Tài liệu: Ireland - Cộng hòa Ireland (1949 - )

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vào ngày thứ Hai Phục sinh, ngày 18 tháng 4 năm 1949, là ngày kỷ niệm của cuộc Nổi dậy Phục sinh, Éire đã tự công bố là nước Cộng hòa Ireland, hoàn toàn độc lập đối với vương quyền Anh Quốc và không còn là thành viên của Khối Thịnh vượng chung nữa
Ireland - Cộng hòa Ireland (1949 - )

Nội dung

CỘNG HÒA IRELAND (1949 - )

Vào ngày thứ Hai Phục sinh, ngày 18 tháng 4 năm 1949, là ngày kỷ niệm của cuộc Nổi dậy Phục sinh, Éire đã tự công bố là nước Cộng hòa Ireland, hoàn toàn độc lập đối với vương quyền Anh Quốc và không còn là thành viên của Khối Thịnh vượng chung nữa. Đến tháng 5, quốc hội Anh Quốc đã công nhận nước Cộng hòa Ireland, nhưng tuyên bố rằng 6 hạt ở Bắc Ireland không thể bị cắt ra khỏi Vương quốc Anh nếu như không có sự đồng ý của quốc hội ở Bắc Ireland.

Sự chuyển đổi từ nước Éire thành nước Cộng hòa Ireland có một tầm quan trọng rất lớn, đánh dấu sự thành công đối với một mục tiêu mà nhiều thế hệ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ireland đã theo đuổi. Vương quốc Anh đã cho Ireland duy trì những quyền lợi kinh tế như một thành viên của Khối Thịnh vượng chung, và cho những công dân Ireland đang sống ở Anh những quyền hạn giống như các công dân của Anh Quốc. Tuy nhiên, sự chia cắt đất nước của lreland đã làm cho mối quan hệ với Vương quốc Anh thêm căng thẳng. Nước cộng hòa này cũng từ chối không gia nhập Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì điều này có thể sẽ dẫn tới việc phải liên minh quân sự với Vương quốc Anh.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước cộng hòa vào năm 1951, De Valera trở lại chức vụ thủ tướng. Việc De Valera sẵn sàng chấp nhận một nước cộng hòa Ireland độc lập mà không bao gồm 6 hạt của Bắc Ireland đã khơi dậy những sự phản đối của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Trong thập kỷ 1950 IRA đã tổ chức những cuộc tấn công và mai phục dọc theo biên giới Bắc Ireland. De Valera buộc phải có hành động đàn áp đối với IRA, đồng thời cũng phản đối tình hình tiếp tục chia cắt đất nước.

Tuy nhiên, điều còn gây áp lực nhiều hơn vấn đề chia cắt là những vấn đề kinh tế và xã hội đang ám ảnh nền cộng hòa. Đặc biệt nghiêm trọng là việc mất đi các thanh niên, vốn vẫn liên tục bỏ nước ra đi với số lượng hàng chục ngàn người mỗi năm để tìm những cơ hội tốt hơn tại Vương quốc Anh và tại Mỹ. Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ những người làm nông nghiệp, đồng thời để ngăn chặn làn sóng các nông dân đến thành phố và di cư ra nước ngoài, chính quyền De Valera đã bắt đầu một chương trình điện khí hóa nông thôn và xúc tiến các biện pháp kích thích nền công nghiệp địa phương.

BÌNH ỔN VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mặc dù sự lạm phát và mất cân đối trong mậu dịch vẫn tiếp tục gây rắc rối cho nền kinh tế, Ireland đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc bình ổn kinh tế trong suốt thập niên 1950 và 1960. Nước cộng hoà này đã dần dần bãi bỏ chính sách bảo hộ công nghiệp để hướng vào việc qui hoạch lâu dài, nhắm vào sự nuôi dưỡng một sự mở rộng kinh tế và mậu dịch quốc tế. Một khuôn mặt chính trong chiến lược này là cán bộ T. G. Whitaker, với những ý tưởng được thể hiện trong một tập nghiên cứu xuất bản vào nhiệm kỳ cuối cùng của De Valera, từ 1957 đến 1959. Người kế nhiệm chức thủ tướng của De Valera là Sean Lemass, đã tiến hành những cuộc cải cách của Whitaker. Dưới chính quyền Lemass người ta đã phác họa kế hoạch năm năm cho sự phát triển kinh tế, trong đó bao gồm những khích lệ về thuế đối với những nhà đầu tư nước ngoài và sự thúc đẩy đối với lĩnh vực xuất khẩu của Ireland.

Đến năm 1964, khi hoàn tất kế hoạch năm năm lần thứ nhất, sự mở rộng kinh tế của Ireland đã gấp đôi mục tiêu tăng trưởng dự kiến. Một phần nhờ vào kết quả của kế hoạch này, mức tăng trưởng kinh tế đã gia tăng từ khoảng 1% của thập kỷ 1950 lên trên 4,5% của thập kỷ 1960. Trong thời gian này hàng trăm nhà máy mới đã tổ chức sản xuất ở Ireland, hầu hết đều có một phần sở hữu nước ngoài. Sự gia tăng đột ngột trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đi đôi với việc giảm số người di cư ra nước ngoài, đã duy trì suốt hơn một thế kỷ.

SỰ PHÁT TRIỂN CHÍNH TRỊ

Sự chuyển biến kinh tế của Ireland cũng liên quan đến việc xác định lại quan điểm về mối quan hệ của Ireland với đối tác mậu dịch lớn hơn là Vương quốc Anh. Một khía cạnh quan trọng của sự thay đổi này là sự phản kháng ngày một gia tăng đối với IRA, một lực lượng mà các hoạt động khủng bố của nó được nhiều người coi là làm hại cho mối quan hệ Ireland-Anh Quốc, và có thể là kéo dài sự chia cắt của hòn đảo này. Ngay từ năm 1957 thủ tướng Ireland là John Costello đã có hành động quyết liệt đối với IRA. De Valera, người kế vị Costello sau cuộc bầu cử năm 1957, đã đồng ý một cách công khai rằng sự thống nhất của Ireland với Bắc Ireland không thể đạt được bằng vũ lực.

Trong suốt thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970, dưới thời thủ tướng Lemass và người kế vị của ông là Jack Lynch, Ireland đã nuôi dưỡng những mối quan hệ gần gũi hơn với Vương quốc Anh và phần còn lại của châu Âu. Khi Vương quốc Anh thu nhận thành viên cho khối Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1961, nước Cộng hòa Ireland, vốn lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Anh về xuất khẩu nông nghiệp, đã không có chọn lựa nào khác hơn là gia nhập vào khối này. Năm 1965 Vương quốc Anh đã bỏ tất cả các loại thuế đánh vào hàng hóa của Ireland, và Ireland đã đồng ý cũng làm như vậy với nước Anh trong thời gian 15 năm. Năm 1973, sau vài lần do dự, Ireland và Vương quốc Anh đã gia nhập khối Cộng đồng Châu Âu (EC), một tổ chức hậu thân của EEC.

Sự thịnh vượng ngày một gia tăng của nước cộng hòa này đã kích thích cho những thay đổi sâu rộng về xã hội, văn hóa và chính trị của Ireland. Việc tiêu dùng đã tăng lên, và nhiều người Ireland đã bắt đầu đòi hỏi những giá trị truyền thống, trong đó có việc giảng dạy của nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã. Cùng lúc đó, chủ nghĩa dân tộc Ireland đã trở nên ít quan trọng về mặt chính trị hơn là những vấn đề kinh tế và xã hội, dẫn tới những sự căng thẳng mới về ý nghĩa của tính cách Ireland.

Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, khi những người Thiên chúa giáo và người Tin lành ở Bắc Ireland gây chiến với nhau, thủ tướng Lynch đã áp dụng một chính sách từ từ nhằm mục đích thống nhất Ireland. Ông đã dần dần hạn chế sự hoạt động của IRA, vốn đã dùng Ireland làm căn cứ để tấn công miền Bắc, và làm cho nước cộng hòa này trở nên vô tôn giáo. Năm 1972 cử tri Ireland đã đồng tình với một sửa đổi trong hiến pháp, nhằm thủ tiêu vị trí đặc biệt của nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã ở Cộng hòa Ireland.

Một sự liên minh giữa đảng Fine Gael và đảng Lao động đã chiếm được đa số phiếu vào cuộc bầu cử năm 1973, và người lãnh đạo của Fine Gael là Liam Cosgrave trở thành thủ tướng. Năm 1977 Fianna Fáil nắm quyền trở lại với một chính quyền do Lynch cầm đầu. Đến năm 1979 ông ta được Charles Haughey thay thế.

Trong khoảng cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980 chính quyền Ireland phải đương đầu với một số vấn đề khó khăn, trong đó có sự khủng bố gia tăng ở miền Bắc và một nền kinh tế bị yếu đi tạo ra nạn thất nghiệp, một sự thâm thủng lớn trong ngân sách và nợ nước ngoài gia tăng. Một liên minh chính quyền do Garret FitzGerald, lãnh tụ của Fine Gael, cầm đầu, đã nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 1981. Sau đó, cuộc bầu cử không có kết quả cuối cùng vào năm 1982 đã đưa Haughey lên nắm quyền, nhưng rồi đến cuộc bầu cử vào cuối năm 1982 đã đưa FitzGerald trở lại.

Năm 1985 FitzGerald đã ký bản Hiệp định Anglo-Ireland với Vương quốc Anh, một văn bản thỏa ước cho Cộng hòa Ireland vai trò cố vấn trong việc cai trị ở Bắc Ireland. FitzGerald đã giữ chức thủ tướng cho đến năm 1987, khi ông được Haughey thay thế. Mức lạm phát và thuế má cao, cùng với sự thâm thủng ngân sách lớn, đã giảm bớt khi Haughey cắt giảm mạnh những chi tiêu cho phúc lợi xã hội vào năm 1987, và sự tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu của Ireland đã giúp giảm bớt nợ nước ngoài của đất nước này trong khoảng giữa và cuối thập niên 1980.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2093-02-633492255829062500/Lich-su/Cong-hoa-Ireland-1949---.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận