thặng dư trong mậu dịch hàng hóa.

Trong năm 2002 lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu của Ireland là 97 tỉ bảng Anh, chiếm khoảng 80% GDP. Những nước chính mà Ireland nhập khẩu là Vương quốc Anh với tỉ lệ 34%, Mỹ với tỉ lệ 15,4%, Đức với tỉ lệ 6,3%, Pháp với tỉ lệ 4,7%, Hà Lan với tỉ lệ 4% và Nhật Bản với tỉ lệ 3,6%.

Cán cân chi phó của Ireland trong vòng từ 1992 đến 2000 đều có mức thặng dư. Điều này chủ yếu nhờ vào mức thặng dư trong mậu dịch hàng hóa, với lượng xuất khẩu đã chiếm được một thị phần đáng kể do tính cạnh tranh của hàng hóa của nước này. Kể từ thời gian đó, trong năm 2001 và 2002 cán cân chi phó có bị thiếu hụt, nhưng không vượt quá mức 0,5% của GDP.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2105-02-633492339423125000/Kinh-te/Lao-dong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận